Lưu trữ cho từ khóa: Vệ sinh dịch tễ

Các trường lo ‘sốt vó’ vì bệnh chân tay miệng

Ngay sau ca tử vong vì chân tay miệng đầu tiên ở miền Bắc, các trường học dốc sức vệ sinh phòng bệnh, nhưng đã gặp phải nhiều mối lo.

Trong khi nhiều trường học tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh vẫn còn một số phụ huynh thờ ơ. Tại Hà Nội, việc vệ sinh đồ chơi, phun thuốc được coi trọng và quan tâm nhiều. Tuy nhiên, không ít trường vẫn chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị nên gặp khó khăn trong việc phòng dịch.

Nơm nớp lo dịch bệnh

Bà Lê Thị Dự, Hiệu trưởng trường mầm non Tiên Dương (Đông Anh) cho biết, ngay khi có chỉ thị của phòng GD-ĐT, trường đã thông báo cho giáo viên, dán tờ rơi có thông tin về bệnh tay chân miệng ở 30 phòng học. Đồng thời, trường đã họp để phổ biến, tuyên truyền cho phụ huynh về cách phòng chống bệnh. Ngoài ra, trường cũng chú ý vệ sinh đồ chơi cho trẻ mỗi tuần một lần, một tháng một lần xử lý nhà vệ sinh, phun thuốc diệt ruồi, muỗi. Tuy nhiên khó khăn trong công tác khử khuẩn của trường là các phòng học không tập trung tại một nơi (trường chia làm 6 cụm nhỏ), đặc biệt, người dân hay đổ đất cát trước cổng trường nên rất bụi và bẩn. 

Cùng nỗi lo lắng, bà Nguyễn Thị Trọng, Hiệu trưởng trường mầm non Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội), cho biết ngay khi có thông tin về trẻ mầm non mắc bệnh TCM, trường đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh rồi triển khai về từng lớp. Trường có 9 khu, với 9 trưởng nhóm được phổ biến chặt chẽ việc tăng cường rửa tay trẻ bằng xà phòng; không cho trẻ chơi đồ chơi ẩm mốc; làm vệ sinh đồ chơi… Tuy vậy, bà Trọng vẫn tỏ ra lo lắng khi nhận xét, cơ sở vật chất còn thiếu nên vấn đề vệ sinh chưa đảm bảo tuyệt đối. Trường có 544 trẻ nhưng chỉ có một nhân viên y tế. Đã thế  9 khu của trường không tập trung, mỗi khu cách nhau  2 - 3 km, nên nếu phòng không tốt thì bệnh dịch lây lan sẽ không khoanh vùng được.

Khảo sát của phóng viên cho thấy khá nhiều trường mầm non tại Hà Nội cũng đang rơi vào tình cảnh địa điểm học không tập trung, cơ sở còn nghèo nàn và thiếu cán bộ y tế trầm trọng.

 

Phun thuốc khử khuẩn tại Trường THCS Nguyễn Du, Hà Nội.
Ảnh: Như Ý.

Đáng quan ngại, trong khi các trường đang “sốt vó” tìm cách ngừa bệnh thì nhiều phụ huynh lại tỏ ra thờ ơ. Bà Đặng Thị Hương, Hiệu trưởng trường mầm non Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội),  cho biết trường ra sức khử trùng lớp học mỗi tuần một lần bằng cloramin B, rửa sạch đồ chơi cho trẻ, nhưng ngược lại, nhiều phụ huynh không để ý đến việc trường đã phổ biến giữ sạch đồ chơi ở nhà, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ trước khi ăn. Điều đó tạo thêm áp lực, lo lắng cho trường khi đang có dịch bệnh.

Dốc sức bảo vệ trường lớp

Huyện Bình Chánh là một địa bàn trọng điểm bệnh TCM trong các trường học tại TP HCM. Trước thềm năm học mới, toàn huyện có đến 5 trường mầm non có trẻ mắc bệnh TCM, trong đó trường mầm non Hoa Hồng có số trẻ mắc bệnh cao nhất, 16 cháu. Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết đã tập huấn lại kiến thức về bệnh TCM cho toàn bộ 19 giáo viên của trường; thường xuyên vệ sinh lớp học,  dụng cụ sinh hoạt, học tập. Mỗi lớp học khoảng 30 bé, được bố trí ba bồn rửa tay, các bé được rửa tay trước khi ăn, sau khi ăn và sau khi vui chơi.

Bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Phó phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, cho biết thêm, huyện đã tổ chức tập huấn cho hơn 500 giáo viên mầm non. Một số trường dân lập chưa có đội ngũ cán bộ y tế cơ hữu, phòng GD-ĐT yêu cầu phải ký hợp đồng với y tá, hoặc bác sĩ của trạm y tế đến làm việc tại trường mỗi tuần từ 3 – 4 buổi để sẵn sàng ứng phó.

Ngoài khối mầm non, hệ thống trường học cũng là nơi dịch bệnh luôn rình rập. Thế nên, Đoàn Thanh niên, Sở GD - ĐT, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM vừa phối tổ chức triển khai đồng loạt chương trình “Hợp sức vì vệ sinh trường học” tại hơn 300 trường tiểu học trên địa bàn. Phòng chống dịch bệnh, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục khẩn trương tăng cường phòng chống dịch bệnh TCM và SXH trong trường học và xác định công tác phòng chống bệnh TCM và Sốt xuất huyết là nhiệm vụ tối quan trọng. UBND TP.HCM cũng đã thành lập 12 đoàn kiểm tra để giám sát việc phòng, chống dịch bệnh tại các trường học ở 24 quận - huyện trên toàn thành phố.

Một tuần 2.085 người mắc TCM

Ngày 26/9, tiến sĩ Trần Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trong tuần từ 22 đến 25/9, cả nước ghi nhận 2.085 trường hợp mắc TCM tại 45 địa phương, trong đó có một trường hợp tử vong là bé gái 3 tuổi ở Hà Nội. Như vậy, từ đầu năm  đến nay, cả nước ghi nhận 57.055 trường hợp mắc TCM tại 61 địa phương, với 111 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố.

Các địa phương có số mắc TCM cao nhất tại phía Nam là: TP.HCM, Đồng Nai, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Long An, Bình Dương, Tây Ninh và Vĩnh Long. Các tỉnh, thành phố có số mắc tay chân miệng cao nhất tại miền Trung là: Quảng Ngãi, Khánh Hoà và Đà Nẵng. Cả bốn tỉnh khu vực Tây Nguyên đều ghi nhận bệnh nhân mắc TCM, tập trung chủ yếu tại tỉnh Đắk Lắk với 1.273 trường hợp mắc, 1 tử vong.

26/28 tỉnh/thành phố; 206/300 quận huyện và 1.496/4.751 xã thuộc khu vực miền Bắc ghi nhận bệnh nhân mắc TCM tập trung chủ yếu tại tỉnh Thanh Hoá với 2.132 trường hợp mắc. Không có ổ dịch lớn tại cộng đồng, trường học, nhà trẻ.

Về trường hợp tử vong đầu tiên do TCM ở Hà Nội, Bộ Y tế cho biết vẫn chưa xác định rõ nguồn lây; kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm dương tính với EV71. Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội đã lấy 12 mẫu bệnh phẩm ngoáy họng của người nhà bệnh, cô giáo nơi bệnh nhi tử vong gửi Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ làm xét nghiệm và hiện chưa có kết quả.

Tiết heo, nem chua chứa lượng lớn vi khuẩn

Đó là kết luận của viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa công bố nghiên cứu vi khuẩn liên cầu heo trên người tại miền Bắc năm 2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy, năm 2010, miền Bắc ghi nhận có 55 trường hợp mắc bệnh liên cầu heo, làm cho bảy người tử vong, trong đó nam giới chiếm hầu hết các trường hợp mắc bệnh (98,14%). Hầu hết các bệnh nhân có ăn, hoặc tiếp xúc trực tiếp với heo/thịt heo trong vòng bảy ngày trước khi khởi phát; số bệnh nhân đã giết mổ heo/ăn thịt heo tái/tiết canh là 31 trường hợp (chiếm 64,58%).

(SGTT)

Thực phẩm kỵ nhau không gây ung thư

Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư và Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai (Hà Nội) đều khẳng định những tờ rơi có nội dung về các loại thức ăn kỵ nhau gây chết người, gây ung thư là thiếu khoa học và không chính xác.

Mạo danh đồn nhảm

Trước đó, người dân Hà Nội chuyền tay nhau những nội dung về các món ăn kỵ nhau, nếu ăn phải sẽ gây chết người, ung thư. Nội dung của thông tin này mạo danh Viện Vệ sinh dịch tế T.Ư kết hợp với Trung tâm chống độc BV Bạch Mai nghiên cứu. Nhưng, hai cơ quan này đã phủ nhận và cho rằng, những thông tin về các món ăn kỵ nhau gây chết người và ung thư là thiếu căn cứ khoa học.

Theo TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng thì thông tin về  nhiều loại thực phẩm khi kết hợp với nhau gây chết người, gây ung thư, hoặc tạo chất độc bảng A, như: 'ba ba + rau dền -> chết người', 'ba ba + rau sam -> đau bụng', 'cà chua + khoai tây -> ung thư', 'gan + giá đỗ -> ung thư'... là những thông tin không chính xác. Ý kiến của Trung tâm chống độc BV Bạch Mai cũng cho rằng, nội dung các tờ rơi này là thiếu cơ sở khoa học. Vì vậy, người dân hãy thận trọng khi nhận được những tờ rơi như vậy.

Viện Dinh dưỡng cũng đã đưa ra 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý cho người dân, trong đó rất chú trọng đến việc ăn đa dạng các loại thực phẩm, từ 10-15 loại/ngày (người Nhật ăn đến 20 loại thực phẩm/ngày). Cũng theo TS Lâm, việc phối hợp thực phẩm với nhau sẽ rất tốt. Vì các loại thực phẩm có thành phần dinh dưỡng khác nhau, sẽ bổ sung các chất dinh dưỡng.

Cần cẩn trọng trong ăn uống

Nhưng theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, có một số loại thực phẩm nấu chung không gây ngộ độc nhưng nên kiêng ăn cùng nhau. Bởi, theo TS Lâm thì có một số loại thực phẩm cạnh tranh dinh dưỡng với nhau. Ví dụ, thực phẩm giàu canxi phối hợp với sắt (Fe) sẽ làm giảm sự hấp thu. Hoặc sau khi ăn không nên uống nước chè đặc, vì chất tanin trong chè sẽ giảm hấp thu Fe. Ăn mặn sẽ giảm hấp thu kali, ăn thừa đạm sẽ chuyển hoá canxi ra ngoài...

Những khuyến cáo này chỉ nhằm hướng dẫn một cách ăn hợp lý, khoa học. 'Việc thực phẩm khi kết hợp gây ngộ độc, chỉ có thể là do ăn thực phẩm không đảm bảo. Chẳng hạn, trứng nấu canh đã bị dập, thối chắc chắn sẽ gây ngộ độc, ăn thịt chó nhiều đạm gây rối loạn tiêu hoá... thì lại đổ cho là do thức ăn kỵ nhau. Đây là những thông tin sai lệch, người dân không nên theo' - TS Lâm nhấn mạnh.

TS Lâm cũng khuyến cáo, không nên khuyến khích trẻ ăn các loại thức ăn nhanh. Vì đó là những thực phẩm nhiều béo, nhiều đường, mất cân đối do thiếu rau xanh, quả chín. Trẻ em ăn nhiều loại thức ăn này rất dễ thừa cân, béo phì, táo bón...

Theo GĐXH

Không tiêm chủng khi trẻ sốt

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương Nguyễn Thị Hồng Hạnh khuyến cáo, việc tiêm phòng văcxin vào thời điểm trẻ có biểu hiện sốt không đem lại hiệu quả ngừa bệnh.

Bà Hồng Hạnh cho biết, sốt là một biểu hiện chứng tỏ cơ thể đang huy động lực lượng để chống lại sự tấn công của mầm bệnh. Khi trẻ sốt chứng tỏ cơ thể đang có viêm nhiễm hay tổn thương. Lúc đó, trẻ đang mệt, hệ miễn dịch đã yếu đi, lại phải tập trung để chống lại bệnh tật. Nếu tiêm văcxin vào lúc này, việc tạo đáp ứng miễn dịch sẽ kém đi. Do đó, bà Hạnh cho biết Bộ Y tế quy định không tiêm văcxin cho trẻ sốt thân nhiệt trên 37,5 độ.

'Tuy nhiên, việc tiêm văcxin khi sốt sẽ làm giảm hiệu quả phòng bệnh chứ không gây hại' - bà khẳng định. Về trường hợp bé Ngân ở Quảng Ngãi tiêm văcxin trong khi sốt cao và tử vong sau đó 30 phút, bà Hạnh cho rằng không đủ dữ liệu để lý giải; nhưng có thể tiêm văcxin không phải nguyên nhân chính mà chỉ là yếu tố tác động thêm, bởi bé đã bị tiêu chảy nặng và co giật.

Ngoài trường hợp sốt, Bộ Y tế cũng khuyến cáo không tiêm chủng những liều tiếp theo đối với những người có phản ứng quá mẫn với liều tiêm trước, hoặc những người có tiền sử dị ứng với các thành phần của văcxin. Không tiêm BCG (phòng lao) cho trẻ bị bệnh AIDS. Trẻ nghi ngờ nhiễm HIV hoặc đã có dấu hiệu của bệnh AIDS nên tiêm phòng sởi khi 6 tháng tuổi và nhắc lại lúc 9 tháng.

Bà Hồng Hạnh cho biết, các quy định trên đều đã được phổ biến cho nhân viên y tế. Tuy nhiên, các bà mẹ cũng nên lưu ý thông báo tình trạng sức khỏe của con mình cho y bác sĩ khi tiêm chủng.

H.H

Việt Nam lập phòng thí nghiệm nghiên cứu H5N1

Khu thí nghiệm an toàn sinh học cấp 3 đầu tiên tại Việt Nam đã được khởi công sáng 7/5 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội). Từ năm sau, Việt Nam đã có thể nghiên cứu các virus nguy hiểm như SARS, H5N1... một cách an toàn.

Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc xây dựng một phòng thí nghiệm cấp độ 3 đã trở thành nhu cầu bức thiết khi dịch SARS, rồi cúm gia cầm trên người xuất hiện ở Việt Nam. Chỉ những phòng thí nghiệm cao cấp như vậy mới đủ tiêu chuẩn để lưu trữ và nghiên cứu các virus truyền nhiễm tối nguy hiểm như SARS, H5N1, HIV, virus Tây sông Nile, bệnh than... mà không gây nguy hiểm cho các chuyên gia và cộng đồng.

'Hệ thống một chiều sẽ khiến cho phòng thí nghiệm cấp 3 có độ an toàn rất lớn. Nghĩa là mọi người, mọi vật khi vào sẽ được xử lý và đi ra theo một chiều chứ không quay lại để gây ô nhiễm' - Giáo sư Hoàng Thủy Long, nguyên viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết. Nhân viên trong khu thí nghiệm này mặc quần áo bảo hộ đặc biệt như các nhà du hành vũ trụ, xong việc sẽ vào phòng tắm khử trùng. Nếu bị bắn một giọt bệnh phẩm, dù chỉ dính vào mặt nạ, họ cũng được rửa mặt và mắt bằng dung dịch chuyên dụng. Vệ sinh xong, họ ra bằng một cửa riêng. Tại những phòng thí nghiệm tối nguy hiểm, chỉ những người có thẻ đặc biệt mới được vào.

Giáo sư Long cũng cho biết, với khu thí nghiệm cấp 3, các mẫu xét nghiệm virus loại này sẽ không còn phải gửi đi nước ngoài nữa. Điều này rất quan trọng khi các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ tử vong cao đang xuất hiện ngày càng nhiều.

Khu thí nghiệm nói trên sẽ do các nhà thầu Nhật Bản xây dựng và hoàn tất vào cuối năm nay. Tổng kinh phí gần 8 triệu USD, phần lớn do chính phủ Nhật Bản tài trợ.

H.H (Theo VnExpress)

 

Tạm ngừng trên toàn cầu 2 lô văcxin Euvax

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ khuyến cáo tạm ngừng sử dụng hai lô văcxin liên quan đến các ca tai biến sau tiêm phòng viêm gan B ở trẻ em. Đó là các lô văcxin Euvax số 06006 và 05028.

Hai lô văcxin kể trên đều được nhập vào Việt Nam trước thời điểm Bộ Y tế quy định phải kiểm dịch từng lô đối với văcxin ngoại.

Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng cho biết, hôm nay, một chuyên gia của WHO từ Geneva sẽ đến Việt Nam, một chuyên gia khác từ Manila đã đến từ hai ngày trước. Họ sẽ cùng Hội đồng chuyên môn về sự cố văcxin làm việc trong những ngày cuối tuần này để nhanh chóng tìm nguyên nhân và khắc phục tình trạng thiếu văcxin.

H.H. (Theo VnExpress)

 

 

 

Hà Nội: Một trẻ bị tiêm nhầm vắc xin

Do bất cẩn, y tá của Trung tâm Y tế phường Kim Mã (Hà Nội) đã tiêm nhầm vắc xin viêm não Nhật Bản B cho một cháu bé.

Theo lời kể của bà Đào Thị Thúy, bà nội cháu Phí Tuấn Hiệp (sinh ngày 4/11/2005), hôm 18/5 vừa qua là lịch tiêm vắc xin ngừa các bệnh ho gà - uốn ván - bạch hầu theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Sau khi y tá tiêm cho bé Hiệp xong và ghi vào sổ theo dõi tiêm chủng, bà Thúy đã xem lại và phát hiện thấy thay vì tiêm vắc xin ho gà - uốn ván - bạch hầu, y tá đã tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B.

Trước đó 1 tháng, cháu Hiệp đã được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản B. Sau những sự cố do tiêm vắc xin xảy ra thời gian qua, bà Thúy rất lo lắng đã yêu cầu đại diện Trung tâm Y tế phường Kim Mã lập biên bản sự việc trên.

Biên bản có ghi rõ vắc xin cháu Hiệp bị tiêm nhầm là loại vắc xin viêm não Nhật Bản B được nhập từ Hàn Quốc. Bà Thúy cũng yêu cầu rõ Trung tâm phải có trách nhiệm cùng gia đình bệnh nhân theo dõi mọi diễn biến sức khỏe cháu bé sau khi xảy ra sự cố, đồng thời có trách nhiệm xử lý những phản ứng xảy ra trên cơ thể cháu Hiệp (nếu có).

Hôm qua (21/5), bà Thúy cho biết sau khi bị tiêm nhầm vắc xin, cháu Hiệp biếng ăn hơn mọi ngày, hơi sốt nhẹ, không quấy khóc.

Bác sĩ Vũ Quý Hợp – Trưởng phòng Kế hoạch-Tổng hợp (Bệnh viện Nhi T.Ư) - cho biết:  Bệnh viện từng tiếp nhận vài trường hợp trẻ bị tiêm nhầm vắc xin phải đến cấp cứu.

Theo bác sĩ Hợp, từ khi bị tiêm nhầm tới khoảng 1 tuần sau, phần lớn trẻ có biểu hiện như sốt cao, sưng tấy vùng tiêm, mắt lờ đờ, vận động kém, nặng hơn là nôn oẹ. T

uy nhiên, cũng tùy vào loại vắc xin mà cơ thể trẻ sẽ có những phản ứng khác nhau. Bác sĩ Hợp khuyến cáo, sau khi tiêm vắc xin, dù được tiêm đúng hay bị tiêm nhầm như trường hợp trên, nếu cơ thể trẻ xuất hiện những biểu hiện bất thường, người lớn cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được khám và theo dõi.

TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư - cho biết: Việc tiêm nhầm thêm 1 mũi vắc xin viêm não Nhật Bản B chỉ trong vòng 1 tháng  như vừa xảy ra với cháu Hiệp sẽ khiến cơ thể trẻ giảm tác dụng miễn dịch đối với bệnh viêm não Nhật Bản B do tiêm không đúng chỉ định.

Thái Hà (Theo TienPhong)

Tháng 9, tiêm thử vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung

Theo dự kiến, vào tháng 9 tới tỉnh Hòa Bình sẽ được chọn là địa phương thử nghiệm vắc-xin ung thư cổ tử cung.

Ngày 1/6, TS Nguyễn Trần Hiển – Viện trưởng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) đã cho biết như trên tại hội thảo giới thiệu giai đoạn nghiên cứu những yếu tố cần thiết cho việc triển khai dự án tiêm vắc-xin HPV phòng ung thư cổ tử cung tại Việt Nam (từ 2006 - 2011) do NIHE, Bộ Y tế và Tổ chức phi lợi nhuận về y tế toàn cầu (PATH) phối hợp tổ chức.

Hiện Bộ Y tế Việt Nam đang xem xét việc đăng ký và cấp phép cho vắc-xin này tại Việt Nam.

Được biết, hãng Merck Sharp và Dohme đã đồng ý tặng hàng ngàn liều vắc-xin phòng ung thư cổ tử cung cho Việt Nam thông qua dự án của PATH. Dự kiến tháng 9 tới, NIHE và PATH sẽ thử nghiệm tiêm vắc-xin này tại tỉnh Hòa Bình để cuối năm nay có thể triển khai rộng rãi việc tiêm vắc-xin HPV tại Việt Nam.

Theo TS Nguyễn Trần Hiển trong các thử nghiệm lâm sàng, vắc-xin phòng các chủng này đạt ít nhất 95% hiệu quả phòng chống nhiễm HPV dai dẳng và 100% hiệu quả phòng chống các tổn thương cổ tử cung đặc hiệu.

Mới đây, Cơ quan thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê chuẩn vắc-xin HPV Gardasil được cấp phép ở 70 quốc gia, trong đó có 10 quốc gia ở vùng châu Á Thái Bình Dương.

Khánh Chi (VietNamNet)

Vơi nỗi lo viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib

Sau gần 1 năm đi vào cuộc sống, vaccin phối hợp “5 trong 1” phòng các bệnh: viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn Hib (Heamophilus influenza typ b) phối hợp với các vaccin bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B (DPT-VBG-Hib) của Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia (TCMR) đã khẳng định sự an toàn, hiệu quả và cần thiết cho sức khỏe trẻ em.

Các ca tử vong do Hib chủ yếu ở các nước đang phát triển

PGS.TS. Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình TCMR quốc gia cho biết, vi khuẩn Hib là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh viêm phổi và viêm màng não mủ nguy hiểm cho trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất). Kể cả khi được xử trí đúng bằng kháng sinh thì vẫn có từ 3 - 20% số trẻ mắc bệnh có thể tử vong. Trong nhiều trường hợp, vi khuẩn Hib gây bệnh viêm màng não có thể để lại những biến chứng nặng nề cho trẻ như di chứng thần kinh vĩnh viễn, tổn thương não, điếc, khó khăn khi vận động, rối loạn tâm thần.

Vaccin 5 trong 1 giúp trẻ phòng một lúc được nhiều bệnh.

Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, ước tính khoảng 8 triệu trường hợp viêm phổi, viêm màng não mủ và khoảng 400.000 trẻ tử vong do Hib, điều đáng quan tâm là phần lớn số mắc và tử vong ở các quốc gia có thu nhập thấp. Riêng ở Việt Nam, các kết quả giám sát cho thấy, số trẻ mắc và tử vong do vi khuẩn Hib gây ra không ngừng tăng lên trong những năm qua. Đây lại là căn bệnh rất dễ lây nhiễm vì bệnh lây theo đường hô hấp, trực tiếp từ người này sang người khác qua nước bọt khi hắt hơi và ho. Trẻ nhiễm bệnh có thể mang vi khuẩn Hib mà không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng gì của bệnh, nhưng vẫn có thể lây bệnh cho người khác. Nỗi lo sợ về mối nguy hiểm đối với sức khỏe trẻ em từ vi khuẩn Hib thực sự ám ảnh với nhiều bậc cha mẹ.

Vaccin phối hợp “5 trong 1” thực sự hiệu quả và an toàn

Rất may mắn là các nhà khoa học đã tìm ra “công cụ” bảo vệ trẻ khỏi sự tấn công của vi khuẩn Hib bằng vaccin. Hiệu quả phòng bệnh của vaccin này đã nhanh chóng được khẳng định ở nhiều quốc gia. Trước sự đe dọa sức khỏe trẻ em của vi khuẩn Hib và thẩm định chắc chắn hiệu quả của vaccin Hib, từ năm 2006, WHO khuyến cáo đưa vaccin Hib vào Chương trình TCMR ở tất cả các nước (2006). Các nghiên cứu cho thấy nếu trẻ được tiêm đủ mũi vaccin Hib sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh do Hib ở trẻ nhỏ tới trên 90%. Các kết quả đánh giá hiệu quả của vaccin Hib cho thấy ở những nước đã đưa vaccin này vào TCMR một vài năm thì tình hình mắc bệnh do Hib giảm đi đáng kể. Phòng bệnh do Hib thông qua tiêm chủng ngày càng trở nên quan trọng khi tình trạng kháng kháng sinh ngày càng gia tăng.

Theo WHO, sau 4 năm (2001 - 2004) đưa vaccin Hib vào tiêm chủng thường xuyên ở Kenya tỉ lệ mắc viêm màng não do Hib ở trẻ dưới 5 tuổi ước tính giảm từ 71/100.000 trẻ xuống còn 7/100.000 trẻ. Tại Malawi sau 5 năm (2002 - 2006) triển khai vaccin này trong TCMR tỉ lệ mắc viêm màng não do Hib cũng giảm từ 20 - 40/100.000 trẻ dưới 5 tuổi xuống gần bằng 0.

Ngày 12/4/2010 Bộ Y tế đã có Quyết định số 1163/QĐ-BYT về việc cấp số đăng ký QLVX - H0305 - 10 cho vaccin Quinvaxem inj. 0,5ml (vaccin phối hợp 5 thành phần DPT-VGB - Hib) được phép lưu hành tại Việt Nam, chỉ sử dụng trong Dự án TCMR theo đúng các quy định hiện hành của Bộ Y tế về TCMR.

PGS.TS. Hiển cho biết, khi tiêm vaccin phối hợp DPT - VGB - Hib thì các phản ứng sau tiêm chủng ít hơn so với tiêm từng loại vaccin. Không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng được ghi nhận. Phản ứng thường gặp là phản ứng tại chỗ tiêm, một số ít (khoảng 10%) có sốt ≥ 38oC. Có nhiều loại vaccin Hib khác nhau, đó là vaccin Hib đơn giá, vaccin Hib phối hợp cùng DPT và vaccin Hib phối hợp cùng DPT  - VGB.

 

Vaccin phối hợp DPT - VGB - Hib của nhà sản xuất Berna B được Tổ chức Y tế thế giới xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng tháng 9/2006. Đây cũng là vaccin được Liên minh vaccin và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) tài trợ cho nhiều nước trên thế giới. Hiện nay đã có tới 73,5 triệu liều vaccin này được cung cấp và sử dụng ở 34 quốc gia với số lượng ngày một gia tăng qua các năm. Nhằm giúp trẻ em Việt Nam được bảo vệ khỏi sự tấn công của vi khuẩn Hib, GAVI đã quyết định tài trợ vaccin phối hợp DPT - VGB - Hib cho Chương trình TCMR Việt Nam trị giá khoảng 37 triệu USD.

Vaccin “5 trong 1” đi vào cuộc sống

GAVI quyết định tài trợ vaccin phối hợp DPT - VGB - Hib cho Việt Nam trong thời gian là 5 năm. Chương trình TCMR quốc gia cho biết có khoảng 1,5 triệu trẻ em dưới 1 tuổi được sử dụng vaccin này bắt đầu từ 1/6/2010. Các nhà chuyên môn nhận định, việc đưa vaccin Hib vào TCMR sẽ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib và góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam. Nếu như trước đây vaccin phối hợp này chỉ được biết đến ngoài chương trình TCMR với chi phí cao thì bây giờ tất cả trẻ em dưới 1 tuổi được sử dụng miễn phí vaccin này. Đây là một cố gắng của TCMR nhằm thực hiện quyền trẻ em được thụ hưởng công bằng các dịch vụ chăm sóc y tế.

 

Cúm A/H1N1 lan rộng ra 30 tỉnh, thành trên cả nước

 

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng từ đầu năm 2011 đến nay vi-rút cúm A/H1N1 đã được ghi nhận tại 30 tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, số ca mắc cúm A/H1N1 năm 2011 tăng cao hơn hẳn so với cùng kỳ năm 2010.

Cúm A/H1N1 đang lan rộng

Những tháng đầu năm 2010 cả nước có 84 ca mắc cúm A/H1N1, trong đó có 5 ca tử vong thì cùng kỳ năm 2011 số ca mắc cúm A/H1N1 tính đến thời điểm này đã trên 220 ca, trong đó có 7 ca tử vong tại 06 địa phương. Cụ thể, ở Điện Biên từ 14 - 20/2, tại trường Dân tộc nội trú huyện Mường Nhé đã có 91 ca có biểu hiện nghi nhiễm cúm, 18/19 mẫu được gửi về xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho kết quả dương tính với H1N1. Còn tại Bình Phước từ 22/2 - 9/3 trong một cơ quan trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 44 trường hợp nhiễm cúm, 11 mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H1N1 đại dịch.

Bệnh nhân đến khám do nghi cúm A/H1N1 rất đông dù đã gần 11h trưa, ảnh chụp ngày 15/3 (T.H)

Cũng theo ông Bình, các trường hợp tử vong chủ yếu có bệnh mãn tính kèm theo (01 trường hợp có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp; 01 trường hợp bị khối u trung thất; 01 trường hợp bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và 01 trường hợp viêm ruột hoại tử).

Ngày 15/3, theo ghi nhận của phóng viên Dân trí tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ số ca mắc cúm A/H1N1 từ đầu năm 2011 đến nay (cụ thể từ 17/1 đến hết 14/3) là 147 ca, trong đó bệnh nhân có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội là 120 ca, 27 ca còn lại ở các tỉnh thành lân cận. Số bệnh nhân nhập viện hầu hết có biểu hiện: ho, sốt, đau họng, chảy nước mũi, đau mỏi toàn thân... trong đó có 6 ca nhập viện trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy và điều trị tích cực.

Các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh

Bệnh nhân T.T.H.T (21 tuổi, Đội Cấn, Hà Nội) có thai 28 tuần đang điều trị tại viện Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, ban đầu em chỉ bị ho, sốt nhẹ nên chủ quan, không đi khám mà chỉ ra hàng thuốc mua thuốc cúm thông thường về uống. Mấy hôm liền không khỏi, khắp người đau mỏi, nước mũi chảy nhiều, đi khám mới biết bị cúm A/H1N1. Cũng may, em đến viện chưa muộn, nên chỉ phải điều trị 1, 2 tuần thôi, bác sĩ cũng cho biết, quá trình điều trị không ảnh hưởng đến thai nhi.

Trước nguy cơ bùng phát đại dịch, Bộ Y tế cảnh báo trong mùa xuân, điều kiện thời tiết lạnh ẩm tạo thuận lợi cho vi rút cúm A/H1N1 phát triển và lây lan, đặc biệt tại các trường học, cơ quan, nhà máy, những nơi tập trung đông người.

Để chủ động ngăn ngừa dịch cúm A/H1N1, cần thực hiện những biện pháp sau, người bệnh có các triệu chứng cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi nên chủ động đeo khẩu trang, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi và đến các cơ sở y tế để được hướng dẫn điều trị kịp thời, hạn chế lây lan cho người thân và cộng đồng. Các cơ quan, xí nghiệp, trường học chủ động theo dõi sức khỏe của người lao động, học sinh, sinh viên, để kịp thời phối hợp với y tế cơ sở tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tránh lây bệnh cho những người xung quanh; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền phòng chống cúm.

Ngoài ra, người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng hàng ngày bằng nước sát khuẩn, ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm vi rút cúm. Các hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, lau chùi bề mặt, đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường.

Phụ nữ có thai, người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS,...), người già, trẻ em dễ xảy ra biến chứng nặng khi bị nhiễm cúm A(H1N1) do vậy khi có biểu hiện nghi ngờ cúm cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị kịp thời, hạn chế tử vong, Cục Trưởng Cục Y tế Dự phòng - Nguyễn Văn Bình khuyến cáo.