Lưu trữ cho từ khóa: vị cay

Bài thuốc chữa bệnh từ hồng hoa

Hồng hoa là hoa khô của cây hồng hoa (Carthamus tinctorius L.) còn gọi cây rum. Hồng hoa có tác dụng làm hạ huyết áp và mỡ máu, tăng cường khả năng miễn dịch, chống viêm. Theo y học cổ truyền, hồng hoa vị cay, tính ôn; vào tâm can, có tác dụng hoạt huyết khứ ứ, thông kinh chỉ thống. Sau đây là một số bài thuốc trị bệnh có dùng vị thuốc hồng hoa.

Hoạt huyết thông kinh

Bài 1: hồng hoa 12g, dùng rượu sắc, chia uống làm 3 lần. Trị đau bụng kinh.

Bài 2: hồng hoa 6g, xuyên khung 4g, đương quy 12g, hương phụ 12g, diên hồ sách 12g. Sắc uống hoặc ngâm rượu để uống. Uống trước khi thấy kinh. Trị đau bụng kinh.

bai-thuoc-chua-benh-tu-hong-hoa

Hồng hoa.

Bài 3: hồng hoa 4g, ích mẫu thảo 20g, sơn tra 20g. Thêm lượng đường đỏ vừa đủ. Sắc uống. Trị sau khi đẻ huyết hôi không ra hết.

Bài 4: hồng hoa 10g, xuyên khung 10g, ngưu tất 10g, ngâm với 500ml rượu trong 7 ngày. Uống sáng chiều, mỗi lần không quá 15ml trước bữa ăn 15 – 30 phút. Dùng cho các trường hợp đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau tức ngực, đau quặn bụng, đau bụng kinh.

Bài 5: hồng hoa 4g, đương qui 12g, đan sâm 15g, tất cả sắc lấy nước bỏ bã; cho 100g gạo nếp vào nấu cháo. Khi cháo chín cho thuốc vào, nấu cho vừa mức ăn là được. Cho ăn khi đói. Dùng cho các trường hợp kinh nguyệt không đều do huyết hư huyết ứ.

Bài 6: hồng hoa 12g, hương phụ 18g, gạo nếp 60g. Dược liệu sắc lấy nước bỏ bã; gạo nấu cháo. Khi cháo chín cho thuốc vào, nấu cho vừa mức ăn là được. Mỗi ngày 1 lần, cho ăn khi đói. Cho uống trước kỳ kinh, do kinh nguyệt kéo dài sau kỳ, kinh ít, sẫm tím, có huyết khối, đau trướng tức vùng tiểu khung và đau tức vùng bụng ngực, liên sườn và hai vú.

Bài 7: hồng hoa 10g, gừng tươi 8g, đậu đen 50g. Hồng hoa, gừng gói trong vải xô, cùng nấu chín, vớt bỏ gói bã thuốc, cho thêm muối và chút gia vị thích hợp. Ngày 1 lần cho ăn, liên tục trong 10 ngày. Dùng cho bệnh nhân huyết hư thiếu máu.

Trừ ứ, trị chấn thương

Bài 1: hồng hoa 12g, đào nhân 12g, sài hồ 12g, đương quy 12g, đại hoàng 8g. Dùng rượu loãng sắc uống.

Bài 2: hồng hoa 250g, đào nhân 250g, quy vĩ 250g, chi tử 500g. Nghiền chung thành bột mịn; thêm một lượng bột mỳ quấy hồ với giấm, đắp lên vết thương.

Bài 3: hồng hoa 30g, rượu 500ml, ngâm trong 7 ngày. Mỗi lần uống 20 – 30ml. Ngày 2 – 3 lần.

Hoạt huyết, mọc sỏi

Đương quy 8g, hồng hoa 12g, tử thảo 12g, lá đại thanh 12g, liên kiều 12g, ngưu bàng tử 12g, hoàng liên 6g, cam thảo 4g, cát căn 12g. Sắc uống. Dùng khi nốt sởi khó mọc, nhọt độc sưng.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai và người kinh nguyệt nhiều quá không được dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

Theo Suckhoedoisong.vn

Vị giác âm thầm cảnh báo bệnh

Bạn cảm thấy miệng bỗng nhiên có vị ngọt ngọt, chua, đắng hay nhạt thếch? Rất có thể bạn đang mắc bệnh mà không hề hay biết.

1. Miệng có vị ngọt

Rối loạn chức năng tiêu hóa.

Việc rối loạn chức năng tiêu hóa thường dẫn đến hiện tượng tiết dịch enzyme bất thường, cụ thể là lượng men amylase trong nước bọt tăng cao, kích thích vị giác ở lưỡi, tạo nên vị ngọt. Ngoài ra, người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao, đồng thời thành phần đường trong nước bọt cũng cao, dẫn đến vị ngọt ở miệng.

2. Miệng đắng

Dạ dày và gan nóng, rối loạn trong quá trình chuyển hóa dịch mật.

Phần lớn miệng có vị đắng là do nóng trong người, cụ thể là gan, dạ dày nóng, đặc biệt là trào ngược túi mật tạo nên vị đắng ở miệng. Ngoài ra, người bị bệnh ung thư cũng thường xuất hiện tình trạng này. Hoặc những người hoạt động trí óc quá nhiều, tinh thần căng thẳng, áp lực lớn, ăn uống không điều độ khiến cho chức năng dạ dày không đảm bảo, vận hành chậm chạp, thức ăn vào cơ thể dừng lại ở dạ dày quá lâu, cũng dễ dẫn đến đắng miệng.

3. Miệng mặn

Suy giảm thận âm

Miệng mặn có liên quan chặt chẽ đến thận. Phần lớn là do suy giảm thận âm, kèm theo các triệu chứng như chóng mặt, ù tai, mệt mỏi, thiếu sức sống, tần số đi tiểu đêm kéo dài, thường có liên quan đến những người viêm thận mãn tính, viêm họng mãn tính, vệ sinh miệng kém…

4. Miệng chua

Gan nóng, viêm dạ dày hoặc viêm loét đường tiêu hóa.

Ngoài cảm giác chua miệng, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng như có lớp vàng mỏng trên lưỡi, chướng bụng sau khi ăn, buồn nôn, đau tức sườn ở ngực, buồn nôn, dễ tức giận… Đây đều là dấu hiệu của viêm dạ dày hoặc loét đường tiêu hóa, tốt nhất ai gặp phải trường hợp này nên đến bệnh viện để được kiểm tra sớm.

5. Miệng cay

Phổi nóng hoặc viêm dạ dày.

Trong miệng có vị cay hoặc có cảm giác cay thường là do viêm nóng dạ dày hoặc phổi nóng gây nên, thường xuất hiện ở người cao huyết áp, sốt nhẹ. Phần lớn người bệnh sẽ kèm theo các triệu chứng như ho, khạc ra đờm, lưỡi bị phủ lớp rêu mỏng màu vàng…

Đặc biệt, mùi vị dị thường có liên quan mật thiết với độ tuổi, giới tính, cảm xúc, môi trường, đồ ăn, vệ sinh răng miệng. Người hút thuốc hoặc uống nhiều rượu, mất ngủ cũng xuất hiện mùi vị khác thường ở miệng. Vì vậy, khi xuất hiện dấu hiệu lạ, tốt nhất bạn nên đến bác sỹ để được chẩn bệnh chính xác.

(Theo iOne)

Vượt cơn cảm cúm bằng thực phẩm

- Sử dụng nước chanh, quất hoặc đơn giản chỉ là ngậm 1 lát nhỏ trong miệng làm dịu đau cổ họng, ngăn ngừa viêm họng và ho. Dùng thường xuyên nước giải khát với chanh; mật ong và nước ấm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.


- Dùng một ít súp gà nóng với tiêu hoặc gia vị cay khác, điều trị cảm lạnh và cúm.

- Mù tạt làm giảm sốt, loại bỏ độc tố và giúp chữa lành các màng nhầy trong phổi.

- Trà gừng giúp tiêu diệt vi trùng, kháng vi rút và rất tốt cho dạ dày. Dùng gừng nấu hoặc giã nát gừng cho vào nước tắm, kích thích mạch máu lưu thông, loại bỏ nhiệt trong người.

- Tỏi có thể tăng sức đề kháng, khả năng phục hồi bệnh cảm cúm nhanh chóng.

- Trà bạc hà giúp cơ thể ra mồ hôi, cảm cúm nhanh khỏi và rất tốt cho giấc ngủ.

- Vitamin C có trong nước cam rút ngắn thời gian bệnh cúm. Dùng 1 ly nước cam, tương đương 1.000 mg vitamin C có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng cảm cúm.

- Mật ong có đặc tính chữa bệnh hữu hiệu, dùng để giảm ho và tăng khả năng miễn dịch.

- Muối làm dịu cổ họng bị đau, nên sử dụng để súc miệng thường xuyên. Dùng muối pha với nước ấm, xịt vào mũi giúp thông mũi, ngừa viêm xoang mũi.

Meo.vn (Theo Thanhnien)

Thảo dược giảm đau răng mùa lạnh

Một số loại củ quả, hoa lá quen thuộc có tác dụng chữa đau răng rất hữu hiệu.

Bạn đang thưởng thức một bộ phim hay tại nhà. Đột nhiên chiếc răng đau nhói làm bạn chẳng thể tập trung. Khi đó, bạn chỉ muốn nhổ ngay “kẻ phá quấy”. Trước khi đến tìm nha sĩ, bạn có thể khắc phục cơn đau bằng cách sau:

Muối hạt: Muối ăn (muối biển, muối hạt) có thành chủ yếu là natri clorua (NaCl) và một số khoáng chất vi lượng có tác dụng sát trùng cao.

Khi bị đau răng, bạn pha một ly nước ấm với hai thìa cà phê muối, mỗi giờ súc miệng từ một đến hai lần. Bạn cũng nên dùng nước muối pha loãng súc miệng sau mỗi bữa ăn để phòng chống bệnh chảy máu ở lợi.

Đinh hương: Trong đinh hương có chứa eugenol. Đây là một chất gây tê dây thần kinh và giảm đau, có tính sát khuẩn, giảm thiểu sự nhiễm trùng. Vì vậy, đinh hương có tác dụng đặc biệt khi điều trị đau nhức răng.

Khi đau răng, để ngăn chặn sự nhiễm trùng trong miệng, bạn nhai vài nụ hoa hoặc một ít thân cây đinh hương rồi ngậm trong miệng.

Ngoài ra, bạn có thể mua lọ tinh dầu đinh hương tại các nhà thuốc, nhúng tăm bông vào tinh dầu rồi chà nhẹ xung quanh vùng răng đau nhức. Bạn lau liên tục đến khi hết cơn đau.

Quả kha tử: chứa tannin, axit luteoic, chebulinic, chebulic, chebulin, terchebin có tính chất kháng viêm, kháng nấm và sát trùng. Khi bị nhức răng âm ỉ, bạn nên đặt một miếng vỏ quả kha tử vào nơi bị đau. Quả kha tử già phơi khô có thể bảo quản lâu. Bạn có thể tìm mua tại các tiệm thuốc Đông Y trên phố Lãn Ông, Hà Nội và Hải Thượng Lãn Ông, Quận 5, TP.HCM.

Một số loại củ quả, hoa lá quen thuộc có tác dụng chữa đau răng rất hữu hiệu. (Ảnh minh họa)

Chữa đau răng bằng các loại lá

-    Lá trầu không: vị cay nồng, tính ấm, tiêu viêm, sát trùng. Khi có các dấu hiệu viêm lợi, chảy máu chân răng, bạn dùng 50g lá trầu sắc cô đặc thành cao, chấm liên tục vào chỗ răng bị đau đến khi khỏi hẳn.

-    Lá chanh: chứa tinh dầu có tính sát khuẩn, dùng để chữa răng lung lay. Bạn đun cách thủy 40g lá chanh tươi, chắt lấy nước. Sau đó, bạn dùng nước này ngậm khoảng 5 – 10 phút/lần, mỗi ngày ngậm từ 2 – 3 lần và dùng liên tục trong 3 – 5 ngày.

-    Lá mướp: vị đắng, tính hàn, dùng làm thuốc kháng viêm. Bạn có thể dùng lá mướp phơi khô hoặc sao khô, tán nhỏ thành bột mịn bôi vào chỗ đau nhức, chảy máu. Cách này có tác dụng chữa chứng chảy máu chân răng kéo dài.

-    Lá bạc hà: có tính chất sát trùng, giúp hơi thở thơm tho. Bạn dùng lá bạc hà khô đặt vào chỗ đau trong 15 phút, đặt liên tục trong ngày. Phương thức này không chỉ giúp giảm đau mà còn có thể làm nướu chắc khỏe hơn.

Một số món ăn

Ngoài các vị thuốc dùng để ngậm, bôi trực tiếp vào chỗ răng đau. Đông Y còn có nhiều món ăn giúp làm giảm các triệu chứng đau nhức răng khó chịu:

-    Chữa đau răng: Dùng 100g gạo lức, 1 lít nước, ninh nhừ thành cháo, cho thêm 60g thạch cao, đường trắng, ăn hai lần trong ngày.

-    Chữa sâu răng: ăn cháo huyền sâm với sinh địa, thục địa. Cách làm: 15g huyền sâm, 15g thục địa, 15g sinh địa, 100g gạo lức nấu thành cháo, ăn hàng ngày.

-    Chữa răng lợi chảy máu: 500g bì lợn, 250g táo Tàu, 250g đường phèn. Bì lợn làm sạch, thái miếng, đun nhỏ lửa trong hai giờ. Táo rửa sạch, luộc nước sôi 15 phút, sau đó đun nhỏ lửa 1 – 2 giờ. Nấu tiếp hỗn hợp bì lợn và táo tàu đến khi bì lợn chín nhừ, cho thêm đường phèn chia thành 2 – 3 bữa, ăn trong ngày.

Với những trường hợp không thuyên giảm, bạn nên đến khám răng tại các phòng khám nha khoa để chữa trị triệt để. Hàng ngày, việc vệ sinh răng miệng là quan trọng. Bạn nên thường xuyên súc miệng bằng nước muối loãng, kiểm tra răng định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ hàm răng của bạn thêm chắc khỏe hơn.

Meo.vn (Theo Eva)

Đừng ăn hải sản khi bị viêm âm đạo

Có khá nhiều thứ bạn nên kiêng khem hoặc hạn chế khi bị viêm âm đạo, chẳng hạn như đừng ăn nhiều hải sản, tránh ngọt và cay...

Bệnh nhân viêm âm đạo nên chú ý những điều dưới đây:

Tránh ăn đồ cay

Thực phẩm cho thêm các gia vị cay như hạt ớt, hạt tiêu, gừng, hành, tỏi… tuy ngon miệng nhưng lại nóng, làm tăng chất độc tích tụ trong cơ quan nội tạng, gây sưng nướu, đau lưỡi, nước tiểu đậm màu, hậu môn nóng rát, và làm cho bệnh viêm âm đạo của bạn càng trở nên trầm trọng hơn.

Không ăn nhiều hải sản

Các loại hải sản như cá biển, bạch tuộc, tôm, cua… có thể góp phần làm nóng, làm ẩm và gây ngứa bộ phận sinh dục. Vì vậy, muốn bệnh tình thuyên giảm thì không nên ăn chúng.

Nên hạn chế hải sản nếu đang viêm âm đạo.

Tránh thức ăn ngọt, béo

Các loại thực phẩm béo ngậy như mỡ, kem, thịt lợn, bơ… và thực phẩm chứa hàm lượng đường cao như kẹo, chocolate, bánh kem… cũng gây nóng, ẩm cơ quan sinh dục bởi chúng làm tăng lượng bài tiết âm đạo và ảnh hưởng lớn đến việc điều trị.

Tránh uống rượu, hút thuốc lá

Hút thuốc làm bệnh viêm âm đạo nặng thêm, ngoài ra nicotine trong thuốc lá có thể làm cho máu và oxy liên kết yếu đi. Rượu cũng làm nóng và ẩm vùng kín của phụ nữ, nên cần tránh các thực phẩm như rượu gạo lên men, rượu...

Chú ý đến dinh dưỡng

Bệnh nhân cần ăn nhiều rau tươi và trái cây, uống nhiều nước giúp nhuận tràng, đây là biện pháp cần thiết nhất để ngăn ngừa nhiễm trùng niệu đạo.

Meo.vn (Theo Badatviet)

Lá ớt ngừa bệnh tim

Các hợp chất phenolic acid có trong lá ớt giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm sự biến động huyết áp, ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

Ảnh minh họa

Lá ớt rất giàu hóa chất thực vật (phytochemcials) và phenolic acid, vốn có tính kháng ôxy hóa rất cao. Ngoài ra, các hợp chất phenolic acid còn tăng cường hệ miễn dịch, giảm sự biến động huyết áp, ngăn ngừa các bệnh tim mạch.

Lá ớt có thể nấu canh với tôm và thịt giúp bồi bổ cơ thể, rất tốt cho bệnh nhân đái tháo đường.

Những nghiên cứu mới đây cho thấy lá ớt còn làm giảm lượng cholesterol “xấu” trong cơ thể, hạn chế sự tăng trưởng của các loại vi khuẩn do ô nhiễm thức ăn và bảo vệ màng dạ dày trong những trường hợp bị nhiễm H.pylori.

Lá ớt cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng và vitamin C, tiền vitamin A nên có thể làm chậm quá trình lão hóa mắt. Canh nấu từ lá ớt có vị cay nhẹ, hơi đắng nhưng rất dễ bị... thiếu cơm vì ăn hoài không ngán.

Lá ớt có thể dùng trong trường hợp bị đau nhức bằng cách chọn vài lá ớt to cho vào chảo, bỏ thêm chút dầu ô liu rồi đảo đều, đến khi dầu vừa ấm thì vớt lá ra. Dùng lá ớt ấm này đắp vào chỗ sưng đau như khớp, cơ… sẽ bớt nhức mỏi.

Theo DS Nguyễn Bá Huy Cường (ĐH Dược Murdoch - Úc)

Meo.vn (Theo Nguoilaodong)

Quan niệm sai lầm về ăn trầu

Trong dân gian xưa nay vẫn còn nhiều người cho rằng ăn trầu thường xuyên sẽ làm chắc răng, giúp tăng cường hệ miễn dịch, trị huyết áp, tim mạch... những quan niệm này liệu có đúng?

Những người ăn hơn 20 miếng trầu mỗi ngày sẽ có nguy cơ mắc ung thư yết hầu và thanh quản cao hơn. Ảnh: MickRo

Tập tục ăn trầu có từ thời vua Hùng dựng nước, bắt nguồn từ sự tích rất đỗi cảm động về tình nghĩa anh em Tân và Lang. Do một hiểu lầm nhỏ mà người em bỏ nhà ra đi rồi biến thành tảng đá vôi, người anh thương nhớ đi tìm đến kiệt sức biến thành cây cau che mát tảng đá vôi. Đến lượt người vợ đi tìm chồng, kiệt sức đã ngã xuống biến thành dây trầu quấn quýt gốc cau. Cho đến nay, trầu cau vẫn là thành phần không thể thiếu trong lễ nghi cưới hỏi của người Việt nam và “miếng trầu là đầu câu chuyện”.

Trong miếng trầu có gì?

Tuỳ địa phương, thành phần miếng trầu có thể thay đổi ít nhiều, nhưng thường là một miếng cau chẻ nhỏ, gói trong lá trầu không tươi xanh có quết một chút vôi. Khi nhai, ba loại nguyên liệu này quyện lẫn vào nhau, tạo nên hương vị cay nồng đặc trưng pha trộn giữa trầu với cau và vôi, làm người nhai thấy say say, lâng lâng. Có lẽ vì thế mà vừa nhai trầu vừa nói chuyện, giúp người ta cảm thấy tự tin, giao tiếp trôi chảy hơn. Theo đông y:

Lá trầu không: danh pháp khoa học là Piper betle, có vị cay, tính ấm, có tác dụng trừ phong thấp, sát khuẩn, tiêu viêm, trừ đờm, trừ phong thấp. Dùng nước sắc lá trầu để điều trị các chứng đau nhức khớp, rối loạn tiêu hoá, vết thương ngoài da, viêm răng, viêm lợi,… Dùng lá trầu xông hơi cũng có hiệu quả tốt với chứng đau đầu, nghẹt mũi, nhiễm khuẩn hô hấp. Thành phần chủ yếu của lá trầu là tinh dầu (1,7 – 2%), chứa các hợp chất phenol kháng khuẩn mạnh. Trong đó, hydroxychavicol có khả năng giảm nguy cơ ung thư miệng, eugenol có hiệu quả với chứng đau răng, viêm lợi.

Cau: danh pháp khoa học là Arecae catechu, dùng ăn trầu có thể là cau non (dùng cả hạt và vỏ) hoặc cau già (chỉ dùng hạt). Hạt cau có tên gọi là binh lang, tân lang... vị đắng chát, tính ấm, dùng kháng khuẩn, tiêu tích, hành khí, lợi tiểu. Nước sắc hạt cau có tác dụng tẩy giun sán, chữa kiết lỵ, viêm ruột, khó tiêu, đầy trướng. Thành phần chủ yếu của hạt cau non là tannin (70%), tỷ lệ này giảm còn khoảng 15 – 20% ở hạt già, alkaloid chiếm khoảng 0,4%, chủ yếu là arecolin và arecaodine có thể gây ra những biến đổi trên DNA, gây lệch lạc nhiễm sắc thể trong tế bào lympho của máu ngoại biên cũng như các tế bào có nhân nhỏ trong số các tế bào sừng bong ra khỏi niêm mạc miệng. Người ăn cau khô có nguy cơ tổn thương tiền ung thư và ung thư cao hơn người ăn cau tươi năm lần.

Vôi: vôi dùng ăn trầu là loại đã tôi với nước (Ca(OH)2, canxi hydroxid), dạng bột nhão, có tác dụng kháng khuẩn để điều trị sâu răng. Vai trò kháng khuẩn liên quan đến tính kiềm mạnh của ion hydroxid, dẫn đến thay đổi pH khoang miệng, yếu tố bất lợi cho sự tồn tại của vi khuẩn. Dùng quá liều canxi hydroxid có thể gây ra các triệu chứng nguy hiểm: khó thở, chảy máu trong, hạ huyết áp, liệt cơ xương, tăng pH máu,… Ăn trầu với lượng vôi cao có thể đưa đến bỏng rộp niêm mạc miệng.

Coi chừng vướng ung thư!

Nhiều người có quan niệm rằng nhai trầu giúp răng miệng thơm, sạch, là một biện pháp vệ sinh răng miệng thay thế cho chải răng, đồng thời còn giúp phòng trị một số bệnh. Đây là những suy nghĩ sai lầm. Một số nghiên cứu đã chứng minh có mối liên quan chặt chẽ giữa ăn trầu và ung thư niêm mạc miệng. Báo cáo của cơ quan quốc tế nghiên cứu ung thư (International Agency for Research on Cancer – IARC) cho thấy ăn trầu làm tăng tỷ lệ ung thư miệng gấp 8,4 lần, nếu ăn kèm với thuốc lào tỷ lệ này sẽ cao hơn nữa (9,9 lần). Những người ăn hơn 20 miếng trầu mỗi ngày hoặc có thói quen nuốt nước trầu sẽ có nguy cơ mắc ung thư yết hầu và thanh quản cao hơn. Chưa kể, lâu ngày vôi răng tích tụ nhiều, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virút phát triển.

Các chứng cứ khoa học thu được từ những nghiên cứu thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới đều cho thấy ăn trầu nhiều không có lợi cho sức khoẻ, có nguy cơ gây ung thư miệng cao nếu sử dụng thường xuyên. Vì thế, mặc dù đây là một tập tục có ý nghĩa nhân văn và lịch sử dân tộc nhưng để bảo vệ sức khoẻ của chính mình, không nên duy trì thói quen này.

TS.DS Nguyễn Phương Dung
Trưởng bộ môn bào chế,khoa y học cổ truyền, đại học Y dược TP.HCM

Meo.vn (Theo SGTT)

Lợi ích sức khỏe từ một số loại gia vị cay

Không chỉ có ớt mà quế, đinh hương, tỏi, gừng đều là những loại gia vị cay cho món ăn của bạn thêm hấp dẫn và rất tốt cho sức khỏe.

Ớt bột

Có tác dụng loại bỏ các cơn đau khớp . Nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất capsaicin có trong ớt bột có hiệu quả chống lại sưng viêm, do vậy đây sẽ là lựa chọn tốt để xóa bỏ cơn đau và vết sưng ở những bệnh nhân thấp khớp.

Quế

Có tác dụng chống lại bệnh tiểu đường týp 2 và bệnh tim. Một nghiên cứu đã chỉ ra khoảng 1 nửa thìa trà bột quế có thể giúp giảm lượng đường trong máu, cholesterol xấu và hàm lượng triglyceride (một loại chất béo tự nhiên có trong mô động vật).

Tỏi

Bảo vệ sức khỏe của tim. Ăn tỏi có thể giúp giảm hàm lượng cholesterol và khoảng 10% hàm lượng triglyceride.

Đinh hương

Tinh dầu đinh hương là phương thuốc chữa trị đau răng, đồng thời với đặc tính khử trùng đây sẽ là một loại nước súc miệng hiệu quả. Thành phần chính trong loại dầu này là eugenol, một hoạt chất chống viêm có thể xóa tan cơn đau liên quan đến chứng thấp khớp.

Ngoài ra đây là gia vị có tính nóng có khả năng giảm các triệu chứng tiêu hóa khó chịu như chứng khó tiêu.

Gừng

Gừng có chứa chất chống oxi hóa, đồng thời giúp hệ tiêu hóa giảm triệu chứng khó tiêu và đầy hơi. Ngoài ra, đây cũng là phương thức trị liệu cho chứng buồn nôn khó chịu khi say tàu xe hoặc mang thai.

Meo.vn (Theo Dantri)

10 món cơm nổi tiếng Việt Nam

Món cơm với người Việt không được coi là một loại thức ăn mà thường coi là món chủ lực để ăn no trong các bữa ăn.
Tùy vùng miền có rất nhiều loại cơm và biến thể của cách nấu.

1. Cơm gà – Hội An

Chưa ăn cơm gà xem như chưa tới Hội An. Cách nói có phần cường điệu ấy có lẽ xuất phát từ lòng tự hào khi đề cập đến cơm gà – một thứ hương vị quê nhà bình dị, khó quên của người dân phố Hội.


Cơm gà đơn giản là cơm nấu ăn với gà luộc nhưng cái đặc sắc là những yếu tố trong món ăn bình dị này như cơm, gà, nước chấm, đồ chua ăn kèm đều mang hương vị, phong cách ẩm thực rất riêng của miền Trung.

Cái đặc biệt của món cơm gà xứ Hội bắt nguồn từ nét riêng của cách chế biến thịt gà theo “gu” miền Trung, nghĩa là gà xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị. Cái khéo của người làm là khiến miếng thịt mang thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bở thịt và mất mùi gà.

Nước dùng gà được dùng để nấu cơm nên hạt cơm không trắng mà ánh một sắc vàng nhẹ, căng tròn, ngọt lịm vị gà. Với phong cách nhỏ nhẹ của người miền Trung, món cơm gà được bày trong chiếc đĩa nhỏ chỉ đủ làm lưng bụng thực khách. Đĩa cơm thường trang trí thêm ít lá bạc hà, rau răm, những lát hành tây trắng nõn, tương ớt đỏ tươi, muối tiêu lấm chấm, ăn kèm với loại tương ớt sền sệt, cay xé lưỡi theo khẩu vị của người địa phương.

Có một cách khác làm món cơm gà, nhưng người vùng Tam Kỳ - Quảng Nam hay Đà Nẵng mới thường chế biến theo cách này. Thịt gà không xé sợi mà chặt thành từng miếng vừa phải, vàng ươm. Gà không chỉ luộc, đôi khi còn được chiên giòn.

2. Cơm Ghẹ - Phú Quốc

Cơm ghẹ là món ăn ngon, giàu chất đạm, vị lạ đặc trưng rất ấn tượng và cũng rất khó quên khi đặt chân đến Phú Quốc.


Thành phần chính của cơm xào ghẹ Phú Quốc là cơm trắng, thịt ghẹ bóc sẵn, hành tây xắt lát mỏng, tỏi, ít tương cà vàng, dầu ăn. Thịt ghẹ khoảng 300g bỏ vào chảo xào sau khi phi tỏi vàng cùng với hành tây, cơm trắng khoảng một ký cho năm người dùng. Tương cà giúp cho món ăn có màu sắc đẹp, nêm gia vị vào để có hương vị ngon, khi chế biến cũng thể dùng hạt nêm Knorr thay thế cho gia vị.

Cơm xào ghẹ Phú Quốc khi chế biến có màu vàng ươm cũa tơ vàng óng ánh rất đẹp. Cơm khi xào xong được ăn kèm với dưa leo xắt nhuyễn, rau tươi, cà chua xắt lát dùng với nước mắm pha chế sẵn.

3. Cơm hến – Huế

Người Việt Nam bao giờ cũng ăn cơm nóng, còn cơm hến của xứ Huế lại được chế biến từ cơm nguội đánh tơi nhưng cơm hến được nấu từ thứ gạo ngon nên mềm dẻo. Ăn cơm hến tưởng như là một món trộn với những nguyên liệu phong phú mà đơn giản như cơm nguội cùng hến luộc, nước hến, hoa chuối thái rối, khế chua, rau răm...


Cơm hến hòa cùng vị bùi của đậu phộng, vị cay của ớt, vị đậm đà của mắm ruốc, tạo nên một món thanh đạm.

Cơm hến là món ăn cay, cay chảy nước mắt, cay toát mồ hôi. Cơm của cơm hến là cơm nguội, mùi ruốc mặn nồng thơm nức mũi, vị chua thanh của khế, mùi thơm ngây ngất của rau thơm, chuối bắp, bạc hà, vị ngọt đằm thắm của nước hến, béo ngậy của tóp mỡ, vị cay đến xé lưỡi, đến phỏng miệng của ớt tương... Người ăn cơm hến đôi lúc vẫn chưa vừa lòng với món ớt tương cay nồng sẵn có, còn cắn thêm trái ớt tươi" rồi xì xụp, xuýt xoa hít hà cho nước mắt nhỏ giọt, mới thấm thía được cái ngon của cơm hến.

4. Cơm Âm phủ - Huế

Cơm Âm phủ là một món ăn có từ lâu đời của đất cố đô, rất đậm “chất Huế” gồm nhiều nguyên liệu tạo thành, đa màu đa sắc nhưng lại rất bình dân. Cái tên nghe rất lạ, tạo cho thực khách vẻ “sờ sợ” nhưng lại là một món ngon độc đáo trong nghệ thuật ẩm thực Huế.


Cơm Âm phủ gồm các nguyên liệu như: cơm trắng, tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua... , cách làm cũng khá công phu. Cơm là thành phần chính nên việc chọn gạo để nấu là rất quan trọng. Để cơm ngon phải chọn gạo thơm, có chất lượng tốt.

Cơm Âm phủ có trong bốn mùa. Nếu có dịp đến thành phố Festival Huế, đắm chìm trong khung cảnh thơ mộng của nơi đây, du khách hãy thưởng thức món cơm đậm chất Huế này.

5. Cơm Tấm – Sài Gòn

Cơm tấm vốn là món đặc sản truyền thống của người dân miền Nam mà đặc biệt là người Sài Gòn. Xưa kia, người dân thường sử dụng món ăn này trong bữa sáng, vừa đơn giản mà thuận tiện. Nhưng nay, món cơm tấm độc đáo này được dùng trong nhiều cửa hàng, quán xá, nhà hàng, khách sạn như một món cơm chính trong bữa trưa, tối…


Cơm tấm là món ăn độc đáo bởi lẽ đây thứ cơm được nấu từ những hạt gạo vỡ nhỏ, vụn. Những mảnh hạt gạo vỡ được sàng riêng và nấu chín lên bằng bếp củi.

Cơm tấm có hương vị thật nhẹ nhàng nhưng rất đặc biệt và hấp dẫn người thưởng thức. Một đĩa cơm tấm ăn kèm với sườn, bì, chả, trứng và nước mắm sẽ khiến cho các vị giác của bạn phải trầm trồ bởi vị ngon mà không ngấy.

6. Cơm cháy - Ninh Bình

Tương truyền, cơm cháy Ninh Bình được hình thành hơn 100 năm (từ cuối thế kỷ 19), do một chàng thanh niên người Ninh Bình tên là Hoàng Thăng học được và phát triển từ một món ăn của người Hoa, sau đó mở rất nhiều tiệm ăn ở Hà Nội lẫn Ninh Bình. Từ đó món cơm cháy được lưu truyền, phát triển và trở thành một đặc sản của vùng đất Cố đô.


Để làm món cơm cháy thơm ngon, người Ninh Bình dùng gạo nếp hương, chọn hạt gạo tròn và trong để nấu. Khi nấu phải nấu bằng than củi và dùng nồi gang thì mới có miếng cơm cháy vàng thơm, vừa dẻo vừa ngon. Cháy lấy ra từ nồi mang ra phơi từ hai đến ba nắng. Cơm cháy cần được bảo quản nơi kho dáo, tuyệt đối tránh ẩm mốc, lúc gần ăn thì mới mang ra chiên giòn. Nếu chiên để qua buổi hay qua ngày thì cơm đều bị hôi dầu, ăn sẽ không ngon.

Ăn cùng cơm cháy có thể là thịt bò, tim, cật lợn xào với các loại rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt và cà chua… ăn đến đâu, chan lên miếng cơm cháy đến đó. Miếng cơm kêu xèo xèo, bốc khói, toả ra mùi thơm. Khi ăn, cơm giòn tơi, chứa nhiều hương vị của món ăn thập cẩm nóng sốt mà đậm đà.

7. Cơm Dừa – Bến Tre

Xứ dừa Bến Tre không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm kẹo dừa, rượu dừa, qua bàn tay tinh tế của người dân nơi đây biến món cơm dân dã hằng ngày trở thành một đặc sản lạ lẫm với người ăn bằng món cơm dừa.

Nấu cơm dừa cầu kỳ. Để được món cơm dừa ngon phải mất gần hai giờ đồng hồ. Những trái dừa xiêm được cắt ngang một phần trên đầu quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy lại. Gạo ngon vo sạch bằng nước rồi sau đó vo lại nước cuối cùng bằng nước dừa, để ráo nước. Cho gạo vào trong trái dừa rồi đổ lượng nước dừa vào vừa đủ, đậy nắp lại cho kín.

Cơm dừa nấu với nước dừa được hấp cách thủy trong nồi nên hương thơm, vị ngọt đều kết đọng lại trong mỗi hạt cơm. Khi cơm chín hơi ngả màu vàng nhạt do bị thấm hơi dầu từ cơm quả dừa. Cơm dừa ăn có vị beo béo nên ăn nóng mới ngon.

Cái thú khi ăn cơm dừa là ăn trực tiếp trên trái dừa, không phải ăn bằng chén. Với trái dừa xinh xắn trắng ngà, mùi thơm của dừa hòa quyện cùng làn khói bốc lên làm cho tất cả các giác quan đều hưởng trọn vẹn hương vị của món ăn.

8. Cơm lam

Cơm lam là loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre, giang, nứa v.v. và nướng chín trên lửa.


Cơm lam bỏ trong những ống tre, đốt trực tiếp trên lửa, khi ăn chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài. Cơm lam ăn ngon, lạ miệng, hương vị khác hẳn cơm thường, chỉ cần bỏ ống cơm ra đó thấy mùi thơm rất hấp dẫn. Bẻ miếng cơm lam, chấm muối vừng hoặc muối lạc cho vào miệng, ta sẽ thấy ngon, thơm, dẻo, rất đậm đà, ngoài hương thơm của gạo nếp còn thoảng hương vị thơm thơm của nứa rừng qua lửa.

Cơm Lam là món cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam, Tây Nguyên.

9. Cơm niêu đập

Theo văn hóa của người Việt cho rằng nồi đất là nồi nấu ăn ngon nhất. Gạo Tám mà nấu bằng nồi đồng hoặc bằng các thứ nồi khác đều không thể có hương vị như nấu bằng niêu đất.


Cái niêu đất nung nâu sẫm be bé, miệng hơi khum to hơn tô canh một chút đậy nắp kín với đôi đũa cả gác một bên. Ăn cơm đập ở các nhà hàng, khi niêu cơm được bê lên, người phục vụ mới gõ nhẹ chiếc búa nhỏ vào niêu, những mảnh đất nung vỡ vụn rơi xuống đất còn lại trên tay là ổ cơm chín mịn màng ở giữa nhưng chung quanh là một lớp cháy ròn đều vàng mỏng.

Thường, cơm niêu được ăn kèm với cá kho tộ, cà pháo chấm mắm tôm, canh cua mồng tơi….

10. Cơm nị

Cơm nị một món ăn truyền thống của người Chăm, Châu Giang, An Giang. Cơm nị thường là gạo nấu với sữa nhưng có người lại thích thêm nho khô vào để tăng thêm khẩu vị.


Người Chăm hay ăn Cơm nị với cà púalà món ăn được chế biến từ thịt bò rất độc đáo. Hai món ăn này thường bổ sung cho nhau tạo nên hương vị độc đáo và cầu kỳ mang khẩu vị người Chăm.

Cơm nị - cà púa mang mùi ngọt béo của sữa, vị bùi của đậu phộng, vị mặn ngọt của thịt bò cùng với vị cay xè của ớt, vị ngọt của nho khô làm ngẩn ngơ lòng thực khách. Tất cả đem lại cho người ăn một cảm giác thơm ngon, thật lạ miệng, no bụng mà chẳng thấy ngán.


Meo.vn (Theo Yêu du lịch)

Ngon lạ đặc sản chà rá

Chà rá là một món ăn độc đáo của người vùng cao ở Quảng Nam.

Nguyên liệu làm nên món chà rá sẽ được đựng trong ống nứa (hoặc lồ ô) và làm chín bằng cách đốt ống nứa này trên lò than. Ống nứa bị ngọn lửa đốt cháy làm sém cả phần ngoài và sẽ truyền nhiệt vào trong làm chín thức ăn bên trong.

Ai đã một lần đến với vùng cao phía Tây của Quảng Nam và thưởng thức hương vị của chà rá chắc hẳn sẽ không thể nào quên được thứ “sơn hào hải vị này”. Chà rá không phải món tươi cũng không phải món hầm nhừ mà công đoạn làm chín cũng tựa như xôi ống, cơm lam. Vì thế, hương vị của nó mang nét đặc trưng riêng có.

Nguyên liệu để chế biến món chà rá là tất cả các loại thịt, cá, cùng các loại rau mà người dân tự trồng. Tuy nhiên, để món chà rá ngon, người ta phải biết cách kết hợp loại thịt, cá nào với loại rau nào để món ăn thơm ngon hấp dẫn, tạo nên hương vị độc đáo nhất của món ăn.

Theo cách kết hợp này, chà rá có nhiều loại khác nhau. Thứ nhất là chà rá được làm từ thịt cá niên khô và cà tím, lá kiệu, ớt, hạt tiêu rừng. Thịt cá niên béo, ngọt, thơm kết hợp với vị đắng của cà, vị cay của ớt, mùi thơm của lá kiệu và hạt tiêu làm cho chà rá có hương vị vô cùng hấp dẫn.

Loại thứ hai là chà rá được làm từ thịt rừng khô: heo rừng, nai, chồn, sóc… nấu với lá môn dắc. Khi nấu chín, lá môn dắc phải nhừ, nát như cà tím mới coi là được. Bên cạnh đó còn các loại chà rá được kết hợp từ thịt ếch (khô hoặc tươi) với ruột cây sa nhân, lá kiệu, ớt hay loại chà rá kết hợp từ thịt chim, cá với bắp chuối rừng, hay loại chà rá kết hợp giữ da trâu khô và cà bát…

Mỗi loại chà rá đều có hương vị ngon, hấp dẫn riêng của nó. Tuy nhiên, điều quan trọng là tất cả các loại chà rá đều không thể thiếu hạt tiêu rừng. Nó là thứ gia vị tạo hương thơm hăng hắc đặc trưng và được coi như linh hồn của món ăn này.

Chà rá được cho vào ống nứa và đốt trên bếp than. Nút dùng để đóng miệng ống lứa là lá dong hoặc chuối rừng. Trước khi nướng, người ta phải lấy dây mây gai thọc vào ống cho nguyên liệu nát. Vì thế người ta còn gọi món ăn này là thọc: thọc chà rá.

Trong khi ống nứa bị đốt, nhiệt lớn, chiếc nút lá bị đẩy ra khỏi ống nứa, người ta lại tiếp tục dùng dây mây thọc vào ống cho tới khi chà rá chín. Khi mở những thọc chà rá, hương thơm của rau rừng tỏa ra ngào ngạt khiến nhiều người tò mò, muốn thưởng thức ngay. Tuy nhiên, món chà rá sẽ tuyệt vời hơn khi có rượu tà vạt – đăc sản của vùng. Gắp từng miếng chà rá ngọt, thơm và nhấp môi chén rượu tà vạt sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo của món ăn này – hương vị núi rừng.
Meo.vn (Theo Lao Động)