Lưu trữ cho từ khóa: xơ hóa

Có thể xóa gân máu nổi trên da hay không?

Việc này có phải giải phẫu hay chỉ dùng các phương pháp điều trị khác? - (Lan Chi - Hà Nội)


Trả lời:

Bệnh nổi gân trên da hay còn gọi là bệnh giãn tĩnh mạch là hiện tượng mao mạch nhỏ hoặc tĩnh mạch ở da bị giãn nở.

Phần lớn là do di truyền, tuổi tác, do yếu tố nội tiết hoặc đứng nhiều.

Bệnh có thể điều trị tại nhà như tập thể dục, mặc vớ nén và nâng cao chân, đây là phương pháp điều trị đầu tiên và thường có kết quả khá tốt. Nếu không thấy hiệu quả, có một số lựa chọn điều trị xâm lấn tối thiểu như bằng liệu pháp xơ hóa đối với các tĩnh mạch nhỏ hoặc  sử dụng laser (điều trị giãn tĩnh mạch lớn hơn).

Ngoài ra, các bác sĩ còn dùng phương pháp phẫu thuật, còn gọi là thắt ống và loại bỏ, đối với các tĩnh mạch bị giãn nghiêm trọng.

Việc lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp phụ thuộc vào kích thước của tĩnh mạch giãn. Trong một số trường hợp, có thể điều trị bằng liệu pháp kết hợp là tốt nhất.      

Theo Thảo Vy
(tư vấn của BS Nguyễn Thanh Vân)

Meo.vn (Theo Thanhnien)

Xấu vì… làm đẹp thẩm mỹ

Được các chuyên gia thẩm mỹ rót 'mật' vào tai, nhiều người ngỡ rằng mình sẽ nhanh chóng trở thành mỹ nhân, vội vã chỉnh sửa, để rồi lại rơi vào vòng xoáy khác - chỉnh lại những gì đã sửa.

'Không ai nói xấu mặt hàng mà mình đang bán, kể cả bác sĩ làm đẹp. Khi quyết định đặt túi ngực, tôi chỉ nghĩ đến điều bác sĩ nói và răm rắp tuân theo. Thế nhưng, sau khi nâng cấp vòng 1, tôi rơi vào tình huống khóc dở mếu dở. Sự không cân xứng của 'núi đôi' là điều không thể chấp nhận, nhất là sau khi đã trải qua biết bao đau đớn, lo lắng.

Dù không học nhiều, nhưng tôi cũng thừa biết, hậu quả này là do tay nghề bác sĩ. Bởi hai miếng túi ngực do chồng tôi mua tại Mỹ, chúng bằng nhau như trẻ sinh đôi. Giờ muốn phẫu thuật đặt lại túi ngực cho cân đối, tôi phải chờ sáu tháng', chị Hằng, cư ngụ tại quận 3, TP HCM tâm sự.

Không phải ai đi giải phẫu thẩm mỹ đều đẹp lên

Thông thường, sau khi đặt túi ngực, các chị còn phải đi xoa bóp để túi ngực và cơ trở thành 'bạn láng giềng' thân thiết. Cô kỹ thuật viên ở một trung tâm xoa bóp thuộc địa bàn quận 3, TP HCM nhận xét: 'Gần đây, không ít khách đến chỉ yêu cầu xoa bóp vòng một. Có điều sự cố do đặt túi ngực nhiều lắm. Có người đầu ngực bên cao bên thấp, có người bên to, bên nhỏ. Cũng có chị than bị đau lưng'.

Phần lớn người đi làm đẹp nghĩ đơn giản, chỉ cần rạch da vùng nách, đưa túi vào là xong. Nó sẽ nằm im tại chỗ và phát huy công dụng phóng to của mình. Thực chất không phải như thế.

Tiến sĩ Đỗ Quang Hùng - Phó khoa Tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy, TP HCM cho biết có nhiều nguyên nhân khiến vật làm đẹp trở thành 'tội phạm' gây xấu như bác sĩ không được đào tạo đúng chuyên khoa; nơi thực hiện phẫu thuật không đạt, thiết bị gây mê hồi sức không tốt, gây ra sốc, choáng, suy hô hấp; chất liệu nguồn gốc không rõ ràng, chất lượng kém, gây dễ vỡ hoặc xơ hóa chức năng xung quanh. Đặt túi ngực to quá sẽ làm vóc dáng mất cân đối, đau lưng...

'Trung bình phụ nữ nên đặt túi ngực cỡ 220 đến 300cc là vừa. Chỉ có phụ nữ cao và có bề ngang vai to 38-40cm thì mới đặt cỡ 320 - 350cc', bác sĩ Hùng cho biết.

Sự cố không chỉ ở vòng một mà còn ở các vùng khác trên cơ thể. Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Phước, Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM cho biết: 'Khoa Tai mũi họng -Mắt chúng tôi đã điều trị không ít trường hợp dị ứng mũi do bơm silicon lỏng, viêm giác mạc do lấy mỡ mi dưới làm lộn cả bờ mi ra ngoài'. Tại Bệnh viện Mắt TP HCM còn chỉnh sửa những ca cắt mí quá to, trông mất tự nhiên.

Một 'sự cố' nữa hay xảy ra ở mắt là do nâng cung mày tạo ra. Chị Tín, Việt kiều Australia, cứ khoảng một - hai năm là về Việt Nam nâng cung mày cho trẻ, nhưng đến lần thứ ba thì mắt bị nhướng. Theo bác sĩ khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, tai biến do nâng cung mày không đúng kỹ thuật là: treo không đều, treo cao, để lại sẹo... Các tai biến này nhiều khi khó chỉnh sửa để đạt kết quả tốt.

Điều cần biết thêm là 'tuổi thọ' của cung mày phụ thuộc vào tốc độ lão hóa da và kỹ thuật nâng cung mày, trung bình sau 5 đến 10 năm mới phải làm lại. Còn biến chứng nguy hiểm - tuy hiếm gặp - của căng da mặt là chảy máu sau khi phẫu thuật, cần được bác sĩ theo dõi sát trong 12 giờ đầu sau mổ để phát hiện sớm và điều trị.

Ở nhiều nước, cơ quan quản lý hành nghề y khuyến cáo không nên thực hiện các phẫu thuật lớn, đồng thời trên một bệnh nhân. Riêng trong phẫu thuật hút mỡ bụng, đùi, eo - dù là một phẫu thuật rất an toàn, nhưng vẫn phải giới hạn số lượng mỡ hút ra.

Tại Singapore, chỉ một số nhỏ phẫu thuật viên được phép thực hiện phẫu thuật hút trên 2.000ml và phải thực hiện trong bệnh viện lớn. Lấy mỡ nhiều, khoảng trên ba - bốn lít thì có nguy cơ gặp những biến chứng như rối loạn điện giải, tim mạch... (tỷ lệ khoảng 1 trong 20.000 ca).

Tiến sĩ Lê Hành - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy khuyên: Phẫu thuật thẩm mỹ cũng có nguy cơ gặp những tai biến như trong mọi phẫu thuật khác: tai biến do gây mê, hô hấp, phản ứng thuốc... Vì vậy, cần được thực hiện trong những cơ sở đầy đủ trang thiết bị, đạt chuẩn ngoại khoa. Những tai biến nặng nề xảy ra thường do có những bệnh tiềm tàng trong cơ thể (tiểu đường, cao huyết áp, suy giảm miễn dịch, máu loãng...). Do đó, cần kiểm tra sức khỏe tổng quát kỹ trước khi đi làm đẹp.

Bác sĩ Lê Hành còn cho biết thêm, cần tuân thủ quy trình chăm sóc, theo dõi hậu phẫu, tái khám đúng kỳ. Những kiểu chăm sóc tùy tiện thường dẫn đến kết quả không vừa ý. Ví dụ như massage tích cực trên một khuôn ngực đã được đặt túi gel, vỏ bao nhám, hoặc túi giọt nước là không cần thiết, thậm chí còn gây hại, tạo bao xơ co thắt nhiều hơn.

Chúng ta cần cân nhắc kỹ cái được và cái mất trước khi phẫu thuật thẩm mỹ, đừng trở thành người nghiện dao kéo bất đắc dĩ do phải sửa đi sửa lại nhiều lần.

(Theo Phunu)

Kẻ thù của thận và mắt

Hai bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy thận và làm giảm thị lực. Tuy nhiên còn có những nguyên nhân khác gây suy thận thì thị lực vẫn có nguy cơ bị giảm. Điều nguy hiểm là đái tháo đường và tăng huyết áp không có những triệu chứng rõ rệt nên không được phát hiện sớm, không được chữa trị kịp thời, nên càng gây ra tổn thương nghiêm trọng cho thận và mắt.

Bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp đã phá hủy thận và mắt như thế nào?

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Bong và rách võng mạc.

- Đái tháo đường có thể phá hủy thận, gọi là bệnh thận do đái tháo đường. Lượng đường tích tụ trong cơ thể có thể phá hủy các mạch máu, kể cả các mạch máu ở thận. Mức đường trong máu càng cao thì lượng máu chảy qua thận càng nhiều, làm các mạch máu vốn đã mảnh nay phải tăng cường hoạt động và gây tăng huyết áp. Thận bị tổn thương sẽ không có khả năng loại bỏ các chất độc hại và nước dư thừa, những chất độc hại này vẫn được giữ trong máu sẽ tích tụ ngày một nhiều làm quá trình phá hủy mạnh thêm, hậu quả là thận sẽ bị hỏng hoàn toàn. Vì suy thận ở bệnh nhân đái tháo đường xuất hiện dần dần, bệnh nhân có thể không nhận thấy các triệu chứng, chỉ đến khi thận bắt đầu suy mới nhận ra.

- Tăng huyết áp cũng có thể phá hủy thận: Xơ hóa mạch máu thận là một trong những nguyên nhân thường gặp của bệnh thận mạn tính tiến triển. Nhiều công trình nghiên cứu cho thấy mô đệm xơ hóa và angiotensin II đóng vai trò trung tâm trong bệnh thận. Nếu  kích hoạt hệ rennin-angiotensin-aldosteron sẽ gây nên tăng huyết áp hệ thống và tăng áp lực trong cầu thận làm ảnh hưởng huyết động tới nội mạc mạch máu và tiểu cầu thận. Angiotensin II có vai trò đa dạng và ảnh hưởng của cơ chế tác dụng ngược gây viêm và xơ hóa nhu mô thận. Trường hợp tăng huyết áp do đái tháo đường cần kiểm tra microalbumin niệu. Những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối do tăng huyết áp thường dẫn đến phì đại thất trái và bị bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim. Thận suy lại làm tăng huyết áp. Khi huyết áp tăng cao sẽ phá hủy các mạch máu ở trong thận, thận không thể loại bỏ các chất độc hại và nước dư thừa nữa, lượng nước dư thừa lại làm cho huyết áp có thể tăng cao hơn nữa. Nếu thận sản xuất ra quá nhiều enzym, renin, huyết áp sẽ tiếp tục tăng cao. Dần dần, huyết áp cao sẽ làm cho các mạch máu trong thận trở nên nhỏ hơn và yếu đi, làm cho lượng máu cung cấp đến thận giảm và chức năng thận cũng giảm theo, hậu quả cuối cùng dẫn đến suy thận. Như vậy, đồng thời với suy thận là quá trình giảm thị lực. Mặt khác, bệnh thận cũng làm tăng huyết áp và giảm thị lực. Những bệnh về mắt phổ biến ở bệnh nhân suy thận là: bệnh về võng mạc, bệnh đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

Bệnh võng mạc

Bệnh tăng huyết áp và tiểu đường làm cho những mạch máu nhỏ trong mắt bị tổn thương gây nên bệnh võng mạc. Khi nguyên nhân gây bệnh do đái tháo đường, thì gọi là bệnh võng mạc đái tháo đường. Đái tháo đường làm mức đường huyết tăng cao, mức đường huyết cao có thể phá hủy những mạch máu nhỏ trong thận và trong mắt. Tăng huyết áp làm căng quá mức thành mạch máu, dẫn đến bị đứt hoặc vỡ thành mạch. Hai bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường đều gây tổn thương võng mạc một cách âm thầm, bệnh nhân thường không cảm thấy các triệu chứng và chỉ biết khi đã bị tổn thương. Khi những mạch máu của võng mạc bị tổn thương, chúng trở nên yếu và có thể bị vỡ làm cho máu sẽ rò rỉ vào thủy tinh thể dẫn đến thủy tinh thể bị mờ đục và chặn ánh sáng nhận từ võng mạc. Tuy những mạch máu bị phá hủy sẽ được thay thế bởi các mạch máu mới, nhưng các mạch máu mới cũng lại quá yếu và có thể bị vỡ. Do càng nhiều máu rò rỉ vào thủy tinh thể, nên càng ít ánh sáng đến được võng mạc. Có  khi những tổn thương mạch máu này đã thành sẹo, các mô sẹo này có thể rơi vào tròng đen của mắt, mang theo cả võng mạc, gọi là bong võng mạc. Nếu đã bong võng mạc thì thị lực giảm rất nhiều, thậm chí có thể bị mù.  

Đục thủy tinh thể

Bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ bị đục thủy tinh thể rất cao, do mức đường huyết cao phản ứng với protein trong mắt và tạo thành một sản phẩm phụ ở trong thủy tinh thể và gây đục thủy tinh thể.

Tăng nhãn áp

Tăng huyết áp đồng thời cũng tăng nhãn áp. Khi nhãn áp tăng cao, thần kinh thị giác có thể bị phá hủy dẫn đến mất một phần hoặc hoàn toàn thị lực. Tăng nhãn áp là do  thủy dịch không thoát ra bình thường gây áp lực tác động lên mạch máu làm giảm sự cung cấp ôxy và dinh dưỡng cho thần kinh thị giác, dần dần các dây thần kinh thị giác bị phá hủy gây mất thị lực.

Cần làm gì để phòng và phát hiện bệnh sớm?

Nên khám và kiểm tra mắt định kỳ, đối với bệnh nhân đái tháo đường nên đi khám mắt 6 tháng một lần. Khám kiểm tra mức đường huyết hay huyết áp ở mức bình thường. Thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, uống thuốc đúng liều, tập thể dục đều đặn và ăn kiêng theo bệnh. Nếu thấy có biểu hiện bất thường như: nhìn mờ, nhìn một thành hai hay nhìn có bóng; thấy đau ở một hay cả 2 mắt, ánh sáng nhấp nháy, hoa mắt, thấy các điểm đen nên đi khám bệnh ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo SK&ĐS

Hạ mỡ máu và giảm béo bằng dược thảo

Lá sen khô và lá chè mỗi thứ 60 g, sơn tra xanh, ý dĩ xanh mỗi thứ 10 g, lạc lá 15 g, vỏ quýt 5 g. Tất cả tán thành bột pha với nước sôi uống thay trà trong ngày. Thuốc có tác dụng hạ mỡ máu, giảm béo, hợp với người thừa cân, hay chóng mặt, nhức đầu, mạch căng.

Dưới đây là các phương pháp làm giảm mỡ máu bằng Đông dược dễ tìm, giá thành rẻ, ai cũng có thể thực hiện được:

- Trà ô long (Trung Quốc) 3 g, hoa hòe 18 g, hà thủ ô 30 g, vỏ bí đao (đông qua) 18 g, ruột sơn trà 15 g; sắc lấy nước uống thay trà trong ngày. Thuốc có tác dụng làm hạ mỡ máu, tăng tính đàn hồi của huyết quản, do vậy phòng ngừa được chứng mỡ máu cao và xơ hóa thành mạch.

- Lá sen tươi 20 g, xé vụn, hãm 15 phút, lấy nước uống thay trà. Nếu không có lá tươi, dùng lá khô 10 g hãm lấy nước uống như trên. Tác dụng: làm hạ cholesterol máu.

- Vừng đen (mè) 60 g, quả dâu 60 g, đường trắng 10 g, gạo tẻ 30 g. Giã nát vừng đen, quả dâu, gạo tẻ. Lấy nước đổ vào nồi đất, đun đến khi sôi thì cho đường trắng vào, chờ tan hết mới đổ từ từ 3 vị giã nát nói trên vào (không đổ nhanh, để nguội ăn giúp tiêu bệnh, khỏe người. Tác dụng: Bổ âm, thanh nhiệt, hạ mỡ trong máu.

- Mộc nhĩ trắng 20g, sơn trà thái lát 40g, đường trắng 1 thìa. Mộc nhĩ trắng ngâm nước, lọc bỏ tạp chất, cắt thành miếng vuông nhỏ, cho vào nồi đất đun nhỏ lửa chừng 1 giờ rồi đổ sơn trà và đường trắng vào, hầm tiếp 30 phút nữa, khi mộc nhĩ nhừ thì bắc ra để dùng.

Ăn cả nước lẫn cái, ngày 1-2 lần, mỗi lần một bát nhỏ (điểm tâm hoặc trước lúc đi ngủ). Ăn hết trong 2 ngày với lượng trên. Sau đó nếu dùng tiếp thì mỗi ngày chỉ cần ăn với lượng bằng nửa của 2 ngày đầu.

Tác dụng: Bổ dưỡng huyết mạch, làm hạ huyết áp, giảm mỡ máu, mát phổi. Có thể dùng làm món ăn tẩm bổ cho bệnh nhân đang điều trị tim mạch.

24H.COM.VN (Theo SK&ĐS)

Thận – huyết áp – tim: Một vòng xoắn bệnh lý

Bệnh thận dù tổn thương ban đầu ở nhu mô hay hệ thống mạch máu thận thì sớm muộn cũng dẫn đến tăng huyết áp. Mặt khác tăng huyết áp sẽ thúc đẩy mạnh quá trình xơ hóa cầu thận tiến dần đến suy thận giai đoạn cuối. Vì vậy có thể nói thận vừa là thủ phạm gây tăng huyết áp vừa là nạn nhân của tăng huyết áp.

Từ lâu y học đã cho rằng tăng huyết áp có thể gây tổn thương thận, dẫn đến một tình trạng mô bệnh học gọi là xơ hóa mạch máu thận theo trường phái Hamburger hay xơ hóa thận theo trường phái Anh – Mỹ. Tổn thương thận diễn biến từ từ, nếu không điều trị sẽ gây hậu quả suy thận mạn giai đoạn cuối.

Ngược lại, một số bệnh lý ở nhu mô thận, cầu thận, ống thận, kẽ thận, mạch máu thận do mắc phải hoặc di truyền có thể là nguồn gốc gây tăng huyết áp. Trong những trường hợp này gọi là tăng huyết áp triệu chứng.

Mối tương quan thuận – nghịch xấu này cần được nhận biết để xử lý, điều chỉnh nhằm bình thường hóa huyết áp. Ngày nay, y học đã biết rõ hơn cơ chế bệnh sinh thuận nghịch này và đã có các thuốc có nhiều hiệu quả trong chống tăng huyết áp, bảo vệ tim, bảo vệ thận với mục đích ít hoặc chậm dẫn đến suy thận giai đoạn cuối.

Theo ước tính, 3% dân số Mỹ có bệnh về thận bị creatinine huyết tăng thì trong đó 70% có tăng huyết áp nhưng chỉ 59% số này được điều trị và chỉ 34% đạt được huyết áp mục tiêu. 2 – 5% tổng số bệnh nhân tăng huyết áp do các bệnh thận mạn tính.

Ở Việt Nam, theo Khoa thận tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai (năm 2000): 72,9% bệnh nhân điều trị nội trú tại khoa bị suy tĩnh mạch, 86,7% bệnh nhân lọc máu chu kỳ có tăng huyết áp. Hiện nay tại Bệnh viện Bạch Mai đang quá tải bệnh nhân bị suy thận mạn có tăng huyết áp và suy tim cần điều trị thay thế.

Tại sao các bệnh thận và suy thận có tăng huyết áp?

Để giải thích, y học nêu vai trò quan trọng của hệ thống rennin-angiotensin-aldosteron (RAAs).

Rennin là một enzym được sản xuất ở tổ chức cầu thận có tác dụng kích hoạt angiotesinogen thành angiotensin I. Ở đây nhờ enzym chuyển đổi có tác dụng chuyển angiotensin I thành angiotensin II, một chất gây co mạch rất mạnh làm tăng huyết áp.

Những bệnh thận nào có thể gây tăng huyết áp?

Khi có một người bị tăng huyết áp, thầy thuốc sẽ tìm các bệnh thận sau đây:

- Viêm cầu thận cấp với các triệu chứng phù, đái máu, protein niệu tăng trên 1g/l, tăng huyết áp.

- Viêm cầu thận mạn với các triệu chứng phù, da nhợt, protein niệu tăng trên 1g/l, hang cầu niệu nhiều, ure huyết và creatinin huyết tăng, tăng huyết áp, siêu âm thấy thận nhỏ.

- Viêm cầu thận đái tháo đường với các triệu chứng glucose huyết lúc đói tăng trên 7,1mmol/l, nước tiểu có microalbumin, protein. Có thể kèm theo rối loạn mỡ máu.

- Viêm cầu thận lupus. Đây là một bệnh tự miễn, tiến triển từng đợt với sốt, đau khớp, ban đỏ má, tăng huyết áp.

- Sỏi đường tiết niệu: Sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang với các triệu chứng như cơn đau quặn thận, đái máu, được phát hiện qua siêu âm, chụp Xquang.

- Ứ nước thận với triệu chứng đái máu, hai thận to, được chẩn đoán nhờ siêu âm, Xquang.

- Đa nang thận với các triệu chứng đái máu, hai thận to, được chẩn đoán nhờ siêu âm.

- Suy thận giai đoạn cuối được điều trị thay thế bằng các biện pháp lọc máu chu kỳ hoặc lọc màng bụng ngoại trú liên tục hoặc ghép thận.

Điều trị tăng huyết áp trong bệnh thận và suy thận như thế nào?

Ngoài chế độ ăn uống giảm natri, hoạt động thể lực thích hợp thì việc chọn thuốc đơn trị liệu hoặc đa trị liệu cần được cân nhắc cẩn thận. Đôi khi phải dùng 2 – 3 thứ thuốc mới đạt kết quả mong muốn.

Việc điều trị tăng huyết áp trong suy thận nên tuân thủ các nguyên tắc:

- Đạt huyết áp mục tiêu.

- Cần chọn thuốc hạ áp thích hợp với từng đối tượng. Nên chọn thuốc ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể AT1 hoặc chẹn canxi, thuốc có tác dụng bảo vệ thận, làm giảm protein niệu và diễn biến suy thận, đặc biệt ở bệnh nhân bị suy thận do đái tháo đường.

- Không nên dùng thuốc gây hạ huyết áp nhanh, đột ngột vì có thể gây suy thận cấp chức năng tạm thời hoặc làm nặng thêm suy thận mạn tính.

- Việc phối hợp thuốc phải lựa chọn liều và không ngừng thuốc hoặc giảm thuốc đột ngột.

- Chế độ ăn uống và lọc ngoài thận cần được tuân thủ chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để phòng ngừa các biến chứng: suy tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.

Tăng huyết áp và suy thận, suy tim

Xơ hóa mạch máu thận là một trong những nguyên nhân thường gặp của bệnh thận mạn tính tiến triển. Những năm gần đây, y học nói nhiều đến mô đệm xơ hóa và angiotensin II đóng vai trò trung tâm trong bệnh thận. Khi kích hoạt hệ rennin-angiotensin-aldosteron sẽ gây nên tăng huyết áp hệ thống và tăng áp lực trong cầu thận làm ảnh hưởng huyết động tới nội mạc mạch máu và tiểu cầu thận. Vai trò của angiotensin II đa dạng và ảnh hưởng của cơ chế tác dụng ngược gây viêm và xơ hóa nhu mô thận. Thụ thể AT1 đóng vai trò chính trong hầu hết các hoạt động sinh bệnh lý của angiotensin II.

Vì vậy cần đánh giá chức năng thận bằng đo mức lọc cầu thận, protein niệu định kỳ. Nếu tăng huyết áp do đái tháo đường cần kiểm tra microalbumin niệu. Đây là yếu tố nguy cơ tim mạch. Những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối do tăng huyết áp thường dẫn đến phì đại thất trái và bị bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim. Việc theo dõi điện tâm đồ và siêu âm tim định kỳ là cần thiết.

Theo Hội lọc máu châu Âu, phì đại thất trái gặp ở 50% bệnh nhân bắt đầu lọc máu chu kỳ và 70% bệnh nhân trong quá trình lọc máu do rối loạn chức năng tâm trương, giãn thất trái, bệnh cơ tim giãn, cường cận giáp thứ phát, lưu lượng tăng quá mức của thông động – tĩnh mạch, xơ vữa động mạch vành, động mạch não và động mạch ngoại biên, thiếu máu.

Tóm lại, tác động thuận nghịch của bệnh thận – tăng huyết áp – suy tim là một bệnh lý phức tạp. Vấn đề theo dõi và chỉ định hợp lý các thuốc hạ huyết áp sẽ duy trì chức năng thận, suy thận. Nếu đã suy thận giai đoạn cuối, việc lọc máu đầy đủ và khống chế huyết áp ở mức mục tiêu sẽ bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Đó là nguyện vọng của người bệnh đồng thời là mục tiêu của thầy thuốc.  

Theo SK&DS

Quý ông 'gãy kiếm'

'Gãy kiếm' là cách nói tế nhị của tình trạng gãy dương vật, thường xảy ra ở những người trẻ có dục tính cao hoặc thích giao hợp ở các tư thế không bình thường.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Tai nạn lại hay xảy ra ở những cặp vợ chồng trẻ mới cưới nên bệnh nhân rất xấu hổ, không dám đi khám, nhất là ở thể nhẹ. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, tai nạn trên sẽ mang lại nhiều hậu quả nặng nề về tiết niệu và sinh dục mà nặng nhất là liệt dương hoàn toàn.

'Gãy kiếm' thường xảy ra vào lúc nào?

Thường gặp nhất là người bệnh tự bẻ dương vật khi đang cương, do bị kích thích tình dục quá mức.

Có khi dương vật gãy do đùa nghịch gây nên. Đã có trường hợp hai người bạn cùng đi chặt củi, một người đang cương bị bạn trở sống dao đánh vào, gây tai nạn.

Có người đang cương đã nằm sấp người lại, nhún trên tấm ván, do mạnh quá nên tấm ván - vốn một - bị gãy làm gãy luôn cả dương vật. Những trường hợp khác bị gãy do va đập bất ngờ vào dương vật đang cương.

Ở một số cặp vợ chồng trẻ chưa có kinh nghiệm, người đàn ông quá vội vàng đã đưa vào không đúng chỗ nên dương vật bị bẻ gập. Một số người thích giao hợp trong các tư thế lạ và đây cũng là nguyên nhân.

'Kiếm' có thể hỏng hẳn

Vị trí chỗ gãy thường nằm ở gốc hoặc 1/3 trong của dương vật. Tai nạn xảy ra đột ngột làm cho người bệnh có cảm giác như bị vỡ bục và đau nhói ở vùng bị gãy. Máu từ các xoang trong thể hang chảy ra thấm vào các lớp cân dưới da rồi lan nhanh ra toàn bộ dương vật, có khi lan xuống tận bìu, gây nên những ổ máu tụ lớn. Dương vật ngày càng sưng to và biến dạng; đầu dương vật bị lệch vẹo sang bên đối diện với chỗ vỡ.

Nếu nắn vào chỗ gãy thì bệnh nhân đau nhói lên không chịu được. Bệnh nhân thấy tiểu khó và đau tức nhưng không bí đái vì niệu đạo không bị tổn thương.

Nếu không được điều trị tích cực, người bệnh sẽ bị các biến chứng như: Các ổ máu tụ nhiễm khuẩn trở thành những ổ mủ, có trường hợp quá nặng phải cắt cụt dương vật. Tình trạng chảy máu có thể ngừng lại ở mức độ nào đó, nhưng rồi lại tái diễn làm cho tình trạng căng nề đau đớn tăng lên. Các ổ máu tụ có thể tự tiêu dần nhưng thể hang bị xơ hóa dẫn tới liệt dương hoàn toàn.

Gãy dương vật là loại tai nạn cần được quan tâm chăm sóc càng sớm càng tốt. Do đó, bệnh nhân nên chiến thắng sự xấu hổ, cho thầy thuốc biết tình hình xảy để có phương hướng điều trị tốt nhất.

GS. Lê Sỹ Toàn, Sức Khỏe & Đời Sống

Tử vong vì cấy ghép lá phổi vượt kích cỡ lồng ngực

Một phụ nữ 37 tuổi được phẫu thuật cấy ghép phổi hiến tặng tại Bệnh viện Harefield (ở Middlesex, Anh) nổi tiếng khắp thế giới. Nhưng bệnh nhân tử vong ngay sau đó chỉ vì bác sĩ đã "nhồi" vào lồng ngực bà hai lá phổi quá kích cỡ.

Ca tử vong sau phẫu thuật nói trên của nữ luật sư Meena Vij (ở Walton, Surrey - Anh) - bị chứng xơ hóa phổi, thường xuyên phải thở bằng oxy - vào tháng 5/2007, đã được tuyên bố là một tai nạn rủi ro. Suốt hai năm, ban lãnh đạo của bệnh viện đã che giấu mọi chuyện và không hề có bất cứ hành động nào để đình chỉ công tác của vị bác sĩ cố vấn phẫu thuật chịu trách nhiệm chính - Carl Wong, ở độ tuổi trên 40, sinh tại Anh.

 

Bệnh viện Harefield (ở Middlesex, Anh) nổi tiếng khắp thế giới, vì đã từng đi tiên phong về phẫu thuật cấy ghép. (Ảnh Daily Mail)

Bệnh viện Harefield (ở Middlesex, Anh) nổi tiếng khắp thế giới, vì đã từng đi tiên phong về phẫu thuật cấy ghép. (Ảnh Daily Mail)

Cho mãi đến gần đây, các chi tiết về cái chết đáng tiếc của Vij mới được phơi bày trong một phiên tòa của Đại Hội đồng Y khoa, với phán quyết loại bỏ nhà phẫu thuật không đủ khả năng này.

Tại phiên tòa, mọi người được biết rằng việc chỉ định Carl Wong là bác sĩ cố vấn trong ca phẫu thuật đã là một sai lầm vì ông ta không đủ khả năng.

Các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép phổi đều nói rằng hai lá phổi được chọn cho bệnh nhân Vij là quá lớn, không thể nào nằm gọn an toàn trong lồng ngực của người nhận được. Cũng có khả năng cấy ghép những lá phổi quá kích cỡ cho bệnh nhân bằng cách cắt bỏ bớt một phần phổi, được gọi là thùy, cho vừa với lồng ngực. Tuy nhiên không có bằng chứng nào cho thấy Wong đã xem xét đến điều này.

Carl Wong, người đã thực hiện nhiều ca cấy ghép tim và phổi tại Bệnh viện Harefield. (Ảnh Daily Mail)

Carl Wong, người đã thực hiện nhiều ca cấy ghép tim và phổi tại Bệnh viện Harefield. (Ảnh Daily Mail)

"Đây là điều rất cơ bản. Không thể nào một bác sĩ cố vấn lại lẫn lộn trong việc đo kích cỡ những lá phổi hiến tặng phù hợp với bệnh nhân", một chuyên gia về phổi nói. "Người phụ nữ này lẽ ra không nên được gọi đến để cấy ghép. Nếu Wong không gọi bà ấy, hầu như chắc chắn bà ấy sẽ được cấy ghép phổi trễ hơn nhưng sẽ vẫn sống đến bây giờ. Thật là một bi kịch khủng khiếp và là một vết nhơ đối với một bệnh viện đã từng đi tiên phong về phẫu thuật cấy ghép trong quá khứ".

"Phẫu thuật cấy ghép không phải là không có rủi ro nhưng trường hợp này không phải điều mà bạn gọi là biến chứng. Nó là điều hoàn toàn có thể tránh được", ông nói thêm.

Phiên tòa cũng được nghe báo cáo rằng Wong mới nhận công việc với tư cách là bác sĩ cố vấn lần đầu tiên chỉ 6 tháng trước đó, nhưng ông đã thực hiện ca cấy ghép đầu tiên của mình tại Bệnh viện Harefield mà không cần hỗ trợ. Và Wong cũng đã phớt lờ các nguyên tắc chỉ đạo nhằm hỗ trợ bác sĩ và bảo vệ bệnh nhân.

Được biết sau khi Wong "nhồi nhét" hai lá phổi không đúng kích cỡ vào lồng ngực Vij, cơ hội sống sót của bệnh nhân đã trở nên mong manh. Vij được cấp tốc chuyển đến khoa chăm sóc đặc biệt nhưng bà đã tử vong ngay ngày hôm đó.

Chậm bước nét già cách nào?

Tuy không thiếu người làm bộ giãy nảy theo kiểu “không dám đâu”nhưng trong thâm tâm ai cũng vui khi được khen còn trẻ.

Chính vì mặc cảm sợ già, sợ người đối diện “trông mặt mà bắt hình dong, mặt nhăn thế này mỏng lắm cũng... 70” mà từ thầy thuốc phẫu thuật thẩm mỹ bước qua hãng sản xuất thực phẩm ăn kiêng cho đến phòng tập thể hình, spa đủ kiểu..., tất cả đều không lo ế khách nhờ trăm người chưa kịp bán thì vạn người đã tranh mua.

Dễ ăn là cái chắc nhờ đánh trúng chỗ nhược, điểm trúng ngay chỗ sợ già trước tuổi của mọi giới người tiêu dùng.

100 năm còn lại... 70

Kẹt một nỗi là tế bào, đơn vị của sự sống theo định nghĩa của thầy thuốc, rõ ràng khó tránh không già quá sớm trong bối cảnh cuộc sống hiện nay. Lý do rất dễ hiểu. Nếu người người tranh nhau xa rời quy luật của thiên nhiên thì không lạ gì nếu chiếc đồng hồ sinh học bên trong cơ thể tuy vẫn chạy nhưng nay trật chìa, mai tréo cẳng ngỗng!

Thầy thuốc ngành di truyền học quả quyết tế bào trong cơ thể con người có cấu trúc thừa sức tồn tại hơn trăm năm. Ấy vậy mà mấy người trên mặt địa cầu có thể hưởng trọn cảnh “trăm năm trong cõi người ta”? Thực trạng đó cho thấy phải có yếu tố nào đó khiến tế bào bị biến thể và lão hóa quá sớm?

Tất nhiên là như thế! Tế bào nào trẻ cho nổi nếu ngày đêm bị “ướp”, bị tẩm bằng độc chất trong môi trường ô nhiễm, khói thuốc lá, độ cồn trong rượu bia, hóa chất trong dược phẩm, mỹ phẩm, chất gia dụng... Trên thực tế tế bào chỉ chịu đựng được 70 - 80 năm là cùng, do cấu trúc của tế bào bị gặm nhấm không ngừng bởi các độc chất mang tên oxy hóa.

Tế bào trong cảnh thập diện mai phục chỉ còn cách chịu thua ngay dưới hình thức xơ hóa rồi lão hóa. Khổ hơn nhiều nếu tế bào cố gắng vùng vẫy rồi phản ứng sai lệnh khiến cấu trúc của tế bào bị biến thể thành tế bào quái dị, thành ung thư!

Cũng vì lý do đó mà người biết cách cài chất kháng oxy hóa trong cuộc sống (chẳng hạn với chế độ dinh dưỡng dồi dào sinh khoáng tố, quân bình giữa làm việc và nghỉ ngơi, nhất là có giấc ngủ yên bình) là người lâu già, hay có già cũng già đúng tuổi.

Nhưng nếu tưởng già chỉ vì có thế, muốn trẻ chỉ cần bấy nhiêu thì lầm to! Cho dù có nói không với rượu bia, có bồi dưỡng chất kháng bệnh, có tập thể dục thể thao đúng cách vẫn chưa đủ giữ cho tế bào đừng vội vã về hưu.

Nói cách khác, thừa tiền cũng không dễ mua được nét xuân xanh, ngoại trừ trường hợp trẻ giả tạo, trẻ tạm thời nhờ thầy thuốc mát tay khi cắt xén, bơm phồng chỗ này, căng láng chỗ kia để rồi tuy đẹp nhưng lúc nào trong thâm tâm cũng áy náy vì ngại người đối diện nhận ra đường kim mũi chỉ.

Bốn cách để trẻ lâu

Thật ra, để lâu già vẫn còn nhiều cách khả thi. Theo một báo cáo vừa phổ biến trên tạp chí Natur & Medizin ở CHLB Đức, người không làm được bốn điều dưới đây là người thậm chí mau già hơn bị ngộ độc vì chất sinh ung thư:

1. Tránh cho xa tư tưởng bi quan. Đừng tự mình tô đen bức tranh muôn màu của cuộc sống. Nên nhớ ánh rạng đông của một ngày mới cho dù có gặp bữa chuyển mưa rồi cũng phải đến. Cuộc đời cũng như tình yêu, dù sóng gió thế nào bao giờ cũng đẹp.

2. Nhân vô thập toàn. Ai cũng có nhược điểm và khuyết điểm. Đừng bực tức vì cái sai của người, cũng đừng căm giận vì cái yếu của mình. Không sai, không yếu, không lầm lỡ còn đâu là con người. Tốt hơn nên sống như lối đá của cầu thủ chuyên nghiệp. Vừa lọt lưới thì tìm cách gỡ ngay. Đừng mè nheo rồi lãnh thêm... thẻ đỏ!

3. Cười nhiều. Đừng quên nội tiết tố endorphin được tuyến yên phóng thích từ cảm giác hài lòng trong mọi tình huống để gia chủ sau đó tiếp tục lạc quan yêu đời, yêu người, yêu mình là chất kháng oxy hóa vừa hiệu quả cao nhất, vừa rẻ tiền vì khỏi mua.

4. Đừng mơ chuyện trên trời. Vẫn mơ mộng để cuộc đời trần tục không thiếu nét thi vị. Nhưng đừng quên đứng cho vững với hai chân trên mặt đất. Hạnh phúc bao giờ cũng rất gần trong tầm tay.

Xin chúc bạn đọc gần xa 365 ngày sống sao cho tuổi già có đến cứ đến nhưng nét già làm ơn chậm chân một chút...

Trời lạnh, coi chừng bệnh xơ cứng bì nguy hiểm

Đầu ngón tay đột nhiên trắng bệch rồi hồng trở lại khiến nhiều người chủ quan. Các bác sĩ khuyến cáo đây là bệnh xơ cứng bì và khá nguy hiểm.

Căn bệnh này nếu kéo dài sẽ làm co mạch, gây thiếu máu các đầu chi, dẫn đến hoại tử, loét phần mềm các đầu chi.

Dễ khởi phát vào mùa đông

Theo thạc sĩ Bùi Hải Bình, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai, biểu hiện hay gặp nhất của bệnh là ở da như da xơ cứng, không có độ co giãn, đàn hồi. Ban đầu, bệnh nhân thường gặp phải triệu chứng Raynaud (các ngón tay, chân đột nhiên trắng bệch, rồi chuyển sang tím, sau vài phút thì hồng hào trở lại). Triệu chứng này có thể xảy ra kín đáo một bên rồi sau lan sang cả hai bên. Nhiều nghiên cứu cho thấy dấu hiệu đau khớp và hội chứng Raynaud xảy ra ở 90% bệnh nhân. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có triệu chứng sốt, mệt mỏi, ăn uống kém. Sau đó, bệnh tiến triển, dần dần da trở nên dầy, kém đàn hồi và mất các nếp nhăn bình thường.

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng sẽ cảm thấy khó há miệng do xơ các cơ ở vùng miệng, nuốt thức ăn khó khăn hơn do xơ cứng thực quản. Đặc biệt vào mùa lạnh, nhiệt độ thấp làm mạch máu co lại, sự vận chuyển máu và các chất điện giải, dinh dưỡng kém đi, dẫn đến thiếu các chất này. Đây chính là yếu tố làm bệnh khởi phát hoặc làm nặng thêm.

Để phòng xơ cứng bì, nên đi găng tay khi tiếp xúc lâu với môi trường lạnh. Ảnh: L.Bình.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Theo bác sĩ Bình, xơ cứng bì là bệnh gây ảnh hưởng đến toàn bộ các cơ quan của cơ thể. Trước hết hội chứng Raynaud xuất hiện làm co thắt mạch, sự nuôi dưỡng các chi kém đi, co mạch không hồi phục gây thiếu máu đến các đầu chi, dẫn đến hoại tử, loét phần mềm các đầu chi. Các khớp cứng, không vận động được. Khi phát triển mạnh dẫn đến xơ cứng bì sẽ làm ảnh hưởng đến thực quản, dạ dày, thận làm cho người bệnh dễ bị viêm dạ dày, suy thận… Nguy hiểm hơn, bệnh sẽ gây những biến chứng đến tim, phổi như xơ phổi, khó thở và các bệnh lý về phổi cho bệnh nhân như tăng áp động mạch phổi, gây xơ hóa cơ tim, rối loạn các dẫn truyền của tim mạch, dẫn đến suy tim gây tử vong.

Căn bệnh này điều trị khá phức tạp nên tốt nhất là nên chú ý các phương pháp dự phòng nhằm giảm bớt các triệu chứng hoặc tránh bệnh khởi phát. Nên giữ ấm cơ thể, tránh tiếp xúc với môi trường lạnh, trong điều kiện bất khả kháng thì nên đi găng tay để bảo vệ các đầu chi. Ngoài ra, chấn thương về mặt tình cảm cũng có thể là nguyên nhân gây ra các khởi phát bệnh, vì vậy cần tránh các stress về cảm xúc, tránh khói thuốc lá, thuốc lào. Còn người mắc bệnh nên ngâm nước ấm, massage da và thực hiện một số bài tập để rèn luyện, phục hồi chức năng như tập thở để phổi khỏi bị khô cứng, luyện tập các khớp để ngăn ngừa quá trình xơ hóa và dính các khớp.

Bệnh hô hấp nghề nghiệp

Trong cơ thể, phổi là cơ quan hứng chịu nhiều nhất những chất ô nhiễm trong môi trường, bởi vậy do đặc điểm nghề nghiệp, những người lao động phải tiếp xúc thường xuyên với bụi trong môi trường làm việc như khai thác than đá, khai thác than, đúc, đánh bóng kim loại, sơn, luyện kim, nhựa, dệt sợi, dệt thảm, dệt len... có nguy cơ cao mắc một số bệnh về đường hô hấp mà y học lao động gọi là bệnh hô hấp nghề nghiệp.

Bệnh hô hấp nghề nghiệp là hậu quả của sự phơi nhiễm với bụi, hạt trên cơ địa người có nhạy cảm trong quá trình sản xuất, bụi có thể là bụi vô cơ như bụi silic, bụi amiăng hoặc bụi hữu cơ như bụi bông, đay, gai, lông vũ... Người ta xác định bụi trong môi trường lao động bằng các máy chuyên dụng để đánh giá bụi toàn phần và bụi hô hấp. Chính bụi hô hấp mới là tác nhân thực sự gây nên các tổn thương đường hô hấp. Những hạt bụi này thường có kích thước dưới 5 micromet. Hoặc xác định số sợi bông, sợi amiăng/1m3 không khí trong môi trường lao động và từ đó mới đánh giá được nguy cơ mắc bệnh của người công nhân. Nhìn chung, các bệnh hô hấp nghề nghiệp đều thuộc loại rất dễ mắc và có đặc điểm diễn tiến âm thầm, sau nhiều năm mới bộc lộ triệu chứng. Các triệu chứng thường gặp là ho, khó thở, cảm giác đau tức ngực. Bệnh nhân nặng có thể ho ra máu, khó thở thường xuyên, thể trạng suy sụp. Bệnh khó chữa và có thể làm mất khả năng lao động, thậm chí gây tử vong. Những bệnh này thường không hồi phục hoàn toàn do đó việc phòng ngừa, phát hiện sớm để kịp thời can thiệp là rất quan trọng. Xquang và đo chức năng phổi là các xét nghiệm rất quan trọng để chẩn đoán sớm các bệnh này.

Danh mục các bệnh phổi nghề nghiệp được Bộ Y tế và Bộ Lao động  Thương binh và xã hội công nhận ở Việt Nam gồm: bệnh bụi phổi - silic; bụi phổi - amiăng; bụi phổi bông, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, hen phế quản nghề nghiệp và lao nghề nghiệp.

Bệnh bụi phổi - silic

Đây là bệnh nguy hiểm và thường gặp nhất. Đó là tình trạng xơ hóa phổi lan tỏa do người lao động hít thở phải bụi có hàm lượng silic tự do cao (SiO2). Silic chiếm tới 25% bề mặt vỏ trái đất và được phân phối rộng rãi trong tự nhiên. Môi trường gây bệnh gặp ở tất cả các công việc có tiếp xúc với bụi silic tự do, chủ yếu là: khoan, đập, khai thác quặng đá, sản xuất và sử dụng các loại đá mài, bột đánh bóng, chế tạo thủy tinh, đồ sành sứ, đồ gốm, gạch chịu lửa và các sản phẩm có chứa silic tự do khác.. Bệnh tiến triển thành mạn tính do sự xâm nhập và tồn đọng của bụi chứa silic tự do ở dạng tinh thể. Sau khi ngừng tiếp xúc với bụi này, bệnh vẫn tiếp tục tiến triển, không hồi phục, gây các biến chứng như suy hô hấp, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, lao tại phổi, gây tràn khí phế mạc, hoại tử vô khuẩn, viêm phế quản mạn, xơ hóa phổi. Biểu hiện của bệnh phổi silic là khó thở khi gắng sức, đau tức ngực (lúc này bệnh đã phát triển và có biến chứng). Do chưa có thuốc điều trị hiệu quả nên bệnh nhân thường chỉ được điều trị triệu chứng và tập luyện phục hồi chức năng hô hấp.

Tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn vệ sinh lao động sẽ tránh được bệnh phổi nghề nghiệp

Bệnh bụi phổi amiăng

Amiăng là một hợp chất gồm silicat, sắt, ma nhê, nhôm, kẽm. Những công việc tiếp xúc nhiều với amiăng như: khoan đập phá, khai thác quặng có amiăng; chải sợi, kéo sợi, dệt vải amiăng may áo cách nhiệt, làm thùng cách nhiệt cho nồi hơi, làm vật liệu cách âm, chế tạo doăng amiăng và cao su, xi măng amiăng, tấm lợp amiăng... Các triệu chứng của người mắc bệnh bụi amiăng là: khó thở khi gắng sức, đau ngực, cử động lồng ngực bị hạn chế. Bệnh có thể diễn tiến theo hướng xơ hóa phổi, tổn thương màng phổi lành tính, u ác tính. Người mắc bệnh bụi phổi amiăng có nguy cơ cao bị ung thư phế quản, ung thư biểu mô, các biến chứng thiểu năng tim, suy tim không hồi phục. Hiện cũng chưa có phương pháp điều trị khỏi hoặc hạn chế sự tiến triển của bệnh. Điều trị triệu chứng chủ yếu bằng các loại thuốc corticostéroid, thuốc long đàm, thuốc giảm ho, tập luyện phục hồi chức năng.

Bệnh bụi phổi bông

Bệnh xuất hiện do tiếp xúc với bụi bông, bụi gai, bụi đay, vượt quá giới hạn cho phép (1mg/m3 trung bình lấy mẫu 8 giờ), thời gian tiếp xúc với nghề nghiệp thường trên 5 năm. Bệnh thường gặp ở các công nhân làm việc trong các nhà máy sử dụng hoặc sản xuất các sợi bông, đay, gai như se sợi, dệt vải, dệt bao bì, tiếp xúc lâu năm với bụi thảo mộc... Bệnh gây những tổn thương về bộ máy hô hấp ở giai đoạn sớm, người bệnh có biểu hiện tức ngực vào ngày lao động đầu tiên sau kỳ nghỉ cuối tuần. Về sau, triệu chứng này kéo dài sang các ngày khác trong tuần nhưng nhẹ dần vào những ngày cuối tuần. Ở giai đoạn cuối, biểu hiện lâm sàng giống với viêm phế quản mạn nên rất khó phân biệt bệnh có nguyên nhân nghề nghiệp hay không. Để điều trị, cần dùng thuốc kháng histamin để làm giảm tác hại bụi bông đối với phổi; hít thở khí dung thuốc giãn phế quản.

Bệnh viêm phế quản mạn tính

Bệnh do tiếp xúc nghề nghiệp với các loại bụi, nồng độ bụi vượt quá giới hạn tối đa cho phép, hoặc phải tiếp xúc với các hơi, khí độc như SO2, H2S... có trong môi trường với thời gian khoảng 3 năm. Bệnh có triệu chứng: phế quản tăng tiết gây ho, khạc đờm suốt trên ba tháng mỗi năm và kéo dài trên hai năm. Bệnh gây ra suy giảm chức năng hô hấp, có thể phát hiện ra qua đo chức năng phổi.

Hen phế quản nghề nghiệp

Đây là bệnh hen phế quản mà nguyên nhân được gây ra bởi toàn bộ hoặc một phần các tác nhân ở nơi làm việc. Nguyên nhân gây bệnh chính là do các công nhân thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên. Các tác nhân gây bệnh thường gặp ở các công nhân làm việc trong môi trường chăn nuôi, thí nghiệm labo, các nhà máy sản xuất hóa chất, xà phòng, thuốc lá, nhựa, cao su, làm đồ chơi, đồ gốm, thợ in hay ở các nông trường chè, cafe, nhà máy chế biến gỗ, công nghiệp hóa dược... Bệnh tiến triển rất phức tạp và còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Bệnh thường xuất hiện ở những công nhân đã có tiền sử mắc bệnh hen hoặc những công nhân có cơ địa dị ứng. Với những người có cơ địa dị ứng, khi ngừng tiếp xúc trong môi trường lao động có yếu tố dị nguyên, triệu chứng hen cũng mất dần. Bởi vậy người lao động đã xác định hen nghề nghiệp nên ngừng tiếp xúc với môi trường có yếu tố khởi phát.

Dự phòng bệnh hô hấp nghề nghiệp

Bệnh hô hấp nghề nghiệp có thể phòng tránh một cách hiệu quả nếu người lao động tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn vệ sinh lao động.

Các cơ sở làm việc cần trang bị kiến thức, hiểu biết cho người lao động cũng như người sử dụng lao động về các bệnh hô hấp nghề nghiệp và biện pháp dự phòng dưới hình thức thông qua các lớp tập huấn, hội thảo về an toàn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Các cơ quan hữu quan cần giám sát, kiểm tra định kì và có biện pháp cải thiện môi trường lao động thường xuyên như từng bước thay đổi qui trình công nghệ cũ bằng công nghệ hiện đại, sạch, tự động hóa hoặc sử dụng các chất thay thế ít gây độc hại hơn; tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật bảo hộ lao động như: hệ thống thông gió, hút bụi, dập bụi, hút hơi, khí độc... và tăng cường trang bị bảo hộ lao động cá nhân, khẩu trang có hiệu quả.

ThS. Phạm Văn