Lưu trữ cho từ khóa: vi khuẩn đường ruột

Sữa chua giúp chống trầm cảm

Những nghiên cứu mới đây cho thấy các sản phẩm đi từ axit latic - thành phần quan trọng của sữa chua - làm giảm stress và chữa chứng trầm cảm.

 

Sữa chua có tác dụng rất tốt trong việc giảm stress. Ảnh minh họa.

 

Sữa chua được công nhận là không chỉ giúp ích cho quá trình tiêu hóa mà còn có tác dụng chữa một số bệnh về tâm thần.

Đài truyền hình Nga "Росбалт" cho biết các vi khuẩn đường ruột có ảnh hưởng trực tiếp đến não. Điều này đã được chứng minh trên chuột. Thế nhưng các nhà nghiên cứu lại cho rằng điều xảy ra với chuột rất có thể cũng xảy ra với người.

Từ lâu, dù chưa có những lý luận của Y học hiện đại, người ta đã nhận xét rằng khi tiêu hoá bị rối loạn thì đầu óc căng thẳng, bực bội, lo lắng…- những triệu chứng đặc trưng của rối loạn tâm thần, thường gọi là stress. Nhận xét ấy đã buộc các nhà y học phải nghiên cứu một cách thấu đáo về sự liên quan này.

Thí nghiệm với chuột, họ cho chúng ăn những thức ăn có thêm loại vi khuẩn Lactobacillus rhamnosus JB-1, sống trong đường tiêu hoá.  .

Những dấu hiệu stress ở chuột giảm hẳn, phân tích nồng độ hocmon gây stress trong máu, dù đưa chúng vào những hoàn cảnh gây stress nặng, thì trị số này cũng rất thấp. Mối quan hệ giữa vi khuẩn đường ruột và não đã được chứng minh.

Theo tiến sĩ John Krain, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu sinh học thần kinh,có khả năng phát hiện ra một phương pháp trị liệu mới chứng rối nhiễu tâm thần nhờ các loại thuốc không hướng lên não mà hướng xuống dạ dày.

Rất có khả năng là thay vì uống các viên thuốc trẩm cảm, người ta chỉ cần ăn vài lọ sữa chua là trở lại sự cân bằng tâm lý.

Meo.vn (Theo Vietnamnet)

Đi ngoài sống phân kèm theo đau bụng mỗi khi ăn các đồ lạ thì là triệu chứng của bệnh gì?

Xin bác sĩ cho biết người hay bị đi ngoài sống phân kèm theo đau bụng mỗi khi ăn các đồ lạ thì là triệu chứng của bệnh gì? Cách khắc phục những triệu chứng trên như thế nào để không ảnh hưởng tới sức khỏe? Xin bs tư vấn giúp. (Nguyễn Ngọc Tuyến)

Trả lời:

Biểu hiện của phân sống kèm đau bụng mỗi khi ăn các đồ ăn lạ thường như bạn mô tả có thể là do rối loạn tiêu hóa gây ra, làm cho không tiêu hóa được thức ăn trong ruột non, khi đi ngoài hiện tượng phân ra gần như còn nguyên của loại thức ăn đó.

Bạn đi ngoài phân sống có nhiều nguyên nhân, hoặc do bạn phải uống kháng sinh hoặc bạnbị rối loạn tiêu hóa, từ đó làm cho trong ruột non bị hỏng những loại men tiêu hóa tốt (vi khuẩn tốt) chỉ còn lại vi khuẩn không tốt cho việc tiêu hóa thức ăn. Bây giờ bạn nên tìm loại men tiêu hóa thường có chứa nhiều loại vi khuẩn sống (loại vi khuẩn có lợi) tốt cho tiêu hóa như VIABIOVIT.

Hiệu quả của việc sử dụng men tiêu hoá VIABIOVIT là nhờ các hoạt tính sau:

Tạo môi trường axit nhờ tiết ra axit lactic, đây là môi trường trường thuận lợi cho hệ vi sinh lên men đường ruột phát triển và ngược lại, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh dạng Gram(-).

Tiết ra các chất diệt khuẩn như: acid acetic, acid benzoic…

Thúc đẩy quá trình tổng hợp vitamin và một số acid amin cần thiết cho cơ thể, do đó rất có lợi cho quá trình tiêu hoá và hấp thu.

Tác dụng của một số vitamin nhóm B và PP: Nâng cao sức đề kháng của cơ thể, đặc biệt giúp tăng cường khả năng tiêu hoá và hấp thu tốt các chất bổ dưỡng cho trẻ sơ sinh. Cân bằng rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột do dùng kháng sinh

Giúp tạo cảm giác ngon miệng và tăng cường tiêu hoá, dùng tốt cho những người rối loạn tiêu hoá ( tiêu chảy, táo bón, đại tràng mãn tính, đầy hơi): những người có nguy cơ bệnh tim mạch và chống lão hoá tuổi già.

Bạn có thể tham khảo thông tin sản phẩm tại đây

http://www.thuocbietduoc.com.vn/sanpham/viabiovit/

Chúc bạn sức khoẻ.

Theo VnMedia

Ích lợi chưa biết đến của vi khuẩn

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới(ANTĐ) - Các nhà khoa học ngày càng nhận ra rằng, trong số 100 nghìn tỷ vi khuẩn chứa trong cơ thể người, nhiều loại vi khuẩn đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe, giúp tăng cường hệ miễn dịch, ngăn chặn các bệnh dị ứng, béo phì, hỗ trợ trao đổi chất, thậm chí chống lại ung thư vòm họng.

Triển vọng của lĩnh vực mới

Những năm gần đây, một loạt phát hiện mới của y học cho thấy vi khuẩn trú ngụ trong cơ thể người có ảnh hưởng sâu rộng đến sức khỏe và cả việc thiếu hụt chúng cũng vậy. Mỗi người thường có khoảng 100 nghìn tỷ tế bào vi khuẩn, gấp 10 lần số lượng tế bào người bởi kích thước chỉ bằng 1/1.000 tế bào người.

Một bài báo đăng trên Tạp chí Tự nhiên mới đây tiên đoán rằng, trong vòng 10 năm tới, các bác sỹ sẽ chữa bệnh dạ dày, dị ứng hay các bệnh khác bằng cách thay đổi thành phần vi khuẩn trong bệnh nhân, tiêu diệt bớt loại vi khuẩn xấu và phát huy tính năng tác dụng của các vi khuẩn tốt. Không chỉ có các hãng dược lớn, các hãng thực phẩm và người tiêu dùng từ nhiều năm nay đã biết sử dụng sữa chua, ngũ cốc và đồ uống có chứa loại vi sinh vật đặc biệt để tăng cường tiêu hóa, cải thiện sức khỏe.

Những ích lợi cơ bản

Giúp thon gọn: Những người bị thừa cân thường có tổ hợp vi khuẩn trong cơ quan tiêu hóa khác biệt, nghiên cứu của nhà khoa học Ruth Ley thuộc Đại học Cornell cho biết. Vi khuẩn giúp chúng ta có thể tiêu hóa được phức hợp      carbohydrates như tinh bột chẳng hạn, mà lực lượng chính đó gọi là Bacteroidetes - vi khuẩn phân loại chiếm ưu thế trong người gầy. Với người thừa cân béo phì thì có tỷ lệ cao hơn về Firmicutes, vốn sinh ra nhiều calo hơn với cùng một lượng thức ăn.

Ngăn chặn đái tháo đường: Một nghiên cứu của Alexander Chervonosky tại Đại học Chicago công bố trên Tạp chí Tự nhiên năm ngoái cho thấy, nếu có những vi khuẩn trú ngụ tại ruột đúng có thể ngăn chặn sớm sự tiến triển của bệnh đái tháo đường trên loài chuột thí nghiệm. Tuy nhiên, hiện chưa rõ loại vi khuẩn đường ruột này có hiệu quả như vậy đối với con người hay không.

Phát huy tác dụng của thuốc: Năm 2008, các nhà nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London phát hiện rằng những người có một lượng vi khuẩn ruột nhất định chuyển hóa acetaminophen chậm hơn. Vì thế, các tổn thương lành lâu hơn hoặc dễ dẫn đến dùng kháng sinh quá liều. Từ đó, giới khoa học tin rằng vi khuẩn trong ruột đóng vai trò trong việc phát huy tác dụng của thuốc và ngăn chặn tác dụng phụ.

