Lưu trữ cho từ khóa: viêm não

Làm sao để phân biệt giữa viêm não và viêm màng não?

Mùa hè, trẻ nhỏ rất dễ bị viêm não, viêm màng não nhưng nhiều phụ huynh chưa hiểu rõ về những bệnh nguy hiểm này.

Xin hỏi bác sĩ, hai bệnh nói trên có triệu chứng khác nhau thế nào? Làm sao để phân biệt giữa viêm não và viêm màng não? - Mai Anh Tuân (Lĩnh Nam, Hà Nội)

lam-sao-de-phan-biet-giua-viem-nao-va-viem-mang-nao

Ảnh minh họa – Internet

Chào bạn,

- Viêm màng não và viêm não khác nhau ở 2 điểm. Cụ thể, về giải phẫu, màng não có 3 thành phần, trong đó có màng cứng, màng mềm bao phủ toàn bộ tổ chức não, có chức năng bảo vệ và nuôi dưỡng não, trong đó viêm màng não là viêm màng mềm. Não là toàn bộ các tế bào thần kinh, gồm thân tế bào và sợi trục, có chức năng điều hòa toàn bộ sự vận động và tư duy của cơ thể con người.

Viêm màng não thể hiện qua hội chứng nhức đầu, nôn, táo bón, cổ cứng, sốt… Bệnh viêm não có các triệu chứng như rối loạn vận động, rối loạn ý thức (liệt nửa người, liệt các dây thần kinh, chậm chạp, lơ mơ, hôn mê). Cũng có trường hợp mắc cả viêm màng não và viêm não, lúc đó ở người bệnh xuất hiện cả 2 loại triệu chứng nêu trên.

Cả 2 loại bệnh trên đều nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, khi thấy con sốt cao liên tục mà không rõ nguyên nhân, đến ngày thứ 3 không đỡ thì cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để kiểm tra. Để phòng bệnh, cha mẹ cần đưa con đi tiêm vắc xin đầy đủ, sinh hoạt, ăn uống sạch sẽ, tránh để trẻ bị muỗi đốt bằng cách dùng nhang muỗi, phun thuốc muỗi định kỳ, làm sạch môi trường sống…

BS Nguyễn Xuân Hùng

Theo Hanoimoi.com.vn

Cảnh giác bệnh viêm não Nhật Bản trong mùa hè

Ngoài những bệnh như chân tay miệng, sốt xuất huyết… người dân đặc biệt phải cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản trong mùa hè này.

Hiện nay tình hình các dịch bệnh mùa hè đang có nhiều diễn biến phức tạp, kể cả bệnh viêm não Nhật Bản.

Tỷ lệ tử vong cao

Trong khi hiện nay ở nước ta khi dịch sởi đang có xu hướng giảm thì các dịch bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết có chiều hướng gia tăng, trong đó đặc biệt kể đến bệnh viêm não Nhật Bản.

Tính đến thời điểm này, theo thống kê của Cục Y tế dự phòng  (Bộ Y tế) cho biết, đã có gần 200 trường hợp mắc bệnh viêm não và đã có 3 trẻ tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số người mắc bệnh đã tăng lên 9% và còn tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do ở miền Bắc, mưa  ẩm kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển nên nguy cơ lây các bệnh do muỗi truyền, trong đó có bệnh viêm não Nhật Bản càng cao.

Đứng trước tình hình dịch bệnh mùa hè đang có nhiều diễn biến phức tạp. TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)  – lo ngại, sau sởi, tay chân miệng sẽ là bệnh viêm não Nhật Bản và sốt xuất huyết. Dự báo đỉnh dịch sốt xuất huyết sẽ từ tháng 6 đến tháng 10. Và bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8 là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản ở phía Bắc. Nếu gọi sởi là “bão” thì viêm não Nhật Bản là “siêu bão”, do mức độ nặng, tỉ lệ tử vong rất cao, ước tính của thế giới là 20-30%.

canh-giac-benh-viem-nao-nhat-ban-trong-mua-he

Ngoài những bệnh như chân tay miệng, sốt xuất huyết… người dân đặc biệt phải cảnh giác với bệnh viêm não Nhật Bản trong mùa hè này. Ảnh minh họa

TS. Phu cho biết, viêm não Nhật Bản là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do Arbovirus có tên là virus viêm não Nhật Bản gây ra. Bệnh lây truyền sang người do muỗi đốt. Hai loài muỗi vằn Culextritaeniorhynchus và Culex vishnui bị nhiễm bệnh đốt sẽ gây bệnh cho người. Nguồn chứa mầm bệnh trong tự nhiên chủ yếu là các loài chim lội nước và hầu hết gia súc như trâu, bò, dê, cừu, chó, lợn đều có thể là ổ chứa mầm bệnh, trong đó lợn có khả năng làm lan rộng virus dễ truyền bệnh cho người nhất. Vì thế, sự lan truyền virus xảy ra chủ yếu ở nông thôn. Nhưng ở một số vùng của châu Á, trong đó có Việt Nam, bệnh có thể xảy ra gần các trung tâm đô thị.

Tuy bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng đỉnh cao vẫn là mùa mưa. Hầu hết người bị nhiễm virus  viêm não Nhật Bản ở thể ẩn, nghĩa là không có triệu chứng lâm sàng. Một vài nghiên cứu cho biết: Có dưới 1% số người bị nhiễm virus viêm não Nhật Bản biểu hiện bệnh trên thực tế với các dấu hiệu biểu hiện giống như cảm cúm, sốt, đau đầu… Chính điều này khiến cha mẹ rất dễ nhầm lẫn, chủ quan không đưa con đến viện ngay.

Chủ động phòng bệnh tốt nhất

Trong khi đó, cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm… Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nặng, có thể tử vong hoặc biến chứng nặng. Có đến 70-80% trẻ bị viêm não Nhật Bản mang những di chứng thần kinh – tâm thần. Dù được cứu chữa kịp thời và tích cực, những di chứng rất nghiệt ngã với nhiều mức độ như bại liệt, cấm khẩu, mất trí nhớ, cử động dị thường ngoài ý muốn, run rẩy, uốn éo, lắc lư, gồng cứng người, động kinh.

Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương như: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cứng cổ,  lú lẫn, co giật, đờ đẫn, hôn mê… trẻ nhỏ thóp phồng (nếu còn thóp), khóc tăng lên khi trẻ thay đổi tư thế hoặc gồng cứng người.

Vì vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, việc phòng tránh bệnh rất quan trọng. Hiện nay, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là tiêm phòng vaccin viêm não Nhật Bản. Ngoài ra, người dân cần ngủ màn, mặc quần áo dài, dùng các chất xua đuổi côn trùng để đề phòng muỗi đốt.

Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh khu chăn nuôi, phát quang bụi rậm, khơi thông hoặc lấp các cống rãnh, thường xuyên diệt muỗi, bọ gậy/lăng quăng. Vì bệnh chủ yếu do muỗi đốt truyền bệnh nên cần phải diệt muỗi và phòng chống muỗi đốt.

Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Theo Afamily.vn

Bệnh viêm não Nhật Bản B

Theo quy luật, mùa hè là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản B (VNNB B). Vì vậy, năm nay VNNB B đang gia tăng và có những dấu hiệu bất thường. Nếu như năm 2013, ở nước ta số bệnh nhân mắc VNNB B chiếm 8% số ca viêm não, thì 6 tháng đầu năm nay tỷ lệ này lên tới 30%.

Dễ lây lan thành dịch

Hiện nay các trường hợp mắc bệnh VNNB B chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc nước ta, trong đó tập trung ở các tỉnh Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và các huyện ngoại thành Hà Nội…

benh-viem-nao-nhat-ban-b

Lợn và chim là những ổ chứa virut viêm não Nhật Bản. Muỗi là trung gian truyền bệnh hút máu động vật có chứa virut rồi truyền cho người khi đốt.

Bệnh VNNB B do virut Arbo gây ra, môi giới truyền bệnh VNNB B là muỗi Culex. Do đó, mùa mưa là thời điểm rất thuận lợi cho các loài muỗi phát triển, hơn nữa mùa hè nóng nực, ở nông thôn, miền núi do hiện tượng không nằm màn dễ bị muỗi đốt, vì vậy, bệnh VNNB B rất có khả năng xuất hiện, bùng phát. Ở Việt Nam, loài muỗi Culex sinh sản mạnh nhất vào mùa hè, mùa mưa, đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 7, 8. Muỗi Culex có đặc điểm tấn công người mạnh nhất (hút máu người) vào lúc chập tối và cả ban ngày lẫn ban đêm.

Bệnh VNNB B gặp chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm tỷ lệ trên 90% số ca mắc) trong đó đa số là trẻ từ 1 – 5 tuổi nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh (nếu chưa có miễn dịch). Bởi vì, ở độ tuổi này có sức thụ bệnh cao với bệnh VNNB B hơn người trưởng thành, đặc biệt là ở các trẻ chưa có miễn dịch đối với virut Arbo gây bệnh. Đặc điểm của virut VNNB B là rất có ái lực với tế bào thần kinh, chính vì vậy, khi virut vào máu, chúng nhanh chóng đến hệ thần kinh trung ương và nhân lên (sinh sôi, nảy nở) mạnh mẽ ở đó và gây bệnh.

Có thể gây biến chứng nặng

Thời kỳ nung bệnh (ủ bệnh) của VNNB B thường kéo dài từ 5 – 7 ngày, sau đó là thời kỳ khởi phát.

Thời kỳ khởi phát xuất hiện các triệu chứng như viêm long đường hô hấp trên (sổ mũi, viêm họng, nghẹt mũi, ho…), sốt cao đột ngột (trên 39 – 40oC), kèm theo đau đầu, đặc biệt là ở vùng trán. Có thể có rối loạn tiêu hóa (đau bụng có kèm theo đi ngoài phân lỏng, buồn nôn, nôn) nhất là ở trẻ nhỏ tuổi. Tính chất nôn là nôn vọt và không lệ thuộc vào bữa ăn (nôn bất kỳ lúc nào). Trẻ bị bệnh có biểu hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ và có thể xuất hiện lú lẫn, mất dần ý thức.

Tiếp đến là thời kỳ toàn phát. Ở thời kỳ này thì các dấu hiệu đã có ở thời kỳ khởi phát nhưng tăng mạnh, đặc biệt là các dấu hiệu thần kinh như cuồng sảng, ảo giác hoặc kích động, tăng trương lực cơ làm cho trẻ bệnh nằm trong tư thế co quắp “kiểu cò súng”. Co giật cũng có thể xuất hiện hoặc bị bại, liệt cứng. Đối với loại bệnh nặng thì có thể u ám lúc ban đầu rồi dần dần đi vào hôn mê. Ngoài ra có các dấu hiệu về thần kinh thực vật tăng lên rõ rệt như vã mồ hôi, rối loạn vận mạch dưới da (da lúc đỏ, lúc tái), rối loạn nhịp thở và tăng tiết dịch ở hệ hô hấp.

Bước sang tuần thứ 2, các triệu chứng như sốt, triệu chứng thần kinh, tim mạch dần dần giảm (gọi là thời kỳ hồi phục). Ở giai đoạn này, nếu qua khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp nặng có thể để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt hoặc di chứng rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ.

Vì não bị viêm làm cho não phù nề, chèn ép, trong khi đó hộp sọ không thay đổi thể tích. Phần não bị chèn ép vào vùng kiểm soát hô hấp (gây viêm phổi, viêm phế quản hoặc viêm phế quản – phổi do bội nhiễm vi khuẩn), tim mạch nên bệnh nhân bị hôn mê, ngừng thở, dẫn đến tử vong. Bệnh VNNB B có tỷ lệ tử vong cao (khoảng từ 20 – 80%), thường gặp ở những bệnh nặng như có co giật, hôn mê sâu, nằm lâu ngày, suy kiệt, viêm phổi nặng. Ngoài ra có thể gặp một số có di chứng muộn sau một năm hoặc lâu hơn như động kinh, Parkinson.

Phòng và điều trị bệnh VNNB B thế nào?

Bệnh VNNB B tuy rất nặng nhưng một người sau khi mắc bệnh VNNB B khỏi thì có miễn dịch vững bền. Vì vậy, tiêm vaccin VNNB B là hết sức có lợi, cần thiết đối với trẻ và người lớn chưa có miễn dịch.

Ngoài ra, cần tuyên truyền rộng khắp trong toàn dân về tác hại của bệnh VNNB B, nguy hiểm của muỗi và bọ gậy (lăng quăng). Đồng thời phổ biến các biện pháp diệt bọ gậy, muỗi trưởng thành bằng mọi hình thức. Các biện pháp thường áp dụng là khơi thông hệ thống cống rãnh, lấp ao tù, nước đọng sau các trận mưa. Đậy kín các chum, vại đựng nước không cho muỗi vào đẻ trứng, thay nước trong lọ cắm hoa hàng ngày, bắt muỗi bằng bẫy, bằng vợt, bằng đèn và áp dụng các biện pháp dùng hóa chất diệt muỗi như phun, tẩm màn và dùng hương xua muỗi. Khi nằm nghỉ hay ngủ (cả ban ngày, cả ban đêm) cần nằm màn một cách tuyệt đối nhằm tránh muỗi đốt.

Cần phát hiện bệnh sớm và nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để được khám và cấp cứu kịp thời.

BS. Bùi Anh

Theo Suckhoedoisong.vn

Bệnh thủy đậu có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm não

“Bệnh thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng nề ngoài những mụn nước nhưng rất dễ nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm não, tuy ít xảy ra”. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thông tin.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp vào mùa đông xuân.
benh-thuy-dau-co-the-gay-nhiem-trung-huyet-viem-nao
Ảnh minh họa – Internet
Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh thủy đậu là một bệnh cấp tính do nhiễm virus Varicella Zoter gây ra (bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh Zona ở người lớn). Virus có khả năng sống được vài ngày trong vẩy thủy đậu khi bong ra tồn tại trong không khí. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.
Khi bị bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1-2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh kéo dài từ 7 – 10 ngày.
Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong các tuần vừa qua, mỗi tuần TP có khoảng 10 ca mắc thủy đậu. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh- BV Nhi đồng 1, cho biết thông thường bệnh xuất hiện vào tháng 3 nhưng năm nay ca bệnh xuất hiện sớm và nhiều. Điều này cho thấy bệnh thủy đậu vào mùa sớm và có khả năng tăng sau tết. Ngoài ra đã  xuất hiện một ổ bệnh thủy đậu ở một trường học chuyên biệt tại quận Bình Thạnh khiến bốn học sinh và bốn thầy cô giáo mắc.
Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện một số biện pháp sau:
-Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.
-Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
-Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
-Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
-Thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
Theo HUY HÀ/plo.vn
The post Bệnh thủy đậu có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm não appeared first on Tin Sức Khỏe.

Hơn 150 người tử vong vì viêm não tại Ấn Độ

Ngày 23-7, các quan chức ngành y tế tại Ấn Độ xác nhận, số ca tử vong vì viêm não tại nước này đã lên tới 150 trường hợp và có thể còn tiếp tục tăng cao.

hon-150-nguoi-tu-vong-vi-viem-nao-tai-an-do

Muỗi là thủ phạm lây truyền virus gây bệnh viêm não

Chỉ tính riêng tại bang Tây Bengal, Ấn Độ, các ca tử vong là 102 trường hợp. Tại những khu vực khác như bang Assam, phía đông bắc Ấn Độ, nhà chức trách cho hay 56 người đã thiệt mạng và hiện có khoảng 300 người mắc bệnh.

Bệnh viêm não có thể gây tổn thương não và động kinh, triệu chứng bệnh thường là đau đầu và sốt. Bệnh thường xảy ra ở miền bắc Ấn Độ vào mùa mưa bắt đầu từ tháng 6, khi muỗi – vật trung gian lây truyền bệnh sinh trưởng mạnh trong thời gian này.

Theo Anninhthudo.vn

Vì sao trẻ vẫn mắc bệnh thủy đậu dù đã tiêm vắc-xin

Một thực tế hiện nay tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác là 90% trẻ đã tiêm vắc-xin thủy đậu vẫn mắc bệnh. Vậy phải chăng vắc-xin không có hiệu lực và không có cách nào phòng bệnh này hiệu quả?


Một trẻ mắc thủy đậu bị biến chứng viêm não đang được điều trị tại BV Nhi đồng 1

Tại Hội thảo Phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách hiệu quả do Viện Pasteur TPHCM tổ chức ngày 14/4 vừa qua, các chuyên gia y tế đều đồng tình rằng tình hình bệnh thủy đậu đang gia tăng tại khu vực phía Nam. Cụ thể, số trường hợp mắc thủy đậu năm 2011 đã là gần 5.500 ca, tăng hơn gấp đôi so với 2010.

BS Đinh Văn Thới, viện Pasteur TPHCM cho biết: bệnh thủy đậu tập trung vào tháng 4-5 hàng năm. Tỷ lệ mắc bệnh nhiều nhất tập trung ở trẻ 1-10 tuổi. Vậy nhưng chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2012, tại bệnh viện Nhi đồng 1 đã có hơn 1.500 trường hợp tới khám, bằng 75% số ca mắc của cả năm 2010. Đặc biệt, trong số những trẻ mắc bệnh có nhiều trường hợp đã tiêm 1 liều vắc-xin phòng thủy đậu.

Mổ xẻ nguyên nhân của tình trạng tiêm rồi vẫn bị bệnh, các chuyên gia cho rằng: đó là bởi trẻ đã tiếp xúc với vi-rút thủy đậu hoang dại trong khi nồng độ kháng thể sau khi chủng ngừa giảm dần theo thời gian.

Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy với những trẻ chỉ tiêm vắc-xin thủy đậu 1 lần, chắc chắn 90% sẽ mắc bệnh trước tuổi 13 và số còn lại sẽ mắc 1 lần vào bất kỳ thời điểm nào khác.Tiếp tục nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy phác đồ chủng ngừa 2 liều vắc-xin cho thấy giúp tạo ra đáp ứng miễn dịch mạnh hơn và là liều vắc-xin thứ hai giúp mang lại hiệu lực vắc-xin cao hơn một cách có ý nghĩa, giảm tỉ lệ breakthrough (mắc thủy đậu mặc dù đã có chủng ngừa trước đó) đến 3, 3 lần so với 1 liều như trước kia. Do đó, từ tháng 6/2007, Ủy ban An toàn Tư vấn tiêm chủng Hoa Kỳ đã khuyến cáo: đối với trẻ từ 12 tháng tuổi tới 12 tuổi đã tiêm 1 liều vắc-xin nên tiêm thêm liều thứ 2 cách liều thứ nhất tốt nhất là 6 tuần trở đi hoặc trong khoảng 4-6 tuổi để gia tăng hiệu quả bệnh và giảm việc mắc bệnh thủy đậu. Và đối với trẻ trên 13 tuổi, thanh niên và người lớn nên tiêm 2 liều cách nhau tốt nhất là sau 6 tuần.

Mặc dù khuyến cáo này ngay sau đó được các bác sĩ Việt Nam áp dụng nhưng tỉ lệ tiêm nhắc lại vẫn rất thấp và đây là một trong những lý do khiến số trẻ mắc bệnh tăng nhanh trong những năm gần đây.

(Theo Dantri)

Bệnh tay chân miệng dễ nhầm với bệnh khác

Ngay sau khi bệnh nhi 3 tuổi tại Hà Nội được công bố tử vong, trong những ngày qua, Bệnh viện Nhi TƯ quá tải vì mọi người lo sợ con bị tay chân miệng (TCM) nên đưa đến khám, điều này rất nguy hiểm vì làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

TS Trần Minh Điển, phó giám đốc Bệnh viện Nhi TƯ cho biết, trong gần 5.000 cháu bé đến khám chỉ có 3 trường hợp TCM phải nhập viện. Bản chất bệnh TCM là bệnh lý lây nhiễm liên quan đến virus, nhưng hầu hết tự khỏi. Chỉ một nhóm nhỏ bệnh nhân bị bệnh do nhiễm loại virus có tên EV71. Trong số này cũng chỉ rất ít cháu cháu bé có đáp ứng miễn dịch không tốt mới có thể bị tiến triển nặng, còn hầu hết sẽ vượt qua được.

a
Bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, bệnh cũng dễ nhầm với bệnh khác nên các bậc phụ huynh và bác sĩ cũng cần chú ý phân biệt.
Tại Bệnh viện Nhi TƯ hiện có 9 trẻ bị TCM, trong đó có 3 ca nặng và nguy cơ cao. Một bệnh nhi 1 tuổi, ở Hà Nội được xác định là bị TCM do EV71 với biến chứng viêm não nặng, hôn mê, kèm theo suy hô hấp nhưng nhờ cấp cứu kịp thời tình trạng của cháu bé đã khá hơn, tự thở được.

Biểu hiện của bệnh TCM có 4 giai đoạn gồm: Ủ bệnh từ 3 - 7 ngày; Khởi phát từ 1 - 2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày; Toàn phát từ 3 - 10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như loét miệng (vết loét đỏ hay phỏng nước đường kính 2 - 3mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt), phát ban dạng phỏng nước (lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; Tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm).

TS Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, bệnh cũng dễ nhầm với bệnh khác nên các bậc phụ huynh và bác sĩ cũng cần chú ý phân biệt.

