Văn hào Andersen là con hoang của vua Đan Mạch?

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Một số nhà nghiên cứu khẳng định, văn sĩ nghèo khổ, xấu trai kể những chuyện cổ tích đẹp như mơ thực ra là con ngoài giá thú của một vị quốc vương.

Điều mà ai cũng biết là Hans Christian Andersen sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động nghèo, cha là thợ giày, mẹ là thợ giặt. Người cha qua đời khi Andersen mới 11 tuổi và cậu bé đã trải qua trăm nghìn khổ cực trước khi thành danh. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều nguồn thông tin cho rằng, Andersen là một vị hoàng tử lưu lạc trong dân gian.

Giọt máu rơi của hoàng gia?

Trong cuốn “Andersen, một  huyền thoại chân chính”, nhà sử học Jens Jorgen khẳng định Andersen là con hoang của hoàng đế Đan Mạch Christian 8 và một nữ bá tước. Vì không thể công khai thừa nhận đứa con này, nhà vua đã thu xếp để đứa bé làm con nuôi một anh thợ giày và sau đó đã âm thầm hỗ trợ những bước đi trong cuộc đời cậu bé. Đó là lý do khiến Andersen tuy xuất thân nghèo khổ nhưng được làm những công việc liên quan đến hoàng gia (như kịch viện hoàng gia) và có thời gian còn ở trong cung điện. Bởi lẽ ra, một cậu bé ở tầng lớp dưới lại sớm mồ côi cha như ông lẽ ra phải ở trại tế bần nếu không có một thế lực nào trợ giúp.

Nhà văn Pitt đưa ra thêm một “bằng chứng”: Con gái một vị đô đốc hải quân năm 1848 khi viết thư cho Andersen đã nhắc đến chuyện ông phát hiện ra mình là một hoàng tử.

 

Vua Christian 8, người được cho là cha đẻ của Andersen.

Quả thật, ở tuổi thiếu niên, Andersen từng học hát để làm diễn viên và cậu bé có chất giọng cao  này được tuyển vào nhà hát Hoàng gia, cho đến khi bị vỡ giọng. Andersen cũng từng được vua Frederick VI (“tiền nhiệm” của Christian 8) và được ngài ưu ái, gửi vào học ở  một trường  La tinh tại Slagelse. Người ta cho rằng đây không phải là cuộc gặp gỡ tình cờ. Ở tuổi trưởng thành, ông từng nhận trợ cấp của Hoàng gia để có thể đi du lịch và sáng tác.

Tuy nhiên, rất nhiều nhà nghiên cứu phủ nhận khả năng Andersen là một hoàng tử. Họ cho rằng, nếu quả thật là như vậy, tại sao ông không hề nhắc đến điều đó, dù là ám chỉ, trong cuốn tự truyện của mình (cuốn “Chuyện cổ tích của đời tôi”). Người ta cũng đưa ra bản photo sổ đăng ký hộ khẩu của gia đình nhà văn, trong đó ông được  làm lễ rửa tội ngày 16/4/1805. Sổ đăng ký ghi rõ: “1h sáng thứ 3 ngày 2/4, người thợ giày Hans Andersen cùng với vợ Anne Anderdates đã sinh hạ  một con trai”.

Để làm rõ thân thế của “người kể chuyện cổ tích tài danh”, nhà sử học nổi tiếng Karistad đã nghiên cứu tủ hồ sơ về vua Christian 8, bao gồm cả thư từ, nhật ký… Ông nhận thấy, chuyện vua chúa có con rơi ngoài dân gian, thậm chí với cả phụ nữ bình dân, là rất thường, và 80%-90% các mối tình ngoài luồng này làm xuất hiện các “giọt máu rơi”. Khi đó, các ông hoàng sẽ gửi thư cho mẹ đứa trẻ và chu cấp tiền nuôi con cho đến tuổi trưởng thành, sau đó sắp xếp cho đứa trẻ một công việc liên quan đến hoàng gia. Bản thân vua Christian 8 từng can thiệp để một người con trai ngoài giá thú của mình tên là Frederick Reed làm công việc quản lý hoạt động đi săn của hoàng gia. Thế nhưng, trong hàng đống tài liệu về vị vua này, không có một thông tin nào liên quan đến Hans Christian Andersen và người mẹ thợ giặt có tên Anne Anderdates của ông.

Nhưng dù xuất thân thế nào, với văn chương, Andersen đã có ngai vàng của mình. Vì thế khi ông mất năm 1875 ở tuổi 70, một tờ báo đã viết: "Hôm nay hoàng đế rời ngôi/Ngai vàng chẳng thể ai ngồi…"

 

Nhà văn Andersen.

Thất tình và “trong trắng”

Có rất ít thông tin về chuyện tình ái của Andersen, và nhà văn thì cả đời không lấy vợ. Nhiều người thậm chí còn đặt ra nghi vấn đề giới tính của ông. Một số học giả khẳng định, ông là “trai tân” cho đến cuối đời. Theo nhà nghiên cứu Bush Kinbai, nếu Andersen có cuộc sống tình dục dù là ít ỏi, điều đó hẳn đã để lại dấu ấn trong tác phẩm. Bản thân  Andersen hay nói với bạn bè khi có tuổi: "Tôi vẫn là trai tân nhưng máu tôi nóng bỏng"…

Theo những thông tin ít ỏi có được, người ta biết rằng trái tim Andersen từng lạc nhịp trước nhiều giai nhân, nhưng không một lần được họ đáp lại. Có ít nhất ba phụ nữ được nêu tên tuổi. Người trong mộng đầu tiên là cô bạn cùng lớp Shara Henman, người đã khiến cậu bé Hans tưởng tượng mình là một hiệp sĩ cưỡi bạch mã đến cầu hôn. Khi đã bắt đầu có tiếng, Andersen si mê em gái một người bạn, cô Leboun, và “dội” cho cô vô số thư từ nóng bỏng tình yêu. Nhưng cô gái không muốn gắn bó đời mình với một văn sĩ nghèo nên đã cự tuyệt.

Một người phụ nữ khác cũng chiếm được trái tim Andersen  nữ danh ca người Thụy Điển Jenny Lind. Ngày 20/9/1843, Andersen viết nhật ký: "Tôi đang yêu!". Đó là lời dành cho nàng. Yêu say đắm nhưng quá nhút nhát không dám cất lời thổ lộ, văn sĩ trao thư cho nàng trước khi người đẹp đi xa, rồi bị nàng lờ đi, nửa năm sauuay lại vẫn chẳng nhắc một lời về lá thư đó. Không biết nàng đã đọc thư hay chưa, có lần nhà văn lấy hết can đảm để hỏi: “Hình như cô ghét tôi lắm?” và câu trả lời khiến ông ngập tràn cay đắng: “Muốn ghét được thì trước đó phải yêu đã”.

Chính vì thất tình triền miên như vậy nên những câu chuyện tình do ông sáng tác thường vô cùng đẹp nhưng cũng vô cùng buồn. Andersen cũng tiết lộ, chàng Kenuder thất tình trong truyện "Giấc mơ dưới gốc liễu” có nguyên mẫu chính là ông.

Tuy nhiên, Andersen cũng khiến không ít người phụ nữ (trong đó có nhiều quý bà danh giá) mơ mộng và muốn cùng ông dệt nên một chuyện tình. Nhưng với bản tính nhút nhát, tự ti, ông e rằng họ chỉ bị mê hoặc bởi ánh lung linh của những câu chuyện ông kể chứ không yêu con người ông. Sợ rằng nếu đến gần hơn với những quý bà xinh đẹp này, họ sẽ vỡ mộng và chỉ còn nhìn thấy một người xấu trai, nghèo khó, ông đã chạy trốn tình yêu của họ.

Là nhà văn của những cảm xúc vô cùng tinh tế, sự cô đơn và thiếu vắng tình yêu là nỗi đau khôn nguôi của Andersen, như ông đã tâm sự với một đồng nghiệp khi sắp trở thành cát bụi:  “Tôi đã trả bằng một giá đắt, có thể nói vô cùng đắt cho những truyện cổ tích của tôi. Vì chúng, tôi đã chối bỏ hạnh phúc mà lẽ ra tôi được hưởng”.

Meo.vn (Theo BĐV)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Văn hào Andersen là con hoang của vua Đan Mạch? (https://www.meo.vn/van-hao-andersen-la-con-hoang-cua-vua-dan-mach.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *