Lưu trữ cho từ khóa: xa tiền thảo

Đông y trị biến chứng viêm phế quản

Chứng tâm phế mạn (TPM), một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân viêm phế quản, phổi mạn cao tuổi.

Biểu hiện của bệnh là: Xuất tiết khí - phế quản, khó thở, có các đợt viêm tái phát liên tiếp trên nền tảng của một bệnh phế quản - phổi mạn tính, hiện tượng khó thở tăng dần với cảm giác đè nén ở ngực khi có cố gắng thể lực, thường kèm theo đau ngực, luôn có cảm giác đau tức hạ sườn phải khi cố gắng thể lực. Ngoài các dấu hiệu thường thấy như trên, còn có những triệu chứng như tím tái, ngón tay sưng có hình dạng như dùi trống, mạch nhanh không đều…

Tâm phế mạn là một hậu quả nặng nề, có thể dẫn tới suy tim và suy hô hấp của bệnh phế phổi mạn và một số bệnh hô hấp mạn tính khác như giãn phế nang, hen phế quản, xơ phổi, bệnh bụi phổi... Tiên lượng của bệnh phụ thuộc vào nguyên nhân và phương thức điều trị. Bệnh đòi hỏi phải được phát hiện sớm và điều trị tích cực, bài bản. Nên đi khám ở các phòng khám chuyên khoa hô hấp hoặc tim mạch.

Y học cổ truyền gọi TPM là đàm ẩm, thủy thũng và chia ra làm các thể bệnh khác nhau với các bài thuốc chữa cho từng thể bệnh.

Thể đàm trọc:

Chứng trạng: Ho đàm nhiều, sắc trắng dính nhớt lẫn bọt, suyễn thở đoản hơi, đoản khí, sợ gió, mệt mỏi vô lực, ăn ít, chất lưỡi hơi nhạt. Rêu trắng nhợt.

Bài thuốc: Tía tô tử 9g, bán hạ 9g, đương quy 9g, cam thảo 6g, tiên hồ 6g, hậu phác 9g, nhục quế 3g, trần bì 6g.

Thể đàm nhiệt ngăn phế:

Chứng trạng: Ho suyễn tức thở, thở hổn hển, bứt rứt, ngực đầy, đàm vàng, dính đặc; người nóng hơi sợ rét, có mồ hôi không nhiều, tiểu vàng, phân khô, miệng khát, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng hoặc nhớt, rìa lưỡi đỏ.

Bài thuốc: Khoản đông hoa 10g, hạnh nhân 10g, bách bộ 10g, cam thảo 10g, hoàng cầm 15g, bồ công anh 15g, tri mẫu 15g, qua lâu 20g, địa long 12g, mạch đông 10g, cát cánh 10g, đan sâm 12g, tử uyển 10g, xích thược 12g.

Thể hàn đàm ngăn phế:

Chứng trạng: Đàm phần nhiều trắng, loãng có trạng thái bọt, hụt hơi suyễn, ớn lạnh hơi sốc, miệng không khát, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng trơn nhuận.

Bài thuốc:

Ma hoàng 9g, bạch thược 9g, tế tân 3g, can khương 3g, cam thảo 6g, quế chi 6g, bán hạ 9g, ngũ vị tử.

Thể đàm che tâm khiếu:

Chứng trạng: Tinh thần hoảng hốt, nói sảng, bứt rứt, không yên chân tay, lúc tỉnh, lúc mê, có thể co giật, suyễn gấp, ho đàm khó khạc, rêu lưỡi trắng nhớt hoặc vàng nhớt, chất lưỡi đỏ tối hoặc tím nhạt.

Bài thuốc:

Bán hạ 8g, đởm tinh 8g, cát hồng 6g, chỉ thực 6g, phục linh 6g, nhân sâm 3g, xương bồ 3g, trúc nhự 2g, cam thảo 2g.

Thể phế thận khí hư:

Chứng trạng: Thở nông, khó thở liên tục, khi nặng bệnh nhân há miệng so vai, không thể nằm thở, ho đàm trắng như bột, khạc nhổ khó, ngực bí, tinh thần hoảng hốt, mồ hôi nhớt, lưỡi nhạt hoặc tím tối.

Bài thuốc:

Hoàng kỳ 15g, xuyên khung 15g, đan sâm 15g, phục linh 12g, hoàng cầm 12g, trúc nhự 12g, bạch truật 9g, phòng phong 9g, bán hạ 9g, đào nhân 9g, cam thảo 3g.

Thể dương hư thủy tràn:

Chứng trạng: Mặt phù, chân thũng, nặng thì toàn thân thũng, bụng trướng đầy có nước, tim hồi hộp, suyễn ho, đàm trong lỏng, ăn kém, tiểu ít, sợ lạnh, mặt môi xanh tím, rêu lưỡi trắng trơn chất lưỡi tối.

Bài thuốc: Kê huyết đằng 30g, uất kim 18g, hồng hoa 9g, xích thược 15g, đan sâm 15g, phụ phiến 24g, bạch truật 12g, phục linh 20g, sinh khương 30g, quế tâm 9g, trư linh 30g, trạch tả 30g, mộc thông 30g, xa tiền thảo 30g.

Trị chứng tai ù

Tai ù làm giảm thính giác, ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày, chữa trị không đơn giản. Đông y gọi chứng tai ù là “nhĩ minh” .


Những chứng trạng điển hình

Theo lương y Huyên Thảo (Hà Nội), chứng tai ù có thể do bệnh cục bộ ở tai nhưng chủ yếu thường do các bệnh toàn thân gây nên. Nhĩ minh có liên quan trực tiếp tới sự thịnh suy của âm dương khí huyết và có những chứng trạng điển hình  dễ nhận biết.

+ Thể Can hỏa thượng viêm với những biểu hiện: Khả năng nghe đột ngột giảm, tai ù khi nặng khi nhẹ, nhiều lúc cảm giác như có gió rít trong tai, bực bội thì tai ù nặng thêm, đau đầu, choáng váng, hoa mắt, mặt đỏ, họng khô, miệng đắng, tiểu tiện vàng sẻn, đại tiện táo kết, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác.

+ Thể Thận tinh suy tổn với những biểu hiện: Tai như có tiếng ve kêu, về đêm to hơn gây khó ngủ, tai nghe kém dần. Chứng bệnh này hay gặp ở người già, người cơ thể suy nhược. Cùng với tai ù, bệnh nhân thấy lưng mỏi, gối yếu, mắt mờ, có thể bị di tinh, mạch tế nhược.

+ Thể Đàm trọc ung kết với những biểu hiện: Tai ù nhiều khi như bị nghẽn trong tai, bụng đầy trướng có khi nôn mửa, đầu choáng váng, miệng khô đắng, đại tiện khó khăn, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác.

Bài thuốc theo chứng trạng

+ Nếu ở thể Can hỏa thượng viêm dùng một trong những bài thuốc sau: Bài 1: Cúc hoa 30g, xa tiền thảo 30g, xương bồ 15g. Cho vào sắc dùng uống thay trà liên tục 7-8 ngày. Bài 2: Chỉ tử 9g, sài hồ 9g, thiên hoa phấn 18g, xa tiền thảo 30g. Sắc lấy nước. Cho thêm chút đường trắng, uống nhiều lần trong ngày, liên tục 7-8 ngày.

+ Nếu ở thể Thận tinh suy tổn dùng một trong những bài thuốc sau: Bài 1: Bầu dục lợn 2 quả, đậu đen 60g, đỗ trọng 15g, sinh khương 9g, xương bồ 10g. Hầm chín ăn trong ngày, ăn liên tục nhiều ngày. Bài 2: Thịt chó 250g, đậu đen 60g. Hầm kỹ, ăn hết trong ngày, chia 2 lần sáng và tối.

+ Nếu ở thể Đàm trọc ung kết dùng một trong những bài thuốc sau: Bài 1: Hạnh nhân 20g, trần bì 10g, sinh khương 10g. Sắc uống thay trà trong ngày; uống liên tục 7-8 ngày. Bài 2: Rau cần cả rễ 120g, gạo tẻ 250g, nấu cháo ăn nhiều bữa trong ngày, liên tục trong nhiều ngày.

Theo Thanh Niên

Ổi vị thuốc dân giã

Nói đến cây ổi, chắc không ai lại không biết. Đây là loại cây bình dị nhưng lại rất giàu dược tính. Vì vậy, trong dân gian, từ lâu đời đã sử dụng các bộ phận của cây ổi để làm thuốc trị nhiều bệnh.Cây ổi còn gọi là phan thạch lựu, thu quả, kê thỉ quả, phan nhẫm, bạt tử, lãm bạt, phan quỷ tử. Tên khoa học là Psidium guajava L. Các bộ phận của cây ổi như: búp non, lá non, quả, vỏ rễ và vỏ thân đều được dùng để làm thuốc. Xin giới thiệu một vài bài thuốc cụ thể từ cây ổi.

Viêm dạ dày, ruột cấp và mạn tính: lá ổi non, sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 6g, mỗi ngày 2 lần. Hoặc lá ổi 1 nắm, gừng tươi 6 – 9g, muối ăn một ít, tất cả vò nát, sao chín rồi sắc uống. Hoặc quả ổi, xích địa lợi và quỷ châm thảo, mỗi thứ từ 9 – 15g, sắc uống.

Cửu lị (lị mãn tính): quả ổi khô 2 – 3 quả, thái phiến, sắc uống; hoặc lá ổi tươi 30 – 60g sắc uống. Với lị trực khuẩn cấp và mạn tính: dùng lá ổi 30g, phượng vĩ thảo 30g, cam thảo 3g, sắc với 1 lít nước, cô lại còn 500ml, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 50ml.

Trẻ em tiêu hóa không tốt: lá ổi 30g, hồng căn thảo (tây thảo) 30g, hồng trà 10 – 12g, gạo tẻ sao thơm 15 – 30g, sắc với 1 lít nước, cô lại còn 500ml, cho thêm một chút đường trắng và muối ăn. Uống mỗi ngày: trẻ từ 1 – 6 tháng tuổi 250ml, 1 tuổi trở lên 500ml, chia uống vài lần trong ngày.

Trị tiêu chảy: búp ổi hoặc vỏ dộp ổi 20g, búp vối 12g, búp hoặc nụ sim 12g, búp chè 12g, gừng tươi 12g, rốn chuối tiêu 20g, hạt cau già 12g, sắc đặc uống. Hoặc búp ổi 12g, vỏ dộp ổi 8g, gừng tươi 2g, tô mộc 8g, sắc với 200ml nước còn 100ml, trẻ 2 – 5 tuổi mỗi lần uống 5 – 10ml, cách 2 giờ uống 1lần; người lớn mỗi lần uống 20 – 30ml, mỗi ngày 2 – 3 lần. Với tiêu chảy do lạnh bụng, dùng búp ổi sao 12g, gừng tươi 8g nướng cháy vỏ, hai thứ sắc cùng 500ml nước còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày; hoặc búp ổi hay lá ổi non 20g, vỏ quýt khô 19g, gừng tươi 10g nướng chín, sắc với 1 bát nước, cô còn nửa bát, uống nóng; hoặc búp ổi 60g, nụ sim 8g, giềng 20g, ba thứ sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g với nước ấm; hoặc búp ổi 15g, trần bì 15g và hoắc hương 18g, sắc uống.

Với tiêu chảy do nóng (thấp nhiệt): dùng vỏ dộp ổi 20g sao vàng, lá chè tươi 15g sao vàng, nụ sim 10g, trần bì 10g, củ sắn dây 10g sao vàng, tất cả tán bột, người lớn mỗi lần uống 10g, trẻ em uống bằng nửa liều người lớn; hoặc vỏ dộp ổi sao vàng 20g, vỏ duối sao vàng 20g, vỏ quýt sao vàng 20g, bông mã đề sao vàng 20g, sắc đặc uống nóng; hoặc bột vỏ dộp ổi 8 phần, bột gạch non 2 phần, trộn đều, luyện thành viên, mỗi lần uống 10g, mỗi ngày uống 2 lần.

Tiêu chảy do công năng tỳ vị hư yếu, dùng lá hoặc búp ổi non 20g, gừng tươi nướng cháy 10g, ngải cứu khô 40g, sắc cùng 3 bát nước, cô lại còn 1 bát, chia uống vài lần trong ngày.

Trẻ đi lỏng dùng lá ổi tươi 30g, rau diếp cá 30g, xa tiền thảo 30g, sắc kỹ lấy 60ml, trẻ dưới 1 tuổi uống 10 – 15ml, trẻ từ 1 – 2 tuổi uống 15 – 20ml, mỗi ngày uống 3 lần.

Thổ tả: lá ổi, lá sim, lá vối và hoắc hương lượng bằng nhau, sắc hoặc hãm uống.

Trị đái tháo đường: quả ổi 250g, rửa sạch, thái miếng, dùng máy ép lấy nước, chia uống 2 lần hàng ngày; mỗi ngày ăn vài quả ổi (chừng 200g); hoặc lá ổi khô 15 – 30g, sắc uống hàng ngày.

Trị đau răng: vỏ rễ cây ổi sắc với dấm chua, ngậm nhiều lần trong ngày.

Trị thoát giang (sa trực tràng): lá ổi tươi lượng vừa đủ, sắc kỹ lấy nước ngâm rửa hậu môn. Có thể kết hợp dùng quả ổi khô sắc uống.

Trị mụn nhọt mới phát: lá ổi non và lá đào lượng vừa đủ, tất cả giã nát rồi đắp lên vùng tổn thương.

Trị bắp chuối: rễ cây ổi, gừng tươi, đường phèn lượng vừa đủ, tất cả giã nát rồi đắp vào nơi bị bệnh.

Vết thương do trật đả: dùng lá ổi tươi rửa sạch, giã nát đắp vào nơi bị thương.

Giải ngộ độc ba đậu: quả ổi khô, bạch truật sao hoàng thổ, vỏ cây ổi, mỗi thứ 10g, sắc với một bát rưỡi nước, cô lại còn 1 bát, chia uống vài lần.

Chữa bệnh: lấy 100g búp ổi non rửa sạch, phèn chua 10g, muối 1g. Cho tất cả vào cối sạch giã nhỏ, thêm ít nước sạch vào trộn đều. Dùng nước thuốc này bôi lên chỗ đau.

suckhoe&doisong

Đinh lăng hoạt huyết, an thần, tiêu viêm

Đinh lăng còn có tên khác là cây gỏi cá, nam dương lâm. Tên khoa học là Tighemopanax Fructicosus. Cây được trồng làm cảnh và làm thuốc, dùng lá để ăn sống.

Bộ phận dùng là lá và rễ. Rễ đinh lăng có nhiều công dụng quý: làm thuốc bổ cơ bắp, tăng sức bền bỉ dẻo dai, an thần bổ thần kinh, tiêu viêm kháng khuẩn, hoạt huyết thông mạch. Các nhà sản xuất đông dược đã dùng đinh lăng kết hợp với bạch quả, sản xuất ra một thành phẩm có tên là hoạt huyết dưỡng não. Thuốc này được chỉ định cho các trường hợp: tăng huyết áp, đau thắt ngực, thiếu máu cơ tim, thiểu năng tuần hoàn não…

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Sau đây xin giới thiệu một số ứng dụng tiêu biểu:

Đau thắt ngực do bị co thắt mạch vành: lá đinh lăng một nắm to, sắc lấy nước uống 2 – 3 lần trong ngày. Hoặc lá đinh lăng 40g, đan sâm 15g, ích mẫu 20g, sắc nước uống trong ngày. Công dụng: hoạt huyết thông mạch, khắc phục tình trạng mạch vành bị nghẽn, cơ tim thiếu dinh dưỡng.

Mất ngủ kéo dài, tư tưởng thiếu tập trung: lá đinh lăng 24g, tang diệp 20g, lá vông 20g, tâm sen 12g, liên nhục 16g. Đổ nước 400ml sắc lấy 150ml. Chia 2 lần uống trong ngày. Công dụng: bổ tâm an thần, giảm hưng phấn tạo được giấc ngủ êm.

Đái buốt đái rắt, nước tiểu đỏ: lá đinh lăng, xa tiền thảo, kim tiền thảo, liên tiền thảo, mỗi vị một nắm to. Sắc uống trong ngày. Có thể gia thêm chè búp 10 – 12g. Phương thuốc này còn có tác dụng tống sỏi (bài thạch).

