Lưu trữ cho từ khóa: yếu tố di truyền

Quẳng gánh lo đi – Vì sao người ta dễ bệnh tâm thần?

Mỗi ngày, khoa khám của bệnh viện Tâm thần TP.HCM tiếp nhận từ 500 đến 600 bệnh nhân. Nếu như trước kia bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt là chủ yếu thì hiện căn bệnh này chiếm chưa đến 50%. Trên 50% bệnh nhân còn lại đều do các chứng trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ liên quan đến các nguyên nhân tâm lý.

Mỗi người cần có một đam mê, một thú vui nào đó để giảm căng thẳng từ công việc. Ảnh: Hồng Thái

Theo bảng phân loại quốc tế về các rối loạn tâm, bệnh tâm thần hiện chia thành gần ba trăm loại. Ví như tâm thần phân liệt; các rối loạn lo âu; rối loạn thích ứng; rối loạn hành vi; rối loạn giấc ngủ; rối loạn tình dục; rối loạn lưỡng cực; trầm cảm...

Đổ vỡ tình cảm, thất bại kinh doanh...

Với chứng tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, đến nay y học vẫn chưa tìm thấy nguyên nhân. Hiện đây là những bệnh được cho là có nhiều yếu tố gây nên, trong đó có yếu tố di truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia. Các nghiên cứu đã tìm thấy ở những cặp sinh đôi cùng trứng có dấu hiệu tâm thần phân liệt hay trong các trường hợp bố mẹ bị bệnh, con cái cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn quần thể chung. Bên cạnh đó, yếu tố sinh học cũng ảnh hưởng đến các bệnh tâm thần. Các dẫn chất thần kinh như dopamin, serotonine, norepinephrine… trong não bộ tăng lên hay giảm xuống được nhận thấy trong môt số bệnh.

Ngoài những yếu tố trên, môi trường sống cũng là yếu tố tác động rất nhiều đến tinh thần, ví như đổ vỡ tình cảm hay thất bại trong kinh doanh, nghề nghiệp, tình trạng stress kéo dài. Một yếu tố không kém phần quan trọng nữa là bản lĩnh của mỗi người, người mạnh mẽ thì dễ vượt qua các khó khăn trong cuộc sống, người yếu đuối, phụ thuộc, thì ngược lại và họ dễ mắc các rối loạn tâm thần hơn.

Áp lực công việc, học đường, thất thường sinh hoạt...

Nhịp sống hiện đại luôn đòi hỏi con người phải có sự phấn đấu hết mức có thể. Ngoài công việc, họ cần liên tục trau dồi ngoại ngữ, công nghệ thông tin để nhanh chóng cập nhật những tri thức, kỹ năng mới. Giờ làm việc không còn dừng lại ở tám tiếng, không phải làm đến hết giờ mà đến khi nào hết việc mới ngưng. Sự thất thường trong chế độ sinh hoạt, cộng với những áp lực lo toan sẽ bị sa thải, bị phá sản là con đường rất ngắn dẫn đến stress, tâm thần.

Nói với người bận rộn

Sau khi tan sở, trở lại với đời thường, nên để lại công việc ở cơ quan. Gặp gỡ bạn bè, chơi thể thao, nghe nhạc. Cuối tuần, cùng vợ (chồng) con đi mua sắm, hoặc đi dã ngoại với cả gia đình. Có điều kiện thì tổ chức du lịch, về quê thăm họ hàng, người thân. Mỗi người cần có một đam mê, một thú vui nào đó để giảm căng thẳng từ công việc, ví như nghe nhạc, chơi một nhạc cụ, thành thạo một môn thể thao, hoặc học khiêu vũ... Nói cho cùng, chúng ta nên thiết lập một lối sống lành mạnh, biết chia sẻ và quân bình giữa tinh thần và thể chất. Một cơ thể cường tráng thì tinh thần cũng luôn sảng khoái.

Những áp lực từ học đường cũng có thể khiến trẻ nhanh chóng rơi vào các rối loạn như lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi. Thời khoá biểu học dày đặc từ sáng đến tối. Thời gian nghỉ ngơi bị thu hẹp. Không được chơi, ít được tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh, cuộc sống của trẻ bó hẹp, không còn thời gian tiếp xúc với thiên nhiên, giao tiếp với bên ngoài xã hội. Sự học từ lúc nào trở thành nỗi ám ảnh trong đầu trẻ. Chúng sợ đến trường và dễ xuất hiện các rối loạn như nôn ói, khó thở, đau bụng mỗi khi cha mẹ kêu đi học.

Cấu trúc gia đình bị phá vỡ

Có thể nói cấu trúc gia đình thời hiện đại đã ít nhiều bị phá vỡ. Con cái trưởng thành không nhất thiết phải chung sống với bố mẹ. Có nhiều gia đình chỉ có hai ông bà già sống với nhau. Và chuyện sống chung hai, ba thế hệ dưới một mái nhà cũng tiềm ẩn nhiều khác biệt về cách nghĩ, cách sống. Người già thích nghe cải lương, ăn đồ nấu tại nhà, mặc quần áo kín đáo. Họ hay có thói quen áp đặt cách nghĩ, cái nhìn của mình lên con trẻ. Trong khi đó, giới trẻ lại thích hip hop, ăn fastfood, xài đồ thời trang... Một khi không cân bằng được cách sống giữa các thế hệ, mâu thuẫn sẽ diễn ra, nếu không được giải quyết, sự giằng xé giữa quá khứ và thực tại có thể dẫn đến tình trạng stress kéo dài, lúc đó trầm cảm có thể xuất hiện.

Tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ hiện đã tăng gấp đôi so với nam giới. Người ta cho rằng, có một số giai đoạn đặc biệt như thai nghén, sinh nở, nuôi con, trách nhiệm với gia đình, giai đoạn tiền mãn kinh… có thể giải thích cho hiện tượng này. Ngoài thiên chức làm mẹ, làm vợ, người phụ nữ hiện cũng phải gánh vác công việc xã hội như nam giới. Điều này chắc chắn làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cho họ.

BS Trịnh Tất Thắng - Giám đốc bệnh viện Tâm thần TP.HCM
(SGTT)

Theo dõi kỹ để phát hiện bệnh tim bẩm sinh

Con trai tôi năm nay 2 tuổi. Từ khi sinh ra sức khỏe của cháu bình thường. Chỉ có điều môi của cháu hơi thâm và cân nặng của cháu không tăng. Xin hỏi biểu hiện của bệnh tim bẩm sinh như thế nào và nguyên nhân do đâu ?

Anh Trọng Lân (Gia Lâm)

Dị dạng tim (thường được y học gọi là bệnh tim bẩm sinh) là một trong những dị tật thường gặp nhất. Tuy nhiên, không phải bệnh tim bẩm sinh nào cũng nặng. Nếu bệnh nhẹ, trẻ có thể tự lành. Song cũng có bệnh nặng ngay từ khi trẻ mới lọt lòng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ khó sống qua thời kỳ sơ sinh.

Thông thường khó xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra dị tật bẩm sinh ở tim. Trong 10 % trường hợp có thể tìm thấy hoặc có nhiều chứng cớ nghi ngờ dị tật ở tim xuất phát từ những thay đổi bất thường về di truyền (khoa học gọi là bất thường của nhiễm sắc thể). Cũng có trường hợp do trẻ bị nhiễm khuẩn trong những tháng đầu người mẹ thai nghén hoặc nhiễm độc từ các loại thuốc chữa bệnh mà người mẹ sử dụng trong thời kỳ tim bào thai được hình thành (từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 8). Ngoài ra, người ta còn thấy có tác động của yếu tố di truyền trong quá trình hình thành bệnh, chẳng hạn nếu đứa con đầu bị bệnh tim bẩm sinh thì đứa con thứ hai có nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cao hơn 2-3 lần.

Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh thường không có biểu hiện gì nổi bật nên dễ bị bỏ qua, không được chú ý. Vì vậy, để phát hiện sớm bệnh, cha mẹ cần lưu ý đến những biểu hiện bất thường ở trẻ. Về hô hấp, trẻ thở khó, thở nhanh; hõm ức, kẽ giữa các xương sườn bị lõm xuống mỗi khi thở. Về tiêu hóa, trẻ bú khó, không bú được dài hơi, bỏ bú do mệt, khó thở. Trẻ mắc bệnh tim thường chậm lên cân, ra nhiều mồ hôi ngay cả khi trời mát, màu da tím nhẹ, nhất là ở môi và niêm mạc mắt, lưỡi;  ngủ không yên giấc.

BS Nguyễn Hùng

(Sản phẩm Cao Xương Ngựa của Công ty Chu Việt hỗ trợ thực hiện chuyên mục này)

Trẻ bị thiếu chất sắt có thể do di truyền

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiTạp chí Tự nhiên (Anh) số ra ngày 13-4 đã đăng tải một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Bệnh viện Nhi ở Boston (Mỹ) vừa nhận định rằng yếu tố di truyền có thể là nguyên nhân khiến trẻ em mắc bệnh IRIDA, một căn bệnh thiếu máu do thiếu sắt

Qua 15 năm nghiên cứu 5 gia đình có ít nhất một thành viên bị thiếu sắt kinh niên, các nhà khoa học phát hiện biến thể gien mang ký hiệu TMPRSS6, xuất hiện ở cả 5 gia đình này. Phát hiện gien TMPRSS6 có thể giúp giới khoa học tìm ra các phương pháp điều trị khả năng kém hấp thụ chất sắt ở người. Tuy nhiên, cơ chế dẫn đến kết luận này vẫn đang được nghiên cứu.

Khi thiếu protein của gien TMPRSS6, cơ thể sẽ sản sinh một lượng lớn một loại hormon có khả năng giúp cơ thể chống lại nguy cơ có quá nhiều chất sắt. Tuy nhiên, ở bệnh nhân mắc IRIDA, vẫn có một lượng lớn hormon này được tạo ra mặc dù họ bị thiếu sắt; từ đó, khiến cho khả năng kìm hãm ruột hấp thụ sắt của cơ thể bị mất cân bằng.

BS Mai Đình Quý

Nguyên nhân gây bệnh Gout

Gout là một bệnh rối loạn về chuyển hóa liên quan đến việc tăng sản xuất hoặc giảm đào thải chất acid uric trong cơ thể. Có thể nói nguyên nhân trực tiếp gây bệnh gout là acid uric, một sản phẩm phụ tạo ra do sự thoái giáng của purin. Ở người bình thường, lượng acid uric trong máu được duy trì ở mức cố định: 5mg% ở nam và 4mg% ở nữ, tùy độ tuổi và có sự thay đổi. Để mức acid uric cân bằng hàng ngày, acid uric được thải ra ngoài chủ yếu theo đường thận qua nước tiểu và một phần qua phân và các đường khác.

Một lý do nào đó, hàm lượng purin trong cơ thể tăng, quá trình chuyển hóa chúng thành acid uric tăng. Khi cơ thể tạo ra quá nhiều acid uric hoặc thải acid này ra nước tiểu quá ít thì nồng độ acid uric trong máu tăng lên, sự chuyển hóa acid uric thành muối urat tăng theo dẫn tới sự lắng đọng những tinh thể muối urat sắc nhọn hình kim tại các khớp, sụn, xương, tổ chức dưới da, gây ra viêm sưng khớp và biểu hiện triệu chứng tại những vị trí lắng đọng.

Nguyên nhân gây tăng lượng acid uric

Tăng bẩm sinh: bệnh Lesch – Nyhan: do thiếu men HGPT nên lượng acid uric tăng cao ngay từ nhỏ, bệnh có các biểu hiện về toàn thân, thần kinh, thận và khớp. Bệnh này rất hiếm và rất nặng.

Bệnh gout nguyên phát: là bệnh gắn liền với các yếu tố di truyền và cơ địa, những bệnh nhân này có quá trình tổng hợp purin nội sinh tăng nhiều gây tăng acid uric. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu của bệnh.

Bệnh gout thứ phát: acid uric trong máu có thể tăng thứ phát do những nguyên nhân sau :

- Do tiêu thụ những loại thức ăn có chứa nhiều purin (gan, lòng, thịt, cá, nấm, tôm, cua), uống nhiều rượu, bia. Thực ra đây chỉ là những tác nhân phát động bệnh hơn là nguyên nhân trực tiếp.

- Do trong cơ thể tăng cường thoái giáng purin nội sinh (phá hủy nhiều tế bào, tổ chức) liên quan đến các bệnh lý huyết học  như bệnh đa hồng cầu, leucemie kinh thể tủy, hodgkin, sarcom hạch, đa u tủy xương, hoặc do sử dụng những thuốc diệt tế bào để điều trị các bệnh u ác tính.

- Do giảm thải acid uric qua thận: viêm thận mạn tính, suy thận làm cho quá trình đào thải acid uric giảm và ứ lại gây bệnh.

Vai trò của acid uric trong viêm khớp

Trong bệnh gout, tinh thể urat monosodic lắng đọng ở màng hoạt dịch sẽ gây nên một loạt các phản ứng:

- Hoạt tác yếu tố Hageman tại chỗ từ đó kích thích các tiền chất gây viêm Kininogen và Kallicreinogen trở thành kinin và kallicrein gây phản ứng viêm ở màng hoạt dịch.

- Từ phản ứng viêm, các bạch cầu sẽ tập trung tới, bạch cầu sẽ thực bào các vi tinh thể urat rồi giải phóng các men tiêu thể của bạch cầu (lysozim). Các men này cũng là một tác nhân gây viêm rất mạnh.

- Phản ứng viêm của màng hoạt dịch sẽ làm tăng chuyển hóa, sinh nhiều acid lactic tại chỗ và làm giảm độ pH, môi trường càng toan thì urat càng lắng đọng nhiều và phản ứng viêm ở đây trở thành một vòng khép kín liên tục, viêm sẽ kéo dài. Do đó, trên thực tế thấy hai thể bệnh gout: Thể bệnh gout cấp tính, quá trình viêm diễn biến trong một thời gian ngắn rồi chấm dứt, hay tái phát. Thể bệnh gout mạn tính quá trình lắng đọng urat nhiều và kéo dài, biểu hiện viêm sẽ liên tục không ngừng.

Theo benhgout.net

Phát hiện 5 biến thể gen gây ung thư vú

TTO - Các nhà khoa học Anh vừa thông báo đã nhận dạng được 5 biến thể gen có liên quan đến ung thư vú.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Chụp tia X vú ba chiều - Ảnh: about.com

Nhóm nghiên cứu, do giáo sư Douglas Easton thuộc ĐH Cambridge (Anh) dẫn đầu, đã kiểm tra bản đồ gen của hơn 16.000 bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị bệnh ung thư vú.

Kết quả: phát hiện được 5 biến thể gen mới có liên quan tới việc di truyền bệnh ung thư vú. Trước đó đã có 13 biến thể gen gây ung thư vú được xác định.

Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện này giúp họ tìm ra manh mối gây bệnh cũng như phương pháp điều trị bệnh tốt hơn.

Ung thư vú là bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ. Mỗi năm căn bệnh này cướp đi mạng sống của khoảng 500.000 phụ nữ trên thế giới.

Đến nay, nguyên nhân chính xác gây bệnh vẫn chưa được xác định, tuy nhiên yếu tố di truyền (trong gia đình có người mắc ung thư vú), môi trường sống và lối sống không lành mạnh (bia rượu, thuốc lá...) được cho là các yếu tố chính dẫn đến nguy cơ ung thư vú.

MINH ANH (Theo BBC, Xinhua)

Đái tháo đường ở trẻ em: Những điều nên biết

Đái tháo đường trẻ em (ĐTĐTE) là một bệnh nội tiết không phổ biến như người trưởng thành. Khoảng 90% ĐTĐTE là týp 1, số còn lại là ĐTĐ týp 2, thường gặp ở trẻ bị thừa cân và béo phì hoặc trong hội chứng gây béo khác như HC Prader-Willi, Laurence - Moonbiedl...

Nguyên nhân ĐTĐTE thường do yếu tố di truyền và quá trình viêm tự miễn phá huỷ cấu trúc tế bào bêta tụy làm giảm sản xuất insulin, gây tăng đường huyết (ĐH) mạn tính. Vì vậy, liệu pháp điều trị thay thế insulin là bắt buộc và ngay sau khi xác định chẩn đoán ĐTĐ càng sớm càng tốt. ĐTĐTE không được uống các loại thuốc Đông y hoặc các bài thuốc cổ truyền của người lớn, nếu không điều trị tiêm insulin trẻ sẽ bị biến chứng mù loà, suy thận hoặc nhiễm toan ceton dẫn đến tử vong.

Chẩn đoán đái tháo đường

Chẩn đoán ĐTĐTE gồm 4 giai đoạn:

- Giai đoạn chẩn đoán sớm chưa có biểu hiện lâm sàng: Chính vì chưa có biểu hiện lâm sàng, nên bệnh chỉ được phát hiện khi được khám và làm các xét nghiệm. Trong kết quả xét nghiệm nhận thấy có sự thay đổi về miễn dịch, tìm thấy kháng thể kháng tế bào tiểu đảo như ICA (Islet Cell Antibodies). Khi nhiều kháng thể có mặt như: GAD (Glutamic Acid Decarboxylase), IAA (Insulin Autoantibodies), nguy cơ ĐTĐ > 70% vào 5 năm tới. Các Marker gen làm tăng nguy cơ là HLA DR3-DQ A1*0501-DQB1* 0201, HLA DR4-DQ A1*0301-DQB1*0302 và HbA1C tăng trong máu thì nguy cơ từ 40-60% ĐTĐ xảy ra và trong khoảng 5-7 năm tới.

- Giai đoạn bị bệnh đái tháo đường: Đây là giai đoạn đã có những triệu chứng, với hai đặc điểm lâm sàng là:

Khởi phát đột ngột và cấp tính: đái nhiều, uống nhiều, mất nước, rối loạn nhịp thở Kussmaul, nhiễm toan ceton và hôn mê.

Khởi phát từ từ: với triệu chứng, đái nhiều, uống nhiều, ăn nhiều và gầy sút cân trong vài tuần hoặc vài tháng. Kèm theo các triệu chứng khác như: đái dầm dai dẳng, đau bụng, nôn, nhiễm trùng sinh dục và da tái diễn, mệt mỏi, giảm tập trung khi học.

Cần đưa trẻ đi làm xét nghiệm glucose máu và niệu để phát hiện bệnh ĐTĐTE khi có đái nhiều, uống nhiều và gầy sút cân.

- Giai đoạn thuyên giảm một phần “Tuần trăng mật”: Bệnh nhân không cần dùng insulin ngoại sinh vì glucose máu, HbA1C bình thường, nhu cầu insulin thấp < 0.5 u/kg/ngày. Khoảng 30-60% trẻ em có giai đoạn thuyên giảm bệnh sau 1-6 tháng bắt đầu điều trị insulin. Do đó với bệnh nhân mới chẩn đoán ĐTĐ phải giám sát chặt chẽ glucose máu trong 6 tháng đầu điều trị insulin.

- Giai đoạn đái tháo đường vĩnh viễn, toàn bộ tế bào bêta bị phá hủy, thiếu insulin toàn bộ: đái nhiều, uống nhiều, ăn nhiều, giảm cân, mệt mỏi, thị lực giảm, mất nước và có thể đái đường nhiễm toan ceton. Đặc điểm ít gặp trẻ dưới 1 tuổi, tuổi mắc bệnh tăng dần và tuổi thường bị ĐTĐ khi dậy thì 10-14 tuổi.

Điều trị

Tổn thương đáy mắt do bệnh đái tháo đường.

Mục đích cần đạt được khi điều trị insulin ở trẻ em là đảm bảo ĐH ổn định trong giới hạn cho phép từ 4-7mmol/l vào ban ngày và 4-9mmol/l vào ban đêm. HbA1C < 7 %; trẻ tăng cân đi học được; phát triển thể lực và sinh dục bình thường; hạn chế những biến chứng xảy ra trong quá trình điều trị.

Chế độ ăn

Chế độ ăn của trẻ bị ĐTĐ không kiểm soát chặt chẽ như người lớn, vì cơ thể trẻ đang phát triển cần ăn đủ chất, đảm bảo phát triển, tăng trưởng trong giai đoạn dậy thì và vị thành niên, nhưng phải kiểm soát glucose máu ổn định.

TS.Nguyễn Vinh Quang

Khi các cụ bỏ nhà đi bụi

Hiện nay do cuộc sống mưu sinh bận rộn nên càng ngày người ta càng ít quan tâm đến bậc sinh thành.

