Lưu trữ cho từ khóa: viêm mũi họng

Khi viêm họng chữa mãi không khỏi

Có rất nhiều người bị viêm họng uống hết kháng sinh này đến kháng sinh khác nhưng bệnh vẫn không hết. Theo lý giải của PGS.TS.BS Đặng Xuân Hùng – Trưởng khoa tai mũi họng, BV. Cấp cứu Trung Vương, với những bệnh nhân này, viêm họng là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm khác.

Uống bao nhiêu thuốc… đau vẫn hoàn đau!

Ho, đau họng, khàn tiếng anh Hoàng Tiến Nam được bác sĩ chẩn đoán bị viêm họng. Anh uống thuốc 10 ngày thì hết bệnh. Nhưng khoảng nửa tháng sau anh lại bị ho, họng sưng tấy, khi nuốt đồ ăn nước uống luôn có cảm giác như có gì đó chèn ngang họng bác sĩ lại chẩn đoán anh bị viêm họng, uống 15 ngày thuốc anh đỡ bệnh. Nhưng một thời gian sau anh lại bị lại. Chỉ đến khi bác sĩ tiến hành nội soi mới phát hiện anh bị bệnh trào ngược dạ dày.


Cổ họng đau rát, nuốt nước cũng đau anh Nguyễn Minh Nhật đi khám bác sĩ thì được biết bị viêm họng. Anh uống thuốc 2 tuần, bệnh có giảm hơn nhưng ngay sau đó bệnh lại tái phát. Anh Nhật lại tiếp tục uống thuốc viêm họng. Bệnh hết. Nhưng không lâu sau đó tình trạng bệnh cũ lại xuất hiện. Mãi sau này anh Nhật mới được phát hiện là bị viêm xoang.
Chị Mỹ L. họng sưng, đỏ, mưng mủ bác sĩ cho rằng chị bị viêm họng rồi kê đơn thuốc. Bệnh không thuyên giảm, bác sĩ đổi thuốc cho chị. Hết thuốc đau vẫn hoàn đau. Chị L. bần thần khi kết quả xét nghiệm cho thấy chị mắc bệnh lậu vì “quan hệ” bằng miệng.

PGS.TS.BS. Đặng Xuân Hùng cho biết, viêm họng là viêm hệ thống niêm mạc họng. Có 3 loại viêm họng viêm họng mũi, viêm họng miệng và viêm họng thanh quản. Viêm họng mũi là do môi trường, viêm họng miệng là do nói nhiều và viêm họng thanh quản là do hội chứng trào ngược dạ dày - thực quản. Theo PGS. Đặng Xuân Hùng, viêm họng do nhiều nguyên nhân như siêu vi, vi trùng hoặc nấm. Trong đó, trên 80% do siêu vi, chỉ có một số nhỏ do nhiễm trùng.

Tuy nhiên, rất nhiều người cứ nghĩ viêm họng là do nhiễm trùng nên dùng kháng sinh. Điều này rất nguy hiểm, nếu viêm mũi họng do siêu vi dùng kháng sinh sẽ dẫn đến rối loạn nội tiết. Thực tế, trong điều trị bệnh viêm mũi họng điều quan trọng chưa phải là kháng sinh mà quan trọng nhất là “tổng vệ sinh” tai mũi họng. Cụ thể, cần có chế độ vệ sinh hàng ngày như súc họng bằng nước muối sinh lý; súc rửa mũi 1 - 2 lần bằng nước biển sâu và nhỏ nước rửa tai.

Hậu quả khó lường

TS.BS. Nguyễn Anh Tuấn (Bộ môn Nhi - ĐH Y Dược TP.HCM), thư ký Chi hội Tiêu hóa nhi Việt Nam cho biết, rất nhiều người bị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản ảnh hưởng đến hệ hô hấp, bị viêm họng. Trong những trường hợp bị viêm họng do bệnh trào ngược nếu không điều trị bệnh trào ngược thì bệnh viêm họng sẽ không khỏi và tái phát nhiều lần. Riêng bệnh trào ngược nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, các biến chứng của bệnh trào ngược có thể thấy ngay ở đường tiêu hóa mà cơ quan gần nhất phải gánh chịu là thực quản. Thực quản sẽ bị viêm với nhiều mức độ khác nhau gây ảnh hưởng đến việc ăn uống và biến chứng nặng nề nhất lên thực quản là “thực quản Barrett”, là tình trạng thực quản bị viêm chít hẹp lại, gây khó khăn cho sự lưu thông thức ăn từ trên xuống.

Người bệnh dễ bị ho, khò khè kéo dài mà không đáp ứng với các điều trị thông thường. Hoặc bị khàn tiếng do dây thanh trong cổ họng bị dày lên, hậu quả của tình trạng dịch acid ở dạ dày trào vào vùng hầu họng. Gần đây, các nhà khoa học cũng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên quan mật thiết ở những người bị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản và tình trạng hen suyễn. Ngoài ra, người bị bệnh trào ngược có thể bị mòn răng, viêm tai, viêm xoang, sụt cân, suy dinh dưỡng…

PGS. Đặng Xuân Hùng khuyến cáo, để điều trị triệt để bệnh viêm họng cần phải khám, tìm hiểu xem nguyên nhân từ đâu như vậy mới mong chữa khỏi bệnh và tránh bị các biến chứng nguy hiểm

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Viêm amidan có ảnh hưởng đến tim không?

Bác sĩ ơi,

Bé nhà em bị amidan, thỉnh thoảng cháu bảo khó thở và thường xuyên nôn oẹ, phía dưới mắt cháu thâm, da xanh xao. Những triệu chứng đó có phải do amidan không ạ?

