Lưu trữ cho từ khóa: tự lập

Vợ anh ấy không thể có con

Trái ngang là sau một thời gian quan hệ thì em lại đang mang trong mình giọt máu của anh ấy. Nhưng khi gọi điện đến nhà thì em biết hai vợ chồng sống bình thường, em phải làm sao?

Gửi chị Thanh Bình

Đã rất nhiều lần em muốn viết thư gửi đến chị, nhưng hôm nay em mới thực hiện được điều đó, mong chị giúp và cho em một lời khuyên.

Em là một cô bé tỉnh lẻ quê ngoài miền Bắc, hiện đang làm kế toán công ty tại Biên Hòa. Em năm nay 23 tuổi, cái tuổi mà ở quê, người ta đã con bồng con bế thì em và mấy đứa bạn chỉ lo ổn định việc làm và lấy sự nghiệp làm đầu. Nói như thế không có nghĩa là em thờ ơ với chuyện tình cảm, em cũng yêu và trãi qua không ít mối tình nhưng cũng chẳng đi tới đâu. Thứ nhất là tính em thẳng, yêu 1 thời gian thấy sự lợi dụng, không còn mặn nồng hay phát hiện tính xấu gì đó là em bỏ, không thương tiếc, thứ 2 là gặp người không phù hợp, thứ 3 là hồi nhỏ em bị hàng xóm cưỡng bức sau đó lại là một người trong họ hàng. Em nghĩ mình đã mất trinh, và từ đó em sống khép kín. Em xác định lấy chồng phải hiểu mình, thông cảm với mình, vợ chồng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Sau khi trải qua không ít mối tình, em gặp được người mà em hằng mơ ước. Anh ấy biết cách kiếm tiền, có tâm giúp đỡ người khác, hiểu tình đời, hiểu và chia sẻ với em. Em đã nghĩ sẽ là vợ anh ấy và sẽ đi cùng anh ấy suốt cả cuộc đời. Anh ấy sinh năm 1971 và ở cách Biên Hòa 160km. Sau nửa tháng quen nhau, em chính thức nhận làm người yêu anh ấy. Anh ấy mong muốn có một đứa con để duy tri nòi giống, sự nghiệp của mình vì vợ anh không thể có con được. Nếu em có con với anh, anh sẽ dành dụm ít tiền mua đất rồi xây nhà nhỏ ở Biên Hòa vừa ở vừa bán hàng.

Anh cũng hứa sẽ chia  tay vợ, về ở với em, chăm lo, chăm sóc em. Anh bảo sẽ cùng em về quê xin phép bố mẹ em. Em đã đồng ý trao tất cả cho anh ấy vì nghĩ rằng em lấy được chồng như thế vừa hiểu mình, vừa an nhàn, lại có điều kiện giúp đỡ gia đình  sau này. (Gia đình em rất nghèo, em đã tự lập từ nhỏ và tự mình vừa đi học vừa đi làm, ngoài ra còn giúp đỡ gia đình nên mẹ và các em em rất tự hào và hãnh diện về em).


Anh ấy sinh năm 1971, có khả năng kiếm tiền (Ảnh minh họa)

Không ngờ là, sau đó vài tháng, em có thai thật. Em mới chỉ thử 2 vạch rồi báo anh luôn, thế nhưng thay vì vui vẻ, anh lại bảo 'từ từ đã', rồi giải thích là vợ anh bị đau khớp chân, trước bà cô nhà anh cũng có người bị như thế rồi chết nên giờ anh rất lo cho vợ. Từ đó anh ít gọi cho em.

Không chịu được vì nhớ anh, em gọi trước, một giọng phụ nữ nghe máy và nhận là vợ anh. Em giả bộ hỏi về công việc thì những gì chị ấy nói không giống như anh. Em còn nghe thấy tiếng anh ấy ở bên cạnh và thấy hai người sống với nhau bình thường.

Em buồn quá, không biết phải làm gì bây giờ. Em chính thức đi khám, bác sĩ nói thai dưới 7 tuần, thai bình thường 27,7 mm, chưa hình thành phôi thai. Giờ em đang rối bời mong nhận lời hồi đáp sớm từ chị.(Em gái).

Trả lời:

Chào em, cảm ơn em đã gửi băn khoăn về chuyên mục, qua câu chuyện của em chị có thể hiểu em là một cô gái tốt, hết mình trong tình yêu nhưng em đang gặp phải trắc trở khi yêu phải người có vợ.

Đầu tiên, xin chia sẻ với em chuyện em từ nhỏ đã bị cưỡng hiếp để phải 'vào đời' sớm, sau đó em lại phải một mình bươn trải vào miền nam làm việc và kiếm sống. Song, có lẽ cũng bởi em 'vào đời' sớm nên em tính toán và bon chen trong cuộc sống quá, vì vậy em cuối cùng cũng phải trả giá cho cách sống của mình.

Cách em trình bày và viết thư thì chị thấy em khá cẩu thả và tùy tiện trong cách nghĩ, cách viết. Qua chuyện em kể về người đàn ông sinh năm 1971 thì chị thấy em quá thực dụng trong tình cảm. Em kể anh ta tốt, chăm sóc em chu đáo, đó chỉ là những biểu hiện bề ngoài của một người đàn ông, chưa thể khẳng định được gì vì ai ban đầu 'cưa' gái cũng tốt. Cái quan trọng là anh ta đã có vợ con, thế nhưng lại có ý định đi kiếm bồ nhí, vậy mà em không tỉnh táo, cố gắng lao đầu vào, thậm chí còn thần tượng hóa anh ta.


Em đang hoang mang vô cùng (Ảnh minh họa)

Anh ta sinh năm 1971, vậy là đã 40 tuổi, còn em chỉ mới 23 tuổi, quá trẻ so với anh ta. Tất nhiên, ở tuổi đó anh ta phải kiếm tiền tốt hơn những gã trai trẻ, và anh ta không khó để chinh phục, để em nghĩ tốt về anh ta. Cùng là phụ nữ, lý ra thấy vợ anh ta có khó khăn về con cái, em phải thông cảm với chị ấy và động viên người chồng quay về, nhưng em nghe anh ta hứa hẹn về cuộc sống khá giả là em bất chấp tất cả, nhận lời làm người yêu em chỉ sau vài tuần tán tỉnh. Người như em dễ dãi và thoải mái quá, nên chẳng trách sau khi nghe tin em có thai mà anh ta vẫn bình thường như không có gì xảy ra.

