Lưu trữ cho từ khóa: van tim

Dấu hiệu cảnh báo suy tim sớm

Bệnh tăng huyết áp, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, hẹp, hở van tim và rất nhiều các bệnh tim mạch khác mặc dù nguyên nhân gây bệnh không giống nhau nhưng hầu hết đều chung điểm dừng chân cuối cùng là suy tim. Suy tim khó chữa khỏi, song việc phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm sẽ giúp làm chậm tiến trình phát triển của bệnh. Hãy lắng nghe các dấu hiệu cảnh báo từ cơ thể để giúp bạn chẩn đoán sớm, chính xác và điều trị kịp thời.

1. Đau thắt ngực

Đau ngực thường xảy ra sau một hoạt động gắng sức (chạy bộ, leo cầu thang, làm việc nặng). Vị trí đau ở vùng ngực trái trước tim, có thể là cảm giác khó chịu, hoặc cảm giác bị đè ép sau xương ức lan đến cổ, hàm, vai trái, cánh tay trái. Đau ngực thường bắt đầu từ từ, kéo dài vài giây đến vài phút. Tần suất cơn đau cũng không ổn định, có thể vài tuần, vài tháng một lần, nếu nặng hơn là vài lần trong một ngày.

Nguyên nhân là do khi động mạch vành (ĐMV) bị co thắt có thể gây tổn thương lớp tế bào nội mạc, dẫn đến lắng đọng cholesterol và tạo thành các mảng xơ vữa hoặc một cục huyết khối nhỏ có thể hình thành và cư trú bên trong ĐMV làm tắc nghẽn dòng máu chảy tới nuôi cơ tim.

(Ảnh do nhãn hàng Ích Tâm Khang cung cấp)

2. Khó thở

Khó thở là triệu chứng hay gặp nhất của suy tim, thường xảy ra khi gắng sức, thậm chí khi nằm hoặc tư thế đầu thấp. Người bệnh có cảm giác như hụt hơi, hồi hộp, thở gấp, tức thở. Suy tim càng nặng người bệnh càng khó thở nhiều, có người chỉ bước lên vài bậc thềm, hoặc tự tắm giặt kỳ cọ cũng khó thở. Cuối cùng, người bệnh khó thở cả khi ngồi nghỉ.

Khi tim bị suy yếu không hút được máu từ phổi về, phổi bị ứ huyết, mất tính đàn hồi và trở nên cứng, các cơ thở phải mất nhiều công sức mới làm phổi giãn ra để không khí lọt vào được. Vì vậy gây nên tình trạng khó thở ở người bệnh.

3. Mệt mỏi

Nếu đột nhiên bạn cảm thấy kiệt sức sau một hoạt động nào đấy, mà hoạt động đó trước đây bạn thực hiện rất dễ dàng, hoặc cảm giác mệt mỏi gây khó khăn cho bạn ngay cả khi thực hiện những việc đơn giản như: leo cầu thang, xách giỏ đi chợ hay thậm chí khi đi bộ. Đó là những dấu hiệu cảnh báo trái tim của bạn đang bị suy yếu.

Do tim bị suy yếu, hoạt động bơm hút máu bị hạn chế dẫn đến tim không bơm đủ máu đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể. Thiếu máu, người bệnh luôn có cảm giác mệt mỏi và khó khăn trong mọi hoạt động.

4. Ho

Tình trạng ho kéo dài dai dẳng không rõ nguyên nhân có thể là một trong những triệu chứng của suy tim. Ho trong suy tim là ho khan, khó khạc đờm. Tình trạng ho kéo dài làm người bệnh mệt mỏi, mất ngủ, có khi khàn tiếng. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh bị ho khi nằm, ngả lưng là ho và bắt buộc phải ngồi dậy mới dễ chịu. Tim suy yếu không hút được máu từ phổi, gây nên ứ máu tại phổi và dẫn đến tình trạng ho. Nhiều bệnh nhân dễ nhầm với các bệnh về phổi như viêm phổi, viêm phế quản.

5. Phù

Khi mới bắt đầu, người bệnh chỉ thấy hai mí mắt nặng khi ngủ dậy, mặt hơi phù như mọng nước; buổi chiều thấy phù nhẹ hai bàn chân, giày dép đi buổi sáng vừa, buổi chiều thấy chật. Lấy ngón tay ấn lên mắt cá chân, khi nhấc ngón tay thấy da vẫn lõm. Ở mức nặng hơn, phù làm bụng trướng, khó tiêu, nặng nề. Mặt to ra như béo lên, tuy nhiên, phù do suy tim không giữ nước nhiều như người bệnh thận.

Khi lưu lượng máu qua tim bị chậm lại, máu trở về tim qua các tĩnh mạch bị ứ đọng lại làm các mao mạch căng lên và gây thoát dịch qua thành mao mạch vào các vùng lân cận, gây nên phù. Mặt khác, do thận lọc kém, nước tiểu ít đi, nước tích lại trong người cũng gây phù.

Như vậy, không nên chủ quan khi gặp các dấu hiệu: khó thở, mệt mỏi, ho, phù, đau thắt ngực,…nhất là khi bạn đang mắc một trong số các bệnh về tim mạch. Ngay khi phát hiện có một trong các dấu hiệu trên, hãy đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa để phát hiện và điều trị kịp thời trước khi trái tim bị suy yếu.

TPCN Ích Tâm Khang – có nguồn gốc từ thiên nhiên, với nhiều thành phần có lợi cho tim, giúp:

-  Làm giảm các triệu chứng của suy tim: mệt mỏi, khó thở, ho, phù, xanh xao, hồi hộp

-   Cải thiện tuần hoàn mạch vành, giúp giảm đau thắt ngực.

-   Phòng ngừa suy tim ở những người có nguy cơ cao (bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành, bệnh van tim…)

Thông tin tư vấn sản phẩm: 04.3775.9865 – 08.3977.8085

(website: dongtay.net.vn)

(Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh)

 

Bệnh tim mạch và thai sản

Quan điểm trước đây cho rằng, khi bạn bị bệnh tim thì không nên lấy chồng. Nếu có lấy chồng thì không nên mang thai và nếu có thai thì không nên đẻ, nếu đẻ thì không nên cho con bú… Vấn đề đặt ra là bản thân người bệnh phải có sự hiểu biết, có kế hoạch và chủ động trong việc sinh đẻ của mình.

Với sự phát triển của khoa học, đa số các bệnh tim hiện nay có thể được chữa một cách hiệu quả để người phụ nữ trở về với thiên chức theo đúng nghĩa của nó. Bản thân các bệnh tim mạch lại có nhiều thể và mức độ nặng nhẹ khác nhau. Với nhiều bệnh tim thể nhẹ (chiếm đa số), việc mang thai hầu như không ảnh hưởng nhiều đến người mẹ. Ngược lại, một số bệnh nhân có bệnh tim nặng, chưa được giải quyết hoặc không thể giải quyết một cách triệt để trước khi mang thai mà vẫn mang thai thì có thể làm tăng nguy cơ tử vong cho cả mẹ và con. 

Phụ nữ bị bệnh tim cần được tư vấn bác sĩ trước khi có ý định mang thai

Bệnh tim bẩm sinh

Thông liên nhĩ, thông liên thất, còn ống động mạch là những bệnh tim bẩm sinh thường gặp nhất. Các bệnh này đều có một lỗ thông ở vách tim (phần cơ ngăn cách tim trái với tim phải). Nếu lỗ thông lớn, máu từ tim trái sẽ đi qua tim phải và được bơm trở lại phổi.

Đa số phụ nữ có bệnh tim bẩm sinh, nhất là những người đã làm phẫu thuật sửa chữa, đều có thể mang thai. Tuy nhiên, loại tổn thương bẩm sinh, mức độ nặng của bệnh, có hay không tăng áp lực động mạch phổi, tiền sử phẫu thuật tim, các bệnh tim hay phổi kèm theo là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiên lượng. Những phụ nữ bệnh tim bẩm sinh đã có tăng áp lực động mạch phổi không nên mang thai, vì điều đó sẽ làm tăng nguy cơ tử vong của mẹ.

Ở phụ nữ có bệnh tim bẩm sinh, dần dần sẽ có dấu hiệu của suy tim và sẽ nặng lên, làm tăng nguy cơ biến chứng lâu dài ở mẹ.

Nếu bạn đã được chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh, bác sĩ tim mạch sẽ đánh giá tình trạng bệnh tim của bạn khi bạn dự định có thai, và tư vấn về những nguy cơ có thể gặp. Bác sĩ tim mạch cũng sẽ cùng các bác sĩ khác theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ và thai trong quá trình mang thai.

Bệnh van tim

Hẹp van động mạch chủ là tình trạng van động mạch chủ (ngăn giữa thất trái và động mạch chủ) bị hẹp hoặc xơ cứng. Cùng với thời gian, các triệu chứng suy tim sẽ xuất hiện hoặc nặng lên, làm tăng nguy cơ biến chứng lâu dài ở mẹ.

Phụ nữ có van động mạch chủ hai lá hoặc các loại hẹp van động mạch chủ khác cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi dự định mang thai. Đôi khi, cần tiến hành phẫu thuật van tim trước khi mang thai.

Hẹp van hai lá là tình trạng van hai lá (ngăn giữa nhĩ trái và thất trái) bị hẹp. Nguyên nhân thường gặp là thấp tim.

Tăng thể tích máu và tăng nhịp tim khi mang thai sẽ làm nặng triệu chứng của hẹp hai lá. Nhĩ phải có thể giãn rộng, gây tình trạng nhịp tim nhanh không đều gọi là rung nhĩ. Ngoài ra, có thể gặp các triệu chứng suy tim như khó thở, loạn nhịp tim, mệt mỏi, phù. Suy tim sẽ làm tăng nguy cơ cho mẹ. Một số trường hợp cần điều trị thuốc khi mang thai để làm giảm triệu chứng. Phụ nữ có bệnh hẹp van hai lá phải đến khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch khi họ dự định có thai. Đôi khi cần tiến hành phẫu thuật van tim trước khi mang thai.

Sa van hai lá là bệnh phổ biến, thường ít gây triệu chứng và không cần điều trị. Đa số phụ nữ bị sa van hai lá có thể mang thai an toàn. Nếu sa van hai lá gây hở van tim nhiều, cần điều trị trước khi mang thai. Tốt nhất là tuân theo chỉ định của thầy thuốc.

Bệnh có van tim nhân tạo

Phụ nữ với van tim nhân tạo có thể gặp biến chứng khi mang thai. Người đã mổ thay van nhân tạo phải dùng thuốc chống đông suốt đời, trong khi một số thuốc chống đông có thể gây hại cho thai nhi. Nguy cơ đông máu tăng lên khi mang thai.

Nếu bạn có van tim nhân tạo và đang sử dụng thuốc chống đông, đi khám bác sĩ trước khi mang thai là rất quan trọng. Bạn sẽ được tư vấn về những nguy cơ có thể gặp và lựa chọn thuốc chống đông tối ưu.

Ngoài ra, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều trị dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.

Rối loạn nhịp tim

Hay gặp nhịp tim bất thường (rối loạn nhịp tim) trong quá trình mang thai. Các rối loạn nhịp có thể được phát hiện lần đầu khi mang thai ở phụ nữ không có bệnh tim, hoặc là hậu quả của bệnh lý tim mạch sẵn có. Hầu hết các trường hợp không biểu hiện triệu chứng và không cần điều trị. Nếu triệu chứng tiến triển, bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây rối loạn nhịp.

Bệnh động mạch chủ

Phụ nữ có bệnh lý động mạch chủ, như phình động mạch chủ, giãn động mạch chủ, hoặc bệnh lý mô liên kết như hội chứng Marfan, sẽ tăng nguy cơ biến chứng nặng khi mang thai.

Tăng áp lực động mạch chủ khi mang thai, cũng như trong lúc chuyển dạ và rặn đẻ sẽ làm tăng nguy cơ bóc tách hoặc vỡ động mạch chủ. Đây là những biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh.

Phụ nữ có bệnh động mạch chủ cần đi khám khi dự định có thai. Bác sĩ sẽ nắm được những nguy cơ tiềm ẩn của quá trình mang thai. Điểm quan trọng cần lưu ý là một số bệnh, như hội chứng Marfan, là bệnh di truyền và có thể được truyền từ mẹ sang con. Vì thế cần tham vấn chuyên gia di truyền học.

Bệnh cơ tim chu sản

Bệnh cơ tim chu sản là bệnh lý hiếm gặp, trong đó tình trạng suy tim tiến triển trong tháng cuối của thai kì hoặc trong vòng 5 tháng sau khi đẻ. Nguyên nhân của bệnh còn chưa rõ ràng.

Phụ nữ có bệnh cơ tim chu sản sẽ biểu hiện các triệu chứng của suy tim. Sau khi đẻ, kích thước và chức năng tim trở về bình thường, mặc dù một số người vẫn còn triệu chứng, kèm theo chức năng thất trái giảm. Phụ nữ bệnh cơ tim chu sản sẽ tăng nguy cơ biến chứng trong những lần mang thai tiếp theo.

Tăng huyết áp do thai nghén

Khoảng 6-8% phụ nữ có tăng huyết áp trong khi mang thai. Tăng huyết áp do mang thai liên quan đến tiền sản giật và nhiễm độc thai nghén. Các đặc điểm đặc trưng của nó là tăng huyết áp, phù do ứ nước, và protein niệu. Tăng huyết áp do mang thai có thể nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.

Tiếng thổi ở tim

Đôi khi, có thể gặp một tiếng thổi ở tim, như là hệ quả của tình trạng tăng lưu lượng máu khi mang thai gọi là tiếng thổi cơ năng. Nói chung, tiếng thổi này lành tính. Tuy nhiên nó cũng có thể là biểu hiện tổn thương thực thể của van tim. Hãy đi khám bác sĩ để xác định căn nguyên của tiếng thổi này.

Những điểm cần lưu ý khi đã mang thai

Cần có chế độ ăn có lợi cho hệ tim mạch; tập thể dục đều đặn theo lời khuyên của bác sĩ.

Bên cạnh việc khám thai định kỳ, cần đều đặn đến khám chuyên khoa tim mạch và tuân thủ những chỉ dẫn của thầy thuốc. Bác sĩ tim mạch sẽ đánh giá tình trạng bệnh tim của bạn trong suốt quá trình mang thai, phát hiện và xử trí kịp thời các triệu chứng và biến chứng. Đảm bảo bạn sẽ mang thai an toàn và được “mẹ tròn con vuông”.

Một số bệnh lý tim mạch đòi hỏi cả một ê-kíp chăm sóc bệnh nhân, gồm bác sĩ sản khoa, bác sĩ tim mạch, bác sĩ gây mê và bác sĩ nhi. Tùy theo tình trạng bệnh của sản phụ, sẽ có những chế độ theo dõi đặc biệt khi sản phụ chuyển dạ và sinh con.

Meo.vn (Theo Sức khỏe và Đời sống)

Chứng loạn nhịp tim – Dấu hiệu và nguyên nhân

Loạn nhịp tim xảy ra khi dòng điện phối hợp nhịp tim không hoạt động bình thường khiến nhịp tim trở nên quá nhanh, quá chậm hoặc không đều đặn.

Chứng loạn nhịp tim có nhiều loại, thông thường không ảnh hưởng đến sức khỏe; ta thỉnh thoảng cảm nhận được tim đập loạn nhịp, nhảy một vài nhịp hoặc tim đập nhanh. Tuy nhiên chứng loạn nhịp tim có thể gây nhiều triệu chứng nguy hại cho sức khỏe và đôi khi tử vong. Bác sĩ dùng thuốc men hoặc một vài dụng cụ để chữa trị chứng loạn nhịp tim.

Dấu hiệu

Loạn nhịp tim có thể không tạo ra triệu chứng hoặc dấu hiệu nào. Đôi khi qua việc thử nghiệm định kỳ mà bác sĩ tìm ra chứng loạn nhịp tim trong khi bệnh nhân không có triệu chứng nào. Bình thường, loạn nhịp tim gây ra một hoặc nhiều triệu chứng sau:
- Tim đập mạnh
- Tim đập nhanh
- Tim đập chậm
- Đau vùng ngực
- Ngộp hơi (nên thở cạn)
- Xây xẩm
- Chóng mặt
- Té xỉu, ngất

Có triệu chứng chưa hẳn là việc loạn nhịp tim nguy hại đến tính mạng, và ngược lại, không có triệu chứng chưa hẳn là việc loạn nhịp tim vô hại.

Ảnh minh họa

 

Khi tim đập, dòng điện kích thích cơ tim co thắt phải chuyển dẫn theo một đường lối nhất định khi đi qua tim. Khi dòng điện nay bị cắt đứt vì bất cứ lý do gì, tim đập loạn nhịp. Trước khi tìm hiểu về nguyên nhân hay sự bất thường của nhịp tim, ta cần hiểu rõ sự hoạt động bình thường của tim.

Như thế nào là nhịp tim bình thường?

Tim có bốn (4) ngăn, hai ngăn trên là tâm nhĩ (hay atrium phải và trái), hai ngăn dưới là tâm thất (hay ventricle phải và trái).

Trong thời khắc của một nhịp tim, tâm nhĩ (nhỏ và ít cơ hơn so với tâm thất) co thắt và đẩy máu xuống tâm nhĩ đang trong trạng thái nghỉ. Sư co thắt này bắt đầu khi sinus node, một cấu trúc gồm nhiều tế bào dẫn điện trong tâm nhĩ bên phải, truyền một dòng điện kích thích cơ tâm nhĩ phải và trái co thắt.

Dòng điện này truyền đến atrioventricular node, một cấu trúc nằm giữa trái tim, trên hệ thống chuyển điện giữa tâm nhĩ và tâm thất. Từ đây dòng điện đến hai tâm thất, kích thích cơ tâm thất co thắt và bơm máu đi khắp châu thân.

Hiệu đính tiếng Việt:

1) Dòng điện tại sinus node
2) Dòng điện đến atrioventricular node hay AV node
3) Dòng điện đi qua tâm thất
4) Hoàn tất một chu kỳ

Như thế, bình thường, ta cần một khoảng thời gian nhất định, đủ để dòng điện đi qua những cấu trúc của tim, kích thích tim hoạt động theo một chu kỳ sẵn có. Khi chu kỳ dẫn truyền dòng điện này bị xáo trộn, tim sẽ đập loạn nhịp.

Ở trái tim khỏe mạnh, quá trình dẫn chuyển điện hoạt động nhịp nhàng và đều đặn, tạo nên một nhịp tim bình thường là 60 -100 nhịp/mỗi phút. Những thể thao gia, lúc nghỉ, thường có một nhịp tim thấp hơn 60 vì thân thể khỏe mạnh, tim không cần đập nhiều nhịp mà dẫn chuyển máu đầy đủ khắp cơ thể.

Nguyên nhân:

Chứng loạn nhịp tim gây ra bởi nhiều nguyên nhân, bệnh tim mạch như cao huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu hoặc cà phê (chưa hẳn là nghiện), ma túy hoặc áp lực tâm thần. Các loại thuốc men, thực phẩm phụ, chất dinh dưỡng kể cả thảo mộc cũng có thể gây loạn nhịp tim.

Thẹo (scar) tại cơ tim (thường do cơn nhồi cơ tim, trụy tim trong quá khứ, những cơ tim bị hư hoại trở thành thẹo) có thể gây loạn nhịp tim vì những mô này không còn dẫn truyền dòng điện hiệu quả như trước.

Những chứng bệnh gây hư hoại cấu trúc tim cũng đưa đến chứng loạn nhịp tim:

- Thiếu máu: Khi lượng máu cần thiết giảm sút vì bệnh tật (nghẽn mạch máu), cơ tim sẽ không hoạt động hiệu quả và việc dẫn truyền dòng điện cũng giảm sút.

- Mô tim bị hư hoại: việc dẫn truyền dòng điện cũng bị ảnh hưởng.

1. Chứng nghẽn động mạch tim (coronary artery disease, CAD): Gây nhiều chứng loạn nhịp tim nhưng thông thường nhất là chứng loạn nhịp tim xuất phát từ tâm thất, ventricular arrhythmias, và gây ra những cái chết bất ngờ. CAD gây nhồi cơ tim, trụy tim (heart attack). Sau cơn bệnh và khi hồi phục, những mô tim chết vì thiếu máu trong một thời gian trở thành thẹo và không còn làm việc một cách hiệu quả như trước từ việc dẫn truyền dòng điện đến việc bơm máu.

2. Chứng hoại cơ tim (cardiomyophathy): xảy ra khi mô tim tại hai tâm thất bị giãn nở (dilated cardiomyopathy) hoặc khi mô tim tại tâm thất trái dầy (thicken) và thu nhỏ dung tích tâm thất (hypertrophic cardiomyopathy). Cả hai chứng bệnh này này đều đưa đến việc suy tim, cơ tim không còn bơm máu hiệu quả nữa cũng như không còn dẫn điện hiệu quả nữa.

3. Chứng hư hại van tim: van tim bị hở hoặc van tim bị thu nhỏ đều đưa đến sự giãn nở hoặc dầy cơ tim; sau một thời gian dài sẽ gây giãn nở ngăn tim. Khi các ngăn tim bị giãn nở hoặc suy yếu sẽ đưa đến chứng loạn nhịp tim.

Phân loại chứng loạn nhịp tim

Chứng loạn nhịp tim được phân loại theo nơi xuất phát (tâm nhĩ hoặc tâm thất) và theo tốc độ nhanh chậm của nhịp tim:

- Tim đập nhanh (tachycardia): tim đập trên 100 nhịp/mỗi phút
- Tim đập chậm (bradycardia): tim đập dưới 60 nhịp/ mỗi phút

Tuy nhiên việc tim đập nhanh hay chậm (theo định nghĩa trên) chưa hẳn là bệnh tật. Thí dụ, khi tập thể dục, tim đập nhanh hơn để đưa thêm máu đến các bắp thịt. Đây là một sự “điều tiết” bình thường và tự nhiên của cơ thể khi cần cung cấp một lượng oxygen lớn hơn.

Bác sĩ Trần Lý Lê, Chuyên Khoa Nội Thương và Khảo Cứu Y Khoa

Meo.vn (Theo Yduocngaynay)

Con đã về rồi, mẹ ở đâu…

Trước ngày tôi mổ mấy hôm, anh chị hai vào. Thấy mặt anh hai hốc hác, tôi ngạc nhiên: “Anh hai bệnh hay sao mà ốm nhom vậy?”. Anh cười: “Bệnh hoạn gì? Tại anh lo cho út... À, mẹ có làm cho em hủ mắm. Bữa nay chắc là ăn được rồi nhưng mẹ dặn em không được ăn nhiều...”. Nghe anh hai nói vậy, tôi sụ mặt: “Em không ăn”. Nói rồi tôi bỏ ra nhà sau.

Tôi đã không kịp nói với mẹ lời yêu thương lần nữa bởi cái tính ích kỷ, cố chấp của mình...
Ba mất khi tôi mới lên hai, còn anh hai năm đó 8 tuổi. Mẹ vẫn ở nhà nội dù đã mấy lần, các cô chú muốn đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà để không phải chia gia tài. Thế nhưng mẹ vẫn chịu đựng. Sau này tôi biết mẹ sợ cảnh nhà không có đàn ông sẽ khó giữ được mình bởi trong làng có mấy người để ý, cứ tới lui xa gần. Mẹ bảo, ở với nhà chồng, dù sao người ta cũng kiêng dè, không dám chọc ghẹo, mẹ yên thân làm lụng nuôi con.
Cái đất miền Trung nắng đốt, mưa dầm; mẹ đã phải vất vả một mình nuôi 4 anh em tôi. Ông bà nội chia cho mấy sào ruộng; làm không đủ ăn, mẹ phải mướn thêm ruộng để làm. Rồi mùa thì mẹ lại đi làm mướn khắp nơi. Việc trong làng không đủ, mẹ lại xuôi ngược qua làng kế bên rồi xuống chợ huyện buôn thứ này, bán thứ kia.
Thương mẹ nên học hết lớp 12, cả anh hai và anh ba đều nghỉ học đi làm. Chỉ có tôi và anh tư được ăn học đàng hoàng. Anh tư thi đậu vào đại học Nha Trang, mẹ mừng không ngủ được. Đến khi tôi chuẩn bị thi đại học thì mẹ bảo: “Út à, con vô Quy Nhơn học đi, cho gần nhà...”.
Nhưng tôi cãi lời thi vào Đại học Kinh tế TPHCM. Ngày biết tin tôi thi đậu, mẹ ngồi lặng hàng giờ dưới bếp. Tôi bực bội: “Con lớn rồi, mẹ phải để con tự quyết định tương lai của con chớ?”. Mẹ kéo vạt áo lau nước mắt: “Mẹ chỉ có một mình con là con gái... Vô trong đó xa xôi quá, nhớ con làm sao mẹ đi thăm?”. Tôi vẫn dấm dẳng: “Mẹ đi thăm làm gì? Con tự lo được”.
Mẹ gom góp tiền bỏ ống, hốt thêm mấy dây hụi để có tiền cho tôi vào Sài Gòn nhập học. Hôm đưa tôi và anh hai lên tàu, mẹ cứ căn dặn anh hai: “Con phải lo xong chỗ ăn ở cho nó đàng hoàng rồi mới được về nghe chưa!”. Rồi mẹ quay sang tôi: “Có hủ mắm trong giỏ, mẹ làm hơi mặn để con ăn lâu...”. Mẹ đâu biết, tôi đã lén bỏ hủ mắm lại nhà sau khi nói với anh hai: “Ở Sài Gòn ai mà ăn mắm?”.
Tôi đang học năm thứ nhất thì ở nhà xảy ra biến cố. Mẹ tôi đi lấy chồng! Nhận được tin, suýt chút nữa tôi đã ngất đi. Mẹ tôi đã gần năm mươi tuổi, ham hố gì mà lại đi bước nữa khi sắp sửa làm sui tới nơi rồi? Tôi gọi điện về nhà. Vừa nghe tiếng mẹ, tôi đã hét lên: “Mẹ có bị làm sao không vậy? Mẹ đã ở vậy bao nhiêu năm nay rồi, giờ sao không chịu yên phận mà còn bày đặt...”.
Tôi biết là tôi hỗn với mẹ nhưng tận đáy lòng mình, tôi thấy đau khổ y như thể mình bị phản bội.
Ngày người ta rước mẹ đi, tôi nhất định không về. Người đàn ông ấy là bạn thân của ba mẹ từ thuở nhỏ. Vợ ông ta mất cũng đã lâu rồi. Nhưng điều quan trọng hơn, chính bà nội là người bày ra chuyện gả bán. Bà nội bảo, bà đã yếu, sống nay chết mai; bà phải lo cho mẹ tôi trước khi nhắm mắt thì mới yên lòng. Nếu không, các cô chú lại kiếm chuyện với mẹ thì không có ai bênh vực.
Lý lẽ của người lớn là vậy nhưng tôi không thể nào chấp nhận được thực tế là mẹ tôi đã đi lấy chồng. Tôi giận mẹ nên tết năm ấy không về; hè cũng không về. Anh hai gọi điện vào bảo mẹ bệnh, tôi cũng không về.
Mãi đến tháng chạp năm đó, bà nội mất tôi mới về chịu tang. Gặp mẹ với ông ta, tôi không thèm chào hỏi nhưng vẫn lén để ý. Tôi thấy mẹ gầy đi rất nhiều. Tôi muốn ôm mẹ, úp mặt vào ngực mẹ để được mẹ xoa đầu nựng nịu và gọi “Út Mót của mẹ” như ngày xưa mỗi khi mẹ đi làm đồng về mệt... Nhưng có cái gì đó cứ níu lại khiến tôi cố làm ra vẻ lạnh lùng.
Xong đám tang nội, tôi đi ngay. Tôi không chào ông ta mà chỉ nói với mẹ: “Con đi đây”. Nói rồi tôi quày quả xách giỏ đi. “Út...”. Mẹ gọi với theo. Tôi hơi khựng lại nhưng rồi lại đi như chạy ra khỏi nhà. Giọng mẹ đuổi theo: “Tết này nhớ về ăn tết nghe con”. Tôi lau nước mắt, không nói tiếng nào.
Tết đó tôi vẫn không về. Đến hè anh hai gọi điện bảo về, tôi cũng không nghe. Tôi xin đi làm thêm ở một tiệm bán thức ăn nhanh. Được hơn nửa tháng thì trong một lần làm thay ca cho một chị bạn, tôi đã ngất xỉu. Tôi được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Mấy ngày sau, khi làm đầy đủ các siêu âm, xét nghiệm, tôi biết mình bị hở van 2 lá rất nặng. “Chúng tôi sẽ giới thiệu em sang Viện Tim...”. Vị bác sĩ điều trị cho tôi giải thích cặn kẽ và cho biết, trường hợp của tôi phải mổ thay van tim nhân tạo.
Tôi đi khám lại ở Viện Tim. Kết quả vẫn là phải mổ. Tôi đã ngồi rất lâu trên chiếc ghế đá trong sân bệnh viện. Tôi lấy đâu ra cả trăm triệu chi phí cho ca mổ đây? Mà mổ cũng chưa chắc sống thêm được bao lâu. Tôi muốn chết quách cho xong. Rồi tôi lại oán trách ba mẹ sao lại sinh ra tôi làm gì mà không cho tôi một cơ thể khỏe mạnh... “Mày thật lạ. Có ai muốn con cái mình bị bệnh tật đâu? Nhưng có bệnh thì phải chữa, bác sĩ đã nói là chữa được mà...”- nhỏ bạn ở cùng phòng trọ động viên.
Rồi nó lén gọi điện cho anh hai. Dù đang chuẩn bị cưới vợ nhưng anh hai cũng vào ngay. Anh dẫn tôi vào bệnh viện, hỏi han bác sĩ mọi chuyện rồi đăng ký lịch mổ cho tôi. Tôi phải chờ 6 tháng vì lịch mổ đã dày kín. Trước khi về, anh hai ôm tôi vào lòng: “Út đừng lo, anh sẽ kiếm đủ tiền để chữa bệnh cho em. 60 triệu chớ 600 triệu cũng phải lo”. Tôi khóc: “Anh hai đừng nói với mẹ...”.
Nhưng rồi sau đó mẹ cũng biết vì anh hai không thể giấu mẹ chuyện hệ trọng như vậy. Còn hơn 2 tuần nữa tới ngày phẫu thuật thì mẹ gọi điện vào. Giọng mẹ rất yếu nhưng tôi lại nghĩ là do mẹ xúc động quá. Mẹ bảo sẽ thu xếp để vào với tôi...
Ấy vậy mà chỉ có hai vợ chồng anh hai vào. Tôi lại thấy ghét mẹ ghê gớm. Có lẽ ông ta không cho mẹ vào chứ không có lý do nào khác để mẹ phải vắng mặt khi con của mẹ phải đối mặt với hiểm nguy, sống chết như vậy...
Ca mổ thành công nhưng vì thể trạng tôi vốn gầy yếu nên hồi phục chậm. Phải hơn 10 ngày sau tôi mới xuất viện. Về đến phòng trọ, điều đầu tiên tôi muốn làm là gọi điện cho mẹ. Dù sao thì tôi cũng muốn mẹ yên lòng. Nhưng anh hai lại cản: “Em còn yếu, gọi bây giờ lại xúc động, không tốt đâu. Để anh báo cho mẹ là được rồi”.
Lần sau, rồi lần sau nữa, tôi đòi gọi điện, anh hai lại cản khiến tôi nghi ngờ: “Anh chị giấu em chuyện gì phải không?”. Chị dâu tôi mau miệng: “Út à, mẹ bị bệnh... anh chị sợ em lo nên không nói”.
Cơn giận hờn vụt tan biến. Tôi cười: “Chờ tái khám xong, em sẽ về thăm mẹ”. Anh hai tôi quay đi lau nước mắt. Có lẽ anh mừng vì thấy tôi đã rộng lòng đón nhận cuộc hôn nhân sau của mẹ. Riêng tôi, sau ca đại phẫu vừa rồi, tôi thấy ranh giới giữa sống chết thật mong manh. Đã có lúc tôi sợ mình sẽ chết khi chưa kịp nói những lời yêu thương với mẹ lần nữa...
Rồi tôi cũng được về nhà. Chưa bao giờ tôi nôn nóng như vậy. Tàu khởi hành từ 6 giờ sáng, đến sẩm tối thì tới ga Diêu Trì. Phải đi gần 20 cây số nữa mới tới nhà. Cơm nước xong, chị dâu mắc mùng cho tôi ngủ, còn anh hai thì căn dặn: “Ngủ cho khỏe để sáng mai đi thăm mẹ”.
Tôi ngủ một giấc thật ngon đến tận 7 giờ sáng hôm sau. Chị dâu gọi tôi dậy ăn sáng. Đang ăn, tôi bỗng giật mình khi thấy giỏ nhang đèn, trái cây để trên góc bếp. Có cả một bó bông vạn thọ. Tôi nhíu mày: “Cúng nội hả hai?”. Chị dâu tôi ậm ừ rồi đi thay quần áo. Lúc đó anh hai đang ngồi ở nhà trước. Chờ tôi ăn xong, anh mới cất tiếng: “Út à, ra đây anh bảo cái này”. Nhìn thấy vẻ mặt nghiêm trọng của anh, tôi chột dạ: “Chuyện gì vậy anh hai?”.
Anh bảo tôi ngồi xuống bên cạnh. Tôi ngồi xuống nhưng chờ mãi không nghe anh nói gì, chỉ thấy mắt anh bỗng đỏ hoe. Rồi anh đặt tay lên vai tôi, giọng khàn khàn: “Mẹ... mất rồi em à...”. Tôi tưởng mình nghe lầm. Giọng anh hai nghẹn lại: “Hôm đó mẹ đem tiền qua để anh lo chuyện mổ tim cho em. Mẹ về được chừng một tiếng thì dượng gọi điện bảo là mẹ mệt. Khi anh chạy qua tới thì mẹ đã đi rồi... Mẹ không kịp nhắn gì cho anh em mình...”.
Tôi chết lặng. Vậy là tôi đã không kịp nói với mẹ lời yêu thương lần nữa bởi cái tính ích kỷ, cố chấp của mình...
Chiều đó tôi đã ngồi rất lâu bên mộ mẹ. Tôi có cảm giác mẹ vẫn quanh quẩn đâu đây trong cơn gió chiều thổi nhẹ. Tôi cố nén nhưng nước mắt cứ chảy tràn trên má, trên môi...
Mẹ ơi, con đã về rồi...
Meo.vn (Theo NLD)

Nếu còn cơ hội, anh sẽ viết tiếp thư tình…

Giữa thời chiến, họ gửi cho nhau hơn 1.000 bức thư tình. Đến khi vợ mất, người chồng vẫn giữ nguyên vị trí tất cả vật dụng trong phòng riêng. Một nửa gian phòng mãi mãi thuộc về bà...

 

Ông Quốc Bảo và bà Hảo ngày xưa - Ảnh do nhân vật cung cấp

Mang 80 triệu đồng đến tặng chương trình Ước mơ của Thúy, người chồng - giảng viên cao cấp Nguyễn Quốc Bảo, như nhiều người có lòng khác. Chỉ khi hỏi mới biết đây là số tiền ông dự định tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày cưới. Không ngờ chuyện vui thành chuyện buồn. Vậy là ông góp cùng số tiền chia buồn của người thân quen làm quà tặng những em bé mắc bệnh hiểm nghèo. Những lời tâm sự đó dần đưa chúng tôi chạm vào câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích của ông bà. Ánh mắt ông lúc rạng ngời, lúc tối sẫm và ầng ậc nước khi nhắc đến bà.

Lá thư tình đầu tiên

“Hoa lêkima màu gì vậy anh?”, Đặng Thị Hảo bất ngờ hỏi khi nghe bài hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu trong đêm văn nghệ của đại hội Đoàn thanh niên lao động các trường đại học lần 1. Quốc Bảo ngớ người bởi anh chưa từng biết loài hoa ấy có màu gì. Họ quen nhau sau câu hỏi đơn giản đó. Trong bức thư đầu tiên gửi cô, anh nắn nót viết: “Trái tim của anh đã rung động với những tình cảm tha thiết, và ngày nay một phần trái tim anh không còn là của anh nữa...”. Lá thư được viết vào đêm trước ngày sinh nhật của Hảo.

Những cánh thư được trao đi và nhận lại. Gói trong đó là tình yêu và lý tưởng cách mạng của hai trí thức trẻ thời chiến. Đám cưới diễn ra sau đó. Đơn giản, ấm cúng và ngọt ngào.

Xa

Cuối năm 1964, Quốc Bảo là cán bộ giảng dạy khoa tâm lý học Trường đại học Sư phạm Hà Nội, anh học tiếng Nga để chuẩn bị đi Liên Xô với tư cách nghiên cứu sinh. Nhưng trước lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước, anh gác lại tất cả, lên đường vào Nam. Anh đi, chị và đứa con nhỏ ở lại với lời hứa của anh: “Hai năm sau anh về, mình sẽ cùng đi học tiếp”.

Những ngày xa cách, anh và chị tranh thủ mỗi lúc rảnh là viết thư cho nhau. Đó là những bức thư dài mang nỗi thương nhớ mênh mông: “Anh rất mừng nhìn thấy ảnh con và em khỏe đẹp. Tháng 9 rồi chắc em đã vào năm học mới. Cô giáo vào đầu năm chắc bận rộn lắm. Lâu quá rồi anh thèm được đứng trên bục giảng bài như em...”. Đôi khi chỉ là những dòng chữ vội vàng trên đường hành quân, chỉ kịp thông tin về tình hình của anh. Thư đi, thư về miệt mài hai năm mà anh vẫn biền biệt. Đứa con trai nhỏ bị hẹp van tim khiến chị đôn đáo chạy thuốc, chạy tiền. Có lúc yếu lòng chị tưởng rằng cuộc đời đã xô nghiêng như thể chị đã mất chồng, mất con.

Cuối tháng 8-1972, anh được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam cử ra miền Bắc báo cáo tình hình. Nhờ vậy vợ chồng mới có cơ hội gặp lại nhau. Tháng 4-1974, một lần nữa anh trở lại miền Nam công tác.

Không có thư tình cuối

Hòa bình, anh trở về làm thầy giáo. Những đứa con lớn dần, khỏe mạnh và thành đạt. Cuộc sống gia đình bước dần sang giai đoạn đủ đầy. Anh và chị nay đã là ông, là bà của mấy đứa cháu nhỏ. Kỷ niệm ngày cưới, ông vẫn mải mê viết tặng bà bài thơ hay một lá thư tay. Căn nhà nhỏ ấm cúng chưa một lần vang lên tiếng cãi vã dù tính cách hai người trái ngược - nhanh và chậm. Đợi bà để cùng đi đâu, ông phải đợi lâu hơn dự kiến. Thế nhưng ông hài hước bảo: “Đến khi nào anh còn bực vì đợi Hảo thì anh còn là trẻ con”. Dù có giận hờn nhưng chưa lần nào ông bà giận nhau được quá năm phút. Con trai thứ hai của ông khẳng định: nhất định chỉ cưới người phụ nữ giống mẹ để sống không “ồn ào” như cha mẹ.

Bà bị ung thư. Nghe phán quyết đó của bác sĩ, ông chết sững. Bà trấn an: “Còn nước còn tát. Mình sẽ chạy chữa, anh ạ”. Ông bà tìm hết những bác sĩ giỏi, có lương tâm. Và từ đó ông cũng bắt đầu đếm từng ngày từng khắc còn có bà. Nạo bỏ những phần ung thư, bà dũng cảm chấp nhận các phương pháp điều trị từ bác sĩ. Những lần vào thuốc, bà nôn thốc nôn tháo đến lả người. Ông càng thương bà vô hạn. Khi bà khỏe, ông đưa bà đi du lịch khắp nơi. Rồi bà mất. Dù đã dự tính trước tình hình, ông vẫn cảm thấy như chỉ còn một nửa linh hồn.

Thói quen ra ngoài tập thể dục mỗi sáng ngừng lại. Ông hay ngồi lặng yên hàng giờ trước bàn thờ bà. Mọi vật dụng của bà trong phòng ngủ vẫn được giữ nguyên vị trí. Hộp trang điểm, nước hoa, trang sức, những kỷ vật tình yêu nho nhỏ... Ông mang thêm vào phòng vài tấm hình, mỉm cười và nói: “Bà ấy là em gái của người đẹp nhất nhì Hà Nội”. Người xung quanh khóc thương khi biết bà đã mất. Còn ông, trong nỗi đau thăm thẳm vẫn le lói hi vọng, tin rằng bà vẫn luôn ở bên cạnh mình. Bằng chứng là nửa gian phòng nhỏ đó vẫn là của bà. Mãi mãi...

Meo.vn (Theo TTO)

Chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật tim thế nào?

Sau phẫu thuật tim nhiều người bệnh phấn chấn vì bệnh được chữa trị nên sự hồi phục của họ rất nhanh chóng, tuy nhiên trong số đó cũng có người quá chủ quan với kết quả điều trị của mình mà ít chịu quan tâm đến việc uống thuốc, tái khám để kiểm soát bệnh. Ngược lại cũng có người trở nên bi quan, quá lo lắng về sức khỏe sau mổ, điều này cũng ảnh hưởng không tốt đến quá trình hồi phục và có thể làm bệnh dễ tái phát.

Nên trở lại công việc khi sức khỏe hồi phục hoàn toàn

Rất nhiều bệnh nhân cảm thấy hơi lo lắng khi phải rời khỏi sự chăm sóc của bệnh viện để trở về nhà. Họ có thể cảm thấy còn yếu và tinh thần không được thoải mái lắm, nhưng đó là những biểu hiện bình thường sau phẫu thuật và cuộc sống bình thường sẽ dần trở lại. Trong tuần đầu tiên phải cần đến người giúp đỡ, nếu quá yếu, nhưng sau đó nên nhanh chóng trở lại với sinh hoạt cá nhân hằng ngày. Hầu hết mọi người sẽ trở lại với công việc của mình sau khi hồi phục hoàn toàn. Nếu làm việc văn phòng, có thể trở lại với công việc sau 6 tuần. Nếu công việc nặng nhọc hơn thì thời gian chờ đợi sẽ lâu hơn. Một số người có thể sẽ không thể trở lại với công việc như trước đây nếu như công việc đó quá sức.

Tiếp tục duy trì theo chỉ định điều trị của bác sĩ

Bệnh nhân chỉ được dùng các thuốc do bác sĩ kê đơn và phải cho bác sĩ biết tất cả các thuốc đã dùng trước phẫu thuật bao gồm cả các thuốc không kê đơn. Các thuốc được dùng dài ngày sau phẫu thuật thường là thuốc chống đông, thuốc điều chỉnh rối loạn lipid. Thuốc chống đông máu là thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông tại các van tim nhân tạo, warfarin, sintrom... là các thuốc chống đông máu nhóm đối kháng vitamin K được dùng rộng rãi nhất. Nếu van sinh học thường phải dùng thuốc chống đông 2-4 tháng, nhưng van cơ học đòi hỏi phải dùng thuốc chống đông suốt đời. Bệnh nhân cần xét nghiệm đông máu định kỳ để điều chỉnh liều lượng thuốc chống đông máu và để đạt được hiệu quả chống đông máu tốt nhất. Các thuốc chống đông không làm ngừng hẳn quá trình đông máu, nhưng làm giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Các thuốc điều chỉnh rối loạn lipid hay aspirin sẽ được dùng một lượng nhỏ tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Người bệnh sau mổ thay van tim nhân tạo cần phải tái khám thường xuyên.

Có thể tiếp tục quan hệ tình dục được không?

Nhiều người tỏ ra lo lắng về quan hệ tình dục sau phẫu thuật tim, nhưng thực tế quan hệ tình dục an toàn cho trái tim cũng tương tự như các hoạt động thể lực ở mức độ nhẹ khác. Hầu hết mọi người có thể quan hệ tình dục vào tuần thứ 8 sau phẫu thuật, khi xương ức đã liền hẳn. Nếu có thể đi lên cầu thang của 2 tầng lầu mà không bị khó thở, hay mệt mỏi, không bị đau ngực thì bảo đảm rằng trái tim có thể đáp ứng được với một mức độ gắng sức tương tự khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên cần lưu ý: Sau khi ăn cơm no khoảng 3 giờ mới nên quan hệ tình dục và cảm thấy thoải mái và thư giãn trước khi quan hệ tình dục. Nếu bị mệt mỏi hay căng thẳng nên đợi đến khi cảm thấy khỏe hơn.

Duy trì hiệu quả sau phẫu thuật

Phẫu thuật van tim và bắc cầu nối chủ - vành là phương pháp điều trị bệnh van tim và bệnh động mạch vành rất hiệu quả giúp người bệnh có thể trở lại với cuộc sống bình thường như trước đây. Tuy nhiên, phẫu thuật không chữa khỏi bệnh. Có thể làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim hay phải phẫu thuật lại bằng cách thay đổi lối sống.

Người bệnh cần từ bỏ thuốc lá nếu có  hút, vì thuốc lá làm giảm nồng độ ôxy trong máu và làm tổn thương thành mạch máu. Điều quan trọng là không được hút thuốc sau phẫu thuật. Có thể làm giảm nồng độ cholesterol máu và hạn chế quá trình xơ vữa động mạch bằng cách hạn chế ăn các chất béo bão hòa. Các chất béo bão hòa có trong mỡ, bơ, hai loại dầu thực vật là dầu dừa và dầu cọ, các đồ ăn nhanh... Hãy thay thế các thức ăn có chứa chất béo bão hòa bằng các thức ăn có chứa một lượng trung bình các chất béo đa chuỗi và đơn chuỗi không bão hòa như dầu ôliu, dầu hướng dương, dầu đậu nành và dầu lạc. Hãy kiểm tra huyết áp một cách đều đặn. Nếu bị tăng huyết áp, hãy hạn chế ăn muối, uống rượu. Cần phải theo dõi số đo huyết áp và dùng thuốc hạ huyết áp một cách thường xuyên để điều trị bệnh tăng huyết áp. Đồng thời phải kiểm soát được trọng lượng cơ thể.

Tập luyện thể lực đều đặn với mức độ trung bình rất có lợi cho tim
Lựa chọn tập thể dục như thế nào?

Tập luyện thể lực đều đặn với mức độ trung bình rất có lợi cho tim. Hoạt động thể lực còn giúp kiểm soát tốt hơn các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu và béo phì. Người bị bệnh tim cũng có được các lợi ích từ việc hoạt động thể lực đều đặn với mức độ trung bình như những người khác. Tập luyện thể lực là điều quan trọng nhất giúp bệnh nhân tự tin và nhanh chóng trở lại với cuộc sống bình thường.

Tái khám đúng hẹn

Sau phẫu thuật một vài tháng bệnh nhân nên đi kiểm tra lại sức khỏe, kiểm tra mức độ hoạt động của quả tim và những đáp ứng của cơ thể nếu sử dụng van tim nhân tạo. Thường thì bệnh nhân sẽ được hẹn ngày đến khám lại khi ra viện. Nhưng nếu có những dấu hiệu bị nhiễm khuẩn, sốt, rét run hay vã mồ hôi, khó thở hay đau ngực, gầy sút cân, có sự thay đổi về tần số và nhịp tim... thì cần phải đến ngay các trung tâm tim mạch để được xử trí kịp thời.

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuấn

(suckhoe-doisong)

Đừng chủ quan với bệnh viêm họng

Có thể nói chắc chắn một câu: Ai cũng đã bị viêm họng và không chỉ một lần. Bệnh thường coi là nhẹ, chẳng chết ai nên cũng chẳng mấy quan tâm. Viêm họng vài ngày, khỏi đấy, rồi cũng quên đi cho đến khi lại bị lại, cứ cái vòng luẩn quẩn, đến khi thành mạn tính mới thấy phiền.Viêm họng được “phủ sóng toàn quốc”, không có vùng nào, nhà nào, tuổi nào, nghề nào… được chừa ra, cho nên ở nước ta mọi người đã quen “sống chung với viêm họng”.

Chẩn đoán viêm họng thì dễ đến mức nhiều người khỏi cần đi khám bệnh. Mà có đi khám bác sỹ cũng chỉ thấy hỏi sốt không, ho không, khạc đờm không. Rồi há mồm, đè lưỡi xem họng, kê đơn thuốc là xong. Cứ nghĩ bệnh vặt thành coi thường.

Cần sửa đổi thái độ không đúng ấy nếu muốn có một sức khỏe tốt để đối phó khả dĩ với tình trạng ô nhiễm nhiều thứ hiện nay.

Viêm họng hay được chẩn đoán dễ dãi và có phần tùy tiện vì chỉ nói đến cái triệu chứng đang mắc phải trong khi một chữa trị nghiêm túc cần tìm đến nguyên nhân chủ yếu gây bệnh.

Nguyên nhân thì rất nhiều vì họng là cửa ngõ ra vào của cả đường hô hấp và đường tiêu hóa nên nó thường xuyên bị quá tải với đủ loại bất thường: thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng, thời tiết thay đổi, thói quen sinh hoạt, đặc điểm nghề nghiệp…

Được coi là thủ phạm dẫn đến viêm họng có thể kể: ăn uống linh tinh không hợp vệ sinh, những ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng như sâu răng, viêm miệng, viêm xoang, thói quen uống nhiều nước đá, uống nhiều bia ướp lạnh hay cho nhiều đá, những bữa ăn nhậu tổng hợp đủ lẩu nóng, bia lạnh kèm hút thuốc lá lu bù, việc lạm dụng dùng điều hòa nhiệt độ quá lạnh, quá khô trong khi ngoài trời nóng ẩm. Ăn xong lại đi hát karaoke, vừa hát vừa gào và chiêu giọng lại bằng bia lạnh bia đá, lại hút thuốc…

Do đặc điểm giải phẫu liên quan, thủ phạm gây viêm họng còn do viêm nhiễm của các cơ quan lân cận là tai, mũi, a-my-đan (amydal) và các xoang vùng mặt.

Viêm họng cũng có nguyên nhân đáng kể do yếu tố nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại mà thiếu trang bị bảo hộ.

Viêm họng cũng có nguyên nhân do nhiễm virus, đặc biệt trong thời tiết lạnh, ẩm.

Viêm họng đến lượt nó lại là nguyên nhân dẫn đến các viêm nhiễm nặng nề hơn gồm: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai. Đặc biệt, viêm họng do liên cầu  nhóm A  có tên khoa học là Streptococcus có một hậu quả cực kỳ nguy hiểm gây bệnh thấp tim, có nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng ở van tim ảnh hưởng sức khỏe cả đời hoặc gây bệnh viêm cầu thận cấp cũng một  là biến chứng trầm trọng.

Viêm họng khi không được điều trị dứt điểm dẫn đến viêm họng mạn tính rất phiền phức khi hay tái phát thành đợt cấp hoặc thành viêm họng hạt là thể bệnh rất khó điều trị. Hiện tại, ngay cả tại phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, chỉ định đốt cho viêm họng hạt cũng không giải quyết được vì vẫn bị tái phát.

Như vậy, viêm họng là loại bệnh vừa thường gặp (chiếm 75% ở các phòng khám tuyến cơ sở) nhưng không thể coi thường vì những hậu quả khôn lường của nó.

Thái độ đúng đắn khi bị viêm họng là cần được khám bệnh cẩn thận để tìm ra bằng được nguyên nhân chính xác, không lạm dụng kháng sinh để cốt cho khỏi triệu chứng lúc đó mà quên đi nguy cơ tiềm ẩn. Khi cần thiết phải khám chuyên khoa tai, mũi, họng để phát hiện những nguyên nhân phối hợp liên quan. Phải loại trừ tận gốc các ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng như sâu răng, viêm tai, viêm a-my-đan, viêm xoang vì đây mới chính là nguyên nhân cơ bản.

Khi viêm họng không do nhiễm vi khuẩn thì kiên quyết không dùng kháng sinh, vừa mệt người vừa mua thêm hậu quả vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Trong những trường hợp viêm họng do ăn nhậu, hút thuốc vô độ hay do lạm dụng điều hòa nhiệt độ thì cách chữa đúng đắn là phòng bệnh, dùng các cách đơn giản như súc miệng nước muối, ngậm chanh muối, uống quất ngâm mật ong.

Theo laodong.vn

Ai dễ bị hen tim?

Hen tim không phải là bệnh hen theo đúng nghĩa của nó. Nó là tình trạng khò khè, khó thở xuất hiện đột ngột trong thể suy tim sung huyết. Nguyên nhân là do ứ trệ tuần hoàn phổi và có hay không hội chứng phù phổi cấp. Sự co thắt phế quản trong bệnh hen tim nguyên nhân là do áp lực dồn trở lại từ tim trái tới phổi (tim trái không đủ khả năng bơm hết lượng máu đưa về từ phổi gây “ứ máu giật lùi” về phổi) làm cho đường thông khí của phổi bị hẹp lại. Còn trong hen phế quản thì co thắt phế quản là do các cơ trơn phế quản co thắt lại gây hẹp đường thở.

Dấu hiệu chính trong hen tim

Hen tim cũng khá giống với hen phế quản. Trong đó bệnh nhân mắc bệnh suy tim hoặc các bệnh van tim cũng xuất hiện các triệu chứng khó thở, thở dốc (thở nông), có tiếng khò khè và ho.

Chẩn đoán hen tim chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng. Các dấu hiệu này thường xuất hiện khi gắng sức, làm việc nặng nhọc (như leo cầu thang, đi bộ quãng đường dài…) hoặc có thể xuất hiện về nửa đêm gần sáng. Một số dấu hiệu chính bao gồm: thở dốc (không nhất thiết phải kèm theo có tiếng khò khè); nhịp thở tăng lên và thở nông; tăng cả nhịp tim và huyết áp; tinh thần hoảng loạn. Ngoài những dấu hiệu trên thì trong hen tim còn có các triệu chứng của suy tim để ta phân biệt với hen phế quản. Bệnh nhân thường có tiền sử bệnh tim mạch trước đây. Triệu chứng phù ở mắt cá chân, đi tiểu ít, gan to là những triệu chứng dễ dàng phát hiện nhất. Và khi có các dấu hiệu này thì tiên lượng bệnh nhân rất nặng. Ngoài ra khi thăm khám ta có thể thấy các dấu hiệu tại tim gây nên suy tim như tiếng thổi do hẹp hở van hai lá, thông liên thất…Nghe phổi có tiếng ran rít, ran ngáy và trong cơn phù phổi cấp có thể thấy tiếng ran dâng trào từ đáy phổi lên đỉnh phổi - gọi là dấu hiệu “thủy triều dâng”.
Các cơn hen tim thường xảy ra giống như cơn hen nhưng thường ở người bệnh tim.

Chìa khóa để kiểm soát có hiệu quả bệnh hen tim là phải chẩn đoán chính xác. Phải phân biệt được giữa những người bệnh hen tim do suy tim cấp tính với những người khó thở do các rối loạn khác, chẳng hạn như bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm phổi, embolism phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp (Ards). Nguyên tắc cơ bản điều trị hen tim là cần phải cải thiện khả năng bơm máu của tim để giải phóng lượng máu ứ trệ ở phổi (hay nói cách khác chính là điều trị suy tim) kết hợp với thuốc giãn phế quản. Nếu hen tim nguyên nhân do van tim hoặc một số bệnh tim bẩm sinh có thông giữa các buồng tim thì phẫu thuật hoặc can thiệp qua da cần được cân nhắc.

Mục tiêu điều trị cần kiểm soát được các cơn ho vào ban đêm, kiểm soát tình trạng phù thũng, kiểm soát được lượng dịch vào cơ thể và số lượng máu còn dư trong tâm thất trái. Điều trị suy tim cấp với thuốc lợi tiểu nhằm giải phóng lượng dịch ứ trệ tại tuần hoàn phổi và thuốc giúp tăng tác dụng co bóp của cơ tim. Khi tình trạng suy tim được cải thiện thì khó thở sẽ hết. Một số bệnh nhân xuất hiện đồng thời cả hen phế quản và suy tim thì chúng ta cần chữa trị đồng thời cả hai bệnh cùng một lúc.

Thuốc corticosteroid cho bệnh nhân hen tim cấp chỉ định phụ thuộc vào tình trạng lâm sàng và đáp ứng của bệnh nhân với những điều trị ban đầu. Khi mà điều trị hen tim thuần túy có tác dụng thì khò khè, khó thở sẽ tự động tan biến. Nếu phải dùng corticosteroids thì cần vài giờ mới có tác dụng tốt nhất.

Những ai dễ bị hen tim?

Hen tim thường xuất hiện ở những bệnh nhân nhiều tuổi mắc bệnh suy tim. Đối với người già mắc bệnh suy tim thì khả năng co bóp tống máu của cơ tim lại càng yếu hơn và máu rất dễ bị ứ trệ tại tuần hoàn phổi gây nên hen tim. Do đó mọi người cần chú ý, đặc biệt là những người nhiều tuổi mắc bệnh suy tim khi xuất hiện ho, khò khè, khó thở tăng lên cần đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được điều trị kịp thời.

BS. Trần Tất Đạt

(SGTT)

Chăm sóc trẻ bị tim bẩm sinh

Bệnh tim bẩm sinh là các dị tật của tim có từ lúc trẻ còn trong bào thai. Các dị tật này có thể ở các vị trí sau: van tim (hẹp van, hở van, không có lỗ van), buồng tim (tim chỉ có một tâm nhĩ, hay một tâm thất, hay 3 buồng tâm nhĩ), vách ngăn tim hay các động mạch lớn gần tim.Nguyên nhân

Rất khó xác định nguyên nhân gây ra tim bẩm sinh (TBS). Một số ít bệnh TBS là do di truyền, phần lớn còn lại do sự tác động của nhiều yếu tố từ môi trường bên ngoài lên bà mẹ lúc mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên như: bị cảm cúm, sốt phát ban, nhiễm trùng, bệnh tiểu đường, lupus ban đỏ, uống rượu, uống thuốc bừa bãi, sống trong môi trường có nhiều tia X, tia phóng xạ, hóa chất độc hại. Ngoài ra, các bà mẹ trên 40 tuổi sinh con có tỷ lệ bị TBS cao hơn.

Chăm sóc Trẻ bị TBS

Tất cả trẻ bị TBS vẫn phải tiêm phòng như mọi trẻ bình thường khác. Đối với những trẻ còn đang bú sữa, để tránh bị sặc sữa, không được cho trẻ bú khi nằm, phải bế trẻ lên và để đầu trẻ cao khi bú. Nếu trẻ không bú được nhiều, mẹ nên cho bú nhiều lần hơn bình thường và mỗi lần bú số lượng sữa có thể giảm đi. Đối với trẻ lớn đã ăn cơm, gia đình nên cho trẻ ăn nhạt nhưng vẫn đầy đủ chất bổ dưỡng. Nên cho trẻ ăn chế độ ăn có nhiều rau, trái cây để tránh táo bón. Ngoài ra những trẻ lớn bị suy tim chỉ nên uống nước khi khát. Ngược lại những trẻ bị TBS tím, máu bị cô đặc nhiều, nên uống nhiều nước. Trẻ đang độ tuổi đi học vẫn có thể tiếp tục đến trường; gia đình cần kết hợp với nhà trường để miễn cho trẻ những hoạt động nặng cần phải gắng sức như chơi những môn thể thao đòi hỏi sự gắng sức cao độ, hoặc lao động nặng. Khi trẻ đã bị suy tim nên cho trẻ nằm đầu cao khi ngủ.

Trẻ bị TBS rất dễ bị viêm phổi, để tránh biến chứng này gia đình nên giữ trẻ ấm khi trời lạnh, không cho trẻ ở những nơi có nhiều khói bụi, không nên hút thuốc lá ở những chỗ trẻ ở. Nếu trong gia đình có người mắc các bệnh ho, cảm cúm thì nên tránh xa trẻ, không nên tiếp xúc với trẻ. Ngoài ra trẻ TBS cũng dễ bị nhiễm trùng vùng răng miệng, từ đó sẽ dẫn tới nhiễm trùng máu và nội mạc tim, rất nguy hiểm. Chính vì thế gia đình nên hướng dẫn trẻ cách đánh răng sau mỗi bữa ăn, khám bác sĩ nha khoa định kỳ 6 tháng/lần. Nếu cần nhổ răng hay làm các thủ thuật, phẫu thuật có gây chảy máu phải báo cho bác sĩ biết trẻ bị TBS để được uống hoặc tiêm kháng sinh dự phòng trước và sau thủ thuật, phẫu thuật.

Có phải tất cả đều phải dùng thuốc?

Về điều trị, không phải tất cả các trẻ bị TBS đều cần dùng thuốc, bác sĩ sẽ cho các loại thuốc khác nhau tùy theo loại bệnh tim và mức độ nặng nhẹ của bệnh. Có rất nhiều loại thuốc để điều trị TBS, các loại này đều dùng không đúng chỉ định có thể có hại cho trẻ. Chính vì thế gia đình chỉ cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự động ngưng thuốc khiến bệnh sẽ nặng hơn, không tự động tăng hoặc giảm liều thuốc vì sẽ nguy hiểm cho trẻ. Trong khi dùng thuốc nếu trẻ xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào khác thường, gia đình nên báo ngay cho bác sĩ biết.

Trẻ bị TBS nên tái khám định kỳ mỗi tháng, 2 tháng, 3 tháng hay 6 tháng tùy theo chỉ định của bác sĩ. Dù trẻ có bình thường cũng nên đi tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ đánh giá diễn tiến của bệnh, phát hiện các biến chứng cũng như điều chỉnh lại liều lượng thuốc cho phù hợp với cân nặng tăng dần của trẻ. Nên cho trẻ khám lại ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào khác thường như: sốt, ho, tiêu chảy, nôn mửa, phù, tiểu ít, bỏ bú, quấy khóc, thở mệt, rên rỉ, lừ đừ hay bứt rứt lên cơn tím tái, co giật, hôn mê.


suckhoe&doisong

Thêm thành tích trong can thiệp tim mạch

Sau 2 giờ thực hiện, ngày 15/3, các bác sĩ của Viện Tim mạch Việt Nam đã can thiệp thành công ca thay van động mạch phổi qua da cho bệnh nhân Nguyễn Thị Hồng Vân (15 tuổi, ở Thạch Thất - Hà Nội) bị teo van động mạch phổi. Theo TS. Nguyễn Lân Hiếu - người trực tiếp can thiệp thành công cho bệnh nhân Vân cho biết, đây là trường hợp đầu tiên thực hiện thành công can thiệp thay van động mạch phổi qua da đầu tiên ở Việt Nam…

“Cảm ơn bác sĩ, từ nay cháu có trái tim khỏe mạnh…”

Có mặt tại Khoa C1- Viện Tim mạch Việt Nam vào sáng 16/3, tôi được BS. Phạm Trần Linh và các chị điều dưỡng của khoa dẫn đến giường bệnh của Hồng Vân - bệnh nhân “nổi tiếng” nhất khoa bởi cô bé là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam được chính các bác sĩ chuyên ngành tim mạch trong nước tiến hành thực hiện phẫu thuật thành công kỹ thuật can thiệp thay van động mạch phổi qua da gặp. Trước mặt tôi, cô bé Vân 15 tuổi đang nở nụ cười tươi dù khuôn mặt vẫn còn vương lại đôi chút mệt mỏi của ca can thiệp vừa diễn ra trước đó một ngày. Mở đầu câu chuyện, Vân nói với tôi: “Cháu vui lắm vì từ nay cháu sẽ có trái tim hoàn toàn khỏe mạnh. Cháu lại được tiếp tục đến trường, được đi học với các bạn và được làm việc nhà giúp đỡ bố mẹ”…

Cháu Vân đang được chăm sóc sau ca phẫu thuật.

Đứng ở bên ngoài khu giường bệnh của Khoa C1, chị Nguyễn Thị Hiền - mẹ bé Vân không giấu nổi những giọt nước mắt vui mừng và xúc động bởi sau ca phẫu thuật này trái tim bé nhỏ của cô con gái có tiền sử bệnh tim bẩm sinh từ khi mới 3 tháng tuổi của chị sẽ không còn phải đau đớn nữa. Từ đây Hồng Vân sẽ được khỏe mạnh như các bạn cùng trang lứa và chị cũng sẽ không còn phải sống trong cảnh hằng đêm ngồi nhìn con ngủ mà khóc thầm vì thương con bệnh tật. Chị Hiền cũng cho biết thêm, chị xúc động bởi con gái đã được các bác sĩ của Viện Tim mạch tận tình chăm sóc, cứu chữa mà gia đình chị không phải mất một đồng viện phí nào bởi ca can thiệp này được miễn phí hoàn toàn.

Đem lại nhiều cơ hội cho những người bệnh tim

Trước khi được thực hiện ca can thiệp này, 3 năm trước, bé Vân cũng đã được chính các bác sĩ của Viện Tim mạch thực hiện can thiệp mở van động mạch phổi bởi bé bị tim bẩm sinh với dị tật teo van động mạch phổi (không có van động mạch phổi). Tuy nhiên, trước Tết Nguyên đán vừa qua, sức khỏe của Vân lại giảm sút, hay đau ngực, do đó gia đình đã đưa Vân đến Viện Tim mạch Việt Nam để khám lại.

Tại Hội nghị khoa học về Tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch do Viện Tim mạch tổ chức mới đây, GS.TS. Nguyễn Lân Việt - Viện trưởng Viện Tim mạch cho biết, trong những năm vừa qua, Viện Tim mạch đã triển khai rất nhiều kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực can thiệp tim mạch, điển hình như: can thiệp động mạch vành qua da, nong van hai lá bằng bóng qua da, bít các lỗ thông liên nhĩ, thông liên thất qua da bằng dụng cụ, đặt stent graft để điều trị phình tách thành động mạch chủ; điều trị các rối loạn nhịp tim phức tạp bằng RF... Ðến cuối năm 2010, tổng số bệnh nhân được làm các thủ thuật tim mạch can thiệp là 37.279 lượt bệnh nhân, trong đó, can thiệp động mạch vành: 7.469 ca; nong van hai lá bằng bóng qua da: 5.930 ca; can thiệp trong các bệnh tim bẩm sinh: 2.667 ca; cấy máy tạo nhịp 1.857 ca... Gần đây, Viện cũng đã triển khai thành công kỹ thuật tiêm tế bào gốc trong điều trị bệnh động mạch vành cho 6 bệnh nhân đầu tiên.

TS. Nguyễn Lân Hiếu cho biết, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán, các thầy thuốc của Viện đã quyết định ứng dụng kỹ thuật can thiệp thay van động mạch phổi qua da cho trường hợp bệnh nhân Vân. Đây là một kỹ thuật can thiệp chưa từng được ứng dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc sức khỏe của bệnh nhân Vân (trước khi can thiệp bão hòa ôxy trong máu của bệnh nhân chỉ đạt 80%) và các ưu điểm của phương pháp mới này như không cần mổ hở, có thể sử dụng van tim sinh học gắn trên stent, an toàn, thời gian tiến hành thủ thuật nhanh và bệnh nhân có thể ra viện sớm trong thời gian từ 1-2 ngày sau mổ thì đây là sự lựa chọn tốt nhất. Bởi nếu không ứng dụng phương pháp can thiệp này thì các bác sĩ sẽ lại phải tiến hành mổ tim mở bằng phương pháp tắt tĩnh mạch chủ và động mạch phổi (glennt shunt). Sau 2 giờ tiến hành can thiệp tại đơn vị can thiệp tim mạch, bệnh nhân Vân đã được chuyển sang hồi sức tại Khoa C1. Hiện tại, bệnh nhân Vân đã ăn uống và trò chuyện được. “Thành công của kỹ thuật này giúp nhiều bệnh nhân bị hở van tim, hở phổi sau mổ tim tứ chứng Fallot sẽ không phải mổ lại”- TS. Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.

 

Được biết, kỹ thuật can can thiệp thay van động mạch phổi qua da là một công trình nghiên cứu thuộc đề tài nghiên cứu khoa học của Bộ Y tế giao cho Viện Tim mạch. Trong gần một năm qua, một êkíp chuyên gia của Viện đã không ngừng tìm hiểu tài liệu, thông tin của y khoa thế giới về kỹ thuật này nhằm học hỏi thêm kinh nghiệm để ứng dụng tại Việt Nam. Cùng với sự trợ giúp của các chuyên gia đến từ Mỹ, các bác sĩ của Viện Tim mạch Việt Nam đã thử nghiệm thiết kế loại van này nhằm sớm triển khai vào thực tiễn. TS. Hiếu cho biết thêm, ở Mỹ chi phí một van nhân tạo qua da khoảng 45.000USD, trong khi ở Việt Nam chi phí cho van này chỉ bằng khoảng 1/3-1/4 giá thành.

 

Bài, ảnh: Thái Bình