Lưu trữ cho từ khóa: viêm cơ tim

Coi chừng nhầm lẫn giữa viêm cơ tim và cảm sốt

Viêm cơ tim (VCT) là bệnh gây tử vong nhanh, thường tấn công trẻ em 2 -10 tuổi, rất dễ bị chẩn đoán nhầm thành cảm cúm, sốt thông thường.

Mới đây, Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Saint Paul, Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhi nữ 14 tuổi sốt cao, VCT nặng, và tử vong sau đó. Bác sĩ Trần Đắc Đại, Trưởng Khoa Tim trẻ em (Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E), cho biết, những dấu hiệu VCT lúc mới xuất hiện rất mơ hồ, khiến dễ chẩn đoán nhầm sang các bệnh khác như cảm cúm, sốt virus hoặc bị bỏ qua. Hậu quả là những trường hợp này khi nhập viện bệnh đã rất nặng, nhiều ca tử vong.

coi-chung-nham-lan-giua-viem-co-tim-va-cam-sot

Tình trạng VCT trầm trọng làm tác dụng bơm của tim yếu đi, và không thể đẩy máu giàu oxy cho các bộ phận của cơ thể. Chưa thể thống kê được chính xác số bệnh nhân VCT vì có nhiều trường hợp bị nhẹ và tự khỏi, chính bệnh nhân cũng không nhận thấy. Thêm nữa, tùy tình trạng nhiễm virus mà mỗi người có thể có các triệu chứng khác nhau.

Bác sĩ Đại cho biết, khi vào cơ thể, virus sẽ làm tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim, dẫn đến trụy mạch, khiến tim giãn to, cơ tim co bóp rất yếu, men tim tăng, do các tế bào cơ tim bị hủy hoại phóng thích.

Phần lớn bệnh nhi chỉ được các bác sĩ phát hiện và cho nhập viện khi đã rối loạn nhịp tim, suy tuần hoàn, trụy mạch bởi dấu hiệu nhận biết bệnh thường trùng với bệnh cảm, ho thông thường.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy trẻ có những triệu chứng hô hấp trước đó như sốt, ho, sổ mũi, khò khè, hoặc triệu chứng về tiêu hoá như nôn, tiêu chảy hoặc trẻ nhỏ quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém…, không nên chủ quan. Đặc biệt khi thấy trẻ có các biểu hiện tím tái, thở mệt, tay chân lạnh, cần đưa đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời.

VCT do vi khuẩn hoặc virus gây ra, trong đó phải kể đến những thủ phạm hàng đầu như Enteroviruses, Echoviruses, Adenoviruses, Herpes simplex, quai bị, sởi, rubella. Bệnh do siêu vi gây ra nên chỉ điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và theo dõi các biến chứng để điều trị kịp thời. Nhiều vi khuẩn có thể gây VCT, trong đó có tụ cầu, liên cầu, vi khuẩn gây bệnh bạch hầu…

Theo bác sĩ Đại, để hạn chế nguy cơ trẻ mắc bệnh, cần tập cho trẻ thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tránh tiếp xúc người mắc bệnh về đường hô hấp hay tiêu hoá.

Ngoài ra, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ với đầy đủ vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Đặc biệt, cha mẹ cần tiêm phòng các bệnh bạch hầu, cúm, Rubella, quai bị…

(Theo Tienphong)

Cấp cứu thành công một bệnh nhân nhồi máu cơ tim 27 tuổi

Bác sĩ Nguyễn Minh Toàn, Phó khoa Nội tim mạch (Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định) chiều 3.10 cho biết, bệnh viện vừa cấp cứu thành công một ca nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân mới 27 tuổi.

Đó là anh P.V.N (ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An, H.Phù Mỹ, Bình Định), nhập viện ngày 1.10 trong tình trạng tức ngực, khó thở, bạch cầu tăng cao, kết quả điện tim có biến đổi bất thường.

Lúc đầu, bệnh nhân được chẩn đoán viêm cơ tim do virus. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ ở đây xác định anh N. bị nhồi máu cơ tim cấp vùng trước với nhiều huyết khối trong lòng động mạch liên thất trước.

Sáng 3.10, các bác sĩ đã tiến hành đặt giá đỡ động mạch vành thành công cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Toàn, đây là một trong số ít ca nhồi máu cơ tim ở độ tuổi dưới 30.

Ngoài các nguyên nhân như bị stress, hút thuốc lá, mỡ máu cao, bệnh nhân nhồi máu cơ tim trẻ tuổi còn thường bị thiếu protein C và S - được coi là các yếu tố chống lại quá trình đông máu.

(Theo Thanhnien)

Triệu chứng báo hiệu bệnh viêm cơ tim

Các chuyên gia y học đều cho rằng với một người bị đột tử thì hầu như tất cả đều quy về nguyên nhân: nhồi máu cơ tim cấp.

Nhưng thực ra không phải chỉ có vậy, đột tử còn do rất nhiều nguyên nhân khác: rối loạn nhịp, cơn nhịp nhanh kịch phát tâm thất, viêm cơ tim cấp hay bệnh cơ tim giãn nở…

Cơ tim là một loại cơ đặc biệt, rất ít khi bị viêm và hiếm gặp trường hợp nào cơ tim bị ung thư. Nhưng nói như vậy không có nghĩa không bị viêm cơ tim. Phần lớn những trường hợp viêm cơ tim đều dẫn đến tử vong, đó là một nỗi lo rất lớn của những người thầy thuốc chuyên khoa tim mạch.

Các triệu chứng báo hiệu

Phần lớn các trường hợp, bệnh viêm cơ tim không có triệu chứng đặc hiệu. Hầu như tất cả bệnh nhân đều có cảm giác mệt mỏi, khó thở ít… rất dễ lầm với các bệnh khác mà hầu như người nào cũng gặp trong đời.

Chính vì vậy, trong thực tế có rất nhiều người chết do chủ quan vì nghĩ mình không bị bệnh gì cả, đặc biệt ở những người đàn ông trung niên, tương đối thành đạt, ít quan tâm đến sức khoẻ, hay nói đúng hơn là không dám nhận mình có sức khoẻ không tốt vì công việc làm ăn hay vì sĩ diện với mọi người.

Chúng tôi đã từng gặp nhiều trường hợp chết ngay trên sân tennis vì những người đàn ông này khi thấy mình hơi mệt đã không chịu đi khám bệnh, lại cho rằng tại không chơi thể thao nên mới mệt như vậy. Họ lao vào cuộc chơi với toàn lực để rồi rời sân với một thể xác không còn linh hồn.

Việc tìm ra bệnh cũng nhờ vào điện tim, khi người thầy thuốc cho bệnh nhân đo điện tim lúc khám bệnh. Chính vì vậy, đo điện tim thường quy là một việc làm rất hữu ích, không những giúp thầy thuốc phát hiện ra bệnh viêm cơ tim mà còn phát hiện ra những bệnh gây rối loạn nhịp tim khác như: cơn nhịp nhanh kịch phát, ngoại tâm thu, hội chứng Wolpakingson White…

Trong một số trường hợp điển hình, bệnh nhân có những triệu chứng giống như nhồi máu cơ tim cấp với các biểu hiện đau ngực bên trái dữ dội, mệt, khó thở. Xét nghiệm cho thấy men tim tăng cao, điện tâm đồ có những thay đổi đặc hiệu và gần giống nhồi máu cơ tim cấp.

Bệnh không tha bất kỳ ai

Có khá nhiều nguyên nhân gây viêm cơ tim cấp. Trong đó nguyên nhân thường gặp nhất là viêm cơ tim do virút, đặc biệt là virút Coxackie. Ngoài ra cơ tim có thể bị viêm do nhiễm khuẩn hay gặp ở các nước nhiệt đới gió mùa và có nền kinh tế chưa phát triển. Những bệnh nhân này phần lớn nghèo, suốt ngày tất bật nên không có thời gian để chú ý hay kiểm tra sức khoẻ định kỳ.

Tuy nhiên, viêm cơ tim cũng không tha bất kỳ ai. Với những người khá giả, có cuộc sống tất bật, viêm cơ tim có thể do một số nguyên nhân mà ít người nghĩ đến như viêm cơ tim do rối loạn chuyển hoá, do các bệnh về thiếu hụt miễn dịch hay do tế bào lympho. Những trường hợp này thường gây ra tình trạng đột tử, nhất là khi nạn nhân có luyện tập thể thao, thể dục hay làm những việc quá sức. Chính vì vậy, một lời khuyên không bao giờ thừa là nên khám sức khoẻ tổng quát, nhất là khám tim mạch trước khi quyết định lựa chọn môn thể thao nào và cần chọn môn thể thao phù hợp lứa tuổi.

Hãy thương lấy bản thân

Đau lòng nhất với các thầy thuốc tim mạch là hiện nay có khá nhiều người tuổi trên năm mươi mà vẫn chơi môn thể thao của tuổi mười tám, đôi mươi như cầu lông và tennis. Họ cho đó là những môn thể thao thời thượng, và hậu quả nhãn tiền là đã có khá nhiều người phải rời bỏ cuộc sống tươi đẹp để qua thế giới bên kia.

Để tránh những cái chết tình cờ, lời khuyên chân thành nhất của những chuyên gia tim mạch khi đề cập đến bệnh viêm cơ tim là bạn nên đi khám bệnh tim mạch thường kỳ khi đã ở tuổi 40, thường quy mỗi sáu tháng để được đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm men tim và khám lâm sàng để phát hiện những trường hợp viêm cơ tim khi bệnh mới bắt đầu. Ngoài ra, khi thấy mệt mỏi, đau ngực nhẹ và cảm thấy khó thở dù chỉ là chút ít thì cũng phải hết sức cảnh giác, có thể thần chết đội lốt viêm cơ tim đang rình rập bạn.

“Hãy thương lấy bản thân mình trước khi đợi mọi người thương hay ông trời thương” – là phương châm tốt nhất để phòng tránh bệnh tim mạch.

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Cảnh giác với bệnh viêm cơ tim ở trẻ

Nếu trẻ có các biểu hiện như: tím, da tái, tay chân lạnh, thở mệt thì phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.

Hiện nay, nền công nghệ thông tin phát triển rất nhiều và người dân có thể tiếp cận với các tư liệu về bệnh qua sách báo, Internet. Tuy nhiên, bệnh viêm cơ tim vẫn còn là một vấn đề khi các triệu chứng khởi đầu của bệnh rất mơ hồ, dễ  gây nhầm lẫn với các bệnh khác hoặc là bị bỏ qua, và cuối cùng hậu quả của bệnh rất nặng nề, thậm chí tử vong.


Vậy viêm cơ tim có nhiều không?

Thật ra tỉ lệ mắc bệnh viêm cơ tim không được biết rõ do một số trường hợp viêm cơ tim mức độ nhẹ tự khỏi nên người bệnh và gia đình không nhận biết. Một số trường hợp không có triệu chứng trước đó nhưng sau đó lại diễn tiến bệnh rất nhanh chóng.

Vậy làm thế nào để biết trẻ có bị viêm cơ tim hay không?

Phụ huynh có con nhỏ nên cần cảnh giác khi trẻ có các dấu hiệu sau đây:

- Đối với trẻ lớn: có triệu chứng hô hấp trước đó (sốt, ho, sổ mũi, khò khè), hoặc triệu chứng về  tiêu hoá(ói, tiêu chảy)...

- Đối với trẻ nhỏ: có khi chỉ đơn thuần là quấy khóc, bỏ bú hoặc bú kém...

Đặc biệt, nếu phụ huynh thấy trẻ có các biểu hiện như: tím, da tái, tay chân lạnh, thở mệt thì phải cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị.
Vì vậy khi thấy trẻ có bất cứ biểu hiện khác so với bình thường, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được các BS khám bệnh và  theo dõi.

Tại sao trẻ lại bị viêm cơ tim?

Viêm cơ tim là dạng bệnh lý viêm thành cơ tim do siêu vi gây ra, hàng đầu là Enteroviruses, kế đến là Echoviruses, Adenoviruses, Herpes simplex, quai bị, sởi, Rubella,….

Điều trị viêm cơ tim như thế nào?

Bởi vì viêm cơ tim do siêu vi gây ra nên chúng ta chỉ điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ và theo dõi các biến chứng đề điều trị kịp thời.

Dự hậu của bệnh viêm cơ tim như thế nào?

Một số trường hợp bệnh nhân có viêm cơ tim thoáng qua, không để lại di chứng. Nhưng một số trường hợp bệnh nhân vào viện với bệnh cảnh rất nặng, tiên lượng tử vong rất cao và sẽ có thể có bệnh cơ tim dãn nở, suy tim  hoặc rối loạn nhịp về sau.Đây cũng chính là những biến chứng nặng nề cho trẻ vì nguy cơ điều trị thuốc lâu dài nhưng tiên lượng hồi phục không cao.

Vì vậy lời khuyên cho các phụ huynh là hãy theo dõi trẻ thật sát khi có những triệu chứng nêu trên để kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế để được nhân viên y tế khám bệnh và theo dõi.

Đối với những trẻ ở tuổi đi học: nên hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen rữa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tránh tiếp xúc với những người mắc bệnh về đường hô hấp hay tiêu hoá nhằm tránh bị lây nhiễm siêu vi, đặc biệt là những siêu vi gây bệnh viêm cơ tim.

Theo BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng - BV Nhi Đồng 2

Meo.vn (Theo alobacsi)

Bị sốc tim do nhiễm giun sán chó mèo

Theo tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh viện vừa cứu sống cháu N.M.H, 15 tuổi nhà ở Đồng Nai bị viêm cơ tim do nhiễm giun sán chó mèo (Toxocara) gây biến chứng sốc tim.


Bóng tim to trên phim x-quang

Các bác sĩ khoa Tim Mạch cho biết, cháu H. nhập viện Nhi Đồng 1 trong tình trạng khó thở, tím tái, trụy mạch, phù mặt, phù 2 chân, gan to và tim có tiếng ngựa phi (gallop).

Gia đình cháu H. cho biết, trước thời điểm nhập viện 10 ngày, cháu thường than mệt, ho khan, đặc biệt khi cháu hoạt động thể lực hoặc khi nằm. Sau đó, H. bị sốt nhẹ, đau ngực và khó thở ngày càng nhiều.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, trong lúc điều trị sốc tim để cứu H., các bác sĩ khoa Tim Mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tìm ra nguyên nhân gây viêm cơ tim cấp dẫn đến sốc tim từ một thông tin trong bệnh sử là “ H. thường xuyên chơi, ăn và ngủ chung với chó”.

Em nhanh chóng được cho xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán giun sán chó mèo và kết quả xét nghiệm cho thấy H. bị nhiễm Toxocara – một loại giun sán chó mèo.

Qua trường hợp này, phụ huynh cần lưu ý không nên để các cháu có những biểu hiện quá thân thiết với chó mèo vì có thể bị lây lan những loại ký sinh trùng nguy hiểm.

Để phòng ngừa bị tái nhiễm giun sán chó mèo :

- Giữ gìn vệ sinh cá nhân: rửa tay sạch trước khi ăn, nhà cửa phải được lau dọn sạch sẽ, ăn chín, uống chín, nếu ăn rau sống phải rửa sạch bằng thuốc tím và rửa dưới vòi nước đang chảy.

- Không để chó, mèo trong nhà, không ngủ chung với chúng.

- Nên tắm cho chó thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ cho chó ở thú y, xổ giun định kỳ cho chó.

- Ngoài ra, nếu trong nhà có trẻ em, không để trẻ chơi với chó, không để bé lê la dưới đất.

Bạn cần đi khám và làm lại các xét nghiệm để được chẩn đoán và điều trị đúng bệnh.

Meo.vn (Theo Vnmedia)

8 sai lầm khi cho trẻ uống thuốc

Ngại đưa trẻ đến viện vì mất thời gian, không ít bà mẹ dựa vào kinh nghiệm đã có trước đây để tự mình ra hiệu thuốc mua thuốc chữa trị cho trẻ. Cách này rất không an toàn cho trẻ vì nhiều bà mẹ phán đoán sai bệnh của con.

Phán đoán sai

Rất nhiều bệnh như: bệnh sởi, sởi cấp tính ở trẻ em, bệnh viêm màng não, viêm cơ tim do virus…triệu chứng khởi đầu của các bệnh này giống như là bị cảm, nếu không phát hiện kịp thời sẽ kéo dài thời gian điều trị của bé. Thậm chí nguy cơ tử vong của trẻ sẽ cao hơn nếu để quá lâu.

Dùng thuốc trùng lặp

Các loại dược phẩm trong thuốc cảm thường dùng đều chứa thành phần giảm đau hạ sốt, nếu dùng đi dùng lại sẽ dẫn đến dùng thuốc quá liều lượng, dễ gây ra các phản ứng không tốt, khống chế tái tạo máu. Vì vậy trước khi cho bé uống cần phải đọc kỹ tác dụng và hướng dẫn sử dụng.

Phối hợp không đúng

Có một số thuốc chỉ uống mỗi một loại thì an toàn cho bé, nhưng nếu kết hợp uống với các loại thuốc khác có thể sẽ gây ra những phản ứng không tốt. Nói cách khác là kiêng kỵ khi phối hợp chúng với nhau. Ví dụ như thuốc chống vi khuẩn nếu uống cùng với viên canxi hoặc viên sắt sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thụ của thuốc, giảm thấp hiệu quả chống khuẩn. Vì vậy trong thời gian uống thuốc kháng khuẩn nên tạm dừng uống viên canxi và viên sắt.

Dùng sai liều lượng

Đơn vị tính lượng thuốc ví dụ như thuốc viên thuốc nang thường có đơn vị là g, mg hoặc ug, còn các loại thuốc nước thì lấy ml làm đơn vị.

Liều lượng thuốc của trẻ em không được tính bằng viên đơn giản như người lớn, do cơ thể của trẻ em khác biệt rất lớn, lượng thuốc cần phải tính theo trọng lượng cơ thể. Trong chỉ dẫn đơn thuốc có lúc viết như thế này: mỗi kg trọng lượng uống bao nhiêu mg hoặc ml đều cần phải tính toán chính xác, nếu sai một mg thì sẽ gây hậu quả khôn lường. Tự đi mua thuốc dễ gây ra sai lầm về liều lượng như trên.

Số lần sử dụng không đúng

Các loại thuốc khác nhau hấp thụ trong cơ thể, tốc độ phân giải và bài trừ đều không giống nhau, số lần uống mỗi ngày cũng không giống nhau. Nếu không uống đúng số lần quy định, tác dụng của thuốc sẽ giảm đi hoặc gây ra thuốc quá liều lượng.

Thời điểm dùng thuốc không đúng

Có một số loại thuốc chỉ dùng khi bệnh mới xuất hiện. Khi bệnh đã thuyên giảm thì ngừng sử dụng, không được sử dụng lâu.

Ví dụ, thuốc giảm sốt thường khi nhiệt độ cơ thể nóng hơn 39 độ C thì mới dùng, nếu tiếp tục sốt không giảm thì 4-6 tiếng sau lại uống tiếp. Sau khi hạ sốt thì không cần phải uống thêm nữa.

Không đủ liều dùng

Đa phần các loại thuốc chống khuẩn khi sử dụng cần phải uống liên tiếp trong vòng 1 tuần. Nếu không đủ liều dùng có thể dẫn đến trình trạng  bệnh tật kéo dài hoặc bệnh cũ tái phát.

Dùng nhầm thuốc người  lớn

Rất nhiều loại thuốc người lớn có tác dụng phụ rất lớn không thích hợp dùng cho trẻ em.  Nếu không hiểu rõ đặc trưng của các loại thuốc này tuỳ tiện cho trẻ em uống sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Lời khuyên của bác sỹ: Các ông bố bà mẹ hãy cẩn trọng, khi mua thuốc về nhà nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, không nên vội vàng cho trẻ em uống ngoại trừ đã quá hiểu rõ tính năng và liều lượng của thuốc. Tốt hơn hết là mang trẻ em đến khám ở bệnh viện và làm theo lời chỉ dẫn của bác sỹ cho dù bệnh nhẹ hay nặng.

Theo VTC

Trái tim mùa đông…

Những tháng cuối năm và đầu năm là thời điểm bệnh cảm cúm gia tăng. Bạn có bao giờ nghĩ cảm cúm bình thường là triệu chứng của bệnh tim khá nguy hiểm - viêm cơ tim cấp?

Ông L.N.Đ. sinh năm 1964, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM, nhập viện vì viêm cơ tim cấp kèm viêm màng ngoài tim cấp biến chứng choáng tim. Ông cho biết vào một đêm cuối năm, ông làm nhiệm vụ canh gác nhưng do không mặc ấm bị cảm lạnh, chiều hôm sau thấy sốt cao, đau họng, sổ mũi. Ông đi khám bệnh gấp vì mệt mỏi kèm khó thở, da niêm tím tái. Tại bệnh viện các bác sĩ đo huyết áp thấy huyết áp tụt nặng 60/40 mmHg, điện tâm đồ có ST chênh cao, men tim tăng rất cao, siêu âm tim có tràn dịch màng ngoài tim. Kết luận ông bị viêm cơ tim cấp.

Tương tự, những ngày gần đây có nhiều bệnh nhân nhập viện vì bị viêm cơ tim cấp rất nặng kèm loạn nhịp tim phải đặt máy tạo nhịp tạm thời, trước đó bị sổ mũi, sốt và ho.

Mệt mỏi, sốt, sổ mũi và đau nhức cơ là các triệu chứng kinh điển của bệnh cúm. Ở một số bệnh nhân, chúng lại là các triệu chứng của một dạng bệnh tim hiếm gặp nhưng thường dẫn đến tử vong. Đó là viêm cơ tim cấp và thường ít được chẩn đoán ra. Viêm cơ tim là tình trạng viêm, hoại tử hoặc ly giải của tế bào cơ tim gây nên do nhiễm trùng, do bệnh mô liên kết, nhiễm độc hoặc không rõ nguyên nhân. Các quá trình bệnh lý này ảnh hưởng đến cơ tim kèm hoặc không kèm theo triệu chứng toàn thân. Những biểu hiện thường gặp nhất là suy tim, tuy nhiên đôi khi rối loạn nhịp hoặc đột tử là biểu hiện đầu tiên của bệnh.

Nhiễm virus là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm cơ tim, như: Coxsackie virus type B1-5, Coxsackie virus type A4, Coxsackie virus type A16, Echo virus, Adeno virus, Herpes simplex virus, Influenza virus... Tiếp theo là nguyên nhân do vi khuẩn như liên cầu khuẩn bêta tan huyết nhóm A trong bệnh thấp tim cấp. Ngoài ra còn có nguyên nhân hiếm gặp như do nấm, ký sinh trùng, tia xạ, thuốc kháng sinh, thuốc kháng lao, thuốc chống động kinh...

Bệnh gặp ở trẻ em và người lớn, thường khởi phát đột ngột, làm tim hầu như không có khả năng co bóp và lưu thông máu. Việc điều trị bao gồm thuốc kích thích cơ tim nhờ đó làm tăng lưu lượng máu, hoặc cấy một bơm cơ học để trợ giúp tạm thời tuần hoàn tim. Bơm này thường được lấy ra an toàn sau 7-10 ngày. Nếu có tràn dịch màng ngoài tim gây chèn ép tim thì có thể phải chọc tháo dịch.

Tiên lượng của viêm cơ tim cấp do virus ở trẻ sơ sinh còn rất đen tối: tỉ lệ tử vong lên đến 75%. Tiên lượng ở trẻ lớn cũng không khả quan lắm. Ở người lớn có từ 5-10% bệnh nhân tự lui bệnh. Tuy nhiên có đến 50% bệnh nhân chết trong vòng hai năm và 80% bệnh nhân chết trong vòng tám năm nếu không được thay tim, 19% bệnh nhân bị đột tử khi đang bị viêm cơ tim.

Có bảy bước tăng cường hệ miễn dịch cơ thể giúp bạn tránh được bệnh cảm lạnh, cảm cúm và phòng ngừa viêm cơ tim cấp:

- Rửa sạch tay. Virus cảm lạnh, cảm cúm có thể lây truyền qua bắt tay, tiếp xúc với các vật dụng như nắm đấm cửa.

- Không dụi tay lên mắt, mũi hay miệng.

- Tránh tiếp xúc với những người đang ho hay hắt hơi.

- Dành nhiều thời gian cho nghỉ ngơi để cải thiện hệ miễn dịch.

- Có chế độ ăn lành mạnh và luyện tập đều đặn.

- Uống nhiều nước.

- Uống bổ sung một viên vitamin C (500mg) hai lần/ngày.

Các nhà khoa học tin rằng điều này sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch mặc dù chưa có bất kỳ dữ liệu nào chứng minh.

(Theo TTO)

Cảnh báo bệnh viêm cơ tim thể tối cấp ở trẻ em

Bệnh viện Nhi đồng II TPHCM vừa tiếp nhận 5 trường hợp viêm cơ tim thể tối cấp ở trẻ từ 2 đến 8 tuổi, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.

'Đây là một thực tế báo động bởi số trường hợp trẻ em mắc bệnh ngày một tăng lên và có tỉ lệ tử vong rất cao'- Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng khoa Cấp cứu BV Nhi đồng II cảnh báo.

Cả 5 trường hợp nhập viện đều trong tình trạng bị trụy mạch, rối loạn nhịp tim nặng và sốc tim.

Có 3 trường hợp đã được cứu sống nhờ điều trị kịp thời và bằng việc sử dụng thuốc vận mạch, chống rối loạn nhịp tim và thuốc Immuno Globulin kịp thời. Riêng 2 trường hợp tử vong vì tình trạng bệnh rất nặng, cơ tim không hồi phục được. Cả 2 trường hợp này đều vào viện sau ngày thứ 4 của bệnh.

Theo bác sĩ Thanh Huyền: Viêm cơ tim là bệnh lý tim mạch trầm trọng, thường gây ra do siêu  virus như: Coxsackie virus type B1 - 5, Coxsackie virus type A 4, Coxsackie virus type A 16, Echo virus, Adeno virus, Herpes simplex virus, Influenza virus...

Trong những ngày đầu khởi bệnh, trẻ có triệu chứng của nhiễm siêu vi đường hô hấp trên như sốt, ho, sổ mũi, ói. Sau 1 – 2 ngày, trẻ có thể có triệu chứng khó thở, bứt rứt, quấy khóc, vã mồ hôi, tiểu ít, phù.

Bệnh nhi hầu như chỉ được các bác sĩ phát hiện và cho nhập viện khi có triệu chứng rối loạn nhịp tim, suy tuần hoàn, trụy mạch do giảm sức co bóp của cơ tim. Viêm cơ tim thể tối cấp ở trẻ em là một bệnh tim mạch có diễn tiến nặng đưa đến tử vong.

Các virus này gây tổn thương tế bào cơ tim, làm giảm sức co bóp cơ tim, dẫn đến trụy mạch. Bác sỹ Huyền cho biết: Thời tiết nóng nực có thể là một yếu tố thuận lợi cho sự nhiễm virus nói chung và các virus gây viêm cơ tim nói riêng.

Những triệu chứng giúp phát hiện bệnh sớm

Người lớn có thể phát hiện bệnh sớm khi ở trẻ xuất hiện triệu chứng ban đầu như: Ho, khò khè, sổ mũi và  tiêu chảy vài lần, ói, trẻ biếng bú, biếng ăn, li bì, rên rỉ, quấy khóc.

Nếu phát hiện muộn, chỉ trong vòng 1-2 ngày trẻ bắt đầu có triệu chứng suy tim: mạch ở cổ tay trên 140 lần/phút, nhịp thở trên 50 lần/phút, thở mệt co lõm và da tái, chi lạnh, tím môi và đầu chi, mạch nhẹ hoặc không bắt được.

Hiện tại viêm cơ tim thể tối cấp ở trẻ chưa có thuốc chủng ngừa đặc hiệu. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo phụ huynh cần hạn chế trẻ dưới 24 tháng tuổi tiếp xúc với nhiều người lớn, trẻ lớn để tránh lây các loại virus.

Ngoài ra, cần cho trẻ ăn uống với thức ăn đầy đủ vitamin và khoáng chất. Đặc biệt, phải đưa các cháu đi bệnh viện ngay khi có những triệu chứng trên.

Lê Nguyễn (Theo TienPhong)

Khi nào cắt amiđan cho trẻ?

Vào mỗi dịp hè, phụ huynh thường đưa con đến bệnh viện để cắt amiđan. Trong số đó không ít quí phụ huynh còn thắc mắc con mình được cắt amiđan như vậy có đúng không?

* Trẻ mấy tuổi có thể cắt amiđan được?

- Đây là câu hỏi thường gặp nhất, và cũng là vấn đề thường bị hiểu sai nhiều nhất do sự truyền miệng với nhau giữa các bậc phụ huynh hoặc cũng có thể do sự tư vấn không chính xác của các nhân viên y tế. Thật sự việc cắt amiđan hoàn toàn không phụ thuộc vào tuổi mà phụ thuộc mức độ nghiêm trọng của bệnh do amiđan gây ra.

* Cắt amiđan có làm giảm sức đề kháng hoặc ảnh hưởng đến miễn dịch của trẻ không?

- Amiđan là một trong những cơ quan miễn dịch ở đường tiêu hóa và hô hấp trên, có chức năng tiết ra một số globuline để phòng chống một số bệnh đi vào cơ thể qua đường miệng. Tuy nhiên, cho tới nay các nghiên cứu trên thế giới cho thấy khi theo dõi ở các trẻ đã được cắt amiđan thì lượng globuline miễn dịch này có sự thay đổi không đáng kể và không hề ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của trẻ.

* Cắt amiđan khi nào?

- Các chỉ định cắt amiđan ở trẻ em bao gồm. Thứ nhất, cắt amiđan khi amiđan phì đại gây tắc nghẽn, có hội chứng ngưng thở trong khi ngủ, bé thường có các triệu chứng như ngủ ngáy, trong giấc ngủ có cơn ngưng thở tím tái, giật mình, quấy khóc, đái dầm... Hoặc khi bé chậm lớn, kém ăn, hay bị ói, khó nuốt, khó nói do amiđan quá to.

Thứ hai, cắt amiđan khi bé bị viêm amiđan mãn tính, tái phát nhiều lần trong năm làm ảnh hưởng nhiều đến việc học tập, sức khỏe và tài chính.

Thứ ba, cắt amiđan khi viêm amiđan gây ra các biến chứng như viêm phế quản phổi, viêm cơ tim do vi trùng ở amiđan, viêm cầu thận, viêm khớp do vi trùng ở amiđan, ápxe quanh amiđan, viêm hạch cổ. Ngoài ra còn có những chỉ định cắt amiđan khác như trong trường hợp nghi ngờ bị ung thư, hoặc hôi miệng do amiđan có nhiều ngách hay đọng lại thức ăn, sỏi amiđan, nấm amiđan.

* Cắt amiđan có nằm viện không?

- Hiện nay tại các bệnh viện lớn, các trẻ từ bốn tuổi trở lên có thể cắt amiđan và xuất viện trong cùng một ngày, nếu ở xa có thể nằm lại bệnh viện một đêm, các trẻ dưới bốn tuổi cắt amiđan vì những lý do đặc biệt bắt buộc thì nhập viện 2-3 ngày cho đến khi thật sự ổn định mới xuất viện.

* Cắt amiđan có tai biến nguy hiểm không?

- Tuy là một phẫu thuật đơn giản, thời gian phẫu thuật ngắn, thường tối đa không quá 30 phút, nhưng cũng như các phẫu thuật khác, phẫu thuật cắt amiđan cũng tiềm ẩn những tai biến như tai biến do gây mê, tai biến do chảy máu sau mổ. Để phòng ngừa những tai biến này, quí phụ huynh báo cho bác sĩ biết rõ những tiền căn dị ứng hoặc những bệnh lý nội ngoại khoa mà bé đã hoặc đang có. Đồng thời sau mổ kiêng các thức ăn cứng, nóng, chua, cay. Ăn các thức ăn lỏng, nguội, mềm trong vòng 15 ngày đầu để tránh chảy máu sau mổ.

* Sau khi cắt amiđan trẻ có cần cữ nói?

- Khác với quan niệm trước kia là sau khi cắt amiđan phải cữ nói, ngày nay với các phương pháp mổ hiện đại như cắt amiđan bằng dao điện, bằng laser hoặc bằng coblation, sau khi cắt trẻ có thể nói chuyện được ngay. Tuy nhiên vẫn tránh những hoạt động thể lực như chạy chơi, bơi lội, đá bóng...

Theo Tuổi Trẻ

Đề phòng đột tử!

Đột tử -  cái chết đột ngột -  phần lớn nguyên nhân là do bệnh lý tim mạch, còn do não chiếm ít hơn. Nam giới chiếm 2/3 số trường hợp, số đông là ngoài tuổi 40, tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị đột tử khi còn ở tuổi khá trẻ.

Đột tử và nguyên nhân

Mới đây (hôm 16/9), cái chết đột ngột của anh Nguyễn Th. (là phóng viên của Đài tiếng nói  Việt Nam, thường trú tại phía Nam) ở tuổi còn khá trẻ (30 tuổi), khiến cánh phóng viên ngỡ ngàng. Ngỡ ngàng vì trước đó anh không có biểu hiện gì của bệnh lý tim mạch cả, anh cũng không béo phì, không rượu chè, thuốc lá. Đêm ấy, sau khi làm xong chương trình, anh nghỉ lại tại cơ quan, đến sáng mọi người phát hiện anh đã chết. Kết quả giải phẫu tử thi cho thấy anh Th. bị nhồi máu cơ tim, mỡ bọc quanh tim!

Theo PGS - tiến sĩ Võ Thành Nhân - Chủ tịch Phân hội Tim mạch can thiệp (TP.HCM), phụ trách khoa Tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy: 'Trước đây người ta quan niệm cái chết đột ngột xảy ra do bệnh tim mạch là trong vòng 24 giờ đồng hồ, nhưng hiện nay, gọi là cái chết đột ngột khi xảy ra trong vòng 1 giờ. Có nhiều nguyên nhân ở bệnh lý tim mạch gây nên đột tử, nhưng nguyên nhân do bệnh mạch vành là nhiều nhất (chiếm khoảng 2/3 số trường hợp). Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: cơ tim bị phì đại, giãn nở (bệnh lý di truyền); viêm cơ tim (xảy ra ở người trẻ, thường không có triệu chứng); do vỡ phình động mạch chủ (do xơ vữa động mạch, hay do chấn thương); dị dạng động mạch vành (do bẩm sinh); suy tim; hội chứng Brugada. Những người đã có tiền sử bị nhồi máu cơ tim, hay suy tim thì dễ bị đột tử hơn người chưa bị'.

Hãy đề phòng!

Cơ hội để chữa trị đột tử là gần như không có, vì người bệnh chết rất nhanh. Cái chính là cần phải lưu ý, phòng ngừa đột tử, cần để ý đến những triệu chứng bệnh mạch vành, mà đi kiểm tra, khám chữa bệnh kịp thời. Theo PGS - Tiến sĩ Võ Thành Nhân, bệnh lý mạch vành có thể biểu hiện lâm sàng ở những dạng như sau: chỉ có biểu hiện trên điện tâm đồ và các xét nghiệm, chứ rất ít triệu chứng; đau ngực, có thể là cơn đau thắt ngực cố định, người bệnh biết trước đặc điểm đau ngực, thời gian đau thường dưới 15 phút, thường đau ở giữa ngực, sau xương ức, có cảm giác như bóp nghẹt. Đau thường lan ra cánh tay trái, lan đến cổ, dưới hàm, xảy ra khi người bệnh gắng sức (như làm việc nặng, đi cầu thang), khi ngưng gắng sức, đau sẽ hết, bệnh nhân có thể chịu đựng được.

Cũng có thể là cơn đau thắt ngực không ổn định, tính chất cơn đau thường thay đổi, xảy ra nặng hơn, tần suất xuất hiện dày hơn, cường độ đau nặng hơn, thời gian đau kéo dài trên 15 phút. Trường hợp này người bệnh cần phải vào bệnh viện ngay; biểu hiện lâm sàng nữa có thể là nhồi máu cơ tim, triệu chứng cũng giống như trường hợp cơn đau thắt ngực không ổn định, nhưng thời gian đau thường kéo dài trên 30 phút; biểu hiện tiếp nữa là bệnh nhân suy tim do bệnh mạch vành...

Cơ chế sau cùng ở bệnh lý mạch vành dẫn đến đột tử là do loạn nhịp. Theo bác sĩ Phạm Hữu Vân: 'Cũng có những trường hợp loạn nhịp không nguy hiểm, có thể chữa trị, nhưng cũng có trường hợp loạn nhịp có thể dẫn đến đột tử bất cứ lúc nào. Để khống chế cơn loạn nhịp, cứu người bệnh thoát khỏi tình huống đột tử, hiện nay y học có phương pháp cấy máy phá rung tim vào trong cơ thể bệnh nhân. Sau khi 'thoát' được đột tử, bác sĩ sẽ điều trị bệnh nền gây nên loạn nhịp'.

Để kiểm tra bệnh lý mạch vành, theo các bác sĩ, có thể làm từng bước. Nếu điện tâm đồ gắng sức có nghi ngờ, thì tiếp tục làm siêu âm tim gắng sức. Nếu siêu âm tim gắng sức bình thường, thì có thể không làm tiếp nữa, nhưng nếu nghi ngờ nên kiểm tra tiếp. Những người bị đau ngực nhưng không biết đau do nguyên nhân gì, thì nên đi khám, kiểm tra tim mạch. Tùy từng trường hợp, bác sĩ có thể cho làm các cận lâm sàng để kiểm tra bệnh. Phát hiện, xử lý sớm bệnh mạch vành, để tránh biến chứng nhồi máu cơ tim đưa đến đột tử.

Thanh Tùng (Theo Thanh niên)