Viêm mũi ở trẻ sơ sinh có thể nguy hiểm

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Ở bé mới sinh, triệu chứng viêm mũi có thể chỉ do cảm lạnh thông thường, nhưng cũng có thể vì bé đã nhiễm mầm bệnh lậu, giang mai từ mẹ.

Viêm mũi cấp thông thường

Đây là dạng viêm mũi do cảm lạnh, hay gặp khi chuyển mùa, lan truyền nhanh, thường do virus. Thoạt tiên trẻ bị ngứa mũi, hắt hơi từng tràng hoặc từng cái một, sốt khoảng 39 độ C. Ban ngày trẻ nằm lịm, ban đêm quấy khóc, bắt mẹ phải bế luôn trên tay.

Ở trẻ mới sinh, mũi dễ bị tắc do lỗ mũi rất nhỏ trong khi trẻ chưa có thói quen thở bằng miệng nên rất dễ bị khó thở, quấy khóc, có hiện tượng co kéo ở ức. Hai hốc mũi trẻ sung huyết đỏ và ứ đọng nhiều dịch. Trẻ khó bú vì mỗi lần ngậm vú là ngạt thở, tím tái; hoặc bỏ bú ra giãy giụa và khóc thét lên. Bệnh nhi hay bị đi ngoài, nôn trớ và gầy tọp đi.

Bệnh kéo dài độ 3-5 ngày thì giảm; mũi bớt chảy, thở thông, nhiệt độ trở lại bình thường; nhưng triệu chứng tiêu chảy và nôn còn kéo dài thêm độ 2 ngày nữa. Bệnh hay gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm tai xương chũm cấp diễn với hội chứng nhiễm độc thần kinh, phế quản phế viêm, áp xe thành sau họng.

Cách điều trị đầu tiên là làm thông thoáng hai hốc mũi. Mũi có thông thì sức đề kháng của niêm mạc mới phục hồi và trẻ mới bú được. Làm sạch dịch nhày trong mũi và nhỏ thuốc co mạch như adrénaline 0,1%. Kháng sinh không có tác dụng đối với loại viêm mũi này.

Phòng bệnh cho trẻ bằng cách giữ ấm, tránh để trẻ chơi ở nơi có gió lùa. Không nên để người lạ bế trẻ và hôn hít nhiều.

Viêm mũi do lậu

Vi khuẩn lậu từ âm đạo của mẹ vào mũi và mắt của trẻ sơ sinh, gây ra viêm mũi, mắt sau đẻ. Bệnh bắt đầu 3-4 ngày sau khi ra đời. Hai lỗ mũi và môi trên sưng vều và đỏ. Mủ vàng xanh và đặc chảy từ trong mũi ra. Mũi hoàn toàn tắc tịt.

Trẻ sốt 39-40 độ C, không bú được và gầy tọp đi, hai mí mắt sưng mọng và không mở ra được. Mủ rỉ ra từ hai khóe mắt, màng tiếp hợp đỏ và phù nề.

Viêm mũi bạch hầu

Bệnh diễn biến âm thầm và dẫn đến nhiễm độc hoặc suy mòn. Bệnh nhân bị tắc mũi hai bên, chảy dịch nhầy có lẫn máu. Cửa mũi trước và môi trên bị loét nông, có đóng vảy. Đôi khi sờ thấy hạch nhỏ ở cổ, di động và nắn đau. Giả mạc mũi ít khi quan sát được rõ, có màu trắng xám, dai, khó bóc và khi bóc dễ bị chảy máu. Giả mạc lan rộng tới tận vòm họng, vào họng và thanh quản...

Trẻ sốt không cao, nhưng da tái nhợt, người mệt mỏi, biếng chơi, bú ít. Trước tình trạng đó, nên đem dịch mũi đi xét nghiệm tìm vi khuẩn bạch hầu.

Viêm mũi giang mai

Thường bắt đầu khoảng 30 ngày sau khi ra đời. Bệnh nhi không sốt, không đau mà chỉ thấy ngạt tắc mũi ngày càng tăng. Dịch mũi chảy ra rất tanh hôi và đôi khi lẫn máu. Khám cửa mũi trước thấy có những vảy nâu che lấp những vết nẻ. Môi trên sưng vều và đỏ.

Có thể có những sẩn, ban đỏ giang mai ở gan bàn tay, gan bàn chân, mông và những vết loét giang mai ở miệng.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Những tin tức liên quan

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Viêm mũi ở trẻ sơ sinh có thể nguy hiểm (https://www.meo.vn/viem-mui-o-tre-so-sinh-co-the-nguy-hiem.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *