Về ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam: Hy vọng lớn cho bệnh nhân tim nặng

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Sau nhiều ngày chuẩn bị, ngày 17/6, các cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện 103, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã thực hiện thành công ca ghép tim đầu tiên tại Việt Nam.

Ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam

Tiếp chúng tôi sau nhiều ngày căng thẳng và hồi hộp, Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y không giấu nổi niềm vui. Giáo sư cho biết, để có được thành công ngày hôm nay, tập thể thầy thuốc nơi đây đã phải tích cực chuẩn bị trong một thời gian dài.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm và tặng quà bệnh nhân sau ca ghép tim.

Tháng 4/2009, trong khuôn khổ Chương trình nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng, Học viện Quân y vinh dự được giao nhiệm vụ thay mặt ngành y tế Việt Nam chủ trì thực hiện đề tài 'Nghiên cứu triển khai ghép tim trên người lấy từ người cho chết não'. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban giám đốc Học viện Quân y đã họp xác định đây là trọng trách nặng nề nhưng hết sức vẻ vang và phải quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo thành công thiết thực kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2010.

Công việc đầu tiên trong công tác chuẩn bị là tu sửa, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong điều kiện còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng toàn học viện đã dồn tâm, dồn sức cho công việc đầy ý nghĩa này. Thiếu tướng, GS.TS. Nguyễn Tiến Bình cho biết: Chúng tôi có danh sách khoảng 70 bệnh nhân bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ 4 và thường xuyên theo dõi, kiểm tra số bệnh nhân này qua các kênh thông tin. Nhưng danh sách các bệnh nhân cứ vơi dần sau mỗi lần kiểm tra định kỳ... Mỗi lần như vậy, lòng người thầy thuốc lại đau nhói và càng đau đáu, quyết tâm phải làm cách nào nhanh nhất cứu người bệnh.

Thời khắc đã điểm: Đúng 9h, ca ghép tim trên người đầu tiên ở Việt Nam được tiến hành.

Bệnh nhân được ghép tim là anh Bùi Văn Nam, 48 tuổi (quê ở thôn 4, đội 4, xã Trực Thái, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) bị bệnh cơ tim thể giãn, suy tim độ 4. Cuộc phẫu thuật thành công tốt đẹp sau đúng 1giờ 55 phút, cảm giác mừng vui vỡ oà khi đội ngũ thầy thuốc nhìn trên màn hình sóng điện tim của bệnh nhân hoạt động trở lại. Ngay sau mổ, bệnh nhân đã được chuyển vào khu chăm sóc đặc biệt.

Thành công bước đầu của ca ghép tim trên người tại Học viện Quân y không chỉ khẳng định kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm cao của đội ngũ thầy thuốc Học viện mà đó còn là thành công của ngành y tế Việt Nam với sự giúp đỡ nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi của các bộ, ban, ngành liên quan. Đó còn là kết quả từ sự hợp tác giúp đỡ tận tình, hiệu quả của các chuyên gia thuộc Bệnh viện Cheng Hsin, Đài Loan (Trung Quốc). Hơn thế, theo chúng tôi, để thực hiện được những ca ghép tạng nói chung và ghép tim nói riêng thì phải có người tự nguyện hiến tạng, hiến tim. Người chết tình nguyện hiến tạng để cứu sống người khác - đó là việc làm cao cả, nhân đạo và rất đáng được tôn vinh.

Nhu cầu ghép tim và khả năng cung ứng tim ghép tại Việt Nam

Đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước 'Nghiên cứu ghép tim thực nghiệm, tiến tới ghép tim trên người tại Việt Nam' do Học viện Quân y chủ trì đã đặt ra nội dung điều tra khảo sát về nhu cầu ghép tim cũng như khả năng cung ứng về tim ghép tại một số bệnh viện lớn của 3 khu vực tiêu biểu cho đất nước là: Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.

Mặc dù chưa có kết luận cuối cùng nhưng qua khảo sát cho thấy trong 2 năm (2007 và 2008) có 562 bệnh nhân bị suy tim các mức NYHA II, III và IV trên tổng số 1.839 bệnh nhân bị bệnh tim vào điều trị tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện 103. Như vậy, số bệnh nhân vào viện vì bị suy tim chiếm tới 30,7% tổng số bệnh nhân tim đến điều trị. Trong số những bệnh nhân suy tim này có tới 20% là suy tim với NYHA III và IV, nghĩa là có chỉ định phải ghép tim. Tại Bệnh viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, trong năm 2008 có 11.393 bệnh nhân nhập viện, trong đó có khoảng 30% là do bị suy tim độ II, III và IV. Số liệu sơ bộ này cho thấy số bệnh nhân cần được ghép tim ở nước ta hiện nay là khá lớn.

Khả năng cung ứng tim ghép từ người cho chết não trước hết phụ thuộc vào số người chết não. Tuy hiện nay vẫn chưa có các nghiên cứu thống kê đầy đủ số lượng bệnh nhân chết não tại các cơ sở điều trị trong nước nhưng qua một số nghiên cứu riêng lẻ tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện 103 cho thấy các bệnh nhân chết não do bị chấn thương sọ não nặng chiếm 80% và đột quỵ chiếm 20%. Có thể thấy, số người chết não do chấn thương sọ não nặng chiếm tỷ lệ rất cao ở nước ta. Chỉ tính bệnh nhân tử vong do chấn thương sọ não tại Bệnh viện Việt Đức hiện nay là khoảng 800 - 1.000 ca mỗi năm. Các trường hợp này hầu hết đều trải qua giai đoạn chết não. Nếu công tác vận động, tuyên truyền về hiến tạng được thực hiện tốt thì số người chết não có thể hiến tặng tạng nói chung và hiến tặng tim nói riêng trong số bệnh nhân này là không nhỏ.

Bài và ảnh: ĐÀO KIM SƠN

(suckhoe&giadinh)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Về ca ghép tim trên người đầu tiên tại Việt Nam: Hy vọng lớn cho bệnh nhân tim nặng (https://www.meo.vn/ve-ca-ghep-tim-tren-nguoi-dau-tien-tai-viet-nam-hy-vong-lon-cho-benh-nhan-tim-nang.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *