Lưu trữ cho từ khóa: yếu tố cơ địa

Vận động để vòng hai thon gọn

Hiện nay, tôi 23 tuổi, tôi là sinh viên. Trọng lượng của tôi là 46kg, chiều cao 1m54. Khi tính chỉ số BMI thì tôi đạt tiêu chuẩn bình thường. Tuy nhiên, phần cơ thể tôi béo tập trung vào phần bụng.

Tôi đã cố gắng ăn nhiều chất xơ và uống nhiều nước song hiệu quả không khả quan lắm. Tôi thường hay vận động. Tôi thường xuyên sử dụng nước chè và cà phê, tôi nghe nói nước chè khiến cho vòng 2 không được thon gọn. Không biết thông tin này liệu có chính xác không và tôi cũng mong muốn nhận được sự góp ý chân thành từ phía các nhà tư vấn

Uống chè và cà phê không phải là nguyên nhân khiến cho vòng 2 không thon gọn. Việc vòng 2 của bạn bị mập do yếu tố cơ địa của cơ thể và do tính chất công việc của bạn quyết định. Nếu bạn ngồi nhiều và ít tham gia các hoạt động tác động đến cơ bụng thì bụng bạn không thon gọn là điều cũng dễ hiểu. Để có thể hạn chế việc mỡ tập trung ở phần bụng bạn có thể thường xuyên đi lại, không nên ngồi nhiều quá, tập các động tác tác động nhiều đến phần bụng.

Leo cầu thang cũng là cách rất tốt để khiến bụng bạn không bị mập nữa. Tuy nhiên, không có một cách giảm cân nào dành riêng cho phần bụng cả nên bạn chỉ có thể thay đổi thói quen tập thể dục và tập trung các động tác liên quan đến phần bụng mà thôi. Bạn cũng có thể tham gia lớp tập aerobic, đây là môn tập khiến cho cơ thể bạn giảm cân đồng đều, săn gọn và tạo một cơ thể cân đối khỏe đẹp.

(Theo Ngoisao)

Nẻ mặt – Làm sao đây?

Khi thời tiết trở nên hanh khô, da mặt của chúng ta thường hay bị nẻ. Nhiều người, nhất là những người có thói quen rửa mặt bằng nước nóng thì sau khi rửa mặt da mặt thường bị đỏ lên, hơi dày hơn, sờ vào có cảm giác cồm cộm dưới tay.

Đôi khi da bị bong tróc các vảy nhỏ như phấn, cám. Một số người có thể bị ngứa nhẹ. Trời càng lạnh da càng khô hơn. Đây là hiện tượng tăng mất nước qua thượng bì khi trời lạnh. Những người có yếu tố cơ địa thì bị nẻ ngay khi bắt đầu lạnh, mức độ nẻ cũng nặng hơn những người bình thường.

Rửa mặt nhẹ nhàng ngày 2 - 3 lần bằng nước ấm tan giá, có thể sử dụng các loại sữa làm mềm da

Chăm sóc da: Rửa mặt nhẹ nhàng ngày 2 - 3 lần bằng nước ấm tan giá, không nên rửa bằng nước nóng quá. Có thể sử dụng các sữa làm mềm da, ẩm da như physiogel, cetaphil...

Sau khi rửa mặt xong các bạn có thể bôi các chế phẩm làm ẩm da như: cream physiogel, vitamin E... Nếu nẻ nhiều có thể bôi ngày 2-3 lần.

Tuyệt đối không bôi các thuốc có chứa steroid như trangala, cortebios, chlorocid H, flucinar, gentrisone, diprosone, fobancort... Nếu bạn bôi kéo dài các thuốc này sẽ gây nên một số hậu quả sau:

- Gây hiện tượng lệ thuộc thuốc: cứ bôi vào thì đỡ, nếu dừng thuốc thì da lại đỏ lên và ngứa.

- Nổi mụn trứng cá nếu ta bôi vào vùng có nhiều tuyến tiết chất nhờn như: da mặt, ngực, lưng, mặt ngoài hai cánh tay.

- Da sần sùi như vỏ cam sành khi bôi thuốc trên da mặt kéo dài: các sẩn màu đỏ, nổi cao hơn mặt da, nền da sần sùi, ngứa.

- Teo da: da bị teo mỏng làm nổi rõ các mạch máu có màu hồng hoặc xanh tím...

- Giãn mạch: các mao mạch dưới da giãn rộng làm da luôn có màu hồng hoặc đỏ, và bị ngứa hoặc rát khi vùng da đó tiếp xúc với gió, nắng hoặc nước mưa...

- Lông mọc dài ra.

Nếu có mụn nước hoặc đỏ da nhiều là có biểu hiện của viêm da. Lúc này bạn phải dừng ngay các loại thuốc đang bôi lại và đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để có phương pháp điều trị đúng cách.

(Theo SK&ĐS)

Điều trị viêm da quanh miệng

Tôi hay bị khô sần sùi, đỏ lên, rồi bong vảy ở vùng xung quanh miệng. Đôi khi có mụn nước, ngứa nhiều. Rất buồn là khi khỏi thì vẫn còn các vết thâm lem nhem quanh miệng trông rất xấu. Xin hỏi bệnh gì và cách chữa thế nào?

Trịnh Hồng Thu (Cao Bằng)

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiTheo như mô tả thì bạn mắc bệnh 'Viêm da quanh miệng'. Bệnh thường xuất hiện tự phát hoặc đôi khi do phản ứng với một số chất hóa học có trong các chế phẩm như son môi, kem, phấn trang điểm, xà phòng, sữa rửa mặt, kem đánh răng... Các chất này làm tổn thương tế bào biểu bì và viêm da xuất hiện. Khởi đầu da xung quanh miệng và có thể cả môi đỏ lên, hơi phù nề, sau đó có thể xuất hiện các mụn nước nhỏ li ti. Các mụn nước này tồn tại vài ngày rồi vỡ ra, bong vảy. Khi lớp vảy này bong hết thì để lại nền da màu hồng. Màu hồng này nhạt dần rồi trở lại màu da bình thường ở đa số các trường hợp. Một số trường hợp khác do có yếu tố cơ địa dễ dị ứng bên trong cơ thể hoặc do các thói quen không có lợi như hay chà xát, hay sờ tay lên vùng da bị tổn thương, hay liếm môi... làm cho các tế bào biểu bì liên tục bị tổn thương, da không liền lại được và tình trạng viêm da kéo dài dai dẳng. Môi và da quanh miệng cứ bị đỏ lên, bong vảy hết đợt này đến đợt khác và tổn thương có xu hướng lan rộng ra xung quanh. Bệnh nhân chà xát mạnh sẽ làm da dày lên, sần sùi. Bệnh có thể phát nhiều đợt và để lại các vết thâm loang lổ rất ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Bệnh nhân có thể không ngứa hoặc ngứa nhẹ. Một số bệnh nhân lại cảm thấy rát khó chịu thường phải cho tay lên chà xát. Trời càng lạnh thì cảm giác rát càng tăng lên.

- Về chăm sóc da: Tuyệt đối không được bóc vảy, kiêng liếm môi và không dùng các sữa rửa mặt, son môi, kem phấn bôi lên môi và vùng da bị tổn thương.

- Điều trị tại chỗ có thể bôi một trong các chế phẩm có steroid hoạt phổ nhẹ như: eumovate, fobancort, fucicort, chlorocide H... ngày 2 lần. Các chế phẩm này chỉ được bôi trong vòng 1-2 tuần, nếu bôi nhiều quá sẽ gây các tác dụng phụ như đỏ da, teo da, giãn mạch, lông mọc dài ra. Không gãi, không cạo trước khi bôi thuốc. Sau đó khi tổn thương da đỡ đi ta có thể bôi các chế phẩm làm mềm da, dịu da như cream vitamine E, vaselin... Các chế phẩm này có thể bôi kéo dài cho đến khi tổn thương liền hẳn.

Nếu tổn thương da nặng và có viêm đỏ nhiều thì cần uống một đợt kháng sinh trong 5 - 7 ngày. Nếu ngứa nhiều thì có thể uống một trong các thuốc kháng histamin như: phenergan hoặc loratadin. Thuốc uống phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Tốt nhất, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị.  

TS. Nguyễn Thị Lai