Lưu trữ cho từ khóa: vi khuẩn kháng thuốc

Ngừa vi khuẩn kháng thuốc bằng tinh dầu bạc hà

Các nhà khoa học phát hiện tinh dầu có khả năng kháng khuẩn hiệu quả. Trong đó, tinh dầu bạc hà có tính kháng khuẩn tốt nhất.

Ảnh minh họa

Theo Newswise, tại cuộc họp của Hội Vi sinh vật học (Edinburg, Ireland) mới đây, một nghiên cứu được công bố cho biết có 8 loại tinh dầu thực vật đã được thử nghiệm về hoạt tính kháng khuẩn và người ta phát hiện tinh dầu có khả năng kháng khuẩn hiệu quả. Trong đó, tinh dầu bạc hà có tính kháng khuẩn tốt nhất, có thể loại trừ hoàn toàn vi khuẩn trong vòng 60 phút.

Rất nhiều nghiên cứu khoa học khác cũng chỉ ra rằng các loại tinh dầu không những tăng hiệu quả điều trị mà còn giúp ngăn ngừa một số vi khuẩn và nấm. Tinh dầu cũng có thể dễ dàng được đưa vào các loại kem hoặc gel kháng khuẩn để bôi ngoài da.

Meo.vn (Theo Nguoilaodong)

Phối hợp kháng sinh

Nên hay không?Trong nhiều trường hợp dùng một kháng sinh không thể đẩy lui được bệnh mà phải dùng tới sự phối hợp hai hoặc ba loại khác nhau, người ta nghĩ rằng dùng hai thuốc thì sẽ tốt hơn dùng một thuốc. Tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng chính xác.

Những lợi ích khi phối hợp

Trên thực tế là nhiều trường hợp dùng một kháng sinh không thể đẩy lui được bệnh mà phải dùng tới sự phối hợp hai hay ba loại thuốc khác nhau.

Về mặt tác dụng điều trị thì cũng có trường hợp dùng hai thuốc là tốt hơn một thuốc. Vì xung quanh chúng ta có quá nhiều vi khuẩn, nhiều loại khác nhau do đó có nhiều mầm bệnh khác nhau có thể gây bệnh trên cùng một cơ quan. Nhưng thực tế không có một thuốc nào là đa năng có thể cùng lúc tiêu diệt được các loại vi khuẩn đó. Mỗi loại chỉ có một cơ chế tác dụng nhất định, có tác dụng tốt với một số loại mầm bệnh nhất định. Việc dùng phối hợp thuốc sẽ làm tăng phổ tác dụng với các vi khuẩn gây hại. Ví dụ, viêm phổi và viêm đường hô hấp nói chung thường do nhóm vi khuẩn tụ cầu, liên cầu gây ra, nhưng cũng có khi là do sự có mặt của vi khuẩn E.coli hay Klebsiella. Nếu chúng ta sử dụng kháng sinh nhóm beta lactam thì thường có công hiệu mạnh với vi khuẩn tụ cầu, liên cầu. Nhưng nếu chúng ta phối hợp với aminoglycosid thì lại phủ phổ tác dụng lên cả những vi khuẩn đường ruột khi mà chúng ta chưa có điều kiện xác định đâu là vi khuẩn gây bệnh.

Hiệu quả của việc phối hợp kháng sinh còn ở chỗ hai thuốc có khi làm tăng hiệu quả tác dụng của nhau. Một ví dụ điển hình của việc này là việc phối hợp giữa kháng sinh sulfamid với kháng sinh nhóm trimethoprim. Cả hai kháng sinh này đều là những kháng sinh mới được tìm ra so với những kháng sinh “đàn anh” như penicillin. Sulfamid có tác dụng ức chế cạnh tranh với PABA do đó nó làm giảm tổng hợp dihydrofolat, một khâu quan trọng trong tổng hợp DNA. Trong khi đó, trimethoprim có tác dụng ức chế dihydrofolat reductase, một enzym phân hủy dihydrofolat. Nếu dùng hai thuốc này phối hợp với nhau thì người ta thấy hiệu lực tác dụng sẽ được tăng lên 100 lần.


Chỉ phối hợp kháng sinh khi thực sự cần thiết.

... Và những tác dụng phụ không mong muốn

Nhược điểm của việc dùng đa kháng sinh trong điều trị là đa trị liệu thì cũng đa tác hại. Việc dùng một thuốc cũng đã gây ra cho người sử dụng những tác hại, nếu sử dụng đồng thời nhiều thuốc thì đương nhiên tác hại sẽ là cộng hưởng. Chẳng hạn như kháng sinh nhóm aminoglycosid là nhóm thuốc gây ra tác hại đầy hơi, buồn nôn, nôn. Nếu sử dụng thêm metronidazol, một thuốc gây ra cảm giác mệt mỏi sẽ khiến người bệnh chịu đựng gấp hai lần những tác dụng không mong muốn này. Rõ ràng, sự phối hợp thuốc trong trường hợp này là không tốt và người bệnh khó mà đi đến cùng điều trị.

Phức tạp hơn là trường hợp kết hợp thuốc mà cơ chế tác dụng lại không tương hỗ với nhau. Ví dụ như sự phối hợp giữa penicillin và tetracycline để điều trị viêm màng não. Tetracycline là thuốc làm ức chế tiểu phân 30S của riboxom trong quá trình tổng hợp protein, nhưng nó lại bị cản trở tác dụng bởi penicillin. Do đó mà chúng ta phải tránh phối hợp hai kháng sinh này với nhau.

Phối hợp khi nào?

Trong một số trường hợp, việc phối hợp kháng sinh là bắt buộc.