Cơn đau quặn thận, bí tiểu tiện: lá đinh lăng 40g, xấu hổ tía 40g, rau ngổ 30g, râu bắp 24g, xa tiền thảo 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Vú bị sưng đau, tắc tia sữa: lá đinh lăng (sao vàng hạ thổ) 40g, bồ công anh 20g, sài đất 20g, ngân hoa 12g, trần bì 12g. Đổ nước 400ml, sắc lấy 200ml chia 2 lần uống trong ngày (uống nóng). Hoặc lá đinh lăng 40g, rễ bí đỏ 20g, đan sâm 12g, bạch truật 12g, kim ngân 16g, xuyên khung 12g,  đương quy 12g, hoài sơn 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Người cao tuổi bị đau mỏi các khớp, có biểu hiện xơ cứng, vận động khó khăn: củ đinh lăng (sao thơm) 20g, ngưu tất 16g, thổ linh 20g, nam tục đoạn 20g, xuyên khung 12g, đương quy 12g, đỗ trọng 10g, khởi tử 12g, cam thảo 12g, đại táo 12g, trần bì 12g. Đổ 800ml nước sắc lấy 250ml, chia 2 – 3 lần uống trong ngày, 12 – 15 ngày là một liệu trình.

Ho khan lâu ngày do phế nhiệt : củ đinh lăng 20g, rau má 20g, mạch môn 16g, cát cánh 12g, tía tô 16g, xa tiền thảo 20g, lá xương sông 20g, trần bì 12g, cam thảo 16g, đại táo 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

suckhoe&doisong

Các bài thuốc Đông y chữa mụn trứng cá

Vỏ quả mướp sấy khô, tán thành bột mịn. Mỗi buổi tối trước khi ngủ, lấy một ít bột thuốc trộn với rượu trắng, bôi lên những chỗ da bị mụn trứng cá.

Nhiều người cho rằng trứng cá là một chứng bệnh do nhiệt (nhiệt độc) gây ra, cứ dùng một số vị thuốc mát của Đông y uống vào là được. Điều này chỉ đúng một phần. Trong các nguyên nhân gây trứng cá, ngoài nhiệt độc còn có thấp nhiệt, đàm thấp, huyết ứ, mạch Xung, Nhâm bị mất điều hòa…

Mụn trứng cá có nhiều dạng: nhỏ, to, đầu đen, mưng mủ (viêm tấy, ấn đau), mụn bọc (viêm sâu hơn và bọc mủ ở sâu), mạch lươn (với các bọc mủ liên kết với nhau và có đường thông nhau), trứng cá đỏ (giãn mạch, hình thành những sợi chỉ đỏ trên một vùng da đỏ, trên đó rải rác mụn trứng cá)… Hình trạng, tính chất và vị trí phát sinh trứng cá là những tín hiệu đặc biệt phản ánh tình trạng sức khỏe của cơ thể. Nó cũng là những căn cứ để xác định nguyên nhân và tìm ra phương thuốc chữa trị hữu hiệu.

Dưới đây là một số phương thuốc mà nhiều người đã áp dụng có kết quả tương đối tốt:

Tỳ bà thanh phế ẩm gia giảm

Tỳ bà diệp, tang bạch bì mỗi thứ 12 g, sinh địa 15 g, xích thược, địa cốt bì, đan bì, hoàng cầm, sinh sơn chi (sơn chi để sống), sinh sơn tra mỗi thứ 10 g, sinh thạch cao, bạch hoa xà thiệt thảo mỗi thứ 30 g, sinh cam thảo 6 g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang.

Thích hợp với người có mụn trứng cá do phế nhiệt (tạng phế bị nhiệt): Mụn thường xuất hiện trên má và trán. Đầu tiên là những nốt sần, rồi viêm tấy, đỏ, đau, có cảm giác nóng rát; kèm theo những triệu chứng toàn thân như mặt đỏ bừng từng cơn, đầu lưỡi đỏ tía, rêu lưỡi vàng mỏng.

Nhân trần cao thang gia giảm

Sinh địa, xa tiền thảo mỗi thứ 15 g, xích thược, sinh sơn chi, hoàng cầm, hoàng bá, đại hoàng (cho vào sau) mỗi thứ 10 g, nhân trần, sinh ý dĩ mỗi thứ 30 g, bồ công anh 20 g, sinh cam thảo 6 g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang.

Dùng cho trường hợp mụn trứng cá do thấp nhiệt: Mụn thường xuất hiện ở khu vực phía dưới hai má và ở cằm, phần da bị tổn thương đỏ ửng, có những đốm đỏ, nốt sần hoặc mưng mủ, ngứa cục bộ; bụng đầy trướng, kém ăn, họng khô, miệng háo, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt.