 

Từ ngày cậu con út qua đời vì tai nạn giao thông, bà Hai Thơm buồn chán cả ngày không thiết ăn uống, có đêm thức trắng đến 2-3h sáng. Hai tuần sau đám tang, bà bỏ nhà đi biệt tích khiến cả dòng họ lo lắng đi tìm.
Tuổi cao, sức khỏe yếu khiến các cụ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. Ảnh: Thi Ngoan.
Chị Xuyến, con đầu lòng của bà Thơm kể, nhà có 5 chị em thì 4 người đã lập gia đình, chỉ có duy nhất cậu út còn độc thân lúc nào cũng quấn quýt bên mẹ. Mới đây cậu qua đời trong một vụ tai nạn giao thông gần nhà khiến bà Hai vô cùng đau đớn. Kể từ cú sốc đó, ngày nào bà cũng ngồi thẫn thờ nhìn ra cửa gọi tên con trai, có hôm bà bỏ nhà đi lang thang thơ thẩn ngoài đường mãi đến tối mịt mới về, khiến con cái hốt hoảng đi tìm.
"Mới chủ nhật tuần rồi khi chúng tôi đi đám cưới, mẹ bảo thấy trong người mệt mỏi nên ở nhà nghỉ ngơi. Lúc về đến nhà không thấy bà cụ đâu, ai cũng nghĩ bà sang nhà hàng xóm chơi nhưng chờ đến tối mịt vẫn chưa thấy. Sáng hôm sau mọi người trong dòng họ chia nhau đi kiếm, dán giấy tìm người lạc khắp nơi nhưng vẫn chưa thấy tin tức gì", chị Xuyến (quê Bình Dương) xót xa kể.
Còn bà Trần Thị Thấm, 61 tuổi, quê Hải Phòng cũng vì buồn chán chuyện con cái nên bỏ nhà vào TP HCM sống bằng nghề nhặt ve chai, bán vé số gần chục năm nay. Hàng ngày bà đi lang thang đến từng con hẻm xin ăn và nhặt nhạnh bất kỳ thứ gì dùng được mà người ta vứt bỏ trong sọt rác. Đêm đến bà trải manh chiếu rách xuống nền xi măng dưới gầm cầu để nghỉ ngơi.

Kể về cảnh ngộ của mình, bà cho biết, ông qua đời cách đây 30 năm để lại thân bà một mình lam lũ nuôi 4 người con. Đến khi con cái trưởng thành thì mỗi đứa lập gia đình một nơi, cả năm mới gửi vài trăm nghìn về quê cho mẹ mà ít khi về thăm. Bà cảm thấy tủi thân vì tuổi tuổi cao sức yếu không thể tự làm việc nuôi mình. Nhiều đêm đang ngủ, bà giật mình ngồi khóc cho tuổi già cô độc.

"Tôi cũng nhớ con cháu lắm nhưng chúng nó không còn thương tôi nữa nên tôi mới đi để khỏi là gánh nặng cho tụi nó. Thôi thì trời cho sống được ngày nào biết ngày đấy chứ tôi cũng chẳng còn mặt mũi nào trở về quê", bà Thấm sụt sùi bộc bạch.

Một số biểu hiện của bệnh trầm cảm ở người già:
- Buồn chán kéo dài kèm theo cảm giác bồn chồn, khó chịu, xuất hiện ảo giác, mơ mộng.
- Thường có những suy nghĩ tiêu cực, cảm thấy mình có lỗi hoặc vô dụng, thái độ thất vọng, buồn chán và hoang tưởng.
- Ít vận động và di chuyển, giảm sự quan tâm thích thú đến các hoạt động thường ngày mà trước đây vẫn yêu thích.
- Giảm trí nhớ, thiếu sự tập trung, mất dần khả năng phán đoán và ra quyết định.
- Hay nghĩ về cái chết hoặc quyên sinh, thậm chí còn có kế hoạch cụ thể cho việc này.
Bên cạnh đó, cơ thể còn có một số triệu chứng như:
- Ăn uống thất thường, lúc ngon miệng lúc chán ăn, dễ bị táo bón.
- Tăng hoặc giảm trọng lượng cơ thể.
- Mệt mỏi, uể oải trong cuộc sống, mất hứng thú trong quan hệ tình dục.
- Ngủ li bì hoặc mất ngủ thường xuyên, thức dậy rất sớm.
- Đau đầu nhưng sử dụng thuốc vẫn không khỏi.
Nhìn nhận thực tế hiện nay do cuộc sống mưu sinh bận rộn nên càng ngày người ta càng ít quan tâm đến bậc sinh thành, trong khi các cụ tuổi cao sức yếu càng dễ rơi vào trạng thái trầm cảm buồn chán, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Tâm lý và Truyền thông cộng đồng tại TP HCM cho biết, nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở người già rất đa dạng.
Đó có thể do yếu tố di truyền hoặc trải qua những nỗi sợ hãi, cú sốc mất người thân và những vấn đề về sức khỏe tâm thần, môi trường, mãn kinh ở phụ nữ, vợ chồng sống li thân, con cái ở xa, mất việc nên đôi khi cảm thấy bản thân không còn vai trò quan trọng như trong gia đình ...
Trầm cảm được giới nghiên cứu nhận định là căn bệnh tâm sinh lý đáng báo động của thời đại, ảnh hưởng xấu đến cả thể chất lẫn tinh thần, gây rối loạn về nhận thức, trí nhớ và hành vi. Bệnh có thể kéo dài vài tuần hoặc vài tháng và nếu không được điều trị kịp sẽ khiến người bệnh sa sút tâm thần, mất khả năng định hướng hành động cũng như khả năng làm việc, hoặc có thể dẫn đến hành động tiêu cực hủy hoại bản thân. Trong khi đó, theo thống kê, tỷ lệ mắc bệnh này ở nữ giới cao gấp 2 lần so với nam giới.

Có sự khác nhau giữa nỗi buồn thoáng qua với căn bệnh trầm cảm. Người mắc bệnh thường có biểu hiện trầm lắng, buồn chán và cảm giác trống trải kéo dài ít nhất 2 tuần. Khi thấy xuất hiện tình trạng trên, người nhà nên đưa bệnh nhân đi khám để chữa kịp thời.

Tùy vào tình trạng sức khỏe mà bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm, châm cứu, trị liệu tâm thần bằng liệu pháp nhận thức, thay đổi cách cư xử và thói quen ăn uống, tập luyện dưỡng sinh, vận động nhẹ...

Tuy nhiên theo bà Linh, điều quan trọng nhất ảnh hưởng đến tâm sinh lý các cụ chính là thái độ quan tâm chăm sóc và sự tôn trọng của mọi người trong gia đình. Một món quà nhỏ nhân dịp sinh nhật hay kỷ niệm ngày cưới, một cử chỉ nâng niu chiều chuộng, một tô cháo nóng kèm theo câu nói nhỏ nhẹ, ánh mắt trìu mến... của con cháu sẽ giúp cha mẹ, ông bà lấy lại cân bằng trước những thay đổi bất lợi vì tuổi tác. Từ đó các cụ sẽ sống yêu đời hơn và tránh những suy nghĩ, hành động tiêu cực.

"'Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra' câu nói ấy muôn đời vẫn còn nguyên giá trị. Cha mẹ, ông bà đã có công sinh thành, đã cống hiến cả cuộc đời để làm việc và dưỡng dục con cái khôn lớn nên người. Nay các cụ về già, sức khỏe không còn nữa thì con cái cần đền đáp công ơn ấy bằng cả tấm lòng mình, đừng để đến khi quá muộn", bà Linh nói.

Bên cạnh đó, để phòng chứng trầm cảm, các bác sĩ khuyên mọi người tập rèn luyện lối sống khoa học, ăn ngủ đúng giờ, không nên sử dụng nhiều rượu, bia và các chất kích thích, luyện tập thể dục hàng ngày, tăng cường các liệu pháp massage, thư giãn.

Meo.vn (Theo Vne)

Chăm sóc da chân đúng cách

Đôi lúc bạn thấy thiếu tự tin với đôi chân của mình vì làn da không được mịn màng, thậm chí còn khô nẻ. Thế nhưng bạn đã chăm sóc cho đôi chân của mình thật cẩn thận chưa?

Da chân cũng cần được chăm sóc như các vùng da khác

 

Da chân cũng cần được bạn quan tâm chăm sóc như da mặt và cơ thể vậy. Để da dễ dàng hấp thu các dưỡng chất từ những loại kem dưỡng ẩm da, việc đầu tiên là bạn nên tẩy da chết cho đôi chân.

Để tẩy da chết trước hết bạn nên làm sạch da, sau đó dùng kem tẩy tế bào chết, hoặc đơn giản hơn bạn có thể dùng muối ăn thoa đều lên chân, để khoảng 5 phút rồi dùng tay hoặc miếng bọt biển, bàn chải mềm xoa nhẹ theo vòng tròn để tẩy tế bào chết trên da. Với gót chân, phần da chai sẽ dày hơn, khi đó bạn dùng dụng cụ bào mòn (đá bọt) để làm mỏng đi lớp da chai sần, sau đó rửa sạch lại da với nước mát.

Sau khi tẩy da chết cho đôi chân bạn có thể dưỡng ẩm da bằng kem dưỡng hoặc đắp hoa quả cho chân. Trước khi đắp hỗn hợp trái cây, bạn ngâm chân vào hỗn hợp nướ ấm nấu từ vỏ cam, quýt, vỏ bưởi, sả cây… Hỗn hợp nước này sẽ giúp thư giãn đôi chân và khử mùi hôi của chân. Rửa lại chân bằng nước ấm rồi lau khô. Đôi chân của bạn sẽ có một làn da khỏe khoắn hơn trước rất nhiều.

Chú ý một số bệnh thường gặp ở chân

* Mụn cóc lòng bàn chân :

Đây là bệnh do virus, có thể lây lan thành nhiều cái, thường gặp ở lòng bàn chân, ngón chân. Mụn cóc thường có nhiều cái, ở sâu, ít đau, nhìn kỹ có những gai nhỏ.

Điều trị : Chấm thuốc hủy mụn cóc như : DUOFILM, WARTNER, NI-TƠ lỏng, đốt điện.

* Chai lòng bàn chân :

Do sự đè ép mạnh và kéo dài, lặp đi lặp lại. Triệu chứng : da dày, màu vàng, sờ cộm, bóp không đau, vị trí thường hay gặp là đầu xương bàn chân.

Điều trị : Tránh cọ sát đè ép trên vùng da dày, ngâm nước ấm 15 phút cho da mềm rồi dùng dao gọt cho da chỗ dày mỏng bớt, không để chảy máu. Hoặc phẫu thuật cắt bỏ.

 * Nứt gót chân :

Do sự cọ sát thường xuyên kéo dài, thường gặp ở người hay mang giàu, chạy nhiều như chơi bóng đá hoặc tennis.

Triệu chứng : Ở hai gót chân có nhiều đường nứt sâu, da chung quanh dày. Thông thường thì không có triệu chứng gì nhưng khi bị tác động của hóa chất như xà bông, chất bám dính thì có thể bị viêm da tiếp xúc dị ứng.

Điều trị : Bôi thuốc làm giảm nứt gót chân như : SKINCARE U, ELLGY PLUS

 * Da vẩy cá :

Đây là bệnh thường do yếu tố di truyền đôi khi mắc phải.

Triệu chứng : bệnh biểu hiện chủ yếu ở 2 cẳng chân. Da có nhiều vảy nhỏ như da cá, da rắn, màu trắng. Vào mùa nắng bệnh giảm, vào mùa đông da khô căng hơn.

Điều trị : tắm nước ấm. Tắm xà bông có chất giữ ẩm. Bôi kem có chất UREA. Bôi mỡ SALICYLIC 5%.

 Mách nhỏ cho đôi chân

- Thoa một chút kem dưỡng lên chân trước khi ra ngoài khoảng 15 phút, kem sẽ làm da mềm mại, tạo cảm giác chân bạn thon thả và dài hơn hẳn

- Nếu đôi chân bất ngờ xuất hiện vết trầy xước, thâm đen, hãy chọn tất dày cùng tông màu với váy hoặc áo, vừa che khuyết điểm vừa rất sành điệu và mốt.

- Mát xa chân: Bạn vẫn thường nghe nói, mát xa chân giúp máu lưu thông được một cách dễ dàng và luôn tạo cho bạn cảm giác thư giãn thoải mái. Tuy nhiên, nên mát xa chân như thế nào để đạt hiệu quả cao thì lại ít ai có thể biết được điều này.

- Các loại kem dùng cho mặt, cổ, tay…đều có tác dụng tốt đối với da chân. Vì thế, bạn không nên vứt bỏ phần kem thừa mà dùng để thoa cho chân, vừa tiết kiệm, vừa giúp chân mềm mại, mịn màng hơn.

- Ngâm chân: Sau một ngày làm việc căng thẳng mệt mỏi, đôi chân của bạn bị 'bít' trong những đôi giày, dép đế cao, chật và thiếu không khí, khiến cho máu khó lưu thông và thậm chí là còn gây nên những mùi khó chịu. Để giúp chân 'thư giãn' bạn hãy ngâm chân vào nước có thêm vài cục đá, 6 giọt tinh dầu trà xanh và lá cây hương thảo. Ngâm trong vòng khoảng 3 đến 5 phút. Sau đó rửa sạch chân lại với nước và lau khô bằng chiếc khăn vải sợi mềm.

- Bạn cũng có thể che khuyết điểm của đôi chân bằng cách kết hợp cách ăn mặc quần áo và đi giày dép phù hợp để tôn dáng và tạo cảm giác đôi chân thon thả hơn.

(Theo aFamily)

Có nên phá nốt ruồi?

Có nhiều người thích cái nốt ruồi của mình bởi nó tạo nên duyên dáng, nhưng cũng có nhiều người muốn 'giải quyết' nốt ruồi nằm choán trên gương mặt!

Nhận diện các nốt ruồi ác tính

Đa số các nốt ruồi đều lành tính, thậm chí với một số người, nốt ruồi còn được gọi là 'hạt sắc đẹp', tạo nên nét chấm phá cho khuôn mặt thêm duyên. Thông thường nốt ruồi xuất hiện với số lượng ít, phẳng hoặc hơi cộm, màu nâu hoặc đen.

Tuy nhiên, sau một thời gian, một số trường hợp nốt ruồi có thể hóa ác. Người ta thấy 1/3 ung thư hắc tố có thể xảy ra trên các nốt ruồi có sẵn; nếu gặp các yếu tố kích thích kéo dài như cọ xát, phơi nắng; yếu tố di truyền cũng được ghi nhận.

Những dấu hiệu sau cho thấy ung thư đang xảy ra trên nốt ruồi mà trước đây lành tính: có sự lớn nhanh về thể tích, bề mặt nốt ruồi phát triển rộng ra thêm và trở nên cứng; có sự thay đổi màu sắc, đặc biệt nếu thương tổn có màu sắc không đều: chỗ đen đậm, chỗ đen lợt, hoặc có màu vàng, màu nâu; có sự thay đổi về cảm giác như đau, ngứa; có sự thay đổi trên bề mặt như loét, sùi, chảy máu, rỉ dịch; có hạch vùng phụ cận. Hai nhóm dấu hiệu cuối là những dấu hiệu muộn.

Lý do bỏ nốt ruồi

Đó là lý do thẩm mỹ - ở những vị trí phơi bày như mặt, cổ các nốt ruồi lúc này xuất hiện như những hạt đậu đen, trông xấu xí khiến người ta kém tự tin; tiếp theo là lý do sức khỏe hay lý do y khoa - khi nốt ruồi có những biểu hiện đe dọa hóa ác, hoặc đã trở thành ung thư. Tiếp nữa là lý do tâm linh - những nốt ruồi ở khu vực mí mắt dưới, khóe mắt bị coi là các nốt ruồi 'lệ' mang lại buồn khổ. Những nốt ruồi trên vai bị cho là khiến người ta gánh vác nhọc nhằn nên cũng bị phá đi.

Nhằm mục đích 'phòng bệnh hơn chữa bệnh', một số nốt ruồi có nguy cơ ung thư hóa sẽ được bỏ sớm. Đó là những nốt ruồi ở các vị trí thường xuyên bị cọ xát như ở lưng quần, ở vùng râu tóc (khi cạo râu, cắt tóc sẽ va chạm nhiều lần), ở lòng bàn chân, gót chân...

Phá bỏ nốt ruồi bằng cách nào?

Cần tránh các cách phá bỏ truyền miệng như phá bằng vôi ăn trầu, bằng thuốc uốn tóc... Nên đến các bác sĩ chuyên khoa để khám xem nốt ruồi của bạn là lành hay dữ. Tùy từng tình huống, có thể bạn phải làm thêm một số xét nghiệm. Với các nốt ruồi bình thường không hóa ác, người ta có thể đốt (đốt điện hoặc laser), hoặc cắt bỏ và khâu lại. Thường thì biện pháp cắt sẽ cho vết sẹo nhỏ và đẹp hơn.

Với các nốt ruồi có nguy cơ ác tính hoặc đã thành ác, cần cắt bỏ càng sớm càng tốt và phải kết hợp với sinh thiết. Vết cắt phải sâu đến lớp cân và rộng hơn mép ngoài của nốt ruồi ít nhất 1 cm, có khi đến 5 cm. Song song đó, bệnh nhân cần được khám tổng quát một cách tỉ mỉ, toàn diện để phát hiện các thương tổn có thể có do di căn.

Việc phá bỏ nốt ruồi phải được cân nhắc thực hiện sớm bởi các chuyên gia. Nếu phá nốt ruồi không đúng cách sẽ là yếu tố kích thích khiến thương tổn phát triển dữ dội hơn.

BS Võ Thị Bạch Sương

(Theo Thanhnien)

Chứng á sừng lòng bàn tay, chân

Á sừng là trạng thái lớp sừng chuyển hóa dở dang, tế bào còn nhân và nguyên sinh, chưa chuyển hóa hết thành sừng. Nếu không giữ gìn vệ sinh, người bệnh dễ bị nhiễm khuẩn thứ phát gây sưng tấy, nổi hạch, phát sốt.

Lớp sừng chuyển hóa dở dang gọi là lớp sừng non, sừng bở, sừng tạp, kém chất lượng. Á sừng có thể gặp trong nhiều bệnh ngoài da, và là bệnh điển hình ở lòng bàn tay, chân. Vùng bàn tay, chân bị á sừng thường khô ráp, róc da, nứt nẻ ở ria, gót chân và đầu các ngón.

Vào mùa hè, vùng da bệnh bị ngứa, nổi mụn nước như trong bệnh tổ đỉa, lâu ngày có thể làm các móng xù xì lỗ chỗ. Vào mùa đông, tình trạng nứt nẻ càng nặng, phần da bệnh dễ bị toác ra, rớm máu, nứt sâu ở gốc ngón gọi là đứt cổ gà, đi lại đau đớn.

Nguyên nhân gây á sừng đến nay vẫn chưa xác định, song nhiều nhà khoa học cho rằng đó là do yếu tố di truyền trong gia đình hoặc thói quen dinh dưỡng thiếu cân đối từ bé. Thực tế cho thấy đại đa số các em mắc bệnh đều là ăn ít rau quả. Thiếu vitamin nhất là A, C, D, E... sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lớp sừng.

Phương pháp điều trị hiện nay là dùng các thuốc bôi bạt sừng, tạo sừng như axit salixilic, diprosalic, betnoval. Cần kết hợp với thuốc kháng sinh tác động ngay tại vùng da bệnh hoặc toàn thân nếu bị nhiễm khuẩn phụ, dùng các thuốc chống nấm nếu có nhiễm nấm như mỡ nizoral, dẫn xuất imidazol, griseofulvin. Trường hợp nặng có thể phải dùng corticoid, kháng histamin.

Phía người bệnh cần thực hiện một số điều như sau:

- Tránh bóc vẩy da, chọc nhể các mụn nước, chà sát kỳ cọ quá mạnh bằng đá kỳ, bàn chải..., làm xây xước lớp sừng tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn, nấm trên lớp sừng vốn đã kém sức đề kháng.

- Không nên ngâm rửa tay chân nhiều. Chú ý giữ khô các kẽ. Lớp sừng vốn đã bở nên càng ẩm ướt sẽ càng dễ bị vi khuẩn nấm tấn công.

- Hạn chế dùng xà phòng có độ tẩy mỡ cao ở tay chân. Khi tiếp xúc với xà phòng, xăng dầu cần đeo găng bảo vệ.

- Mùa đông nên đi tất đi găng tay sớm hơn người khác để bảo vệ lớp sừng ở lòng bàn tay, chân khỏi tác hại của biến đổi thời tiết đột ngột dễ làm nứt nẻ.

- Tăng cường ăn rau quả tươi để có đủ vitamin cho cơ thể nói chung và lớp sừng nói riêng. Giá đỗ, cà chua, các loại đậu, rau ngót, rau bí, bắp cải, cam bưởi, đu đủ, cà rốt... là nguồn cung cấp vitamin vô cùng quý báu. Ngay từ bé, cần tập cho trẻ thói quen thích ăn rau quả thay vì bim bim, kẹo cao su...

- Nếu có kèm theo tăng tiết mồ hôi có thể uống lâu dài bài thuốc nam: lá dâu tằm 20g, đậu đen rang 10g. Đổ 3 bát nước đun kỹ lấy 1 bát uống trong ngày. Bài thuốc rất đơn giản nhưng khá hiệu nghiệm.

Giáo sư Nguyễn Xuân Hiền, Sức Khoẻ & Đời Sống