Thông thường, việc dùng phác đồ đa trị liệu chỉ được áp dụng khi bệnh nhân có nguy cơ bị nhiễm khuẩn nặng hay nhiễm khuẩn lan tràn mà chúng ta chưa thể xác định ngay được loại vi khuẩn nào gây bệnh. Trong lúc nghi ngờ, người ta có thể đưa ra nhiều phán đoán loại vi khuẩn cùng gây bệnh. Do đó mà khi bị nhiễm khuẩn phổi nặng thì sự phối hợp giữa một kháng sinh dòng ß-lactam như co-amoxiclav, cefuroxime, cefotaxime hay ceftriaxone với một kháng sinh dòng macrolide như clarithromycin được khuyên dùng vì chúng làm mạnh mẽ hóa tác dụng của nhau. Sự phối hợp này mang lại hiệu quả là vừa “đánh” vào những vi khuẩn thông thường của đường hô hấp và vừa đánh vào những vi khuẩn kém điển hình như legionella pneumophila, mycoplasma pneumoniae.

Với các nhiễm trùng ổ bụng thì đa phần là do sự đồng nhiễm của vi khuẩn ái khí và kỵ khí. Vì vậy, người ta thường khuyên là nên sử dụng kháng sinh metronidazole kết hợp với một kháng sinh phổ rộng như cefotaxime, gentamicin, ciprofloxacin để có thể bao phủ hết mầm bệnh có thể là nguyên nhân gây bệnh. Ta cần chú ý là nhiễm trùng ổ bụng (hay chính xác hơn là viêm phúc mạc) là một nhiễm trùng nặng mà nếu không xử trí tốt có thể dẫn đến tử vong.

Với các nhiễm trùng quan trọng như viêm màng trong tim thì việc dùng đa thuốc cũng thường được chỉ định ngay từ đầu. Ví dụ như sự kết hợp giữa penicillin và gentamicin để điều trị viêm nội tâm mạc do cầu khuẩn đường ruột. Sự kết hợp này là có hiệu lực tốt hơn so với khi dùng đơn độc mỗi penicillin. Phác đồ này cũng có giá trị khi chúng ta điều trị viêm nội tâm mạc do tụ cầu khuẩn.

Một tác dụng vô cùng lớn của phối hợp thuốc là chống được kháng thuốc mà điều trị lao là một ví dụ sinh động nhất. Khi sử dụng isoniazid thì tỷ lệ lao kháng thuốc là 1/106 còn với rifampicin tỷ lệ kháng thuốc là 1/108 mầm bệnh. Nhưng khi chúng ta kết hợp lại thì tỷ lệ kháng thuốc được hạ thấp đến cách biệt. Để hạ thấp tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc do lao và điều trị thành công thì một phác đồ gồm 3 - 4 thuốc là bắt buộc. Điều này như là công thức bất di bất dịch.

BS.Hiền Anh

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

“Kháng sinh bán theo đơn vẫn mua dễ như rau”

90% thuốc kháng sinh được bán không cần đơn, bất kể là ở nông thôn hay thành thị. Chỉ cần sụt sịt một cái là nhiều người đã tìm đến loại thuốc được mệnh danh là con dao 2 lưỡi này.

Thông tin được tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết tại hội nghị Tư vấn xây dựng kế hoạch hành động chống kháng thuốc tổ chức ngày 26/11.

Đây là kết quả nghiên cứu về tình hình cung ứng kháng sinh do Đại học Oxford (Mỹ), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương... thực hiện tại 30 nhà thuốc tư tại Hà Nội đầu năm 2011. Theo đó, thuốc kháng sinh chiếm đến 1/4 tổng số thuốc bán ra của hiệu thuốc, do khách hàng yêu cầu, người bán thuốc tư vấn. Những lý do khiến người dân hay tìm đến kháng sinh chủ yếu vẫn là sốt, ho, đau họng, đau bụng...

Ông Kính cũng thừa nhận, mặc dù có quy định nhưng nhiều nơi vẫn bán thuốc không cần đơn. Ở nước ngoài, trừ thuốc đưa vào siêu thị, thực phẩm chức năng là được mua thoải mái, còn ở Việt Nam từ thuốc chữa ung thư, kháng sinh, vitamin... đều có thể mua dễ dàng.


Thói quen tự chữa trị và "bắt chước" đơn thuốc của người dân cũng làm cho tình kháng kháng sinh càng trở nên trầm trọng. Ảnh: N.P.

"Có trường hợp người bệnh cầm đơn ra hiệu thuốc mua thì người bán nói là không có loại này, rồi tư vấn dùng thuốc khác cũng tốt. Tuy nhiên, thực tế thì 2 loại thuốc này có tốt như nhau không thì chỉ người bán biết. Hơn nữa, thực tế là có chuyện các hãng dược tiếp cận hiệu thuốc để tư vấn bán thuốc này cho bệnh nhân để được hưởng hoa hồng", ông Kính nói.

Chất lượng người bán thuốc cũng là vấn đề đáng lo ngại. Người bán thuốc nhiều khi không phải là dược sĩ, không phải là người đứng tên nhà thuốc, thậm chí không được học hành gì, ai mua thuốc gì thì bán thuốc đấy. Trong khi đó, cả nước có gần 40.000 nhà thuốc bán lẻ.

Không chỉ người bệnh, người bán thuốc mà đôi khi cả bác sĩ cũng lạm dụng kháng sinh. Một độc giả từng gửi chia sẻ lên TS "mình bị mắc một cái xương cá, thế mà đi khám bác sĩ cũng kêu phải uống kháng sinh, kháng viêm... Chẳng lẽ các bác sĩ lại cẩn thận đến như vậy". Theo khảo sát tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội cũng cho thấy, kháng sinh được sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc, có khoa thuốc kháng sinh được sử dụng ở 100% bệnh nhân.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Kính để hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh cũng cần xem xét đến việc sử dụng hợp lý trong nông nghiệp, chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản.

Thực tế điều tra 94 trang trại nuôi trồng thủy hải sản ở đồng bằng sông Hồng và sông Mêkong (7-9/2011), ngoại trừ nông trang sản xuất phục vụ xuất khẩu, cho thấy tỷ lệ sử dụng kháng sinh trong nuôi cá là 81%, trong nuôi tôm là 55%. Một số kháng sinh bị cấm như chloramphenicol vẫn được sử dụng.

"Một số nước trên thế giới cấm sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản như Hàn Quốc, nếu phát hiện trang trại nào sử dụng thì đóng cửa. Tuy nhiên, đấy là họ sản xuất trên quy mô công nghiệp, còn nước ta thì nhỏ lẻ, từng hộ, gia đình, cá thể nên khó kiểm soát. Hiện nay ngoài thủy hải sản xuất khẩu có kiểm tra dư lượng kháng sinh, còn lại tiêu thụ trong nước thì chưa làm", ông Kính nói.

Chính việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Người tiêu thụ kháng sinh bất đắc dĩ qua thực phẩm hàng ngày sẽ làm tăng khả năng xuất hiện các loại vi khuẩn kháng thuốc phát triển trong cơ thể. Khi một người nhiễm bệnh mà trong cơ thể có sẵn một lượng kháng sinh rồi, việc điều trị không ăn thua, ông Kính cho biết.

Theo ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng cho biết, vấn đề kháng kháng sinh không mới nhưng ngày càng nguy hiểm, đáng báo động. Việc sử dụng kháng sinh ngày càng tự phát, chuyển từ sử dụng sang lạm dụng. Sử dụng không đúng, không phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn kháng thuốc xuất hiện lan rộng và kéo dài.

Trong những năm qua, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đã giảm dần song nhu cầu và thực rạng sử dụng kháng sinh lại không hề giảm. Chi phí thuốc kháng sinh tại Bệnh viện Bạch Mai năm 2008 chiếm đến gần 50% tổng số tiền thuốc của bệnh viện, tại một số nơi như Bệnh viện Nhi Nghệ An, con số này lên đến gần 88%, Bệnh viện Ninh Bình là 80%...

"Một trong những thách thức trong việc hạn chế tình trạng lạm dụng kháng sinh là chưa có chế tài nào đối với việc không tuân thủ quy chế bán thuốc kê đơn. Nhận thức của người dân về kháng sinh còn hạn chế, ngay cả cán bộ y tế khi đi công tác cũng mua mấy vỉ kháng sinh phòng theo. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện cũng chưa được đẩy mạnh...", ông Thái cho biết.

Meo.vn (Theo Vnexpress)

Sản phụ 27 tuổi bị cắt tử cung nghi do bệnh viện thăm khám tệ

Được Bệnh viện Cao Văn Chí (Tây Ninh) cho xuất viện sau sinh mổ, sản phụ về nhà một ngày thì đau bụng dữ dội. Cấp cứu ở bệnh viện tỉnh, bác sĩ phải cắt bỏ tử cung của bệnh nhân vì bị nhiễm trùng nặng.

Sự việc khiến gia đình sản phụ Trần Ngọc Tuyết Ngân (sinh năm 1984) bức xúc gửi đơn khiếu nại đến Sở Y tế tỉnh Tây Ninh, cho rằng sự lơ là tắc trách của các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tư nhân Cao Văn Chí trong chỉ định xuất viện mà không thăm khám kỹ là nguyên nhân khiến người mẹ trẻ bị cắt mất tử cung ở tuổi 27.


Gia đình sản phụ khiếu nại bệnh viện tắc trách. Ảnh: Thiên Chương.

Phản ánh với VnExpress.net, mẹ của chị Ngân cho biết, con bà vào Bệnh viện Cao Văn Chí ngày 2/8 để chờ sinh, đến rạng sáng hôm sau do tình trạng thiếu nước ối nên gia đình xin được sinh mổ bắt con. Ngày 6/8, gia đình xin ý kiến bác sĩ về việc xuất viện, sau kiểm tra, bác sĩ cho biết "tùy gia đình, có thể xuất viện" nếu vết mổ khô và sản phụ đi đại tiện.

"Thấy vết mổ của con khô, chúng tôi xin xuất viện và bác sĩ đồng ý. Nhưng chỉ sau một ngày về nhà, con gái tôi đau bụng dữ dội. Vào cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Tây Ninh, các bác sĩ phải mổ gấp và cắt bỏ tử cung để cứu mạng vì trong bụng chứa nhiều dịch và tử cung toàn mủ", mẹ chị Ngân nói.

Bệnh nhân sau đó được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM, được chăm sóc đến hết ngày 16/8 thì xuất viện. Theo các bác sĩ, vì cắt bỏ tử cung nên chị không còn khả năng sinh sản nữa.

"Lẽ ra, nếu bác sĩ Bệnh viện Cao Văn Chí khám kỹ và phát hiện ổ bụng sản phụ bị nhiễm trùng và giữ lại điều trị thì sự việc có thể đã không nghiêm trọng", người nhà nói.

Trước phản ứng của gia đình về vụ việc, bác sĩ Phan Châu Minh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Cao Văn Chí đã có thư phản hồi, cho rằng tình trạng chị Ngân trở nặng và có biến chứng "rất nhiều khả năng do cơ địa của sản phụ, điều này có thể xảy ra trong phẫu thuật và thủ thuật, cùng với yếu tố nhiễm dòng vi khuẩn kháng thuốc đa kháng sinh". Sau khi vụ việc xảy ra, bệnh viện đã có quan tâm gửi gắm bệnh nhân cho Bệnh viện đa khoa Tây Ninh và Bệnh viện Từ Dũ.

"Vụ việc phát sinh ngoài ý muốn liên quan đến việc giao tiếp và tư vấn còn hạn chế của nhân viên, mặc dù ban lãnh đạo bệnh viện đã thường xuyên nhắc nhở nhưng vẫn không thể tránh khỏi thiếu sót. Bệnh viện sẽ nghiêm túc phê bình và kiểm điểm các cá nhân thiếu sót", trả lời của bác sĩ phó giám đốc bệnh viện.

