Lưu trữ cho từ khóa: vị thành niên

3 yếu tố phát triển chiều cao

Nhiều người lầm tưởng cha mẹ cao lớn, ắt con sinh ra cũng có dáng vóc to cao. Tuy nhiên, yếu tố di truyền chỉ đóng góp một phần, còn lại là do những yếu tố khác như: Dinh dưỡng, môi trường và luyện tập…

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đối với phát triển chiều cao của trẻ.

1.Yếu tố về dinh dưỡng

Vai trò của Protein (chất đạm): Chất đạm đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc cơ thể, đặc biệt là các chất đạm từ động vật với đầy đủ các axit amin cần thiết.

Vai trò của Canxi: Canxi là chất dinh dưỡng chính tham gia vào cấu trúc hệ xương, thiếu canxi sẽ ảnh hưởng đến sức lớn và sự vững chắc của xương. Vai trò của Lipid (chất béo): Chất béo rất quan trọng trong sự phát triển các xương dài của trẻ khi còn nhỏ. Đồng thời, chất béo còn giúp tăng cường hấp thu tốt các vitamin tan trong dầu như vitamin A, D... giúp hệ xương phát triển tốt.

Vai trò của vi chất dinh dưỡng: Các nghiên cứu tiến hành gần đây cho thấy ảnh hưởng thiếu vi chất dinh dưỡng đến suy dinh dưỡng thể thấp còi, đặc biệt đáng chú ý là ảnh hưởng do thiếu kẽm, sắt, vitamin A và thiếu i-ốt.


2. Yếu tố về môi trường - xã hội

Yếu tố môi trường và xã hội có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển thể lực trẻ em, đặc biệt là phát triển chiều cao. Trẻ dễ bị suy dinh dưỡng thấp còi khi sống trong điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển, môi trường thiếu vệ sinh, không đủ nước sạch, thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng chăm sóc kém.

3. Luyện tập thể dục thể thao

Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao có tác dụng rất tốt tới sự phát triển thể lực và tăng cường các phản xạ nhanh nhẹn, bền bỉ, dẻo dai. Nhiều môn thể thao hỗ trợ tốt cho phát triển chiều cao như: Bơi, nhảy cao, chạy...

Như vậy, mọi can thiệp nhằm cải thiện chiều cao của con người cần phải thực hiện sớm, càng sớm càng tốt ngay từ những tuần đầu tiên của thai nhi. Quá trình chăm sóc dinh dưỡng và sức khỏe cần được tiếp tục thực hiện đồng bộ trong suốt quá trình tiếp theo, từ khi trẻ ra đời, thời kỳ bú mẹ, tuổi nhà trẻ mẫu giáo, tuổi học sinh, tuổi vị thành niên.

Gần đây người ta đã thừa nhận cách tiếp cận mới là cần thực hiện chăm sóc dinh dưỡng sớm cho các bé gái từ học sinh, từ tuổi vị thành niên cho đến trước khi có thai. Đồng thời trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng trẻ cần đặc biệt quan tâm đến những giai đoạn trọng điểm của phát triển chiều cao, đó là thời kỳ bào thai, năm đầu tiên của cuộc đời và thời kỳ tiền dậy thì. Trong những giai đoạn này, tác động của yếu tố dinh dưỡng có ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển chiều cao.

Trẻ lớn nhanh lúc tiền dậy thì

Sau khi ra đời, trong năm đầu tiên chiều cao trẻ phát triển nhanh, khi trẻ 1 tuổi, trẻ sẽ có chiều cao gấp rưỡi lúc mới đẻ. Từ 1 tuổi đến 10 tuổi trẻ ở giai đoạn lớn đều mỗi năm tăng trung bình khoảng 5cm. Khi đến thời kỳ tiền dậy thì trẻ lớn rất nhanh. Hiện tuổi tiền dậy thì của trẻ em Việt Nam là 9 - 11 tuổi đối với nữ và 12 - 14 tuổi đối với nam. Lứa tuổi này, chiều cao của trẻ nữ tăng mỗi năm khoảng 6cm và trẻ nam là 7cm. Khi đến tuổi dậy thì, sức lớn chậm lại, mỗi năm tăng khoảng 2cm. Giai đoạn tiếp theo cho đến 25 tuổi thì sức lớn rất chậm, chỉ tăng 1-2cm hoặc hầu như không tăng. Cơ thể con người hết tuổi lớn với nữ là khoảng 23 tuổi và nam là 25 tuổi.

PGS.TS Đỗ Thị Kim Liên
Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Meo.vn (Theo Giadinh)

Trẻ ăn theo kiểu tây, già dễ mắc tiểu đường

Theo một nghiên cứu thì học sinh trung học ăn uống theo kiểu tây có thể bị tăng nguy cơ mắc tiểu đường týp 2 sau này.

Các tác giả thuộc trường Y tế Công cộng Harvard đã sử dụng bảng hỏi về tần suất tiêu thụ thực phẩm để tìm hiểu các mô hình chế độ ăn của 37.038 đối tượng học sinh trung học nhằm đánh giá mối liên quan giữa chế độ ăn và nguy cơ mắc tiểu đường týp 2 khi ở độ tuổi trung niên.

Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng trong khi chế độ ăn nhiều thực phẩm lành mạnh không liên quan với tăng nguy cơ tiểu đường týp 2 sau này, thì chế độ ăn theo kiểu tây bao gồm nhiều đồ ăn ngọt, thịt chế biến sẵn và ngũ cốc tinh chế làm tăng 29% nguy cơ tiểu đường týp 2. Nguy cơ này giảm bớt sau khi hiệu chỉnh thay đổi trọng lượng khi trưởng thành.

Các tác giả nghiên cứu viết: “Chế độ ăn theo kiểu tây khi ở tuổi vị thành niên có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường týp 2 sau này một phần là do ảnh hưởng của việc tăng cân khi trưởng thành. Các biện pháp phòng ngừa nên chú trọng vào việc phát triển và duy trì thói quen ăn uống lành mạnh từ khi còn trẻ”.

Meo.vn (Theo Anninhthudo)

Bệnh quai bị và các biểu hiện của bệnh

Bệnh quai bị là gì?

Bệnh quai bị là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus gây nên. Bệnh dễ lan truyền từ người này sang người khác một cách dễ dàng và thường xảy ra vào mùa đông xuân.

Bệnh lây truyền như thế nào?

Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp do tiếp xúc với nước bọt, hoặc các chất tiết ra từ mũi họng của người bệnh

Một người bị quai bị có khả năng lây truyền vi-rút 3 ngày trước khi có biểu hiện bệnh (trước khi tuyến nước bọt bị sưng) và khoảng 9 ngày sau khi khởi phát bệnh

Thời gian ủ bệnh (thời gian từ khi tiếp xúc với nguồn bệnh đến khi khởi phát bệnh) là 12 đến 25 ngày.

Đối tượng dễ mắc bệnh quai bị

Tất cả những ai chưa từng bị quai bị lúc còn bé hoặc chưa được tiêm phòng vắc-xin ngừa quai bị đều có khả năng bị nhiễm bệnh. Triệu chứng thường xuất hiện bắt đầu từ ngày thứ 14 đến ngày thứ 21 sau khi nhiễm trùng.

Đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất là trẻ em tuổi từ 10 đến 15 tuổi

Các triệu chứng của bệnh:

Những triệu chứng xuất hiện rất sớm ngay cả trước khi các tuyến nước bọt bắt đầu sưng lên. Bệnh nhân mắc bệnh quai bị sẽ cảm thấy mệt mỏi, ăn không ngon, mất vị giác, và thông thường nhất là sốt và chứng đau đầu.


Biểu hiện bệnh nhân thường gặp

- Dấu hiệu nhiễm trùng: Sốt cao, có thể lên đến 400C, khô miệng, nuốt đau, nhức đầu.

- Sưng to tuyến nước bọt vùng dưới hàm ở 1 bên hoặc cả 2 bên.

- Ở các trẻ vị thành niên có thể có sưng căng và đau tinh hoàn 1 bên hoặc 2 bên.

Bệnh tiến triển và tự khỏi trong vòng 10 ngày (nếu không có biến chứng).

Các xét nghiệm cần thiết

Các bác sĩ điều trị có thể cho làm các xét nghiệm bệnh quai bị thông qua mẫu quệt họng, mẫu nước tiểu, hoặc xét nghiệm trên da. Đôi khi có thể cho thử máu

Phương pháp điều trị bệnh quai bị

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với quai bị. Việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng bệnh nhân.

- Cho bệnh nhân nằm nghỉ tuyệt đối (nhất là khi có biến chứng sưng tinh hoàn)

- Dùng thuốc hạ sốt giảm đau như Paracetamol, Aspirine.

- Súc miệng nước muối

- Cho bệnh nhân ăn chế độ ăn lỏng và nhẹ, uống nhiều nước, tránh sử dụng các thức ăn, nước uống có vị chua.

- Chườm ấm hoặc chườm mát vùng góc hàm để giảm đau và giảm sưng tuyến nước bọt. Có thể dùng bài thuốc nam sau đây để bôi tại chỗ: hạt gấc đập bỏ vỏ ngoài, giã nhuyễn, ngâm với rượu trắng bôi tại vùng má bị sưng 4 - 5 lần/ngày.

Vì quai bị là một bệnh nhiễm vi-rút nên không có chỉ định dùng kháng sinh nếu không có ý kiến của thầy thuốc.

Meo.vn (Theo Benh)

4 điều không nên trong sinh hoạt tình dục

Tình dục là một nhu cầu tâm sinh lý tự nhiên và tất yếu của con người. Để dưỡng sinh trong tình dục, y học cổ truyền khuyên:

Không nên cấm dục (dục bất khả tuyệt)

Nam là dương, nữ là âm, âm dương giao hợp chính là đạo của trời đất. Nếu cấm dục, âm dương không được tương giao sẽ phát sinh bệnh tật. Trong Sử ký có kể lại rằng: Nữ tỳ họ Hàn của Tề Bắc Vương bị bệnh đau lưng, hay phát sốt phát rét không rõ quy luật. Danh y Thuần Vu Ý sau khi chẩn mạch đã phán rằng, duyên cớ là không được thỏa mãn mong muốn sinh hoạt nam nữ. Quả nhiên, sau khi kết hôn, căn bệnh của tỳ nữ không thuốc mà khỏi.

Từ Linh Thai, danh y thời Thanh (Trung Quốc) cũng từng chẩn trị cho một thương nhân họ Uông, vì 10 năm không sinh hoạt vợ chồng mà suy nhược thần kinh. Sau khi chẩn mạch, Từ Linh Thai không kê đơn thuốc mà chỉ khuyên họ Uông nên sớm trở về nhà và ngủ với vợ. Quả nhiên, sau khi nhập phòng một đêm, mọi chứng bệnh đều khỏi cả.


Không nên “yêu” quá sớm (dục bất khả tảo)

Đông y cho rằng nam nữ vị thành niên nếu sinh hoạt tình dục sẽ tổn hao nguyên khí, ảnh hưởng xấu đến quá trình sinh trưởng phát dục và gây bất lợi cho sự sinh nở sau này. Uông Ngang, y gia đời Thanh, còn chỉ rõ: Quan hệ tình dục quá sớm làm hại nguyên khí, dẫn đến chết non.

Tránh quan hệ tình dục quá độ (dục bất khả túng)

Lý Bằng Phi, danh y đời Nguyên (Trung Quốc), cho rằng tình dục thái quá có thể làm hao tán nguyên khí, khô kiệt tinh tủy, gây thận hư, liệt dương, mắt mờ tai điếc, cơ thể hao gầy, răng hư, tóc rụng và cuối cùng sức lực tàn tạ mà dẫn đến cái chết.

Không nên “yêu” trong một số hoàn cảnh đặc biệt

Nên tránh quan hệ tình dục những khi ăn quá no, say rượu, lao động quá vất vả, trong người có điều buồn bực, uất ức, có bệnh nặng, phụ nữ thời kỳ hành kinh và mang thai, thời tiết quá nóng nực, giá rét...

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Bệnh trầm cảm dẫn tới tự sát ở Mỹ: Sự thật gây ngạc nhiên

Bệnh trầm cảm phổ biến hơn bệnh AIDS, ung thư, hay bệnh tiểu đường. Mỗi năm, nước Mỹ có gần 400.000 người tìm cách tự sát. Tuy đây là vấn đề xảy ra rất phổ biến và nghiêm trọng, nhưng nhiều người lại không có nhiều hiểu biết về bệnh. Rất khó phát hiện bệnh nhân nào là người nguy hiểm nhất, tại sao và khi nào họ dễ bị tổn thương nhất.


Khi bị trầm cảm thì khả năng tự vẫn rất cao

Nhiều nhất  vào các ngày nghỉ

Tiến sĩ Marcia Valenstein-nhà khoa học nghiên cứu tại Sở Nghiên cứu và Phát triển dịch vụ y tế cựu chiến binh Mỹ đã phát biểu rằng: “Tự tử thường xảy ra phổ biến tại một thời điểm trong năm, nhưng nó không như nhiều người nghĩ”.

Hầu hết mọi người nghĩ rằng, ngày nghỉ mùa đông là thời điểm nguy cơ tự tử xảy ra nhiều nhất; tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ tự tử thấp nhất là vào tháng 12 trong khi thời điểm tự tử cao nhất là vào mùa xuân.
Tại sao điều này lại không rõ ràng? Có thể là do mức độ thay đổi ánh sáng tự nhiên. Tiến sỹ Valenstein cũng là Giáo sư khoa Tâm thần học trường Đại học Michigan Depression Center ở Ann Arbor nói rằng: “Có thể mọi người có thừa “năng lượng” và thiếu tỉnh táo để suy xét”.

Tuổi vị thành niên

Tự tử ở tuổi vị thành niên đã trở thành những tiêu đề đang nổi lên, tuy nhiên, theo Tiến sỹ Valenstein, người cao tuổi có khuynh hướng tự sát cao hơn những người ở nhóm tuổi khác.

Tuy nhiên, thanh thiếu niên vẫn là nhóm có nguy cơ tự tử rất cao. Một trong năm học sinh trung học cho biết rằng, cô ấy (anh ấy) đã quan sát nhiều vụ tự tử trong 12 tháng qua và đưa ra kết luận rằng, 1 trong số 12 cái chết là do tự sát. (Tỷ lệ tự tử ở nhóm tuổi từ 15-19 là 6,9 người trong tổng số 100.000 người ).

Làm việc sáng tạo

Từ lâu, sáng tạo, trầm cảm và tự tử đã có liên quan đến nhau, do đó, không có gì là ngạc nhiên khi mà một số cá nhân sáng tạo nhất trong lịch sử lại mắc phải chứng bệnh tâm thần. Trầm cảm ảnh hưởng tới tâm trí, điều này có thể thấy ở các nhân vật rất nổi tiếng như Charles Dickens, John Keats và Tennessee Williams.
Một số nhà văn đã tự tử bao gồm Ernest Hemingway, Sylvia Plath và David Foster Wallace. Các nhà văn nổi tiếng này có một vài điểm chung: tất cả họ đều viết về một người trong tác phẩm đầu tiên của mình, đây được coi là dấu  hiệu  nguy cơ tự tử.

Tiền sử gia đình

Với gia đình có tiền sử mắc phải bệnh trầm cảm thì nguy cơ mắc phải bệnh trầm cảm ở đứa trẻ sẽ cao hơn. Một khuynh hướng trái ngược lại, gia đình (và bạn bè) cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tự tử. Việc hỗ trợ xã hội càng mạnh thì càng làm giảm nguy cơ tự tử.

Tự sát không thành công

Theo Tiến sỹ Valenstein, cứ 10 - 25 người cố gắng tự tử thì chỉ duy nhất một người chết, đây quả thực là một con số rất may mắn. Để tiếp tục giảm tỷ lệ này, Tiến sỹ Valenstein gợi ý rằng “hãy tránh xa những suy nghĩ tiêu cực”.

“Hãy khẳng định với nhiều người là bạn không quan tâm tới súng” - vị tiến sỹ nói tiếp, “điều này giúp mọi người không cố chấp và dẫn tới tự tử”.

Đàn ông và nguy cơ tự sát

Phụ nữ cố gắng tự sát nhiều gấp 3 lần so với đàn ông; trong khi đó, đàn ông thực sự giết chết chính mình nhiều gấp 4 lần so với phụ nữ.

Hơn nửa số vụ tự tử ở Mỹ được thực hiện bằng súng. Hình thức không thể thay đổi và mang tính chất bạo lực này là sự lựa chọn của nam giới. Tuy nhiên, theo những gì mà Tiến sỹ Valenstein đã lưu ý thì hình thức tự tử phổ biến nhất ở phụ nữ là do ngộ độc, thường là do uống thuốc quá liều và hình thức này lại ít gây chết người hơn.

Làm giảm bớt nguy cơ tự tử

Tiến sỹ Valenstein nhận xét: “Hiện tại, có rất ít giải pháp để ngăn chặn tự tử. Tuy nhiên, điều trị bệnh rối loạn thần kinh là rất quan trọng và có thể làm giảm đi những ý nghĩ tự tử, đặc biệt là ở những người cao tuổi”. Tiến sỹ nói thêm rằng, trong vài tuần trị liệu đầu tiên, mối lo ngại lớn nhất là liệu các loại thuốc chống trầm cảm có thực sự làm tăng nguy cơ tự tử ở các bệnh nhân dưới độ tuổi 25. Valenstein đã quan sát và thấy rằng: “Nếu bạn điều trị thành công bệnh trầm cảm thì ý định tự tử sẽ giảm đi”.

Meo.vn (Theo Anninhthudo)

Cách tiếp cận mới về giáo dục giới tính

Không nên quan niệm tình dục với người này là chính đáng, người kia thì không. Dù là đồng giới, người mắc HIV, người khuyết tật, thì tình dục vẫn là quyền của tất cả mọi người. Theo các chuyên gia, đã đến lúc thay đổi quan niệm từ giáo dục lý thuyết sang giáo dục hành vi.

Với chủ đề Sự trong sáng và tình dục, mâu thuẫn giữa chuẩn mực xã hội và thực tế cuộc sống, hội nghị của hiệp hội Nghiên cứu quốc tế về tình dục, văn hoá và xã hội (IASSCS) có thể coi là sự kiện lớn đầu tiên về vấn đề tình dục tại Việt Nam và châu Á.

Với sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, bác sĩ và các nhà hoạt động xã hội trên khắp thế giới, sự kiện này đặt ra những tiếp cận mới về tình dục, đặc biệt tại Việt Nam. Tình dục: chấp nhận cái gì và không chấp nhận cái gì? Tại nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam, tình dục từ lâu được coi là một lĩnh vực riêng tư, nhạy cảm và thường bị né tránh. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế và những vận động tự nhiên của thời đại  đòi hỏi cả xã hội phải tiếp cận tình dục theo một cách mới.

Điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (SAVY) cho rằng, thanh niên Việt Nam đang  đối mặt với nhiều thử thách nhằm thích ứng với môi trường kinh tế xã hội đang ngày một biến chuyển”. Một trong những thử thách, đó là tình dục và sức khoẻ sinh sản. Theo một nghiên cứu của bộ Y tế, 66,7% nam giới hiện nay chấp nhận quan hệ tình dục (QHTD) trước hôn nhân, nhưng 69,7% bố mẹ cho rằng con còn bé, nên không đưa giáo dục giới tính vào gia đình mình. TS Khuất Thu Hồng, giám đốc viện Nghiên cứu và phát triển xã hội nói: “Bố mẹ phải giúp con cái biết chấp nhận cái gì và không chấp nhận cái gì, QHTD như thế nào là lành mạnh và trong sáng”.

 

Tại hội thảo, nhà báo Grant McCool, người có bài viết gây nhiều tranh luận có tên Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cách mạng tình dục âm thầm, chia sẻ: “Tôi cho rằng, chuyện quan niệm khắt khe, hay cấm đoán của các bậc phụ huynh, thì ở nước nào cũng có thôi, nhưng nếu người lớn cứ ngại ngùng, nạn nhân chính là trẻ vị thành niên!”. Để hươu chạy đúng hướng? Một khái niệm mới xuất hiện tại cuộc hội thảo này là: khẳng định tình dục (KĐTD). Theo nghiên cứu của bà Radhika Chandiramani, trung tâm tư liệu về tình dục Nam và Đông Nam Á (Ấn Độ), KĐTD là nhìn nhận tình dục tích cực, như một phần của cuộc sống, có khả năng tạo ra sự hưng phấn, khoái cảm, sự thoải mái, mối quan hệ gần gũi. Cách tiếp cận này đặt ra những đòi hỏi về quyền con người, trong đó có quyền tình dục dựa trên nguyên tắc đồng thuận hơn là sử dụng việc sinh sản, hoặc hôn nhân để xác định hành vi tình dục nào được chấp nhận. Đồng quan điểm với bà Radhika, TS Khuất Thu Hồng cho rằng, không nên quan niệm tình dục với người này là chính đáng, người kia thì không. Bởi dù là ai đi nữa, dù là đồng giới, hay người mắc HIV, người khuyết tật, thì tình dục vẫn là quyền của tất cả mọi người. Dĩ nhiên phải có sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân và xã hội. Bác sĩ Hoàng Tú Anh, trung tâm Sáng kiến sức khoẻ và dân số Việt Nam khẳng định, đã đến lúc chúng ta nên thay đổi quan niệm từ giáo dục lý thuyết sang giáo dục hành vi.

Được biết từ năm 2002, công ty Tư vấn đầu tư y tế (CIHP) dưới sự tài trợ của quỹ Ford đã thử nghiệm thành công chương trình tư vấn trực tuyến miễn phí cho thanh thiếu niên về các vấn đề tình dục qua website: www.tamsubantre.org. Hiện web đã có 95.000 thành viên đăng ký sử dụng và lượt truy cập hàng ngày là 25.000 - 40.000 lượt. Một tư vấn viên của website cho biết, web thành công chính nhờ chat. Theo chị, tính ẩn danh và tức thì, là những thuận lợi lớn của internet so với các hình thức khác, bởi các bạn trẻ sẽ dễ dàng chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ thầm kín của mình. Ngoài ra, các hoạt động tư vấn và cung cấp thông tin được thực hiện với quan điểm không phán xét, và giúp thanh thiếu niên tự quyết đinh. Các vấn đề từ biện pháp tránh thai, viêm nhiễm đường sinh sản, băn khoăn về bộ phận sinh dục, hay vấn đề trinh tiết, lạm dụng tình dục… đều được trao đổi cụ thể. Các bạn trẻ cũng được trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể trao đổi cởi mở với người yêu hay bạn tình. Theo TS Khuất Thu Hồng, công ty Tư vấn đầu tư y tế cũng đã kết hợp với hội Phụ nữ Việt Nam triển khai mô hình câu lạc bộ Mẹ và con gái từ năm 2008 để giúp hai bên gắn bó, giao lưu về kiến thức và tình cảm. Dự kiến câu lạc bộ Bố và con trai sẽ tiếp tục được ra đời.

Meo.vn (Theo Bacsytructuyen)

Các rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên


Ngày nay, các rối loạn tâm thần không phải là hiếm gặp ở trẻ vị thành niên. Các rối loạn tâm thần chủ yếu là trầm cảm, tâm thần phân liệt, rối loạn lo âu và nghiện ma túy.

Trầm cảm

 Áp lực học hành và thi cử làm trẻ vị thành niên dễ gặp các sang chấn tâm lý.


Trầm cảm có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, hay gặp nhất là ở độ tuổi 40 – 50. Nhưng qua thực tế lâm sàng, trầm cảm ở trẻ vị thành niên không phải là hiếm. Số bệnh nhân trầm cảm ở độ tuổi này đang tăng lên nhanh chóng. Tỷ lệ trầm cảm ở trẻ vị thành niên là 6 – 8%. Biểu hiện trầm cảm ở trẻ vị thành niên giống như ở người lớn nhưng có một số điểm khác biệt sau:

- Khí sắc thường là kích thích (chứ không phải là trầm).

- Mất cảm giác ngon miệng và sút cân là triệu chứng hay gặp.

- Mất ngủ thường xuyên hơn. Trẻ có thể thức thâu đêm để chơi game trên máy vi tính. Chính do thời gian tiếp xúc với màn hình máy vi tính quá dài khiến cho tình trạng trầm cảm nặng thêm. Vì vậy khi điều trị, gia đình cần cách ly trẻ với máy vi tính hoặc hạn chế trẻ sử dụng một cách tối đa.

- Dễ bị kích thích, trẻ hay nổi cáu vô cớ. Trẻ có thể đánh bạn, đánh em, cãi giả và có nhiều hành vi hỗn láo với bố mẹ hoặc giáo viên.

- Mệt mỏi thường xuyên nên trẻ hay bỏ học.

- Khó tập trung chú ý, vì thế trẻ rất lơ đễnh trong nghe giảng.

- Trí nhớ sút kém, do vậy trẻ không nhớ được nội dung bài học, không nhớ được những điều bố mẹ dặn dò.

- Học tập sút kém. Hầu hết các cháu có kết quả học tập rất kém, thi môn nào thì trượt môn đó.

- Hay có ý định và hành vi tự sát do chán nản, bi quan, học tập sút kém, do bị ảnh hưởng của game bạo lực.

Hơn 90% số trường hợp trầm cảm ở trẻ vị thành niên sẽ tái phát cơn trầm cảm trong vòng 1-2 năm sau khởi phát bệnh trầm cảm… Những người này khi lớn lên có 60 – 70% nguy cơ tiếp tục có cơn trầm cảm. 19% số trường hợp trầm cảm vị thành niên sẽ có cơn hưng cảm trong tương lai, nghĩa là phát triển thành rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Nguyên nhân của trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do thiếu chất dẫn truyền thần kinh serotonin trong xinap thần kinh ở vỏ não. Vì vậy, chấn thương tâm lý (học hành căng thẳng, thi trượt, mâu thuẫn trong gia đình…) chỉ đóng vai trò là yếu tố thuận lợi cho trầm cảm phát triển chứ không phải là nguyên nhân chính gây ra trầm cảm. Hơn nữa, chấn thương tâm lý chỉ có vai trò trong cơn trầm cảm đầu tiên mà thôi, từ các cơn sau, chấn thương tâm lý không có vai trò gì cả, nghĩa là trầm cảm tự phát triển không liên quan gì đến chấn thương tâm lý. Do đó khi phát hiện ra con mình có các triệu chứng của trầm cảm, bố mẹ nên đưa con đến khám tại các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần.

Những bệnh nhân này phải được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Cần nhấn mạnh rằng các phương pháp khác như âm nhạc liệu pháp, châm cứu, thuốc đông y, đi nghỉ mát… hầu như không có hiệu quả gì cho các bệnh nhân này. Thuốc chống trầm cảm có thể dùng thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptylin, stablon), đa vòng (remeron), hay thuốc chống trầm cảm ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin. Cần lưu ý là trẻ phải được điều trị kéo dài để tránh tái phát. Thời gian điều trị tối thiểu là một năm, nhưng thường kéo dài nhiều năm cho đến khi trẻ kết thúc quá trình học tập.

Tâm thần phân liệt

Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần rất nặng, kéo dài suốt đời.


Tâm thần phân liệt khởi phát ở lứa tuổi vị thành niên ít gặp, nhưng thường rất nặng. Trẻ có thể bị các thể bệnh paranoid, không biệt định và thể thanh xuân. Tâm thần phân liệt được đặc trưng bởi các triệu chứng sau:

- Có ảo thanh. Trẻ nghe thấy có tiếng người nói trong đầu. Lúc đầu tiếng nói này xuất hiện lẻ tẻ, nhưng nhanh chóng phát triển và xuất hiện thường xuyên. Tiếng nói thường là không rõ ràng là giọng đàn ông hay đàn bà, trẻ không phân biệt được đó là giọng người quen hay người lạ, nhưng vẫn nghe được rất rõ ràng. Nội dung của tiếng nói thường là bình phẩm về mọi hành vi của bệnh nhân (quét nhà không sạch, rửa bát không tốt, học hành không ra gì…), ra lệnh cho bệnh nhân phải làm một việc gì đó (điều này rất nguy hiểm nếu là ra lệnh tự sát, đánh người, đốt nhà, đập phá…), hoặc trò chuyện với bệnh nhân. Ảo thanh khiến bệnh nhân rất khó chịu, nhiều cháu đã dùng máy nghe nhạc để nghe hy vọng át được ảo thanh.

- Có hoang tưởng. Bệnh nhân có các ý nghĩ bất thường, không đúng sự thật, nhưng các ý nghĩ này thường xuyên tồn tại ở bệnh nhân, chi phối mọi hành vi của bệnh nhân. Các hoang tưởng thường là hoang tưởng bị theo dõi (cho rằng mình bị bạn bè, thấy cô, bố mẹ theo dõi bằng camera, bằng sóng điện từ…), hoang tưởng bị hại (cho rằng ai đó tìm cách hại mình), hoang tưởng bị chi phối (cho rằng có thế lực nào đó chi phối điều khiển mọi ý nghĩ, hành vi của mình), hoang tưởng liên hệ (liên hệ mình với bất cứ sự vật hiện tượng nào xảy ra xung quanh). Các hoang tưởng này rất nguy hiểm, có thể khiến trẻ tự vệ (hoang tưởng bị hại), tự sát (hoang tưởng bị chi phối)…

- Bệnh kéo dài quá 1 tháng và không có căn nguyên thực tổn gì (chấn thương sọ não, nghiện ma túy…).

Tâm thần phân liệt là một bệnh tâm thần rất nặng, kéo dài suốt dời. Vì thế trẻ cần được điều trị càng sớm càng tốt bằng thuốc an thần. Các thuốc đông y, châm cứu, tâm lý liệu pháp… đều không có hiệu quả gì với bệnh này. Nên sử dụng các thuốc an thần như haloperidol, risperidon, olanzapin để điều trị. Cần lưu ý phải điều chỉnh các tác dụng phụ cho bệnh nhân bằng trihex vì các cháu rất nhạy cảm với tác dụng phụ của thuốc. Gia đình bệnh nhân cần đưa các cháu đi khám bệnh định kỳ (kể cả khi bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định) và không tự ý thay đổi liều thuốc hoặc ngừng thuốc. Thời gian uống thuốc phải kéo dài nhiều năm, rất nhiều trường hợp phải uống thuốc kéo dài suốt đời.

Rối loạn lo âu lan tỏa

Đây là một bệnh lo âu mạn tính và không có cơn hoảng sợ. Bệnh kéo dài ít nhất 6 tháng. Bệnh nhân lo lắng, sợ hãi quá mức và rất bền vững. Trương lực cơ tăng, mất khả năng thư giãn, khó tập trung chú ý, mất ngủ, dễ bị kích thích, mệt mỏi là các triệu chứng đặc trưng của lo âu lan tỏa. Các triệu chứng này rất rõ ràng, diễn ra hàng ngày và không thể kiểm soát được.

Bệnh nhân lo âu lan tỏa thường không đi khám bệnh ngay. Những bệnh nhân này thừa nhận rằng họ luôn căng thẳng mạn tính, tăng hoạt động, lo âu quá mức, dần dần họ không thấy có quãng thời gian nào mà họ không lo âu. Bệnh tiến triển mạn tính nên bệnh nhân thường tự điều trị cho mình (hoặc do gia đình điều trị) bằng rượu, ma túy, thuốc bình thần.

Các bệnh nhân lo âu lan tỏa cần được điều trị bằng thuốc mới, tốt nhất là dùng venlafaxin, sertralin. Có thể phối hợp trong thời gian đầu với benzodiazepin để cắt tình trạng lo âu của bệnh nhân. Cần lưu ý rằng lo âu lan tỏa khó điều trị hơn bệnh trầm cảm. Liều thuốc phải lớn hơn và thời gian dùng thuốc phải dài hơn so với điều trị trầm cảm. Người ta khuyên nên dùng thuốc liên tục trong tối thiểu 5 năm, nhưng rất nhiều trường hợp phải uống thuốc điều trị suốt đời.