Lưu trữ cho từ khóa: virus HIV

Cây thiên trúc quỳ có thể giúp ngăn chặn virus HIV

Cây thiên trúc quỳ, còn gọi là cây phong lữ hay dương quỳ, có tên la tinh là Pelargonium, thuộc họ Geraniaceae. Các nhà khoa học cho biết, chất chiết xuất từ cây thiên trúc quỳ có thể làm giảm hoạt tính của virus HIV và ngăn chặn được virus HIV xâm nhập vào tế bào cơ thể người.

Virus HIV được chia thành hai loại. Đa số bệnh nhân bị nhiễm virus HIV đều là virus HIV loại 1. Các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu Vệ sinh Môi trường tại Munich, Đức, cho biết, chất được chiết xuất từ cây thiên trúc quỳ có thể trở thành một loại thuốc mới điều trị bệnh HIV. Cụ thể là chất được chiết xuất từ rễ cây thiên trúc quỳ có khả năng chống virus HIV loại 1, đồng thời bảo vệ máu và tế bào miễn dịch không bị nhiễm virus HIV.

cay-thien-truc-quy-co-the-giup-ngan-chan-virus-hiv

Ảnh minh họa – Internet

Một loạt các thực nghiệm lâm sàng cho thấy chất chiết xuất mới này vô hại với cơ thể người. Ở Đức, việc sử dụng chất chiết xuất từ cây thiên trúc quỳ để chế tạo thành một loại thuốc đã được phê chuẩn.

Các nhà khoa học cho biết, cách thức chống virus HIV loại 1 của chất chiết xuất từ cây thiên trúc quỳ cũng khác so với thuốc chống virus HIV được sử dụng trong lâm sàng hiện nay. Sự phát hiện này đã mở ra một hướng đi mới cho liệu pháp chữa bệnh HIV loại 1. Trong tình hình nguồn nguyên liệu bị hạn chế, chất chiết xuất từ cây thiên trúc quỳ có thể trở thành một loại thuốc mới điều trị bệnh HIV loại 1.

Các kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy tính an toàn của chất được chiết xuất từ cây thiên trúc quỳ rất khả quan. Bước tiếp theo của các nhà khoa học sẽ tiến hành thực nghiệm trên cơ thể bệnh nhân mắc bệnh HIV loại 1.

Theo Motthegioi.vn

Hy vọng mới cho người nhiễm HIV

ANTĐ - Là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu có tính chất hệ thống, bài bản về phân lập, tác nhân dòng và biểu hiện gene mã hóa protease HIV-1 tái tổ hợp từ chủng CRF01-AE trong E.coli, nhóm các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội đã bước đầu mở ra khả năng tự sản xuất PI chống HIV ở Việt Nam.
WHO ban hành hướng dẫn mới về điều trị HIV
Những quan niệm sai lầm về nhiễm HIV
Lần đầu tiên chữa trị thành công trẻ sơ sinh nhiễm HIV

Liệu pháp gene giúp điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân mắc HIV

Một công trình khoa học ý nghĩa

Cho đến nay vẫn chưa có vaccine phòng chống HIV. Các thuốc chống HIV như ức chế enzyme phiên mã ngược hoặc các chất kìm hãm enzyme protease (PI) không loại bỏ được triệt để HIV ra khỏi cơ thể mà chỉ có tác dụng làm giảm tiến trình dẫn đến AIDS nhằm kéo dài thời gian sống của bệnh nhân. Tuy nhiên HIV là virus rất dễ bị đột biến, tạo các chủng mới, thay đổi tác dụng của thuốc, khiến thuốc không còn tác dụng nữa. Từ năm 2003, Việt Nam đã sử dụng thuốc ức chế protease (PI) để điều trị cho bệnh nhân nhưng vì lí do trên nên hiệu quả chưa cao.

Ở Việt Nam, protease của HIV-1 tách từ bệnh nhân chưa được nghiên cứu nhiều. Các nghiên cứu chủ yếu nhằm phát hiện HIV trong huyết thanh, xác định các nhóm virus HIV gây bệnh và xác định các đột biến liên quan đến tính kháng thuốc. Để thiết kế thuốc PI mới phù hợp với các chủng HIV lưu hành tại Việt Nam, điều kiện tiên quyết phải là nghiên cứu protease, tìm ra những đột biến trong gene mã hóa protease, làm cơ sở để tìm kiếm các chất ức chế protease làm thuốc điều trị HIV/AIDS.

Xuất phát từ thực tế đó, các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Enzym và Protein, Khoa Sinh học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, do PGS.TS Phan Tuấn Nghĩa dẫn đầu, đã bắt tay vào nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu protease virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV) phân lập tại Việt Nam”, nhằm mở ra khả năng tự sản xuất PI chống HIV ở Việt Nam. Theo các nhà khoa học, công trình này có ý nghĩa quan trọng vì nó mở ra một hướng nghiên cứu mới trong việc thiết kế các thuốc PI chống các virus gây bệnh khác.

“Nhiều loại virus khi nhân lên lúc đầu cũng tạo ra các phân tử protein có kích thước lớn sau đó enzyme protease phân cắt thành các phân tử có kích thước nhỏ với các chức năng khác nhau giống như virus HIV. Nếu ngăn chặn được sự hoạt động của các protease này thì cũng ngăn chặn được sự nhân lên của một số virus đang lưu hành ở nước ta”, GS.TS Phạm Văn Ty, Khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, giải thích.

Mở ra hy vọng mới

Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiến hành nhiều thí nghiệm và đã thu được các kết quả quan trọng như đã tinh sạch, nhân dòng và xác định được 8 đoạn gene mã hóa cho protease khác nhau và đã phát hiện được 19 đột biến trong đó có 10 đột biến thay thế axit amin. Các trình tự này đã được đăng ký ở Genbank. Cùng với đó, các nhà khoa học đã thiết kế và biểu hiện protease của HIV-1 trong E.coli, từ đó xây dựng được quy trình tinh sạch protease HIV-1 rất dễ thực hiện. Đặc biệt, các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công một số tính chất của protease tái tổ hợp và đã tìm được một số chất ức chế protease.

Những kết quả của đề tài nghiên cứu này rất đáng chú ý vì đây là lần đầu tiên protease của HIV-1 phân lập từ bệnh nhân nhiễm HIV ở Việt Nam đã được nghiên cứu một cách hệ thống và tìm được chất ức chế enzyme protease, làm cơ sở cho việc tạo thuốc PI chống HIV.

PGS.TS Nông Văn Hải, Viện Nghiên cứu Hệ gene đánh giá đây là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu có tính chất hệ thống, bài bản về phân lập, tác nhân dòng và biểu hiện gene mã hóa protease HIV-1 tái tổ hợp từ chủng CRF01-AE của Việt Nam trong E.coli. Công trình đưa ra một phương pháp có hiệu quả để biểu hiện và tinh sạch protease HIV-1 tái tổ hợp. Chế phẩm protease HIV-1 tái tổ hợp là một sản phẩm quan trọng có thể dùng trong các nghiên cứu và ứng dụng tiếp theo cho phát triển các chất tiềm năng ức chế enzyme này, từ đó có thể phát triển dược phẩm để điều trị bệnh suy giảm miễn dịch do HIV-AIDS.

Kết quả của đề tài bước đầu mở ra khả năng tự sản xuất PI chống HIV ở Việt Nam. Cũng trên cơ sở nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu còn có thể thực hiện nhiều nghiên cứu ứng dụng khác cho virus gây bệnh như HCV, HBV, góp phần giải quyết những khó khăn trong việc sản xuất vaccine để phòng bệnh.
Hoàng Quang Anh

Nọc ong có thể chống lại virus HIV

Nọc ong có thể tạo ra một bước tiến đột phá trong cuộc chiến chống lại virus HIV.

Tiến sĩ Joshua L Hood và các cộng sự thuộc trường đại học Y khoa Washington (Mỹ) đã phát hiện thấy rằng chất độc trong nọc ong có thể tiêu diệt virus HIV và không làm hại các tế bào xung quanh. Các nhà khoa học tin tưởng đây là bước tiến quan trọng để phát triển một loại gel có thể ngăn chặn sự lây lan virus HIV.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy chất melittin trong nọc ong có khả năng xuyên thủng lớp bảo vệ bên ngoài của virus HIV và dần dần phá hủy lớp bảo vệ này, khiến virus không còn khả năng phát triển.

Các nhà khoa học đã tiêm chất melittin vào trong các phần tử nano. Các phần tử này được lập trình có thể nhận biết và bỏ qua các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể. Nhưng khi gặp virus HIV, chất độc trong các phần tử nano sẽ được phóng ra để xuyên thủng màng bảo vệ của virus.

noc-ong-co-the-chong-lai-virus-hiv

Chất độc trong nọc ong có thể được sử dụng để ngăn ngừa lây lan virus HIV.

“Chúng tôi đang tấn công các đặc tính vật lý của virus HIV. Theo lý thuyết, chúng sẽ không có cách nào để thích nghi với phương pháp này”, tiến sĩ Joshua L Hood, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Thay vì điều trị bằng cách tiêm các phần tử nano chứa melittin vào cơ thể, các nhà khoa học hy vọng các phần tử này có thể được phát triển thành dạng gel để sử dụng như một phương pháp phòng ngừa lây nhiễm virus HIV.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 34 triệu người đang bị nhiễm virus HIV trên toàn cầu.  Phần lớn các bệnh nhân mắc loại virus nguy hiểm này đang sống tại các quốc gia có mức thu nhập trung bình và thấp.

(Theo VietNamNet)

Nguồn gốc virus HIV có cách đây hàng triệu năm

 Nguồn gốc của loại virus HIV gây bệnh AIDS đã có cách đây hàng triệu năm, thay vì hàng ngàn năm như đánh giá trước đây, theo các nhà khoa học Mỹ.

Trên chuyên san PLoS Pathogens, các nhà khoa học tại Đại học Washington và Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở thành phố Seattle tường thuật rằng một loại virus có các đặc tính tương tự virus gây suy giảm miễn dịch con người đã xuất hiện trong loài khỉ châu Phi cách đây từ 5 đến 12 triệu năm.

vuon
Virus HIV lây từ vượn sang người – Ảnh: AFP

Mặc dù HIV mới xuất hiện ở người trong thế kỷ 20 khi một loại virus giống HIV lây từ vượn sang người, song các nhà khoa học cho rằng các virus tương tự đã xuất hiện ở loài khỉ rất lâu trước đó.

Các nghiên cứu di truyền trước đây gợi ý những virus liên quan xuất hiện cách đây hàng chục ngàn năm.

Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học đã tìm hiểu dấu hiệu di truyền của loại virus giống HIV ở một số loài linh trưởng, gồm vượn, khỉ đột, đười ươi và khỉ.

Những biến đổi gien trong hệ miễn dịch của chúng gợi ý rằng các virus nói trên đã sinh ra cách đây từ 5 đến 16 triệu năm trước, theo BBC hôm 25.1.

Kết luận trên có thể giúp hiểu nhiều hơn về HIV và AIDS, theo nghiên cứu.

“Nghiên cứu này giúp chúng tôi hiểu tốt hơn cơ chế hoạt động của virus”, nhà khoa học Sam Wilson thuộc Trung tâm nghiên cứu virus thuộc đại học Glasgow (Scotland) nói với BBC.

(Theo Thanhnien)

Tổng hợp một loại kháng thể diệt virus HIV hiệu quả

 

Theo một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Nature Medicine thì các nhà khoa học Trường đại học KwaZulu - Natal (Cộng hòa Nam Phi) đã tìm ra cách tổng hợp một loại kháng thể có thể tấn công và giết chết HIV trong cơ thể, hiệu quả tới 88%.

