Lưu trữ cho từ khóa: viêm mũi họng

Xoa bóp chữa bệnh viêm họng mạn tính

Viêm họng là bệnh rất hay gặp trong mùa đông do thời tiết lạnh và hanh khô kéo dài. Bên cạnh đó, hút thuốc lá, nghiện rượu nặng, hoặc phải sống trong môi trường  nhiều bụi, khí độc,… là những yếu tố thuận lợi làm mắc bệnh. Nếu không được điều trị triệt để sẽ dẫn đến viêm họng mạn tính hoặc gây viêm phế quản, phổi... Người bệnh có cảm giác vướng víu, ngứa rát thường xuyên trong họng; ho và khạc đờm (quánh dính hoặc trắng nhầy) thường xuyên, nhất là sáng sớm, khi ngủ dậy. Do ngứa họng nên người bệnh hay khạc nhổ, ho khan, đặng hắng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và công việc. Gặp điều kiện thuận lợi như những ngày trời rét đậm hoặc sức đề kháng của cơ thể giảm sút, bệnh có thể nặng lên thành một đợt viêm họng cấp (người bệnh có đau họng, sốt, ho khạc đờm đặc...). Theo Đông y, viêm họng  thuộc phạm vi chứng tý, gọi là  hầu tý. Nguyên nhân là do phong hàn, phong nhiệt hoặc khí táo. Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp đơn giản của Đông y giúp giảm bớt những triệu chứng của viêm họng mạn và đề phòng những đợt cấp hoặc biến chứng của viêm họng. Ngoài việc uống thuốc, nên kiên trì thực hiện xoa bóp hằng ngày sẽ có hiệu quả.

Day huyệt phong trì.

Vuốt hai bên họng: Dùng ngón tay cái day ấn huyệt liêm tuyền khoảng 3 phút.

Dùng ngón tay cái và ngón trỏ vuốt hai bên cạnh họng từ trên xuống khoảng 3 phút.

Dùng ngón cái và ngón trỏ tay phải đặt nhẹ hai bên xương sụn họng (chỗ yết hầu) lắc chậm rãi sang phải, sang trái khoảng 30 lần.

Xoa day huyệt phong trì: Dùng hai ngón tay cái ấn vào huyệt phong trì và day khoảng 2 phút.

Xoa huyệt dũng tuyền: Để chân trái lên đầu gối  chân phải, dùng tay phải xoa mạnh lòng bàn chân trái, nhanh và mạnh dần đến khi cảm giác nóng lên thì thôi. Sau đó đổi chân xoa bằng tay trái.

 

Vị trí huyệt:

- Liêm tuyền: Chính giữa bờ trên sụn giáp trạng, trên lằn chỉ ngang chỗ cuống hầu, ở trên khe của xương móng và sụn giáp trạng.

- Phong trì: Ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.

- Dũng tuyền: Dưới lòng bàn chân, huyệt ở điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn đầu ngón chân thứ hai và giữa bờ sau gót chân, lỗ hõm dưới bàn chân.

Để phòng bệnh, cần thực hiện những điều sau:

 

- Súc miệng hằng ngày bằng nước muối loãng và ngậm chanh muối, gừng muối, quất hấp đường phèn hoặc mật ong.

- Phòng ở và nơi làm việc phải đủ ấm, tránh làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất. Cần giữ ấm đặc biệt là cổ và ngực, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài trời.

- Kiêng hút thuốc lá và hạn chế rượu. Ăn đủ chất dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng, tránh các thức ăn cay, mặn.

- Tránh bị cảm cúm và viêm mũi họng cấp. Khi bị viêm họng cấp hoặc đợt cấp của viêm họng mạn, cần dùng thuốc của y học hiện đại theo chỉ định của bác sĩ.

Lương y Đình Thuấn

Chữa viêm họng hiệu quả bằng xoa bóp

Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp đơn giản của Đông y giúp giảm bớt những triệu chứng của viêm họng mạn tính và đề phòng những đợt cấp hoặc biến chứng của viêm họng. Viêm họng là bệnh rất hay gặp trong mùa đông do thời tiết lạnh và hanh khô kéo dài. Bên cạnh đó, hút thuốc lá, nghiện rượu nặng, hoặc phải sống trong môi trường nhiều bụi, khí độc,… là những yếu tố thuận lợi làm mắc bệnh. Nếu không được điều trị triệt để sẽ dẫn đến viêm họng mạn tính hoặc gây viêm phế quản, phổi…

Người bệnh có cảm giác vướng víu, ngứa rát thường xuyên trong họng; ho và khạc đờm (quánh dính hoặc trắng nhầy) thường xuyên, nhất là sáng sớm, khi ngủ dậy. Do ngứa họng nên người bệnh hay khạc nhổ, ho khan, đặng hắng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và công việc. Gặp điều kiện thuận lợi như những ngày trời rét đậm hoặc sức đề kháng của cơ thể giảm sút, bệnh có thể nặng lên thành một đợt viêm họng cấp (người bệnh có đau họng, sốt, ho khạc đờm đặc…).

