Các nhà khoa học tại Mỹ nhận thấy bổ sung axit folic hằng ngày trong thời gian ngắn không làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, theo Reuters.
Mỹ và Canada đề nghị người dân bổ sung axit folic từ năm 1998 sau khi nhận thấy thai phụ không có đủ chất này thì trẻ bị dị tật bẩm sinh ở não và cột sống.
Tuy vậy, các nước Tây Âu lại lo ngại rằng bổ sung axit folic làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư do vai trò của nó đối với sự phát triển của tế bào. Các tế bào, bao gồm cả tế bào ung thư, đều cần folate - một dạng tự nhiên của axit folic - để phát triển và phân chia.
Cần cung cấp đủ axit folic cho thai phụ - Ảnh: Shutterstock
Các nhà khoa học phân tích dữ liệu của 13 cuộc thử nghiệm độc lập. 50.000 người được ngẫu nhiên dùng axit folic hằng ngày hoặc giả dược (thuốc giống như thuốc thật nhưng không có tính chất dược lý). Sau đó, các nhà khoa học theo dõi xem các đối tượng có bị bệnh ung thư hay không trong khoảng thời gian trung bình là 5 năm.
Theo đó, không có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ mắc bệnh ung thư ở hai nhóm đối tượng.
Không có ghi nhận nào cho thấy đối tượng ở nhóm dùng axit folic bị tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư ở vú, đại tràng, tuyến tiền liệt hoặc phổi.
Hầu hết các cuộc thử nghiệm đều cho đối tượng dùng axit folic ở liều lượng từ 0,5 đến 5 mg mỗi ngày. Ngay cả trong một cuộc thử nghiệm có liều dùng cao hơn, 40 mg mỗi ngày, cũng không có sự khác biệt khi chẩn đoán bệnh ung thư.
Axit folic có trong rau bina, măng tây, rau diếp và các loại rau xanh khác. Liều lượng axit folic khuyến cáo hằng ngày là 1 mg.
Nghiên cứu cho thấy bổ sung axit folic trong một thời gian ngắn (5 năm) thì không có hại hay có lợi đáng kể cho sức khỏe.
Nghiên cứu thực hiện tại Trường Dược Geisel ở Dartmouth, Lebanon (Mỹ) và được đăng tải trên The Lancet.
(Theo Thanhnien)