Trao đổi với VnExpress.net chiều 8/9, đại diện gia đình bệnh nhân cho biết chưa hài lòng cách trả lời của ban giám đốc bệnh viện, bởi không thể xin lỗi hoặc đổ cho cơ địa khiến bệnh nhân mất khả năng tiếp tục sinh con (chị Ngân chỉ mới có một con).

Chiều cùng ngày, đại diện phòng Nghiệp vụ Y Sở Y tế tỉnh Tây Ninh cho hay đã tiếp nhận đơn khiếu nại từ gia đình bệnh nhân và yêu cầu Bệnh viện đa khoa tư nhân Cao Văn Chí báo cáo toàn bộ sự việc. "Nếu cần thiết, chúng tôi sẽ nhanh chóng thành lập hội đồng khoa học để làm rõ bức xúc của người nhà bệnh nhân", ông nói.

Meo.vn (Theo Vne)

Kháng kháng sinh: “Căn bệnh” không có thuốc chữa trong tương lai

Kể từ khi những loại thuốc kháng sinh đầu tiên xuất hiện vào thập niên 1940, đã được chào đón như là “thần dược” - “phép lạ” của y học hiện đại, chữa khỏi những căn bệnh truyền nhiễm làm chết hàng triệu người mỗi năm, con người không bị tử vong bởi những nguyên nhân thông thường như viêm họng do liên cầu khuẩn, nhiễm trùng,...; khả năng gây tổn thương của những căn bệnh chủ yếu như giang mai, lậu, phong, lao đã giảm rất nhiều. Nhưng ngày nay “phép lạ” ấy không còn nữa! Sự xuất hiện và lan rộng của các mầm bệnh kháng thuốc đã tăng nhanh. Nhiều loại kháng sinh thiết yếu đã không còn công hiệu. Và nguy cơ những bệnh nhiễm trùng thông thường sẽ không còn thuốc chữa, dịch bệnh sẽ không thể kiểm soát, hàng triệu người sẽ có thể tử vong trong tương lai.
Thuốc kháng sinh đã từng được coi là "thần dược" của y học hiện đại.    

Thuốc kháng sinh - "phép lạ" đang biến mất

Kể từ năm 1928, bác sỹ Alexander Flemming phát hiện ra kháng sinh Penicillin, đến nay đã có hàng trăm loại kháng sinh đã được đưa vào sử dụng trong điều trị bệnh. Sự ra đời của kháng sinh đã cứu chữa được hàng tỷ người mắc các bệnh nhiễm trùng. Tuy nhiên, việc coi kháng sinh như là “thần dược” chữa tất cả các bệnh nhiễm trùng, sử dụng kháng sinh kéo dài, lạm dụng kháng sinh trong điều trị đã tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở nên kháng thuốc. Do vậy nhiều loại kháng sinh đã bị kém hoặc không còn tác dụng trong điều trị bệnh.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) kháng kháng sinh (KKS) là khả năng một loại vi sinh vật vô hiệu hóa tác dụng của một loại thuốc kháng sinh được sử dụng để chống lại nó. Các vi sinh vật có khả năng kháng thuốc này bao gồm virut, vi khuẩn và một số loại ký sinh trùng. Trong trường hợp có biểu hiện kháng thuốc, các liệu pháp điều trị chuẩn không còn hiệu quả, nhiễm khuẩn vẫn tồn tại, phát triển và có thể lây lan sang cho những người khác.

Các nhà khoa học trên thế giới hiện nay đã liên tiếp thông báo về sự xuất hiện gen kháng thuốc của vi khuẩn với một số loại kháng sinh, trong đó có cả các loại kháng sinh thế hệ mới. Báo cáo của WHO cho thấy, mỗi năm trên thế giới ước tính có thêm 440.000 ca nhiễm mới bệnh lao đa kháng thuốc gây ít nhất 150.000 ca tử vong. Ở Việt Nam con số này là khoảng 5.900 ca nhiễm lao đa kháng thuốc gây tử vong cho 1.800 ca mỗi năm. Nghiêm trọng hơn lao siêu kháng đa thuốc đã xuất hiện ở 58 quốc gia. Hiện tượng kháng thuốc điều trị sốt rét, HIV, nhiễm khuẩn bệnh viện, nhiễm khuẩn thông thường đang tăng lên nhanh chóng. Tại Việt Nam, khoảng 3% số ca sốt rét P. falciparum kháng các liệu pháp kết hợp artemisinin ở các tỉnh như Quảng Trị, Gia Lai và Đắk Nông. Giám sát sự lây lan của HIV và kháng thuốc, năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận khoảng 5-15% số người đã kháng lại các loại thuốc kháng virut ngay khi bắt đầu phác đồ điều trị...

Tại người bệnh và cả thầy thuốc

KKS là hậu quả của nhiều yếu tố, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý và không đúng cách. Điều này xảy ra tại một môi trường chăm sóc sức khỏe nơi mà các bác sĩ và nhân viên y tế kê dùng kháng sinh cho người bệnh quá liều, sai liều hoặc thiếu liều. KKS cũng xảy ra khi người bệnh tự điều trị, mua và dùng thuốc không cần kê đơn.

Tại Việt Nam, trong số các yếu tố làm tăng vi khuẩn kháng thuốc, nhiễm khuẩn bệnh viện là yếu tố quan trọng liên quan đến tính KKS của vi khuẩn. Thêm vào đó, việc sử dụng kháng sinh rộng rãi trong cộng đồng, thầy thuốc kê đơn lạm dụng kháng sinh, người dân có thói quen tự ý mua thuốc kháng sinh khi bị các bệnh nhiễm trùng thông thường không theo chỉ định của thầy thuốc. Kết quả, nhiều vi khuẩn đã kháng lại hầu hết các kháng sinh thông dụng như penicillin, tetracycline, streptomycin,...

Việc lạm dụng kháng sinh xảy ra phổ biến ở cả bệnh nhân và thầy thuốc. Ở thầy thuốc, việc kê đơn có thuốc kháng sinh trong điều trị các bệnh nhiễm trùng thông thường rất phổ biến tại các bệnh viện, phòng khám do chưa chẩn đoán chính xác bệnh, thiếu phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng về vi sinh học,... Ở người bệnh, việc tự ý sử dụng kháng sinh mỗi khi có bệnh thông thường, dù chỉ là có triệu chứng ho hoặc sốt nhẹ,... đã trở thành thói quen, do nhiều nguyên nhân như: chủ quan, ngại đến cơ sở y tế khám và được kê đơn thuốc vì tâm lý không muốn chờ đợi do bệnh viện thường xuyên quá tải, khó khăn về kinh tế, dùng thuốc theo mách bảo,... Ngoài ra chính người bán thuốc tại các nhà thuốc (các dược sĩ và cả những người không có đủ điều kiện bán thuốc) vẫn thường xuyên bán và hướng dẫn người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh mà không cần có đơn thuốc hay tư vấn của bác sĩ. Điều quan trọng nữa là nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe hiện nay vẫn còn hạn chế, đa số người dân có hiểu biết rất ít về cách nhận biết, phòng tránh và điều trị các bệnh thông thường, không thực hiện đúng chỉ định điều trị của bác sĩ, tự ý dừng thuốc, bỏ thuốc khi bắt đầu cảm thấy đỡ bệnh,... nhất là người dân ở nông thôn, miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa ít được tiếp cận với thông tin hay xa cơ sở y tế,...
Tự ý mua thuốc kháng sinh chữa bệnh gây nên tình trạng kháng thuốc.   Ảnh: T.H

“Chống kháng thuốc: Không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa”

KKS hiện nay đang là vấn đề lo ngại toàn cầu vì nó sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với người bệnh và xã hội. Nó có thể gây tử vong khi mà các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng thuốc gây ra không còn điều trị hiệu quả bởi các liệu pháp điều trị chuẩn; Khi hiệu quả điều trị giảm, người bệnh bị nhiễm khuẩn kéo dài làm gia tăng khả năng lây vi khuẩn kháng thuốc sang người khác; Đe dọa công tác chăm sóc y tế và kiểm soát bệnh truyền nhiễm; Làm tăng chi phí điều trị, tăng gánh nặng về tài chính cho các cơ sở y tế và người bệnh; Có thể đưa chúng ta quay trở lại thời kỳ trước khi thuốc kháng sinh được phát triển,... Hiện tại nó đang làm suy yếu cuộc chiến chống lại bệnh tật, như bệnh lao và sốt rét - những bệnh có lẽ đã ngăn chặn được từ nhiều thập kỷ trước. Đồng thời các căn bệnh khác đã có từ lâu lại đang xuất hiện và có khả năng không có thuốc chữa. Do đó nhân Ngày Sức khỏe Thế giới (7/4/2011), Tổ chức y tế thế giới đã cảnh báo và kêu gọi các nước trên thế giới nỗ lực chống lại tình trạng kháng thuốc với khẩu hiệu: “Không hành động hôm nay, ngày mai không có thuốc chữa” với các biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn và phòng tránh hậu quả của nó trong tương lai.

Hà Giang

(suckhoe-doisong)

Vi khuẩn kháng thuốc: Không thể coi thường!

Mối liên quan giữa viêm xoang và đau đớn, mệt mỏi kinh niên vừa được các chuyên gia tại ĐH Georgetown (Mỹ) làm sáng tỏ. Điều này là một "lời nhắc nhở" đối với các bác sĩ nội khoa khi chữa trị cho bệnh nhân bởi lâu nay, người ta thường nghĩ viêm xoang là vấn đề "riêng" của các bác sĩ tai mũi họng.

Alexander Chester, bác sĩ khoa nội thuộc Trung tâm Y tế ĐH Georgetown, đã tiến hành khảo sát gần 300 bệnh nhân của ông. Đối tượng được Chester lựa chọn có độ tuổi trung bình là 30, tất cả đều dưới tuổi 41. Trong số đó, 64 người (22%) mắc chứng mệt mỏi kinh niên không rõ lý do; 33 người (11%) bị đau ê ẩm toàn thân.

Bác sĩ Chester phát hiện những ai mắc chứng mệt mỏi kinh niên mà không rõ lý do có nguy cơ mắc viêm xoang gấp 9 lần so với các bệnh nhân khác. Con số này là 6 lần với những ai bị đau nhức cơ thể.

"Giới chuyên gia tai mũi họng biết rõ tới 1/3 số người bị viêm xoang phải chịu đựng các cơn đau ê ẩm khắp người và cả những trận mệt mỏi kinh niên. Tuy nhiên, các bác sĩ nội khoa nói chung ít khi chú ý tới điều này. Kết quả là rất nhiều bệnh nhân không được họ điều trị viêm xoang để giảm đau nhức", Chester nói. Theo ông, tác động bao trùm của viêm xoang không được ý thức rõ ràng mặc dù người ta có thể cảm nhận tình trạng bất ổn ngay cả khi chưa có triệu chứng của bệnh này. "Tôi hy vọng nghiên cứu sẽ giúp các bác sĩ nội khoa hiểu rõ hơn rằng mệt mỏi, đau nhức cơ thể kinh niên có thể do viêm xoang gây ra".

Viêm xoang là một vấn đề sức khoẻ phổ biến nhất ở Mỹ, ảnh hưởng đến khoảng 34 triệu người mỗi năm, theo NIAID - Học viện Quốc gia về các căn bệnh lây nhiễm và dị ứng. Số phụ nữ mắc bệnh này nhiều hơn nam giới. Philip Perlman - bác sĩ chuyên về tai mũi họng ở New York - cho biết, mệt mỏi nằm trong "top 5" các triệu chứng của viêm xoang, bên cạnh đau nhức, nặng mặt, nghẹt mũi và sốt.

Nghiên cứu của bác sĩ Chester được đăng trên mục Vấn đề Tuần này của tờ Archives of Internal Medicine ( news web sites ).

H.T - Theo HealthDay

Tham khảo điều trị triệt để bệnh viêm xoang tại: http://www.benhviemxoang.com

Làm gì khi bị tiêu chảy do kháng sinh?

Tôi bị ho, sốt, tức ngực khó thở. Tôi đã đi khám và chụp Xquang, bác sĩ kết luận bị viêm phế quản cấp và cho uống kháng sinh, thuốc giãn phế quản và long đờm. Tôi uống thuốc được 2 ngày thì thấy dễ thở và bớt sốt nhưng lại bị đau bụng và đi ngoài phân lỏng. Tôi sợ quá nên dừng kháng sinh, vì thế nên tôi bị sốt trở lại. Xin hỏi vì sao lại thế và tôi nên làm thế nào?

Bích Vân (Bắc Ninh)

Theo mô tả thì bạn đã bị viêm phế quản do nhiễm khuẩn. Do đó, để điều trị bệnh này nhất thiết phải dùng kháng sinh và một số thuốc kèm theo như bạn đã nêu trong thư. Khi sử dụng kháng sinh, một trong những tác dụng không mong muốn là gây nên rối loạn tiêu hoá, đặc biệt với những kháng sinh mạnh, có phổ kháng khuẩn rộng. Nguyên nhân do thuốc vừa diệt vi khuẩn gây bệnh, vừa diệt cả các loại vi khuẩn sống cộng sinh có lợi trong đường ruột (bình thường các vi khuẩn này có một tỷ lệ khá hằng định trong ruột, giúp cho cơ thể trong quá trình tiêu hoá và hấp thu một số chất), gây nên sự mất cân bằng về mặt vi khuẩn trong đường ruột dẫn đến triệu chứng rối loạn tiêu hoá. Trong trường hợp nhẹ, người bệnh có thể tiếp tục dùng thuốc kết hợp thêm với một số thuốc có chứa tỷ lệ vi khuẩn nhất định, thường được gọi là men tiêu hóa, thuốc này sẽ giúp cân bằng lại vi khuẩn và các triệu chứng rối loạn tiêu hoá sẽ giảm và khỏi. Trong trường hợp rối loạn tiêu hoá nặng, tiêu chảy nhiều dẫn đến rối loạn nước - điện giải hoặc nguy cơ trụy tim mạch thì bắt buộc phải dừng thuốc và thay bằng loại kháng sinh khác phù hợp hơn. Trong thư, bạn không nói đến mức độ đi ngoài nặng hay nhẹ, nên tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ và kể thật cụ thể các triệu chứng, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp nhất cho bạn. Bạn tuyệt đối không nên tự ý dừng thuốc bởi bệnh không những không khỏi mà còn làm tăng nguy cơ vi khuẩn kháng thuốc rất cao. Khi ấy việc điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

TS. Nguyễn Hải Anh

(thuocvasuckhoe)

Lạm dụng kháng sinh: “Bệnh” khó chữa

Các thuốc kháng sinh thế hệ mới vừa xuất hiện trên thị trường là có ngay trong toa thuốc của bệnh nhân Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xuất hiện loại siêu vi khuẩn kháng thuốc, chống lại hầu hết các loại thuốc kháng sinh hiện nay và đã có trường hợp tử vong.

Tại VN, nhiều loại vi khuẩn kháng thuốc tương tự đã được phát hiện. Một trong những nguyên nhân quan trọng làm xuất hiện của siêu vi khuẩn được các chuyên gia y tế khẳng định chính là tình trạng lạm dụng kháng sinh.  

Rất dễ mua kháng sinh

Thời tiết se lạnh, đứa con 3 tuổi của chị Lê Thị Loan (ngụ quận Bình Thạnh - TPHCM) bị hắt hơi, sổ mũi. Đến khám phòng mạch gần nhà, bác sĩ chẩn đoán con chị bị viêm tiểu phế quản và kê toa với nhiều loại thuốc, xi rô, trong đó thuốc kháng sinh Tafurex được kê uống trong 3 ngày.

Sau đó, thấy con không khỏi bệnh, chị tiếp tục đưa trở lại phòng mạch và được bác sĩ cho thêm 2 ngày uống kháng sinh. Thêm một tuần nữa, bệnh của con vẫn không khỏi, chị đưa vào khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM, được bác sĩ khuyên chỉ cần uống thuốc ho long đờm, vệ sinh mũi, tăng cường dinh dưỡng là khỏi, không cần phải dùng kháng sinh.

Rất nhiều bệnh nhi phải điều trị dài ngày do kháng thuốc

Mỗi lần hai đứa con nhỏ 1 tuổi và 4 tuổi bị ho, sốt là chị Nguyễn Thị Minh (ngụ quận 2 –TPHCM) lại ra tiệm thuốc gần nhà mua các thuốc dạng gói hạ sốt Efferalgan 500 mg về cho uống.

Càng ngày, bệnh của con càng tái diễn, có khi ho kéo dài gần cả tháng mới khỏi. Thấy con còi cọc dần, chị đưa đi khám thì bác sĩ khẳng định bị suy dinh dưỡng và cho biết cháu bé 1 tuổi bị ho mãn tính, có nguy cơ thành hen suyễn do không điều trị dứt điểm và đã bị kháng thuốc từ nhỏ.

Dùng quá nhiều kháng sinh trong điều trị

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tìm hiểu tình hình sử dụng thuốc tại một số bệnh viện tuyến Trung ương cho thấy có 41% bệnh án sử dụng kháng sinh kết hợp, chủ yếu là kết hợp hai loại kháng sinh. Có tới 7,7% bệnh án chỉ định kết hợp 3 loại kháng sinh trở lên. Khảo sát tại 52 bệnh viện tỉnh và đa khoa vừa được công bố mới đây cũng cho biết có 43% chi phí dành cho thuốc kháng sinh. Tại TPHCM, theo khảo sát tại một số bệnh viện, việc dùng thuốc kháng sinh trong điều trị chiếm khá cao, có bệnh viện sử dụng đến 50% tiền thuốc kháng sinh trên tổng tiền thuốc của bệnh viện.

Theo các chuyên gia y tế, tình trạng tùy tiện, lạm dụng thuốc kháng sinh đang là vấn đề báo động. Rất nhiều người dân tự “chẩn đoán” bệnh cho mình, còn bác sĩ thì “sính” dùng kháng sinh. Nhiều người chỉ hắt hơi, sổ mũi sơ sơ do dị ứng thời tiết là lập tức ra tiệm thuốc mua ngay Ampicilin hay Amoxicilin uống.

Hiệu thuốc sẵn sàng bán các loại thuốc kháng sinh mà không cần toa của bác sĩ. Trong những loại thuốc bác sĩ kê toa uống hoặc chích cho bệnh nhân thì cũng ít khi thiếu kháng sinh. Điều đáng nói là các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới vừa xuất hiện trên thị trường là có ngay trong toa thuốc của bệnh nhân.

Hậu quả nhãn tiền

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, ngoài việc sử dụng kháng sinh bừa bãi thì sự xuất hiện thuốc kháng sinh giả, kém chất lượng cũng làm tình trạng đề kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng.

PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM, khuyến cáo nhiều người nghĩ rằng sử dụng kháng sinh là liệu pháp an toàn nhưng cần hết sức thận trọng vì nguy cơ lờn thuốc, kháng thuốc, phản ứng phụ...

Ở nước ngoài, bác sĩ rất cẩn trọng việc dùng kháng sinh ngay cả khi trẻ bị nhiễm trùng nhẹ (bởi sau này nếu trẻ bị lờn thuốc, bác sĩ điều trị ấy phải chịu trách nhiệm). Trong khi ở VN, việc tầm soát kháng sinh, làm các kháng sinh đồ vẫn chưa được kiểm soát khiến nguy cơ kháng thuốc rất dễ xảy ra.

TS-BS Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TPHCM, cũng cho biết việc lạm dụng kháng sinh sẽ gây nên tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn, tạo ra những chủng vi khuẩn có độc lực mạnh, “lờn” nhiều loại kháng sinh gây khó khăn cho điều trị và làm cho bệnh nhân tử vong.

Biện pháp hạn chế vi khuẩn kháng kháng sinh

Vi khuẩn ngày càng có xu hướng kháng lại các thuốc kháng sinh ngay cả những loại kháng sinh thế hệ mới. Qua các công trình nghiên cứu ở nhiều cơ sở bệnh viện khác nhau và ở các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam cho thấy, có rất nhiều loại vi khuẩn không những chỉ kháng lại một hay hai loại thuốc kháng sinh mà còn kháng lại nhiều thuốc kháng sinh.

Vi khuẩn kháng kháng sinh có nhiều cơ chế khác nhau và cũng có nhiều nguyên nhân làm cho vi khuẩn kháng thuốc.

Một số nét về kháng sinh

Muốn biết có nên dùng kháng sinh hay chưa phải cho người bệnh đi khám bệnh. Phải được bác sĩ khám bệnh khi nghi bị bệnh nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự động mua thuốc kháng sinh để dùng cho bản thân hoặc người nhà.

Kháng sinh là một chất mà ở ngay nồng độ thấp cũng có thể ức chế hoặc tiêu diệt vi khuẩn. Nguồn gốc của kháng sinh có thể từ thiên nhiên hoặc kháng sinh có nguồn gốc từ tổng hợp hoặc bán tổng hợp. Người ta chia kháng sinh thành 3 loại, đó là kháng sinh đặc hiệu, kháng sinh phổ rộng và kháng sinh phổ hẹp. Kháng sinh đặc hiệu là các loại kháng sinh có khả năng tác động lên một loại vi khuẩn hay một nhóm vi khuẩn nhất định (Spectinomycin tác động lên vi khuẩn lậu). Các loại kháng sinh phổ rộng có hoạt tính đối với nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Kháng sinh phổ hẹp là các loại kháng sinh chỉ tác động lên một số vi khuẩn mà thôi. Về nguyên tắc, chỉ sử dụng kháng sinh để điều trị các bệnh do vi khuẩn gây nên (hoặc vi nấm), không dùng kháng sinh để điều trị bệnh do virut gây ra. Khi kháng sinh được đưa vào cơ thể có thể theo đường uống, đường tiêm, qua niêm mạc hoặc ngấm qua da nhưng dù hình thức nào đi nữa thì kháng sinh cũng tác động lên bản thân vi khuẩn để làm cho chúng ngưng hoạt động hoặc chết.

Vi khuẩn kháng lại kháng sinh, vì sao?

Có nhiều cơ chế kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn như vi khuẩn sản xuất ra enzym phá huỷ hoạt tính của thuốc; vi khuẩn làm thay đổi khả năng thẩm thấu của màng tế bào đối với thuốc. Thông dụng nhất là do nguồn gốc di truyền và không do di truyền của vi khuẩn. Những nguồn gốc không do di truyền như vi khuẩn không nhân lên được dẫn đến kháng thuốc hoặc những thế hệ sau của vi khuẩn có thể do quen thuốc dẫn đến kháng thuốc (yếu tố này liên quan mật thiết đến việc sử dụng kháng sinh không hợp lý do người bệnh hoặc do thầy thuốc gây ra). Kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn cũng có thể do mất điểm gắn đặc biệt dành cho thuốc trên thân vi khuẩn… Phần lớn vi khuẩn kháng thuốc là do di truyền hoặc do đột biến gen, đột biến nhiễm sắc thể, trong đó đáng quan tâm nhất là di truyền do plasmid…

Làm kháng sinh đồ.

Một số biện pháp nhằm ngăn chặn vi khuẩn kháng thuốc  kháng sinh

Hiện nay, vi khuẩn có xu hướng kháng lại một hoặc nhiều loại thuốc kháng sinh gọi là vi khuẩn đa đề kháng. Ví dụ như vi khuẩn tụ cầu, trong đó tụ cầu vàng (S.aureus), trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa), E.coli, lậu cầu, vi khuẩn lao, vi khuẩn lỵ (Shigella)… kháng lại rất nhiều loại kháng sinh. Việc vi khuẩn kháng lại kháng sinh và kháng lại nhiều kháng sinh trong một thời điểm, gây không ít khó khăn cho việc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn nặng, cấp tính như nhiễm trùng vết thương, nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng huyết, áp-xe phủ tạng, bệnh lao phổi, viêm đường sinh dục - tiết niệu… Để hạn chế vi khuẩn kháng thuốc, trước hết cần lưu ý là chỉ khi nào mắc bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn mới dùng thuốc kháng sinh. Hiện nay, việc tự động mua thuốc kháng sinh để dùng và việc dược tá tự do bán thuốc kháng sinh khi người mua yêu cầu là khá phổ biến, chính lý do này càng làm cho vi khuẩn kháng thuốc tăng lên. Khi đã được bác sĩ khám và kê đơn mua thuốc kháng sinh thì cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự động thay đổi thuốc, thay đổi liều lượng hoặc thay đổi cách dùng thuốc khác với đơn của bác sĩ đã cho (ví dụ đổi thuốc kháng sinh hoặc dùng được vài ba hôm thấy hết sốt thì ngưng không dùng kháng sinh…). Khi bị bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn (bác sĩ đã xác định) thì bác sĩ cần cho bệnh nhân dùng một trong các loại thuốc có phổ hẹp ngay từ ban đầu, không nên cho kháng sinh phổ rộng dễ dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc. Hiện nay, ở nhiều cơ sở đã có khả năng thử nghiệm xác định độ nhạy cảm của vi khuẩn với kháng  sinh (gọi là kỹ thuật kháng sinh đồ), vì vậy bác sĩ nên dựa vào kết quả đó để lựa chọn kháng sinh cho thích hợp, trong trường hợp chưa có kỹ thuật này thì nên dựa vào phác đồ điều trị của Bộ Y tế để thực hiện. Ngoài ra, bác sĩ kê đơn cũng cần dựa vào tính động học của thuốc kháng sinh, dựa vào tính chất của từng loại thuốc kháng sinh (ví dụ trẻ em không dùng những loại thuốc gì) và không nên dùng kháng sinh phổ rộng hay kháng sinh thế hệ mới ngay từ lần đầu tiên điều trị cho người bệnh. Nếu không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này thì rất dễ làm cho vi khuẩn ngày càng kháng lại thuốc kháng sinh. Vấn đề diệt mầm bệnh vi khuẩn cũng đóng góp làm giảm sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Vì vậy, trong các cơ sở y tế cần có các biện pháp vô trùng và tiệt trùng một cách nghiêm ngặt để không cho vi khuẩn tồn tại, phát triển và lan rộng. Môi trường bệnh viện (khoa phòng, bệnh phòng, phòng mổ, phòng đẻ, phòng sơ sinh...), dụng cụ y tế, quần áo, chăn, màn dùng cho bệnh nhân luôn được vô trùng. Vô trùng và tiệt trùng trang thiết bị và dụng cụ y tế là những khâu hết sức quan trọng để tiêu diệt các loại mầm bệnh vì trong đó có vô vàn các loại vi khuẩn và vi khuẩn kháng thuốc.

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu

Vi khuẩn Helicobacter Pylori và bệnh viêm loét dạ dày

Đau dạ dày là một triệu chứng thường gặp ở nhiều người và nó có thể là dấu hiệu cho biết chúng ta đã bị viêm loét dạ dày. Căn bệnh này rất dai dẳng, gây khó chịu trong nhiều năm liền và có thể gây nên những những đợt cấp tính rất nguy hiểm, thậm chí có thể phát triển thành ung thư dạ dày.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Có một điều mà nhiều người chưa biết là viêm loét dạ dày là căn bệnh có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác và cơ chế lây rất nhanh.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày nhưng nhìn chung, có 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do dùng thuốc các thuốc giảm giảm đau, chống viêm không chứa steroid, aspirin và một số loại thuốc khác. Thứ hai là do stress tâm lý, thói quen sử dụng các loại thực phẩm gây kích thích niêm mạc dạ dày như: rượu, càphê, ớt, tiêu... dẫn tới việc dạ dày tiết nhiều axít. Thứ ba và là nguyên nhân quan trọng nhất là sự xuất hiện của 1 loại vi khuẩn có tên là Helicobacter pylori trong dạ dày. Vi khuẩn Helicobacter pylori được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1983.

Lâu nay, nhiều người cho rằng, viêm loét dạ dày là loại bệnh có tính di truyền, do có tỷ lệ cao những người mắc bệnh viêm loét dạ dày cùng huyết thống. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định: Viêm loét dạ dày hoàn toàn không mang tính di truyền.

Vi khuẩn H.pylori đủ khoẻ để sống được trong môi trường axit có trong dạ dày. Bạn có thể không biết mình bị nhiễm vi khuẩn này vì thường không có các triệu chứng nào đặc biệt, điều nguy hiểm nhất là vi khuẩn này có thể phát triển thành ung thư, do vi khuẩn có chủng chứa độc tố và có khả năng phá hoại các tế bào.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, cần sớm phát hiện và loại trừ khả năng nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Nếu bạn cảm thấy đau dạ dày liên tục hoặc cồn cào bụng và nghi ngờ bị nhiễm bệnh, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để được làm các xét nghiêm cần thiết. Nếu không may bị nhiễm vi khuẩn, khi bạn được kê đơn kháng sinh hãy uống thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị và dứt điểm, không nên điều trị dai dẳng làm cho vi khuẩn kháng thuốc sẽ khó điều trị hơn. Sau khi đã uống hết thuốc nên đi khám lại để chắc chắn rằng bạn đã khỏi bệnh.

Tác giả : Kim Hải

(vtv.vn)