Vận động khoa học trong mùa đông

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Việc lười vận động vào mùa đông khiến cơ thể trì trệ, huyết mạch không lưu thông dễ gây mệt mỏi, đau nhức cơ xương khớp. Theo các chuyên gia, vào mùa đông, nên chọn thời gian tập vào buổi chiều, thời gian luyện tập có thể kéo dài từ 60 - 120 phút tùy theo thể trạng của từng người.

Không vận động là 'ốm'

BS Hoàng Xuân Đại, nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Y tế cho hay, mùa đông thời tiết thay đổi thất thường, nhiệt độ trong ngày chênh nhau đến hàng chục độ, cảm nhiễm của cơ thể không thích nghi kịp khiến nhiều người 'lười' vận động.

Đồng quan điểm, BS Nguyễn Văn Phú, Viện Khoa học Thể dục thể thao cho biết, thời tiết mùa đông ảnh hưởng rất lớn đến thói quen vận động. Thứ nhất, buổi sáng và buổi chiều, thời điểm chúng ta thường lựa chọn để vận động rất ngắn mà khoảng thời gian đó, nhiệt độ thường xuống rất thấp khiến cho nhiều người ngại. 

 

Việc 'ngại' vận động vào mùa đông sẽ có tác hại xấu cho cơ thể. (Ảnh: peopledaily)

Hơn thế, việc phục hồi các chấn thương do tập thường mất nhiều thời gian hơn.

'Chấn thương vào các mùa là như nhau. Không có kết quả điều tra nào cho thấy, chấn thương có sự gia tăng vào mùa đông. Tuy nhiên, vào mùa đông, khi bị thương, chúng ta thường cảm thấy đau hơn và quá trình bình phục chấn thương cũng diễn ra lâu hơn. Chính vì thế, nhiều người đâm ngại tập luyện', BS Nguyễn Văn Phú nói.

Các chuyên gia cho hay, việc 'ngại' vận động vào mùa đông sẽ có tác hại xấu cho cơ thể. Sự thiếu  vận động làm cơ thể bị trì trệ, huyết mạch không lưu thông, lười vận động sinh ra mệt mỏi, đau nhức cơ xương khớp. Dù thời tiết có lạnh thì cũng không nên ngồi nhiều, ngồi ì một chỗ mà nên có những vận động nhẹ nhàng cho cơ thể.

Cách vận động riêng cho mùa đông

BS Hoàng Xuân Đại khẳng định, dù thời tiết mùa đông có khắc nghiệt đến mấy cũng không được để cho cơ thể 'nằm ườn'. Nếu không thể thực hiện được những bài tập đòi hỏi sự vận động mạnh thì có thể chọn cách vận động nhẹ. Người tập có thể vận động bằng cách chạy nhẹ ở trong nhà, xoa bóp tay chân khi nằm giường hoặc đi bộ trong nhà.

Trời lạnh vừa phải có thể vận động ngoài trời nhưng nên vận động vào buổi chiều có nắng ấm. Không dậy  từ sáng sớm tập thể dục vì thời tiết quá lạnh dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Bơi lội cũng tốt cho sức khoẻ nhưng phù hợp với những người khoẻ mạnh, trẻ.

Mùa đông phải tránh lạnh đột ngột. Tắm nước lạnh đột ngột, bước ra ngoài mà không mặc áo ấm, mặc đồ phong phanh trong nhà, không đóng kín cửa làm gió độc lùa vào... sẽ là nguyên nhân làm tai biến mạch máu não.

Lạnh đột ngột làm mạch máu co lại, huyết áp tăng lên, cơ thể thay đổi đột ngột làm cho các dây thần kinh chưa kịp thích ứng, sẽ bị phình ra và mạch máu bị nổ, vỡ. Làm chảy máu não, tai biến mạch máu não, có thể dẫn đến liệt không vận động được, méo mồm, lệch mắt.

Vì thế, nếu buộc phải ra ngoài vào thời tiết lạnh thì phải mặc đủ ấm, hoặc nếu phải làm việc trong môi trường lạnh thì phải để cơ thể có thời gian thích nghi dần dần.

BS Nguyễn Văn Phú cho biết, các kết quả nghiên cứu cho thấy, phải mất 1 - 3 tuần để tạo thói quen tập luyện, tạo cảm giác thích vận động thường xuyên. Vì thế, vào mùa đông, đối với những người bắt đầu quá trình luyện tập nên khởi động việc tập luyện trước mùa đông từ 1 - 3 tuần để tạo thói quen.

Ngoài ra, vào mùa đông nên chọn thời gian tập vào buổi chiều (từ 17 - 21h), thời gian tập luyện có thể kéo dài từ 60 - 120 phút tùy thuộc vào sự thích nghi của từng người. Sau khi tập phải nhanh chóng mặc quần áo ấm. 

Theo các chuyên gia, vào mùa rét, cơ bắp thường bị căng cứng để chống lại cái lạnh. Vì thế, khi tập cần khởi động một cách từ từ, chậm rãi để cơ thể kịp thích nghi trước khi bước vào các thao tác vận động chính.

(Theo Bee)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Vận động khoa học trong mùa đông (https://www.meo.vn/van-dong-khoa-hoc-trong-mua-dong.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *