Trẻ bị ngã đập đầu – Nguy cơ chấn thương sọ não

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Nhiều trẻ bị chấn thương sọ não mà cha mẹ không biết vì thấy con bình thường, đến khi phát hiện ra, mạng sống của trẻ đã bị đe dọa.

Cháu Thùy Trang, 8 tuổi ở Gia Lâm, Hà Nội, bị ngã xe máy trong khi không đội mũ bảo hiểm. Ngồi dậy, bé vẫn tươi cười và luôn miệng nói không đau. Xem đầu con không thấy xây xát gì nên bố mẹ cũng yên tâm, không đưa đi khám. Ba ngày sau, Trang kêu đau đầu và nôn nhưng phụ huynh cũng không để ý. Đến khi thấy con ngủ li bì không dậy, họ mới sợ hãi đưa đến bệnh viện.

Qua khám lâm sàng và xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, các bác sĩ phát hiện thấy có hiện tượng chảy máu não, máu tụ khá nhiều, phải nằm viện vài tuần. Nếu đến muộn hơn, Trang sẽ bị di chứng nặng về thần kinh, thậm chí tử vong.

Tình trạng của cháu Duy, 3 tháng tuổi, tỉnh Thanh Hóa, nguy kịch hơn. Bé bị ngã từ trên giường xuống, nhưng thấy con chỉ khóc một lát rồi thôi, bú bình thường nên bố mẹ yên tâm. Gần 2 ngày sau, bé bỏ ăn, nôn vọt và hôn mê, đưa đến bệnh viện, được xác định chấn thương sọ não, máu tụ dưới màng cứng.

Phải sau hơn một tháng nằm viện, qua hai lần mổ và điều trị bằng các biện pháp tích cực nhất, cháu Duy mới thoát khói tử thần. Tuy nhiên các bác sĩ cho rằng bé khó tránh khỏi những di chứng nặng về sau, ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ.

Con bị va chạm ở đầu mà không đưa đi khám vì không có dấu hiệu ốm đau là sai lầm của không ít phụ huynh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bác sĩ Bùi Ngọc Lâm, Phó trưởng phòng Khám ngoại Bệnh viện Xanh Pôn, cho biết nhiều trường hợp chấn thương đầu chỉ có triệu chứng sau 3-5 ngày, thậm chí hàng tháng. Do đó, nhiều khi trẻ đã có tổn thương ở não mà bố mẹ không biết, khi phát hiện ra bệnh trạng đã nặng, việc chữa trị trở nên khó khăn, nguy cơ di chứng cao hơn. Nhiều trẻ dù được áp dụng mọi biện pháp điều trị tích cực vẫn không thoát khỏi cái chết.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyên khi con bị ngã đập đầu hay bị va đập ở bộ phận này, dù trẻ không có biểu hiện gì đặc biệt cũng nên đưa đến bác sĩ, nếu cần sẽ được chỉ định những xét nghiệm cần thiết. Sau đó, vẫn nên tiếp tục theo dõi trẻ và đưa đến bác sĩ nếu có những biểu hiện sau:

-  Buồn nôn, nôn nhiều.

-  Quấy khóc nhiều (với trẻ nhỏ) hoặc kêu đau đầu, chóng mặt.

-  Lơ mơ, giảm tri giác, hay lú lẫn.

-  Ngủ li bì không đánh thức được.

-  Chảy máu hay dịch ở mũi hoặc tai (đây là biểu hiện rất nghiêm trọng).

(Theo Đất việt)

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Trẻ bị ngã đập đầu – Nguy cơ chấn thương sọ não (https://www.meo.vn/tre-bi-nga-dap-dau-nguy-co-chan-thuong-so-nao.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *