Lưu trữ cho từ khóa: viêm tụy

Nguyên nhân gây viêm tụy cấp là gì?

Viêm tụy cấp là một bệnh lý cấp tính trong ổ bụng gây nhiều biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao.

Người nhà tôi đau bụng quằn quại vào nhập viện cấp cứu được chẩn đoán viêm tụy cấp. Xin hỏi nguyên nhân viêm tụy cấp và cách điều trị?

Đỗ Thị Giang (Cầu Giấy, Hà Nội)

nguyen-nhan-gay-viem-tuy-cap-la-gi

Ảnh minh họa.

BSCK II Vũ Đức Chung

, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354:

Viêm tụy cấp là một bệnh lý cấp tính trong ổ bụng gây nhiều biến chứng nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao. Nhiều nguyên nhân có thể đưa đến viêm tụy cấp.

Ở Việt Nam thường gặp viêm tụy cấp do: Sỏi mật (sỏi đường mật chính hoặc sỏi túi mật hoặc cả hai bên); giun chui ống mật hoặc giun chui ống mật kết hợp sỏi mật và do uống rượu.

Ngoài ra, có thể gặp viêm tụy cấp do: Tỷ lệ triglycerid cao trong máu do rối loạn chuyển hóa lipit; rối loạn vận động cơ tròn oddi; sau chụp mật – tụy ngược dòng nội soi; sau chấn thương kín ở bụng gây chấn thương tụy; sau mổ ổ bụng nhất là ở vùng tụy, quanh tụy và vùng bóng Vater; tụy chia đôi và khoảng 10% viêm tụy cấp không tìm ra nguyên nhân.

Việc điều trị viêm tụy cấp phải dựa trên sự kết hợp của nội khoa và ngoại khoa, không có một loại điều trị riêng biệt đặc hiệu nào. Phần lớn bệnh nhân viêm tụy cấp (khoảng 80% tổng số) là ở thể phù tụy, thường đáp ứng tốt với điều trị nội khoa.

Số còn lại ở thể viêm tụy cấp hoại tử, với nhiều mức độ hoại tử khác nhau, có thể có diễn biến xấu dần đưa tới nhiễm trùng, suy giảm tuần hoàn – hô hấp, suy giảm nhiều tạng và nhiều chức năng sinh tồn, với tỷ lệ tử vong cao.

Theo Kienthuc.net.vn

7 nguy cơ khi mỡ trong máu cao

Triglycerides là một loại mỡ đặc biệt được dự trữ thành năng lượng để cơ thể sử dụng. Đáng nói là hầu hết mọi người chỉ nhận ra họ có chỉ số triglycerides cao hoặc rất cao sau khi xét nghiệm máu mà không biết điều này khá nguy hiểm đối với sức khỏe.


Mỡ tích tụ trong gan là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh gan mãn tính

Khi dùng thức ăn béo, hầu hết mỡ hình thành dưới dạng chất béo trung tính gọi là triglycerides hoặc khi tiêu thụ quá nhiều calo, calo cũng được chuyển đổi thành triglycerides và lưu trữ bên trong các tế bào mỡ. Khi xét nghiệm máu, triglycerides được kiểm tra cùng với cholesterol toàn phần, cholesterol tốt (HDL) và cholesterol xấu (LDL).

Thường cơ thể không có triệu chứng chứng tỏ cholesterol cao hoặc triglycerides cao, một tình trạng gọi là tăng lipid máu, vì thế mà nhiều người có thể không biết. Dù vậy, chỉ số chất béo trung tính triglycerides sẽ là rất cao nếu ở mức từ 500 miligam mỗi decilít (mg/dL) trở lên. Điều này có thể dẫn đến một số dấu hiệu như: Tăng chất béo lắng đọng dưới da được gọi là xanthoma (ban vàng), viêm tụy cấp, sưng và đau ở gan hoặc lá lách, đau ngực do giảm cung cấp máu cho tim, giảm cung cấp máu đến não gây ra tê liệt, chóng mặt, lú lẫn, mắt mờ, nhức đầu dữ dội, thậm chí là mất trí nhớ. Vì thế, triglycerides cao có thể liên quan đến một loạt nguy cơ bệnh sau:

Viêm tụy: Tuyến tụy là một cơ quan quan trọng nằm ở phần trái phía trên bụng. Nó có chức năng sản xuất dịch tiêu hóa cần thiết để hấp thụ thức ăn. Lượng mỡ máu triglycerides rất cao có thể gây sưng tuyến tụy, biểu hiện ở việc bất ngờ đau bụng dữ dội, nôn mửa, sốt, nhịp tim nhanh, thở nhanh. Nếu dịch tiêu hóa bị rò rỉ bên ngoài tuyến tụy, nó có thể đe dọa tính mạng. Rượu có thể kích hoạt bệnh viêm tụy cấp, cùng với triglyceride cao, rượu còn có thể đẩy chỉ số này lên cao hơn. Vì thế, trường hợp này điều trị cần kết hợp giảm cân, thay đổi chế độ ăn uống và tránh uống rượu.