Theo đông y, viêm họng thuộc phạm vi chứng tý, gọi là hầu tý. Nguyên nhân là do phong hàn, phong nhiệt hoặc khí táo. Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp đơn giản của Đông y giúp giảm bớt những triệu chứng của viêm họng mạn tính và đề phòng những đợt cấp hoặc biến chứng của viêm họng. Ngoài việc uống thuốc, nên kiên trì thực hiện xoa bóp hằng ngày sẽ có hiệu quả.

Vuốt hai bên họng: Dùng ngón tay cái day ấn huyệt liêm tuyền khoảng 3 phút.

Dùng ngón tay cái và ngón trỏ vuốt hai bên cạnh họng từ trên xuống khoảng 3 phút.

Dùng ngón tay cái và ngón trỏ tay phải đặt nhẹ hai bên xương sụn họng (chỗ yết hầu) lắc chậm rãi sang phải, sang trái khoảng 30 lần.

Xoa day huyệt phong trì: Dùng hai ngón tay cái ấn vào huyệt phong trì và day khoảng 2 phút.

Xoa huyệt dũng tuyền: Để chân trái lên đầu gối chân phải, dùng tay phải xoa mạnh lòng bàn chân trái, nhanh và mạnh dần đến khi cảm giác nóng lên thì thôi. Sau đó đổi chân xoa bằng tay trái.

Để phòng bệnh, cần thực hiện những điều sau:

- Súc miệng hằng ngày bằng nước muối loãng và ngậm chanh muối, gừng muối, quất hấp đường phèn hoặc mật ong.

- Phòng ở và nơi làm việc phải đủ ấm, tránh làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất. Cần giữ ấm đặc biệt là cổ và ngực, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài trời.

- Kiêng hút thuốc lá và hạn chế rượu. Ăn đủ chất dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng, tránh các thức ăn cay, mặn.

- Tránh bị cảm cúm và viêm mũi họng cấp. Khi bị viêm họng cấp hoặc đợt cấp của viêm họng mạn tính, cần dùng thuốc của y học hiện đại theo chỉ định của bác sĩ.

Vị trí huyệt:

- Liêm tuyền: Chính giữa bờ trên sụn giáp trạng, trên lằn chỉ ngang chỗ cuống hầy, ở trên khe của xương móng và sụn giáp trạng.

- Phong trì: Ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.

Dưới lòng bàn chân, huyệt ở điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn đầu ngón chân thứ hai và giữa bờ sau gót chân, lỗ hõm dưới bàn chân.

Cách dùng thuốc điều trị viêm mũi

Người bệnh viêm mũi họng thường có các triệu chứng: đau rát họng (nuốt đau, vướng như mắc cái gì đó ở họng), chảy nước mũi, ngạt tắc mũi (một bên hoặc cả hai bên), đau đầu, ù tai... sau đó xuất hiện ho, sốt (người bệnh có thể sốt trên 38-40oC).

Đối với viêm mũi họng do virut thì điều trị triệu chứng là chính như: hạ sốt, giảm đau bằng paracetamol, có thể ngậm men kháng viêm (như alpha chymotrypsin) tại chỗ. Cần tăng cường ăn hoa quả, uống nhiều nước, không nên ăn những thức ăn khó tiêu. Nếu không bị bội nhiễm bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 - 10 ngày.

Trường hợp viêm mũi họng do vi khuẩn có thể dùng các thuốc sau:

- Kháng sinh: amoxicilin, cloxacilin, các cephalosporin (cephalexin), erythromycin...

- Sulphamid: co-trimoxazol (bactrim) uống hoặc ngậm cũng có tác dụng tốt.

- Khí dung mũi họng bằng các dung dịch chứa: tinh dầu bạc hà, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm...

Kinh nghiệm dân gian ngậm lá xạ can tươi hoặc chè mạn ủ nóng 15 phút rồi ngậm họng cũng có tác dụng tốt.

Khi thấy xuất hiện các triệu chứng của viêm mũi họng người bệnh cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị thích hợp. Nếu không được điều trị đúng, kịp thời viêm mũi họng có thể gây ra nhiều biến chứng: viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp. Nguy hiểm hơn viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A làm tổn thương viêm khớp, viêm cầu thận, thấp tim... Đối với loại viêm mũi họng do vi khuẩn nếu lựa chọn đúng kháng sinh bệnh sẽ thuyên giảm trong vòng 2-3 ngày. Nếu quá thời gian này bệnh không khỏi phải khám và đánh giá lại tình trạng bệnh, tránh tình trạng để bệnh kéo dài gây biến chứng.

Phòng bệnh viêm mũi họng bằng cách:

- Vệ sinh mũi họng: Đánh răng trước khi đi ngủ, súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý 0,9%, hoặc các dung dịch kiềm nhẹ, rửa mũi bằng nước muối sinh lý.

- Điều trị triệt để các viêm mũi, viêm họng, viêm amidan.

- Phòng tránh loại bỏ các yếu tố nguy cơ, độc hại dễ lây nhiễm như: bụi than, bụi bẩn, gió lùa khí lạnh...

BS. Lê Xuân Bách (Theo SKDS)

Khi trẻ sốt siêu vi – hỏi đáp

Tôi có một cháu gái 30 tháng tuổi. Gần đây cháu hay bị sốt cao dẫn đến co giật, tôi có đưa cháu đến nằm viện khoảng 1 tuần, bác sĩ bảo cháu bị sốt siêu vi. Khi cháu ra viện, về nhà khoảng 10 ngày sau lại sốt lại và co giật, trợn mắt, tôi cũng đưa bé nhập viện điều trị 1 tuần, cũng chẩn đoán cháu bị sốt siêu vi.

Tôi rất lo sợ tình trạng của cháu, bởi cháu cứ sốt vào lúc nửa đêm. Xin hỏi bệnh của cháu nên điều trị bằng cách nào? Bệnh viện nào chẩn đoán tốt, điều trị ra sao? Có ảnh hưởng gì cho thần kinh sau này không?

ĐẶNG MINH NAM

- Trả lời của phòng mạch online:

Trẻ dưới 5 tuổi rất dễ nhiễm siêu vi và sốt cao đột ngột >38 độ C. Khi trẻ sốt trên 38 độ C thường xuất hiện những cơn co giật. Đây là hội chứng hay gặp ở trẻ nhỏ, nhất là khi có sự thay đổi thời tiết, khí hậu. Nếu không khống chế cơn co giật sẽ khiến não thiếu ôxy, suy giảm trí tuệ và có thể mắc bệnh động kinh, dễ để lại di chứng não. Việc anh cho cháu đi bệnh viện là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên có một số việc nên làm ngay tại nhà:

- Theo dõi cháu: sờ trán, chân tay, nếu thấy sốt thì cặp nhiệt độ ngay. Khi thấy nhiệt độ 38 độ C thì bắt đầu dùng nước ấm lau cho cháu. Nước ấm làm giãn mạch ngoại vi nên nhiệt độ trung tâm sẽ giảm, tránh được cơn co giật. Đồng thời trong nhà nên có viên thuốc paracetamol dạng đặt hậu môn. Anh đặt hậu môn cho cháu, nhiệt độ hạ sẽ không bị lên cơn co giật nữa.

- Về nguyên tắc, nhiễm siêu vi làm gì có kháng sinh đặc trị nên nằm viện cũng chỉ hạ nhiệt, theo dõi là chủ yếu để tránh lên cơn co giật mà thôi.

- Sốt siêu vi có thể lành tính bởi thường sau 7 ngày bệnh sẽ lui. Tuy nhiên, nếu cứ để trẻ lên cơn co giật mỗi lần sốt thì lại ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Mong anh chuẩn bị sẵn thuốc hạ nhiệt và theo dõi bé cẩn thận. Gà trống nuôi con quả là khó khăn, nhất là không có phản xạ thức dậy sờ đầu con hay cho bé đi tè đêm.

Anh nên cho bé uống mỗi ngày chừng 3 thìa mật ong. Nếu bé chịu thì để bé tự uống, không cần pha loãng. Mật ong có tác dụng sát khuẩn rất tốt, đặc biệt với đường hô hấp trên. Khi thời tiết thay đổi, anh nhớ giữ ấm cổ cho bé. Nếu bé dễ bị viêm mũi họng càng cần giữ ấm vùng họng. Nếu bố con anh nằm phòng máy lạnh phải để nhiệt độ 28 độ C. Nếu sử dụng quạt thì đừng để gió quạt thẳng vào người bé. Nên để gió quạt theo kiểu đối lưu không khí chứ đừng trực tiếp.

'Trẻ con không phải là người lớn thu nhỏ lại', chúng rất non nớt và đề kháng kém. Ở đâu chữa sốt siêu vi cũng giống nhau. Anh đừng nghĩ có nơi nào chữa dứt bệnh vì đi nhà trẻ cháu bị lây từ bạn bè chung lớp. Bụi đường cũng là tác nhân mang siêu vi đến cho trẻ, thức ăn cũng là tác nhân quan trọng. Tốt nhất anh luôn chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt và đọc sách nuôi dạy trẻ để chăm sóc con gái tốt hơn.

BS LÊ THÚY TƯƠI

vnchannel.net

Vì sao bé hay gãi tai?

Trong thực tế, nhiều trẻ thường có “tật” gãi tai. Có trẻ gãi tai mà không quấy khóc nhưng ngược lại, có trẻ vừa gãi tai kèm quấy khóc, trong khi mũi hoặc họng lại bị viêm… cha mẹ và những người giữ trẻ nên lưu ý, đừng nghĩ đơn giản chỉ là “ngứa rồi gãi mà thôi!”.

Nếu bé gãi tai kèm quấy khóc, nên đưa bé đi khám.

Bé hay gãi tai thường có một số nguyên nhân sau:

Nếu chỉ hay gãi tai mà không quấy khóc thì hầu hết là do trong tai có ráy tai, nhất là ráy tai nằm sâu trong tai ba mẹ nhìn không thấy. Đối với những bé này, ba mẹ nên đưa bé đến bác sĩ tai mũi họng để lấy ráy tai, không nên cố lấy ở nhà vì dễ làm chấn thương tai bé. Một số ít là do bé có cơ địa dị ứng, những bé này khi khám tai không phát hiện gì nhưng vì bị dị ứng gì đó có thể bụi nhà, có thể do xà bông tắm gội hay giặt đồ… Bé có thể bị dị ứng thấy ngứa tai. Thường thì những bé này hay bị hắt hơi sổ mũi. Đối với trường hợp này, không nên cho bé nằm phòng máy lạnh, thử thay xà bông tắm gội cũng như xà bông giặt đồ, để ý thức ăn nào ăn xong ngày đó bé hay gãi tai thì nên tránh…

Nếu hay đưa tay lên gãi tai kèm quấy khóc, trong khi mũi hoặc họng bé bị viêm thì coi chừng, vi trùng gây viêm mũi họng đã lên tai gây viêm tai giữa. Những bé này thường hay kèm sốt cao. Nên đưa đi khám bác sĩ tai mũi họng. Ngoài soi tai, bác sĩ sẽ cho bé đi đo nhĩ lượng đồ. Tùy theo kết quả nhĩ lượng đồ, bác sĩ sẽ biết bé mới bị tắc vòi nhĩ hay đã viêm tai giữa, nếu viêm tai giữa thì viêm ở mức độ nào, tai giữa có nhiều hay ít dịch… từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị chính xác.

BS.CKII. NGUYỄN THỊ BÍCH THỦY

Viêm dây thanh quản dễ dẫn tới ung thư

Thời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho rất nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt là viêm dây thanh quản. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn tới ung thư phải cắt toàn bộ thanh quản.

Ung thư thanh quản là bệnh thường gặp và đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta. Hiện bệnh chiếm khoảng 2% tổng số các loại ung thư. Bệnh hay gặp ở nam giới, chiếm trên 90%, trong đó ở độ tuổi từ: 50-70 chiếm 72%. Vì vậy, nam giới từ 40 tuổi trở lên nếu khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, cần khám xem có phải ung thư thanh quản không...

Ô nhiễm môi trường gây bệnh

Môi trường ô nhiễm quá lớn khiến trung bình một người dân thành phố hít khoảng 10.000 vi sinh vật mỗi ngày. Khi cơ thể yếu, là lúc các vi khuẩn tấn công làm ta bị viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm nhiễm các đường hô hấp trên và dưới với các biểu hiện khản tiếng, có khi mất hẳn tiếng. Những người thường xuyên hút thuốc hoặc uống rượu nhiều, sau đó bị cảm, dẫn đến viêm thanh quản. Nếu có bội nhiễm nặng, thanh quản càng phù nề, gây khó nuốt, nuốt đau, khó thở... Soi thì thấy dây thanh quản sưng to, phù nề hoặc có u.

Khi bị viêm mũi, viêm xoang, khản tiếng, khó nuốt... tốt nhất nên đi khám chuyên khoa để phát hiện và điều trị kịp thời

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên viện trưởng Viện Tai Mũi Họng TW cảnh báo, 100% bệnh nhân bị bệnh ở thanh quản đều có tiền sử viêm xoang. Hơn nữa, thanh quản là nơi dễ bị bệnh như khi ta nói nhiều (nhất là những người hay phải sử dụng giọng như ca sĩ, giáo viên, người bán hàng) khiến các sợi dây li ti của cơ đứt tạo thành các hạt sùi dây thanh; hoặc các chất dịch tiết, do viêm mũi viêm xoang... chảy xuống họng bám vào dâu thanh gây viêm, sùi...

Bình thường nếu được điều trị kịp thời làm xuất hiện khí rung hoặc bấm các cục sùi... bệnh nhân khỏi bệnh sau 3-10 ngày. Nhưng nếu không được điều trị đúng, viêm nhiễm ngày càng phát triển, bệnh tái đi tái lại và biến thành u. Biểu hiện của bệnh là khàn tiếng ngày càng tăng và dẫn đến phát âm khó khăn, khàn đặc, mất tiếng, khó thở tăng dần, kèm theo có ho kích thích, ho ra đờm có mùi hôi. Đến giai đoạn muộn xuất hiện ho khạc đờm nhày lẫn máu, đau vùng cổ, nuốt khó và sặc thức ăn, xuất tiết vào đường thở thì gây nên những cơn ho sặc sụa. Ở giai đoạn này, toàn thân bị suy yếu.

Phát hiện sớm có thể chữa khỏi

Biểu hiện ở giai đoạn đầu thì u thường khu trú ở một bên dây thanh dưới hình thức một nụ sùi nhỏ hoặc thâm nhiễm nhẹ. Điều trị thường phải phẫu thuật cắt bỏ thanh quản toàn phần hoặc một phần khiến cho bệnh nhân trở thành câm. Nếu ung thư thanh quản không được điều trị, bệnh nhân thường chỉ sống kéo dài được một năm hoặc 18 tháng, tử vong do ngạt thở cấp tính, biến chứng viêm phế quản phổi, suy kiệt hay chảy máu ồ ạt. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể chữa khỏi 80%.

TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh khuyên, khi bị viêm mũi, viêm xoang, khản tiếng, khó nuốt... tốt nhất nên đi khám chuyên khoa để phát hiện và điều trị kịp thời. Để phòng bệnh tốt nhất không nên hút thuốc, uống nhiều rượu, tránh các yếu tố kích thích: Sự thay đổi của khí hậu, tiếp xúc với hóa chất, với các chất khí, bụi bẩn... Đặc biệt, cần vệ sinh răng miệng cẩn thận và tránh viêm thanh quản mạn tính (tiền đề của một ung thư hóa), nhiễm khuẩn vùng răng miệng, viêm mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin...

Theo TTOL

Ưu điểm và nhược điểm

Khi một thuốc mới ra đời, khuynh hướng chung là đánh giá cao ưu điểm, chưa biết hay bỏ qua nhược điểm của thuốc đó. Thuốc đái tháo đường týp 2 thế hệ mới xuất hiện trong vòng 5 năm nay cũng tạo nên khuynh hướng như vậy. Vì vậy, việc đánh giá đúng mức hiệu lực, thận trọng với các tác dụng phụ của chúng là rất cần thiết.                                                    

Sau khi ăn, đường huyết tăng, niêm mạc tiêu hóa tiết ra incretin còn gọi GLP-1 (Glucagon-like peptide-1) làm tăng tiết insulin, giảm đường huyết. Như vậy GLP-1 có chức năng điều hòa, giảm đường huyết sau khi ăn. Trong khi đó, enzym DPP - 4 lại  ức chế GLP-1, làm mất hoạt tính kích thích tiết insulin, làm cho đường huyết  tăng.

Thuốc đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 thế hệ mới  có  tác dụng hoặc tương tự như GLP-1 hoặc ức chế enzym DPP-4 làm vững bền GLP-1 (làm giảm đường huyết sau  ăn).

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Cơ chế tác động của GLP-1.

Một số thuốc chữa đái tháo đường týp 2 thế hệ mới

Nhóm có tác dụng  tương tự GLP-1

Có 3 chất (exenatid, liraglutid, pramilintid) có tác dụng kích thích tiết insulin làm hạ đường huyết sau ăn, sau đó bị hủy, nên không gây tác dụng phụ hạ đường huyết quá mức.

- Exenatid  (byetta): Là phiên bản tổng hợp giống với hormon exenatid - 4 có trong nước bọt con thằn lằn độc Gila Monster (tên khoa học Holoderma suspectum). Ngoài tác dụng hạ đường huyết, axenatid  còn có tác dụng giảm thèm ăn (thông qua hypothalamus), giảm mỡ gan. Hiệu lực xuất hiện ngay sau khi dùng vài phút, chỉ sau vài giờ là có thể đạt đến lượng insulin cần thiết để làm giảm đường huyết.

Thuốc thường dùng kết hợp với metformin hoặc sufonylure hoặc kết hợp với cả hai  khi bệnh chuyển sang giai đoạn cần dùng hai thuốc.

- Liraglutid (victoza): Có tác dụng cải thiện đường huyết cao hơn exenatid, bền vững hơn, ít gây tai biến hơn exenatid (chỉ gây buồn nôn và tiêu chảy nhẹ, hiếm khi gây hạ đường huyết quá mức).

- Pramilintid (symlin): Amylin là hormon do tế bào beta tuyến tụy tiết ra cùng với insulin, sau khi ăn. Pramilintid là chất tổng hợp tương tự amylin (giữ lại phần hoạt tính, giảm bớt phần độc hại). Nó hợp lực với amylin, hạn chế tiết glucagon, thúc đẩy tái hấp thu glucose, làm chậm việc đổ thức ăn từ dạ dày vào ruột, tăng trạng thái no, do đó làm giảm đường huyết.

Nhóm  ức chế  enzym DPP-4 (làm vững bền GLP-1)

Có hai chất (sitagliptin, vildagliptin), chúng ức chế enzym DPP-4, làm vững bền GLP-1 (chất kích thích tiết insulin) làm hạ đường huyết sau khi ăn. Vì là thuốc làm vững bền GLP-1 nên chỉ dùng  khi niêm mạc ruột còn có khả năng tiết ra GLP-1 (khác với điều kiện dùng nhóm có tác dụng tương tự GLP-1 nói trên). Chúng chỉ tăng tiết insulin hạ đường huyết sau khi ăn, rồi sau đó ngưng hoạt động, do đó khi dùng một mình hay khi dùng với các thuốc hạ đường huyết yếu như metformin, thiazodinedion không gây nguy cơ hạ đường huyết quá mức, nhưng khi dùng với các thuốc hạ đường huyết mạnh như sulfonylure thì điều này có thể xảy ra, cần thận trọng. Chúng đều dùng dạng uống, khá tiện lợi so với  các thuốc trong nhóm có tác dụng giống GLP-1.

Và tác dụng phụ của chúng

Satiglpitin gây nhức đầu (5%), viêm mũi họng (5%); do ảnh hưởng lên hệ miễn dịch nên gây nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (6%). Thuốc làm tăng nồng độ của digitoxin khi dùng chung, tuy không cần thay đổi  liều dùng song cần theo dõi cẩn thận. Exenatid thường gây tăng acid dạ dày, khó tiêu, tiêu chảy, ợ nóng, buồn nôn, nôn (30-45%). Không dùng cho người có các bệnh nặng đường tiêu hóa. Trong quá trình dùng thuốc có thể gây phù, chán ăn, trào ngược dạ dày-thực quản, yếu cơ, chóng mặt, đau đầu, cảm giác hốt hoảng, sợ hãi nhưng ít gặp hơn. Một số người dùng exenatid bị viêm tụy, có trường hợp hoại tử tụy, gây tử vong (chưa rõ cơ chế).  Khi dùng chung sẽ làm giảm nồng độ của thuốc chữa rối loạn lipid (lovastatin), thuốc hạ nhiệt (paracetamol), thuốc tim mạch (digitoxin), tuy chưa thấy  làm thay đổi hiệu quả các thuốc này. Pramilintid có thể gây đau đầu, chóng mặt, ho, đau bụng, buồn nôn, nôn, làm giảm trọng lượng cơ thể.

Độ thanh thải của sitagliptin, exenatid bị giảm ở người suy chức năng thận. Vì thế khi dùng cần giảm liều.

Như vậy, thuốc chữa ĐTĐ týp 2 thế hệ mới làm giảm đường huyết sau khi ăn mà không gây hạ đường huyết quá mức. Đây là ưu điểm quan trọng, đặc biệt với người cao tuổi, bị ĐTĐ lâu năm. Chúng cũng có một số tác phụ đã biết nhưng chưa rõ cơ chế (sitagliptin, exenatid) hoặc chưa biết đầy đủ (vildagliptin). Vì thế trong quá trình dùng cần cập nhật  thông tin, theo dõi, phát hiện các tác dụng không mong muốn của thuốc. Việc ra đời nhóm thuốc này giúp cho người ĐTĐ thêm cơ hội lựa chọn, nhưng cần biết, giống như thuốc ĐTĐ týp 2 cũ, chúng cũng  không chữa khỏi bệnh mà chỉ hỗ trợ người bệnh ổn định đường huyết. Một số thuốc loại này còn có cách dùng phức tạp hơn như tiêm dưới da, tuy chúng có dùng ở nước ta song chưa phổ biến bằng các thuốc ĐTĐ týp 2 cũ.

DS. Bùi Văn Uy

(suckhoe&doisong)

Mùa xuân người cao tuổi cần đề phòng viêm phổi

Vào giữa và cuối mùa xuân, nhiều khi trời đang nắng ấm bỗng gió mùa đông bắc tràn về, gây mưa rét. Do sức khỏe yếu, khả năng thích nghi kém nên người già rất dễ viêm đường hô hấp, dẫn đến viêm phổi. Điều nguy hiểm ở đây không phải là nhiệt độ quá thấp, mà là sự thay đổi đột ngột của thời tiết.

Trong các bệnh thường gặp ở người cao tuổi trong mùa xuân, cần đặc biệt lưu ý đề phòng các bệnh phổi. Biến đổi của phổi theo tuổi tác rất rõ. Tuổi càng cao, cơ quan này càng có sự lão hóa rõ rệt. Vách phế nang, mao mạch thường bị teo, mô tạo keo dần dần thay thế cho những mao mạch đã bị thưa đi, khiến cho không khí qua lại không được dễ dàng như lúc tuổi còn trẻ. Mặc khác, các triệu chứng bệnh ở người cao tuổi lúc đầu thường nghèo nàn, rất dễ bị bỏ qua, đến khi bệnh rõ thì đã muộn, khó chữa.

Bệnh phổi ở người cao tuổi dễ diễn tiến nặng hơn so với người trẻ. Có khi chứng viêm mũi họng nhẹ cũng nặng lên thành viêm phế quản; mà viêm phế quản người cao tuổi hay kéo dài, dễ tái phát và tiến triển thành mạn tính. Một số người cao tuổi vốn đang khoẻ mạnh nhưng qua một đợt nhiễm lạnh đã bị viêm phổi; bệnh phát triển rất nhanh, gây suy hô hấp với các biểu hiện khó thở, thở nhanh và nông, mạch nhanh...

Để phòng ngừa, người cao tuổi nên tập thở bụng: nhúc nhích hai vai, thở nhẹ nhàng không phì phào, chậm rãi. Thót bụng thở ra hết sức, khi bụng thót hết thì ngừng thở, cho bụng phình lên một cách tự nhiên nhẹ nhàng để thở vào; khi bụng phình lên hết, ngừng một lát rồi lại thở ra. Làm 4-5 phút như vậy rồi nghỉ. Ngày tập 5-7 lần hoặc nhiều hơn càng tốt. Khi ngồi, nằm hay đứng đều tập thở được. Khi đã tập thở quen rồi thì có thể tranh thủ tập thở ở mọi nơi, mọi lúc như khi ngồi chờ tàu xe, ngồi nghe nói chuyện, xem tivi...

Ngoài ra, người cao tuổi không nên làm việc gì quá sức; tránh để cơ thể nhiễm lạnh, không bất chợt ra nơi lộng gió, nhất là khi người đang ra nhiều mồ hôi. Cẩn thận khi phải ra vào những nơi có máy điều hòa nhiệt độ để không bị nóng lạnh đột ngột. Những hôm lạnh ẩm, gió nhiều, nên hạn chế tối đa việc đi ra ngoài. Cần sống trong bầu không khí trong lành ít khói, bụi... Nếu bị viêm đường hô hấp trên, phải đi bệnh viện khám và dùng kháng sinh đủ liều lượng để điều trị cho khỏi hẳn bệnh.

BS Vũ Hướng Văn, Sức Khoẻ & Đời Sống

Bệnh viêm tai không chảy mủ ở trẻ em

Các số báo trước chúng ta đã đề cập đến các loại chảy mủ tai, nguy hiểm và không nguy hiểm của viêm tai giữa cấp, mãn tính, và loại mủ thối trong viêm tai xương chũm. Đó là các loại bệnh lý mà các bà mẹ và gia đình em bé dễ phát hiện, dễ nhận biết.

Có mủ chảy ra ống tai ngoài. Có một loại viêm tai giữa, không chảy mủ màng nhĩ đóng kín, và lại ảnh hưởng nhiều đến sức nghe, bệnh lại khó phát hiện vì không có dấu hiệu chảy mủ tai, chỉ thấy trẻ ít chú ý, nghe kém dần. Đó là bệnh viêm tai màng nhĩ đóng kín.

Viêm tai không chảy mủ có thể để lại di chứng nghe kém nhiều (điếc), cũng có thể tạo nên loại mủ thối  

Nguyên nhân: Loại này do tắc vòi nhĩ đơn thuần và không kèm nhiễm trùng bởi V.A, viêm mũi họng cấp diễn tái phát nhiều lần ở trẻ em… Sự bít tắc của vòi nhĩ làm cho không có không khí lên tai giữa (hòm nhĩ), không khí trong hòm nhĩ bị tiêu dần giảm áp lực, màng nhĩ lõm xẹp lại, xơ dày, mất đi các mốc giải phẫu bình thường.

Lâu dần niêm mạc lót trong hòm nhĩ bị thoái hoá tiết dịch (ít - không nhiễm trùng), làm giảm sự di động của chuối xương con và sức giảm sức nghe. Quá trình thoái hoá màng nhĩ có thể xuất hiện và hình thành vôi, xơ hoặc mảnh trắng như của loại mủ thối (cholesteatoma). Khả năng nghe kém dần. Hiện nay viêm tai thanh dịch chứa một tỷ lệ khá cao ở tất cả các nước và nó có xu hướng tăng lên, còn viêm tai giữa cấp chảy mủ thì lại có xu hướng giảm đi. Và chính nó là một nguyên nhân gây nghe kém tiếng tàng ở trẻ em, rất khó phát hiện.

Biểu hiện của viêm tai không chảy mủ

Bệnh gặp ở trẻ em bị viêm V.A, có cơ địa dị ứng, thể tạng tân (hay nổi hạch - sốt vặt, quá phát Amidan, V.A sớm), trẻ còi xương suy dinh dưỡng , hay bị sốt vặt, chảy mũi viêm mũi họng.

Trong tiền sử bệnh thường bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, chảy mũi, ho thúng thắng khi thay đổi thời tiết, chuyển mùa. Khi độ ẩm cao, mưa dầm…

Sau mỗi đợt viêm họng, chảy mũi trẻ lại kêu khó chịu ở tai (trẻ em lớn) - nghe kém đi, đôi khi đau tai thật sự. Dù không điều trị bệnh cũng giảm đi từ từ. Không thấy chảy mủ tai. Cứ nhiều lần như vậy trẻ nghe kém dần, có thể nghe kém nhiều, giảm đi sự nhanh nhạy - nhiều khi cô giáo lại phát hiện được điều này chứ không phải cha mẹ.

Cần nhỏ các thuốc co mạch sát trùng khi trẻ bị viêm - sốt - chảy mũi hoặc những khi thay đổi thời tiết

Thăm khám dưới nội soi phóng đại mới có thể phát hiện được (phải nhờ cậy bác sĩ Tai Mũi Họng). Màng nhĩ bị mất các mốc giải phẫu (như xung huyết đỏ, dầy đục, kém bóng sáng…) và màng nhĩ có thể lõm vào trong, hoặc có ngấn mức dung dịch trong hòm nhĩ.

Thăm khám mũi họng sẽ thấy có biểu hiện của viêm V.A mãn tính. Hoặc hay bị viêm mũi -họng, hoặc bị co thắt phế quản - cơ địa dị ứng.

Ở trẻ lớn có thể được đo thính lực (sức nghe bị giảm) hoặc đo nhĩ lượng (có biểu hiện bản tắc - tắc vòi nhĩ).

Điều trị và phòng bệnh

Khi gặp các trẻ này cần phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi tai - mũi - họng, theo dõi các giai đoạn tổn thương. Dị ứng của viêm tai thanh dịch (không chảy mủ) có thể còn kéo dài cho tới khi trẻ lớn.

Ở các giai đoạn sớm phải điều trị mũi họng, nạo V.A. Ở các giai đoạn có thể phải đặt ống thông nhĩ (đặt một ống chữ T có 2 ngành lọt vào hòm nhĩ, một ống chui qua màng nhĩ ra ống tai ngoài - để giải quyết sự thông nhĩ của hòm nhĩ - thay cho bít tắc ống vòi nhĩ từ họng lên).

Điều quan trọng nhất là phải giữ cho mũi - họng không bị viêm tái phát nhiều lần, cần nhỏ mũi các thuốc co mạch sát trùng khi trẻ bị viêm - sốt - chảy mũi hoặc những khi thay đổi thời tiết.

Viêm tai không chảy mủ cũng có thể để lại di chứng nghe kém nhiều (điếc), cũng có thể tạo nên loại mủ thối (có choleteatoma) nguy hiểm. Hy vọng chúng ta có các khái niệm đẩy đủ về chảy tai và các nguyên nhân để phòng bệnh tốt hơn nữa cho trẻ em.

Theo TTO