Gia đình em nghèo, mẹ em tự hào về em, nhưng lý ra thay vì đi đường thẳng để thành công và được xã hội tôn trọng thì em lại đi đường tắt, chưa chi đã tính toán làm sao để lấy người đàn ông khá giả nhằm giúp đỡ gia đình, không biết khi biết em làm cách đó thì mẹ em có tự hào được về em hay không nhưng chắc chắn rằng chị và bạn đọc trên đây không ai tán thành cách vươn lên của em như thế.

Dù gì giờ em cũng đã có thai, vậy thì em hãy nói cho anh ta biết vì đó là con của anh ta. Có thể anh ta sẽ nhận con, sẽ lo cho mẹ con em như đã hứa để anh ta có đứa con nối dõi như mong muốn, nhưng khả năng bỏ vợ để lấy em là hơi khó, mà giả dụ điều đó có xảy ra, thì một người sống dễ dãi và thực dụng như em cũng không có kết quả tốt, biết người ta có gia đình rồi mà vẫn cố chen chân vào để có tiền nhằm sau này giúp đỡ gia đình thì sẽ gặp phải kết thúc không hay em ạ.

Chúc em vui vẻ, hạnh phúc.

Meo.vn (Theo Eva)

5 lưu ý đặc biệt để bé tự lập đến trường

Tự đến trường không chỉ giúp trẻ độc lập hơn trong cuộc sống mà còn là điều kiện để con tự khám phá thế giới xung quanh.

Mấy hôm nay chị Linh lo lắng vô cùng vì khoảng hơn 1 tuần nữa là 2 vợ chồng phải đi công tác xa, không túc trực giờ giấc để đưa đón con tới trường như mọi khi được. Ông bà nội ngoại đều già yếu, việc trông cháu và phục vụ ăn uống cho chúng cũng là quá sức, hơn thế để ông bà đi lại nhiều anh chị cũng không an tâm.

Từ nhà tới trường khoảng gần 1km, bạn bè các con hầu như đều tự tung tăng cắp sách tới trường, riêng có chị Linh sợ con mệt rồi lóng ngóng khi tham gia giao thông nên mặc dù con học lớp 6 rồi chị vẫn bắt anh hằng ngày đưa con đi, đón con về. Lần này thì không còn cách nào khác, anh chị trong một tuần phải thay phiên nhau hướng dẫn cho con cách tự đi học một mình mà không cần bố mẹ đưa đón.

Các chuyên gia về an toàn trẻ em khuyến cáo rằng trẻ sẽ không tự mình giải quyết được các tình huống bất ngờ và khẩn cấp cho đến khi lên 10 tuổi.


Biết con khi chưa được làm quen đi học một mình sẽ rất nguy hiểm. Nên anh chị Linh đã dạy con những quy tắc cần thiết để con biết cách tự bảo vệ khi đi học một mình như:

- Luôn chú ý đến giao thông khi đi lại trên đường, không bao giờ được phép sao nhãng.

- Chỉ được phép sang đường ở các chỗ có đèn giao thông, hoặc cầu vượt, không đi sang ở giữa đường.

- Nhìn trái, nhìn phải và nhìn trái lần nữa trước khi sang đường.

- Luôn trông chừng những chiếc xe rẽ sang khi đi sang đường. Hãy dặn con rằng, người tài xế có thể không nhìn thấy con mặc dù con có thể nhìn thấy họ

- Không ngồi lên xe bất kì một người lạ nào

Khi đã dạy con các quy tắc cần thiết, anh chị cũng tìm chọn cho con con đường đến trường an toàn nhất. Anh chị cũng chia sẻ kinh nghiệm rằng con đường an toàn nhất không phải là con đường ngắn nhất nên các mẹ cũng cần phải lưu ý. Cần kiểm tra xem có chướng ngại vật nào trên đường không và dặn con cảnh giác với chúng như: hố ga hở, đèn giao thông bị hỏng, các ngã ba, chợ.

Nhắc con ghi nhớ số điện thoại của ít nhất 3 người thân để có thể gọi bất cứ khi nào cần: bố, mẹ, ông bà… Chỉ cho con các cột điện thoại công cộng trên đường con đi học và cách sử dụng chúng. Hướng dẫn con cách nhờ sự giúp đỡ của người qua đường khi gặp khó khăn.

Với cách hướng dẫn đó, trong vài ngày, con anh chị đã có thể tự đi học một mình. Lúc này thấy con tung tăng cùng chúng bạn chị mới chợt nhận ra rằng: Đừng bao bọc con quá kỹ, vì trẻ cần có kỹ năng cần thiết để tự đứng trên đôi chân của mình.

Meo.vn (Theo afamily)

Học từ cách dạy con tự lập của Brangelina

Bỏ hàng chục triệu USD thuê vệ sĩ và trợ lý nhưng đôi diễn viên nổi tiếng Hollywood Angelina Jolie và Brad Pitt luôn tự tay chăm sóc con. Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, "ông bà Smith" vẫn bế, dắt lũ trẻ và dạy chúng chơi.

Tờ People.com miêu tả đại gia đình Brangelina như một thế giới thu nhỏ với 6 đứa trẻ (gồm 3 con ruột và 3 con nuôi) đủ mọi sắc da trắng, vàng, đen, nhưng "hành tinh" của các bé luôn tràn ngập trong bầu khí hòa bình. Vì thế mà trong giới nghệ sĩ Hollywood, Angelina Jolie không những nổi tiếng với những vai diễn mà còn được xem là "người mẹ mẫu mực" bởi cách nuôi con đặc biệt. Từ đó nhiều bậc cha mẹ trên thế giới cũng quan tâm học hỏi phương pháp của cô.

Là Đại sứ thiện chí của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tỵ nạn, nữ diễn viên 36 tuổi này có nhiều chuyến đi làm thiện nguyện ở khắp nơi trên thế giới. Angelina kể, có lẽ điều này thúc đẩy cô nhận những đứa trẻ có hoàn cảnh đáng thương làm con nuôi. Đầu tiên là bé Maddox (người Campuchia), Zahara (châu Phi) và Pax Thiên (Việt Nam). Cô có 3 con ruột với người tình Brad Pitt (Siloh, Knox và Vivienne).

Hàng năm cặp diễn viên quyền lực nhất thế giới đầu tư gần 10 triệu USD (tương đương 6,1 triệu bảng Anh) để chi trả cho việc chăm sóc và nuôi dưỡng 6 đứa con của mình. Mặc dù luôn theo cha mẹ đi hết nơi này đến nơi khác theo lối sống "du canh du cư", song những đứa trẻ con nhà Brangelina luôn được cha mẹ giáo dục về nền văn hóa của quê hương nơi mà các em sinh ra với lòng tự hào dân tộc mạnh mẽ.

Mỗi khi có dịp đi đây đó, Angelina luôn tạo điều kiện cho các con được về thăm quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của chúng. Như lần này đưa Pax Thiên trở về Việt Nam đúng như dự kiến mà Angelina Jolie đã chia sẻ với báo chí Mỹ rằng: “Những đứa trẻ nhà tôi đều rất tự hào về nguồn cội nơi chúng sinh ra. Mỗi đứa đều treo cờ tổ quốc ở giường của mình. Chúng tôi nợ Việt Nam một chuyến hồi hương, bởi Pax xứng đáng được hưởng điều đó. Zahara muốn trở lại châu Phi, Shiloh cũng thế. Nên những đứa trẻ sẽ lần lượt được trở về quê hương mình”.


Gia đình Brangelina xuống sân bay Côn Đảo tuần trước. Trong ảnh là đôi tình nhân cùng 4 đứa con và 2 vệ sĩ, còn thiếu con trai đầu Maxdox, con gái ruột Siloh. Ảnh: Đ.M.

Trước đó Angelina Jolie và Brad Pitt đã đưa các con tới thăm Campuchia, quê hương của cậu con trai nuôi Maddox.

Mỗi đứa con nuôi đến từ một quốc gia với nền văn hóa, tiếng nói, thức ăn khác nhau. Bà mẹ nổi tiếng luôn muốn các con giữ được những bản sắc văn hóa riêng của mình, bên cạnh việc học hỏi những kiến thức hiểu biết mới mẻ hiện đại khác.

Ví dụ khi đưa cậu con trai đầu là người Campuchia về thăm quê trong chuyến thực hiện bộ ảnh quảng cáo cho một nhãn hiệu túi xách, Angelina khuyến khích các con thưởng thức món dế - món ăn truyền thống của xứ sở Angkor. Mới đầu bọn trẻ lắc đầu chối đẩy nhưng sau đó thì nếm thử rồi ghiền luôn.

"Lúc đầu, tôi chỉ có ý định cho bọn trẻ làm quen với một nét văn hóa của quê hương chúng. Vậy mà Pax và Maddox ăn dế như thể ăn snack Doritos. Thậm chí bọn trẻ còn mang theo những hộp dế về nhà và tôi buộc phải cấm chúng ăn quá nhiều". Angelina cũng nhận xét thêm rằng: "Món ăn này rất ngon. Nó giống như khoai tây chiên".

Khâu tuyển bảo mẫu của nhà Brangelina cũng khá khắt khe. Sẽ là vinh dự lớn lao cho ai được chọn làm bảo mẫu cho 6 đứa con đôi minh tinh, song người đó phải hội đủ mọi điều kiện từ đức đến tài, và phải nói được nói được ít nhất hai thứ tiếng. Mỗi năm bảo mẫu sẽ được một khoản tiền kếch xù là 150.000 USD với nhiệm vụ phụ chăm sóc và lo việc học hành cho 6 đứa trẻ ở bất kỳ nơi nào mà cha mẹ chúng đến. Những bảo mẫu cũng có nhiệm vụ giúp đứa bé mình trông nom học hỏi về cội nguồn của chúng. Ví dụ Pax Thiên có người bảo mẫu nói tiếng Việt để giúp cậu nhớ về quê hương; chính cậu bé cũng dạy cho người mẹ nổi tiếng Angelina nói tiếng Việt.

Nhiều tờ báo trên thế giới cũng ca ngợi cách nuôi dạy con của Brangelina. Họ nuôi con rất bài bản song không quá "úm" con hay khắt khe mà luôn cho bọn trẻ tự lập, tự thể hiện mình cũng như tự do lựa chọn trang phục theo phong cách riêng. Nếu như Pax Thiên (cậu con nuôi người Việt) thường xuyên thay đổi kiểu tóc, cách ăn mặc và ngày càng thể hiện gu thời trang riêng, thì Knox cá tính khi đội chiếc mũ cướp biển trên đầu và đeo kính đen. Vivienne trông như một nàng công chúa đi giày đỏ, mặc váy trắng và quần tất đen, xách ví hồng... Đặc biệt cô con gái ruột của cặp đôi luôn luôn đóng bộ với trang phục Tomboy như một cậu con trai. "Chúng được tự do ăn mặc những gì mình thích", Angelina giải thích.

Từ đó 6 đứa trẻ luôn tỏ ra chững chạc và tự tin hơn hẳn so với bạn đồng trang lứa. Cậu bé Pax Thiên sau 4 năm sống với cha mẹ nuôi đã trở thành đứa trẻ dạn dĩ, mạnh bạo hơn rất nhiều so với thời rụt rè, hay khóc, chỉ lẩn quẩn ở góc nhà nuôi trẻ mồ côi Tam Bình tại TP HCM.


Pax Thiên (ôm gấu bông tím) lần đầu tiên trở về quê hương sau 3 năm được Angelina nhận làm con nuôi. Cậu bé trông chững chạc, nhanh nhẹn hiếu động khác hẳn lúc còn là đứa trẻ mồ côi sống ở nhà nuôi trẻ Tam Bình, Thủ Đức, TP HCM. Ảnh: Đ.M.

Trao đổi với báo chí Mỹ, “Bà Smith” cho biết, những đứa con của cô và Brad Pitt không hề quan tâm đến việc cha mẹ chúng là những minh tinh nổi tiếng thế giới. Trong cuộc sống, chúng luôn tự lập và tỏ ra có trách nhiệm. Chẳng hạn khi ra ngoài nếu mẹ bận rộn chăm sóc em nhỏ thì các anh chị lớn tự đi ra xe và tự giác xách đồ đạc. Vì thế mỗi khi đi đến đâu đóng phim, đôi tình nhân luôn đưa các con đi cùng và thuê hẳn một chiếc máy bay hay tàu lửa với đoàn tùy tùng hộ tống lên đến chục người chỉ để bảo vệ an ninh.