Phòng chống nhiễm trùng: Một lớp vi khuẩn có lợi dường như bảo vệ chúng ta khỏi những vi khuẩn có hại, ví dụ cụ thể là thử nghiệm đối với nhóm đàn ông châu Phi có nguy cơ nhiễm HIV cao. Nguyên nhân được phân tích do việc cắt bao quy đầu này thay đổi thành phần vi khuẩn ở dương vật nên giảm nguy cơ nhiễm virus.

Bảo vệ da: Trên bề mặt da của chúng ta có những loại vi khuẩn nhất định sản sinh ra loại hóa chất bảo vệ da khỏi các viêm tấy do trầy xước hay chảy máu nhỏ. Chỉ khi vết cắt xâm nhập sâu hơn lớp vi khuẩn này, lúc ấy da mới sưng lên. Đối với các bệnh ngoài da như eczema, nguyên do là hệ thống vi khuẩn đó có thể bị trục trặc.

Ngăn ngừa ung thư vòm họng: Vi khuẩn Helicobacter pylori là nguyên nhân chính gây ra loét dạ dày, vì thế, các bác sỹ thường trừ khử bằng thuốc kháng sinh. Nhưng H. pylori cũng có ích lợi, theo kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và số liệu dịch tễ học thì nó có thể ngăn ngừa một số dạng ung thư vòm họng hay dạng tiền ung thư thực quản.

Chống dị ứng: Trong phòng thí nghiệm, dùng kháng sinh loại bỏ một số vi khuẩn đường ruột trên loài chuột khiến chúng tăng bệnh dị ứng đối với một loại men thông thường. Giả thuyết đưa ra là hệ miễn dịch sử dụng vi khuẩn đường ruột đó để giúp thải độc vì thế việc xáo trộn hệ thống là nguyên nhân gây ra dị ứng.

(theo ANTĐ)

Yếu tố ảnh hưởng sự hấp thu thuốc ở đường tiêu hóa

Sự hấp thu của mỗi loại thuốc bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố khác nhau như cấu trúc, diện tiếp xúc và hoạt động chức năng của niêm mạc đường tiêu hoá, pH của môi trường ống tiêu hoá, khả năng cung cấp máu ở vị trí hấp thu, đặc tính sinh hoá học của các thành phần trong ống tiêu hoá (đặc biệt là thức ăn) và của chính thuốc đó.

Sự hấp thu của thuốc tại đường tiêu hoá là một quá trình hết sức phức tạp, bao gồm nhiều giai đoạn và có sự tham gia của nhiều yếu tố. Sau khi thuốc được đưa vào đường tiêu hoá, các phân tử thuốc sẽ được phóng thích, trộn lẫn vào trong dịch tiêu hoá và được vận chuyển trong ống tiêu hoá. Một phần thuốc sẽ tiếp xúc với niêm mạc đường ruột và được hấp thu vào máu, phần còn lại sẽ tiếp tục vận chuyển trong ống tiêu hoá cùng với các thành phần hữu hình ở đây và tiếp tục được hấp thu ở những vị trí khác.

Các đặc tính của thuốc có ảnh hưởng lớn đến sự hấp thu là trạng thái vật lý (dung dịch, hỗn dịch hay dạng viên), khả năng tan trong nước và trong mỡ, kích thước phân tử và mức độ phân ly, độ toan kiềm (pH) cũng như nồng độ thuốc ở vị trí hấp thu. Thuốc ở dạng dung dịch nước thường dễ hấp thu hơn so với dạng dầu, hỗn dịch hoặc dạng viên. Những thuốc dạng viên có tốc độ phân rã chậm có thể gây giảm khả năng hấp thu, đặc biệt là những thuốc ít tan trong nước. Do hầu hết các thuốc được hấp thu ở đường tiêu hoá theo cơ chế khuếch tán thụ động nên những thuốc không ion hoá và có ái tính cao với lipid thường dễ được hấp thu. Các thuốc dạng viên để được hấp thu cần phải được hoà tan trước tiên. Những thuốc có khả năng hoà tan kém hoặc có tính ion hoá cao sẽ có thời gian tiếp xúc với niêm mạc ruột ngắn và sẽ ít được hấp thu. Một số thuốc có thể bị giảm khả năng hấp thu do tham gia vào các phản ứng hoá học như tạo thành phức hợp (giữa tetracyclin và các ion kim loại), bị thủy phân bởi dịch tiêu hoá (như penicillin và chloramphenicol), liên hợp với tế bào thành ruột (như isoproterenol) hoặc hấp thụ các thuốc khác (như digoxin và cholestyramine)... Uống nhiều nước đồng thời với thuốc có thể làm tăng đáng kể khả năng hấp thu với những thuốc có khả năng tan nhanh trong nước.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Các thuốc được hấp thu ở đường tiêu hóa theo cơ chế khuếch tán thụ động.

Vai trò của dạ dày

Diện tích niêm mạc dạ dày tương đối lớn nhưng do có lớp dịch nhầy khá dày ở trên bề mặt và thời gian tiếp xúc với thuốc ngắn nên rất ít loại thuốc được hấp thu ở đây. Tuy nhiên, hầu hết các thuốc đều được lưu giữ và phân rã ở dạ dày, chuyển thành dạng dung dịch trước khi vận chuyển xuống ruột non là nơi mà thuốc sẽ được hấp thu phần lớn. Vì lý do này, khả năng co bóp và đẩy thuốc của dạ dày có vai trò hết sức quan trọng đối với cả tốc độ và mức độ hấp thu của thuốc. Dạ dày trống rỗng thường có nhu động mạnh, nên nếu uống thuốc vào lúc đói thì tốc độ hấp thu cũng được đẩy nhanh hơn nhưng có thể gây kích ứng dạ dày. Một số loại thuốc (như lithium) hoặc các bệnh lý của dạ dày như viêm loét dạ dày, xơ cứng bì hệ thống... gây giảm nhu động và khả năng co bóp của dạ dày, từ đó có thể làm chậm tốc độ đẩy thuốc xuống ruột non. Ngược lại, các thuốc gây tăng nhu động dạ dày như domperidone có thể làm tăng tốc độ hấp thu thuốc vào máu bất chấp đặc tính của thuốc.

Vai trò của ruột non

Ruột non là nơi hấp thu thuốc chủ yếu của ống tiêu hoá do niêm mạc ruột có diện tích bề mặt lớn và tế bào có khả năng thấm cao, được cung cấp nhiều máu. Khả năng hấp thu thuốc ở ruột non phụ thuộc vào nhu động, diện tích và hoạt động chức năng của niêm mạc ruột và các tuyến ngoại tiết, hoạt động của hệ thống mạch máu cũng như hệ vi khuẩn tại chỗ. Những trường hợp có giảm tưới máu cho ruột (như các trường hợp sốc) có thể gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu thuốc theo cơ chế khuếch tán thụ động. Hệ vi khuẩn đường ruột nếu bị rối loạn cũng có thể gây giảm khả năng hấp thu thuốc và các chất dinh dưỡng. Thời gian vận chuyển trong ruột cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của thuốc, đặc biệt là các thuốc được hấp thu theo cơ chế vận chuyển chủ động (như các vitamin B), các thuốc hoà tan chậm (như griseofulvin), hoặc những thuốc ít tan trong lipid (như một số loại kháng sinh). Những bệnh lý (như xơ cứng bì hệ thống...) gây giảm nhu động ruột cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của nhiều loại thuốc.

Ảnh hưởng của thức ăn

Nếu thuốc được uống vào sau bữa ăn thì thức ăn có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hấp thu của thuốc. Thông qua nhiều cơ chế khác nhau, thức ăn có thể làm chậm hoặc làm giảm sự hấp thu của khá nhiều loại thuốc như alendronate, doxazosin, levodopa, atenolol... Những thức ăn chứa nhiều lipid thường nổi ở bên trên nên chậm tống ra khỏi dạ dày hơn so với các thức ăn chứa nhiều glucid và protid. Các loại thuốc dưới dạng không ion hóa có ái tính cao với lipid, nếu được uống sau bữa ăn, có thể hòa tan trong lớp lipid của thức ăn và do đó sẽ chậm được đưa xuống ruột và cũng sẽ chậm được hấp thu vào máu. Ngoài ra, thức ăn còn tạo thành rào cản vật lý ngăn cản việc hoà tan của thuốc và sự tiếp xúc của thuốc với niêm mạc ruột hoặc tạo ra các liên kết và các phản ứng hoá học với thuốc, từ đó, gây cản trở sự hấp thu của thuốc. Thức ăn còn có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho niêm mạc ruột, từ đó gián tiếp ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của thuốc. Bữa ăn chứa nhiều protid làm tăng lượng máu đến ruột, trong khi lipid gây giảm lượng máu này. Tuy nhiên, thức ăn có thể làm tăng đáng kể sự hấp thu của nhiều loại thuốc như clarithromycin, danazol, retinoid fenretinide, cefuroxime, Itraconazole... Cần lưu ý là thức ăn đặc biệt ảnh hưởng lớn đến sự hấp thu của các dạng thuốc phóng thích chậm.          

BS. Nguyễn Hữu Trường

(suckhoe&doisong)

Bảo vệ đường tiêu hóa giúp trẻ khỏe mạnh

Trong tháng 5, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận trung bình mỗi ngày khoảng 5.000 bệnh nhi đến khám, chủ yếu là các ca nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hóa... Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nôn nhiều, người lả, bác sĩ phải ngay lập tức truyền dịch.

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Vì sao trẻ hay mắc bệnh?

Trong những giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi, đa phần trẻ em đến khám tại bệnh viện bị các bệnh như: viêm phế quản, viêm họng cấp, sổ mũi, nhiễm siêu vi.

Hiện nay, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, đang có khoảng 500 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới bị suy dinh dưỡng mà rối loạn tiêu hóa có thể là nguyên nhân trực tiếp, hoặc gián tiếp chiếm tới 30%.

Một khảo sát của Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cho thấy, có 10 loại bệnh thường gặp ở trẻ em, trong đó nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường ruột, nhiễm siêu vi là những bệnh thường gặp nhất và nguy hiểm nhất đối với trẻ.

Sức đề kháng của trẻ từ 1- 3 tuổi rất kém do vậy trẻ rất dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa như tiêu chảy cấp và lỵ trực trùng.

Đường tiêu hóa của trẻ khi mới sinh ra vốn dĩ 'sạch', không có vi khuẩn. Sau đó, những tiếp xúc của trẻ với môi trường sẽ quyết định nhiều đến sức khỏe đường ruột và do 70 – 80% hệ miễn dịch của con người được đặt tại đường ruột nên điều này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Hệ vi khuẩn đường ruột nếu biến động có thể gây nhiều rối loạn tiêu hóa ảnh hưởng đến sự hấp thu dinh dưỡng, giảm đề kháng, dễ nhiễm bệnh. Hàng rào phòng vệ của bé còn yếu nên khả năng ngăn cản mầm bệnh không cao. Việc sản xuất kháng thể của cơ thể trẻ còn hạn chế trong khi nguồn kháng thể nhận từ mẹ cạn dần.

Bảo vệ trẻ bằng vi khuẩn tốt

Các nghiên cứu khoa học đã cho thấy, hệ tiêu hóa của trẻ chứa thường trực trên 400 loại vi khuẩn khác nhau ,tạo thành hệ vi khuẩn đường ruột Trong đó, vi khuẩn có lợi giúp đường ruột khỏe mạnh bằng cách bám chặt, chiếm lĩnh thành ruột và cạnh tranh chất dinh dưỡng với vi khuẩn có hại, ngăn ngừa vi khuẩn có hại tấn công và phát triển.

Khi vi khuẩn xấu 'tung hoành' trong đường ruột, trẻ dễ bị tiêu chảy hoặc kém hấp thu dẫn đến suy kiệt, thiếu sức đề kháng, suy dinh dưỡng, trẻ rất dễ bị các bệnh khác tấn công.

Để hệ miễn dịch của trẻ đủ mạnh, những bà mẹ nên chủ động hơn trong việc tăng cường bảo vệ sự cân bằng hệ thống vi khuẩn tại đường ruột của trẻ, tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển. Đây chính là lá chắn giúp cơ thể trẻ chống chọi lại những tác nhân gây bệnh từ môi trường bên ngoài.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, mỗi ngày Bệnh viện Nhi Đồng 1 phải tiếp nhận hơn 5.000 lượt trẻ đến khám, còn Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận khoảng 4.000 trẻ, chủ yếu là các ca viêm đường hô hấp, tiêu chảy cấp và nguyên nhân chính là do sự suy yếu hệ miễn dịch.

   *

     Th.s – BS. Trần Thị Hồng Loan

     Chuyên gia dinh dưỡng - Vnexpress