Nghiên cứu này dựa trên sự quan sát các biến đổi của lớp vỏ HIV trên những phụ nữ Nam Mỹ bị nhiễm HIV tình nguyện tham gia nghiên cứu. Dựa vào cách thức thay đổi lớp vỏ HIV vô cùng độc đáo mà chỉ có virus này mới có, các nhà khoa học đã tương kế tựu kế tìm ra giải pháp ngăn chặn.

Các nhà khoa học đã tình cờ tìm thấy, cứ trong 2 phụ nữ tham  gia nghiên cứu thì có 1 người tổng hợp được loại kháng thể đặc biệt này. Kháng thể này thực chất là một kháng thể trung hòa virus tức là giảm độc lực của virus và có tác dụng với rất nhiều loại HIV khác nhau.

Điều đáng nói, người ta thấy kháng thể được tổng hợp trên chính lớp vỏ HIV. Qua nghiên cứu các nhà khoa học thấy rằng điểm yếu của virus nằm trên chính phân tử đường vẫn được gọi là glycan, nằm ở vị trí 332.

Đây là vị trí virus dễ bị tổn thương và mất hoạt tính. Chỉ cần tạo ra kháng thể đánh vào điểm này là có thể thắng được sự phát triển của HIV.

Đây có thể là một kết quả có ý nghĩa mở rộng các biện pháp điều trị triệt để HIV trong tương lai.

(Theo Sức khỏe và đời sống)

 

16 triệu chứng bạn đã nhiễm virus HIV

Trong vòng 1-2 tháng sau khi HIV xâm nhập vào cơ thể, 40% đến 90% mọi người sẽ trải qua các triệu chứng giống cúm, còn gọi là giai đoạn cửa sổ (ARS).

Nhưng đôi khi các triệu chứng nhiễm HIV không xuất hiện trong nhiều năm trời, thậm chí cả thập kỷ. Vì không thấy triệu chứng, nên nhiều người không biết mình mắc bệnh. Do đó, điều quan trọng là phải xét nghiệm, đặc biệt nếu bạn từng quan hệ tình dục không an toàn với nhiều hơn một người, hoặc tiêm ma túy vào tĩnh mạch.

Dưới đây là một vài dấu hiệu có thể bạn đã dương tính với HIV.

1. Sốt

Dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn cửa sổ có thể là sốt nhẹ, khoảng 38,8 độ C. Sốt, nếu có xảy ra, thường đi kèm với các triệu chứng nhẹ khác như mệt mỏi, sưng tuyến bạch huyết, đau họng.

Ở thời điểm này, virus đi vào trong mạch máu và bắt đầu nhân lên với số lượng lớn. Do đó, nó gây ra phản ứng kích thích ở hệ miễn dịch.

2. Mệt mỏi

Phản ứng của hệ miễn dịch cũng có thể khiến bạn thấy mệt khác thường và buồn ngủ lịm. Mệt mỏi có thể là dấu hiệu sớm hoặc muộn của HIV.

3. Đau cơ, đau khớp, sưng hạch bạch huyết

Giai đoạn cửa sổ thường bị nhầm với cúm, hoặc các nhiễm trùng khác, thậm chí là giang mai, viêm gan. Điều đó không ngạc nhiên, vì nhiều triệu chứng của các bệnh này giống nhau.

4. Đau họng và đau đầu

Cũng giống như các triệu chứng khác, đau họng và đau đầu có thể nhận ra nếu bạn đang ở giai đoạn cửa sổ. Nếu bạn nhớ gần đây mình có sex nguy cơ không an toàn thì nên đi kiểm tra HIV lúc này. Điều này còn mang lại sự an toàn cho người khác, bởi đây cũng là giai đoạn HIV dễ lây nhất.

Cũng nên nhớ lúc này cơ thể chưa tạo ra kháng thể chống lại HIV, vì thế xét nghiệm kháng thể có thể không thấy. Hãy chọn phương án khác như phát hiện ARN virus, nhất là trong vòng 9 ngày sau khi nhiễm.

5. Phát ban trên da

Phát ban trên da có thể xảy ra ở giai đoạn sớm hoặc muộn của bệnh. Các vết sưng, hồng, ngứa trên da nếu không có lý do thỏa đáng, bạn nên nghĩ tới xét nghiệm HIV.

6. Buồn nôn, nôn, tiêu chảy

Khoảng 30-60% mọi người có buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy ngắn hạn trong giai đoạn sớm của HIV.

7. Giảm cân

Giảm cân (AIDS wasting) là dấu hiệu bệnh trở nặng, có thể đi kèm với tiêu chảy nghiêm trọng. Khi bạn giảm cân, nghĩa là hệ miễn dịch đang suy kiệt dần, dù bạn có ăn nhiều hết mức. Tuy nhiên, hiện tại, nhờ liệu pháp kháng virus, tình trạng này đã giảm dần.

Một người được xem là giảm cân nếu mất hơn 10% trọng lượng cơ thể và có tiêu chảy, mệt mỏi, sốt trong hơn 30 ngày.

8. Ho khan

Những cơn ho âm thầm có thể kéo dài nhiều tuần (mà kháng sinh, thuốc chống dị ứng, thuốc xông... đều vô tác dụng) là triệu chứng điển hình ở bệnh nhân HIV đã rất nặng.

9. Viêm phổi

Ho và giảm cân có thể là chỉ báo về một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng do vi khuẩn gây ra, mà bình thường nếu hệ miễn dịch khỏe mạnh bạn không thể mắc.

10. Đổ mồ hôi đêm

Khoảng một nửa bệnh nhân đổ mồ hôi trộm vào ban đêm trong giai đoạn đầu nhiễm HIV. Tình trạng này thậm chí còn phổ biến hơn vào giai đoạn sau, và không có liên quan đến việc tập thể dục hay nhiệt độ trong phòng.

Tương tự như những cơn bốc hỏa ở phụ nữ thời mãn kinh, những cơn đổ mồ hôi trộm này cũng khó mà kiểm soát, có thể gây ướt ga trải giường của bạn.

11. Thay đổi ở móng

Một dấu hiệu khác ở giai đoạn muộn nhiễm HIV là thay đổi ở móng tay chân, chẳng hạn móng dày lên, cong queo, móng bị chẻ, hoặc biến màu (có các sọc đen, nâu nằm dọc hoặc ngang).

Thường thì tình trạng này là do nhiễm nấm. Bệnh nhân có hệ miễn dịch suy kiệt sẽ nhạy cảm hơn với nhiễm nấm.

12. Bệnh nấm

Một loại bệnh nấm khác người có HIV hay gặp ở giai đoạn muộn là bệnh tưa miệng - do nấm Candida gây ra, thường gây khó nuốt.

13. Khó tập trung

Rối loạn nhận thức có thể là một dấu hiệu của chứng mất trí liên quan đến HIV, thường xảy ra muộn trong tiến trình bệnh. Nó còn liên quan đến khả năng ghi nhớ, và các vấn đề về hành vi như giận dữ, cáu kỉnh.

14. Herpes ở miệng hoặc cơ quan sinh dục

Chúng có thể là dấu hiệu của giai đoạn cửa sổ và cả giai đoạn cuối nhiễm HIV. Người mang HIV thường có xu hướng có nhiều đợt bùng phát herpes nghiêm trọng hơn bình thường do HIV làm suy yếu hệ miễn dịch.

Bản thân việc bị herpes cũng là một yếu tố nguy cơ nhiễm HIV.

15. Các cơn đau nhói ở chi

Nhiễm HIV giai đoạn muộn có thể gây tình trạng tê và đau nhói ở tay, chân. Đó là khi các tế bào thần kinh bị phá hủy.

16. Rối loạn kinh nguyệt

Bệnh khi tiến triển sẽ làm tăng nguy cơ thất thường kinh nguyệt, chẳng hạn số lần có kinh ít hơn, lượng máu kinh ít đi. Tuy nhiên, tình trạng này có thể là do sự giảm cân hoặc sức khỏe kém ở những người đã vào giai đoạn muộn, chứ không phải do bản thân việc nhiễm virus.

Người nhiễm HIV cũng mãn kinh sớm hơn vài năm.

(Theo VNE)

Phát hiện phân tử làm lan truyền virus HIV trên cơ thể người

Phát hiện này được coi là bước mở đầu cho việc tìm ra một loại biệt dược hữu hiệu cho phép ngăn chặn hoạt động của loại virus nguy hiểm này.

Các nhà khoa học Tây Ban Nha thuộc Viện nghiên cứu IrsiCaixa đã phát hiện ra phân tử Ganglioside làm lan truyền virus HIV trên cơ thể người. GS Javier Martinez-Picado cho biết qua nhiều năm tìm tòi, nhóm nghiên cứu nhận ra rằng virus HIV thâm nhập vào các tế bào đuôi gai và được các phân tử Ganglioside chuyên chở đến các hạch và sau khi đến hạch, virus HIV bắt đầu phá hủy hệ miễn dịch của người bệnh thông qua quá trình bao vây và tiêu diệt tế bào lympho loại TCD4 trong cơ thể người bệnh.Theo GS Picado, nếu đã biết được cơ chế lan truyền này, khoa học có thể tiến tới việc loại trừ phân tử Ganglioside chuyên chở HIV.

Trong thời gian tới, Viện IrsiCaixa sẽ tập trung nghiên cứu tạo ra biệt dược cho phép ngăn chặn quá trình tác động qua lại giữa virus HIV và các tế bào đuôi gai và chắc chắn biệt dược này sẽ được bổ sung vào các phương pháp điều trị HIV/AIDS hiện hành trên thế giới.

(Theo NLD)

Lưu ý khi sử dụng stavudin kháng virus HIV

Stavudin (d4T) là một trong những thuốc kháng virut được sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV.

Để đảm bảo tính an toàn của thuốc này, vừa qua, Cơ quan Quản lý dược phẩm Pháp (Afssaps) đã ra quyết định thay đổi thông tin của zerit (chứa d4T) trong đó giới hạn chỉ định điều trị của d4T như sau: chỉ sử dụng cho các bệnh nhân người lớn và trẻ em trong trường hợp không thể sử dụng các thuốc kháng virut khác.

Thời gian điều trị phải được hạn chế trong thời gian ngắn nhất, đồng thời khuyến cáo các bệnh nhân đã được khởi đầu điều trị bằng zerit nên chuyển sang sử dụng các biện pháp điều trị thay thế khác khi có thể, các bệnh nhân đang điều trị duy trì bằng zerit nên được đánh giá thường xuyên và chuyển sang sử dụng các liệu pháp thay thế khác khi có thể.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Ngay sau đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm Anh (MHRA) cũng ra quyết định tương tự. Kết luận của Afssaps và MHRA được đưa ra dựa trên kết quả đánh giá lại tính an toàn và hiệu quả của d4T được tiến hành bởi Hội đồng Các sản phẩm thuốc sử dụng cho người (CHMP) đã kết luận rằng, các tác dụng không mong muốn này là nghiêm trọng bao gồm nhiễm toan chuyển hóa acid lactic, rối loạn phân bố mỡ và bệnh lý thần kinh ngoại vi thường xuất hiện khi sử dụng thuốc kéo dài và hay gặp hơn với zerit so với các thuốc ức chế enzym sao chép ngược có nguồn gốc nucleoside khác.

Căn cứ vào các thông tin trên, vừa qua Cục Quản lý dược đã có thông báo tới các cơ sở khám chữa bệnh về tính an toàn của thuốc này và yêu cầu tăng cường theo dõi, phát hiện và xử trí nếu xảy ra phản ứng có hại của thuốc.

BACSI.com (Theo Suckhoedoisong)