Em nghe nói amidan có ảnh hưởng đến tim nên rất lo. Cháu đã 5 tuổi rưỡi nhưng chỉ có 17kg. Hiện giờ gia đình em ở Quảng Ngãi nếu muốn cắt amidan cho cháu thì nên tới BV nào? (Tinh Nguyen - bint…@gmail.com)

http://images.alobacsi.vn/Images/Uploaded/Share/2011/01/20/kham-hong.jpg
Ảnh minh họa

Trả lời:

Tinh Nguyen thân mến,

Qua thư của em có nói “bé nhà em bị amidan”, vậy đây là chẩn đoán của BS trước đây lúc em đưa con đi khám bệnh, hay là em nghĩ con em bị amidan?

Với những triệu chứng mà em cung cấp cho BS như khó thở, thường xuyên nôn ọe, mắt thâm, da xanh xao… đây là những triệu chứng của rất nhiều bệnh lý em ạ, không riêng gì amidan.

Để chẩn đoán bé có amidan hay không, BS phải khám trực tiếp cho bé mới có chẩn đoán được em nhé. Em có thể tham khảo thêm triệu chứng của viêm amidan sau:

- Viêm Amidan cấp tính: Đột ngột sốt cao (39 - 40°C), đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên rõ rệt khi nuốt, khi ho. Thường kèm theo viêm V.A, viêm mũi hoặc ở trẻ em có amidan to thở khò khè, đêm ngáy to, nói giọng mũi, amiđan sưng to và đỏ.

- Viêm Amiđan mạn tính (có hai thể quá phát và xơ teo): Viêm amidan mạn tính là hiện tượng viêm thường xuyên, viêm đi viêm lại nhiều lần. amidan có thể (quá phát) thường gặp ở trẻ em hay người trẻ tuổi, hoặc amidan nhỏ lại thường gặp ở người lớn tuổi.

Triệu chứng thường nghèo nàn, có cảm giác nuốt vướng ở họng, đôi khi đau như có dị vật trong họng, đau lan lên tai, hơi thở thường xuyên hôi, thỉnh thoảng có ho và khàn tiếng, trẻ em thở khò khè, ngủ ngáy to.

Khám thấy amidan to như hai hạt hạnh nhân ở 2 bên thành họng hoặc xơ teo tùy theo thể quá phát hoặc xơ teo.

Quay lại các triệu chứng em mô tả qua thư, con em thường xuyên nôn ọe nhưng BS không rõ triệu chứng này kéo dài bao lâu rồi, mỗi ngày bé nôn mấy lần, bé ăn uống sinh hoạt như thế nào…?

Có phải do bé thường xuyên nôn nên ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của bé chăng, nên dẫn đến da xanh, mắt thâm quầng, thiếu cân. Tuy BS không rõ bé là trai hay gái nhưng với cân nặng này thì dù là bé nào cũng thiếu hơn 1kg.

Đúng là viêm amidan có thể ảnh hưởng đến tim, khớp, thận… nhưng không phải vi trùng nào cũng ảnh hưởng đến các bệnh lý trên em ạ. Khi bé bị nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A mới ảnh hưởng đến tim, thận, khớp…

Qua đây, BS có lời khuyên đến các bậc cha mẹ, khi bé bị bệnh viêm mũi họng hoặc viêm amidan, không nên xem nhẹ bệnh lý này, cần tích cực điều trị cho đúng liều, đúng ngày theo đúng chỉ định của BS, không nên tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của BS.

Tóm lại, BS khuyên em nên đưa bé đi BV Nhi của tỉnh để tìm nguyên nhân gây nôn kéo dài (trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày…), điều trị sớm để bé phục hồi lại cân nặng mà không ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của bé, kết hợp khám tai mũi họng để xem bé có đủ chỉ định cắt amidan hay chưa.

Meo.vn (Theo alobacsi)

Phòng chống viêm họng ngày hè

Mới đầu hè song rất nhiều trẻ nhỏ và cả các bậc phụ huynh bị mắc các chứng bệnh về đường hô hấp và viêm mũi họng là một trong những bệnh khá phổ biến hiện nay.Vậy làm thế nào để sức khỏe của bạn không bị ảnh hưởng bởi những căn bệnh này. Sau đây sẽ là một vài tư vấn về cách phòng chống bệnh viêm họng ngày hè.

Khi bị viêm họng bắt buộc chúng ta phải dùng kháng sinh, nhưng kháng sinh cũng gây hại cho sức khỏe vì nếu dùng lâu, dùng nhiều gây nhờn thuốc khiến thuốc không còn tác dụng. Điều tốt nhất là bạn cần bảo vệ họng không còn viêm ngứa và những cách sau sẽ giúp bạn điều đó.

Trước tiên cần pha 1 cốc nước muối nóng hàng sáng để ngâm rửa bàn chải trước khi đánh răng, giúp bàn chải luôn sạch sẽ. Ép 3m-4ml gừng tươi vào buổi sáng trộn với 5ml mật ong và uống sau khi đánh răng. Gừng và mật ong sẽ bảo vệ họng bạn suốt cả ngày.

Một loại thảo dược khác cũng có tác dụng tương tự, đó là nghệ. Nghệ có thành phần chống dị ứng sẽ giúp chống lại các điều kiện gây viêm, dị ứng họng. Để sử dụng có hiệu quả, bạn nên pha một ít muối với 5g bột nghệ vào nửa cốc nước nóng và uống mỗi tối trước khi đi ngủ. Các cách trên cần được kết hợp với thói quen súc miệng bằng nước muối ấm mỗi tối trước khi đi ngủ, sau khi đánh răng. Thói quen tốt này sẽ giúp tẩy trùng họng và miệng, nó có tác dụng bảo vệ họng khỏi viêm nhiễm trong thời gian dài.

