Lưu trữ cho từ khóa: vật cưng

Biện pháp phòng ngừa bệnh dị ứng

Chảy nước mắt, sổ mũi, hắt hơi, uể oải... Những cơn dị ứng có thể khiến bạn trở nên thiếu sức sống, nhưng có thể tránh được nếu biết thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Tránh nơi gió mạnh và ẩm thấp.

Mọi người thường dễ bị dị ứng khi có gió mạnh và độ ẩm thấp. Điều này giúp phát tán phấn hoa với tốc độ nhanh hơn. Vì thế, bạn được khuyên tránh những nơi này, đặc biệt trong khoảng tầm từ 5-10 giờ sáng. Hoặc bạn có thể dùng một liều thuốc chống dị ứng nếu buộc phải ở trong những môi trường đó.

Đeo khẩu trang.

Che mũi là cách tốt nhất để lọc phấn hoa, nếu bạn đang làm vườn, hoặc bụi bặm nếu bạn lục lọi những đồ đạc cũ. Cũng có thể dùng khăn tay bịt kín mũi và miệng. Mũi của bạn giống như kiếng chắn gió của xe hơi và phấn hoa hay bụi bặm có thể bám vào đó. Hãy thử dùng một bộ rửa mũi dành cho người lớn, có bán tại bất kỳ hiệu thuốc nào.

Rửa tay và sớm giặt quần áo.

Rửa tay và giữ chúng cách xa mặt bạn có thể làm giảm nguy cơ hít phải vi trùng, bụi và bào tử. Giặt ngay quần áo vừa dơ sẽ giúp giảm nguy cơ bị dị ứng so với “ngâm” chúng lâu ngày.

Gội đầu.

Là một cách giúp giũ sạch bụi bặm, phấn hoa bám vào tóc, đặc biệt ở những người hay dùng gel hay mousse. Những sản phẩm này có thể “bắt dính” bụi rất nhanh, khiến bạn bị sụt sịt.

Giữ bình tĩnh.

Trong một cuộc nghiên cứu, những người bị dị ứng theo mùa có phản ứng quá khích hơn trong ngày sau khi phải thực hiện một nhiệm vụ căng thẳng, chẳng hạn như đọc bài phát biểu. Vì thế, một vài phút ngồi thiền hoặc ngâm mình trong bồn tắm sẽ có tác dụng rất tốt.

Trừ mốc.

Mốc phát triển mạnh trong thời tiết ẩm ướt. Đừng nghĩ rằng chúng không hiện diện chỉ vì bạn không nhìn thấy chúng. Mốc có thể có dưới thảm sàn, trên tường hay bất kỳ nơi đâu trong nhà. Dùng thuốc tẩy và giẻ lau hoặc bọt biển để trừ khử những “nhân khẩu” không được chào đón này.

Thay thảm sàn.

Hãy xem xét thay thảm sàn bằng sàn gỗ, gạch bông hoặc vải sơn lót sàn vì chúng không “bắt dính” vảy mốc từ những con vật nuôi, vốn có thể gây dị ứng. Nhưng để chắc ăn hơn, bạn nên tắm rửa cho vật cưng và áp dụng những hạn chế đi lại trong nhà đối với chúng.

Giữ khô ráo.

Gắn quạt hút ẩm trong phòng tắm là một cách hạn chế nguồn gốc phát sinh những tác nhân gây dị ứng.

Chích ngừa dị ứng.

Liệu pháp miễn dịch có tỷ lệ hiệu quả khoảng 85% trong việc ngăn chặn những triệu chứng dị ứng, kể cả những triệu chứng do động vật gây ra.

(Theo Thanh niên)

Thủng màng nhĩ vì lấy ráy tai bằng vật cứng

Đang lấy ráy tai cho con, chị N.T.H (đường Chiến Thắng, Hà Nội) bằng dụng cụ cứng, bé hét lên một tiếng kêu đau. Vội rút dụng cụ này ra chị H phát hiện tai con chảy máu.

Hoảng hồn, chị tức tốc đưa con đến khám tại một phòng khám tai mũi họng ở phố Hạ Đình. Bác sĩ phát hiện nguyên nhân chảy máu là do màng nhĩ của bé bị thủng do đầu vật nhọn cứng gây ra. Rất may mắn, qua nội soi tai vết thủng màng nhĩ rất nhỏ, có nhiều khả năng tự liền nên bác sĩ không chỉ định phẫu thuật vá màng nhĩ.

Chị H cho biết, bình thường chị vẫn lấy ráy tai cho con bằng tăm bông, nhưng lần này, do lâu ngày chưa lấy, ráy tai keo lại, dùng tăm bông chỉ lau được phía ngoài tai mà không lô được cục ráy keo ra nên chị đã dùng que ngoáy tai cứng với mục đích "xúc" được ráy tai ra, không ngờ chị đưa sâu quá làm con thủng cả màng nhĩ.

Các bác sĩ cảnh báo, cả người lớn và trẻ nhỏ đều phải rất thận trọng với tăm nhọn, vật dụng nhọn (nhiều người dùng khá phổ biến để lấy ráy tai cứng). Tai nạn dùng tăm bông, vật dụng ngoáy tai quá sâu cho trẻ, gây thủng màng nhĩ không phải là hiếm. Vì thế, khi vệ sinh tai phải rất chú ý, không vừa ngoáy tai vừa chơi đùa, không để tự trẻ cầm tăm bông, chỉ nhẹ nhàng xoay tròn tăm bông để lau hết dáy ướt ở bên ngoài, không cho vào sâu.

Riêng với những người có ráy tai cứng, tuyệt đối không cố đẩy đầu vật nhọn vào để lấy ráy tai mà có thể làm mềm ráy tai bằng cách nhỏ vào tai vài giọt muối sinh lý, đợi mềm rồi lấy. Nhưng nếu ráy quá sâu không được cố lấy mà nên đến bác sĩ tai mũi họng. Là những người có chuyên môn, kinh nghiệm bác sĩ có thể gắp được nhũng cục ráy tai cứng to bằng đầu ngón tai út ra khỏi tai mà vẫn an toàn cho người bệnh.

(Theo Dantri)