Sự phát triển của công nghiệp điện đã làm gia tăng số người bị điện giật và tử vong. Điện giật thường xảy ra khi tay bị ướt mà tiếp xúc với các dụng cụ điện như là quần áo, phơi quần áo ướt lên dây điện, dây điện bị đứt rơi xuống đường, xuống ruộng gây tai nạn cho người tiếp xúc.
Tổn thương do điện giật
Điện giật thường gây hàng chuỗi các tổn thương ở nhiều cơ quan do tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của dòng điện. Tế bào thay đổi tính thấm màng, vỡ tế bào. Tăng men tế bào, tăng canxi trong tế bào dễ gây rung thất và rối loạn chức năng tim. Tổn thương do điện giật nặng nhất ở nơi tiếp xúc với nguồn điện, rồi đến vùng trục dòng điện đi qua, mô có điện trở nhỏ như dây thần kinh, mạch máu, cơ. Tổ chức bị phá huỷ làm màng tế bào vỡ, gây phù, hoại tử đông vón và thiếu máu. Thành mạch bị phá huỷ gây đông máu trong mạch, chảy máu. Độ nóng của dòng điện qua các trục gây ra bỏng. Điện giật dễ gây ngừng tim làm nạn nhân chết đột ngột do shock điện. Rung thất sẽ xuất hiện với dòng điện nhỏ 50 - 100mA. Dòng điện còn làm cơ thể thay đổi vận chuyển màng tế bào cơ tim, giải phóng ra chất catecholamin làm ngừng hô hấp dẫn đến ngạt và thiếu ôxy tổ chức. Thần kinh trung ương, não, tuỷ sống bị tác động trực tiếp của dòng điện hoặc thứ phát sau hệ hô hấp và tuần hoàn, gây thiếu máu và thiếu ôxy não, nạn nhân bị co giật kéo dài, ngừng hô hấp, ngừng tim, tắc mạch. Suy thận là biến chứng xảy ra sau tổn thương cơ do điện, gây hoại tử tắc ống thận, tan máu, giảm thể tích máu kéo dài sẽ dẫn đến giảm mức lọc cầu thận, thiếu máu vỏ thận.
Các yếu tố làm tăng nặng tổn thương do điện giật
Điện trở của cơ thể: trong cơ thể, điện trở giảm theo thứ tự các mô xương, mỡ, gân, cơ, niêm mạc, thần kinh. Độ ẩm, độ dày và độ sạch của da: lớp thượng bì không có mạch máu nên điện trở cao; khi da ẩm, mồ hôi hoặc nước, điện trở giảm. Thời gian tiếp xúc điện càng lâu thì tổn thương càng nặng. Dòng điện xoay chiều nguy hiểm hơn dòng điện một chiều. Nội tạng nằm trên đường trục, dòng điện sẽ tăng nguy cơ tổn thương.
Cắt điện ngay khi có tai nạn điện giật.
Khi tiếp xúc với nguồn điện, nạn nhân có thể bị chết đột ngột do ngừng tim, ngừng thở. Dòng điện xoay chiều 50 - 100mA gây rung thất và vô tâm thu. Nếu cường độ dòng điện 10A sẽ gây ra các triệu chứng: vô tâm thu; nhịp nhanh thất; ngoại tâm thu thất; nhịp chậm…Trên da nạn nhân thường gặp các tổn thương: bỏng da, vùng da bị bỏng điện có màu đỏ nhạt rồi trắng xám và trắng ở giữa. Dấu hiệu thần kinh: mất ý thức tạm thời, lẫn lộn hay kích thích, ngủ sâu, hôn mê, đau đầu, ngủ vật, cấm khẩu, điếc, viêm dây thần kinh ngoại biên. Mạch máu bị co thắt động mạch, viêm tắc mạch, vỡ mạch, chảy máu. Chấn thương gãy cột sống. Nếu nạn nhân là phụ nữ có thai có thể bị vỡ ối, đẻ non, thai chết lưu. Dạ dày ruột bị loét, chảy máu. Mắt bị bỏng, chảy máu. Tai bị điếc.
Xét nghiệm thấy urê máu tăng, creatinin tăng, toan chuyển hóa, hạ kali máu. Điện tim thấy ST - T chênh.
Xử lý cấp cứu
Cấp cứu tại nơi xảy ra tai nạn: khi phát hiện người bị điện giật, cần nhanh chóng tách họ ra khỏi dòng điện bằng cách cắt cầu dao điện. Có thể dùng bất cứ một vật dụng gì khô nhưng không phải bằng kim loại để đẩy, tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Không được dùng tay không mà nên mang găng tay cao su hay quấn bao nylon, vải khô, đi guốc dép khô hoặc đứng trên một tấm ván gỗ khô, dùng gậy gỗ khô để gạt dây điện ra.
Hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực để cấp cứu nạn nhân bị điện giật.
Tiến hành hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân. Nếu ngừng tim (sờ mạch cảnh hay mạch quay không có) phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Nếu chỉ có 1 người cấp cứu thì thổi ngạt 2 - 3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10 - 15 nhịp. Nếu có 2 người cấp cứu thì 1 người thổi ngạt, 1 người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Bất động, cố định tốt chi bị tổn thương và cột sống. Sau khi cấp cứu, nếu tim đập trở lại, nạn nhân hít thở tự nhiên thì khẩn trương chuyển đến bệnh viện.
Điều trị tại bệnh viện: bồi hoàn nước, điện giải, cân bằng kiềm toan. Theo dõi điện tâm đồ ít nhất 24 - 72 giờ. Đảm bảo thông khí tốt. Đề phòng nhiễm khuẩn bằng kháng sinh. Nếu có vết thương nặng, tiêm SAT kháng uốn ván. Chống phù não nếu nạn nhân bị hôn mê.
Phòng tai nạn điện giật: lắp đặt đúng kỹ thuật các đồ gia dụng bằng điện. Đi giày dép khô ráo khi tiếp xúc với điện. Dùng băng cách điện bít các ổ điện, các đầu dây điện. Các ổ điện trong nhà cần lắp cao, vượt tầm tay trẻ em khi chúng nô đùa trên sàn nhà.
Một vài thống kê cho thấy : ở Hoa Kỳ có 1000 ca tử vong do điện giật hàng năm, là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 5 trong bệnh nghề nghiệp; tử vong do điện giật 0,54% dân số/năm; trên 60% ca tử vong là nam giới, cao nhất ở tuổi 20-34. Từ 3-14% nạn nhân bị điện giật do điện cao thế, tử vong sau khi nhập viện, trong đó 1/3 trường hợp là thợ điện, 1/3 là công nhân xây dựng.
ThS. Nguyễn Mạnh Hà