Tứ quân tử hợp Nhị trần thang gia giảm

Đẳng sâm, xa tiền tử (gói lại), bạch truật, bán hạ, trần bì, bạch giới tử mỗi thứ 10 g, phục linh, sơn dược mỗi thứ 12 g, đan sâm, bạch hoa xà thiệt thảo mỗi thứ 15 g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang.

Thích hợp với trường hợp mụn trứng cá do tỳ hư đàm thấp: Mụn trứng cá mưng mủ nặng, bong vẩy, để lại sẹo; kèm theo kém ăn, đại tiện lỏng, chất lưỡi nhớt.

Đan chi tiêu dao tán gia giảm

Đan bì, hoàng cầm, sơn tra, tô ngạnh mỗi thứ 8 g, chi tử (sao) 6 g, đương quy, sinh địa, phục linh, bạch truật mỗi thứ 10 g, bạch hoa xà thiệt thảo, nhân trần, bồ công anh mỗi thứ 12 g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang.

Thích hợp với trường hợp mụn trứng cá do Xung Nhâm thất điều (mạch Xung và mạch Nhâm mất điều hòa), thường gặp ở phụ nữ. Bệnh phát theo từng đợt, liên quan mật thiết với chu kỳ kinh nguyệt, mụn xuất hiện nhiều hơn trước kỳ hành kinh. Những nốt sẩn xuất hiện nhiều ở khu vực dưới má, thậm chí lan xuống cả cổ. Nốt trứng cá thường bị mưng mủ, sưng tấy đỏ. Kèm theo là các chứng trạng như kinh nguyệt không đều, hành kinh đau bụng, vú căng tức khó chịu, người bực bội dễ cáu giận, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng.

Đào hồng tứ vật hợp Lương huyết tiêu sang ẩm gia giảm

Sinh địa, thục địa, sinh thạch cao (sắc trước) mỗi thứ 30 g, xuyên khung, bạch thược, đương quy, đào nhân, hồng hoa, tang diệp, hoàng cầm, cúc hoa mỗi thứ 10 g, cam thảo 6 g. Sắc nước uống mỗi ngày một thang.

Dùng cho trường hợp mụn trứng cá do huyết ứ: Mụn trứng cá sắc tối, mưng mủ, nang lông sưng tấy, ngứa và đau, sau khi vỡ mủ để lại sẹo. Chất lưỡi đỏ thẫm, rêu lưỡi trắng.

Thuốc bôi, rửa bên ngoài

- Gai bồ kết 30 g, thêm giấm gạo 100 ml, sắc lấy nước đặc, lọc bỏ bã. Dùng bông sạch thấm nước thuốc, bôi vào chỗ da có mụn trứng cá, ngày 2-3 lần. Tác dụng: Chữa mụn trứng cá bọc, mụn nước lở ngứa.

- Dùng lá mướp non giã nát, vắt lấy nước cốt; hoặc cắt quả mướp, lấy dịch tiết ra từ lát cắt bôi lên chỗ da có mụn trứng cá.

- Dùng bèo cái tía, thương nhĩ thảo mỗi thứ 15 g, sắc lấy nước, rửa mặt 2 lần sáng tối, làm liên tục 10 ngày.
- Dùng bạch chỉ 10 phần, phòng phong 5 phần, cúc hoa 5 phần, đan sâm 5 phần. Tất cả tán thành bột mịn, trộn đều, cất vào lọ đậy kín dùng dần. Sáng và tối dùng 5 g bột thuốc sắc lấy nước đặc, bôi lên da mặt, sau 5 phút rửa sạch lại bằng nước sạch.

Mỗi bài thuốc trên đều có những phạm vi ứng dụng nhất định, có thể chữa khỏi bệnh cho người này nhưng không có tác dụng với người khác, thậm chí có thể gây tác dụng phụ. Vì vậy, muốn chữa khỏi bệnh, cần căn cứ vào những chứng trạng cụ thể, kết hợp với đặc điểm về thể tạng mỗi người mà sử dụng phép chữa và phương thuốc thích hợp. Đông y gọi đó là biện chứng luận trị.

Theo khoahocvadoisong