Vượt qua biến động giá cả: Kế của các bà nội trợ

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Đi chợ mỗi ngày một giá khiến người tiêu dùng có cảm giác như bị móc túi. Giải pháp chi tiêu nào trong thời giá cả biến động cho hợp lý?

 

Tại buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB Người tiêu dùng nữ Hà Nội, các bà nội trợ tranh luận sôi nổi về gánh nặng chi tiêu trước cơn bão giá như hiện nay. Nhiều kế sách đối phó được chia sẻ.
Thay đổi cách ăn

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi
Chủ nhiệm CLB Người tiêu dùng nữ Hà Nội.
Để tiết kiệm chi tiêu, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm CLB Tiêu dùng nữ Hà Nội gợi ý các gia đình nên nấu ăn sáng tại nhà vừa tiết kiệm, vệ sinh, lại rẻ. Bữa trưa ai nhà gần thì về ăn cơm. Có nhà nấu bữa sáng, bữa trưa luôn để đỡ tốn gas và thời gian sau đó làm nóng thức ăn bằng lò vi sóng, nồi ủ...
Đi chợ nên thay đổi món cho phù hợp túi tiền. Nếu đã có món canh đắt tiền, thì món mặn, món xào cần rẻ hơn. Nếu trước kia mua cá trắm đen, cá quả kho tộ, nấu canh chua thì nay đổi thành cá rô con, cá rô phi. Món đùi gà chiên trước mua cả cân, nay giá đắt gấp đôi thì mua 1/2kg, chặt nhỏ, nêm hơi mặn là được bữa cơm.
Bà Trần Thị Sương, Tổ trưởng CLB Tiêu dùng nữ Hà Nội cho rằng: Muốn tiết kiệm cần giáo dục dinh dưỡng cho mọi người trong gia đình thay đổi cung cách ăn. Nên tính lượng calo cần thiết cho 1 ngày cho từng người và ăn đúng như vậy. "Gia đình tôi đã thay đổi quan niệm ăn uống. Vào bữa tôi luộc lên đĩa rau, bí, su su chấm muối vừng ăn vã trước. Sau đó mỗi người ăn 1 bát cơm với ít thịt, miếng cá nhỏ... Bát 2 sẽ chan tí canh là xong"- bà Sương chia sẻ.
Biện pháp sử dụng thức ăn thay thế cũng được nhiều thành viên hưởng ứng. Chẳng hạn trong khi giá gạo Bắc Hương là 17.000đ/kg thì thi thoảng nên thay thế gạo bằng các thức ăn khác như ngô, khoai, bột mì. Vì theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong bột mì có nhiều protein hơn gạo; trong ngô vàng có nhiều caroten; trong khoai lang và khoai tây có nhiều vitamin C là những chất dinh dưỡng ở gạo không có.
Ngoài ra, có thể dùng đậu tương thay thế thịt động vật vì hàm lượng protein ở trong đậu tương tương đương với protein động vật. Đậu tương còn chứa các isoflavon có tác dụng phòng chống ung thư và có nhiều acid linoleic có tác dụng phòng chống tăng cholesterol trong máu.
Lên danh sách mua sắm hợp lý để tiết kiệm chi tiêu trong thời kỳ khó khăn.Ảnh: Trà Giang
Lên danh sách những thứ cần mua
Biện pháp tiết kiệm, giảm bớt chi tiêu được các bà nội trợ đề cập đến nhiều nhất. Theo bà Quỳnh Chi, nên lập một danh sách những thứ cần mua rồi loại trừ dần những vật dụng chưa thật cần thiết. Ưu tiên các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày. Khi mua sắm nên chọn lọc kỹ, giảm sắm các tiện nghi đắt tiền, đồ ít dùng.  Nên hạn chế mua sắm quần áo. Gia đình có trẻ em nếu có thể nên xin đồ cũ về dùng vì chúng lớn nhanh, còn mua quần áo mới của trẻ giá rất đắt.
Nên mua đồ ăn ở chợ đầu mối. Hiện các chợ đầu mối đều bán cho khách lẻ với giá chỉ bằng 2/3 hoặc 1/2 so với giá chợ cóc. Các điểm bình ổn giá của siêu thị giá cũng rẻ hơn thị trường 5 - 15%. Nếu chịu khó đi mua đồ ăn tại các địa điểm này cũng có thể tiết kiệm được 25.000 - 30.000đ tiền chợ mỗi ngày.
Hiện nhiều người nội trợ còn truyền nhau kinh nghiệm bỏ bớt cây hoa, cây cảnh để trồng rau xanh, rau mầm, bầu bí... trên tầng thượng. Có điều kiện nữa thì nuôi gà vừa tiết kiệm cơm thừa, canh cặn, vài tháng có thể làm thịt, hoặc có trứng ăn.
Đi lại nên đi xe buýt. Đun nấu nên mua bếp từ, đun nhanh, giảm điện, gas. Tận dụng lò vi sóng cũng tiết kiệm được nhiều gas và điện.
Các bà nội trợ về hưu còn rủ nhau đi mua hàng tập thể ở siêu thị bán buôn Metro. Các bà lên kế hoạch mua sắm, tổng hợp lại và cử người đi mua từ bột giặt, sữa tắm, giấy ăn, dầu ăn, nước mắm, giấy vệ sinh, dầu gội, nước rửa bát... Mua chung về chia lại cho các nhà cũng rẻ hơn được vài ngàn mỗi món. Các bà còn "săn" ngày vàng, giờ vàng để sắm đồ.
Theo bà Quỳnh Chi, mỗi gia đình nên có sổ nhật ký chi tiêu. Người phụ nữ có thể tự viết hoặc download miễn phí phần mềm quản lý tài chính gia đình để quản lý tài khoản cá nhân, cảnh báo nếu tài chính gia đình ở mức độ báo động... để chủ động kiểm soát tiền bạc.
Mẹo tiết kiệm trong nhà
- Nên mua thực phẩm hạ giá, dùng thẻ giảm giá;
- Đi chợ, siêu thị chỉ mang vừa đủ tiền để giảm ham muốn mua sắm;
- Chia từng khoản tiền nhỏ để tiện quản lý chi tiêu;
- Nên mặc cả để mua được rẻ vài giá;
- Trong nhà nên dùng các bóng đèn compact, tắt điện đồ gia dụng khi không dùng đến.

 

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Vượt qua biến động giá cả: Kế của các bà nội trợ (https://www.meo.vn/vuot-qua-bien-dong-gia-ca-ke-cua-cac-ba-noi-tro.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *