Thừa ăn vẫn suy dinh dưỡng

Với tình hình dịch COVID-19 do virus Corona đang bùng phát tại Việt Nam, Meo.vn khuyên dùng Nước rửa tay khô để diệt khuẩn phòng bệnh.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi nuôi con nhỏ, phụ huynh thường mắc một số sai lầm sau:

Cho ăn quá nhiều thức ăn bổ dưỡng: Việc sử dụng quá nhiều thức ăn giàu đạm sẽ khiến đường ruột mất dần các men tiêu hóa, dẫn đến tiêu chảy, kém ăn, kém hấp thu. Tốt nhất là bạn xác định lượng thực phẩm mà các chuyên gia dinh dưỡng quy định cho từng lứa tuổi.

Mua nhiều đồ ăn nhưng chỉ ninh lấy nước: Nhiều gia đình mỗi ngày mua một con chim câu, hay nửa con gà, gần 1 kg sườn... về cho con ăn, nhưng lại chỉ ninh lấy nước nấu cháo mà không cho ăn cái. Họ cho rằng khi ninh, mọi chất bổ sẽ ra nước nhưng thực tế, các chất đạm, canxi... được chiết ra rất ít. 'Khôn ăn cái, dại ăn nước', bạn nên băm nhỏ thịt, rau củ cho con.

Không cho bé ăn chất béo: Sợ con khó tiêu, đi ngoài, nhiều nhà không cho trẻ ăn dầu mỡ. Trong khi đó, trẻ con cần tỷ lệ chất béo cao hơn người lớn, nếu không đủ sẽ kém phát triển. Dầu mỡ cũng là dung môi hòa tan nhiều loại vitamin quan trọng như A, D, E, K...

Cho ăn ít năng lượng, nhiều rau quả: Không ít phụ huynh ở thành phố hiện nay lại cho rằng quan trọng nhất là các vitamin, chất khoáng nên họ khuyến khích con ăn rau quả, sữa chua mà bỏ quên các thức ăn sinh năng lượng như thịt cá, cơm cháo, dầu mỡ. Thực ra, trẻ cần được cung cấp cân đối 5 nhóm thực phẩm: đạm, bột đường, chất béo, khoáng, vitamin.

Ép trẻ ăn những món không hợp khẩu vị: Nhiều phụ huynh cho con ăn theo khẩu vị của bản thân, hoặc chỉ chọn những món giàu dinh dưỡng mà không quan tâm đến việc trẻ thích hay không. Nhiều bà mẹ ít thay đổi món khiến trẻ chán. Việc bị ép dần khiến trẻ biếng ăn.

Lạm dụng các thuốc bổ, men tiêu hóa: Men tiêu hóa được bác sĩ cho dùng trong từng giai đoạn cần thiết. Nếu dùng quá thường xuyên, cơ thể sẽ 'ỷ lại', không tự sản xuất men nữa, trẻ sẽ lệ thuộc vào dược phẩm mà vẫn không khỏi biếng ăn, còi cọc. Các thuốc bổ (thường chứa nhiều loại vitamin và khoáng) cũng không giúp được trẻ nếu cha mẹ không tạo ra các yếu tố khiến bé thích thú với việc ăn uống (chẳng hạn đổi món, thay bát đĩa đẹp...).

Cho ăn dặm quá sớm: Với lý do tập ăn ngoài sớm cho cứng cáp, nhiều nhà cho trẻ ăn dặm từ khi mới 3-4 tháng tuổi. Bộ máy tiêu hóa của bé lúc này chưa đủ sức để xử lý các thức ăn khác với sữa mẹ nên bị quá tải, suy tổn. Bé sẽ biếng ăn và chậm lớn. Việc cho ăn dặm muộn (quá 6 tháng) cũng có hại vì lúc này sữa mẹ không còn cung cấp đủ chất cho nhu cầu của bé.

Theo VNExpress

Mẹo sống an lành, làm hiệu quả:

Bài viết: Thừa ăn vẫn suy dinh dưỡng (https://www.meo.vn/thua-an-van-suy-dinh-duong.html) được biên tập bởi công sức của BTV Mẹo vặt hay (https://www.meo.vn). Vui lòng liên kết tới web của chúng tôi khi tái sử dụng thông tin. Chân thành cảm ơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *