Hạn chế dùng kháng sinh, nên dùng nước biển dạng xịt để phòng ngừa bệnh tái phát và loại bỏ những yếu tố gây dị ứng là các biện pháp quan trọng đối với bệnh đường hô hấp, GS-TS Nguyễn Hữu Khôi thuộc trường Đại học Y dược TP HCM, trao đổi trong buổi phỏng vấn trực tuyến với VnExpress.net sáng 12/12.
- Cháu bị viêm xoang khoảng 3 năm nay, cứ khi thời tiết thay đổi là mũi lại bị nghẹt, chảy tiết dịch đặc rất khó chịu, đặc biệt khi ngồi và đi ngủ. Giờ cháu đang có bầu hơn 3 tháng, mũi cháu lại tái diễn, cháu đã đi khám và điều trị rửa, xông thuốc kèm theo uống kháng sinh nhẹ. Tuy nhiên bệnh chỉ đỡ chứ không khỏi. Mong bác sĩ tư vấn? (Trần Lan Hương, 26 tuổi, TP HCM)
- GS-TS Nguyễn Hữu Khôi: Trước tiên, cần lưu ý khi mang bầu trong ba tháng đầu, bạn nên hạn chế sử dụng thuốc uống và thuốc tiêm chích, nếu không thực sự cần thiết, vì lúc này bào thai đang hình thành dễ có những bất thường, dị hình cho trẻ. Riêng trường hợp của bạn, viêm mũi xoang do dị ứng thời tiết, kháng sinh thường không giải quyết được mà ngược lại một số kháng sinh còn có hại cho thai nhi. Tốt nhất là nên dùng các thuốc tại chỗ để nhỏ, bơm, hoặc xịt vào mũi. Sự lựa chọn trước tiên là dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước biển sâu đã xử lý để bơm rửa mũi hoặc xịt vào mũi. Điều quan trọng là phải thực hiện nhiều lần trong ngày.
- Cháu năm nay 17 tuổi, bị nghẹt mũi 4 tháng nay. Đã đi bệnh viện để chữa trị, nhưng bệnh tình không khỏi. Cháu uống thuốc riết giờ thấy là phát sợ (hơn 2 tháng). Triệu chứng của cháu là trời lạnh là nghẹt cứng cả mũi (có khi cả 2 bên). Cháu có nghe nói dùng chai xịt dạng nước sẽ giúp ngăn ngừa vi khuẩn và làm thông mũi. Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu và nên dùng loại xịt nào cho phù hợp. (Tran Thuy Duyen, 17 tuổi, TP HCM)
- Dược sĩ Phan Thị Thanh Thúy: Bệnh tình của bạn đã chuyển sang giai đoạn mãn tính. Vậy điều cần thiết là bạn phải đến các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp.
Các dạng chai xịt mũi bao gồm nhiều nhóm có tác dụng trị liệu khác nhau. Hiện tại trên thị trường cũng có nhiều sản phẩm với thành phần nước muối, nước biển sẽ giúp bạn phòng ngừa và hỗ trợ điều trị tốt. Ví dụ: Xisat, Natri clorid... Tuy nhiên, bạn nên chọn những loại thuốc có thành phần chứa nhiều khoáng chất sẽ làm tăng tác dụng kháng khuẩn và dạng chai xịt sẽ giúp đào thải hoàn toàn gỉ mũi, giúp mũi thông thoáng hơn.
Các bác sĩ đang tư vấn cho độc giả về các bệnh đường hô hấp. Ảnh: Đức Quang
- Bé nhà tôi năm nay 4 tuổi, bị sổ mũi 1 tuần, đi khám tại Viện Tai Mũi Họng và bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm xoan. Tôi rất bất ngờ và lo lắng. Tôi băn khoăn không biết viêm xoang có chữa triệt để được hay không? Hàng ngày tôi vẫn nhỏ nước muối 0,9% cho bé ngày 2 lần. Nhỏ mũi liên tục như vậy có ảnh hưởng gì không? Xin cảm ơn bác sĩ! (Minh Thi, 31 tuổi, TP HCM)
- GS-TS Khôi: Cháu bé 4 tuổi bị sổ mũi một tuần thì chưa phải là viêm xoang, mà nhiều khả năng bị nhiễm siêu vi hô hấp. Bạn không nên bất ngờ và quá lo lắng vì nhiễm siêu vi hô hấp, cảm lạnh... là một bệnh lý đường hô hấp rất thường gặp ở trẻ.
Việc điều trị cũng đơn giản, không cần phải dùng nhiều thuốc, đặc biệt là không cần dùng kháng sinh. Nếu cháu có sốt cao trên 38,5 độ, cho uống thêm thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol gói. Nhỏ nước muối sinh lý 9/1.000 là cách điều trị đúng đắn nhưng phải nhỏ nhiều lần trong ngày (ít nhất cũng phải 4-5 lần trở lên). Đối với trẻ nhỏ thì xịt nước muối vào mũi là thích hợp hơn, hiện nay tại các nhà thuốc đã có loại bình xịt nước muối dùng cho trẻ em. Xịt nước muối sinh lý vào mũi là hoàn toàn không có hại.
- Tôi cứ sáng dậy, trời trở lạnh, ngồi máy lạnh, ngửi mùi khác lạ thì hay bị hắt hơi, sổ nước mũi trong, có khi cả tiếng đồng hồ sau mới hết. Đi khám thì có nơi nói lệch vách ngăn, có nơi nói viêm mũi dị ứng, có nơi nói viêm xoang. Xin bác sĩ cho biết tôi bị gì, chữa trị ra sao? (Hồ Thanh Hải, 28 tuổi, Đà Nẵng)
- GS-TS Khôi: Các triệu chứng mà bạn vừa mô tả, trước tiên phải nghĩ đến viêm mũi có rối loạn vận mạch và dị ứng. Chỉ khi nào thăm khám trong mũi thấy rõ vách ngăn mũi không ở vị trí bình thường, mới gọi là lệch vách ngăn. Lệch vách ngăn làm rối loạn thông khí trong mũi, dễ đưa đến viêm mũi vận mạch và dị ứng. Nhiều người không bị lệch vách ngăn vẫn bị viêm mũi vận mạch và dị ứng là do những chất kích thích của môi trường và sự thay đổi khí hậu đột ngột. Cách điều trị cần kết hợp các thuốc chống dị ứng, cải thiện môi trường khí thở và luyện tập hô hấp để tăng khả năng thích nghi. Bạn chỉ mổ chỉnh vách ngăn khi bị lệch rõ rệt.
- Các cháu bé 1-3 tuổi khi dị ứng với thời tiết thường có biểu hiện ban đầu là hắt hơi, sổ nước mũi trong, sau đó là chuyển nước mũi dịch đặc và ho. Vậy dùng thuốc nào, chăm sóc ra sao để có thể chặn ngay từ lúc biểu hiện ban đầu, tránh bị nặng hơn như mũi dịch đặc, ho, khó thở... (Nguyễn Sơn Trà, 32 tuổi, TP HCM)
- DS Thúy: Điều quan trọng là phải có những biện pháp phòng ngừa cho bé như: mang khẩu trang khi ra đường, giữ ấm cổ họng, vệ sinh răng miệng thường xuyên, tránh tiếp xúc với các yếu tố có thể gây dị ứng như lông vật nuôi, phấn hoa, bụi bẩn...
Ngoài ra nên tạo thói quen vệ sinh mũi hàng ngày cho bé bằng cách nhỏ các dung dịch vệ sinh mũi với thành phần nước muối, nước biển sâu. Hiện tại trên thị trường cũng có rất nhiều loại thuốc dạng này, tuy nhiên bạn cần chọn những sản phẩm có bổ sung thêm các thành phần khoáng chất như: đồng, kẽm sẽ giúp bé phòng ngừa hữu hiệu hơn.
- Tôi có nghe nói, nước biển sâu có thể ngăn ngừa viêm mũi dị ứng và viêm xoang. Xin hỏi, điều này có đúng không? Nước biển sâu có vai trò như thế nào? Hiện tại đã có sản phẩm nào có chứa thành phần này trên thị trường chưa?
- DS Thúy: Nước biển sâu giàu khoáng chất, đặc biệt có chứa các nguyên tố vi lượng như Đồng, Kẽm… có tác dụng săn se niêm mạc, sát khuẩn và kháng viêm tốt nên có vai trò trong việc ngăn ngừa sổ mũi, ngạt mũi và viêm xoang. Hiện tại, trên thị trường vừa mới xuất hiện một sản phẩm có tên là Xisat có thành phần là nước biển sâu, sản phẩm có bán tại các nhà thuốc trên toàn quốc.
- Tôi bị viêm xoang nhiều năm với triệu chứng nhức đầu, nghẹt mũi chảy nước mũi liên tục xuống họng. Tôi mổ xoang ngày 28/5/2008. Tới nay không còn nhức đầu, nhưng những ngày gần đây có triệu chứng viêm mũi dị ứng: nghẹt mũi, sổ mũi trong, chảy mũi nhất là khi ngủ dậy. Tôi rất mệt mỏi và nản. Mong bác sĩ tư vấn giúp có cách nào khỏi hẳn không? (Nangtho, 32 tuổi, Hà Nội)
- GS-TS Khôi: Cần hiểu rằng mổ xoang không phải là biện pháp duy nhất để điều trị khỏi viêm xoang mãn tính mà cần phải kết hợp nhiều cách điều trị như: vừa chống nhiễm trùng vừa chống dị ứng giúp cho niêm mạc mũi phục hồi chức năng của mình và luyện tập để thích nghi với sự thay đổi về thời tiết. Đồng thời phải chú ý cải thiện môi trường khí thở mà chúng ta đang sống, loại bỏ những yếu tố độc hại đến đường hô hấp như các hóa chất kích thích: khói bụi, thuốc lá...
Sau mổ xoang cần được chăm sóc hố mổ định kỳ để phòng ngừa tái phát, trong đó xịt mũi bằng nước mũi sinh lý hoặc nước biển là một biện pháp đơn giản không độc hại, ít tốn kém, giúp cho sạch mũi xoang, loại bỏ một phần những chất độc hại bám trong mũi để mũi phục hồi nhanh hơn.
GS-TS Nguyễn Hữu Khôi: điều trị viêm xoang phải phối hợp nhiều cách. Ảnh: Đức Quang
- Cháu được biết là viêm xoang bắt nguồn từ viêm mũi, vậy thì viêm mũi là do đâu mà có? Giữa Viêm mũi - Viêm họng - Viêm xoang, mối quan hệ là thế nào? Hiện nay cháu cũng bị viêm xoang (chảy nước mũi đục, ngạt mũi, nặng mặt, thỉnh thoảng đau đầu, lại ho nữa, thường hay bị vào mùa lạnh khô) cháu không biết là có chữa khỏi được không hay là chỉ hạn chế bệnh tiến triển. Cháu bị từ hồi lớp 9, năm nay 22 tuổi rồi. (Phuong Thuy, 22 tuổi, Nghe An)
- GS-TS Khôi: Mũi - xoang - họng là một hệ thống, là phần đầu tiên của bộ máy hô hấp, là cổng vào của khí thở để cơ thể sử dụng. Mũi - xoang và họng cũng là nơi thanh lọc không khí ngăn chặn những chất gây bệnh, không cho xâm nhập vào cơ thể, do vậy nó dễ bị nhiễm bệnh nhất. Mỗi ngày cơ thể hít vào 8.000-9.000 lít không khí, vậy thì những chất kích thích và độc hại có trong không khí theo vào mũi phải ngăn chặn lại.
Xoang là các hốc phụ cạnh mũi, giúp mũi hoạt động; họng là phần tiếp nối phía sau của mũi để dẫn không khí xuống khí phế quản vào phổi. Vì vậy, một viêm mũi mạn tính, đến một lúc nào đó sẽ đưa đến viêm xoang và viêm mũi xoang chắc chắn tác hại đến họng và ảnh hưởng xấu đến phế quản và phổi. Viêm mũi xoang mạn tính là bệnh dai dẳng rất khó chữa khỏi hoàn toàn, nhưng có thể chế ngự được nếu biết kết hợp các cách điều trị như: điều trị tại chỗ, dùng thuốc toàn thân, tập luyện thở và cải thiện không khí mà chúng ta đang sống.
- Một năm nay, cứ đến lúc giao mùa, khi cháu hắt xì hơi mũi cháu bị chảy máu và rất khó chịu. Sau đó nhiều lúc máu chảy ra và bị đông lại trong mũi. Cảm giác mũi lúc nào cũng ngứa và đau. Năm trước cháu đã uống 5 thang thuốc nam nhưng không đỡ. Hiện nay hằng ngày cháu đang xịt mũi bằng thuốc xịt mũi Dophazolin. Mong bác sĩ tư vấn cho cháu. Cháu xin cảm ơn! (Trần Thùy Dung, 22 tuổi, Thành phố Hà Tĩnh.)
- Dược sĩ Thúy: Các triệu chứng này chứng tỏ ngoài việc cơ địa mẫn cảm với thời tiết, thành mạch mũi của cháu còn kém bền. Vì vậy bạn cần đưa cháu đến các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa tai mũi họng để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Không nên tự ý dùng các loại thuốc nam khi chưa biết rõ thành phần và công dụng của nó.
Theo khuyến cáo thì tất cả các loại thuốc gây co mạch (Dophazolin, Naphazolin...) không được dùng trong thời gian dài quá 7-10 ngày vì có thể làm mất tính đàn hồi của niêm mạc mũi, polyp mũi...Sau này nếu bệnh tái phát sẽ rất khó chữa trị.
Có một cách phòng ngừa đơn giản nhưng hiệu quả là vệ sinh mũi bằng các dung dịch nước muối, nước biển có bổ sung thêm các nguyên tố vi lượng như đồng và kẽm (Xisat). Bạn có thể tìm mua ở các nhà thuốc trên toàn quốc.
- Lúc trước tôi mắc bệnh viêm xoang, thường là một năm bị 2 lần. Sau này tôi dùng thuốc rửa mắt, mũi Natri clorid 0.9% để vệ sinh hàng ngày và hơn 1 năm qua tôi không bị viêm nữa. Tôi cũng thường nhỏ mũi cho con tôi (2 tuổi) để phòng bệnh. Tuy nhiên, tôi phải nhỏ rất nhiều mới có hiệu quả, có khi 2 cha con nhỏ hết 1 chai 10 ml trong 1 ngày (khoảng 8-10 giọt, 1 lần x3) trong khi hướng dẫn chỉ nhỏ 1-3 giọt và 1-3 lần trong ngày. Dùng nhiều như vậy có hại không ? (Lý Minh Văn, 34 tuổi, Hà Đông)
- GS-TS Khôi: Dùng nước muối sinh lý Natri clorid 0,9% để vệ sinh mũi hàng ngày hoàn toàn không có hại nhưng phải dùng đúng cách thì hiệu quả mới rõ rệt. Trước hết là phải dùng nhiều lần trong ngày, đặc biệt ở trẻ em thì nhỏ mũi ít khi vào sâu cho nên tốt nhất là bơm thuốc vào mũi hoặc dùng thuốc dưới dạng bình xịt. Nước muối chứa trong bình xịt khi sử dụng do có van áp lực cho nên đưa được một lượng nước đủ thấm trong mũi và vào được các ngóc ngách trong mũi, các chất gây bệnh thường ứ đọng ở trong các ngách mũi. Xịt nước muối dưới áp lực vào sâu sẽ tống suất được các chất kích thích gây bệnh bám ở trong mũi giúp cho niêm mạc mũi phục hồi chức năng của mình. Đối với trẻ em trong những đợt viêm mũi cấp tính cần xịt tối thiểu là 5 lần một ngày.