Tiểu đường type 2: Sự hình thành nhiều triglycerides là một phần tình trạng gọi là hội chứng trao đổi chất, bao gồm cao huyết áp, tăng mỡ bụng, HDL thấp (cholesterol tốt), và đường huyết cao. Chỉ số triglycerides cao kết hợp với 2 trong bất kỳ điều kiện nào kể trên cũng làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường type 2 lên gấp 5 lần.

Bệnh tim mạch: Tương tự như trên, chỉ số triglycerides cao kết hợp với 2 yếu tố của hội chứng chuyển hóa khác tăng gấp đôi nguy cơ bị bệnh tim. Một lượng lớn mỡ máu loại này nằm bên trong các mạch máu vận chuyển ôxy cho cơ tim.

Đột quỵ: Đột quỵ là tổn thương não xảy ra khi bị giảm nguồn cung cấp máu tới các tế bào não. Triglycerides ảnh hưởng đến các mạch máu cung cấp cho não của chúng ta. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng đối với phụ nữ lớn tuổi, mỡ máu triglycerides là một trong những nhân tố gây đột quỵ.

Bệnh gan: Mỡ tích tụ trong gan là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh gan mãn tính, ví dụ xơ gan, ung thư, suy gan... Trong số các trường hợp gan nhiễm mỡ không do rượu bia gây ra (NAFLD), có tới hơn 10% lá gan đã được thay thế bằng mỡ, mà nguyên nhân phổ biến nhất đối với NAFLD là bệnh tiểu đường, béo phì và triglycerides cao.

Đau và tê chân: Quá nhiều mỡ máu tạo thành lớp chất trong lòng động mạch, khi chảy đến chân, chúng có thể dẫn đến bệnh động mạch ngoại biên (PAD). PAD có thể gây ra đau và tê ở chân, đặc biệt là khi đi bộ. Nó cũng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng ở chân hoặc bàn chân.

Sa sút trí tuệ: Chức năng não suy giảm có thể ảnh hưởng đến trí nhớ, tư duy, ngôn ngữ và hành vi. Tuổi tác là một nguy cơ lớn đối với chứng mất trí, nhưng chỉ số mỡ máu triglycerides cao cũng vậy. Nguyên do là mỡ máu loại này có thể gây hại cho mạch máu bên trong não, góp phần tạo nên một protein độc hại được gọi là amyloid.

Tóm lại, chỉ số mỡ máu triglycerides cao có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Các chuyên gia khuyên rằng, chỉ cần ở độ tuổi trên 20, hãy xét nghiệm tổng thể máu 5 năm một lần. Nếu chỉ số triglycerides cao, việc điều trị sẽ bao gồm chế độ ăn uống (tăng cường omega3, tránh transfat), giảm cân, tập thể dục, kiểm soát đường huyết; đồng thời bệnh nhân có thể dùng kết hợp thuốc statin, fibrate, niacin hoặc dầu cá để đưa chỉ số này vào vòng kiểm soát.

(Theo ANTD)

Đau vùng quanh rốn là bệnh gì?

Hiện tại em đang bị đau vùng quanh rốn. Em đang phân vân là bị ruột thừa hay bị dạ dày.

Thưa bác sĩ,

Hiện tại em đang bị đau vùng quanh rốn. Em đang phân vân là bị ruột thừa hay bị dạ dày.

Em thường xuyên thức khuya (12h-3h), dậy muộn (9h-12h) ăn uống thất thường, thường xuyên bỏ bữa ăn sáng.

Hiện tại đau quanh rốn, theo từng cơn, có dấu hiệu sốt. Có ra tiệm thuốc tây mua 2 liều thuốc đau dạ dày, đã uống trước khi ăn 2 tiếng. Tình trạng không khả thi lắm.

Hiện tại em không thể đi khám được, khoảng sáng hoặc trưa mai mới đi được. Mong bác sĩ tư vấn giúp em. Cảm ơn bác sĩ! -

(Thanh Phú – kubom…@gmail.com)

Thân chào em Phú,

Em “thường xuyên thức khuya, dậy muộn, ăn uống thất thường và bỏ bữa ăn sáng”. Đây là những yếu tố thuận lợi cho bệnh lý dạ dày.

Khi dùng thuốc dạ dày em cần tránh những yếu tố trên thì bệnh mới có thể đáp ứng được, uống thuốc trước ăn và sau ăn cũng rất quan trọng. BS không rõ em đã dùng thuốc gì rồi, nhưng các thuốc điều trị viêm dạ dày như Ranitidain, Omeprazol…phải uống trước ăn, nhưng chỉ uống trước ăn 30 phút thôi em à.

Với biểu hiện đau như em mô tả, thì chưa thể loại trừ các bệnh lý dạ dày, viêm tụy, viêm túi mật, viêm hạch mạc treo… với vị trí đau ở vùng quanh rốn thì không phải là vị trí đau ruột thừa. Tuy nhiên, cũng cần loại trừ trường hợp ruột thừa lạc chỗ (không nằm ở vị trí bình thường ở hố chậu bên phải).

Do vậy, bệnh của em cần phải thăm khám trực tiếp và kết hợp làm thêm xét nghiệm máu, siêu âm…BS mới có thể tìm ra nguyên nhân rồi điều trị cho em.

Chúc em sớm hồi phục!

BS-CK1 Nguyễn Thị Thu Thảo