“Sau này lớn lên và nhìn lại quãng thời gian hiện nay, chắc các con tôi sẽ thấy buồn cười lắm. Chúng nó đang nghĩ cha mẹ nó là những người ngớ ngẩn nhất hành tinh”, Angelina vui vẻ nói về các con mình trong dịp ra mắt bộ phim hành động Wanted.

Luôn để tâm chăm sóc các con, nhưng Angelina Jolie kể cô cũng không quên dành thời gian cho cuộc sống riêng của vợ chồng. Cô tiết lộ: "Tôi và Brad biết làm cho từng ngày thêm vui. Trong mắt tôi, Brad Pitt cực kỳ gợi cảm. Chúng tôi gắn bó với nhau vì các con, vì sự vui vẻ và bình yên mà mình tạo ra”. Cả nam diễn viên điển trai gần đây cũng chia sẻ muốn từ giã phim trường sau vài năm nữa để sống cuộc sống gia đình bình yên: "Tôi hạnh phúc với gia đình mình hiện nay, và muốn sống vì gia đình".

Nhận xét về con gái của mình trong một buổi ra mắt phim, cha của Angelina là diễn viên điện ảnh Jon Voight tự hào: “Bất kỳ ai biết cách nuôi con đều được tôi coi người hùng, vì tôi biết đó là công việc rất vất vả. Nếu họ chăm sóc con cái với tình yêu và niềm vui thì đó là điều tuyệt vời nhất trên đời. Tôi nghĩ con tôi thật tuyệt vời. Cầu Chúa phù hộ cho nó".

Meo.vn (Theo Vnexpress)

Cặp bồ để trả thù người cũ

Cái tin người yêu Thanh ngủ với cô gái khác có bầu bị ép cưới khiến cho Thanh ngất xỉu. Cô choáng váng, không tin vào sự thật.

Thanh chưa bao giờ nghĩ mình trở thành một đứa con gái như thế, nhưng từ khi bị người yêu phản bội, Thanh đã khác xưa hoàn toàn. Bạn bè, người quen biết Thanh ngỡ ngàng trước cái tin, cô cặp kè với một đại gia già nhưng lắm tiền, nhiều của. Thực chất, chẳng ai tin Thanh có thể làm điều đó, và cũng rất nhiều người cho rằng, đằng sau đó có nhiều điều chưa thể giải thích.

Thanh vốn là một cô gái ngoan hiền, biết cư xử, có đạo lý, bạn bè ai cũng hết lời khen ngợi cách sống của cô. Ngày lên trường nhập học, Thanh mang theo mối tình 3 năm, từ khi cô còn học cấp 3. Chia tay người yêu, buồn rầu nhưng vì tương lai, cô đành phải mỗi người mỗi ngả. Cuộc sống nhiều khi không cho mình được lựa chọn nhiều thứ. Dù biết rằng, người yêu vô cùng chung thủy nhưng Thanh vẫn nơm nớp một nỗi lo, buồn khổ vì sợ có thể lúc nào đó người yêu cô sẽ thay lòng.

Thanh vốn là một cô gái ngoan hiền, biết cư xử, có đạo lý, bạn bè ai cũng hết lời khen ngợi cách sống của cô. (ảnh minh họa)

Thanh thật không ngờ rằng, người yêu đã chời đợi mình suốt 4 năm học đại học, tưởng rằng, sau khi ra trường hai đứa sẽ tính chuyện cưới xin nhưng vì công việc chưa ổn định, về quê khó xin việc nên đành hoãn lại chuyện hôn nhân một thời gian và Thanh xin việc trên Hà Nội. Công việc ban đầu không mấy vất vả, Thanh là người có năng lực nên sớm được trọng dụng dù chưa có nhiều kinh nghiệm. Tiền kiếm được cũng không nhiều nhưng so với chúng bạn mới tự lập thì đây quả là một thành quả lớn lao. Thanh lao đầu vào công việc nhưng vẫn không quên hứa hẹn với người yêu, chời đợi mình.

Cái tin người yêu Thanh ngủ với cô gái khác có bầu phải bị ép cưới khiến cho Thanh ngất xỉu. Cô choáng váng, không tin vào sự thật. Cô đau khổ vật vã và ốm một thời gian dài. Trong suốt thời gian Thanh ốm, cô đều được ông sếp ở công ty chăm sóc. Dù biết rằng, từ trước giờ lão sếp có chút máu dê này đều bủa vây lấy cô, muốn cặp kè với cô và cô đã nhiều lần từ chối, nhưng lần này, không hiểu sao, bản thân Thanh lại không muốn đẩy ông ta ra xa nữa. Cái lý do lớn nhất khiến cho Thanh muốn cặp bồ chỉ vì, người yêu phản bội. Gia đình anh ta chê nhà Thanh không có tiền nhiều, vả lại cô gái mang bầu với anh là con ông chủ tịch huyện, nên bố mẹ người yêu cô nhanh nhanh chóng chóng bắt anh lấy.

Vì nghe lời bố mẹ và một phần vì hám của, nghĩ người yêu trên Hà Nội không có cơ ngơi kiếm tiền, đồng tiền làm mờ mắt anh, anh quyết định khiến cô gái đó có thai và phải lấy mình.

…Thanh mường tượng ra khuôn mặt của người yêu cũ khi gần gũi  ông sếp đã đứng tuổi bố mình, nhưng cô càng thêm hận. Chưa bao giờ cô đau khổ như lúc này. Cô quyết tâm, dù có phải đánh đổi cũng quyết cho thiên hạ biết, cô là ai, giàu có cỡ nào và lắm tiền, sang trọng ra sao.

Thanh được ông sếp chăm sóc tận tình chu đáo, muốn gì được nấy. Cô dùng toàn hàng hiệu, ăn mặc sang trọng, lúc nào trông cũng giống một quý cô nhà giàu. Bạn bè ngạc nhiên vì không hiểu, dù có làm lương cao cũng không có đủ số tiền để sắm sửa cho mình nhiều thứ như thế.

…Thanh mường tượng ra khuôn mặt của người yêu cũ khi gần gũi  ông sếp đã đứng tuổi bố mình, nhưng cô càng thêm hận. (ảnh minh họa)

Thanh bắt đầu biết cách tiêu tiền hoang phí hơn, sành điệu không tiếc tay. Xe đẹp, đồ đẹp, cái gì cần là Thanh có cả. Những lần về quê, Thanh đều phô trương đi qua nhà người yêu cũ để cho anh nhìn thấy, bố mẹ anh nhìn thấy cô đã giàu có cỡ nào. Dù muốn trả thù người yêu bằng cách ấy, cô đã làm được nhưng xem ra cuộc sống của cô không mấy hạnh phúc ngoài việc sống nhờ vào đồng tiền của người khác để được sang trọng.

Thanh chưa yêu một ai, thật ra trong lòng cô vẫn còn nhớ người cũ, vừa yêu vừa hận. Nhiều đêm cô khóc, cố nén nước mắt vào trong, cảm giác đau khổ tột cùng. Cô biết, mình đã đi sai đường vì cô phải sống lén lút, cặp bồ qua ngày mà không có một người đàn ông thật lòng yêu cô.

Có lẽ, cái giá phải trả quá đắt nhưng Thanh không còn biết phải làm thế nào, phải lui ra sao. Thanh muốn sống một cuộc sống bình thường, được yêu thương và quan tâm chăm sóc nhưng không biết đến bao giờ. Thanh cứ như vậy, chỉ để trả thù người yêu nhưng anh sống ra sao, lòng anh có dậy sóng không, có nhớ về cô không cô cũng không hay biết.

Thù hận làm cho con người ta trở nên như thế. Trả thù chưa chắc đã là cách tốt để khiến cho đối phương ân hận, cảm thấy sai lầm, thua cuộc, nhất là với cách sống của Thanh. Bằng lòng với việc Thanh đau khổ, dằn vặt nhưng lẽ ra, cô không nên chọn con đường sai lầm như vậy. Nếu sự việc bị bại lộ, đến tai người yêu thì có lẽ, kẻ thua cuộc lại chính là cô.

Meo.vn (Theo Eva)

Làm gì khi con giỏi ăn vạ?

Mỗi gia đình đều có cách dạy con riêng, có gia đình thành công, có gia đình bất lực, nhưng việc nuôi dạy con nói chung rất cần sự nghiêm khắc, rõ ràng và cũng có cả tình yêu thương của cha mẹ. Vậy bạn sẽ đối phó như thế nào nếu con rất giỏi “ăn vạ”?


Làm gì khi con giỏi ăn vạ?

Con trai chúng tôi vốn ốm yếu từ nhỏ, chồng tôi lại làm việc xa nhà biền biệt, nên bao nhiêu tình thương, tôi đều dành hết cho con. Suốt những năm đầu đời của con, tháng nào tôi cũng dắt con tới lui bệnh viện để điều trị viêm họng. Mỗi đợt bệnh, con tôi đều sốt cao, co giật khiến tôi thật sự hãi hùng. Cháu hay khóc la với âm lượng lớn nên tôi rất sợ nghe con khóc và cố gắng hạn chế tối đa việc đó. Chưa đầy ba tuổi, con tôi đã hiểu nếu nó muốn gì mà chưa được đáp ứng, chỉ cần khóc rống lên là xong.

Đến năm con bốn tuổi, chồng tôi đổi việc để có nhiều thời gian cho gia đình hơn. Anh đã sững sờ chứng kiến cảnh con đòi xem hết bộ phim hoạt hình trên tivi rồi mới đi tắm. Tôi không đồng ý bèn tắt tivi, con tôi khóc rống lên, lăn ra đất ăn vạ. Tôi không biết xử lý sao, đành vuốt giận cho yên cửa yên nhà. Còn con hả hê vì được như ý. Cảnh tượng đó tái diễn ngay ngày hôm sau, khi con đòi đi mua đồ chơi trong khi ngoài trời mưa gió. Chồng tôi đã nổi nóng chen vào và thế là… đại chiến. Tất nhiên, “phe tôi” đông hơn nên chiến thắng, dù chẳng vẻ vang gì. Tối đó, khi thằng bé đã ngủ say, chúng tôi nói chuyện nghiêm túc với nhau. Chồng tôi xin lỗi bấy lâu đã bỏ mặc hai mẹ con và bày tỏ mối lo con sẽ hư nếu tôi cứ nuông chiều như thế. Tôi cũng thừa nhận đã tạo cho con thói quen “cứ khóc là được”, nhưng giờ chẳng biết phải làm cách nào.

Lần thứ ba, rồi lần thứ tư. Không kiềm được nóng giận, chồng tôi vung tay tát con, khiến tôi hoảng hốt nhảy vào… ứng chiến. Thằng bé thấy được mẹ bênh, lại ra sức gào khóc và càng vênh váo trong những lần sau. Chuyện con cái khiến vợ chồng mặt nặng mày nhẹ, còn con trai chỉ ngoan khi được mẹ đáp ứng mọi yêu cầu, kể cả những yêu cầu vô cùng trái khoáy.

Khi tôi than thở với người thân, bè bạn về chuyện này, người thì góp ý nên nhỏ nhẹ khuyên nhủ, người lại bảo đánh cho một trận nên thân là cháu sẽ chừa. Tôi đã khuyên nhủ con, nhưng khi không vừa ý, cu cậu lại quên hết lời mẹ, có khi la khóc tới mức gồng cứng người, mặt mũi tím tái, tay chân co quắp. Mỗi lần thấy con như thế, nhớ những lúc con bệnh rồi có những triệu chứng tương tự, tôi lại hồn xiêu phách lạc và thế là… vuốt con. Chồng tôi vốn nóng nảy, cũng vài lần đánh con thẳng tay, dặn tôi bỏ mặc cho nó khóc, khóc mãi rồi sẽ nín. Nhưng thằng bé mới bốn tuổi đã biết “thi gan” cùng bố mẹ. Lần đó, sau một tiếng đồng hồ gào khóc dưới đất, thằng bé khản tiếng, mũi sụt sịt rồi viêm họng luôn…

