Lưu trữ cho từ khóa: viêm da tiếp xúc

Bệnh viêm da do tiếp xúc

Bệnh viêm da tiếp xúc là tình trạng da bị viêm do tiếp xúc trực tiếp với một chất kích thích nào đó.

Nguyên nhân, tỷ lệ mắc bệnh và các yếu tố nguy cơ

Bệnh viêm da tiếp xúc là tình trạng viêm da khi da tiếp xúc trực tiếp với một chất kích thích hoặc chất gây dị ứng nào đó (còn gọi là dị ứng nguyên). Phản ứng có thể khác nhau trong cùng một người theo thời gian. Nếu một người có tiền căn bị dị ứng thì nguy cơ mắc bệnh này càng cao.

Bệnh viêm da do tiếp xúc

Viêm da kích thích, loại phổ biến nhất của bệnh viêm da tiếp xúc, là tình trạng viêm do tiếp xúc với chất có tính acid, kiềm như xà phòng, bột giặt, dung môi hoặc những hóa chất khác. Phản ứng gây ra thường giống như bị bỏng.

Viêm da tiếp xúc dị ứng, loại viêm da tiếp xúc phổ biến thứ hai, là tình trạng viêm da do tiếp xúc với một chất mà bạn khá nhạy cảm hoặc dị ứng với chất đó. Phản ứng dị ứng thường xuất hiện trễ với những nốt phát ban xuất hiện sau 24 – 48 giờ. Sự viêm da có thể khác nhau từ những kích thích đỏ nhẹ đến những vết lở loét tùy thuộc vào loại chất kích thích, phần cơ thể bị mắc bệnh và tùy thuộc vào sự nhạy cảm của bạn.

Một loại viêm da tiếp xúc khác nữa đó là viêm da xảy ra do sự kích ứng trong quá trình điều trị một rối loạn về da.

Các dị ứng nguyên thông thường bao gồm:

+ Cây sơn độc, cây sồi độc
+ Một số loại cây khác
+ Niken hoặc kim loại khác
+ Dược phẩm

     o    Thuốc kháng sinh, đặc biệt những loại dùng cho bề mặt da
o    Thuốc gây tê cục bộ
o    Một số dược phẩm khác

+ Cao su hoặc mủ cao su
+ Mỹ phẩm
+ Vải và quần áo
+ Chất tẩy rửa
+ Dung môi
+ Chất dính
+ Hương thơm, nước hoa
+ Một số chất hóa học khác

Viêm da tiếp xúc có thể là do sự phản ứng với một chất mà bạn tiếp xúc hoặc sử dụng nhiều lần. Mặc dù ban đầu có thể không có phản ứng nhưng khi sử dụng thường xuyên sẽ gây ra sự kích ứng (ví dụ như nước tẩy sơn móng tay, dung dịch bảo quản kính áp tròng, hoặc sự tiếp xúc thường xuyên với trụ của khuyên tai hoặc dây đồng hồ bằng kim loại).

Một số sản phẩm gây phản ứng chỉ khi tiếp xúc với da và ánh nắng mặt trời (sự nhạy cảm ánh sáng). Những sản phẩm này bao gồm kem cạo râu, kem chống nắng, thuốc mỡ sulfa, một số loại nước hoa, sản phẩm nhựa than đá, và dầu từ vỏ của trái chanh. Ngoài ra, một số dị ứng nguyên trong không khí như cỏ phấn hương hay thuốc trừ sâu dạng xịt cũng gây ra bệnh viêm da tiếp xúc.

Các triệu chứng

+ Ngứa ở những vùng da tiếp xúc
+ Da bị đỏ hoặc viêm ở vùng da tiếp xúc
+ Vùng da tiếp xúc rất nhạy cảm
+ Da bị sưng ở vùng tiếp xúc
+ Vùng da đó có thể hơi nóng hơn vùng da bình thường
+ Mặt da tiếp xúc bị tổn thương hoặc nổi ban

Thương tổn da có thể ở bất kỳ dạng nào: đỏ, nổi ban, nốt sần, vết giộp, phồng rộp da, rỉ nước, khô và đóng mày, có thể da đóng vảy, trợt da hoặc da sẫm lại

Các dấu hiệu và thử nghiệm

Việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào biểu hiện bên ngoài của da và bệnh sử tiếp xúc với chất kích thích hoặc dị ứng nguyên.

Theo Viện Dị ứng, Hen và Miễn dịch Mỹ “miếng dán thử nghiệm là tiêu chuẩn vàng để xác định dị ứng nguyên tiếp xúc”. Việc thử nghiệm dị ứng với những miếng dán trên da có thể cô lập các dị ứng nguyên bị nghi ngờ là nguyên nhân của sự phản ứng

Miếng dán thử nghiệm được sử dụng cho những bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc mãn tính, tái phát nhiều lần. Việc thử nghiệm đòi hỏi bệnh nhân phải đến phòng khám ba lần và phải được một bác sĩ có kinh nghiệm giải thích kết quả. Trong lần đầu đến phòng khám, bạn sẽ được dán những miếng dán nhỏ lên da. Những miếng dán này sẽ được tháo ra sau 48 giờ để xem phản ứng có xảy ra hay không. Khoảng 2 ngày sau khi dán miếng dán thử nghiệm bạn đến phòng khám lần thứ ba để bác sĩ đánh giá xem có bất kỳ một phản ứng muộn nào hay không. Bạn nên mang theo những vật liệu mà bạn nghi ngờ, đặc biệt nếu bạn đã thử nghiệm các vật đó trên một vùng da nhỏ và nhận thấy một phản ứng nào đó.

Những thử nghiệm khác có thể sử dụng để loại trừ các nguyên nhân khác có thể có, bao gồm cả việc sinh thiết hoặc cấy da bị thương tổn (xem cấy sinh thiết da hoặc niêm mạc).

Điều trị

Việc điều trị ban đầu là rửa kỹ với nhiều nước để loại bỏ hết những chất kích thích còn lại trên da. Khi đã xác định được chất kích thích hoặc dị ứng nguyên thì bạn nên tránh tiếp xúc với chúng.

Trong nhiều trường hợp, cách điều trị tốt nhất là không làm gì cả.

Kem hoặc thuốc mỡ có chứa corticosteroid có thể làm giảm triệu chứng viêm. Bạn phải tuân theo hướng dẫn sử dụng khi dùng các loại thuốc này bởi vì nếu dùng quá nhiều có thể gây hại cho da ngay cả với những sản phẩm có nồng độ thấp. Trong những trường hợp nghiêm trọng, để giảm tình trạng viêm người ta có thể dùng corticosteroid toàn thân. Như trong trường hợp để ngăn cản sự tái phát của chứng  phát ban  người ta thường sử dụng thuốc với liệu trình giảm dần trong khoảng 12 ngày. Ngoài ra, thay vì điều trị bằng corticosteroid, bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc mỡ tacrolimus hay kem pimecrolimus.

Băng ướt và những loại kem dưỡng mau khô, chống ngứa dễ chịu cũng có thể được khuyên dùng để giảm các triệu chứng khác.

Tiên lượng bệnh

Người mắc bệnh viêm da tiếp xúc thường sẽ hết bệnh trong khoảng từ 2 đến 3 tuần và không để lại biến chứng, nhưng bệnh có thể tái phát nếu không xác định được dị ứng nguyên và người bệnh lại vô tình tiếp xúc với chúng. Người bệnh có thể phải chuyển nghề hoặc thay đổi thói quen nghề nghiệp nếu như môi trường làm việc là nguyên nhân của bệnh.

Biến chứng

Người bệnh có thể bị nhiễm trùng da thứ cấp do vi khuẩn.

Liên lạc với người chăm sóc sức khỏe

Nếu bạn có những triệu chứng liên quan đến bệnh viêm da tiếp xúc hoặc tình trạng bệnh  không cải thiện sau khi điều trị thì hãy liên lạc với bác sĩ.

Phòng bệnh

Tránh tiếp xúc với những dị ứng nguyên đã xác định được. Nếu việc tiếp xúc là không thể tránh khỏi thì hãy dùng găng tay bảo vệ hoặc những biện pháp phòng vệ khác. Hãy rửa kỹ da sau khi tiếp xúc với chúng. Tránh điều trị quá mức các rối loạn về da.

STAMFORD SKIN CENTRE

Địa chỉ: 254 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: (083)9.321.090
Hot line: 0908 453 338
Email: [email protected]
/* */

Rụng tóc – Dùng thuốc gì?

Rụng tóc là một triệu chứng khá phổ biến mà bất kỳ người nào gặp phải cũng lo lắng. Tuy nhiên hiện nay, các nhà khoa học đã chứng minh có thể thúc đẩy quá trình mọc lại tóc nhờ vào thuốc.

Finasteride và minoxidil là hai loại thuốc có thể điều trị khỏi được vài hình thức rụng tóc. Cả hai loại thuốc này đều gây tác động đến chu trình mọc tóc và gia tăng chiều dài cũng như đường kính của sợi tóc nhưng với cơ chế khác nhau. Có hai hình thức rụng tóc khá phổ biến là Androgenetic alopecia (rụng tóc do nội tiết tố nam) và Alopecia areata (rụng tóc từng mảng). Cả hai hình thức rụng tóc này đều quan hệ đến sự biến đổi có thể phục hồi được của chu trình mọc tóc.

Rụng tóc thể Androgenetic alopecia

Là một tình trạng rụng tóc có tính di truyền do nội tiết tố nam gây ra và cả hai giới nam – nữ đều có thể mắc phải. Tình trạng này có thể được hiểu là rụng tóc hay hói đầu ở nam giới và rụng tóc ở nữ giới. Tóc thường rụng và thưa dần ở lứa tuổi từ 12 – 40 ở cả hai giới và khoảng 50% dân số có biểu hiện này trước 50 tuổi.

Mục đích của việc điều trị là làm tăng lượng tóc bao phủ da đầu và làm chậm lại sự rụng tóc. Finasteride uống và dung dịch minoxidil 2 – 5% xịt tại chỗ là phương pháp điều trị Androgenetic alopecia phổ biến hiện nay. Cả hai loại thuốc đều có tác dụng làm gia tăng lượng tóc bao phủ da đầu và chậm lại sự rụng tóc. Tuy nhiên, cả hai đều không thể phục hồi được toàn bộ lượng tóc và không phải mọi người được áp dụng đều có đáp ứng giống nhau. Thời gian điều trị cần thiết phải từ 6 – 12 tháng mới có thể cải thiện được sự mọc tóc. Việc điều trị liên tục rất cần thiết để duy trì kết quả. Nếu ngưng điều trị, tóc có thể bị rụng lại sau 6 – 12 tháng và tình trạng sẽ trở lại giống như lúc ban đầu chưa điều trị.

Ảnh minh họa (nguồn Internet).

Hiện nay, chưa có loại thuốc nào có thể điều trị hữu hiệu cho người hói đầu hoàn toàn hay người rụng không còn sợi tóc nào ở hai bên thái dương.

Finasteride được dùng an toàn và hấp thu rất tốt. Thời gian điều trị kéo dài từ 1 – 2 năm. Tác dụng phụ thường xảy ra là các rối loạn về tình dục như: giảm ham muốn, rối loạn cương dương, không xuất tinh… Các rối loạn này sẽ mất dần khi điều trị kéo dài hay biến mất hoàn toàn khi ngưng điều trị.

Minoxidil kích thích sự mọc tóc khi bị rụng tóc do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có Androgenetic alopecia. Nó có tác dụng kéo dài giai đoạn tăng trưởng và làm trưởng thành các nang tóc chín non vì bất cứ nguyên nhân nào. Khi được dùng để điều trị Androgenetic alopecia, minoxidil có thể giúp cho tóc mọc ở những bệnh nhân bị rụng tóc từng vùng, chứng thiếu lông – tóc bẩm sinh, hội chứng kém phát triển. Thuốc có tác dụng làm giãn mạch, vốn từng được dùng để điều trị tăng huyết áp và sau đó người ta phát hiện thêm đặc tính kích thích sự mọc tóc mà cơ chế tác dụng vẫn còn chưa rõ nhưng dường như độc lập với việc giãn mạch.

Minoxidil có thể được dùng tại chỗ với các nồng độ 2% và 5%, xịt 2 lần mỗi ngày. Tác dụng phụ chủ yếu ở ngoài da như: khô da, ngứa, đỏ da – tróc vẩy nhẹ… Minoxidil cũng có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng hay viêm da tiếp xúc dị ứng với ánh sáng. Tình trạng rậm lông tóc cũng có thể xảy ra cho nữ giới khi dùng minoxidil nhưng hiếm gặp ở phái nam.

Minoxidil 2% hay 5% đều có thể gây xáo trộn nhịp tim, huyết áp tâm thu cũng như tâm trương với liều dùng 2 lần mỗi ngày nhất là đối với dung dịch 5%.

Đối với nữ giới cũng bị rụng tóc kiểu Androgenetic nhưng thường được che phủ bởi các kiểu tóc dài. Tóc rụng ở nữ có tính cách lan tỏa khắp da đầu nhưng thường gặp ở vùng trán hay hai bên thái dương. Minoxidil hiện vẫn là thuốc điều trị tại chỗ thích hợp nhất cho phái nữ bị rụng tóc kiểu này. Dung dịch minoxidil được dùng xịt tại chỗ 2 lần mỗi ngày. Các hình thức tác dụng phụ của thuốc cũng xảy ra tương tự như ở nam giới nhưng tình trạng mọc nhiều lông có thể xuất hiện nhiều hơn ở 3-5% bệnh nhân nữ dùng minoxidil. Vị trí mọc nhiều lông thường xảy ra ở chân mày, hai bên gò má và đôi khi có ở cằm, môi trên. Tác dụng gây rậm lông này sẽ giảm hay biến mất sau khoảng 1 năm, ngay cả khi vẫn tiếp tục dùng minoxidil.

Finasteride không được dùng cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai hay có thể mang thai vì việc ức chế 5 alpha- reductase có thể gây dị dạng cho lá phôi ngoài của phôi thai nam.

Nang có tóc và nang không tóc.

Rụng tóc thể Alopecia areata

Rụng tóc từng mảng là một bệnh tự miễn khá phổ biến. Tóc rụng thành từng đốm tròn, nhỏ lốm đốm trên da đầu và có thể xâm lấn toàn bộ da đầu gây rụng tóc toàn thể. Bệnh này có thể xảy ra cho cả hai giới nam – nữ và ở tất cả mọi lứa tuổi. Bệnh có thể giảm tự nhiên và thường hay tái phát. Các bệnh nhân này đa số khỏe mạnh nhưng thường bị bạch biến hay các bệnh về tuyến giáp nhiều hơn người khác.

Bệnh nhân bị Alopecia areata được điều trị đồng thời giữa sự điều hoà hệ miễn dịch với glucocorticoides, điều trị miễn dịch tại chỗ, anthralin hay minoxidil. Các điều trị này kích thích sự mọc tóc nhưng không ngăn ngừa rụng tóc và gần như không ảnh hưởng đến tiến trình bệnh lý. Việc điều trị được tiếp tục cho đến khi nào bệnh giảm và các đốm rụng tóc có tóc mọc lại đầy đủ, có thể kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm. Việc chọn lựa cách điều trị tùy thuộc vào tuổi bệnh nhân và mức độ trầm trọng của sự rụng tóc. Sự điều trị có hiệu quả tốt nhất ở các trường hợp rụng tóc vừa phải và không có hiệu quả trong các trường hợp rụng tóc hoàn toàn. Các nang tóc không bị phá hủy ở các bệnh nhân bị Alopecia areata và khả năng mọc tóc lại vẫn còn duy trì.

(Theo SK&ĐS)

Mối nguy hại từ “xăm dán” – Thú chơi mới của con trẻ

Gần đây, trên thị trường, đặc biệt tại các cổng trường học bày bán rất nhiều loại "bim bim hình xăm" - bim bim có kèm đồ chơi, hình xăm dán được bọn trẻ rất ưa chuộng. Tuy nhiên, ẩn họa sau những hình xăm đó lại là những ca dị ứng da và mối lo về sự đầu độc con trẻ bằng một thú chơi mới - xăm dán.

Mua bim bim để lấy...hình xăm

Tại cổng trường tiểu học Đặng Trần Côn (Thanh Xuân, Hà Nội), len lỏi trước một toán học sinh đang nhao nhao đòi mua "bim bim hình xăm", chúng tôi bắt gặp hình ảnh một cậu bé đang nũng nịu đòi mẹ mua quà chiều. Người mẹ quát: "Hay ho gì mấy cái hình xăm mà cứ đòi. Đừng để mẹ bực mình! ".

Cậu bé ngồi sau xe cứ nài nỉ: "Con chỉ thiếu một hình xăm viên ngọc rồng nữa thôi. Viên ngọc rồng của bạn Lâm mạnh hơn của con. Mẹ mua cho con đi...". Câu nói của cậu bé khiến tôi càng muốn biết trong gói bim bim có gì mà đám trẻ bị cuốn hút đến vậy?

Đứng quan sát, tôi nhìn thấy 3 đứa trẻ đang thò tay vào chậu nước của bà hàng xén quệt vào phía sau hình xăm rồi dán lên tay. Đứa nào vẻ mặt cũng tươi vui, thích thú. Tôi cũng thử mua mấy gói, trong đó toàn là những hình xăm nhân vật truyện tranh mà bọn trẻ ưa thích. Những hình xăm nhỏ theo kiểu đề can rất bắt mắt.

Xăm dán đang trở thành một thứ mốt nguy hại cho trẻ

 

Không chỉ học sinh tiểu học, các em học sinh PTCS cũng mê mẩn với "bim bim hình xăm". Khi được hỏi vì sao lại coi "bim bim hình xăm" là món khoái khẩu, nhiều em học sinh thản nhiên trả lời: "Vì cái thú dán hình xăm đề can mà bọn cháu ai cũng thích"!

Chị Nguyễn Hồng Nga (phụ huynh học sinh lớp 3, Trường tiểu học Đặng Trần Côn) phàn nàn: "Mới đầu, tôi cũng chẳng biết thứ quà "bim bim hình xăm" ngon đến đâu mà cả khu phố nhà tôi bọn trẻ đua nhau ăn. Sau này tôi mới biết, chúng thích ăn chỉ vì muốn sưu tầm bộ hình xăm ngọc rồng, susuku, mặt trời, ong chúa...". Ngay cả những đứa trẻ lớp mầm non cũng nằng nặc đòi mẹ mua "bim bim hình xăm".

Chị Ngọc Minh (Khương Trung, Hà Nội) phàn nàn: "Con bé nhà tôi mới 4 tuổi mà đã thích sưu tầm các hình xăm đề can. Cả hai cánh tay của nó dán chi chít hình xăm. Nếu không mua cho thì nó khóc lóc đến nôn trớ làm cả nhà phát hoảng! ". Chị Minh bức xúc: "Bây giờ có nhiều thứ quà có kèm tặng thưởng đồ chơi độc hại, hình xăm phản cảm... cuốn hút bọn trẻ khiến các bậc phụ huynh lo ngại con em mình bị "đầu độc"  bởi những sở thích quái đản".

Rước họa vì “xăm dán”

Những quan ngại đó của chị Ngọc Minh không phải không có cơ sở, bởi mới đây (ngày 6/10) khi bàn chân của bé Hà (con gái chị Minh) bị lở loét. Thấy khu vực dán hình xăm bị ngứa, nó gãi và chỗ hình xăm xuất hiện vết trầy mẩn đỏ. Chị Minh than thở: "Mới 4 tuổi mà cháu đã bị ảnh hưởng bởi những xu hướng thịnh hành của giới trẻ. ở nhà ông nội chiều cháu còn chở cháu đi dán hình xăm hoa hồng, chuột Mickey, ong chúa lên trán, tay cháu nữa". Sau khi dán hình xăm hình ong chúa lên tay, cháu Hà bảo với mẹ rằng: "Con muốn trở thành ngôi sao. Sau này lớn lên mẹ cho con đi xăm hình đại bàng nhé!".

Sau trào lưu ăn bim bim đổi lấy hình xăm dán, nhiều em học sinh THCS, THPT chuyển hướng sang thú chơi mới mua hình xăm đề can về dán. Có nhiều em muốn xăm, nhưng không dám lộ diện vào ban ngày vì sợ bố mẹ, người thân bắt gặp, nên phải dán lén lút khi đi ra ngoài. Chúng thường dán trên mu bàn tay, mu bàn chân, bắp tay  những hình hoa lá, ấn tượng hơn là xăm chằng chịt dao kiếm, đại bàng...

Ảnh minh họa

Theo quảng cáo của người bán, "xăm dán lột lúc nào cũng được, không gây độc hại" nhiều em học sinh liên tục thay đổi hình xăm trên cơ thể, nay bắp tay có hình bông hồng, mai đại bàng tung bay trên lưng. Nhiều em học sinh đua đòi, khoe mẽ trên thân thể những hình xăm quái gở. Vào lớp học chúng mặc áo đồng phục che kín, ra khỏi cổng trường là mặc áo hởó cổ, lộ vai trần với những cặp rắn hổ mang đang quấn lấy nhau, chú cá ngựa ngộ nghĩnh. Khánh Vinh (học sinh trường THCS T.Đ) khoe mẽ: "Chỉ mất chưa đầy 2 phút, tốn gần 30 nghìn đồng là có một hình xăm đề can hình ác quỷ Dracula". Vinh thích thú nói: "Xăm như vậy thể hiện được cá tính, phong cách, giúp mình trở nên mạnh mẽ, tự tin hơn khi đi chơi cùng bạn bè".

ở các cổng trường, ăn theo các bà hàng xén bán "bim bim hình xăm", dịch vụ xăm dán cũng lên ngôi. Chỉ cần ít đề -can hình xăm, hộp mực nhỏ, cây cọ là đã mở được dịch vụ xăm dán. Các "nghệ nhân" xăm mình chưa đầy 1 phút đã hái ra tiền.

Các bà hàng xén bán "bim bim hình xăm" quả quyết dán lên người không có tác hại gì. Đám học trò bị các "nghệ nhân" xăm mình "đầu độc" cũng tuyên bố những hình xăm dán là vô hại, không để lại biến chứng gì. Thế nhưng, bác sĩ  Nguyễn Thành (Viện da liễu Quốc gia) cho biết: "Mới đây, một học sinh lớp 9 phải nhập viện cũng vì cái thú dán hình xăm mà bắp tay bị lở loét, đỏ ửng. Sau khi bóc hình xăm rồng, thấy khu vực dán hình xăm bị ngứa, nổi mẩn đỏ. Càng gãi càng lở loét cháu bé mới dám nói với bố mẹ và đưa vào viện điều trị".

Bác sĩ Thành cũng cho biết, mực để làm hình xăm đề can dán lên cơ thể được bày bán trên thị trường (kể cả hình xăm trong gói bim bim) là loại mực có chứa lượng nhỏ Hyaluronic acid gây biến chứng cho trẻ. Nhất là khi thấy mẩn ngứa các cháu lại cố dùng xà phòng để tẩy sạch. Những loại mực này khi dán mau phai và để lại những biến chứng phụ gây mẩn đỏ, ngứa. Nhất là với những hình xăm được tháo ra dán lại liên tục trên một bộ phận cơ thể nhất định. Bác sĩ Thành khuyến cáo: "Việc dán hình xăm đề can lên những bộ phận trên cơ thể có thể dẫn đến viêm da tiếp xúc dị ứng, lở loét, nhiễm trùng da  để lại sẹo hoặc có thể gây ung thư vì những loại hoá chất độc hại làm từ công nghệ hoá dầu".

Meo.vn (Theo ĐSPL)

Chữa bệnh “Giời leo” như thế nào?

Em vừa mới mắc bệnh mà mọi người nói là bị bệnh dời (giời) leo; nó bị lở ngay miệng; phía dưới môi; gồm những mụn nhỏ nằm gần nhau; lây ra 1 khoảng nhỏ. Em nên mua thuốc kem bôi hay uống thuốc gì để hết? Xin cảm ơn Bác sĩ!  (Trần Minh Nhựt)

Trả lời:

'Giời leo' - tên quen gọi trong nhân dân chính là bệnh viêm da do côn trùng. 'Giời leo' là viêm da tiếp xúc do côn trùng, còn Zona là bệnh do vi-rút.

'Giời leo' có thể gặp bất kỳ tại vùng da nào trên cơ thể, trong khi đó, Zona lại là những vệt tấy đỏ viêm da chạy dọc kéo dài theo dây thần kinh trên cơ thể: dọc cánh tay, dọc thân sườn... Và Zona lại chỉ xuất hiện trên một nửa của cơ thể, hoặcbên phải hoặc bên trái.

Chính vì vậy, khá nhiều bệnh nhân bị 'giời leo' tự điều trị hoặc điều trị không đúng chuyên khoa da liễu nên đã sử dụng nhầm thuốc.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, khi bị giời leo, bạn nên đi khám sớm, lúc này, việc điềutrị đơn giản, có thểchỉ với2 loại thuốc bôi có tác dụng làm dịu mát và điều trị chống viêm. Tuy nhiên khi có nhiễm trùng, việc chỉ định ngoài thuốc bôi sẽ cần uống kháng sinh. Bạn nên đến Viện da liễu khám và điều trị theo sự hướng dẫn của Bác sĩ.

Chúc bạn sớm khỏi!

Theo vnMedia

Bôi thuốc gì cho hết vết thâm?

Vết thâm hay vết tăng sắc tố sau viêm (postinflammatary hyperpigmentation) là một biểu hiện rất thường gặp. Sau khi bị mụn nhọt hoặc bị một số bệnh ngoài da như chàm, nấm, ghẻ, xây xước da, thậm chí sau khi muỗi đốt, khi các bệnh này khỏi thì vẫn để lại một số dấu tích trên da như các vết thâm. Các vết thâm này có màu nâu nhạt, màu đen, đôi khi đen sạm. Tổn thương tăng sắc tố sau viêm bằng phẳng với mặt da, không đau, không ngứa. Các tác động cơ học làm tổn thương da nặng lên do đó làm tăng các vết thâm như gãi, cạo, chà xát...

Một số người tự ý bôi đắp các thuốc, các loại lá làm cho tổn thương da bị nhiễm trùng và lan rộng ra, khi lành bệnh để lại các vết thâm rộng và sâu rất khó khắc phục. Trong các trường hợp viêm da tiếp xúc do bụi phấn, côn trùng thì sau khi bệnh khỏi hay để lại các vết thâm dai dẳng, nhất là ở các bệnh nhân tự ý đắp gạo nếp hoặc đỗ xanh lên vết viêm da. Để hạn chế các vết thâm, khi mắc bệnh ngoài da bạn không nên tự điều trị mà nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được điều trị tốt nhất. Khi bệnh mới khỏi nên tránh nắng từ 11 giờ - 14 giờ nếu tổn thương da ở vùng hở. Với các vết xây xước da ở vùng mặt, đồng thời với việc điều trị bằng thuốc bôi và thuốc uống, nếu có điều kiện nên chiếu một đợt laser helineon. Tia laser này có bản chất là ánh sáng và không độc hại. Năng lượng tia laser làm tăng dòng chảy của máu, tiêu viêm, tăng hoạt động của hệ thống miễn dịch, tăng quá trình lên da non và liền sẹo. Nhiều trường hợp sau chiếu tia laser tổn thương da khỏi là lành luôn và không bị thâm. Thường thì đa số các trường hợp vết tăng sắc tố sau viêm này sẽ nhạt màu dần rồi trở lại màu da như bình thường trong vòng vài tuần đến một năm. Nhưng ở một số trường hợp, các vết thâm không mất đi mà cứ tồn tại kéo dài dai dẳng nhiều năm sau khi khỏi bệnh. Vấn đề điều trị cho những trường hợp vết thâm tồn tại dai dẳng ít đạt được hiệu quả như mong muốn. Khi bị các vết thâm có thể bôi một trong các thuốc sau: leuconidine B, domina, despigmen... Bôi ngày 2 lần kéo dài từ 1-3 tháng. Tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để có tư vấn tốt và điều trị thích hợp với tình trạng cụ thể của mình.

Theo SK&DS

Gãi ngứa mùa đông gây nhiễm trùng rất khó chữa

Mùa đông do khí trời hanh khô nên làn da trở nên thiếu dinh dưỡng dẫn đến nhiều bệnh lý về da. Theo y học hiện đại và y học cổ truyền, da khô ở mức độ nào là do cơ địa của từng người.

Không nên tắm nước quá nóng

Theo Tiến sĩ Trần Văn Tiến – Phó viện trưởng Viện da liễu Quốc gia, mỗi mùa trong năm có một bệnh về da khác nhau. Mùa hè điều kiện môi trường thích hợp cho nhiều côn trùng gây ngứa da. Mùa đông nhiệt độ giảm, độ ẩm xuống thấp tạo ra một môi trường khô. Nếu gặp một cơ địa khô da sẵn sẽ tăng mức độ khô da.

Theo TS. Hoàng Hữu Hảo, mùa đông làm da dễ khô.

Tiến sĩ Hoàng Hữu Hảo – Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương cho rằng mỗi mùa có một chủ khí khác nhau: Mùa xuân thấp khí, mùa hè hỏa khí, mùa thu táo khí, mùa đông hàn khí. Mỗi chủ khí có một ảnh hưởng đến làn da.

Theo y học cổ truyền ngứa do phong, mỗi đợt gió mùa táo khí cộng với hàn khí có ảnh hưởng đến dinh dưỡng của làn da, gây khô ngứa, bong vẩy da. Những người có hiện tượng này sau khi tắm thường hay bị ngứa nhất. Táo khí là nguyên nhân chính gây ngứa sau khi kết hợp với hàn khí và phong. Nhưng hiện tượng này sẽ hết khi táo khí không còn.

Tắm nước nóng quá làm giảm lớp mỡ trên da gây khô da hơn nên sử dụng nước tan lạnh và kèm theo một lượng sữa tắm dưỡng da. Ngay khi da còn ẩm nên dùng kem dưỡng ẩm nhất là vùng mặt cánh tay và chân, nếu khi ngứa rồi mới thoa kem sẽ không còn tác dụng.

Gãi có thể gây nhiễm trùng da

Tiến sĩ Trần Văn Tiến cho biết, bị viêm da tiếp xúc đều bị gây ngứa rát, khó chịu nhưng người bệnh không nên gãi. Gãi nhiều làm cho da xây xước lan rộng hơn có thể gây nhiễm trùng. Nếu nhiễm trùng rất dễ dẫn đến tổn thương thận, nhiễm trùng máu, viêm tấy lan rộng. Những trường hợp bệnh nhân đã gãi ngứa gây nhiễm trùng rất khó chữa.

Sử dụng các sản phẩm làm ẩm da

Việc dùng các thuốc lá để tắm trị ngứa khá phổ biến, TS Hảo cho rằng việc sử dụng theo kinh nghiệm dân gian không sai nhưng không nên lạm dụng.

Việc sử dụng thuốc thang để tăng cường lưu thông khí huyết cũng là một biện pháp làm tăng dinh dưỡng cho làn da.

TS Tiến khuyến cáo, khi da bị tổn thương gây ngứa, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng thuốc phù hợp, không nên tùy tiện sử dụng thuốc gây nên tác dụng không tốt có thể để lại biến chứng.

Để phòng tránh khô nẻ, ngứa rát của làn da trong mùa đông nên mặc quần áo ấm, đeo găng tay, đi tất giấy. Không nên sử dụng các chất tẩy rửa như xà phòng, nước rửa bát, nếu tiếp xúc cần đeo găng tay. Dùng một số thuốc dành cho da khô như vaseline và một số chế phẩm khác tạo lớp mỡ trên da.

(Theo Bee)

Cẩn trọng với bệnh giao mùa

Thời điểm giao mùa thu - đông, người dân rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hoá, sốt xuất huyết, bệnh chân, tay, miệng và các bệnh viêm da do côn trùng đốt. Nguyên nhân được các bác sĩ đưa ra là thời tiết đang thay đổi, nhiệt độ chênh lệch cao, sáng và chiều tối lạnh trong khi buổi trưa lại nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus phát triển.

Cảnh giác bệnh khi côn trùng vào mùa hoạt động

Theo các bác sĩ da liễu, bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể gây thành dịch thường bùng phát vào các tháng 9-10 và 11 hàng năm. Đây là các tháng hay có mưa, thời tiết nóng ẩm.... côn trùng không có nơi trú ẩn, nên thường trú ngụ trong nhà dân rồi gây bệnh, có thể còn nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người dân cần đề hết sức phòng, tránh để côn trùng đốt.

Trao đổi với Bác sĩ Thuỳ Dương, Viện Da liễu Quốc gia cho biết, những ngày gần đây, số người đến khám và điều trị do bị côn trùng tăng đột biến. Phần lớn người bệnh đến khám với biểu hiện rát bỏng, ban đỏ, phù nề, mụn mủ, tổn thương theo hình dải. Có không ít người, nhất là trẻ em bị sốc phản vệ, tay chân lạnh, mi mắt phù nề, mạch và huyết áp tụt... rất nguy hiểm đến tính mạng. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do côn trùng đốt.

Thống kê tình hình bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng tại Viện Da liễu Quốc gia trong 3 năm qua cho thấy, bệnh thường bùng phát mạnh vào các tháng 8, 9, 10, 11. Đa số bệnh nhân là người làm việc dưới ánh đèn, công tác văn phòng, học sinh.

Hơn 60% bệnh nhân phát bệnh đầu tiên vào buổi sáng. Đặc điểm lâm sàng thường gặp là 80% có tổn thương ở mặt, 100% biểu hiện bằng vết đỏ, nền hơi cộm theo chiều vệt tay dài 1,5cm, rộng 3-10 mm, trên đó có mụn nước ở giữa, có vùng hơi lõm hình tròn hoặc bầu dục, 100% có cảm giác rát bỏng tại chỗ.

Sau khi bị côn trùng tấn công, hoặc dính những chất tiết Pederin của chúng, nạn nhân thường có biểu hiện lâm sàng giống nhau, với những tổn thương thành dải đỏ, phù. Nhiều trường hợp có mụn nước, mụn mủ ở những vùng da hở. Ban đầu nạn nhân thấy hơi ngứa, da căng, đỏ một vùng, 6-12 tiếng sau, vùng da này sưng nề, rồi thành phỏng nước, mủ. Nạn nhân có thể ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn... Có những người tổn thương gần mắt, khiến 2 mắt sưng mọng, bẹn nổi hạch, khó đi lại...

Để phòng bệnh này, mọi người cần chú ý, khi làm việc dưới ánh đèn, tránh quệt tay khi có cảm giác côn trùng rơi vào cổ, mặt. Buối tối khi tắm, rửa, cần chú ý giũ mạnh khăn mặt trước, rồi mới dùng. Vào những ngày mưa to ngập nước, mọi người nên mua sẵn bình thuốc xịt diệt côn trùng. Nếu thấy vùng da rát bỏng, đỏ, nổi mẩn... nên rửa ngay bằng nước muối loãng hay xà phòng... nhằm ngăn không cho nổi phỏng nước, phỏng mủ.

Đề phòng bệnh đường hô hấp, tiêu hóa

Thời điểm giao mùa giao mùa thu - đông cũng là thời điểm người dân rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp, tiêu hoá… Nguyên nhân được các bác sĩ đưa ra là thời tiết đang thay đổi, nhiệt độ trong ngày chênh lệch cao, sáng và chiều tối lạnh trong khi buổi trưa lại nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và virus gây bệnh phát triển.

Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, số trẻ đến khám vì ho, sốt cũng rất đông. Trong đó, một số trẻ bị nặng, nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, viêm phổi. Số trẻ đến khám dịch vụ ngoài giờ cũng tăng mạnh, mỗi ngày có khoảng 60 bệnh nhân, thậm chí vào thứ 7 và chủ nhật có thể lên đến 100 ca.

Nguyên nhân do trẻ chưa thích nghi kịp với sự thay đổi thời tiết nên dễ mắc bệnh. Đặc biệt là nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi và những trẻ nhỏ có tình trạng biếng ăn kéo dài, sức đề kháng giảm sút nên rất dễ lây bệnh, dễ bị biến chứng, bệnh diễn biến xấu nhanh, khó lường trước.

Các bệnh đường hô hấp cũng lây cực nhanh trong môi trường tập trung đông. Bệnh lây nhiễm qua những dịch tiết hô hấp chứa siêu vi bắn ra mỗi khi trẻ bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện, khóc la. Siêu vi từ đó bám vào các vật dụng, đồ chơi, lây trực tiếp hay qua tay khi trẻ dùng tay quệt mũi, dụi mắt, mút tay.

Không chỉ trẻ nhỏ mà người cao tuổi cũng là đối tượng rất dễ nhiễm bệnh do sự biến đổi của thời tiết. Thống kê từ Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Lão khoa Trung ương, số người già nhập viện hơn tuần nay tăng mạnh. Bình thường mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân, thời gian này tăng lên khoảng 200 bệnh nhân/ngày.

Bác sĩ Trần Văn Lực - Phòng Kế hoạch tổng hợp của Viện Lão khoa Trung ương cho VnMedia biết, hầu hết người già nhập viện do các bệnh về đường hô hấp và tim mạch như bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, tăng huyết áp... Nguyên nhân đáng nói có không ít người già bị bệnh đột ngột do đi tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng quá sớm hoặc tập buổi tối quá muộn. Bởi thời gian này vào buổi sáng nhiệt độ xuống khá thấp, nhiều sương, lại hay có mưa nên khi tập thể dục ngoài trời như đi bộ, chạy bộ, dưỡng sinh... rất dễ bị nhiễm lạnh, viêm phổi, thậm chí bị đột quỵ với các triệu chứng tức thời như nói ngọng, cấm khẩu, méo mồm.

Với bệnh ở người già, bác sĩ Trần Văn Lực khuyến cáo cần tránh đi ra ngoài và thay đổi tư thế đột ngột. Chú ý giữ ấm đầu, cổ, ngực và bàn chân trong những ngày thời tiết se lạnh hoặc có mưa. Không nên tập thể dục ngoài trời trước 6h30 sáng để tránh bị nhiễm lạnh.

Để phòng tránh, hiện nay có nhiều giải pháp, trong đó tiêm vacxin phòng một số bệnh cũng là giải pháp tốt. Đồng thời biện pháp phòng bệnh hữu hiệu cho trẻ em và người lớn là luôn giữ ấm chân khi thời tiết chuyển mùa. Cho trẻ mặc quần áo dài khi sáng sớm và chiều tối, cho trẻ uống nhiều nước, ăn hoa quả, tăng cường dinh dưỡng trong bữa ăn để tăng cường sức đề kháng. Nên thường xuyên nhỏ mắt, rửa mũi bằng nước muối sinh lý, rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn và sau khi vệ sinh. Tránh tiếp xúc với những người đang bị bệnh. Vệ sinh nhà cửa, vật dụng, đồ chơi hạn chế bụi bẩn, vi khuẩn sinh sôi nảy nở.

Thuỳ Minh (Vnmedia)

Tai biến mai phục trong thuốc nhuộm tóc

Đã có nhiều trường hợp bị tai biến do thuốc nhuộm tóc, với những biểu hiện: da đầu sưng đỏ, ngứa, chảy nước vàng, bốc mùi tanh. Có trường hợp nặng hơn, thuốc lan xuống làm hai mắt sưng đỏ. Mối nguy từ thuốc nhuộm tóc sẽ không dừng lại ở đó, nếu việc nhuộm tóc diễn ra thường xuyên và không bảo đảm những yêu cầu an toàn.

Đối với phụ nữ Á Đông, đôi mắt nâu đen đi cùng mái tóc đen huyền đã tạo nên một nét duyên dáng và quyến rũ khó tả. Mái tóc đẹp không chỉ là mái tóc dày, chắc mà còn phải có màu sắc phù hợp với các chi tiết khác (màu da, màu mắt…) của chính cơ thể mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng được tạo hóa ban tặng cho mái tóc đẹp. Do đó, làm đẹp tóc bằng cách nhuộm đổi màu tóc là nhu cầu hết sức chính đáng và cần thiết.

Khi tóc bị bạc nhiều thì nhuộm tóc đen lại sẽ giúp bạn trông trẻ hơn, nhu cầu này thường xuất hiện ở những người có tuổi. Ngoài ra, khi có màu mắt và màu da sáng, việc thay đổi màu tóc từ đen sang vàng kim hoặc đồng sáng hoặc hạt dẻ... cũng sẽ giúp chúng ta trông hợp thời trang và ấn tượng hơn, nhu cầu này thường gặp ở những bạn trẻ. Những trường hợp khác khi muốn nhuộm tóc cần phải hết sức thận trọng, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh những tác hại do thuốc nhuộm tóc đem lại, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bị tai biến khi sử dụng các dịch vụ làm đẹp tóc kiểu này.

Nhuộm tóc có nhiều loại: nhuộm dần dần (tóc sậm màu dần), nhuộm tạm (màu nhuộm bị mất đi sau một lần gội), nhuộm lâu (màu nhuộm bị mất đi sau từ 4 – 6 lần gội hoặc lâu hơn), nhuộm luôn (không mất màu khi gội đầu). Kiểu nhuộm luôn gây tổn thương tóc nhiều nhất bởi vì các hạt màu trong loại thuốc nhuộm này có kích thước rất lớn, chúng chen lấn vào thân sợi tóc và vướng luôn trong đó. Trước khi nhuộm màu cho tóc thì thuốc nhuộm còn có tác dụng tẩy màu cũ của các sợi tóc. Trong quá trình tẩy màu, oxygen của chất sừng trong sợi tóc sẽ bị phóng thích ra khỏi sợi tóc, dẫn đến sợi tóc bị mỏng lại, xốp hơn và dễ bị chẻ, bị gãy. Nếu nhuộm tóc thành màu càng sáng thì trong quá trình nhuộm, tóc sẽ bị tẩy màu càng nhiều. Do đó nhuộm tóc màu càng sậm thì tóc càng ít bị tổn hại. Trong đó đỏ, vàng, xanh là các màu sáng; nâu, xám, đen là các màu tối.

Nên sử dụng loại thuốc nhuộm quen dùng, có uy tín, có thành phần từ thiên nhiên. Khoảng cách giữa hai lần nhuộm ít nhất là sáu tháng. Tránh để thuốc nhuộm chạm vào chân tóc…

Nên sử dụng loại thuốc nhuộm quen dùng, có uy tín, có thành phần từ thiên nhiên. Khoảng cách giữa hai lần nhuộm ít nhất là sáu tháng. Tránh để thuốc nhuộm chạm vào chân tóc…

Thuốc nhuộm thường chứa những thành phần sau: p-phenylenedamine (PPD), toluene-diaminesulphate (TDS), resorcinol (RES), aminoazobenzene, xylidine, aminophenol. Các thành phần này thường gây ra các tác hại sau đây cho người sử dụng: tóc khô, mất bóng và dễ gãy; rụng tóc; viêm chân tóc (các nốt đỏ ở chân tóc, rất ngứa); viêm da tiếp xúc (các mảng đỏ da, tróc vảy, phù nề, nổi mụn nước… ở những vùng da tiếp xúc thuốc nhuộm); viêm da dị ứng (tổn thương tương tự viêm da tiếp xúc nhưng lan rộng ra ở cả những vùng da không tiếp xúc thuốc nhuộm như trán, cổ, mí mắt, mặt); tăng hoặc giảm sắc tố da đầu.

Nguy hiểm nhất là nguy cơ gây ung thư khi tiếp xúc thuốc nhuộm: ung thư bàng quang, ung thư hệ tạo máu, u não – màng não – thần kinh thính giác… Nguy cơ này càng gia tăng khi thuốc nhuộm càng sậm màu.

Mặc dù thuốc nhuộm tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhưng không phải vì những tác hại trên mà chúng ta nói không với việc sử dụng dịch vụ thay đổi màu sắc tóc. Chúng ta nên áp dụng những điều sau đây khi nhuộm tóc, nhằm hạn chế tối đa các tác hại có thể xảy ra: dùng loại thuốc nhuộm quen dùng, có uy tín, có thành phần từ thiên nhiên sẽ tốt hơn; khoảng cách giữa hai lần nhuộm không quá gần nhau, ít nhất sáu tháng; tránh để thuốc nhuộm chạm vào chân tóc; dùng găng tay khi nhuộm hoặc cắt tóc nhuộm; gội đầu bằng dầu gội có thành phần dưỡng ẩm cho da và tóc; chỉ dùng dầu xả cho phần ngọn tóc; thỉnh thoảng hấp dầu cho tóc; chống nắng cho da đầu và tóc (đội nón sậm màu, che phủ tóc khi đi nắng…). Ngoài ra cũng cần phải điều tiết chế độ ăn uống, sinh hoạt cho hợp lý.

(suckhoe&doisong)

Khốn khổ vì dịch ‘giời leo’ do côn trùng

Hai tuần trở lại đây, người dân Hà Nội khốn khổ với chứng bệnh 'giời leo' do công trùng. Các loại côn trùng ưa sáng bay vào nhà gây ngứa và sinh bệnh 'giời leo' với tốc độ lây lan nhanh.

Từ KTX đến các khu đô thị mới... đều bị 'giời leo'

Em N.T.Nhung (SV năm 3, ĐH Mỹ thuật Công nhiệp Hà Nội) gọi đến đường dây nóng báo Dân trí phản ánh: 'Khu KTX trường rất đông các bạn học sinh bị bệnh zona thần kinh. Các mụn nước nhỏ li ti, như nốt phỏng nhỏ ở những vị trí khác nhau trên cơ thể, như ở mặt, cổ, tay, chân, đùi… rất khó chịu. Phòng 406A của em có 6 bạn thì cả 6 đều bị hiện tượng này. Các phòng ở khác trong khu KTX cũng diễn ra tình trạng tương tự.

Em Nhung cho biết thêm, dịch này diễn ra rất thường kỳ tại KTX. Năm nào cũng vậy, vào thời điểm này là sinh viên liên tục bị bệnh và các em đều tự điều trị bằng cách bôi hồ nước và kiêng tắm.

Tuy nhiên theo các bác sĩ, đây không phải là bệnh zona thần kinh mà là bệnh viêm da do tiếp xúc mà dân gian vẫn hay quen gọi là 'giời leo'.

Chị Nguyễn Thị Thanh (Phúc La, Hà Đông, Hà Nội) hiện vẫn bị một đường hằn sẹo rất sâu ngay trên đùi do bị 'giời leo'. Lúc đầu, khi phát hiện những nốt phỏng li ti chạy thành dọc dài khoảng 5cm ngang đùi, chị điều trị theo kinh nghiệm dân gian, đó là dùng cơm nếp với đậu xanh đắp vào để cho mát. Nhưng sau đó, nốt phỏng ngày càng nặng hơn, vỡ ra và sinh mủ nên chị đã phải tới Viện da liễu Quốc gia để điều trị nhưng do nhiễm trùng sâu nên bệnh đã lành mà vẫn còn sẹo to. Rút kinh nghiệm, lần này cô con gái bị 'giời leo' dọc ngực và cổ, gây phỏng rát rất khó chịu chị đã phải vội đưa con tới viện khám.

Theo kinh nghiệm của bác sĩ Thành, bệnh vẫn xuất hiện rải rác các tháng trong năm, nhưng vào những thời điểm chuyển mùa thu - đông, trùng đúng vào vụ gặt của người dân, côn trùng ngoài đồng ruộng hết chỗ trú, theo ánh sáng bay vào nhà… cũng khiến số người mắc bệnh viêm da do tiếp xúc với côn trùng tăng lên.

Nguyên nhân gây bệnh do khi côn trùng bị đập chết, độc tố trong người chúng sẽ giải phóng ra và  gây kích ứng lên bề mặt da. Vùng da tiếp xúc với độc tố sẽ bị bỏng rát. Sau khi tiếp xúc với vùng da có độc tố, lại sờ vào các vị trí khác trên cơ thể, hay sờ vào người khác… thì rất dễ lây lan. Do dễ lây nên có gia đình, từ một người bị mắc bệnh, sau lại lan sang 2-3 người khác qua tiếp xúc thông thường. Hay như tại KTX, do các em sống tập thể đông đúc trong một phòng, quần áo nhiều khi còn mặc chung… nên sự lây lan càng lớn hơn.

'Giời leo' khác hoàn toàn Zona thần kinh

Đó là lời khẳng định của bác sĩ Thành, trước hiện tượng nhiều bệnh nhân, thậm chí cả thầy thuốc dễ nhầm lẫn giữa hai căn bệnh này, điều trị không đúng dẫn đến tình trạng bệnh nhân càng nặng hơn. Nếu nhầm 'giời leo' là bệnh zona và kê thuốc điều trị bệnh này thì người bệnh bị uống thuốc oan, trong khi vết thương ngoài lâu khỏi, nhưng không nguy hiểm bằng nhầm lẫm zona thành bệnh 'giời leo'.

Như trường hợp của bà Trần Thị Lý tại Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Khi mới xuất hiện một vệt dài các nốt phỏng li ti từ khoé miệng dọc lên tai, bà chỉ nghĩ là 'giời leo' và tự điều trị theo kinh nghiệm dân gian. Nhưng tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn, đau nhức tới mức bà không thể ăn được cơm, méo miệng và đau buốt lên tai. Cuối cùng bà đã phải nằm viện vừa điều trị, vừa châm cứu hơn nửa tháng trời mới khỏi bệnh.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Biểu hiện của bệnh Zona

BS Thành cho biết, để phân biệt 'giời leo' và zona không khó. Bệnh 'giời leo' là viêm da tiếp xúc do côn trùng, có thể gặp bất kỳ tại vùng da nào trên cơ thể, nhất là những vùng da hở. Một người có thể bị 'giời leo' cùng thời điểm ở nhiều vị trí khác nhau. Trong khi đó Zona là bệnh do virus, những vết đỏ giống với 'giời leo', nhưng chỉ xuất hiện chạy dọc kéo dài theo dây thần kinh trên cơ thể như: dọc hàm mặt lên mang tai, dọc cánh tay, dọc thân sườn... Và Zona lại chỉ xuất hiện trên một nửa của cơ thể, hoặc bên phải hoặc bên trái.

Tuy có thể phân biệt, nhưng khi thấy xuất hiện những nốt phỏng viêm trên cơ thể, người bệnh nên tới viện khám. Vì với bệnh 'giời leo' điều trị sớm rất đơn giản, chỉ cần thoa hồ nước hoặc thuốc bôi tại chỗ làm dịu mát và chống viêm. Trong khi đó, nếu để bội nhiễm sẽ phải uống kháng sinh và có thể để lại sẹo. Còn nếu là zona thần kinh, việc điều trị sớm sẽ tốt hơn rất nhiều.

Để phòng bệnh 'giời leo', trong mùa này, người dân không nên bật đèn sáng trong phòng vì côn trùng sẽ theo ánh sáng bay vào nhà. Như tại các vùng nông thôn, mật độ côn trùng dày đặc nhưng người dân vẫn phòng được, vì họ chỉ bật một ánh đèn sáng giữa sân thu hút côn trùng. Ở thành phố có thể bật đèn ở ban công, còn nếu bật đèn, phải đóng kín hết các cửa. Còn khi côn trùng bay vào nhà thì nên tắt điện để chúng tự bay ra. Hoặc nếu côn trùng ở trong tầm với, có thể lấy tấm giẻ to, ẩm bất ngờ úp chụp vào côn trùng, rồi dùng giẻ ướt khác lau hết những bụi phấn, nhựa côn trùng còn dính lại trên tường. Tuyệt đối không đập côn trùng bằng tay không vì rất dễ dính chất tiết của côn trùng dính vào người và gây bệnh. Còn nếu đã đập côn trùng, ngay lập tức nên rửa thật sạch dưới vòi nước chảy bằng xà phòng để loại bỏ chất tiết của côn trùng.

Để tránh lây lan, người bệnh nên tránh sờ tay vào chỗ phù nề rồi lại chạm vào vùng da khác hoặc người khác. Cũng không cần phải kiêng tắm. Cũng cần lưu ý, với quần áo phơi ở ban công, ngoài trời mùa này chiều xuống nên thu dọn quần áo vào nhà, tránh côn trùng sà vào quần áo, khăn mặt… khi dùng sẽ gây bệnh.

Hồng Hải

(Dantri)

Kem chống nắng dùng thế nào cho hiệu quả?

Ánh nắng mặt trời là một phần của sự sống, là nguồn năng lượng tự nhiên vô cùng quý giá nhưng cũng là tác nhân gây phá huỷ làn da, là nguyên nhân gây ung thư da hàng đầu tại các nước như Australia, New Zealand...

Ở Việt Nam, ung thư da cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số các bệnh về da. Với điều kiện đời sống kinh tế phát triển, người dân đã có ý thức giữ gìn và bảo vệ làn da của mình bằng cách sử dụng các loại kem chống nắng.

Kem chống nắng là loại kem có chứa các thành phần hoá chất hoặc vật chất có khả năng ngăn chặn, hấp phụ hoặc phát tán ánh sáng mặt trời làm giảm tác hại của ánh nắng lên da. Có thể xem kem chống nắng vừa như một loại mỹ phẩm, lại vừa như một loại thuốc bôi tại chỗ. Chính vì vậy cần phải lưu ý khi dùng kem chống nắng để đạt hiệu quả cao nhất mà lại không bị tác dụng phụ hoặc mất tác dụng.

Kem chống nắng có tác dụng như một tấm lá chắn ngăn ngừa, phản xạ, phát tán các tia sáng mặt trời

Có các loại kem chống nắng nào?

Kem chống nắng lý học: là loại kem chống nắng có tác dụng như một tấm lá chắn ngăn ngừa, phản xạ, phát tán các tia sáng mặt trời không cho chúng ảnh hưởng đến da. Các loại oxid của titan, kẽm đều là chất bảo vệ da, chống nắng lý học.

Kem chống nắng hoá học: là loại kem có chứa các thành phần hoá học có khả năng hấp phụ hoặc chuyển hoá ánh sáng do các phản ứng hoá học. Loại này thường ít có tác dụng chống nắng bằng các chất chống nắng lý học. Trên thực tế, người ta thường kết hợp 2 loại trên để làm ra một loại kem chống nắng hiệu quả cao.

Kem chống nắng bôi bao nhiêu là đủ?

Tuỳ loại kem chống nắng có SPF cao hay thấp mà bôi lượng kem cho đủ mới có hiệu quả chống nắng. Với loại có SPF từ 15 trở lên, với diện tích một khuôn mặt thì cần bôi 1 lượng kem khoảng 2,5gr là đủ. Cách khác là ước lượng khoảng 1 đầu ngón tay trỏ đầy kem sẽ đủ cho cả mặt. Nếu bôi không đủ lượng kem chống nắng thì hiệu quả chống nắng sẽ kém, thời gian chống nắng sẽ ngắn.

Tuỳ loại kem chống nắng có SPF cao hay thấp mà bôi lượng kem cho đủ mới có hiệu quả chống nắng

Khi nào cần bôi kem chống nắng?

Dùng kem chống nắng trước khi đi ra nắng khoảng 15 phút. Cần dùng kem chống nắng ở những người có làn da mỏng, sáng màu, dễ bắt nắng. Những người bị bệnh da như: bệnh da nhạy cảm ánh sáng, bệnh hệ thống (như luput đỏ hệ thống, bệnh chất tạo keo...), những bệnh nhân đang dùng các loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng (ví dụ như: doxycyclin, tetracyclin...) thì có thể dùng kem chống nắng để bảo vệ. Tất cả mọi người đều có thể sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da của mình.

Tác dụng phụ của kem chống nắng

Kem chống nắng ít có tác dụng phụ nhưng cũng có thể xảy ra các biểu hiện sau: Viêm da tiếp xúc: các thành phần của kem chống nắng có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Vì vậy khi dùng kem chống nắng lần đầu tiên nên bôi thử một lượng nhỏ vào vùng mặt trong cẳng tay, chờ đến ngày hôm sau nếu không có biểu hiện ngứa, nổi mẩn đỏ thì có thể dùng được.

Sạm da: một số loại kem không phù hợp với da của bạn có thể làm sạm da. Tuy nhiên, tác dụng phụ này rất hiếm gặp.

Khi dùng kem chống nắng cần tránh

Tránh nước: Khi dùng kem chống nắng mà lại tắm thì hiệu quả chống nắng sẽ giảm đi rất nhiều, thường là giảm một nửa tác dụng. Vì vậy sau khi tắm cần bôi lại kem chống nắng thì mới đạt hiệu quả như mong muốn; Tránh bôi vào niêm mạc: một số loại kem chống nắng có thể gây kích ứng nếu dính vào vùng niêm mạc như mắt, miệng...

Vì vậy nên tránh không bôi kem chống nắng vào các vùng này; Tránh vận động thể lực nhiều: khi vận động thể lực nhiều, mồ hôi sẽ tiết ra làm trôi kem chống nắng; Không nên dùng kem chống nắng kết hợp với bôi các loại thuốc ngoài da khác. Đôi khi dùng chung các thuốc này có thể xảy ra hiện tượng tương tác thuốc gây ảnh hưởng tới da của bạn, thậm chí gây kích ứng, dị ứng.

Không nên quá ỷ lại vào kem chống nắng: Mặc dù kem chống nắng rất có hiệu quả khi dùng đúng cách, tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá ỷ lại vào việc mình đã dùng kem chống nắng. Ngoài việc sử dụng kem chống nắng, bạn nên dùng các phương pháp bảo vệ đơn giản nhưng rất hiệu quả như đội mũ, mặc quần áo dài, che mặt khi đi ra ngoài trời nắng gắt, đặc biệt tránh đi vào khoảng thời gian từ 10 – 15h. Để có làn da trắng luôn tươi trẻ và không bị tàn nhang, rám nắng, hãy bảo vệ làn da của bạn khỏi sự tổn hại bởi ánh nắng mặt trời.


(Theo SKDS)