Cụ thể như: Các bệnh có biểu hiện loét miệng (viêm loét miệng (áp-tơ) với vết loét sâu, có dịch tiết, hay tái phát); Các bệnh có phát ban da (sốt phát ban (hồng ban) xen kẽ ít dạng sẩn, thường có hạch sau tai); Dị ứng (hồng ban đa dạng, không có phỏng nước); Viêm da mủ (đỏ, đau, có mủ); Thủy đậu (phỏng nước nhiều lứa tuổi, rải rác toàn thân); Nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu (mảng xuất huyết hoại tử trung tâm); Sốt xuất huyết Dengue (chấm xuất huyết, bầm máu, xuất huyết niêm mạc) và các bệnh viêm não - màng não do vi khuẩn, virus, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi...

Meo.vn (Theo Bee)

Phân biệt bệnh tay chân miệng với sốt virus nổi ban

Thời điểm này tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc có nhiều trẻ bị sốt virus, trong khi đó dịch tay chân miệng vẫn đang lưu hành. Sốt, nổi ban đều là triệu chứng thường gặp ở cả hai bệnh, và cha mẹ nếu không lưu ý có thể nhầm lẫn.

Như trường hợp tử vong mới đây ở Hà Nội, bé khởi bệnh với triệu chứng mệt mỏi, nôn, sốt và được chẩn đoán theo dõi sốt virus. Tuy nhiên, một ngày sau bé vẫn không hết sốt, bắt đầu xuất hiện nốt ban đỏ dạng chấm ở bàn tay, nghi mắc tay chân miệng. Sau đó thì có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của trẻ dương tính với virus tay chân miệng EV71.

Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chẩn đoán bệnh tay chân miệng dựa chủ yếu vào các biểu hiện lâm sàng, chứ không chờ vào xét nghiệm. Vì thế, bác sĩ, thậm chí người dân có thể phân biệt được 2 bệnh này. Cụ thể:

Sốt virus:

- Bắt đầu từ giai đoạn 6 tháng tuổi là trẻ có thể bị sốt virus, đôi khi sốt cao 38,5 độ, 39,5 độ, sốt liên tục. Dùng thuốc hạ sốt thì trẻ đỡ, nhưng sau đó lại sốt, sốt có thể kéo dài 2-4 ngày, thậm chí là 6 ngày.

- Ngoài sốt, trẻ có thể kèm theo các biểu hiện viêm đường hô hấp trên như: ho, sổ mũi...

- Tuy nhiên xét về toàn trạng thì trẻ vẫn tỉnh táo, chơi tốt, khám không thấy dấu hiệu nhiễm trùng ở họng, phổi, đường ruột...

- Sau khi hết sốt, trẻ có thể nổi ban nhưng ban mỏng, rải rác, nhưng cũng có thể mọc toàn thân, hồng ban xen kẽ, ít dạng sẩn, thường có hạch sau tai.

- Sốt virus có thể tự khỏi trong 2-4 ngày. Trẻ có thể bị sốt virus trở lại với tần xuất 2-3 lần, thậm chí 5-6 lần một năm.

- Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Ảnh:

 

Cha mẹ thấy con sốt cao liên tục thì dù là sốt do nguyên nhân gì cũng cần đưa đi khám ngay. Ảnh: Thiên Chương.

Tay chân miệng

- Tùy từng thể bệnh mà có biểu hiện điển hình hay không. Trẻ có thể sốt cao liên tục 39, 40 độ C và không đáp ứng thuốc hạ sốt, nhưng có trẻ lại chỉ sốt nhẹ.

Chẳng hạn với thể tối cấp thì bệnh diễn tiến rất nhanh, có các biến chứng nặng như suy tuần hoàn, hô hấp, hôn mê dẫn đến tử vong trong 2-4 ngày. Với thể không điển hình thì dấu hiệu phát ban không rõ hoặc chỉ có vết loét miệng hoặc chỉ có triệu chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp mà không phát ban loét miệng.

- Tuy nhiên, đa phần trẻ sẽ trải qua 4 giai đoạn điển hình của bệnh gồm ủ bệnh, khởi phát (sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng... ), giai đoạn toàn phát (loét miệng, ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối...) và giai đoạn lui bệnh. Ngoài ra, dù đang sốt nhưng sờ chân, tay trẻ lại thấy lạnh.

- Trẻ thường phát ban cùng với sốt, trong khi sốt virus là nổi ban sau khi hết sốt.

- 3-5 ngày sau khi khởi bệnh, trẻ hồi phục hoàn toàn mà không có biến chứng.

- Nếu có biến chứng thì thường xảy ra ngay ngày đầu tiên hoặc thứ 2 như viêm não (dấu hiệu tri giác xấu, trẻ nôn thốc nôn tháo...), viêm cơ tim, trẻ mệt xỉu, nhịp tim nhanh...

- Thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi.

Ngoài sốt virus, cũng cần phân biệt tay chân miệng với các bệnh có phát ban da khác như:

- Dị ứng: hồng ban đa dạng, không có phỏng nước.

- Viêm da mủ: đỏ, đau, có mủ.

- Thủy đậu: phỏng nước, gặp ở nhiều lứa tuổi, rải rác toàn thân.

- Sốt xuất huyết Dengue: chấm xuất huyết, bầm máu, xuất huyết niêm mạc.

Cũng vì có một số trường bệnh tay chân miệng không điển hình nên tiến sĩ Điển cũng khuyến cáo, nếu con sốt cao liên tục thì dù là sốt gì cũng nên đưa đi khám ngay. Điều quan trọng là khi bị trẻ sốt, cha mẹ không nên chỉ phụ thuộc vào thuốc hạ sốt mà cần phải cho trẻ ở trong môi trường thoáng khí, lấy khăn ấm lau nách, bẹn, trán... để hạ sốt cho bé.

Với những trường hợp được chỉ định điều trị tại nhà (chỉ loét miệng, có thể kèm theo tổn thương da) thì cha mẹ cần chú ý cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ, hạ sốt cách 6 tiếng một lần, vệ sinh răng miệng. Ngoài ra cần cho bé nghỉ ngơi, tránh kích thích, 1-2 ngày lại tái khám trong 5-10 ngày đầu của bệnh.

Bên cạnh đó, khi thấy có dấu hiệu nặng như: sốt cao hơn 39 độ C, thở nhanh, khó thở, rung giật cơ, chới với, run chi, quấy khóc, bứt rứt khó ngủ, co giật hôn mê.. thì cần tái khám ngay.

Với những trẻ nhà xa, không có điều kiện tái khám, có các biểu hiện nặng như mạch nhanh, rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, sốt cao... thì sẽ được chỉ định nhập viện.

Meo.vn (Theo Vne)

Đánh giá mới nhất về các tác dụng phụ của vắc-xin

Vắc-xin có thể gây ra các tác dụng phụ nhất định nhưng rất hiếm khi gây vấn đề nghiêm trọng và cũng không liên quan với tự kỷ hay tiểu đường týp 1, Viện Y học Mỹ tuyên bố trong một khảo sát toàn diện về tính an toàn của vắc-xin kéo dài 17 năm.

http://dantri4.vcmedia.vn/FaA3gEccccccccccccos/Image/2011/08/VC29811_4c0b8.jpg

Ảnh minh họa

Báo báo này được tiết lộ hôm thứ 5 không nhằm mục đích làm các bậc cha mẹ lo lắng. Thay vào đó, chương trình này sẽ thực hiện yêu cầu của Chương trình bồi thường các vấn đề do vắc-xin gây ra.

“Vắc-xin là những công cụ rất quan trọng để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm có thể gặp trong suốt cả cuộc đời, từ khi ấu thơ cho tới lúc trưởng thành. Tuy nhiên, dù là can thiệp chăm sóc sức khỏe nào cũng đều không thể tránh được những ngoại lệ”, TS Ellen Wright Clayton, Đại học Vanderbilt, và là bác sĩ nhi, nhà sinh vật học kiêm trưởng nhóm khảo sát, nói.

Báo cáo nhấn mạnh rằng vắc-xin nói chung là an toàn nhưng cũng có bằng chứng cho thấy các tác dụng phụ sau:

- Sốt gây co giật nhưng hiếm khi gây ra các hậu quả lâu dài, do tiêm vắc xin tam liên sởi - quai bị - rubella.

- Vắc-xin tam liên cũng gây ra viêm não hiếm gặp ở những người có vấn đề miễn dịch.

- Vắc-xin chủng ngừa thủy đậu đôi khi cũng gây ra các chứng như nhiễm vi-rút này, tức là cũng bị thủy đậu hoặc các đau nhức liên quan với zona thần kinh. Đôi khi nó có thể gây viêm gan, viêm phổi hoặc viêm màng não.

- 6 loại vắc-xin (gồm tam liên, bệnh thủy đậu, viêm gan B, viêm màng não, uốn ván) có thể gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ.

- Các loại vắc-xin nói chung đôi khi có thể gây ngất hay 1 loại viêm vai.

Một số yếu tố khác hiện chưa chứng minh được như sốc phản vệ do tiêm vắc-xin HPV, vắc-xin và chứng đau khớp ở phụ nữ và trẻ em tiêm vắc-xin tam liên.

Điều này không có nghĩa là không có các tác dụng phụ khác - đánh giá không tìm đủ được các bằng chứng để quyết định hơn 100 trường hợp có thể là tác dụng phụ khác. Một số vắc-xin còn quá mới để liên quan với một số chứng thực sự hiếm gặp.

“Tôi hy vọng rằng kết quả này sẽ giúp giảm bớt sự lo lắng của một số người”, Clayton nói.

Meo.vn (Theo AP)

Cẩn thận bệnh hô hấp khi thời tiết thay đổi

Gần đây, thời tiết Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thay đổi trong ngày, gần sáng và tối lạnh, trưa nóng, kèm theo những cơn mưa bất chợt, khiến trẻ dễ bị sốt, ho, chảy nước mũi…. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai số trẻ đến khám tăng gấp rưỡi.

Gần một tuần nay, chị Linh (Giáp Bát, Hà Nội) quay như chong chóng vì hết cậu con trai 2 tuổi ho, sốt, sổ mũi lại đến cô chị 4 tuổi cũng sụt sịt, may mà không sốt. Chị cho biết, khởi đầu là ông xã, tự nhiên sáng thức dậy thấy hắt hơi ầm nhà lên.

http://vnexpress.net/Files/Subject/3b/a2/eb/2f/benhhohap11.jpg

Khá đông trẻ em đi khám về bệnh hô hấp ở Bệnh viện Bạch Mai, hôm 12/9. Ảnh: Nam Phương.

“Chồng mình bị viêm mũi dị ứng, người không khác gì cái máy dự báo thời tiết, nên cứ trở trời là y như rằng hắt hơi. Hai hôm sau thì đến lượt cậu con trai cũng ốm. Gia đình lo lắng vì uống thuốc lúc đầu thì đỡ, nhưng đến hôm sau lại sốt. May mà sau 3 ngày cháu không còn sốt, chỉ còn ho khan có đờm”, chị Linh cho biết.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, biên độ nhiệt trong ngày thay đổi cao, trẻ chưa thích ứng kịp nên số trẻ đến khám có tăng hơn bình thường. Đặc biệt trẻ dưới 6 tháng tuổi dễ diễn biến xấu nhanh, khó lường. Trẻ nhập viện trong thời gian này chủ yếu mắc các bệnh đường hô hấp, sốt virus, đa phần nhẹ, chỉ có một số ít trẻ nặng hơn, bị biến chứng viêm phổi.

Theo bác sĩ, nhiều người căn cứ vào dấu hiệu trẻ bị ho, sốt để cho con đi khám. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh đây không phải là những dấu hiệu đặc hiệu. Có trẻ không sốt, ho những vẫn bị viêm phổi nặng. Với lứa tuổi này, nếu thấy bé bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc thấy con thở nhanh, thấy rõ hai cánh mũi phập phồng… thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường thì cũng có thể do trẻ bị bệnh.

Tiến sĩ Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung uơng cũng cho biết, trong những năm đầu đời, cấu trúc giải phẫu, hệ miễn dịch trẻ đang trong quá trình phát triển, chưa hoàn thiện. Vì thế, sức đề kháng của trẻ yếu, dễ mắc bệnh liên quan đến hô hấp. Trẻ có tiền sử sinh non, bệnh mãn tính, dị tật bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh có nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cao hơn.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, cha mẹ không cần quá lo lắng khi con mắc bệnh. Nếu thấy trẻ hắt hơi, sổ mũi nhiều thì cần chú ý làm sạch đường thở. Không nên lạm dụng các dụng cụ hút mũi, xông họng, đặc biệt không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh. Khi trẻ sốt virus, không tự ý truyền dịch khi không có chỉ định của bác sĩ.

Trẻ sốt virus thường khỏi bệnh trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, nếu sốt cao, co giật thì có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Đáng lưu ý là triệu chứng ban đầu của sốt virus cũng khá giống với sốt xuất huyết, viêm não, viêm não Nhật Bản… Do vậy, thấy trẻ sốt cao đột ngột và kéo dài phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Để phòng bệnh, cần chú ý giữ ấm cho trẻ, gần sáng và đêm thì nên mặc quần áo ấm, tăng cường dinh dưỡng. Ngoài ra, cha mẹ nên tắm cho con vào buổi trưa khi trời ấm, vì nếu tắm buổi tối, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh.

Meo.vn (Theo VNE)