Xót con, nhưng tôi cũng đồng tình với chồng là không thể kéo dài tình trạng ấy. Chúng tôi nhận thấy phải sửa sai từ chính bản thân mình trước. Bước đầu, tôi tạo điều kiện cho cha con gần gũi, để con bớt dần sự yếu đuối, ảnh hưởng từ mẹ. Chồng tôi đã khéo léo hướng dẫn con một số kỹ năng sống để tự đáp ứng nhu cầu của bản thân, từ đó chẳng những con tự lập hơn mà còn hạn chế xung đột với mẹ. Tôi cũng cố dứt ra khỏi những ám ảnh bệnh tật của con, dạy con biết phòng tránh bệnh và chấp nhận chuyện đau ốm của bản thân. Đặc biệt, mỗi lần biết con sắp sửa lên gân lên cốt, tím tái mặt mũi để phản đối mẹ, chồng tôi lại cười đùa, trêu chọc con theo kiểu “đàn ông đâu có vậy”, tôi thì tìm cách lảng chuyện, xem như không có gì nghiêm trọng, thậm chí không quan tâm, để hóa giải cơn giận của con. Từ từ, cảnh “chiến tranh” trong gia đình giảm hẳn.

Việc “điều trị” một đứa con khó bảo là cả một quá trình dài và nhiêu khê, mà đôi khi cha mẹ phải khéo léo “diễn xuất” và tung hứng ăn ý như nghệ sĩ trên sân khấu. May sao chúng tôi đã làm được việc này.

Meo.vn (Theo Meyeucon)

Ích lợi từ trò chơi tập thể cho trẻ

Các trò chơi luôn có sự hữu ích, đem lại vai trò quan trọng trong phát triển não bộ của trẻ.

Theo các nhà khoa học Anh, nghiên cứu mới cho thấy trẻ em tham gia vào các trò chơi tập thể có tác dụng tự định hướng giá trị to lớn cho sự phát triển xã hội, tình cảm, nhận thức và thể chất của bé.


Vui chơi mở rộng tâm trí của trẻ em, phát triển hệ thần kinh, thúc đẩy sự sáng tạo và trí tưởng tượng, làm tăng khả năng tập trung, tăng sự tự tin...

Trò chơi tập thể giúp trẻ em học cách tự thưởng thức không gian riêng của mình, tự điều chỉnh mọi thứ theo cảm xúc của bản thân. Chơi ngoài trời và không chịu sự quản lý của bố mẹ đem lại niềm vui cho trẻ, hình thành tính cách tự lập ngay từ bé.

Meo.vn (Theo Thanhnien)

Dạy con “tứ đức” trên đời

Công - dung - ngôn - hạnh vẫn được nhắc đến như 4 đức tính tốt đẹp của người phụ nữ trong xã hội phương Đông truyền thống. Nhưng, liệu “tứ đức” trên có còn hợp thời trong giai đoạn hiện nay?

Công, dung, ngôn, hạnh – từ truyền thống đến hiện đại

Xuất phát từ tư tưởng của Khổng Tử, “tam tòng, tứ đức” đã trở thành thước đo chuẩn mực cho người phụ nữ trong xã hội cũ. Suốt một thời gian dài, quan niệm trên đã ăn sâu vào tâm thức người Việt. Nó mang những giá trị đáng ghi nhận nhưng cũng trở thành quy tắc trói buộc người phụ nữ.

Chữ “công” đứng đầu trong “tứ đức”, theo quan niệm trước đây chỉ sự vén khéo về “nữ công gia chánh” của người phụ nữ trong gia đình.

Chữ “dung”, trong quan niệm xưa chỉ dung mạo, vẻ ngoài của người phụ nữ. Người phụ nữ phải biết chăm chút cho dung mạo của mình. Người xưa rất chú ý đến vẻ đẹp của hàm răng, mái tóc.

“Ngôn” là lời nói thốt ra phải nhẹ nhàng, đoan chính. Cách ứng xử, nói năng của người con gái thể hiện tính cách, con người họ. Một cô gái nói năng lễ phép, dịu dàng là cô gái được giáo dục kỹ.

“Hạnh” là phẩm chất cuối cùng trong tứ đức để chỉ đạo đức của người phụ nữ. Ngày xưa đó là sự mực thước, nghiêm trang trong dáng đứng, bước đi, là sự thủy chung, yêu chồng, thương con, giàu lòng nhân ái. Chữ hạnh tương đối rộng nhưng nhìn chung để chỉ cách cư xử hiểu đạo lý của người phụ nữ.

Thời gian trôi qua, xã hội nhiều biến đổi hơn, phụ nữ ngày nay cũng được giải thoát ra khỏi những ràng buộc cũ, được tự do và giải phóng chính mình. Tuy vậy, những quy định “tam tòng, tứ đức” không vì thế mất đi mà cũng dần được thay đổi cho phù hợp với xu thế hiện đại.

Quan trọng là vậy nhưng thực tế là nhiều gia đình, trong hành trình dạy con đã bỏ qua việc trang bị cho con một cách đầy đủ những phẩm chất này.

Chỉ cần “công” và “dung” là đủ?

Ngày nay, không ít gia đình quan niệm cần phải chăm chút cho con học thật giỏi để sau này kiếm một công việc thật tốt là được. Họ nghĩ dạy con như vậy là đã hoàn thành chữ “công”. Thế nhưng, chính cách dạy con này khiến nhiều bé gái sau này lớn lên, ngoài việc học ra không biết làm một việc gì, từ chuyện nhỏ trong gia đình như: quét dọn, lau chùi nhà cửa đến việc nấu nướng bữa cơm gia đình, trang trí nhà cửa… Sự bảo bọc, chiều chuộng và quan niệm dạy con sai lầm của cha mẹ khiến trẻ ỷ lại.

Đúng là khi xã hội biến đổi thì quan niện nhiều người cũng thay đổi. Ngày xưa, chữ “dung” được đề cao 1 thì ngày nay, với phái nữ, chuyện gìn giữ sắc đẹp, chăm chút bản thân được chú ý tới 10. Chữ “công” cũng chỉ đơn thuần là tìm được công việc ổn định, thu nhập khá.

Quan điểm này cũng dễ hiểu bởi kinh tế phát triển hơn, nhiều gia đình ngày nay thường có người giúp việc và trẻ không phải làm việc gì ngoài chuyện học hành. Quan điểm nuôi dạy con của mỗi nhà cũng khác nhau. Với những gia đình này, “công, dung, ngôn, hạnh” vẫn là những bài học cần trang bị cho con – ngay khi trẻ còn nhỏ.

“Dạy con từ thuở còn thơ”

Trẻ còn nhỏ như một cành cây non, mềm và dễ uốn nắn. Những bài học từ cha mẹ sẽ giúp hình thành nên tính cách, phẩm chất con người của trẻ sau này.

Để dạy con chữ “công” trọn vẹn, cha mẹ cần định hướng rõ ngoài việc xác định mục tiêu rõ ràng về công việc trong cuộc sống, trẻ còn cần biết tự quản lý cuộc sống của mình. Cha mẹ cần dạy trẻ tự lập qua những công việc của cá nhân. Công việc nhà cũng cần sự tham gia của trẻ dù rằng trẻ chỉ có thể là được những việc đơn giản, tùy theo lứa tuổi.

Dạy trẻ ý thức được tầm quan trọng của hình thức bên ngoài. Những bài học thưa gửi, nói chuyện với người lớn cũng nên được cha mẹ hướng dẫn dần cho trẻ. Khi trẻ lớn dần hơn, những bài học sẽ dần mở rộng hơn về cách giao tiếp, ứng xử theo những mối quan hệ của trẻ. Đây chính là cha mẹ đang trang bị cho trẻ những bài học về “dung”, “ngôn” và “hạnh”.

Meo.vn (Theo Giadinh360)

Nhàn hạ khi làm mẹ, làm vợ

Một phụ nữ có gia đình sẽ có rất nhiều việc phải quán xuyến, nếu không biết thu vén, sắp xếp hợp lý thì từ "Vươn thở" đến "Tiếng thơ" chắc cũng chưa hết việc.

Vẫn có câu "thời gian là tiền bạc". Một phụ nữ có gia đình sẽ có rất nhiều việc phải quán xuyến, nếu không biết thu vén, sắp xếp hợp lý thì từ "Vươn thở" đến "Tiếng thơ" chắc hẳn cũng chưa xong việc.Vậy, làm thế nào để xử lý tốt việc nhà mà vẫn thoải mái nghỉ ngơi đây?

1. Để các con tự lập

Nếu bạn có con nhỏ, hãy bài bố bếp sao cho bọn trẻ có thể “tự phục vụ” khi cần. Đặt tất cả bát, đĩa, dĩa, cốc của trẻ dưới ngăn thấp của giá để bát hay trong ngăn kéo, trút sữa vào bình đựng dễ mở để trẻ có thể lấy được. Trong tủ lạnh luôn có một số đồ ăn bổ dưỡng dành cho trẻ, như vậy mỗi khi muốn ăn con bạn có thể tự lấy mà không phiền đến bạn. Cho con tự lập cũng là một cách luyện cho các cháu tự tin hơn. Khi con 5 tuổi, bạn có thể cho cháu tự tắm, trẻ sẽ rất tự hào dù lúc đầu có thể phụng phịu tỏ ý không thích.


Nếu không biết thu vén, sắp xếp hợp lý thì từ "Vươn thở" đến ‘Tiếng thơ’ chắc hẳn cũng chưa xong việc. (Ảnh minh họa).

2. Làm bữa sáng nhanh

Đặt tất cả trái cây, sữa, hoặc sữa chua trong bình xay sinh tố và cất vào tủ lạnh qua đêm. Buổi sáng, bạn chỉ cần đặt vào máy xay và nhấn nút. Bạn đã có một loại nước uống bổ dưỡng, thêm chút bánh là đã có bữa sáng đủ chất cho cả nhà.

3. Lên lịch cho cả tuần

Bạn nên mua một cái bảng lịch tuần. Ở đó bạn có thể viết những thứ như: Những sự kiện ở trường, sinh nhật, lịch họp... và cũng có thể ghi các việc như: hạn thanh toán hóa đơn, thực đơn cho từng ngày trong tuần, lịch làm bài tập, học của trẻ...

4. Chuẩn bị mọi thứ cho sáng hôm sau từ tối trước

Bạn có thể chuẩn bị các đồ cần nấu ăn sáng, soạn sẵn bộ quần áo cần mặc hôm sau, cất thức ăn, đồ dùng trong balo con mang đi học ngày tới... trước khi đi ngủ. Như vậy sáng hôm sau bạn sẽ không phải vội cuống cuồng


Ảnh minh họa

5. Dự trữ đồ cần thiết

Bạn nhớ lần trước phải vội vã lao ra cửa hàng tạp phẩm rồi đứng xếp hàng thêm 10 phút chỉ vì một chuyện rất “giời ơi đất hỡi” là trong nhà hết giấy cuộn toilet hay bộ lọc cà phê chứ?

Nhiều người có thói quen chỉ mua đồ đủ dùng, nhưng nếu là một bà nội trợ chu đáo, bạn sẽ biết phòng xa. Lần tới thay vì chỉ mua một gói cà phê khi trong nhà đã hết, bạn hãy mua hai, như vậy không bao giờ phải vội vàng chạy đi bổ sung cả.

Bí quyết của một bà nội trợ dành cho bạn tham khảo: “Bắt đầu mở đến đồ dự trữ, tôi liền ghi tên đồ đó vào danh sách những thứ sắp hết, cần mua. Danh sách được dán ngay trên cửa tủ lạnh cho cả nhà. Ngay cả các con tôi nếu cần gì cũng phải liệt kê vào danh sách. Khi đi chợ, tôi mua một lúc là xong, và chẳng bao giờ rơi vào tình trạng nhà hết gì mà mình không biết”.

Meo.vn (Theo Eva)

Dạy con tự lập

Con bạn mới bắt đầu cứng cáp, thậm chí có thể còn chưa đi học buổi nào… những ngày tháng thành niên của con còn xa xôi lắm; dẫu vậy, bây giờ vẫn không phải là quá sớm để dạy bé cách tự đứng trên đôi chân của chính mình. Vấn đề là dạy con thế nào cho đúng, cho hiệu quả? Hãy cùng Webtretho tham khảo ý kiến của Linda DiProperzio – chuyên gia của Parents nhé.

Dành thời gian dạy dỗ
Tạo môi trường thân thiện
Cho con lựa chọn
Khen ngợi cố gắng của con
Hạn chế trợ giúp
Chỉ dẫn khi cần thiết
Tìm điểm tích cực trong tiêu cực
Không kỳ vọng sự hoàn hảo

Dành thời gian dạy dỗ.

