Xúc phạm

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Nhiều ông chồng, bà vợ luôn trở thành kẻ “tội đồ” của chính chồng hay vợ chỉ vì một chút sai sót. Nhiều người, khi chồng/vợ làm một việc gì đó không vừa ý mình là sẵn sàng buông lời trách mắng, chê bai mà không nghĩ đến cảm giác của người bạn đời lúc đó. Họ không biết, những lời trách mắng đó không chỉ xúc phạm đến chồng/vợ mà còn làm tổn thương tình cảm vợ chồng, vô tình có thể dẫn đến đổ vỡ hôn nhân.

“Anh đúng là đồ vô tích sự”. Đã không ít lần anh Thanh Phong (kỹ sư xây dựng) nghe vợ phán như thế khi chị không hài lòng với việc anh làm. Mỗi lần bị chê là mỗi lần anh cố nuốt cục tức vào lòng, nín nhịn cho êm nhà ấm cửa.

BỰC LÀ QUÁT!

Giữa tháng 7/2011, Tòa án nhân dân Q.12, TP.HCM thụ lý một vụ ly hôn mà nguyên nhân hết sức đơn giản: vợ không tôn trọng và thường xuyên dùng những lời lẽ “chợ búa” xúc phạm chồng. Anh kể, trong mắt chị anh luôn là thằng đàn ông… bỏ đi. Việc gì anh làm cũng luôn bị vợ chê trách, mắng mỏ, kết tội. Mỗi ngày anh thường dắt xe cho chị đi làm nhưng hôm nào anh quên hay chưa kịp dắt là bị chị chê lười nhác; anh đón con trễ, chị mắng anh là đồ ham ăn ham nhậu bỏ mặc con cái, dù anh trễ vì bận công việc. Máy tính của chị bị hỏng, anh không sửa được, chị “mát mẻ” anh có phải là đàn ông không? Nhiều lần ngay trước mặt con cái, chị cũng bảo anh nên... mặc váy sẽ phù hợp hơn chỉ vì anh không sửa được ống nước, thay bóng đèn hay làm vệ sinh máy lạnh. Những lần như vậy anh đều nhẫn nhịn nhưng chị ngày càng quá đáng, coi anh không ra gì. Ngay cả những việc anh làm tốt chị cũng kiếm cớ để chê chua chê mặn.

Chị Anh Thư (giao dịch viên ngành ngân hàng) cũng năm lần bảy lượt đòi ly hôn vì không chịu nổi sự xúc phạm của anh Hoàng Hải, chồng chị. Lúc mới cưới, vợ chồng chị cũng rất hòa hợp và tôn trọng nhau, đến khi chị sinh đứa con đầu lòng anh mới “đổi tính”. Do sinh thiếu tháng, lại bị trào ngược thực quản nên đứa bé thường xuyên bị nôn trớ. Mỗi bận thấy con trớ anh lại mắng chị là đồ đàn bà hư, không biết chăm con. Anh đổ lỗi tại chị cho bú nhiều làm bé bị trớ mà không hề nghĩ đến bệnh lý của đứa trẻ. Con bệnh nên hay khóc quấy, chị dỗ không nín anh lại quát chị: “Việc nhỏ thế không làm được thì còn sống chi  nữa hở trời?”. Anh không phụ chị chăm con, nhưng chị làm việc gì liên quan đến đứa bé cũng phải theo sự chỉ đạo của anh. Chỉ cần chị sai một ly là lãnh đủ mọi từ ngữ mạt sát khó nghe nhất.

Khi con gái vào lớp 1, chị Thanh Thúy (kế toán một công ty kinh doanh bất động sản) muốn con học đúng tuyến cho gần nhà để tiện đưa đón nhưng anh Mạnh Cường, chồng chị, thì muốn con vào trường điểm để nở mày nở mặt. Nghe anh, chị chạy ngược chạy xuôi mà vẫn không xin được cho con vào trường điểm. Đến ngày tựu trường, con bé ôm cặp vào “trường làng”, anh mắng vợ là đồ vô tích sự. Chị đi ăn tiệc cưới quên mang theo thiệp mời, bất kể trước mặt bàn dân thiên hạ anh vẫn cứ mắng chị xối xả, nào là đồ hậu đậu, có việc cỏn con cũng chẳng xong. Chị đi uống cà phê với bạn bè anh chỉ trích chị đàn đúm, ăn chơi. Chị đã tốt nghiệp đại học trong khi anh chỉ có trình độ trung cấp nghề. “Lệch pha” nhưng chị không bao giờ tỏ ra coi thường chồng, trái lại, anh tìm mọi cách bêu riếu chị xài bằng giả.

GIỮ MIỆNG ĐỂ GIỮ TÌNH

Không phải ai cũng thích phán xét, chê bai, xúc phạm người khác mà đôi khi sự chê bai chỉ là hiện tượng bộc phát khi cảm thấy nhu cầu của mình chưa được thỏa mãn. Nhiều ông chồng, bà vợ khi mắng vợ/chồng mình xong thậm chí còn không nhớ mình đã nói những gì. Chỉ có “nạn nhân” là bị tổn thương và tích tụ sự bức bối trong lòng. Những ấm ức dồn nén đó lâu ngày trở thành u nhọt, làm tổn thương nghiêm trọng tình cảm vợ chồng.

