Lưu trữ cho từ khóa: viêm màng não mủ do Hib

Tiêm chủng cho trẻ sơ sinh

Bé của em được 2 tháng. Đây là bé đầu lòng nên em không biết cần chú ý những gì khi cho bé tiêm phòng? Nghe nói có 1 loại vaccin phòng được rất nhiều bệnh mà lại ít gây sốt. Vậy bác sĩ cho biết con em có tiêm được vaccin này?

Con của chị được 2 tháng tuổi, đây là độ tuổi bắt đầu được tiêm phòng: Bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, viêm gan siêu vi B, viêm màng não mủ do Hib (Hemophilus Influenzae tuýp B), lao… Đây là các bệnh nguy hiểm thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Ở độ tuổi này, khả năng tự đề kháng với các bệnh của các cháu rất yếu, nên khi mắc bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến tử vong. Do vậy, chị nên cho cháu chủng ngừa không những đầy đủ, mà còn phải đúng thời hạn, sẽ giúp nâng cao hiệu quả phòng các bệnh nguy hiểm trên một cách tối đa cho các cháu.
Nên cho trẻ tiêm vaccin đầy đủ và đúng thời hạn.

Vaccin chị nói đến, vừa phòng được nhiều bệnh trong 1 mũi tiêm, mà lại giảm sốt đáng kể là các vaccin phối hợp ho gà vô bào. Đây là loại vaccin mới, tiên tiến, được ưa chuộng trên thế giới hiện nay, vì các lợi ích mà nó mang lại cho trẻ rất lớn.

Vaccin này nhờ có thành phần ho gà vô bào – làm giảm sốt đáng kể cho trẻ sau tiêm, giúp bố mẹ yên tâm đưa con đi chủng ngừa. Vaccin này thường được chỉ định tiêm từ 2 tháng tuổi với 3 liều cơ bản, mỗi liều cách nhau ít nhất 1 tháng. Con của chị đang ở độ tuổi tiêm được vaccin này.

Một số lưu ý, trước khi tiêm ngừa, các cháu cần được nhân viên y tế khám sức khỏe để quyết định được phép chủng ngừa hoặc tạm hoãn chủng ngừa trong các trường hợp cháu bị sốt, tiêu chảy, ho nhiều… Ngay sau tiêm, chị nên cho cháu ở lại tại điểm tiêm trong khoảng 30 phút để theo dõi các phản ứng sau tiêm (nếu có). Về nhà vẫn cho trẻ bú, tắm rửa bình thường và cũng nên lưu ý theo dõi trẻ thêm trong những giờ đầu.

BS. Lê Thị Hoàng Yến
Bệnh Viện Đại Học Y Dược TP.HCM

Giao mùa ở miền Bắc: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh

Thời tiết giao mùa từ đông sang xuân tại các tỉnh phía Bắc là điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi, phát triển của nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Một số bệnh truyền nhiễm vì thế cũng có nguy cơ bùng phát.

Nhiều bệnh nhân nhập viện

Chỉ tính riêng tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay, hầu như ngày nào cũng tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Bác sĩ Mai Đình Cửu, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của BV cho biết, trong tuần đầu tiên của tháng 2 này, BV đã tiếp nhận 13 ca sốt xuất huyết, 7 ca tiêu chảy cấp và rất nhiều ca cúm, sốt phát ban… nhập viện. Bệnh nhân tập trung chủ yếu ở khu vực Hà Nội và hầu hết nhập viện là ca nặng. Điều đó cho thấy sốt xuất huyết vẫn tiếp tục xuất hiện rải rác, trong khi tiêu chảy cấp có thể xuất hiện trở lại và không loại trừ gia tăng trong thời gian tới.

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội vào thời điểm này cũng cho thấy, số bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm vẫn ghi nhận rải rác ở tất cả các quận, huyện trên địa bàn. Đặc biệt, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, một số bệnh mùa đông xuân có xu hướng diễn biến phức tạp hơn với số bệnh nhân mắc tăng cao, nhất là ở trẻ em như sốt phát ban, sởi, tiêu chảy cấp, thủy đậu…

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội mới bắt đầu vào mùa bệnh thủy đậu, song theo giám sát của trung tâm (chỉ tính những ca bệnh nặng, có lấy mẫu xét nghiệm) mỗi tuần ghi nhận khoảng 10 - 20 ca mắc. Bệnh sốt phát ban ở trẻ sau thời gian tăng mạnh (khoảng 2 tuần trước và sau Tết Nguyên đán) đến thời điểm này đã bắt đầu có xu hướng chững lại, dù vậy mỗi tuần Hà Nội vẫn ghi nhận khoảng vài chục bệnh nhân. Có đến 1/3 số sốt phát ban là do virus rubella, còn sốt phát ban nghi sởi mỗi tuần có khoảng 10 - 15 ca được báo cáo lên từ TTYT các quận/ huyện, trong khi cả năm 2010, toàn thành phố chỉ có 20 ca dương tính với sởi.

Tương tự, dịch cúm nói chung, cúm A/H1N1 cũng đã xuất hiện trở lại và gia tăng mạnh ở Hà Nội trong hơn 1 tháng nay. Còn về bệnh tiêu chảy cấp, ông Cảm cho biết, TTYTDP thành phố đã phối hợp với BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng như các BV trên địa bàn để giám sát, điều tra dịch tễ với các trường hợp mắc tiêu chảy cấp nhập viện và đến nay chưa ghi nhận ca tiêu chảy cấp dương tính với phẩy khuẩn tả nào.
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhiệt đới.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Cũng theo ông Nguyễn Nhật Cảm, về cơ bản đến thời điểm này, các dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn Hà Nội vẫn diễn biến tương đối ổn định, chưa bùng phát thành dịch, cũng chưa ghi nhận các chùm ca bệnh nào trong năm 2011. Tuy nhiên, ngành y tế Hà Nội nhận định nguy cơ bùng phát các dịch bệnh trong thời gian tới rất lớn, đặc biệt là cúm A/H1N1, tiêu chảy cấp và thủy đậu.

Để ứng phó với các nguy cơ này, ngay từ đầu năm 2011, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường chỉ đạo các đơn vị, địa phương đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, tập trung vào việc giám sát, phát hiện sớm và kiểm soát các ca bệnh truyền nhiễm từ cấp thành phố cho đến cộng đồng, xã, phường. Các điểm tiêm chủng mở rộng trên địa bàn thành phố tiếp tục triển khai tiêm chủng cho trẻ (phòng 8 loại bệnh) trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó riêng mũi tiêm phòng viêm màng não mủ do Hib (bắt đầu triển khai từ tháng 6/2010) sẽ tiếp tục thực hiện với mục tiêu số trẻ đi tiêm đạt 99%. Trong tháng 3 tới, TTYTDP Hà Nội sẽ triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường đợt 1 nhằm phòng chống các bệnh nói chung, bệnh sốt xuất huyết nói riêng.

Ông Cảm nhấn mạnh, mỗi người dân cũng cần tự nâng cao ý thức phòng bệnh cho mình và cộng đồng, tích cực hưởng ứng các hoạt động triển khai phòng chống dịch bệnh của thành phố. Đặc biệt, những bệnh nhân có nguy cơ cao nghi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tiêu chảy cấp do tả, sốt xuất huyết, cúm A/H1N1, A/H5N1… cần phải có trách nhiệm khai báo với cơ sở y tế gần nhất để được điều trị và ngành y tế tiến hành khoanh vùng ổ dịch kịp thời. Theo điều chỉnh mới của Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, những trường hợp nói trên nếu không khai báo mà để dịch bệnh bùng phát trên địa bàn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nguyễn Linh

(suckhoe-doisong)