Lưu trữ cho từ khóa: vị thuốc đông y

Vừng, vị thuốc đông y quen thuộc

Vừng là thức ăn thường dùng, quen thuộc. Trong các cuốn sách Đông y các thời đại thì vừng được gọi là  vị thuốc kéo dài tuổi thọ. Tại sao vừng lại đựợc gọi là vị thuốc “trường sinh”?Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng trong vừng có chứa rất nhiều các chất chống lão hóa như vitamin E…; có các chất mà cơ thể cần như protein, chất béo, đường, khoáng chất, có các chất phòng chống bệnh xơ cứng động mạch như axit béo không bão hòa, vitamin PP, vitamin B1, những thứ này đều là cơ sở cho việc kéo dài tuổi thọ.

Vừng có tác dụng bổ não dưỡng sinh: Do vừng có chứa nhiều chất chống lão hóa, bổ não, tăng cường trí lực, lại chứa nhiều axit béo không bão hòa có thể phòng bệnh xơ cứng động mạch, bởi vậy nó có tác dụng bổ não dưỡng sinh rất tốt.

Các bài thuốc người trung niên và người già có thể dùng để bổ não chống lão hóa. Nếu thanh thiếu niên do học hành căng thẳng, não lực mệt mỏi, hay đau đầu, giảm trí nhớ có thể dùng:

- Đem vừng sao thơm, khi sao cho vào ít muối, ăn mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30g.

- Lấy 30g vừng, 60g gạo tẻ, cho nước ninh thành cháo, ăn một lần một ngày.

- Lấy quả dâu khô và vừng với lượng bằng nhau nghiền từng thứ thành bột, trộn đều, mỗi lần lấy một thìa trộn với một thìa mật ong, pha với nước sôi uống.

Vừng với tác dụng trị táo bón:

Vừng có chứa chất dầu có tác dụng nhuận tràng dễ đại tiện, lại bổ nên phù hợp với những người đại tiện táo hoặc khô do âm tân khí huyết hư tổn. Các bài thuốc dùng vừng để nhuận táo dễ đại tiện:

Bài 1: Dùng 90g vừng đen, 20g hạnh nhân ngọt, 90g gạo tẻ, ba vị này đổ nước vào ngâm cho nở ra rồi đem nghiền nát, đun chín, cho ít đường, chia làm 2 lần ăn trong ngày.

Bài 2: Lấy 30g vừng đen, 60g hạnh đào, cả hai thứ đem giã nát, mỗi ngày lấy một thìa, pha vào
nước sôi, cho thêm ít mật ong, quấy đều uống vào sáng sớm.

Bài 3: Đem sao vừng đen, lá dâu (hai thứ lượng bằng nhau), rồi nghiền thành bột, mỗi lần ăn 3 thìa, ngày 2-3 lần.

Dùng vừng trị chứng thiếu sữa:

Vừng có tác dụng thông sữa, trị chứng thiếu sữa. Vừng vị tính bình hòa, tác dụng bổ gan thận, bổ dưỡng tinh huyết, nên có tác dụng bổ dưỡng cho sản phụ bị tinh huyết hư tổn, thiếu sữa.

Bài thuốc kinh nghiệm là lấy 30g vừng giã nhỏ, 10g tằm khô nghiền bột, cho ít đường đỏ vào trộn đều, hãm nước sôi, đậy kín khoảng 10 phút thì uống một lần cho hết, ngày uống một lần vào lúc đói.


Theo Netlife

Phát hiện mới về tác dụng của rau quả đắng

Một số loại rau quả có vị đắng dưới đây có tác dụng giảm béo hiệu quả, thanh nhiệt, giải độc...

http://dantri.vcmedia.vn/Uploaded/2009/08/02/e0emuop-dang-2809.jpg

1. Rau cần tây - Giảm béo hiệu quả

Theo nghiên cứu gần đây nhất của trung tâm nghiên cứu bệnh tiểu đường và bệnh béo phì của các nhà khoa học Newyork, rau cần tây có vị đắng nhẹ, không quá nồng, chứa đến 95% hàm lượng nước. Một cây cần tây chứa khoảng từ 4-5 calo. Tuy nhiên, khi ăn, chúng ta phải mất từ 4-5 calo để nhai nhừ cần tây, cộng thêm khoảng 5 calo để thực hiện quá trình tiêu hóa cần tây. Do đó, nhiệt lượng để tiêu hóa cần tây còn vượt quá lượng calo mà cây cần tây có thể cung cấp cho cơ thể. Chính vì lý do này, cần tây có vai trò tích cực trong quá trình giảm béo.

Lưu ý: Phương pháp chế biến cần tây để đạt hiệu quả giảm béo nhất đó là: cho cần tây tươi đã được rửa sạch vào nước đã đun sôi khoảng 2 phút rồi cho ra ngoài. Thái nhỏ cần tây, cho thêm một chút táo xanh để làm món salat vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng, lại có tác dụng giảm béo hữu hiệu.

2. Măng tây - Lợi khí, lợi tiểu

Hàm lượng dinh dưỡng trong măng tây vô cùng phong phú, có vị mát, đắng dịu giúp kích thích sự thèm ăn, là trợ thủ đắc lực của hệ tiêu hóa.

Ngoài ra, thành phần kali dồi dào trong măng tây giúp lợi tiểu, làm giả áp lực cho hệ tim mạch, vô cùng có lợi cho những người mắc chứng huyết áp cao hay lượng cholesterol trong máu vượt chuẩn.

Theo sách Đông y, măng tây có tác dụng thanh nhiệt tiêu đờm, hạ hỏa giải độc, có tác dụng lợi khí, tạo cảm giác thoải mái cho cơ thể.

Lưu ý: Hòa thành hỗn hợp bao gồm nước cốt chanh, mật ong, nước lọc( sạch), muối tinh theo lượng thích hợp vừa khẩu vị của mỗi người. Sau đó cho thêm một vài miếng măng tây, mấy lát cà chua rồi để vào tủ lạnh bảo quản. Như vậy, mùa hè nắng nóng này bạn đã có thứ thực phẩm hấp dẫn, vừa giải khát vừa tốt cho sức khỏe.

3. Quả hạnh nhân - Thanh nhiệt, giải độc

Hạnh nhân được biết đến như một trong các vị thuốc đông y giúp thanh nhiệt, tiêu độc. Bởi hạnh nhân rất dễ tiêu hóa, giúp lợi tiểu, lại có hàm lượng xenlulozơ phong phú có lợi cho phổi và có khả năng thanh nhiệt, giải độc cao. Do đó cũng góp phần' đào thải' các chất cặn bã ra ngoài cơ thể, giúp giảm béo hiệu quả.

Lưu ý: Trước khi sử dụng loại quả hạnh nhân có vị đắng làm vị thuốc giảm cân, cần phải trần qua nước sôi để bớt đắng cũng như một số độc tố có hại trong hạnh nhân.

4. Qủa sơn trà (sơn tra, táo mèo) - Giàu hàm lượng chất xơ

Sơn trà có tính dịu mát, vị chua ngọt pha chút vị đắng nhẹ, giàu hàm lượng chất xơ và các thành phần khoáng chất.

Cứ 100 gam sơn trà thì lại có 0,4 gam protein, 6,6 gam cacbonhydrat, đồng thời còn chứa vitamin B và C. Do đó, đây là loại quả có tác dụng giảm béo rất tốt.

Ngoài ra, sơn trà còn chứa nhiều axit hữu cơ, kích thích tiêu hóa, có tác dụng tích cực trong quá trình tiêu hóa và hấp thụ thực phẩm cũng như giải khát hiệu quả.

5. Mướp đắng - 'Sát thủ của chất béo'

Nghiên cứu cho thấy, mướp đắng là' sát thủ của chất béo' giúp giảm béo hiệu quả. Chất giúp tiêu mỡ đặc biệt trong mướp đắng có tác dụng giảm tới 40-60% lượng đường trong cơ thể. Do đó, mướp đắng là một trong những loại quả được dùng trong Đông y khá phổ biến, vừa có tác dụng chữa bệnh đau đầu, vừa giúp giảm cân hiệu quả.

Lưu ý: Không nên xao mướp đắng ở nhiệt độ quá cao, bởi nhiệt độ cao sẽ làm hàm lượng chất có tác dụng giảm béo bị phân hủy. Do đó, tốt nhất nên thái nhỏ mướp đắng để làm các món nộm, salat. Như vậy sẽ đảm bảo hiệu quả giảm béo, giúp bạn sở hữu một thân hình thon gọn, khỏe mạnh.

Phạm Hằng

Theo Xinhuanet

Mùa lạnh, trị viêm họng hạt

Mùa này, bạn rất dễ mắc viêm họng hạt hoặc bị tái phát bệnh. Nuốt khó, đau rát họng, ho dai dẳng kèm theo đờm đặc... là những triệu chứng khó chịu của bệnh đòi hỏi phải trị dứt điểm.

Viêm họng hạt là phản ứng của niêm mạc họng khi bị viêm nhiễm kinh niên. Biểu hiện là thành sau họng có nhiều hạt lớn nhỏ khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy ngứa, rát, nuốt vưỡng, húng hắng ho, ho dai dẳng có khi gây sốt, ho có đờm đặc. Viêm mạn tính, amiđan và xoang cũng dẫn đến đau họng hạt.

Dùng kháng sinh để điều trị sẽ giúp làm lui bệnh nhanh hơn nếu là viêm họng hạt cấp nhưng đối với viêm họng mạn thì việc dùng kháng sinh phối hợp là không cần thiết.

Nhiều người sử dụng biện pháp điện đốt các hạt viêm, khí dung kháng sinh tại chỗ... nhưng đây chỉ là điều trị triệu chứng, không cho kết quả lâu dài. Để điều trị tận gốc, phải điều trị nguyên nhân đó là những viêm nhiễm xung quanh amiđan và xoang thì bệnh mới không tái phát.

Ảnh minh hoạ

Với bệnh viêm họng hạt, tối ưu nhất là phòng bệnh:

- Giữ ấm vùng mặt, cổ, ngực, gan bàn chân, tránh ăn kem, uống nước đá lạnh.

- Giữ vệ sinh răng miệng và họng sạch sẽ.

- Có thói quen súc họng với nước muối ấm loãng có độ mặn tương đương với nước canh, ngày súc 3 lần.

- Không hút thuốc lá và cũng tránh ngửi khói thuốc thụ động, tránh nơi có không khí ô nhiễm…

Trị bệnh:

- Để điều trị viêm họng hạt, trước hết phải loại bỏ các ổ vi khuẩn xung quanh, tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến viêm họng hạt để chữa một cách triệt để. Ví dụ: điều trị viêm mũi, viêm xoang, viêm khí phế quản, viêm amidan... để loại bỏ ổ vi khuẩn ở những nơi này.

- Sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sỹ. Nếu viêm họng cấp tính do virus thì không cần dùng kháng sinh, chỉ cần các thuốc sốt, giảm ho và thuốc long đờm. Còn viêm họng do vi khuẩn cần phải dùng kháng sinh, một đợt điều trị từ 5-7 ngày.

- Xông họng bằng các loại kháng sinh, kháng viêm hoặc chấm họng bằng các loại thuốc như glyxerin borat.

- Vệ sinh đường họng sạch sẽ, súc họng với nước muối ấm loãng, pha nước muối theo tỷ lệ 9gr muối trong 1 lít nước là tốt nhất. Cứ sau 2 tiếng súc họng 1 lần để sát trùng đường họng, giảm bớt được các triệu chứng của họng.

Súc họng bằng nước muối ấm không những sát trùng đường họng, giảm sưng, viêm mà còn giúp giãn mạch, tăng tuần hoàn tại chỗ, khiến bạch cầu đến đây nhiều hơn, giúp bệnh mau lành nhưng đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh.

Để việc súc họng bằng nước muối được hiệu quả, trước tiên, cần súc sạch khoang miệng rồi mới súc họng khoảng 3-4 lần với nước muối. Sau 2-3 giờ lại súc lại. Lưu ý súc họng trước và sau khi đi ngủ sẽ giúp giảm vưỡng víu ở họng.

Khi súc họng làm sao phải cổ ngửa ra sau đến mức tối đa để nước muối chạm thành sau họng thì dùng hơi đẩy nước muối ra, tạo tiếng kêu 'khò khò' đều đặn. Nếu chỉ viêm họng cấp, súc họng đều đặn sẽ giúp giảm triệu chứng rõ rệt sau 2-3 ngày.

- Tập thở sâu (phương pháp thở bụng) dài hơi, nhẹ nhàng và đều đặn.

- Uống nhiều nước hàng ngày để tránh cổ họng bị khô

- Hạn chế nói để tránh làm sưng, tổn thương họng.

- Bài thuốc dân gian trị viêm họng hạt: cắt chanh thành lát, trộn với muối hạt ngậm khi mới viêm họng, ăn cháo nóng nhiều hành, tía tô, hạt tiêu sẽ tiêu diệt được vi khuẩn vùng họng. Dùng vị thuốc đông y từ Kha tử giúp trị viêm họng, họng có đờm, tiêu đờm, ho rất hữu hiệu, hoặc cho 1 nắm hạt tam tử với 1 bát nước, đun sôi còn nửa bát uống sẽ rất tốt cho các chứng bệnh viêm nhiễm đường hô hấp.

(Theo aFamily)

Uống mật gấu: Cẩn thận lợi bất cập hại!

Tiến sỹ y học Phạm Duệ - Giám  đốc Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai cho biết: Với những người khỏe mạnh hoàn toàn không cần uống mật gấu, việc sử dụng nếu không cẩn thận sẽ lợi bất cập hại!

Theo y học cổ truyền, mật gấu là một vị thuốc đông y có thể dùng chữa trị các chấn thương về xương, có tác dụng hoạt huyết, tiêu huyết tụ. Ngoài ra, một chút mật pha loãng có thể giúp tiêu hóa dễ dàng hơn cho những người bị xơ gan, viêm gan virus mãn tính, dẫn tới thiểu năng gan, giảm khả năng sinh ra mật, ăn uống hay đầy bụng khó tiêu.

Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Phạm Duệ không vì thế mà sử dụng mật gấu một cách tùy tiện, càng không nên uống mật gấu. Bản thân mỗi người đều có một cái mật rất to, cơ thể con người thường xuyên sản sinh ra dịch mật đủ để tiêu hóa thức ăn. Vì vậy, không cần thiết phải uống mật gấu để giúp tiêu hóa tốt hơn mà chỉ cần dùng mật của chính cơ thể mỗi người để tiêu hóa một lượng thức ăn vừa đủ mỗi ngày.

Trong thành phần của các loại mật nói chung, trong đó có mật gấu nói riêng thường có thành phần rất độc, có thể gây nhiễm độc mật với các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, suy gan thận, điều trị rất tốn kém và có thể dẫn đến tử vong.

Hàng năm, Trung tâm chống độc, bệnh viện Bạch Mai đã phải cấp cứu cho vài chục ca nhiễm độc do uống mật. Có những trường hợp ngộ độc mật nặng dẫn đến viêm gan, suy gan, chảy máu khắp nơi, hoặc vô niệu (không đái được do suy thận cấp), chất độc ứ trong người… phải tiến hành lọc máu liên tục nhiều ngày để cứu chữa. Có trường hợp người già hay đau nhức xương khớp, chỉ dùng một chút mật gấu sống ngay lập tức bị đau bụng, tiêu chảy, mất nước, trụy mạch phải vào viện cấp cứu.

Bên cạnh đó, vì đường dẫn mật thông vào long ruột, nơi chứa rất nhiều vi khuẩn nên mật gấu có thể bị nhiễm vi khuẩn, nếu uống sống dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, dẫn đến sốc nhiễm khuẩn…

Với những người thường hay ăn nhậu, vốn đã ăn uống quá nhiều với những bữa ăn thịnh soạn (do đó mà hay có cảm giác đầy bụng khó tiêu), họ thường uống rượu pha với mật gấu. Loại trừ việc mật độc, mật nhiễm khuẩn, thì việc mật giúp cho hấp thụ thêm thức ăn trong những trường hợp này sẽ đẩy mạnh sự phát sinh, phát triển của các loại bệnh rối loạn chuyển hóa do ăn quá nhiều như: tiểu đường, béo phì, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, tăng a xit uric.v.v. và một loạt các bệnh khác đi kèm.

Vì vậy tiến sĩ Duệ khẳng định là không nên lạm dụng mật để uống trong bất cứ trường hợp nào kẻo lợi bất cập hại.

Theo Thuỳ Hoa

Đắp mặt nạ bằng thuốc Đông y: Đừng lấy da mặt làm thí nghiệm

Mùa hè nóng bức phơi nắng nhiều nên phụ nữ luôn bảo vệ làn da cho đỡ bắt nắng. Trước đây bỗng rộ lên phong trào đắp mặt nạ bằng thuốc Bắc. Chỉ phụ nữ ở thành phố mới có điều kiện đắp mặt nạ. Thời gian gần đây với giá cả đa dạng, ngay cả phụ nữ ở nông thôn cũng đua nhau đắp mặt nạ. Liệu loại mặt nạ này có thật sự đem lại hiệu quả thần kỳ khi được bán với giá rẻ như vậy?

Bỏng da, dị ứng vì làm đẹp

Một bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu khám kể lại về việc dùng mặt nạ thuốc đông y của mình: 'Tôi đến một tiệm thuốc Bắc gần nhà hỏi mua những vị thuốc có thể làm trắng da. Sau đó, tôi nhờ họ xay nhuyễn, trộn tất cả các vị thuốc ấy lại với nhau. Theo hướng dẫn của tiệm, tôi trộn hỗn hợp thuốc đó với nước lạnh thành một bát thuốc sền sệt rồi đắp lên mặt mỗi tối'.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Khi đắp mặt nạ bằng thuốc đông y cần phải có ý kiến của nhà chuyên môn.      Ảnh: M.H

'Tôi đắp lần thứ nhất, chừng mười lăm phút sau, có cảm giác da mặt mình bị nóng rát. Tôi nghĩ mới đắp lần đầu chắc chưa quen nên chuyện thấy nóng rát là phản ứng tự nhiên. Hôm sau tiếp tục đắp, thấy da nóng rát dữ dội hơn. Sáng ra, còn thấy nhiều mụn nước ửng đỏ nổi lên khắp mặt. Hoảng quá, tôi đi Bệnh viện Da liễu để khám ngay!'.

Da mặt là một vùng da hết sức nhạy cảm nên các chị em không thể tùy tiện đắp lên đó các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, khuynh hướng dùng thuốc đông y trong việc làm đẹp hiện đang được ưa chuộng bởi phái đẹp đang có xu hướng tìm về với các loại mỹ phẩm được chế xuất từ cây cỏ trong tự nhiên. Các thẩm mỹ viện cũng theo xu hướng này mà dùng thuốc đông y trong các quá trình trị liệu để thu hút khách. Nhiều người kháo nhau về chuyện ở thẩm mỹ viện có sử dụng thuốc đông y để trị nám, làm trắng da. Điều này là có thật, thế nhưng ít ai biết để làm cho da hết nám, trắng sáng, việc sử dụng thảo dược chỉ là một biện pháp hỗ trợ trong quá trình trị liệu.

Bên cạnh đó, nhiều chị em đã mua thuốc đông y tự chế về làm mặt nạ để đắp. Hậu quả của việc sử dụng loại mặt nạ làm từ thuốc đông y trôi nổi này là nhiều người bị dị ứng, nổi mẩn đỏ, đau rát, nên phải đi khám và điều trị ở Bệnh viện Da liễu.

Khi mua thuốc đông y trên thị trường, bạn không thể biết trong những gói thuốc không nhãn mác đó gồm có các thành phần nào, cũng như liều lượng của mỗi thành phần đó là bao nhiêu. Thế nên cũng không đảm bảo được thuốc đó có gây dị ứng hay tác hại nào khác cho da hay không. Khi quyết định dùng thuốc đông y để làm mặt nạ đắp, thậm chí pha chế với nhiều loại trái cây, sữa chua dùng thường xuyên khiến da bị dị ứng nên sưng đỏ, viêm tấy... bạn nên gặp thầy thuốc để được chỉ dẫn cụ thể, không nên tự ý mua về sử dụng.

Thuốc đông y có làm đẹp da?

Theo các nhà chuyên môn, một số vị thuốc đông y từ ngàn xưa đã được chứng minh là có công dụng trong việc làm đẹp. Danh y Tuệ Tĩnh trong Nam dược thần hiệu cũng đã ghi lại hai phương thuốc dùng hoa đào để làm đẹp da mặt cho phụ nữ. Phương thứ nhất: hoa đào 4 lạng ta, nhân hạt bí đao 5 lạng ta, vỏ quýt 2 lạng ta, tất cả đều phơi khô, tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 đồng cân với nước ấm sau bữa ăn. Muốn da trắng thì thêm nhân hạt bí đao, nếu muốn da đỏ hồng thì thêm hoa đào. Uống 50 ngày thì mặt trắng, uống thêm 50 ngày nữa thì da dẻ toàn thân cũng trở nên trắng trẻo. Phương thứ hai: vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, lấy hoa đào phơi khô, tán bột. Ngày mùng 7 tháng 7 chích lấy máu ở mào con gà, đem trộn với bột hoa đào rồi bôi lên da mặt, sau 2 - 3 ngày màng thuốc bong ra thì da mặt trở nên tươi sáng như hoa. Do vậy, muốn làm đẹp da bằng đông y cần phải đến các nhà chuyên môn để biết kết hợp các thành phần này một cách hợp lý, đúng liều lượng, đúng loại da mang lại hiệu quả tốt nhất.

Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM, trong đông y, các vị thuốc như bạch phục linh, cám gạo, trái cây, hoa đào, hoa hồng... có công dụng làm đẹp và đã được kiểm nghiệm thực tế. Tuy nhiên, các thành phần này phải được pha chế đúng liều lượng và thường sau một thời gian mới phát huy hiệu quả chứ không thể trong một sớm một chiều.

Ai cũng biết, thuốc đông y là một loại 'mỹ phẩm' tự nhiên. Chúng tác động vào da và ngấm dần vào máu trong quá trình đắp mặt hoặc uống. Thế nên, chúng có công dụng lâu dài và an toàn, chứ không thể có tác dụng nhanh chóng như các loại hóa chất.

Hơn nữa, việc dùng thuốc đông y để uống hay đắp mặt đều phải sử dụng theo đúng liều lượng và tùy từng loại da.

Với các loại mặt nạ không nguồn gốc vừa nêu, không ai biết chúng gồm những thành phần gì. Cũng không loại trừ khả năng người bào chế thuốc có cho thêm một thành phần chất tẩy trắng nào đó vào thuốc đông y dạng bột này. Hơn nữa, do sự hiểu biết hạn chế, nhiều chị em tự ý mua thuốc bột về pha chế với nhiều loại trái cây, sữa chua để đắp lên mặt và lại dùng thường xuyên khiến da bị dị ứng nên sưng đỏ, viêm tấy...

Thu Hương

(suckhoe&doisong)

Dùng bổ thận tráng dương sao cho đúng?

Các thứ thuốc bổ thận tráng dương theo quan niệm của đông y rất hấp dẫn các đấng mày râu, đặc biệt là khi họ lâm vào tình trạng bất lực. Tuy nhiên không ít những trường hợp do những hiểu biết không đúng về nguyên nhân gây bệnh dẫn đến việc dùng thuốc không đúng.

Có phải cứ bất lực là do thận hư?

Nhiều người cứ bất lực là nghĩ rằng bị “thận hư” và tự động đi tìm những vị thuốc đông y có tác dụng bổ thận tráng dương để trị liệu. Nhưng theo y học cổ truyền, bất lực thuộc vào phạm vi chứng “dương nuy” mà nguyên nhân gây nên rất phức tạp như : tình chí uất kết (yếu tố tâm lý, tình cảm), ẩm thực bất điều (ăn uống không hợp lý), lục dâm xâm nhập (các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài như hàn, thấp…), phòng sự quá độ (sinh hoạt tình dục bừa bãi), niên cao thể nhược (tuổi cao sức yếu), cửu bệnh sở lụy (bị bệnh lâu ngày), bẩm thụ tiên thiên bất túc (di truyền, tật bệnh từ nhỏ)...

Thực tế lâm sàng cho thấy, không ít người ở vào độ tuổi 20 - 40 lâm vào tình trạng bất lực nhưng cơ thể vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh, không hề có các biểu hiện của hội chứng thận hư (thận theo quan niệm của đông y) như đầu choáng mắt hoa, lưng đau gối mỏi, tai ù tai điếc, răng long tóc rụng...Phần lớn nguyên nhân gây nên bất lực ở họ là do yếu tố tâm lý tình cảm (tình chí uất kết) tác động trước hết đến các tạng như Can, Tâm và Tỳ, tạo nên những thể bệnh như Can khí uất kết, Tâm tỳ lưỡng hư...

Bất lực ở nam giới không phải lúc nào cũng do thận hư.

Sự lạm dụng thuốc cường dương

Thông thường khi mắc chứng bất lực, người bệnh rất hoang mang, trong khi họ không có kiến thức chuyên môn thì một số “lang băm” và người kinh doanh đông dược lại vô tình hoặc cố ý khuếch đại một cách quá mức về công dụng của thuốc bổ thận tráng dương khiến cho “con bệnh” vì quá tin mà lạm dụng. Hậu quả là, bệnh trạng của người bệnh không những không được cải thiện mà có khi còn trở nên tồi tệ hơn, thậm chí dẫn đến những tác dụng phụ không mong muốn như căng thẳng thần kinh, mất ngủ, lở loét miệng, chảy máu chân răng, mụn nhọt, khô miệng, tăng huyết áp... Đối với những người bị bệnh bất lực do dùng tân dược để trị liệu tăng huyết áp, bệnh lý mạch vành, đái tháo đường... thì việc dùng nhầm hoặc lạm dụng các thuốc cường dương, ôn nhiệt là hết sức nguy hiểm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu dùng kéo dài thuốc tráng dương có thể gây ức chế sự hưng phấn của trục nội tiết vùng dưới đồi - tuyến yên - tinh hoàn vốn có vai trò rất lớn trong việc cường dương. Hơn nữa, lạm dụng thuốc tráng dương có thể còn làm cho tuyến tiền liệt ở nam giới phì đại nhanh chóng và dễ dẫn đến trạng thái ung thư hoá.

Có nên nghỉ “yêu” để trị bất lực?

Những trường hợp bị bất lực ở mức độ nặng, nghĩa là không thể “hành sự” được thì nên tiết dục để bảo tồn tinh khí và giữ gìn sức khoẻ, còn thì với mức độ nhẹ và vừa thì vẫn nên duy trì sinh hoạt tình dục với tần số thích hợp dù cho tỉ lệ thành công không cao. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì không chỉ có tác dụng giải toả về mặt tâm lý mà còn tạo ra những kích thích có tính hưng phấn rất cần cho sự phục hồi của bệnh trạng. Theo y học cổ truyền, việc ái ân có thể khơi thông ngũ tình, làm cho can khí thông suốt, tâm huyết điều đạt, tuyệt dục lâu ngày thì can khí không điều hoà, khí huyết ứ trệ, từ đó mà không đạt được mục đích dưỡng sinh.

ThS. Hoàng Khánh Toàn