Minh hoạ: NOP

Như trường hợp của đôi vợ chồng đưa nhau ra TAND Q.12 đã nói ở trên, khi anh chồng huyên thuyên kể tội vợ với chủ tọa thì chị vợ trố mắt ngạc nhiên nhìn chồng như nhìn người ngoài hành tinh. Thậm chí, chị còn buột miệng “có vậy mà cũng đòi ly dị”. Theo lời người vợ, sở dĩ chị chỉ trích chồng là muốn giúp anh tiến bộ hơn bởi chị đã ngán cái cảnh việc lớn nhỏ gì chồng cũng gọi thợ đến sửa chữa. Chị không ngờ những lời nói của mình lại làm chồng tổn thương đến nỗi phải nộp đơn ra tòa xin ly hôn.

Mỗi bận chị Anh Thư viết đơn xin ly hôn thì anh Hoàng Hải lại xuống nước năn nỉ vợ. Nhưng, đơn xé đi rồi thì đâu lại vào đấy, khi cáu lên anh vẫn tiếp tục dùng những lời lẽ thô tục xúc phạm vợ. Theo chị, ngày thường anh vẫn là người chồng tốt, chăm lo cho gia đình chu đáo, không rượu chè, cờ bạc, trai gái, chỉ có mỗi tội là thích kết tội và mắng nhiếc vợ khi lên cơn bực tức. Chính thái độ thiếu tôn trọng, xúc phạm vợ của anh làm chị ngày càng căng thẳng, mệt mỏi. Dần dà chị chẳng còn tâm trí tập trung vào công việc, đến cả việc chăm lo nhà cửa, con cái cũng không tha thiết.

Theo chị Thanh Thúy, sở dĩ anh Mạnh Cường thường chê bai vợ là do anh tự ti vì thua kém vợ về học vấn. Anh chê trách vợ chỉ nhằm thỏa mãn tự ái của mình. Chị luôn phân biệt rõ khi nào chồng xúc phạm thật thì “đấu tranh” góp ý, khuyên nhủ, kể cả “đe dọa” để chồng thay đổi. Còn khi nào anh chỉ vì tự ti, mặc cảm mà sinh chuyện với vợ thì chị an ủi, động viên chồng. Dù hiểu rõ bản chất của sự việc và luôn có biện pháp cả cứng cả mềm để đối phó với chồng nhưng chị vẫn không tránh khỏi cảm giác buồn chán, ấm ức trong lòng mỗi khi bị chồng quát mắng; thậm chí có lúc chị đã cũng muốn tung hê hết mọi thứ cho hả giận.

Thông thường sự kết tội, xúc phạm chồng hay vợ chỉ là hành động bộc phát trong một sự việc cụ thể nên nhiều người ít nghĩ đến hệ lụy của nó. Họ không nghĩ, những lời chỉ trích đó có sức lan tỏa đến từng ngõ ngách trong tâm trí của “người bị kết tội”, lâu dài sẽ dẫn đến sự nguội lạnh trong quan hệ vợ chồng. Còn người bị xúc phạm thường khi lại nín nhịn cho qua để êm ấm nhà cửa, không có thái độ hợp lý và đúng mực để “chấn chỉnh” người kia.

Từng là á khôi của trường ĐH sư phạm, Thùy Linh có nhiều người theo đuổi, nhưng cô vẫn chọn Trung - người bạn thân từ thời trung học. Quen biết lâu năm là thế mà sau ngày cưới Linh mới cay đắng nhận ra chồng mình có tật nói năng rất lỗ mãng. Hiểu bản chất Trung là người tốt, Linh quyết tâm “thay đổi” chồng. Linh đã vận dụng sự dịu dàng để “đối đầu” với những lời lỗ mãng của chồng ví dụ như Linh thường hỏi lại chồng. Có khi cô còn tận dụng sự hài hước: “Chồng đẹp trai sao ăn nói khó nghe quá hà”, hay nửa thật nửa đùa: “Cho anh nói lại lần nữa đó. Nặng lời với nhau là xử đẹp đó nha”. Tất nhiên, chẳng dễ thay đổi một con người, nhưng cứ mỗi ngày một chút, Linh đã dần biến một Trung từ một người nghĩ gì nói nấy, gặp chuyện gì cũng quát trở thành một người đàn ông chừng mực, ôn hòa hơn trong cách nói năng, ứng xử. Sự thay đổi ấy không chỉ được người thân và bạn bè anh công nhận mà cấp trên trong cơ quan anh cũng đánh giá cao. Ngày Trung được đề bạt lên chức giám đốc nhân sự của một công ty liên doanh, anh đã dành riêng một bó hoa tặng vợ, như thầm gửi lời cảm ơn về những gì vợ đã dành cho mình.

Meo.vn (Theo PNO)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Xúc phạm (https://www.meo.vn/xuc-pham.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *