Lưu trữ cho từ khóa: viêm màng não mủ

Bệnh viêm màng não mủ dễ lây lan qua đường hô hấp

Bệnh viêm màng não mủ được coi là bệnh cấp cứu đòi hỏi phải chăm sóc tốt để đảm bảo không có biến chứng.

“Viêm màng não mủ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, để lại di chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời như thần kinh, điếc, liệt, chậm phát triển tinh thần hoặc sống đời sống thực vật”, PGS.TS Phạm Nhật An – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.

Bệnh nặng vì nghĩ sốt thông thường

Điều dưỡng Nguyễn Bằng Giang – Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho hay, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 3 – 6 trẻ bị viêm não và viêm màng não mủ nhập viện điều trị. Ngày cao điểm tiếp nhận hơn chục bệnh nhi.

Đang điều trị bệnh viêm màng não mủ tại Khoa Truyền nhiễm là trường hợp bé Nguyễn Minh Phú (SN 2013, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Bé Phú được gia đình đưa vào khoa trong tình trạng sốt cao, co giật, hôn mê. Chị Trang – mẹ bé cho hay, cả tuần nay bé bị viêm đường hô hấp, ho, mũi dãi nhiều, sốt nhẹ nên chị chỉ cho con uống hạ sốt, rửa mũi. Khi con sốt tới 400C, hạ sốt không nổi, gia đình vội đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu. Ngay sau đó bác sĩ đã chuyển bé ra Bệnh viện Nhi Trung ương. Nghi ngờ hội chứng não mủ, các bác sĩ tiến hành chọc dịch não tủy ngay và kết quả bé bị viêm màng não mủ do vi khuẩn.

Nhận được kết quả khám bệnh con bị viêm màng não mủ, chị Nguyễn Hải Âu (SN 1979, ở TP Hạ Long, Quảng Ninh) vô cùng lo lắng. Chị không ngờ rằng những biểu hiện quấy khóc, chán ăn và sốt thông thường của con lại là dấu hiệu sớm của căn bệnh nguy hiểm này. Giá như chị cho con đến khám sớm thì bệnh của con đã không nặng. Chị cho biết: “Gia đình tưởng cháu bị sốt mọc răng nên chỉ cho cháu uống thuốc hạ sốt. Sau đó, cháu bị co giật toàn thân mới đưa đến bệnh viện tỉnh. Các bác sĩ cho đi chụp chiếu để theo dõi bệnh động kinh. Gia đình đã xin chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi vào viện thì cháu mệt, mơ màng không nhận ra mẹ nữa”.

Theo điều dưỡng Nguyễn Bằng Giang, đây là một trong những trường hợp nặng do không phát hiện được sớm bệnh. Cháu Gia Bảo – con chị Hải Âu vào viện được 3 ngày, đã rơi vào trạng thái lơ mơ, không nhận thức được xung quanh. Cháu không tự nuốt được nên phải đặt một ống xông từ mũi vào dạ dày.

Bệnh viêm màng não mủ dễ lây lan qua đường hô hấp

PGS.TS Phạm Nhật An cho hay, viêm màng não là bệnh lý viêm nhiễm ở trong não. Tổn thương chủ yếu là màng não, đặc biệt hay gặp ở trẻ sơ sinh và đang còn bú. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, tùy từng độ tuổi. Trẻ có thể khởi bệnh với các biểu hiện như sốt cao, quấy khóc, nôn trớ, viêm đường hô hấp. Một số trẻ lại có thể xuất hiện các dấu hiệu rối loạn tri giác, thị giác như quấy khóc, ánh mắt nhìn vô cảm nên nhiều cha mẹ tưởng con bị viêm họng, viêm phổi… Biến chứng viêm màng não mủ để lại rất nặng nề. Có những trường hợp tử vong, nhẹ hơn thì tổn thương dây thần kinh gây di chứng liệt, giảm vận động, chậm phát triển trí tuệ, não úng thủy, áp – xe não…

Đừng bỏ qua dấu hiệu sốt cao, nôn ói, đau đầu

PGS.TS Phạm Nhật An cho biết, tác nhân gây bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em phần lớn do virus Haemophilus influenzae type b (Hib). Các bệnh do Hib có thể lây truyền từ trẻ này sang trẻ khác qua đường hô hấp, các hạt nước bọt khi trẻ bị ho hoặc hắt hơi. Hib cũng có thể lây lan qua đồ chơi dùng chung hoặc các đồ vật mà trẻ thường cho vào miệng.

Bệnh viêm màng não mủ được coi là bệnh cấp cứu đòi hỏi phải chăm sóc tốt để đảm bảo không có biến chứng. Ví dụ như lên cơn co giật phải phát hiện sớm để không dẫn tới tình trạng ngừng thở; hôn mê sẽ gây ứng đọng đờm dãi gây bội nhiễm thêm viêm phổi nên phải chăm sóc đường hô hấp thật tốt. Hay trẻ nôn không ăn được dẫn tới rối loạn nước, điện giải…

“Căn bệnh viêm màng não mủ hoàn toàn có thể điều trị hiệu quả ở giai đoạn sớm. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ như sốt cao, nôn ói, đau đầu, bỏ ăn, bỏ bú, biếng chơi, thóp phồng thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám để loại trừ những bệnh nguy hiểm. Nếu đợi đến lúc co giật, nôn rất nhiều, rối loạn tri giác, hôn mê, li bì thì hơi muộn. Nhiều bậc phụ huynh nghĩ rằng viêm não Nhật Bản và viêm màng não mủ là một bệnh. Song đó là hai bệnh khác nhau. Bởi vậy dù đã tiêm phòng viêm não Nhật Bản thì trẻ vẫn có thể bị viêm màng não mủ”, PGS.TS Phạm Nhật An cảnh báo.

Các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm khuyến cáo, biện pháp ngừa bệnh tốt nhất là tiêm vaccine ngừa viêm màng não mủ (Hib) cho trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi. Vaccine phòng bệnh do Hib có thể được tiêm cùng lúc với các vaccine khác như bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. Trẻ em nên bắt đầu tiêm phòng bệnh Hib 3 mũi: Lúc 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng. Sau đó nhắc lại mũi thứ tư lúc trẻ 18 – 24 tháng. Nếu trong thời gian trên trẻ chưa được chủng ngừa Hib, các bậc cha mẹ có thể đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc trung tâm y tế dự phòng để được tư vấn vì thời gian chủng ngừa và số mũi tiêm có thể thay đổi theo từng lứa tuổi.

Đối với trẻ có triệu chứng nghi ngờ viêm màng não mà chưa thể đến khám được thì việc điều trị tại nhà chủ yếu là hạ sốt. Quan trọng cần theo dõi tình trạng bệnh của trẻ. Nếu trẻ bị viêm màng não thì các triệu chứng sốt, nôn ói, đau đầu, biếng ăn, biếng chơi sẽ diễn biến ngày càng nặng hơn. Nếu thấy các dấu hiệu trên không giảm sau một ngày hay mỗi lúc một nặng hơn thì cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Thời điểm giao mùa như hiện nay là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn Hib phát triển. Để phòng ngừa bệnh viêm màng não nên giữ ấm cho trẻ, chăm sóc tốt trẻ những lúc thời tiết thay đổi và nhất là lúc có dịch cảm cúm xảy ra. Tránh để trẻ bị viêm mũi họng kéo dài. Cha mẹ cũng cần chăm sóc cho trẻ có cơ thể khỏe, bảo đảm chế độ dinh dưỡng tốt. Vệ sinh môi trường, đồ chơi cho trẻ sạch sẽ.

Theo Giadinh.net.vn

Bệnh viêm màng não tăng, gây ngiều biến chứng

Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, thời gian giao mùa thường là điều kiện thuận lợi để các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển, trong đó đặc biệt nguy hiểm là vi khuẩn Haemophilus influenzae type b (Hib) gây bệnh viêm màng não mủ. 

Nếu không phát hiện, điều trị kịp thời sẽ để lại những di chứng nặng nề, thậm chí nguy cơ bị tử vong cũng khá cao.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

Có mặt tại Khoa khám bệnh (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), chúng tôi chứng kiến khá đông các bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Trong đó có một số trường hợp liên quan tới bệnh viêm màng não. Chị Ngô Thị Thu, người nhà bệnh nhân Ngô Văn Thắng (46 tuổi, trú tại huyện Nam Trực, Nam Định) cho biết: Cách đây hơn một tuần, anh Thắng thường xuyên kêu đau đầu, sốt cao, buồn nôn. Gia đình đưa đi bệnh viện huyện khám thì các bác sĩ cho biết chỉ sốt, ốm thông thường và kê đơn thuốc cho về nhà uống. Sau khi uống thuốc được 3 – 4 ngày nhưng bệnh tình của anh Thắng vẫn không khỏi mà liên tục sốt cao, thậm chí còn nôn ói nhiều lần.

Lo lắng cho sức khoẻ của người thân, mọi người trong gia đình đã tức tốc đưa anh Thắng lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khám. Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận, bệnh của anh Thắng do vi rút viêm màng não gây nên. Rất may, các bác sĩ ở đây cho biết, với triệu chứng, bệnh tình như vậy thì chỉ cần anh Thắng nằm điều trị vài ba hôm là khỏi.

Không may mắn như anh Thắng, trường hợp anh Lê Xuân K. (trú tại huyện Bảo Thắng, Lào Cai) có phần nghiêm trọng hơn. Theo người nhà K. cách đây gần nửa tháng, anh K. có biểu hiện sốt cao kèm theo tiêu chảy. Đi khám tại bệnh viện khu vực, bác sĩ chẩn đoán anh K. bị sốt thông thường và cho nằm điều trị tại bệnh viện. Nhưng sau ba ngày, anh K. vẫn không đỡ sốt mà tình hình bệnh còn nặng hơn. Thấy vậy, các bác sĩ đã chuyển anh K. lên bệnh viện tỉnh để tiếp tục điều trị, làm các chiếu chụp và xét nghiệm máu cần thiết, kết quả các bác sĩ bệnh viện tỉnh chẩn đoán anh K. bị thiếu máu, giảm tiểu cầu, nghi ung thư.

Thấy tình trạng bệnh của anh K. nguy hiểm, ngay lập tức gia đình đã xin chuyển anh K. lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị. Kết quả chụp cắt lớp não tại đây cho thấy, anh K. bị giãn não. Các bác sĩ tiếp tục thực hiện chọc não tủy thì xác định bệnh nhân bị viêm màng não mủ. Sau thời gian điều trị tại đây, anh K. đã cắt sốt nhưng theo các bác sĩ, do nhập viện muộn nên anh K. đã bị biến chứng nặng về tâm thần vận động và giãn não thất, tăng trương cơ lực.

Tương tự, trường hợp của chị Nguyễn Thị T. (trú tại huyện Tiền Hải, Thái Bình) hiện vẫn đang mê man, li bì do mắc bệnh viêm màng não mủ. Người nhà chị T. cho biết, chị T. bị sốt cao, buồn nôn, ho khan liên tục gần 10 ngày trước khi lên bệnh viện. Khi được đưa lên bệnh viện cấp cứu điều trị, các bác sĩ chẩn đoán chị T. bị viêm màng não mủ với hai hội chứng điển hình: Nhiễm khuẩn, màng não. Sau một tuần điều trị, bệnh tình của chị T. đã có nhiều biến chuyển, chị T. đã thở được và đang trong quá trình hồi phục thể trạng nhanh.

Khó xác định nguyên nhân gây bệnh

Theo tìm hiểu PV Người đưa tin, bệnh viêm màng não, đặc biệt là viêm màng não mủ không chỉ thường xuyên xảy ra đối với lứa tuổi trẻ em (trẻ dưới một tuổi là đối tượng dễ mắc nhất) mà hiện tại, căn bệnh này còn xảy ra đối với nhiều lứa tuổi khác nhau. Trong đó, các căn nguyên gây bệnh lại na ná nhau, khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác và rất khó phát hiện để có biện pháp chữa trị kịp thời. Thậm chí, nhiều trường hợp khi đến bệnh viện cấp cứu đã quá muộn. Có trường hợp dù được điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như: Não úng thủy, động kinh, tràn dịch dưới màng cứng, áp xe não, chậm phát triển trí tuệ, điếc; thậm chí nhiều trường hợp tử vong.

Đề cập tới vấn đề trên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết: Hiện tại, lượng bệnh nhân liên quan đến bệnh viêm màng não vào bệnh viện điều trị ở 3 khoa chính là Hồi sức tích cực, Nhiễm khuẩn tổng hợp và Vi rút ký sinh trùng. Riêng ở Khoa hồi sức tích cực, hàng ngày có 1- 2 bệnh nhân đến nằm điều trị.

Tóm lại, mức độ ảnh hưởng của viêm màng não do lao và do vi khuẩn (hay còn gọi là viêm màng não mủ) sẽ rất nặng, khó điều trị và nguy cơ tử vong lên tới 25%. Bác sĩ Cấp cũng cho biết thêm: Bệnh viêm màng não hiện phân bổ rải rác, tuỳ vào từng địa bàn, cơ sở.

Thực tế cũng đã chứng minh, nơi nào thực hiện tiêm phòng thì tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não ở trẻ em sẽ giảm và tỷ lệ gặp ở người lớn sẽ nhiều hơn. Đồng thời, bác sĩ Cấp cũng nhấn mạnh, tất cả các bệnh liên quan tới viêm màng não đều có biểu hiện lâm sàng na ná như nhau, rất khó phân biệt như đều đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn, tăng cảm giác đau, hôn mê… Do đó, người dân rất khó phát hiện, xác định được viêm màng não do căn nguyên gì. Chỉ đến khi bác sĩ làm sàng lọc, sau khi thực hiện các xét nghiệm thì mới phát hiện được và có giải pháp điều trị.

 (Theo NĐT)