Nếu bạn còn lo lắng về đau họng và cuống phổi do thời tiết và môi trường làm việc ô nhiễm thì có thể nhai một miếng nhỏ đường thô, đường thốt nốt trong ngày. Đường thốt nốt sẽ làm sạch và giữ họng và cuống phổi không bị khô ráp. Hãy biết cách bảo vệ bạn và gia đình trước khi bị viêm họng phải dùng đến kháng sinh.

Theo vtv

Cảnh giác: nấm mọc trong tai

Các bệnh lý viêm mũi họng do dị ứng sẽ giảm đi trong mùa hè, tuy nhiên một căn bệnh thường gặp khác ở tai mũi họng lại dễ mắc phải ở mọi lứa tuổi, đó là bệnh nấm tai. Nếu người bệnh có biểu hiện của giảm sức nghe, đau tai, ngứa tai, ù tai… thì cần được khám sớm để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.Hay chóng mặt và ù tai, bệnh gì?

Ai hay bị nấm tai?

Thời gian gần đây có nhiều người đến các chuyên khoa tai mũi họng để khám vì tai rất ngứa ngáy khó chịu, có lúc như có tiếng gió thổi ù ù trong tai và nghe kém hẳn. Mức độ ngứa ngày một tăng, có người dùng cả ôxy già rửa nhưng vẫn không thuyên giảm. Trên hình ảnh nội soi ống tai, những bệnh nhân này đều bị nấm tai. Khai thác bệnh thì được biết đa số các trường hợp này thời gian gần đây thường xuyên đi tắm tại các bể bơi, khi tắm xong không vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ. Tuy nhiên có những trường hợp nấm tai do hay đi lấy ráy tai ở hiệu cắt tóc, gội đầu.

Điều cần lưu ý là bệnh nhân khi có dấu hiệu ù tai, ngứa tai, đau tai thường không nghĩ đến mắc nấm mà chỉ nghĩ mắc phải bệnh nào đó ở tai. Có những trường hợp đã biến chứng sang viêm tai, nếu không điều trị dứt điểm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nghe.

Thời tiết nóng ẩm mùa hè rất thuận lợi cho nấm ký sinh trong cơ thể

Thời tiết mùa hè nóng ẩm rất thuận lợi cho các loại nấm ký sinh trên cơ thể phát triển. Các loại nấm này đều có thể mọc được ở tai do môi trường ống tai rất ẩm ướt. Nếu một nơi nào đó trên cơ thể mắc nấm đều có nguy cơ lây nhiễm đến tai do tay người bệnh. Ở nhiều phụ nữ mắc nấm âm đạo không được điều trị cũng có thể dẫn đến mắc nấm ở tai. Nhiều trường hợp người ta không để ý đến điều này và bất ngờ khi bị nấm tai do lây nhiễm chéo từ nấm âm đạo.

Những người thường xuyên đi tắm tại các bể bơi có nhiều nguy cơ mắc nấm tai. Do khi bơi lặn khó tránh khỏi nước vào tai nhưng nếu không được làm khô, vệ sinh tai sạch sẽ thì đây là một cơ hội tốt cho các loại nấm sinh trưởng trong tai. Nguy hiểm hơn nếu thường xuyên tắm ở các bể bơi không đảm bảo vệ sinh thì không chỉ mắc nấm ở tai mà còn có thể mắc các bệnh lý ngoài da khác.

Những người có thói quen lấy dáy tai ở tiệm cắt tóc cũng dễ mắc bệnh. Sự lây lan giữa người lành và người mang bệnh ở đây rất dễ dàng do họ dùng chung dụng cụ lấy dáy tai (các dụng cụ này cũng không đảm bảo vệ sinh). Không chỉ có bệnh nấm tai mà còn nhiều bệnh lý lây nhiễm khác nếu trong quá trình lấy dáy tai có thể làm trầy xước ống tai, nhất là các bệnh do vi khuẩn, virút làm viêm tai.

Ngoài tình trạng nấm trong tai, mùa hè còn có thể gặp các bệnh nấm ở họng, nấm mũi, mắt… gây ngứa, hắt hơi, sổ mũi, thuận lợi cho các bệnh đường hô hấp xâm nhập, phát triển, nhất là vi khuẩn và virút đường hô hấp, ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh.

Vệ sinh là biện pháp phòng bệnh hàng đầu

Để phòng bệnh nấm tai, các bác sĩ cho biết phải vệ sinh tai hằng ngày, đặc biệt là sau khi tắm, bơi. Mọi người không nên lấy dáy tai tại các tiệm cắt tóc gội đầu. Nếu có mắc ở một bộ phận nào trên cơ thể thì cần phải điều trị dứt điểm, tránh lây nhiễm sang nhiều vị trí khác trên người và tai. Khi có dấu hiệu lâm sàng bất thường ở tai cần được đi khám ở đúng chuyên khoa tai mũi họng để phát hiện và điều trị kịp thời. Những người có tiền sử viêm tai cố gắng tránh nước vào tai, có thể sử dụng bông y tế để nút tai khi bơi.

Các thuốc sử dụng để điều trị chủ yếu là thuốc kháng sinh chống nấm dạng uống và bôi tại chỗ, tùy theo từng loại nấm. Tuy nhiên người bệnh đã từng có tiền sử viêm tai giữa có thủng màng nhĩ hoặc vừa viêm tai, vừa bị nấm phải hết sức thận trọng khi dùng thuốc chống nấm dạng bôi.

SK$DS

Viêm xoang ở trẻ em

Viêm xoang có thể gặp ở trẻ em kể cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên tần suất rất hiếm, khoảng 0,1% trong tổng số các bệnh nhân bị viêm xoang và viêm xoang ở trẻ sơ sinh chủ yếu là viêm hệ thống xoang sàng.

Viêm xoang ở trẻ em khác gì với người lớn?

Viêm xoang trẻ em khác với người lớn, đây không phải là người lớn thu nhỏ mà ở lứa tuổi này hệ thống xoang đang trong giai đoạn hình thành và phát triển. Hệ thống xoang mặt bắt đầu được hình thành từ tuần thứ tư của thời kỳ bào thai, xuất phát từ một tế bào sàng. Tế bào sàng phát triển xâm lấn vào các xương để tạo thành các xoang khác nhau như xâm lấn vào xương trán tạo xoang trán, xâm lấn xương hàm trên tạo xoang hàm và xâm lấn vào xương bướm để hình thành xoang bướm.

Chính vì vậy các xoang có liên hệ mật thiết với nhau nên thường bị viêm nhiều xoang cùng một lúc. Xoang sàng có ngay từ khi trẻ ra đời nhưng những các xoang khác được tạo thành dần: xoang hàm có khi trẻ 3-4 tuổi, xoang trán và xoang bướm chỉ xuất hiện khi trẻ được 7- 8 tuổi. Hệ thống xoang chỉ hoàn thiện ở người 20 tuổi.

Điều trị viêm xoang phải do chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng

Kích thước các xoang của trẻ rất nhỏ, đôi khi mới chỉ là một rãnh hằn vào xương làm cho việc chẩn đoán bệnh gặp nhiều khó khăn vì các triệu chứng thường không điển hình và khó khai thác được chính xác.

Trẻ nào thường bị viêm xoang?

Trong các thập niên gần đây, bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở trẻ em có xu hướng gia tăng, hay gặp nhất là các trẻ có cơ địa dị ứng hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, hít phải khói thuốc lá thụ động, hơi khói của các khu công nghiệp, bếp than..., sự giảm dần của diện tích cây xanh trong môi trường sống. Tỷ lệ viêm xoang ở trẻ em lên tới 1,7% số bệnh nhân bị mắc bệnh tai mũi họng học đường (điều tra của Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương năm 2005).

Tỷ lệ trẻ em trai mắc bệnh viêm mũi xoang tương đương với trẻ em gái (trai là 54%, gái là 46%).

Phân biệt viêm xoang với viêm đường hô hấp trên

Làm thế nào để phân biệt trẻ bị viêm xoang với một đợt viêm đường hô hấp trên cấp tính vì trong một năm trẻ có thể mắc từ 6-8 lần? Chẩn đoán viêm mũi xoang ở trẻ nhỏ chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng khi thăm khám. Diễn biến và biểu hiện bệnh như sau:

Sau một đợt viêm mũi họng cấp kéo dài trên 1 tuần (viêm nhiễm đường hô hấp trên chỉ kéo dài trung bình 5-7 ngày là hết), trẻ vẫn còn sốt nhẹ, người mệt mỏi, xì mũi màu vàng, xanh đặc, có mùi hôi. Trẻ thường xuyên có cảm giác chảy đờm từ mũi xuống họng nên hay bị ho, nhất là ban đêm khi ngủ. Hơi thở hôi và dễ nôn oẹ.

Trẻ bú không được dài hơi như khi đang khỏe do tắc mũi. Trẻ hay quấy khóc, thở ngáy, ngủ không ngon giấc, mệt mỏi kèm theo hốc mắt có quầng thâm. Trẻ lớn hơn hay phàn nàn bị đau đầu nặng mặt, dễ buồn ngủ. Đôi khi trong đợt viêm cấp mặt trước của má bị sưng nề đỏ, ấn đau hoặc có biểu hiện sưng nề, đóng bánh ở góc trong ổ mắt do hiện tượng viêm xoang sàng rò mủ ra ngoài da.

Khám bệnh thấy tình trạng niêm mạc mũi bị phù nề, xuất tiết nhiều dịch, khe giữa đọng nhiều mủ vàng xanh. Một số trường hợp viêm mũi xoang lâu ngày dẫn tới hình thành polip mũi. Tổ chức V.A ở trần vòm trong tình trạng quá phát và đọng mủ.

Quan sát họng miệng thấy mủ vàng xanh bám đầy thành sau họng xuống tận dưới hạ họng.

Màng tai thường dày đục và lõm, một số trẻ có hiện tượng ứ đọng dịch trong hòm tai-viêm tai giữa thanh dịch - do sự thông khí kém giữa tai và mũi họng.

Chụp Xquang xoang thường như phim Blondeau, Hirtz chỉ cân nhắc thực hiện khi nghi ngờ có biến chứng của viêm xoang do ảnh hưởng nặng nề của tia chụp với trẻ nhưng thật sự cũng khó đánh giá tình trạng viêm xoang của trẻ trên hai phim này vì mặt trước của xoang bị các mầm răng cản trở. Nếu thấy thật cần thiết chỉ nên chụp phim cắt lớp vùng xoang để đánh giá chính xác tình trạng của bệnh.

Khi trẻ bị viêm xoang cần điều trị như thế nào?

Điều trị nội khoa là chính từ 4-6 tuần với kháng sinh toàn thân nhóm b lactam hoặc macrolid kết hợp với thuốc chống viêm, giảm phù nề, chống dị ứng.

Tại chỗ dùng các thuốc nhỏ mũi nhóm co mạch, chống viêm, giảm xuất tiết để làm thông thoáng lỗ dẫn lưu xoang.

Chỉ định phẫu thuật chỉ đặt ra khi điều trị nội khoa sau 6 tháng thất bại hoặc có những biến chứng của viêm xoang theo chỉ định chặt chẽ của các thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng.

Theo TTO

Trời lạnh, phòng bệnh tai mũi họng ở trẻ em

Sáng nay thứ 2 đầu tuần, vừa vào phòng làm việc, cô nhân viên tiếp nhận bệnh nhân kiểm tra thính lực đã thông báo ngay: “Hôm nay các bé trong lịch hẹn không đến được vì bị bệnh: ho, sổ mũi, sốt, cha mẹ các bé có gọi điện đến xin lịch kiểm tra thính lực vào ngày khác”. Mới có mấy ngày trời trở lạnh mà các bé đã bị bệnh tai mũi họng rồi.

Mũi và họng luôn tiếp xúc với môi trường bên ngoài vì qua đường mũi họng, không khí bên ngoài đi đến phổi. Đồng thời với việc cung cấp oxy cho cơ thể qua phổi thì những tác nhân gây bệnh cũng theo vào cơ thể. Trẻ em dưới 3 tuổi có thể bị viêm mũi họng 1 năm 3 – 4 lần, thường vào những lúc thời tiết thay đổi đột ngột.

Cho bé mặc đủ ấm trong những ngày trời lạnh.
Nhiệt độ mấy ngày nay trở lạnh đột ngột khiến nhiều trẻ em, thậm chí cả người lớn không thích ứng và không phòng tránh kịp sẽ bị viêm tai mũi họng cấp.

Thông thường, trên 80% các trường hợp lúc đầu các bé chỉ bị viêm mũi họng do virút, sau đó vài ngày do cơ thể yếu sức đề kháng, các loại vi trùng khác có thể xâm nhập thêm làm bệnh trở nặng. Loại virút hay gặp nhất là Adenoidal pharyngeal Conjuntival, virút hợp bào hô hấp và vi khuẩn H.influenzae, phế cầu khuẩn.

Triệu chứng ban đầu, các bé thường bị: ho, sốt, nghẹt mũi một hoặc 2 bên, có thể có sốt cao (38 – 40o), quấy khóc, bỏ ăn… Các bé lớn đã biết nói có thể sẽ than đau họng, nghẹt mũi, ù tai, đau tai, nhức đầu…

Những ngày đầu mới bệnh thường là do virút vì vậy không cần uống kháng sinh, chủ yếu là vệ sinh mũi họng cho bé. Nếu sốt từ 38,5o, nên cho uống hạ sốt như: paracetamol. Nếu bé chỉ ấm đầu (37 – 38,5o) lau bằng nước ấm, uống nhiều nước và ăn nhiều hoa quả.

Nếu không bị bội nhiễm, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 – 10 ngày. Nếu bé sốt cao 3 ngày liên tục, phải đưa bé đi bệnh viện khám để loại trừ bệnh sốt xuất huyết và xác định chính xác bé bị nhiễm virút hay nhiễm trùng. Vì nhiễm trùng nếu không uống kháng sinh, bé sẽ không tự khỏi bệnh.

Trong trường hợp viêm mũi họng do vi khuẩn, cần dùng thêm kháng sinh như: amoxicilin, cloxacilin, các cephalosporin (cephalexin)… theo hướng dẫn của bác sĩ.

Để phòng bệnh trong những ngày thời tiết trở lạnh, nên cho bé mặc đồ ấm, chú ý giữ ấm phần cổ và chân. Nên xoa dầu khuynh diệp vào lòng bàn chân và mang tất cho bé, xoa kỹ vùng huyệt dũng tuyền là chỗ lõm giữa 2 gò nổi của ngón chân cái và những ngón còn lại.

suckhoe-doisong

Viêm mũi họng không cứ phải dùng kháng sinh mạnh

Sau 5 ngày cho con điều trị viêm mũi họng cấp theo đơn của bác sĩ tại phòng khám tư gần nhà, chị Hà, ở chung cư Mỹ Đình, Hà Nội, đưa con gái 1 tuổi đi khám lại. Chị tá hoả khi nghe bác sĩ phán: 'Chưa khỏi hoàn toàn, dùng tiếp 5 ngày Zinat nhé!'.

Bé Bon nhà chị Hà bị chẩn đoán viêm mũi họng cấp và viêm thanh quản cấp, biểu hiện ho, chảy nước mũi và hơi sốt. Đến phòng khám gần nhà cho tiện, chị được kê kháng sinh Azipowder, dùng trong 3 ngày. Hết thuốc, con bé đỡ ho hẳn, nhưng vẫn còn húng hắng rất nhẹ và mũi vẫn còn ít đờm.

Khi đưa con đi khám lại, bà bác sĩ già, từng làm việc tại BV Nhi Trung ương, khuyên nên dùng tiếp một đợt kháng sinh nữa cho dứt hẳn, bằng loại mạnh Zinat, và đề nghị thực hiện thêm 'khí dung' trong 5 ngày để xông trực tiếp thuốc vào khoang mũi họng.

Thấy con gái khóc gào đến khản giọng sau 10 phút bị 'tra tấn' bằng cách chụp thiết bị vào mặt, chị Hà quyết định hôm sau không cho con đi làm 'khí dung' nữa và cũng dừng luôn uống kháng sinh, vì chị biết Zinat là loại kháng sinh rất mạnh và bé Bon thì cứ uống loại này vào là ỉa chảy đến rạc cả người.

Lời giải rất đơn giản

Gọi điện đến một bác sĩ người quen, từng tu nghiệp ở Pháp về chuyên khoa Tai Mũi Họng, chị được khuyên 'không cho cháu uống thêm kháng sinh nữa, cứ kiên trì nhỏ nước muối Natriclorid 0,9% liên tục ngày 6-7 lần, mỗi lần nhỏ đầy cả lọ cho nó chảy tràn xuống họng nhé. Dùng miệng hoặc đưa bé đến phòng khám nào đó để hút sạch đờm trong mũi bé ra'. Bán tín bán nghi, chị Hà làm theo lời khuyên này trong sự phấp phỏng, đồng thời cho bé uống kèm thêm thuốc ho Bổ phế.

Dần dần, bé Bon khỏi lúc nào chị cũng không rõ, chỉ biết 1 tuần sau bé hết hẳn ho và tiếng thở khi ngủ đã trong trẻo.

Chị Hoa, nhân viên một công ty viễn thông có tiếng tại Ba Đình, Hà Nội cũng trải qua kinh nghiệm nuôi con tương tự. Cu Tâm 4 tuổi nhà chị từ nhỏ liên tục phải đi viện vì ho hắng, và lần nào cũng vẫn 'bài ca kháng sinh'. Nhưng một lần, được một vị bác sĩ từng du học tại châu Âu cho lời khuyên vô cùng đơn giản: nhỏ nước muối thật nhiều để rửa mũi - họng, chị làm theo và cu Tâm hầu như đã chấm dứt được những cơn ho lắt nhắt.

Sau lần ấy, chị Hoa liên tục áp dụng 'chiêu' này cho cả nhà: 'bất cứ khi nào thấy thằng bé chớm ho, hoặc vừa tắm nước lạnh xong, hoặc đi chơi đường xa bụi bặm về, là mình lấy cả bình nước muối to, nhỏ vào mũi cho nó chảy xuống cổ họng. Đờm chảy tuốt theo ra ngoài, và thằng Tâm chả còn ho hắng gì hết'.

Bác sĩ Hồng Anh, Viện Tai Mũi Họng Trung ương, từng học chuyên tu tại Pháp, cho biết rỏ nước muối là một kinh nghiệm rất rẻ tiền và hiệu quả. Trong trường hợp viêm mũi họng nhẹ, nước muối sẽ làm tan đờm, 'vệ sinh' toàn bộ đường hô hấp ngoài giúp giảm các kích ứng gây ho và tạo điều kiện cho bệnh tự lành.

'Người phương Tây rất hạn chế dùng kháng sinh, chỉ dùng khi bất đắc dĩ, trong những trường hợp có sốt cao mà thôi', chị nói.

Với trường hợp bé Bon, bác sĩ Hồng Anh giải thích thuốc Azipowder tuy chỉ uống có 3 ngày, nhưng tác dụng kéo dài tới 7 ngày, vì thế hết 3 ngày thuốc mà bệnh chưa dứt ngay thì cũng không được tuỳ tiện uống thêm kháng sinh, phải để cơ thể tự phục hồi. Ngoài ra, khi mũi bé vẫn có đờm thì việc chạy 'khí dung' là vô tác dụng, vì niêm mạc mũi bị đờm che lấp, không thể tiếp xúc với thuốc được.

Bác sĩ Phạm Thắng, tại Viện Tai mũi họng Trung ương, người có cùng chủ trương dùng nước muối cho bệnh mũi họng thì khuyên các bậc phụ huynh rằng 'lúc cần thiết cũng phải dùng kháng sinh, nhưng đa số các trường hợp có thể chỉ cần dùng nước muối thật nhiều rửa sạch mũi họng và dùng kèm thêm các thuốc trị ho đơn giản là có thể tự khỏi'.

Cũng theo các bác sĩ, viêm mũi họng ở trẻ em ban đầu thường do virus gây ra, khi đó dùng kháng sinh không phải là quan trọng nhất mà phải đảm bảo thông thoáng đường thở, dẫn lưu tốt dịch mùi. Chính vì thế nước muối rất có ích trong trường hợp này. Nếu bội nhiễm nặng thì mới phải dùng đến kháng sinh. Khi đó, 'để tránh bị kháng thuốc kháng sinh, bệnh nhân nên dùng các loại nhẹ trước', bác sĩ Hồng Anh nói.

Thuận An/VnExpress

Cách dùng thuốc điều trị viêm mũi họng

Người bệnh viêm mũi họng thường có các triệu chứng đau rát họng (nuốt đau, vướng như mắc cái gì đó ở họng), chảy nước mũi, ngạt tắc mũi (một bên hoặc cả hai bên), đau đầu, ù tai... sau đó xuất hiện ho, sốt (người bệnh có thể sốt trên 38-40oC).

Đối với viêm mũi họng do virut thì điều trị triệu chứng là chính như: hạ sốt, giảm đau bằng paracetamol, có thể ngậm men kháng viêm (như alpha chymotrypsin) tại chỗ. Cần tăng cường ăn hoa quả, uống nhiều nước, không nên ăn những thức ăn khó tiêu. Nếu không bị bội nhiễm bệnh sẽ tự khỏi trong vòng từ 5 - 10 ngày.

Trường hợp viêm mũi họng do vi khuẩn có thể dùng các thuốc sau:

- Kháng sinh: amoxicilin, cloxacilin, các cephalosporin (cephalexin), erythromycin...

- Sulphamid: co-trimoxazol (bactrim) uống hoặc ngậm cũng có tác dụng tốt.

- Khí dung mũi họng bằng các dung dịch chứa: tinh dầu bạc hà, thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm...

Kinh nghiệm dân gian ngậm lá xạ can tươi hoặc chè mạn ủ nóng 15 phút rồi ngậm họng cũng có tác dụng tốt.

Khi thấy xuất hiện các triệu chứng của viêm mũi họng người bệnh cần tới cơ sở y tế để được khám và điều trị thích hợp. Nếu không được điều trị đúng, kịp thời viêm mũi họng có thể gây ra nhiều biến chứng:  viêm xoang, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa cấp. Nguy hiểm hơn viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A làm tổn thương viêm khớp, viêm cầu thận, thấp tim... Đối với loại viêm mũi họng do vi khuẩn nếu lựa chọn đúng kháng sinh bệnh sẽ thuyên giảm trong vòng 2-3 ngày. Nếu quá thời gian này bệnh không khỏi phải khám và đánh giá lại tình trạng bệnh, tránh tình trạng để bệnh kéo dài gây biến chứng.

Phòng bệnh viêm mũi họng bằng cách:

- Vệ sinh mũi họng: Đánh răng trước khi đi ngủ, súc miệng, họng bằng nước muối sinh lý 0,9%, hoặc các dung dịch kiềm nhẹ, rửa mũi bằng nước muối sinh lý.

- Điều trị triệt để các viêm mũi, viêm họng, viêm amidan.

- Phòng tránh loại bỏ các yếu tố nguy cơ, độc hại dễ lây nhiễm như: bụi than, bụi bẩn, gió lùa khí lạnh...

Theo Sức khỏe & Đời sống

Những tin tức liên quan

Viêm dây thanh quản dễ dẫn tới ung thư

hời tiết chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho rất nhiều bệnh lây qua đường hô hấp, đặc biệt là viêm dây thanh quản. Bệnh nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn tới ung thư phải cắt toàn bộ thanh quản.

Ung thư thanh quản là bệnh thường gặp và đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta. Hiện bệnh chiếm khoảng 2% tổng số các loại ung thư. Bệnh hay gặp ở nam giới, chiếm trên 90%, trong đó ở độ tuổi từ: 50-70 chiếm 72%. Vì vậy, nam giới từ 40 tuổi trở lên nếu khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần, cần khám xem có phải ung thư thanh quản không...

Ô nhiễm môi trường gây bệnh

Môi trường ô nhiễm quá lớn khiến trung bình một người dân thành phố hít khoảng 10.000 vi sinh vật mỗi ngày. Khi cơ thể yếu, là lúc các vi khuẩn tấn công làm ta bị viêm mũi họng, viêm thanh quản, viêm nhiễm các đường hô hấp trên và dưới với các biểu hiện khản tiếng, có khi mất hẳn tiếng. Những người thường xuyên hút thuốc hoặc uống rượu nhiều, sau đó bị cảm, dẫn đến viêm thanh quản. Nếu có bội nhiễm nặng, thanh quản càng phù nề, gây khó nuốt, nuốt đau, khó thở... Soi thì thấy dây thanh quản sưng to, phù nề hoặc có u.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên viện trưởng Viện Tai Mũi Họng TW cảnh báo, 100% bệnh nhân bị bệnh ở thanh quản đều có tiền sử viêm xoang. Hơn nữa, thanh quản là nơi dễ bị bệnh như khi ta nói nhiều (nhất là những người hay phải sử dụng giọng như ca sĩ, giáo viên, người bán hàng) khiến các sợi dây li ti của cơ đứt tạo thành các hạt sùi dây thanh; hoặc các chất dịch tiết, do viêm mũi viêm xoang... chảy xuống họng bám vào dâu thanh gây viêm, sùi...

Bình thường nếu được điều trị kịp thời làm xuất hiện khí rung hoặc bấm các cục sùi... bệnh nhân khỏi bệnh sau 3-10 ngày. Nhưng nếu không được điều trị đúng, viêm nhiễm ngày càng phát triển, bệnh tái đi tái lại và biến thành u. Biểu hiện của bệnh là khàn tiếng ngày càng tăng và dẫn đến phát âm khó khăn, khàn đặc, mất tiếng, khó thở tăng dần, kèm theo có ho kích thích, ho ra đờm có mùi hôi. Đến giai đoạn muộn xuất hiện ho khạc đờm nhày lẫn máu, đau vùng cổ, nuốt khó và sặc thức ăn, xuất tiết vào đường thở thì gây nên những cơn ho sặc sụa. Ở giai đoạn này, toàn thân bị suy yếu.

http://www32.24h.com.vn/upload/news/2009-06-29/1246236291-than-quan-hong-1.jpg

Phát hiện sớm có thể chữa khỏi

Biểu hiện ở giai đoạn đầu thì u thường khu trú ở một bên dây thanh dưới hình thức một nụ sùi nhỏ hoặc thâm nhiễm nhẹ. Điều trị thường phải phẫu thuật cắt bỏ thanh quản toàn phần hoặc một phần khiến cho bệnh nhân trở thành câm. Nếu ung thư thanh quản không được điều trị, bệnh nhân thường chỉ sống kéo dài được một năm hoặc 18 tháng, tử vong do ngạt thở cấp tính, biến chứng viêm phế quản phổi, suy kiệt hay chảy máu ồ ạt. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể chữa khỏi 80%.

TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh khuyên, khi bị viêm mũi, viêm xoang, khản tiếng, khó nuốt... tốt nhất nên đi khám chuyên khoa để phát hiện và điều trị kịp thời. Để phòng bệnh tốt nhất không nên hút thuốc, uống nhiều rượu, tránh các yếu tố kích thích: Sự thay đổi của khí hậu, tiếp xúc với hóa chất, với các chất khí, bụi bẩn... Đặc biệt, cần vệ sinh răng miệng cẩn thận và tránh viêm thanh quản mạn tính (tiền đề của một ung thư hóa), nhiễm khuẩn vùng răng miệng, viêm mũi họng dai dẳng, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin...

Theo 24h.com.vn

Mùa đông, hãy thận trọng với bệnh viêm não

Viêm não là một trong những bệnh nguy hiểm nhất đối với trẻ em vì bệnh không những gây tử vong mà còn để lại những di chứng nặng nề như liệt, mất tiếng nói, tay chân co quắp, mất tri thức... Trong nhóm bệnh viêm não, có hai căn bệnh hay phát tác vào mùa lạnh, đó là bệnh viêm màng não nhiễm khuẩn huyết do não mô cầu (thường gọi viêm não mô cầu) và viêm màng não HiB.

Viêm màng não mô cầu

Viêm màng não do não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, xảy ra đột ngột với các triệu chứng sốt, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, cổ cứng và thường có các ban xuất huyết, hoại tử trên da. Bệnh do vi khuẩn não mô cầu Neissrria Meningitidis - một loại vi khuẩn gram âm, ái khí, có 9 nhóm huyết thanh A, B, C, D, X, Y, Z, W135 và 29E. Tỷ lệ mắc bệnh cao nhất vào mùa đông và mùa xuân, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, trai nhiều hơn gái. Vi khuẩn có thể tồn tại trong mũi họng bệnh nhân 2 - 10 ngày trước khi phát bệnh, được thải ra ngoài trong 3 - 4 tuần lễ từ khi phát bệnh. Người mang vi khuẩn nhưng không phát bệnh thải vi khuẩn trong thời gian lâu hơn, có thể tới 2 - 3 tháng hoặc 1 - 2 năm nhưng rất hiếm. Bệnh không lây qua ăn uống nhưng qua tiếp xúc trực tiếp trên da, môi trường nước hồ bơi. Bệnh dễ lây lan trong môi trường sinh hoạt kém vệ sinh, ẩm thấp, không có không khí đối lưu, nước nhiễm bẩn.

Tiêm vaccin phòng bệnh cho trẻ.

Khi bị viêm não mô cầu, bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê, có trường hợp xảy ra biến chứng sốc nhiễm khuẩn. Tùy quá trình thâm nhập của vi khuẩn mà các tổn thương tương ứng ngày một nặng hơn, từ thể viêm mũi họng nhẹ đến các thể điển hình như nhiễm khuẩn huyết kịch phát có sốc. Vì thế, khi phát hiện có những triệu chứng viêm đường hô hấp và đặc biệt khi thấy trên da xuất hiện những nốt hoại tử ban (những nốt hoại tử lan như chân chim) thì cần đến ngay cơ sở y tế để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tuy có nhiều nhóm khuẩn, nhưng ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á, nhóm B được ghi nhận gây bệnh nhiều nhất, thế nhưng hiện nay ở nước ta vẫn chưa có vaccin ngừa nhóm B. Cho nên để phòng ngừa khuẩn nhóm B, quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh nơi sinh sống, đảm bảo nơi ở rộng, thoáng, đủ ánh sáng, khô ráo, giữ ấm trong mùa lạnh. Riêng nhóm A và C hay gặp ở mùa lạnh đã có vaccin ngừa. Vaccin nhóm A và C được thực hiện cho người lớn và trẻ trên 18 tháng tuổi, 1 liều cơ bản sau đó nhắc lại mỗi 3 năm.

Viêm màng não do HiB

Vi khuẩn não mô cầu.

HiB là tên viết tắt của vi khuẩn Haemophilus influenzae type B, thủ phạm hàng đầu gây viêm màng não ở trẻ dưới 5 tuổi và nhiều biến chứng nặng nề. Theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế, HiB nguy hiểm không kém gì virut HIV, bởi 1/4 số trẻ viêm màng não do HiB bị thương tổn não vĩnh viễn và 1/20 tử vong. Ngoài ra, rất nhiều trẻ bị chứng nghiêm trọng như viêm phổi và các di chứng khác. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi và có đến 60% các trường hợp ở trẻ dưới 1 tuổi. Khi bị viêm màng não do HiB, trẻ sẽ bị sốt, nhức đầu, nôn vọt, lừ đừ, ngủ gà, lơ mơ, hôn mê. Có một số trẻ bị co giật, trợn mắt hoặc gồng người. Khi thấy trẻ có một vài triệu chứng như sốt, nhức đầu, nôn vọt, nên khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện.

Bệnh có thể được ngăn ngừa bằng vaccin. Nên tiêm cho trẻ em từ 2 tháng tuổi. Trẻ càng nhỏ càng phải chích nhiều lần để tăng cường kháng thể, do đó trẻ từ 2 -6 tháng tuổi chích 3 liều cơ bản, nhắc lại sau 1 năm, từ 6 - 12 tháng tiêm 2 liều cơ bản và nhắc lại sau 1 năm, trên 12 tháng tuổi chỉ tiêm 1 liều duy nhất.

ThS. Lê Hưng

(Theo SKDS)