- Em bị bệnh phì đại cuống mũi từ hai năm nay, cứ mỗi lần thời tiết thay đổi là hay nghẹt mũi và rất khó chịu. Xin bác sĩ cho biết bệnh này có chuyển sang viêm xoang không? Tại sao lại bị phì đại cuống mũi? Có cách nào chữa trị khỏi hẳn không? Xin cảm ơn bác sĩ ! (Le Thanh Tanh, 32 tuổi, Nha Trang-Khanh Hoa)
- GS-TS Khôi: Trong mũi, mỗi bên có 3-4 cuốn mũi để tạo nên sự khúc khuỷu làm cho không khí đi từ từ qua mũi, nhờ vậy, mũi có thể sưởi ấm, tăng độ ẩm, làm sạch, giữ lại các yếu tố gây bệnh. Phì đại cuốn mũi là một bệnh, nhưng nghẹt mũi không hoàn toàn là do phì đại cuốn mũi, còn có thể do những đợt viêm mũi xoang cấp tính hoặc mạn tính; còn có thể do những bất thường về cấu trúc trong mũi như lệch vẹo vách ngăn mũi; cũng có khi do một khối u đang lớn dần lên trong mũi mà thường gặp là polype mũi. Bạn cần đến phòng khám chuyên khoa tai mũi họng để soi mũi, nội soi và làm các xét nghiệm cần thiết mới xác định nguyên nhân nghẹt mũi là do phì đại cuốn mũi hay do nguyên nhân khác. Mỗi nguyên nhân có cách chữa trị thích hợp. Đối với phì đại cuốn mũi, cách điều trị từ đơn giản đến phức tạp là dùng thuốc tại chỗ; tiêm vào cuốn mũi; đốt để thu nhỏ lại hoặc cắt bỏ một phần hoặc toàn phần. Những điều này phải do bác sĩ chuyên khoa thực hiện.
- Cháu mới được hơn 1 tháng tuổi, có rất nhiều gỉ mũi. Tôi thường lấy tăm bông nhỏ để lấy những rỉ mũi gần nhưng cũng không hết và vì sợ đau cháu. Khi cháu hắt hơi gỉ mũi nhỏ thường theo ra. Điều tôi lo hơn cả là cháu khi ngủ hay thức, tiếng thở rất to như ngáy và cảm giác rất khó chịu. Xin bác sĩ chỉ giúp cách để cháu đỡ hơn. Tôi chân thành cảm ơn! (Quang Lợi, 25 tuổi, BQLDA Khu đô thị bờ đông sông đáy TP Phủ lý tỉnh Hà Nam)
- Dược sĩ Thúy: Khi gỉ mũi đã đóng cứng, nếu bạn cố dùng tăm bông để lấy ra có thể làm tổn thương niêm mạc mũi của cháu. Vì vậy trước lấy gỉ mũi, bạn nên nhỏ mũi cho cháu bằng các dung dịch nước muối, nước biển để các dung dịch này thấm sâu vào niêm mạc mũi giúp loại bỏ chất bẩn dễ dàng hơn. Chứng nghẹt mũi cũng có thể làm cháu thở khó và phát ra âm thanh lớn. Vì vậy nên phòng ngừa cho cháu bằng cách vệ sinh mũi hàng ngày theo cách trên.
- Bé 2 tuổi thường xuyên bị chảy nước mũi xanh, khi đặc khi loãng. Xin bác sĩ cho biết cháu bị bệnh gì, cách phòng và chữa? Cảm ơn bác sĩ! (Văn Phạm Trung Mạnh, 22 tuổi, Đà Nẵng)
- DS Thúy: Cháu bị chảy nước mũi xanh chứng tỏ đã có hiện tượng viêm mũi xoang do bội nhiễm. Vì vậy bạn nên đưa cháu đến các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, không nên tự ý dùng các loại thuốc kháng sinh, co mạch khi chưa được bác sĩ tư vấn. Về cách phòng bệnh bạn có thể tham khảo ở trên.
- Tôi là giáo viên, do phải dạy rất nhiều nên tôi thường xuyên bị viêm mũi và họng. Xin bác sĩ cho biết có cách nào phòng bệnh cho những người thường xuyên phải nói và hít bụi phấn như tôi không? Xin cám ơn bác sĩ! (Nguyen Thi Lanh, 26 tuổi, Truong cao dang bach nghe-Hai Phong)
- GS-TS Khôi: Trước tiên nếu thực sự do bụi phấn thì bạn nên chuyển sang dùng loại phấn không bụi hoặc loại bảng dùng bút lông. Nếu không có điều kiện thay đổi việc tiếp xúc với bụi phấn thì cần lưu ý, khi viết bảng, nên đứng trên luồng gió để hạn chế việc hít nhiều bụi phấn vào mũi, sau mỗi buổi giảng, nên xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý hoặc nước biển sâu.
- Tôi bị viêm mũi dị ứng khoảng 8 năm nay, mỗi sáng thức dậy đều bị sổ mũi. Khoảng 6 tháng gần đây, ngoài sổ mũi rất khó chịu, tôi còn bị cảm giác ngứa ở xung quanh môi, mũi, họng và tai (khoảng 3 lần một tuần) nhưng sau đó khoảng 1 giờ là hết. Triệu chứng này là sao? Có nghiêm trọng không? Có chữa khỏi được không? (Ngọc Thảo, 34 tuổi, Hà Nội)
- GS-TS Khôi: Viêm mũi dị ứng có nhiều biểu hiện khác nhau tùy theo phản ứng của từng cơ thể đối với chất kích thích, chất gây dị ứng và tùy theo sự tiến triển của bệnh, điều trị đã có trước đó. Các triệu chứng viêm mũi dị ứng thường gặp là: ngứa mũi, họng, tai, mắt, hắt xì hay gọi là nhảy mũi, sổ mũi hay chảy mũi thường là nước trong về sau mới chuyển thành nước nhầy kèm theo nghẹt mũi. Nhưng không phải bệnh nhân nào cũng có đầy đủ các triệu chứng trên mà ở mỗi người có khi chỉ một vài triệu chứng nổi bật.
Trường hợp của bạn: ngứa mũi, môi, họng tai có thể do dị ứng, cũng có thể do chất kích thích có trong môi trường bạn sống và không thực sự nghiêm trọng nhưng lại gây khó chịu làm giảm chất lượng cuộc sống. Điều đầu tiên bạn phải kiểm tra lại môi trường sống có những chất gây kích thích hay không, có dị ứng với những chất gì để mình tránh, đồng thời đến khám tai mũi họng để bác sĩ hướng dẫn về dùng thuốc uống cũng như xịt tại chỗ. Bạn không nên tự dùng thuốc xịt và thuốc uống nếu không hiểu rõ cơ chế tác dụng và tác hại vì có những loại thuốc xịt mũi chỉ cải thiện lúc đầu, về sau thì lại nặng hơn.
- Chồng cháu bị viêm xoang, cháu bị viêm mũi dị ứng, con gái cháu mới 2 tuổi, nhưng cứ hôm nào trở trời là lại chảy nước mũi trong vào ban ngày, đêm thì ngạt mũi. Bé cứ bị khoảng 3-4 ngày thì hết, có khi bị đến chục ngày. Cháu cho uống thuốc cảm Tify thì đỡ nhưng thấy hại gan. Cho cháu xin bác lời khuyên phải uống thuốc gì, có cách gì chữa khỏi được không ạ, Có sợ con cháu bị di truyền bệnh hay lây bố mẹ không ạ? (Nguyễn Khánh Linh, 28 tuổi, Quảng Ninh)
- GS-TS Khôi: Ở một số người có cơ địa dễ bị dị ứng, khoa học gọi là Atopy như là nổi mề đay, viêm mũi dị ứng, chàm ngoài da... và người ta thấy nếu bố mẹ cũng bị thì con cũng dễ bị.
Nhưng cơ địa dị ứng chỉ mắc bệnh khi tiếp xúc nhiều lần với một chất nào đó có thể là thức ăn, bụi trong khí thải, mỹ phẩm bôi ngoài da... vì vậy bệnh viêm mũi dị ứng có thể chữa được bằng cách đơn giản nhất là phát hiện những chất nào khi mình tiếp xúc thì gây bệnh để tránh. Bệnh viêm mũi dị ứng không lây vì cùng một chất mà có người bị, người không.
Khi có một cơn hay đợt viêm mũi dị ứng do tiếp xúc chất kích thích thì có thể dùng một loại thuốc chống dị ứng, hiện nay có rất nhiều loại trên thị trường do vậy cần có sự tư vấn của bác sĩ để dùng thuốc không gây hại cho trẻ em, không gây buồn ngủ cho những người làm nghề nghiệp cần tỉnh táo như: lái xe, công nhân đứng máy...
Paracetamon có trong các loại thuốc cảm như Tify chẳng hạn không phải là thuốc chống dị ứng, không được lạm dụng vì sẽ gây hại cho gan. Cần lưu ý, hiện nay có một số thuốc cảm người ta có cho thêm thuốc chống dị ứng vào cho nên khi sử dụng cần phải biết rõ thành phần của nó.
Cách chữa đơn giản nhất là bơm rửa nước muối hoặc xịt nước muối, nước biển với những bình xịt thích hợp giúp cho viêm mũi ở trẻ em nhanh khỏi hơn nếu chỉ dùng thuốc đơn thuần.
- Tôi bị viêm mũi mỗi tháng 2-3 lần, mỗi lần kéo dài 3-4 ngày. Chỉ sau khi uống thuốc Decolgen thì bệnh mới thuyên giảm và khỏi. Sau khi uống Decolgen khỏi bệnh được 2-3 ngày lại tái phát. Tôi đã đi khám và dùng nhiều loại thuốc nhỏ mũi nhưng không có tác dụng. Tôi phải làm gì và có nên uống nhiều Decolgen như vậy không? (Ngô Quốc Lương, 28 tuổi, Thái Bình)
- DS Thúy: Nếu để tình trạng viêm mũi tái đi tái lại có thể dẫn đến viêm xoang và nhiều hậu quả khác. Vì vậy bạn cần đi khám chuyên khoa tai mũi họng để xác định rõ nguyên nhân gây viêm mũi (do dị ứng, vi khuẩn, vẹo vách ngăn mũi...) thì mới có hướng điều trị hiệu quả.
Sở dĩ bạn uống Decolgen nhưng cứ bị tái phát là do thuốc này chỉ điều trị triệu chứng (cảm, sổ mũi, nghẹt mũi) mà không can thiệp triệt để nguyên nhân gây bệnh. Decolgen có chứa hoạt chất kháng Histamin thế hệ cũ nên sẽ làm cho người bệnh có cảm giác ngầy ngật, buồn ngủ, mệt mỏi... không nên lạm dụng.
- Mỗi khi mùa đông về, cổ họng tôi có cảm giác như bị ngạt mỗi khi nuốt. Tôi có cảm giác như có vật gì cản lại trong họng mặc dù không đau nhưng cảm giác rất khó chịu. Rất mong nhận được tư vấn của bác sĩ. (Trần Thị Hiền, 42 tuổi, Đà Nẵng)
- GS-TS Khôi: Theo bạn miêu tả, có thể bạn bị thể viêm họng chịu ảnh hưởng của dị ứng và thay đổi thời tiết. Cần lưu ý trong họng có rất nhiều mầm bệnh mà lúc cơ thể khỏe mạnh thì nó không gây bệnh được nhưng khi thay đổi thời tiết, khi nhiễm lạnh, khi căng thẳng quá mức, khả năng tự điều chỉnh của cơ thể giảm xuống, chúng sinh sôi nảy nở làm mất sự cân bằng vốn có trong họng và gây nên một số triệu chứng khó chịu như bạn miêu tả. Tốt nhất và đơn giản nhất là bạn nên rèn luyện thể lực, tập luyện để thích nghi với khí hậu, tránh để cơ thể bị nhiễm lạnh. Một biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả, không tốn kém là súc họng thường xuyên bằng nước ấm có pha thêm muối ăn. Lưu ý cách súc, trong dân gian thường gọi là 'khò' chứ không phải súc miệng thông thường. 'Khò' trong khoảng 5 phút với nước ấm pha muối mỗi lần, tối thiểu ngày 3 lần sẽ giúp hạn chế việc viêm họng.
- Tôi thường xuyên bị viêm họng, ra mũi đặc, đau nửa đầu bên trái, trên my mắt trái khoảng 5 năm trở lại đây. Nhưng cách đây hơn 1 năm tôi lại bị đau tai trái. Tôi đã đi chụp phim nhiều lần nhưng không phát hiện bị viêm xoang. Tôi có hỏi bác sĩ về tai trái thì được trả lời là do viêm họng nên dẫn đến đau tai. Cho tôi hỏi tôi bị bệnh gì? (Lê Thị Thu Hằng, 31 tuổi, K97/18 Lý tự trọng - Đà nẵng)
- GS-TS Khôi: Viêm họng hay đúng hơn là viêm amidan thì thường là gây đau ở tai. Amidan là hai khối bạch huyết lympho nằm ở hai bên họng và dưới tai, viêm amidan mãn tính làm cho viêm mũi xoang nếu có sẽ nặng lên và khó chữa do vị trí ở giữa mặt và dưới hộp sọ cho nên viêm mũi xoang thường gây đau nhức mặt, nhức hốc mắt, vùng thái dương và nhức đầu.
Để chấn đoán chính xác viêm xoang, ngoài những triệu chứng gây khó chịu như bạn miêu tả thì cần được nội soi mũi và chụp phim CT (chụp x quang cắt lớp điện toán) mới có thể loại trừ một cách chính xác bạn không bị viêm xoang.
Bạn nên đến những cơ sở chuyên khoa tai mũi họng có điều kiện để chuẩn đoán chính xác và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
- Khi trẻ bắt đầu ho, sổ mũi có nên dùng luôn kháng sinh không ạ, vì sợ để lâu lại vào phế quản? (Đào Thị Dung, 31 tuổi, Số 4, ngõ 142/1 Kim Giang, Hoàng Mai, Hà Nội)
- DS Thúy: Các triệu chứng ho, sổ mũi có thể do rất nhiều bệnh lý mang lại, trong đó có những trường hợp hoàn toàn không có nhiễm khuẩn. Việc dùng kháng sinh trong những trường hợp ho, sổ mũi không do vi khuẩn chẳng những không cải thiện bệnh tình mà còn có thể gây ra tình trạng đề kháng thuốc rất nguy hiểm.
Khi bắt đầu có triệu chứng ho, sổ mũi bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn kịp thời, tránh những biến chứng cho đường hô hấp dưới như phế quản, phổi. Bạn không nên tự ý dùng thuốc, nhất là kháng sinh khi chưa được bác sĩ hướng dẫn.
Ngoài ra, để hỗ trợ điều trị bạn có thể dùng những dung dịch nhỏ mũi có thành phần nước muối, nước biển bổ sung nhiều khoáng chất như đồng, kẽm sẽ giúp tăng hiệu quả của các thuốc đi kèm.
Dược sĩ Phan Thị Thanh Thúy suy tư trước một câu hỏi khó của độc giả. Ảnh: Đức Quang
- Tôi vẫn hay dùng các sản phẩm xịt mũi mỗi khi có triệu chứng ngạt thở và chảy nước mũi. Gần đây, tôi thấy có sản phẩm Xisat giúp ngăn ngừa viêm mũi dị ứng và viêm xoang. Tôi muốn hỏi, sản phẩm này khác gì so với những sản phẩm xịt mũi khác và nên dùng nó trong những trường hợp nào?
- DS Thúy: Tùy từng sản phẩm mà thành phần sẽ khác nhau. Hiện các sản phẩm xịt mũi của Việt Nam trên thị trường thông thường là những sản phẩm có công thức nước biển với thành phần chính là muối NaCl và một số muối thông dụng khác như MgCl2, KCl. Riêng Xisat là dung dịch vệ sinh mũi với thành phần nước biển sâu giàu khoáng chất hơn, đặc biệt có chứa đồng và kẽm, có tác dụng săn se niêm mạc, phục hồi niêm mạc suy yếu, sát khuẩn và kháng viêm tốt. Ngoài ra, Xisat còn chứa tinh dầu bạc hà tạo cảm giác mát dịu và giúp mũi thông thoáng. Xisat được khuyên dùng để vệ sinh mũi hàng ngày, nhằm ngăn ngừa sổ mũi, ngạt mũi và viêm xoang. Ngoài ra, nó còn được dùng kèm với các thuốc khác để phối hợp điều trị khi đã mắc bệnh.
- Tôi thỉnh thoảng có hiện tượng ù tai và buốt ở phía trong tai trái. Hiện nay tôi vẫn chưa dùng thuốc gì để điều trị. Xin bác sĩ cho biết cách điều trị bệnh này. (Nguyễn Thị Thuý, 45 tuổi, Sao Đỏ- Chí Linh Hải Dương)
- GS-TS Khôi: Ù tai và nhức tai là một triệu chứng chủ quan và có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trước tiên phải tìm đó là các bệnh ở tai như: nút ráy tai gây nghẹt ống tai; viêm tai giữa hoặc bệnh ở tai trong. Ù tai và nhức tai cũng có thể do những nguyên nhân ngoài tai mà người xưa từng nói là 'thận khai khiếu' ở tai, có nghĩa là thận đau thì tai 'kêu'. Thận theo đông y là hệ thống nội khoa chứ không phải là quả thận thuần túy. Những bệnh ở bộ phận kế cận ở vùng cổ mặt như viêm xoang, viêm amidan, ung thư vòm họng, ung thư đáy lưỡi, thanh quản... thường cũng gây đau tai. Đặc biệt là viêm mũi xoang và viêm họng mũi, gây bít tắc con đường thông khí từ mũi họng lên tai có thể gây ù tai và nghe kém. Do nhiều nguyên nhân đưa đến ù tai nhức tai, bạn cần đến các bác sĩ chuyên khoa để được soi tai, khám mũi họng, đo sức nghe, xét nghiệm máu... để tìm ra được nguyên nhân và có điều trị thích hợp. Bạn không nên uống thuốc theo sự mách bảo của những người đã từng bị ù và nhức tai.
- Con cháu được 4 tuổi, khi thời tiết chuyển mùa thường xuyên bị ho viêm họng nhưng không sốt. Nhưng lại có cơn rít như hen. Vậy cháu phải làm gì để ngăn được bệnh này? (Lê Thu Thương, 30 tuổi, 305 - C8 - Giảng Võ)
- DS Thúy: Cháu thường bị triệu chứng trên do cơ địa của cháu mẫn cảm với thời tiết. Để phòng ngừa tình trạng này phải mang khẩu trang khi ra đường và giữ ấm cổ họng... Ngoài ra bạn nên vệ sinh mũi hàng ngày cho cháu (tham khảo các câu trên).
Nếu cháu bị cơn rít như hen, bạn nên đưa cháu đi khám để biết chắc cháu có thực sự bị hen hay không. Từ đó có biện pháp điều trị phù hợp và kịp thời, tránh những hậu quả nguy hiểm cho cháu như khó thở thậm chí có thể ngưng thở.
- Chào bác sĩ, con cháu 12 tháng tuổi, cháu nằm máy lạnh từ nhỏ, thời gian gần đây thời tiến hơi se lạnh nhưng con cháu vẫn nằm máy lạnh, vì nếu cháu tắt máy lạnh đi thì con cháu đổ mồ hôi đầu rất nhiều, nhưng theo cháu biết thì nằm máy lạnh không tốt cho phổi và dễ bị viêm họng vào mùa này. Xin bác sĩ tư vấn cho cháu. Và mấy ngày nay con cháu bị ho có đờm. Xin cảm ơn bác sĩ. (Hồ Vân, 29 tuổi, Q,1, TP HCM)
- GS-TS Khôi: Nằm ngủ trong phòng máy lạnh hiện nay là phương tiện nhiều người sử dụng, có mặt tốt là mát mẻ, nhiệt độ thích hợp giúp cho ngủ ngon nhưng phải lưu ý sự thông khí trong máy lạnh không phải lúc nào cũng hoàn hỏa cho nên bộ lọc của máy lạnh cần phải được kiêm tra thường xuyên nếu không trong phòng sẽ bị ứ đọng khí không tốt cho cơ thể, khi đó không khí chúng ta thở không còn là tươi mát và trong lành như ta tưởng.
Một điều cần chú ý chúng ta không thể sống trong môi trường máy lạnh 24h, mà càng lớn lên thì phải ra môi trường sinh hoạt học tập, vui chơi, và đó chính là môi trường sống tự nhiên của con người.
Lời khuyên ở đây: phải cải tiến thế nào mà phòng ốc các cháu ở, chơi, ngủ, học phải có không thoáng khí, thông khí càng tự nhiên càng tốt. Nếu nằm máy lạnh thì lưu ý càng về đêm càng ngủ sâu thì cơ thể trẻ thiếu sự vận động nên dễ bị cảm lạnh nên máy lạnh nên có điều chỉnh theo giờ và tăng nhiệt độ lúc đêm khuya.
Việc con chị bị ho và có đàm cũng không hoàn toàn do máy lạnh, nhưng vì từ nhỏ cháu đã được sống trong môi trường máy lạnh cho nên càng lớn khi ra ngoài thì khả năng thích nghi của cháu không được tốt, vậy nên giảm thiểu máy lạnh từ từ để cháu thích nghi được.
Đối với cơ thể có 2 nguồn cung cấp sinh lực quan trọng là thực phẩm ăn uống và khí thở. Thực phẩm ăn uống đã được quan tâm quảng cáo rất nhiều nhưng khí thở chưa được chú ý đúng mức nhưng lại vô cùng quan trọng vì mỗi ngày chúng ta chỉ ăn 3-4 lần nhưng thở thì một phút khoảng 20 lần. Và theo không khí thở thì những yếu tố gây bệnh sẽ đột nhập vào mũi, họng và mượn mũi họng là địa điểm tập kết tấn công cơ thể. Khi chuyển mùa, thay đổi thời tiết, sự tự điều chỉnh và chống đỡ của cơ thể giảm sút nhất là trẻ em. Đó chính là thời điểm các bệnh đường hô hấp trên tăng lên như viêm mũi, viêm họng với các biểu hiện thường thấy là sốt nhẹ, mệt mỏi, biếng ăn, sổ mũi, hắt xì, nghẹt mũi, ho...
Bệnh đường hô hấp trên là một bệnh thường xuất hiện trong các thời điểm giao mùa. Chúng ta không nên coi thường vì hô hấp tốt khí thở đưa vào cơ thể trong sạch sẽ giúp cho sự hoạt động hiệu quả của các cơ quan nội tạng, mang lại sức khỏe tốt. Bệnh tuy không gây nguy hiểm tức thì, nhưng nếu tái phát nhiều lần sẽ ảnh hưởng đến phổi như gây nên hen suyễn, viêm phế quản mãn tính... Lúc ấy việc điều trị rất tốn kém. Phòng ngừa và điều trị sớm các bệnh đường hô hấp trên cũng là một biện pháp phòng bệnh tích cực giúp cho cơ thể luôn khỏe mạnh.
Biện pháp phòng ngừa đầu tiên là giúp cho cơ thể làm quen với sự thay đổi khí hậu là tập luyện thể lực, tập thở, chú ý không để bị nhiễm lạnh đột ngột, súc họng bằng nước ấm có pha muối thường xuyên, bơm rửa mũi hoặc xịt mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước biển sâu để giúp cho mũi họng tăng khả năng chống nhiễm bệnh của mình.
Rất cám ơn sự quan tâm của bạn đọc và chúc các bạn có một sức khỏe tốt, đặc biệt là có bộ máy hô hấp khỏe mạnh, dành được nhiều thành công trong năm mới 2009 và đón Tết nguyên đán Kỷ Sửu an lành. Xin chào.
VnExpress