Lưu trữ cho từ khóa: xuất huyết não

Ăn thịt có thể giảm nguy cơ mắc bệnh xuất huyết não

Nên chú ý tới lượng thịt và sữa hấp thụ hằng ngày để có sức khỏe tốt.

Theo nghiên cứu gần đây của trung tâm nghiên cứu ung thư quốc gia Nhật Bản cho thấy, ăn nhiều các loại thịt và sữa có hàm lượng acid béo bão hòa phong phú có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh xuất huyết não và nhồi máu não, nhưng lại có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Nghiên cứu cho thấy muốn cùng lúc tránh được 2 loại bệnh trên mọi người nên chú ý tới việc ăn các loại thịt và sữa với một lượng phù hợp.

an-thit-co-the-giam-nguy-co-mac-benh-xuat-huyet-nao

Các nhà nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu ung thư quốc gia Nhật Bản đã điều tra thói quen ăn uống của hơn 80 ngàn người dân Nhật Bản, cùng với việc dựa vào số liệu điều tra lượng tiêu thụ các loại thịt và sữa đã phân được thành 5 nhóm.

Kết quả cho thấy tỷ lệ đột quỵ bao gồm cả cho bệnh xuất huyết não và nhồi máu não của nhóm ít ăn thịt nhất ít hơn 23% so với nhóm ăn thịt nhiều nhất (mỗi ngày ăn từ 22g đến 97g thịt). Nguyên nhân là do trong các loại thịt và sữa có chứa hàm lượng acid béo bão hòa phong phú làm tăng cholesteron và thúc đẩy các mạch máu hoạt động mạnh.

Tuy nhiên nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra nhóm ăn ít thịt nhất lại có tỉ lệ mắc nhồi máu cơ tim cao hơn 39% so với nhóm ăn nhiều thịt nhất. Như thế hấp thụ quá ít hoặc quá nhiều acid béo bão hòa đều không tốt cho cơ thể.

Các nhà nghiên cứu cho biết, muốn đồng thời giảm nguy cơ mắc 2 loại bệnh đột quỵ não và nhồi máu cơ tim thì mỗi ngày nên hấp thụ khoảng 20g acid béo bão hòa là hợp lý nhất, tương đương với mỗi ngày uống 200g sữa bò hoặc cách ngày ăn 150g thịt.

(Theo TTVN)

Hoa quả chứa vitamin C ngừa xuất huyết não

Các bác học người Nhật vừa đưa ra kết luận rằng những người thường xuyên ăn rau và hoa quả sẽ tránh được xuất huyết não.

Ai cũng biết rằng rau tươi và hoa quả rất có lợi cho sức khoẻ, vì có chứa vitamin và các chất xơ... đặc biệt là vitamin C, loại vitamin giúp cơ thể chống bách bệnh. Nhưng một tin y học hoàn toàn mới mẻ - lượng vitamin C nếu đầy đủ trong máu sẽ giúp cơ thể giảm thiểu nguy cơ mắc chứng bệnh xuất huyết não. Những người ăn toàn thịt sẽ dễ bị xuất huyết não hơn nhiều lần so với những người ăn nhiều rau quả.

Các bác sỹ đã chọn 880 đàn ông và 1241 phụ nữ với các lượng vitamin C trong máu khác nhau và chia họ ra làm 4 nhóm. Qua thời gian theo dõi họ trong vòng 20 năm ( từ năm 1977), trong số họ có 196 trường hợp bị mắc bệnh xuất huyết não. 70% bệnh nhân là những người có tỉ lệ vitamin C trong máu ở mức thấp.

Nguy cơ mắc bệnh ở những người thích ăn thịt lớn hơn gấp 1.5 lần so với những người ăn rau quả đều đặn hàng ngày. Hiện nay các bác sỹ người Nhật đang chuẩn bị nghiên cứu tác dụng của vitamin C đối với việc phòng bệnh tim.

(Theo Mẹ&Bé)

Nguyên nhân gây đột quỵ ở người cao tuổi và cách xử trí

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não dễ xảy ra ở người cao tuổi (NCT). Đặc biệt, mùa hè NCT có thể bị đột quỵ nhất là với những người có sẵn về bệnh tim mạch, cao huyết áp.

Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong cao sau bệnh về tim mạch và ung thư. Tại Mỹ, hàng năm có tới 60 vạn người mắc bệnh đột quỵ và tử vong khoảng 16 vạn người.

Người cao tuổi cần đi khám sức khỏe định kỳ để phòng ngừa đột quỵ

Nguyên nhân xảy ra đột quỵ

Đột quỵ là hiện tượng ngừng trệ đột ngột dòng máu cung cấp cho não gây nên tổn thương cấp tính vùng não thiếu máu. Sự ngưng trệ đột ngột máu cung cấp cho não (hoặc thiếu hoặc mất hẳn) tức là ngưng trệ cung cấp oxy và các chất dinh dưỡng cho vùng não thiếu máu đó, dẫn đến tế bào não bị hoại tử chỉ sau một thời gian ngắn.

Sự thiếu máu nuôi dưỡng một vùng não có thể do bị chèn ép bởi cục máu đông (do tổn thương tim) hoặc do vỡ mạch mãu não gây xuất huyết não (tăng huyết áp kịch phát, xơ vữa động mạch).

Xuất huyết não có thể ồ ạt hay từ từ, tùy thuộc vào vị trí và mức độ mạch máu bị vỡ. Ngoài ra cũng có thể gặp đột quỵ do rối loạn đông máu hoặc ở người bệnh đang dùng thuốc điều trị chống đông máu.

Theo thống kê, có khoảng 22% dân số mắc bệnh tăng huyết áp. Tuy vậy, nhiều người không quan tâm đến bệnh này hoặc do chủ quan cho rằng bệnh tăng huyết áp là bệnh của người già, ai cũng có thể bị, hoặc không có điều kiện để tìm hiểu về căn bệnh mà người ta gọi là “bệnh giết người thầm lặng”. Mùa nắng nóng kéo dài khiến cho NCT đang mắc bệnh tăng huyết áp rất khó kiểm soát, do đặc điểm sinh lý của NCT là mọi chức năng sinh lý đã thuyên giảm, trong đó có chức năng điều tiết của hệ thần kinh trung ương. Đó là chưa kể đến NCT còn mắc một số bệnh mạn tính về tim mạch, tiểu đường, béo phì, bệnh rối loạn chuyển hóa... Mùa hè cũng làm cho chế độ sinh hoạt, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của NCT thay đổi. Mùa hè đột quỵ dễ xảy ra ở NCT đặc biệt là ở những người có sẵn các bệnh về tim mạch (tiền sử có nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành), tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, triglyceride), đái tháo đường.

Dấu hiệu đột quỵ

Khi NCT đột ngột đau đầu dữ dội, choáng váng, mất tri giác hoặc hôn mê, gọi hỏi không biết gì (trường hợp nặng do xuất huyết não nhiều hoặc bị chèn ép làm tắc nghẽn mạch máu nuôi dưỡng một vùng não), đó là những dấu hiệu báo trước của đột quỵ. Những dấu hiệu nữa là đột ngột tê tay, chân cùng bên hoặc tay chân khó cử động; nói khó, ngọng, phát âm không rõ; một bên mắt nhắm không kín, nhìn đôi, nhìn mờ, nhoè; miệng méo; nhân trung lệch; có thể rối loạn tiểu tiện (tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu). Ngoài ra, có thể gặp một số dấu hiệu khác kèm theo như mất thăng bằng, buồn nôn hoặc nôn. Các triệu chứng này có thể tăng dần lên làm cho bệnh cảnh càng trầm trọng. Nguy cơ tử vong ở những người đột quỵ không phát hiện sớm và không xử trí kịp thời có thể chiếm tỷ lệ rất cao (90%) và một tỷ lệ thấp nếu qua khỏi phải chịu di chứng nặng nề hoặc liệt, mọi sinh hoạt không tự chủ, không nói được, lú lẫn... Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp các triệu chứng chỉ xảy ra trong vòng vài ba phút rồi trở lại bình thường. Trong trường hợp này được gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua.

Làm gì khi bị đột quỵ?

Chỉ cần có một trong các dấu hiệu cảnh báo là bị đột quỵ là phải hết sức khẩn trương gọi xe cấp cứu ngay, không được chần chừ, cũng không chờ đợi xem còn dấu hiệu nào xuất hiện nữa hay không. Cấp cứu càng sớm càng tốt bởi vì nếu xử trí trước 2 giờ, tối thiểu trước 6 giờ, khả năng cứu sống người bệnh rất cao và ít để lại di chứng, nếu muộn hơn nguy cơ diễn biến phức tạp luôn luôn có thể xảy ra. Trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến nên cho người bệnh nằm yên, nghiêng đầu sang một bên ngay cả khi có triệu chứng co giật. Để tránh người bệnh cắn lưỡi cho một chiếc đũa hoặc cán thìa có quấn vải vào giữa 2 hàm răng.

Phòng bệnh đột quỵ ở NCT là phải phòng từ xa có nghĩa là cần được khám sức khỏe định kỳ theo lời dặn của bác sĩ. Khi có bệnh về tim mạch cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Khi có bệnh tăng huyết áp hoặc rối loạn mỡ máu hoặc bị đái tháo đường cần kiểm tra huyết áp, mỡ máu và đường máu theo lời dặn của bác sĩ khám bệnh. Tuyệt đối không tự mua thuốc hoặc dùng đơn thuốc của bệnh nhân khác mua thuốc cho mình.

Mùa hè, NCT nên uống đủ lượng nước cần thiết và không phải chờ đợi khi có biểu hiện khát mới uống. Nếu nghiện thuốc lá, thuốc lào thì cần hạn chế và tốt nhất là bỏ hẳn. Những người có bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường không nên uống bia, rượu. Nên tăng cường uống nước cam, chanh và quả tươi.

Mùa hè cũng cần vận động cơ thể một cách hợp lý. NCT nên tập các bài tập nhẹ nhàng hợp với sức khỏe của mình, không nên tập khi mặt trời lên cao, nhiệt độ ngoài trời đã tăng. Mỗi lần ra nắng cần đội nón, mũ rộng vành. Nên mặc quần áo mỏng, thoáng mát.

NCT nên ăn nhiều rau, ăn đủ chất. Những NCT có bệnh cần ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ nhưng không nên kiêng khem quá mức vì có thể đưa đến suy dinh dưỡng.

Meo.vn (Theo SK & ĐS)

Trẻ sơ sinh nhẹ cân có có nguy cơ bị tự kỷ

Nghiên cứu mới đây cho thấy trẻ sinh thiếu cân dễ bị tự kỷ gấp 5 lần so với những trẻ có cân nặng trung bình khi sinh.


Nghiên cứu gồm 862 trẻ sinh non, nhẹ cân được sinh ở New Jersey trong khoảng từ tháng 10/1984 đến 7/1989 và được theo dõi đến khi 21 tuổi. Những trẻ này có cân nặng khi sinh từ 500g-2kg.

Các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Pennsylvania thấy rằng 5% số trẻ trong nghiên cứu bị tự kỷ so với 1% trong dân cư nói chung.

Nghiên cứu trước đây đã xác định mối liên quan giữa cân nặng khi sinh thấp và một số vấn đề về vận động và kỹ năng nhận thức nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy trẻ có cân nặng khi sinh thấp cũng tăng nguy cơ bị tự kỷ.

Nhóm nghiên cứu khuyến cáo nếu nghi ngờ trẻ bị tự kỷ hoặc xét nghiệm sàng lọc dương tính với rối loạn phổ tự kỷ (ASD), các bậc cha mẹ nên tìm cách đánh giá về ASD. Can thiệp sớm giúp cải thiện kết quả trong thời gian dài và giúp ích cho trẻ cả ở trường và ở nhà.

Nghiên cứu trong tương lai sẽ xem xét các mối liên quan giữa xuất huyết não (một biến chứng hay gặp ở trẻ sinh non) và bệnh tự kỷ.

Nghiên cứu được công bố trực tuyến trên số ra tháng 11 của tạp chí Pediatrics.

Meo.vn (Theo Dantri)

Cụ bà xuất huyết não vì bị truyền nhầm máu

Một bà cụ 64 tuổi đã bị xuất huyết não sau khi được truyền nhầm nhóm máu, hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch tại khu chăm sóc đặc biệt của một bệnh viện ở Hong Kong, Trung Quốc.

Giám đốc bệnh viện Authority (nơi để xảy ra sai sót) đã gửi lời xin lỗi đến bệnh nhân và gia đình trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm thứ 6 vừa qua.

Quan chức bệnh viện cũng đã mở cuộc điều tra liệu có sai sót nào trong quá trình tìm máu tương hợp hay không. Kết quả điều tra sơ bộ tìm thấy lỗi có thể phát sinh từ phòng thí nghiệm. Người ta phỏng đoán có thể đã có sự nhầm lẫn máu của hai bệnh nhân có nhóm máu khác nhau.

Người phụ nữ nói trên trước đó vào trung tâm y tế Caritsa (thuộc bệnh viện Authority) để chữa vẹo xương sống và hẹp đốt sống lưng. Sau ca mổ, người ta thấy tình trạng của bà không ổn định, và chuyển vào trung tâm chăm sóc đặc biệt, với máy trợ thở. Ngày hôm sau, bà được phát hiện xuất huyết não.

Theo asiaone.com, bệnh nhân sau đó được chuyển tới Bệnh viện Kwong Wah, nơi đây xác nhận bà đã bị truyền nhầm nhóm máu A, trong khi bà thuộc nhóm máu B.

Meo.vn (Theo Vne)

Nút mạch điều trị bệnh lồi mắt, ù tai

Bằng kỹ thuật nút thông động mạch cảnh xoang hang bằng bóng không chỉ giúp bệnh nhân bị lồi mắt, ù tai do thông động mạch cảnh xoang hang tránh khỏi nguy cơ mù do tăng áp lực tĩnh mạch mắt, phù nề gai thị, xuất huyết võng mạc... mà còn tránh được nguy cơ xuất huyết não gây liệt nửa người.

Lồi mắt, ù tai là một triệu chứng thường gặp sau khi bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông, lao động... làm động mạch cảnh trong xoang hang bị thủng 1 lỗ và máu chảy vào xoang hang. Khi bị dòng máu động mạch đổ vào thì áp lực trong xoang hang tăng lên, chảy ngược về phía tĩnh mạch mắt gây ứ trệ tuần hoàn mắt và hốc mắt.

http://bee.net.vn/dataimages/201109/original/images781968_T9_nut_mach_DSCN3055.jpg
Một ca thực hiện nút mạch tại Bệnh viện TƯ Quân đội 108.

Sau khi bị chấn thương (hoặc tức khắc hay sau một khoảng thời gian) bệnh nhân nghe thấy tiếng ù ù liên tục trong đầu phía bên chấn thương, ban đêm rõ hơn ban ngày, kèm theo là hiện tượng mắt lồi và xung huyết đỏ kết mạc với các mức độ khác nhau. Thông thường bệnh nhân nghĩ bị bệnh mắt, nên đi khám và điều trị ở các chuyên khoa mắt nhưng thực tế, bệnh không liên quan đến mắt mà cần được chuyển đến khám và điều trị chuyên khoa can thiệp mạch thần kinh.

Trước đây, căn bệnh này được điều trị bằng phẫu thuật theo kỹ thuật BROOK và BROOK cải tiến, thả thịt tự thân vào động mạch cảnh để bịt tắc lỗ thông động tĩnh mạch. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ có tỷ lệ thành công 60 - 70% và nhiều trường hợp tắc động mạch cảnh trong, hay có biến chứng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Hiện nay, trên thế giới không sử dụng phương pháp phẫu thuật để điều trị bệnh lý này mà sử dụng phương pháp nút mạch. Theo động mạch đùi, các chuyên gia can thiệp mạch sẽ đưa ống thông lên động mạch cảnh trong, sau đó đưa bóng bằng Latex hay Silicon vào xoang hang và bơm bóng bằng thuốc cản quang có kiểm tra bằng chụp mạch số hoá (DSA) đến khi lỗ thông tắc hoàn toàn thì rút ống thông siêu nhỏ và để lại bóng bịt tắc lỗ thông; Một số trường hợp được bít lỗ thông bằng vòng xoắn kim loại (coils).

Bệnh nhân không cần phải gây mê (trừ trẻ em). Sau điều trị, bệnh nhân cần nằm nghỉ tại giường 2 - 3 ngày để đảm bảo sự ổn định của các vật liệu nút lỗ thông (có thể bị di chuyển và làm tái thông tổn thương). Bệnh sẽ khỏi dần trong vòng 1 tháng, không có biến chứng. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tránh lao động nặng trong 3 - 6 tháng. Kiểm tra lại sau 6 tháng điều trị.

Meo.vn (Theo Bee)

Chuyển dạ sinh và cách xử trí

Để hiểu rõ quá trình chuyển dạ sinh (CDS). các bà mẹ cần nhận biết các dấu hiệu báo trước và có kế hoạch đến bệnh viện hay nhà bảo sanh được đúng lúc, tránh những bất trắc xảy ra.

CDS được hiểu như thế nào?

CDS là quá trình diễn biến của nhiều hiện tượng, quan trọng là cơn co tử cung làm cho cổ tử cung xóa mở dần, kết quả là thai nhi và nhau được sổ ra ngoài. Diễn tiến cuộc chuyển dạ trải qua 3 giai đoạn:

- Giai đoạn 1, là giai đoạn xóa mở cổ tử cung, ở giai đoạn này có thời gian dài nhất trong 3 giai đoạn của cuộc chuyển dạ, con so thời gian 8 - 12 giờ, con rạ thời gian 4 - 6 giờ.

- Giai đoạn 2 là giai đoạn sổ thai, đây là giai đoạn người mẹ đau nhiều, thời gian ở con so 30 - 50 phút, con rạ 20 - 30 phút.

- Giai đoạn 3 là giai đoạn sổ nhau, thời gian trung bình con so là 20 – 30 phút, con rạ là 15 - 20 phút.

Theo dõi sản phụ trong quá trình chuyển dạ

Các dấu hiệu nhận biết CDS

- Sản phụ mang thai vào những tuần cuối của thai kỳ tự nhiên đau bụng vùng bụng dưới, cơn đau từng cơn, mỗi cơn đau dài khoảng 20 – 30 giây, rồi lại nghỉ 3 - 4 phút sau đó cơn đau xuất hiện lại. Trong 10 phút cơ thể xuất hiện từ 2 - 3 cơn đau, kèm theo ra nhớt hồng ở âm đạo.

- Đôi khi sản phụ không có cảm giác cơn đau, nhưng bỗng nhiên ở âm đạo ra nước nhiều làm ướt cả quần. Đây là trường hợp vỡ ối sớm.

- Có những trường hợp xuất hiện không đầy đủ, chỉ có ra nhớt hồng âm đạo, hay đau lưng mà không có cảm giác đau bụng dưới.

Tại sao có cơn đau bụng trong CDS?

Nguyên nhân phát sinh cơn đau bụng trong chuyển dạ bao gồm nhiều yếu tố khác nhau: sự thay đổi nồng độ các kích thích tố như: estrogen, progesteron, prostaglandin. Những thay đổi về thần kinh, nội tiết và các yếu tố cơ học tại chỗ.

Cơn co tử cung gây ra cơn đau bụng, cơn co này mang tính chất tự động, không tùy thuộc vào sản phụ. Cơn co tử cung có tính cách nhịp nhàng, đều đặn, tăng dần về cường độ và thời gian co. Lúc mới chuyển dạ, tử cung gò nhẹ và thưa, nhưng dần dần, tử cung gò nhiều, mạnh hơn và lâu hơn.

Khi xuất hiện cơn co tử cung làm cho tử cung gò lên, sản phụ sẽ có cảm giác đau, sang giai đoạn nghỉ tử cung hết gò, cảm giác không đau nữa.

Tác dụng của cơn co tử cung trong chuyển dạ.

Bình thường trong thời gian mang thai, cổ tử cung đóng và được gắn kín bởi nút nhầy cổ tử cung. Khi thai đã đủ tháng, dưới tác dụng của cơn co tử cung gây nên cuộc chuyển dạ. Cơn co tử cung làm cho cổ tử cung có hiện tượng xóa (cổ trong và cổ ngoài nhập lại thành một) và từ từ mở ra, làm thoát nút nhầy đồng thời làm vỡ các mao mạch, máu hòa vào nút nhầy gây ra nhớt hồng âm đạo.

Cơn co tử cung giúp cho đầu thai nhi lọt xuống và sổ ra ngoài âm đạo. Sau khi thai được sổ ra ngoài, cơn co tử cung giú p cho tử cung co lại đồng thời gây ra hiện tượng nhau bong và nhau thoát ra ngoài.

Cuộc chuyển dạ đã hoàn tất, cơn co tử cung lại tiếp tục giúp cho tử cung co hồi tốt làm cho sự cầm máu xảy ra, do đó sản phụ không bị mất máu.

Quá trình thai nhi được sinh như thế nào?

Vào giai đoạn 2 của cuộc chuyển dạ, sản phụ đau bụng ngày càng tăng từng cơn và cảm giác mót rặn, muốn đi cầu. Khi đó cổ tử cung mở gần trọn, đầu thai nhi xuống thấp. Sản phụ được hướng dẫn lên bàn sinh hay tại giường sinh. Sau 20 - 30 phút theo cơn rặn sinh của sản phụ kèm với cơn co tử cung và sự hướng dẫn của bác sĩ, thai nhi được xổ ra ngoài âm đạo, bác sĩ đỡ bé và có động tác hút nhớt giúp cho bé cất tiếng khóc chào đời; cô nữ hộ sinh cân bé xem bé nặng bao nhiêu. Bé được ủ ấm và tắm ấm trên bàn đặc biệt, sau khi cắt rốn, bé được nhỏ mắt và tiêm ngừa xuất huyết não màng não bằng vitamin K1 1mg tiêm bắp. Trong vòng 24 giờ đầu, bé được tiêm ngừa lao và ngừa viêm gan siêu vi B.

Dự phòng

CDS là một cuộc chuyển dạ không theo ý muốn của sản phụ, do vậy cơn đau bụng xảy ra vào lúc nào sản phụ nên đến bệnh viện ngay, bất kể ngày hay đêm. Các khoa sản của bệnh viện luôn luôn túc trực 24/24 giờ và có đội ngũ nữ hộ sinh, bác sĩ sẵn sàng tiếp nhận sản phụ.

BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

Cụ ông 70 bỗng dưng có … màng trinh?

Ông lão Lữ điều trị tại một bệnh viện ở Hà Bắc (Trung Quốc) giật mình khi nhìn vào tờ hóa đơn thanh toán viện phí của mình có cả tiền “vá màng trinh”.

Được biết, ông Lữ (hơn 70 tuổi) phải vào bệnh viện Tỉnh Hình (Hà Bắc, Trung Quốc) điều trị bệnh xuất huyết não từ trước Tết. Ngày 16/2, ông Lữ phải dở khóc dở cười khi bệnh viện Tỉnh Hình đưa cho ông Lữ tờ hóa đơn thanh toán viện phí, trên đó có ghi cả 330 NDT phí vá màng trinh.

Hóa đơn thanh toán viện phí có cả tiền “vá màng trinh”. Ảnh minh họa.

Người nhà ông Lữ phải xem kỹ lại những tờ hóa đơn của các ngày trước và cũng phát hiện tờ hóa đơn ngày 14/2 có thêm phí thở oxy 22 NDT.

Ngày 17/2, Giám đốc bệnh viện Tỉnh Hình lên tiếng về sự cố này và nói rằng bệnh viện tìm trên hệ thống máy tính phát hiện thấy lỗi sai là do nhân viên đánh máy nhầm.

Tuy nhiên, người nhà ông Lữ lại không đồng ý về cách giải thích này. Họ cho biết trong 20 ngày ông Lữ điều trị tại bệnh viện thì có một hóa đơn có thêm phí vá màng trinh và hai lần thở oxy, nếu như họ không lên tiếng thì bệnh viện cũng không có phản ứng gì. Theo họ, không thể nào nhầm lẫn tới mức thêm những hai, ba lần những chi phí không có thực.

Cuối cùng, bệnh viện Tỉnh Hình cũng phải giải trích bằng văn bản về việc thêm phí vá màng trinh vào hóa đơn thanh toán viện phí của ông Lữ quả thực là do nhân viên đánh máy gõ nhầm và hoàn lại tiền cho bệnh nhân.

Viêm tai giữa có thể gây viêm não

Vi trùng từ ổ viêm tai giữa có thể là một trong những nguyên nhân gây viêm màng não mủ, làm xuất huyết não nguy kịch... Nội dung

Ca bệnh điển hình

Đó là trường hợp của nữ bệnh nhân Đ.P (30 tuổi, nhà ở Q.7, TP.HCM). Ban đầu chị P. bị sốt, đau đầu, nên vào điều trị tại một bệnh viện ở Q.7 với chẩn đoán theo dõi bước đầu là rối loạn tiền đình. Hai ngày sau, chị được chuyển đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, tại đây bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não mủ. Ngày đầu điều trị, chị P. đáp ứng tốt với thuốc. Sang ngày hôm sau, chị đột ngột đau đầu dữ dội, yếu dần nửa người, lên cơn co giật, đồng tử hai mắt giãn ra, rơi vào hôn mê sâu. Các bác sĩ cho chụp CT Scaner, kết quả hình ảnh cho thấy chị P. bị nhồi máu não, xuất huyết não rất nhiều ở vị trí bán cầu bên phải. Máu tụ gây chèn ép não, buộc phải phẫu thuật mở hộp sọ để lấy máu tụ, giải áp cho não.

Hai ngày tiếp theo, chị P. lại bị giãn đồng tử, các huyết khối chèn ép ở các xoang tĩnh mạch khiến máu không trở về tim, gây phù não. Lúc này tình trạng bệnh rất nặng, vẫn còn hôn mê, chị P. được chuyển qua Bệnh viện ĐH Y Dược để làm can thiệp nội mạch não bằng phương pháp DSA, hút các cục máu đông nằm trong tĩnh mạch não trên - đường dẫn lưu máu trong não (do biến chứng từ ổ nhiễm trùng gây ra). Sau hơn 4 giờ được xử trí tại bệnh viện này, chị P. được chuyển về lại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương...

Nguyên nhân do ổ vi trùng từ tai

Sau khi quay về Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, các bác sĩ thần kinh, tai mũi họng… đã hội chẩn tìm nguyên nhân vì sao bệnh cứ diễn tiến nặng, và đi đến kết luận là do ổ vi trùng từ tai giữa bên phải (viêm tai giữa), vi trùng từ đây lên não, gây ra biến chứng viêm màng não mủ, làm thuyên tắc não và gây xuất huyết não. Người nhà chị P. cho biết, cách đây 10 năm chị cũng bị viêm tai giữa bên trái và đã được phẫu thuật... Sau khi xác định đúng nguyên nhân, mặc dù lúc này chị P. vẫn còn hôn mê sâu, nhưng các bác sĩ quyết định phải mổ xử trí ổ viêm tai giữa, nếu không vi trùng từ đây lại tiếp tục tấn công lên não.

Hôn mê sâu gần 20 ngày, chiều 15.2 vừa qua, bác sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó khoa Phẫu thuật thần kinh của bệnh viện cho biết, sức khỏe bệnh nhân P. dần ổn định, trí nhớ trở về bình thường, bắt đầu tập vật lý trí liệu để giải quyết phần yếu nửa người…

Theo bác sĩ Nguyễn Chánh Đức - Trưởng khoa Tai mũi họng (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương), thường trong 100 trường hợp bị viêm tai thì 80% trường hợp mủ chảy ra ngoài, và chưa tới 10 ca bị biến chứng gây viêm tai xương chũm (viêm tai giữa). Tuy nhiên, viêm tai là một bệnh lý thường gặp, nếu không điều trị rốt ráo thì có thể đưa đến các biến chứng, mà nguy nhất là biến chứng như trường hợp nói trên.

Cứu sống bệnh nhân hôn mê 3 tuần do… viêm tai

Một bệnh nhân đã từng hôn mê suốt 3 tuần và trải qua 2 lần cấp cứu, 1 lần can thiệp nội mạch với sự kết hợp điều trị của nhiều khoa Ngoại Thần kinh, Hồi sức, Tai Mũi Họng, Can thiệp Mạch máu não vì... viêm tai.

Bệnh nhân Lê Nguyễn Đông Ph. (30 tuổi, quận 7, TP.HCM) nhập Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hôm 7/1 với triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, được chẩn đoán viêm màng não mủ.

PGS.TS Phạm Văn Bùi – Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM hôm 15/2 cho biết, ngày đầu tiên điều trị tình trạng bệnh nhân ổn định, đến ngày thứ 2 tình trạng chuyển biến nặng rất nhanh, yếu liệt nửa người bên trái và đi vào hôn mê sâu, bị xuất huyết não và phù não.

Các bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu mở họp sọ lấy máu tụ để giải áp lực cho não. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân có khá hơn nhưng ngay sau đó, huyết khối ở tĩnh mạch não tiếp tục xuất hiện và tình trạng bệnh nhân xấu trở lại.

ThS.BS Phạm Anh Tuấn, Phó Khoa Ngoại Thần kinh Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM đang khám cho bệnh nhân Lê Nguyễn Đông Ph.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc nghẽn hoàn toàn dòng máu lưu thông trở về tim. Nguyên nhân cuối cùng được xác định là do biến chứng của viêm tai giữa (bệnh nhân có tiền sử bị viêm tai giữa, đã phẫu thuật bên tai trái cách đầy 10 năm), nay các bác sĩ tiếp tục phát hiện  tai phải của bệnh nhân có nhiều mủ bít cả màng nhĩ và nằm sát màng não gây nhiễm trùng nặng.

Sau khi lấy sạch mủ và cho bệnh nhân dùng kháng sinh, tình trạng bệnh vẫn xấu. Các bác sĩ của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp tục hội chẩn với BS bên Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để chuyển bệnh nhân qua bệnh viện này, và quyết định dùng kỹ thuật dùng dụng cụ lấy huyết khối tĩnh mạch não (xoang tĩnh mạch dọc trên) trong suốt 4 tiếng đồng hồ. Đây là kỹ thuật lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.

Hiện nay, bệnh nhân đã tỉnh, hồi phục trí nhớ, tiếp xúc tốt, nhưng vẫn còn yếu liệt nửa người và tiếp tục được tập vật lý trị liệu, dùng thuốc phục hồi não. Sau 2 – 3 tuần nữa bệnh nhân có thể xuất viện.