Lưu trữ cho từ khóa: viêm họng mạn

Viêm xoang và một số lưu ý khi điều trị

Viêm xoang là một bệnh mãn tính, nhưng nếu phát hiện sớm và có cách điều trị phù hợp chúng ta hoàn toàn có thể khống chế bệnh này. Sau đây là một vài lưu ý quan trọng với những người mắc bệnh viêm xoang.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Internet)

Viêm xoang là căn bệnh rất khó chịu, gây mệt mỏi, làm giảm khả năng học tập và làm việc của người bệnh, thậm chí nếu để bệnh nặng, có thể dẫn đến một số biến chứng như: viêm phế quản mãn tính, lao phổi giả, viêm họng mạn hay viêm dây thần kinh thị giác.

Vì vậy khi nhận thấy mình có dấu hiệu của bệnh viêm xoang, bạn cần đi thăm khám để được điều trị kịp thời đúng và đúng cách. Sau đây sẽ là một số thông tin về căn bệnh này và những điều cần lưu ý khi điều trị bệnh.       

Viêm xoang được chia làm 3 loại.

- Viêm xoang cấp tính là viêm xoang xảy ra trong vòng 1 tháng.

- Viêm xoang bán cấp là viêm xoang kéo dài từ 1 đến 3 tháng.

- Viêm xoang mãn tính là viêm xoang kéo dài trên 3 tháng.

Nguyên nhân của bệnh ban đầu thường do virus, sau đó có sự bội nhiễm của vi trùng. Khi bị viêm xoang cấp, bệnh nhân thường có các triệu chứng: Sốt, nhức đầu, sổ mũi xanh hoặc vàng, ghẹt mũi, ho có đờm, người uể oải, mệt mỏi.

Việc điều trị viêm xoang cấp bằng kháng sinh phù hợp trong trường hợp có nhiễm trùng. Kháng sinh giúp tan đờm, kháng viêm, giảm đau, hạ sốt. Tùy theo từng trường hợp nặng - nhẹ mà việc điều trị có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày hoặc 14 ngày. Không quá kiêng cữ trong ăn uống khi điều trị viêm xoang cấp. Cần bổ sung thật nhiều chất bổ dưỡng để hệ miễn dịch có thể hoạt động mạnh chống lại vi trùng. Nếu phải dùng kháng sinh lâu ngày, nên bổ sung thêm men tiêu hóa.

Lưu ý: bạn nên tránh các tất cả món ăn đã từng gây dị ứng, tránh các sản phẩm bơ sữa, tránh nước uống quá lạnh và cần cách ly với môi trường ô nhiễm.

Meo.vn (Theo VTV)

Đừng chủ quan với bệnh viêm họng

Có thể nói chắc chắn một câu: Ai cũng đã bị viêm họng và không chỉ một lần. Bệnh thường coi là nhẹ, chẳng chết ai nên cũng chẳng mấy quan tâm. Viêm họng vài ngày, khỏi đấy, rồi cũng quên đi cho đến khi lại bị lại, cứ cái vòng luẩn quẩn, đến khi thành mạn tính mới thấy phiền.Viêm họng được “phủ sóng toàn quốc”, không có vùng nào, nhà nào, tuổi nào, nghề nào… được chừa ra, cho nên ở nước ta mọi người đã quen “sống chung với viêm họng”.

Chẩn đoán viêm họng thì dễ đến mức nhiều người khỏi cần đi khám bệnh. Mà có đi khám bác sỹ cũng chỉ thấy hỏi sốt không, ho không, khạc đờm không. Rồi há mồm, đè lưỡi xem họng, kê đơn thuốc là xong. Cứ nghĩ bệnh vặt thành coi thường.

Cần sửa đổi thái độ không đúng ấy nếu muốn có một sức khỏe tốt để đối phó khả dĩ với tình trạng ô nhiễm nhiều thứ hiện nay.

Viêm họng hay được chẩn đoán dễ dãi và có phần tùy tiện vì chỉ nói đến cái triệu chứng đang mắc phải trong khi một chữa trị nghiêm túc cần tìm đến nguyên nhân chủ yếu gây bệnh.

Nguyên nhân thì rất nhiều vì họng là cửa ngõ ra vào của cả đường hô hấp và đường tiêu hóa nên nó thường xuyên bị quá tải với đủ loại bất thường: thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng, thời tiết thay đổi, thói quen sinh hoạt, đặc điểm nghề nghiệp…

Được coi là thủ phạm dẫn đến viêm họng có thể kể: ăn uống linh tinh không hợp vệ sinh, những ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng như sâu răng, viêm miệng, viêm xoang, thói quen uống nhiều nước đá, uống nhiều bia ướp lạnh hay cho nhiều đá, những bữa ăn nhậu tổng hợp đủ lẩu nóng, bia lạnh kèm hút thuốc lá lu bù, việc lạm dụng dùng điều hòa nhiệt độ quá lạnh, quá khô trong khi ngoài trời nóng ẩm. Ăn xong lại đi hát karaoke, vừa hát vừa gào và chiêu giọng lại bằng bia lạnh bia đá, lại hút thuốc…

Do đặc điểm giải phẫu liên quan, thủ phạm gây viêm họng còn do viêm nhiễm của các cơ quan lân cận là tai, mũi, a-my-đan (amydal) và các xoang vùng mặt.

Viêm họng cũng có nguyên nhân đáng kể do yếu tố nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại mà thiếu trang bị bảo hộ.

Viêm họng cũng có nguyên nhân do nhiễm virus, đặc biệt trong thời tiết lạnh, ẩm.

Viêm họng đến lượt nó lại là nguyên nhân dẫn đến các viêm nhiễm nặng nề hơn gồm: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai. Đặc biệt, viêm họng do liên cầu  nhóm A  có tên khoa học là Streptococcus có một hậu quả cực kỳ nguy hiểm gây bệnh thấp tim, có nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng ở van tim ảnh hưởng sức khỏe cả đời hoặc gây bệnh viêm cầu thận cấp cũng một  là biến chứng trầm trọng.

Viêm họng khi không được điều trị dứt điểm dẫn đến viêm họng mạn tính rất phiền phức khi hay tái phát thành đợt cấp hoặc thành viêm họng hạt là thể bệnh rất khó điều trị. Hiện tại, ngay cả tại phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, chỉ định đốt cho viêm họng hạt cũng không giải quyết được vì vẫn bị tái phát.

Như vậy, viêm họng là loại bệnh vừa thường gặp (chiếm 75% ở các phòng khám tuyến cơ sở) nhưng không thể coi thường vì những hậu quả khôn lường của nó.

Thái độ đúng đắn khi bị viêm họng là cần được khám bệnh cẩn thận để tìm ra bằng được nguyên nhân chính xác, không lạm dụng kháng sinh để cốt cho khỏi triệu chứng lúc đó mà quên đi nguy cơ tiềm ẩn. Khi cần thiết phải khám chuyên khoa tai, mũi, họng để phát hiện những nguyên nhân phối hợp liên quan. Phải loại trừ tận gốc các ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng như sâu răng, viêm tai, viêm a-my-đan, viêm xoang vì đây mới chính là nguyên nhân cơ bản.

Khi viêm họng không do nhiễm vi khuẩn thì kiên quyết không dùng kháng sinh, vừa mệt người vừa mua thêm hậu quả vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Trong những trường hợp viêm họng do ăn nhậu, hút thuốc vô độ hay do lạm dụng điều hòa nhiệt độ thì cách chữa đúng đắn là phòng bệnh, dùng các cách đơn giản như súc miệng nước muối, ngậm chanh muối, uống quất ngâm mật ong.

Theo laodong.vn

Viêm họng có những biến chứng gì?

* Cháu thường xuyên bị viêm họng. Cháu nghe nói bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Xin quý báo cho biết cháu phải chữa trị thế nào để tránh được các biến chứng đó? (Lê Thanh Tâm - Hải Dương)

- Họng là một cơ quan đặc biệt của cơ thể, hằng ngày, hằng giờ nó luôn phải tiếp xúc với nhiều nguy cơ gây viêm nhiễm, do vậy viêm họng là bệnh hay gặp và phổ biến ở mọi lứa tuổi, mọi nơi, mọi mùa. Nếu cháu thường xuyên bị viêm họng thì rất có thể cháu bị viêm họng mạn tính.

Các biểu hiện lâm sàng thường ít, không ảnh hưởng đến toàn thân, không sốt, người chỉ cảm thấy mệt mỏi. Dấu hiệu quan trọng nhất là rát họng, nuốt vướng, đặc biệt là dấu hiệu ho từng cơn hoặc liên tục, ho nhiều, ho khan hoặc có thể có ít đờm làm người bệnh khó chịu phải khạc nhổ liên tục. Khám thực thể không phát hiện gì đặc biệt, chỉ có thể thấy tình trạng sung huyết đỏ, xuất tiết như nước cháo, nước hồ dính ở thành sau họng hoặc các tổ chức lympho phát triển mạnh ở thành sau họng, mà người ta gọi là viêm họng quá phát hoặc viêm họng hạt.

Những biến chứng có thể xảy ra của các loại viêm họng nói chung là:

- Các biến chứng tại chỗ gây áp-xe hoặc viêm tấy quanh họng, viêm tấy quanh amidan, ở trẻ nhỏ có thể gây áp-xe thành họng.

- Những biến chứng gần có thể gây ra viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa. Ngoài ra viêm họng còn lan xuống thanh quản gây viêm thanh quản hoặc viêm cả thanh, khí, phế quản hoặc viêm phổi.

- Các biến chứng xa gây viêm cầu thận, viêm khớp, viêm màng ngoài tim...

Với viêm họng mạn tính, để điều trị bệnh, người ta có thể can thiệp bằng cách đốt hạt bằng muối bạc, bằng axít chromic, đốt điện, đốt bằng laser CO2 hoặc bằng nitơ bạc. Tuy nhiên các biện pháp phòng bệnh là quan trọng hơn cả.

Cháu cần giữ ấm cổ, ngực, vệ sinh răng miệng, không sử dụng các chất kích thích, tránh khói bụi, bồi dưỡng sức khỏe để tránh bệnh bị tái phát.

(Theo SK&ĐS)

Trà xanh trị viêm họng

Trà xanh chứa 20% tanin có khả năng sát khuẩn mạnh, dùng để súc họng chữa viêm họng mạn tính. Đặc biệt, thành phần này còn có tác dụng như vitamin P, rất hiệu quả trong điều trị các bệnh herpes gây viêm loét họng và miệng.

Bài thuốc với trà xanh chữa viêm họng thông thường gồm: trà xanh 100 g, cam thảo 10 g, nước 100 ml. Đun trà và cam thảo ngập nước trong nửa giờ, sau đó lọc chắt lấy nước một. Tiếp tục cho thêm nước vào phần bã và đun thêm nửa giờ, rồi chắt lọc nước hai. Gộp cả hai nước, tiếp tục đun cho đến khi chỉ còn khoảng 100 ml là dùng được. Cần uống 4 lần/ngày, mỗi lần 5-10 ml. Mỗi đợt điều trị cần kéo dài từ 3-5 ngày sẽ có hiệu quả.

Ngoài tác dụng sát khuẩn, trà xanh còn chứa cafein, vitamin B, B2, C có tác dụng là săn da, chống lão hóa, đặc biệt tăng cuờng sức đề kháng của cơ thể.

Thạc sĩ Phạm Bích Đào, Sức Khỏe & Đời Sống

Một số phươngpháp đơn giản chữa bệnh răng miệng

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiKhi bị rộp miệng, bạn hãy cắt vài lát gừng, cho vào miệng nhai nhỏ, vết rộp sẽ nhanh hết. Việc nhai sống lá hoặc củ tỏi cũng đem lại tác dụng này.

Sau đây là một số cách chữa bệnh răng miệng dễ thực hiện khác:

1. Chống sâu răng

- Súc miệng bằng nước chè: Trong lá chè có chất làm chắc răng. Nước chè có chất kiềm, có thể trung hòa axit, chống sâu răng và một số loại vi khuẩn gây bệnh.

- Súc miệng bằng nước muối: Mỗi ngày dùng nước muối nhạt súc miệng 2-3 lần, có thể phòng chống bệnh chảy máu lợi.

- Ăn táo tây thường xuyên: Trong táo có chất cellulose (một loại hyđrat cácbon gồm các đơn vị đường glucose kết hợp), giúp làm sạch cầu răng lợi, phòng chống các bệnh về răng miệng. Tuy nhiên, khi ăn xong nên súc miệng vì trong táo có nhiều đường lên men, dễ làm hỏng răng.

2. Khử mùi hôi trong miệng

Sau khi ăn tối (nhất là dùng thức ăn có tỏi), miệng thường rất hôi. Để khử hết mùi, có thể dùng các cách sau:

- Nhai một ít lá chè tươi hoặc uống một cốc chè đặc, mùi hôi sẽ mất ngay.

- Uống một cốc sữa bò.

- Súc miệng nước muối để diệt các loại vi khuẩn làm hôi miệng.

3. Chữa sưng và đau họng

- Dùng giấm và nước lượng bằng nhau để súc miệng.

- Lấy muối rang khô, chín già, giã nhỏ, thổi vào trong họng rồi nhổ nước bọt ra.

- Ăn lê thường xuyên.

- Giằm nát quả mướp non, lấy nước súc miệng thường xuyên.

- Lấy xì dầu (1 thìa canh) súc miệng, khoảng 1 phút thì nhổ ra, làm liên tục 2-3 lần sẽ thấy tác dụng. Khi súc miệng, cố gắng ngửa đầu ra sau để xì dầu tiếp xúc với họng.

4. Tiêu đờm, chữa ho

- Vỏ cây dâu 10 g, cam thảo 5 g, lá tre 5 g. Tất cả rửa sạch, sắc lên để uống. Bài thuốc này giúp tiêu đờm vào buổi sáng sớm.

- Vỏ bí đao phơi sương, cho đường vào nấu thành canh để uống, có tác dụng chữa ho.

- Gừng một miếng thái nhỏ, trứng gà 1 quả. Cho gừng vào đánh với trứng, rán lên ăn nóng, ngày 2 lần. Thuốc có tác dụng chữa ho rất tốt.

5. Chữa khản giọng

- Nếu bị khản giọng do cảm hoặc viêm họng mạn tính, có thể dùng 100 g giấm ăn để luộc một quả trứng gà (trong khoảng 15 phút), sau đó ăn trứng, uống giấm, chỉ 1-2 lần là khỏi.

- Trước khi đọc diễn văn, có thể uống nước muối nhạt để tránh bị khản giọng.

Theo Nông Nghiệp Việt Nam

Món ăn bài thuốc dùng cho người bệnh đường hô hấp

Thời tiết chuyển từ mùa đông sang xuân là khoảng thời gian các bệnh lý đường hô hấp rất dễ phát sinh. Người bệnh thường bị ho kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt. Khi bị ho, người ta thường chỉ chú ý vào việc dùng thuốc mà ít lưu tâm đến vấn đề ăn uống, đặc biệt là việc sử dụng các thực phẩm và món ăn có giá trị hỗ trợ phòng và chữa bệnh. Y học cổ truyền đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm về vấn đề này. Xin được giới thiệu một số món ăn - bài thuốc chữa ho để bạn đọc tham khảo.

Cháo bách hợp, hạnh nhân: Bách hợp tươi 50g, hạnh nhân 10g, gạo thơm 50g. Gạo thơm vo sạch cho nước nấu cháo, cháo sắp được cho bách hợp, hạnh nhân bỏ vỏ vào, cháo nấu loãng cho đường gia giảm. Công hiệu: Nhuận phế khỏi ho. Dùng cho các chứng bệnh ho phổi khô, viêm khí quản... Ngày ăn hai lần.
Cháo hoa bách hợp.

Cháo sơn dược (củ mài), hạnh nhân: Sơn dược 100g, hạnh nhân 200g, kê 100g, một ít bơ. Sơn dược nấu chín, kê sao qua, hạnh nhân sao chín bỏ vỏ, cắt nhỏ. Mỗi lần lấy 10g hạnh nhân bột, sơn dược, kê vừa đủ hoà với nước sôi để nguội, cho một ít bơ là được. Dùng cho chứng bệnh tỳ hư thể nhược, phế hư, ho lâu... Ngày ăn một lần.

Cháo hoàng tinh (củ dong): Hoàng tinh 30g, gạo thơm 100g, đường trắng vừa đủ. Hoàng tinh rửa sạch, cho nước nấu bỏ bã lọc lấy nước trong. Cho gạo thơm vo sạch vào, thêm nước nấu cháo loãng. Cháo chín cho đường vừa đủ. Công hiệu: Bổ tỳ vị, nhuận tâm phế, bổ trung ích khí. Dùng cho các chứng tỳ vị hư nhược, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, phế hư, ho khan, hoặc ho khan không đờm, lao phổi ho máu... Ngày một bát chia ăn vài lần, 3-5 ngày một liệu trình.

Cháo nước mía: Nước mía 100-150g, gạo thơm 50g. Gạo thơm vo sạch, cho vào nồi 300ml nước nấu cháo loãng, sau đó cho nước mía vào, đun nhỏ lửa cho đến khi được cháo. Công hiệu: Thanh nhiệt, bồi bổ sức khoẻ, nhuận táo khỏi ho... Dùng cho các chứng ho hư nhiệt, phiền nhiệt, miệng khát, chứng nôn, đi ngoài táo bón. Ăn ngày hai lần.

Cháo quả la hán: Quả la hán 50g, thịt lợn nạc xay nhỏ 50g, muối dầu ăn vừa đủ, gạo thơm 100g. Quả la hán cắt miếng nhỏ, cho gạo thơm đãi sạch vào nồi, cho một lít nước vào đun sôi, cho thịt lợn, quả la hán vào, cháo chín cho muối, dầu ăn vào là được. Công hiệu: Thanh phế tiêu đờm, tiêu thử giải khát, lợi hầu nhuận tràng. Dùng cho các chứng ho đờm hoả, ho bách nhật, táo bón, viêm họng mạn tính, viêm khí quản... Ngày 1 bát, chia vài lần.

Cháo hoa bạch lan: Hoa bạch lan 4 bông, táo đỏ 50g, mật ong 50g, đường trắng 50g, gạo nếp 100g. Nụ hoa bạch lan hái vào sáng sớm, táo đỏ bỏ vỏ thái sợi, cho gạo nếp đãi sạch vào nồi, thêm một lít nước, đầu tiên đun sôi, sau đun nhỏ lửa, nấu thành cháo, cho táo đỏ, hoa bạch lan, đường trắng, và mật ong vào đun qua là được. Công hiệu: Hết đờm, khỏi ho, lợi niệu, hành khí đục. Dùng cho các chứng ho có đờm, tiểu ít mà đỏ, sơn lam trướng khí. Ngày 1 bát, chia ăn vài lần.
Cháo lạc nhân táo đỏ.

Cháo nho: Nho khô 50g, đường trắng 50g, gạo nếp 100g. Gạo nếp đãi sạch, cho vào nồi cùng với một lít nước và nho khô, ban đầu đun lửa to cho sôi, sau đun nhỏ lửa nấu đến khi được cháo, cho đường trắng vào là được. Công hiệu: Ích khí huyết, mạnh gân cốt, trừ phiền khát, lợi tiểu tiện. Dùng cho các chứng khí huyết hư nhược, phế hư, tim loạn nhịp, mồ hôi trộm, phong thấp đau mỏi, đái dắt, phù thũng... Ngày 1 bát, chia ăn vài lần.

Cháo mật ong, tùng tử nhân: Tùng tử nhân 30g, mật ong vừa đủ, gạo nếp 50g. Tùng tử nhân nghiền nát cho cùng gạo nếp đãi sạch vào nồi, nước 400ml, ban đầu đun lửa to cho sôi, sau nấu nhỏ lửa, cháo chín cho mật ong vào là được. Công hiệu: Dùng cho chứng bệnh phổi khô, ho khan, không đờm hoặc ít đờm, da khô và táo bón do tuổi già, hậu sản, cơ thể yếu, khô họng. Ngày một bát chia hai lần ăn nóng. Người tỳ vị hư nhược, đi ngoài phân lỏng và người đàm thấp, nhiều đờm, dạ dày căng trướng, nôn mửa, không thích ăn....nói chung không nên dùng.

Cháo gạo nếp: Gạo nếp 50g. Gạo nếp đãi sạch cho vào nồi, nước 0,5 lít, ban đầu đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa nấu cháo loãng. Công hiệu: Bổ phổi, thanh nhiệt, khỏi ho. Dùng cho chứng bệnh ho, ít đờm, thân nhiệt cao, mồ hôi trộm do phế hư biểu nhiệt... Ngày 1 bát ăn nóng. Người tỳ vị hư hàn và trẻ em không nên ăn nhiều.

Cháo lạc nhân, táo đỏ: Lạc nhân 50g, táo đỏ 50g, đường phèn vừa đủ, gạo nếp 100g. Lạc nhân để cả vỏ đỏ giã nát, táo đỏ rửa sạch bỏ vỏ, cho cùng gạo nếp đãi sạch vào nồi đất, nước 800ml, ban đầu đun lửa to cho sôi, sau đun nhỏ lửa cho đến khi được cháo, cho đường phèn vào đến khi tan hết là được. Công hiệu: Kiện tỳ khai vị, nhuận phế trừ đờm, thanh lợi hầu. Dùng cho chứng ho đờm suyễn, tỳ vị bất hoà, suy dinh dưỡng. Ngày một bát, chia hai lần sáng, tối.

BS. Lê Thu Hương
(suckhoe-doisong)

Củ năn thanh nhiệt, hóa đàm

Củ năn còn gọi là bột tề, mã thầy. Tên khoa học: Eleocharis plantaginea R.Br.. họ Cói (Cyperaceae). Cây năn là loại cỏ, thích sống dưới nước, nên được trồng ở vùng ao hồ hay vùng ngập. Bộ phận dùng là củ. Củ năn chứa nhiều tinh bột, protein và ít đường. Theo Đông y, củ năn vị ngọt đắng, tính bình; vào phế vị. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu tích hoá đàm. Dùng cho các trường hợp sốt nóng mất nước, đau họng, đau mắt đỏ, vàng da sốt, tiểu ít, phù nề, viêm đường tiết niệu, đầy bụng không tiêu.

Liều dùng cách dùng: 60 - 120g; ăn sống; ép vắt nước; nấu.

Một số bài thuốc và món ăn có củ năn dùng chữa bệnh:

Chữa phù thũng, tiểu tiện khó khăn: Củ năn 15 – 20g, lô căn 30g. Sắc nước uống trong ngày.

Nước hãm bột tề (củ năn): Bột tề (củ năn) 120g, đập giập, sắc uống thay nước chè. Dùng cho các bệnh nhân vàng da, tiểu ít.

Củ năn (mã thầy).

Củ năn ngâm rượu: Củ năn, chọn các củ không giập vỡ, rửa sạch để khô, đổ rượu ngâm 3 tuần. Mỗi lần nhai ngậm và nuốt với chút nước và rượu. Ngậm và nuốt khi đói. Dùng cho các trường hợp có hội chứng lỵ amip cấp.

Lòng lợn nhồi củ năn: Củ năn gọt bỏ vỏ, thái lát, cho vào đoạn ruột lợn (lòng lợn) buộc hai đầu, đem luộc nhừ trong xoong hoặc nồi đất, không cho muối. Dùng cho bệnh nhân đầy trướng bụng.

Nước ép củ năn hoà rượu: Nước ép củ năn nửa cốc, hòa chung nửa cốc rượu trắng nhạt cho uống. Dùng cho các trường hợp đại tiện xuất huyết.

Nước ép củ năn: Củ năn 120g ép lấy nước, để lạnh cho uống. Dùng cho các trường hợp đau sưng họng, viêm họng.

Nước sắc củ năn cỏ tranh: Củ năn 120g, bạch mao căn 100g. Củ năn gọt vỏ, ép lấy nước, bạch mao căn nấu lấy nước, đem hòa với nước củ năn, thêm chút đường trắng, cho uống dần dần như uống nước trà. Dùng cho bệnh nhân vàng da, phù nề, tiểu ít.

Canh củ năn: Bột củ năn 250g, bột mứt hồng thị 6g, cát cánh 12g, tử tô 12g, xuyên bối mẫu 10g. Ba vị cùng sắc lấy nước. Dùng nước sắc nấu với bột củ năn, bột mứt hồng thị. Cho ăn ngày 1 lần, đợt dùng 5 - 7 ngày. Dùng cho bệnh nhân viêm họng mạn tính, có triệu chứng viêm teo niêm mạc và đau rát họng, ho khan ít đờm.

Kiêng kỵ: Người tỳ vị hư hàn không dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

Mùa lạnh, trị viêm họng hạt

Mùa này, bạn rất dễ mắc viêm họng hạt hoặc bị tái phát bệnh. Nuốt khó, đau rát họng, ho dai dẳng kèm theo đờm đặc... là những triệu chứng khó chịu của bệnh đòi hỏi phải trị dứt điểm.

Viêm họng hạt là phản ứng của niêm mạc họng khi bị viêm nhiễm kinh niên. Biểu hiện là thành sau họng có nhiều hạt lớn nhỏ khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy ngứa, rát, nuốt vưỡng, húng hắng ho, ho dai dẳng có khi gây sốt, ho có đờm đặc. Viêm mạn tính, amiđan và xoang cũng dẫn đến đau họng hạt.

Dùng kháng sinh để điều trị sẽ giúp làm lui bệnh nhanh hơn nếu là viêm họng hạt cấp nhưng đối với viêm họng mạn thì việc dùng kháng sinh phối hợp là không cần thiết.

Nhiều người sử dụng biện pháp điện đốt các hạt viêm, khí dung kháng sinh tại chỗ... nhưng đây chỉ là điều trị triệu chứng, không cho kết quả lâu dài. Để điều trị tận gốc, phải điều trị nguyên nhân đó là những viêm nhiễm xung quanh amiđan và xoang thì bệnh mới không tái phát.

Ảnh minh hoạ

Với bệnh viêm họng hạt, tối ưu nhất là phòng bệnh:

- Giữ ấm vùng mặt, cổ, ngực, gan bàn chân, tránh ăn kem, uống nước đá lạnh.

- Giữ vệ sinh răng miệng và họng sạch sẽ.

- Có thói quen súc họng với nước muối ấm loãng có độ mặn tương đương với nước canh, ngày súc 3 lần.

- Không hút thuốc lá và cũng tránh ngửi khói thuốc thụ động, tránh nơi có không khí ô nhiễm…

Trị bệnh:

- Để điều trị viêm họng hạt, trước hết phải loại bỏ các ổ vi khuẩn xung quanh, tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến viêm họng hạt để chữa một cách triệt để. Ví dụ: điều trị viêm mũi, viêm xoang, viêm khí phế quản, viêm amidan... để loại bỏ ổ vi khuẩn ở những nơi này.

- Sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sỹ. Nếu viêm họng cấp tính do virus thì không cần dùng kháng sinh, chỉ cần các thuốc sốt, giảm ho và thuốc long đờm. Còn viêm họng do vi khuẩn cần phải dùng kháng sinh, một đợt điều trị từ 5-7 ngày.

- Xông họng bằng các loại kháng sinh, kháng viêm hoặc chấm họng bằng các loại thuốc như glyxerin borat.

- Vệ sinh đường họng sạch sẽ, súc họng với nước muối ấm loãng, pha nước muối theo tỷ lệ 9gr muối trong 1 lít nước là tốt nhất. Cứ sau 2 tiếng súc họng 1 lần để sát trùng đường họng, giảm bớt được các triệu chứng của họng.

Súc họng bằng nước muối ấm không những sát trùng đường họng, giảm sưng, viêm mà còn giúp giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, khiến bạch cầu đến đây nhiều hơn, giúp bệnh mau lành nhưng đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh.

Để việc súc họng bằng nước muối được hiệu quả, trước tiên, cần súc sạch khoang miệng rồi mới súc họng khoảng 3-4 lần với nước muối. Sau 2-3 giờ lại súc lại. Lưu ý súc họng trước và sau khi đi ngủ sẽ giúp giảm vưỡng víu ở họng.

Khi súc họng làm sao phải cổ ngửa ra sau đến mức tối đa để nước muối chạm thành sau họng thì dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu 'khò khò' đều đặn. Nếu chỉ viêm họng cấp, súc họng đều đặn sẽ giúp giảm triệu chứng rõ rệt sau 2-3 ngày.

- Tập thở sâu (phương pháp thở bụng) dài hơi, nhẹ nhàng và đều đặn.

- Uống nhiều nước hàng ngày để tránh cổ họng bị khô

- Hạn chế nói để tránh làm sưng, tổn thương họng.

- Bài thuốc dân gian trị viêm họng hạt: cắt chanh thành lát, trộn với muối hạt ngậm khi mới viêm họng, ăn cháo nóng nhiều hành, tía tô, hạt tiêu sẽ tiêu diệt được vi khuẩn vùng họng. Dùng vị thuốc đông y từ Kha tử giúp trị viêm họng, họng có đờm, tiêu đờm, ho rất hữu hiệu, hoặc cho 1 nắm hạt tam tử với 1 bát nước, đun sôi còn nửa bát uống sẽ rất tốt cho các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.

(Theo aFamily)

Cảm giác vướng ở họng – Bệnh gì?

Dị cảm họng xuất hiện như thế nào?

Nuốt là một trong những chức năng sinh lý mà họng – thực quản đảm nhiệm. Cơ chế của nuốt rất phức tạp. Nuốt do nhiều bộ phận tham gia bao gồm các cơ xiết họng, màn hầu, lưỡi gà, đáy lưỡi, băng thanh, niêm mạc  thất họng – thực quản cùng với sự phối hợp nhịp nhàng của dây thần kinh IX, X, XI, XII và não bộ. Dị cảm họng xuất hiện khi có các yếu tố tác động lên một trong những bộ phận tham gia vào cơ chế nuốt mà chủ yếu là mất đi sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận nói trên do những nguyên nhân cơ năng.

Những biểu hiện của bệnh trên lâm sàng: Thể trạng bệnh nhân hoàn toàn bình thường nhưng nét mặt trông rất lo âu. Khám họng sẽ thấy hình ảnh của viêm họng mạn tính với các tổn thương khác nhau tuỳ theo thể bệnh:

Viêm họng mạn tính long tiết: Niêm mạc họng đỏ, ướt, có những hạt ở thành sau họng. Dịch nhầy chảy dọc theo thành sau họng.

Viêm họng quá phát: Niêm mạc họng dày và đỏ. Có khi các cơ họng cũng quá phát. Bên cạnh mỗi trụ sau có một cái nẹp giả do niêm mạc bị quá phát. Bệnh nhân rất hay buồn nôn và có nhiều phản xạ họng. Thành sau họng có những mảng quá sản dày, bóng và đỏ. Màn hầu và lưỡi gà dày, eo họng bị hẹp. Mép sau của thanh quản cũng bị dày nên bệnh nhân hay kèm theo ho khan và khàn tiếng.

Viêm họng teo: Sau giai đoạn viêm quá  phát sẽ chuyển sang thể teo. Các tuyến nhầy và nang tổ chức tân xơ hoá. Hai trụ giả phía sau hai amidan mất đi. Các hạt ở thành sau họng cũng biến mất. Màn hầu và lưỡi gà mỏng đi. Niêm mạc họng trở nên nhẵn, mỏng, trắng và có mạch máu nhỏ. Eo họng doãng rộng, ít tiết nhầy và họng trở nên khô.

Người ta cũng có thể sử dụng một số phương pháp cận lâm sàng như chụp Xquang họng thực quản có cản quang, soi hoạt nghiệm thanh quản để xác định rối loạn chức năng của niêm mạc, cơ vòng thực quản vùng họng thực quản trong những trường hợp như thế này.

Soi họng tìm nguyên nhân gây dị cảm họng

Cần phải làm gì trước một  trường hợp dị cảm họng?

 

Điều trị viêm họng mạn tính

- Giai đoạn long tiết: Xúc họng bằng các dung dịch BBM, nước muối sinh lý 0,9%, chấm họng bằng SMC, khí dung họng bằng tinh dầu hoặc các thuốc kháng sinh, giảm viêm, chống phù nề dạng dung dịch.

- Giai đoạn quá phát: Đốt các hạt lympho ở trụ sau, thành sau họng bằng nitrát bạc, cô te điện, nitơ lỏng, hoặc laser…

- Giai đoạn teo: Khí dung nước biển từng đợt 10 ngày trong một tháng, kéo dài 3 - 6 tháng. Uống vitamin C và vitamin A để tăng sức đề kháng niêm mạc.

- Điều trị bằng tâm lý liệu pháp: Người thầy thuốc nên thăm khám cẩn thận, tỉ mỉ, vừa khám vừa trao đổi giải thích với bệnh nhân, nếu có thể khám nội soi để bệnh nhân quan sát cùng với thầy thuốc. Phối hợp với nhóm thuốc an thần kinh trong những trường hợp cần thiết (stablone, magne - B6…). Nếu là phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể sử dụng một số hormon như estrogen tùy theo từng trường hợp.

Phòng bệnh: Kiêng rượu, bia, thuốc lá. Ăn uống điều độ, tránh khói bụi, hơi độc. Khi bị viêm họng cấp cần điều trị kịp thời, dứt điểm, không để kéo dài trở thành mạn tính. Đối với viêm họng mạn tính khu trú như viêm amidan nếu điều trị đúng phác đồ mà vẫn tái phát nhiều lần (> 5 lần/năm) thì chỉ định cắt amidan. Có chế độ làm việc, nghỉ ngơi và sinh hoạt hợp lý. 

Ai dễ bị dị cảm họng?

Dị cảm họng thường gặp ở những người bị viêm họng mạn tính, phụ nữ trong thời kỳ tiền mãn kinh, những người đang gặp stress trong công việc hoặc cuộc sống, người thường xuyên mất ngủ…

Người bệnh đi khám thường phàn nàn là họ cảm giác có vật vướng ở trong họng như mắc tóc, lông gà, có xương hoặc hình như cảm giác thấy có khối u đang hình thành trong họng của họ nên rất lo lắng. Trong một số trường hợp, cảm giác vướng họng có thể tình cờ xuất hiện ngay sau khi ăn nên người bệnh nghĩ rằng mình đang bị hóc thức ăn, dị vật trong họng mà bác sĩ khám không nhìn thấy, đôi khi họ tự móc họng để lấy dị vật làm tổn thương niêm mạc họng, hạ họng nặng nề.

Cảm giác vướng trong trường hợp dị cảm họng chỉ thấy khi nuốt nước bọt trong khi đó họ ăn cơm và uống nước lại hoàn toàn bình thường. Cảm giác vướng tăng lên những lúc họ mất ngủ hoặc làm việc quá sức.

 

ThS. Phạm Bích Đào

Xoa bóp chữa bệnh viêm họng mạn tính

Viêm họng là bệnh rất hay gặp trong mùa đông do thời tiết lạnh và hanh khô kéo dài. Bên cạnh đó, hút thuốc lá, nghiện rượu nặng, hoặc phải sống trong môi trường  nhiều bụi, khí độc,… là những yếu tố thuận lợi làm mắc bệnh. Nếu không được điều trị triệt để sẽ dẫn đến viêm họng mạn tính hoặc gây viêm phế quản, phổi... Người bệnh có cảm giác vướng víu, ngứa rát thường xuyên trong họng; ho và khạc đờm (quánh dính hoặc trắng nhầy) thường xuyên, nhất là sáng sớm, khi ngủ dậy. Do ngứa họng nên người bệnh hay khạc nhổ, ho khan, đặng hắng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và công việc. Gặp điều kiện thuận lợi như những ngày trời rét đậm hoặc sức đề kháng của cơ thể giảm sút, bệnh có thể nặng lên thành một đợt viêm họng cấp (người bệnh có đau họng, sốt, ho khạc đờm đặc...). Theo Đông y, viêm họng  thuộc phạm vi chứng tý, gọi là  hầu tý. Nguyên nhân là do phong hàn, phong nhiệt hoặc khí táo. Xoa bóp bấm huyệt là một phương pháp đơn giản của Đông y giúp giảm bớt những triệu chứng của viêm họng mạn và đề phòng những đợt cấp hoặc biến chứng của viêm họng. Ngoài việc uống thuốc, nên kiên trì thực hiện xoa bóp hằng ngày sẽ có hiệu quả.

Day huyệt phong trì.

Vuốt hai bên họng: Dùng ngón tay cái day ấn huyệt liêm tuyền khoảng 3 phút.

Dùng ngón tay cái và ngón trỏ vuốt hai bên cạnh họng từ trên xuống khoảng 3 phút.

Dùng ngón cái và ngón trỏ tay phải đặt nhẹ hai bên xương sụn họng (chỗ yết hầu) lắc chậm rãi sang phải, sang trái khoảng 30 lần.

Xoa day huyệt phong trì: Dùng hai ngón tay cái ấn vào huyệt phong trì và day khoảng 2 phút.

Xoa huyệt dũng tuyền: Để chân trái lên đầu gối  chân phải, dùng tay phải xoa mạnh lòng bàn chân trái, nhanh và mạnh dần đến khi cảm giác nóng lên thì thôi. Sau đó đổi chân xoa bằng tay trái.

 

Vị trí huyệt:

- Liêm tuyền: Chính giữa bờ trên sụn giáp trạng, trên lằn chỉ ngang chỗ cuống hầu, ở trên khe của xương móng và sụn giáp trạng.

- Phong trì: Ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.

- Dũng tuyền: Dưới lòng bàn chân, huyệt ở điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn đầu ngón chân thứ hai và giữa bờ sau gót chân, lỗ hõm dưới bàn chân.

Để phòng bệnh, cần thực hiện những điều sau:

 

- Súc miệng hằng ngày bằng nước muối loãng và ngậm chanh muối, gừng muối, quất hấp đường phèn hoặc mật ong.

- Phòng ở và nơi làm việc phải đủ ấm, tránh làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, hóa chất. Cần giữ ấm đặc biệt là cổ và ngực, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài trời.

- Kiêng hút thuốc lá và hạn chế rượu. Ăn đủ chất dinh dưỡng để cơ thể có sức đề kháng, tránh các thức ăn cay, mặn.

- Tránh bị cảm cúm và viêm mũi họng cấp. Khi bị viêm họng cấp hoặc đợt cấp của viêm họng mạn, cần dùng thuốc của y học hiện đại theo chỉ định của bác sĩ.

Lương y Đình Thuấn