Theo Amy McCready, người sáng lập tổ chức Positive Parenting Solutions, thì việc dành thời gian luyện cho con làm việc “như người lớn” sẽ xây dựng ở con ý thức tự lập. “Mỗi tuần hãy xác định một công việc mới cho con làm quen. Ban đầu hãy tách công việc này thành nhiều bước nhỏ, dạy con cách thực hiện – và sau đó khiến nó trở thành ‘nhiệm vụ’ của con. Những việc này đối với chúng ta chẳng là gì nhưng lại có thể giúp con cảm thấy tự tin hơn.” Ví dụ, nếu con còn nhỏ, bạn có thể dạy bé dọn đồ chơi hay cho quần áo bẩn vào sọt đựng; nếu con đã lớn hơn một chút, bé có thể tự dọn giường hay giúp bố mẹ lau dọn bàn ăn.

Tạo môi trường thân thiện

Tạo cơ hội cho con thể hiện sự tự lập bằng cách sắp xếp đồ vật trong tầm với của bé. Chẳng hạn, bạn hãy xếp vài gói bánh, ly, chén nhựa của con ở ngăn kệ thấp nhất để con có thể tự lấy được mà không cần trợ giúp; hoặc đổ sữa vào những bình nhựa nhỏ để bé có thể tự rót. Amy McCready khuyên bạn “hãy quan sát thói quen hằng ngày của con và tự hỏi: ‘Mình nên thay đổi những gì để con có thể tự làm việc này (hay việc kia) mà không cần giúp đỡ nhỉ?’”

webtretho_tạo điều kiện cho con tự lập

Bố mẹ hãy nghĩ xem cần thay đổi những gì để con không phải nhờ đến mình nữa? (Ảnh: Inmagine)

Cho con lựa chọn.

Một yếu tố tạo nên tính tự lập là có thể ra quyết định cho bản thân, do đó mỗi ngày hãy cho nhóc của bạn đưa ra vài lựa chọn. “Chỉ cần không hỏi những câu bỏ ngỏ có thể khiến bạn gặp rắc rối,” Laura Olson, phó chủ tịch Viện Giáo dục Trẻ em, nói: “Đầu tiên là thu hẹp phạm vi lựa chọn: ‘Trưa nay con thích ăn cơm với thịt hay ăn mì ống và phô-mai?’ Như vậy, con là người đưa ra quyết định nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát được tình hình.”

Khen ngợi nỗ lực của con.

Tiến sỹ Frances Walfish, bác sĩ tâm lý cho trẻ em cũng như cho các bậc cha mẹ, khuyên rằng ngay cả khi kết quả không thật sự xuất sắc, bạn vẫn nên cho con thấy bạn đánh giá cao nỗ lực của bé như thế nào và khuyến khích bé tiếp tục cố gắng. Thời kỳ chập chững là khoảng thời gian cốt lõi và tiền đề cho giai đoạn vị thành niên, do đó khi này bố mẹ nên khen con dù chỉ là việc nhỏ nhặt nhất như tự mang vớ, tự rót nước uống – nhằm nâng cao sự tự lực của bé.

Hạn chế trợ giúp

“Đừng bao giờ làm cho con những việc mà trẻ có thể tự làm,” Michelle La Rowe, tác giả cuốn A Mom’s Ultimate Book of Lists, cho biết. Hãy để con tự thắt dây giày, tự lấy ngũ cốc ăn sáng, tự mặc áo khoác (nếu con không kéo khóa được thì hãy gài khóa giúp con và để bé tự hoàn tất nốt phần còn lại). Bạn nói không có đủ thời gian ư? Vậy hãy vặn đồng hồ sớm hơn 15 phút để con có thêm thời gian để hoàn thành.

Chỉ dẫn khi cần thiết.

“Một số bậc phụ huynh có khuynh hướng nói liên tục, trong khi đã đến lúc cần lắng nghe phản hồi của con hoặc đã đến lúc con đưa ra quyết định của mình,” chuyên gia trị liệu gia đình Tricia Ferrara nói. “Điều này có thể cản trở cơ hội phát triển các kỹ năng định hướng quan trọng dựa trên ngôn ngữ của trẻ.” Do đó, thay vì nói con phải làm gì, hãy để bé tự nói chúng sẽ làm gì – điều này giúp con bạn có cảm giác làm chủ được thử thách. Tất nhiên nếu con cần vài gợi ý hay vài sự trợ giúp để hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, bạn vẫn có thể ra tay.

Tìm điều tích cực trong tiêu cực

Tiến sỹ Sam Goldstein, đồng tác giả cuốn Raising a Self-Disciplined Child, cho rằng: “Thay vì nhìn nhận lỗi lầm là sự thất bại, bạn hãy coi đó là cơ hội để con học thêm nhiều điều mới. Đừng nên để con sợ mắc lỗi – chúng cần nhận ra được đó là một phần của cuộc sống. Khi nói về một việc chưa thành công của con, hãy nói về nó theo hướng tích cực, tìm cách giải quyết vấn đề. Thay vì ‘Mẹ đã nói con rồi,’ hãy thử ‘Xem nào, làm lại từ đoạn này xem có được không nhé.’”

webtretho_khéo léo dạy con tự lập

Bố mẹ cần khéo léo để dạy con tự tin và tự lập (Ảnh: Inmagine)

Không kỳ vọng vào sự hoàn hảo

Việc bạn cứ muốn sửa và sửa những việc con đã làm sẽ có nguy cơ làm tổn thương lòng tự trọng của bé, và gần như sẽ là trở ngại cho bé khi làm những dạng việc đó về sau. “Nếu bạn thật sự không thể để yên như vậy, hãy thử bằng cách: “Mẹ lại không nghĩ là làm thế đâu. Con có muốn xem mẹ sẽ làm thế nào không?’” đó là đề nghị của tiến sĩ, bác sĩ nhi khoa Lynne Milliner. “Trong trường hợp con không đồng ý, bạn luôn có thể quay lại và sửa lại sau đó mà.”

“Con đã lớn khôn” giúp bé học tính tự lập

“Mau ăn chóng lớn” là câu cửa miệng chúc tụng mà chúng ta thường dành cho tụi trẻ là con cháu của họ hàng bạn bè mỗi dịp Tết, sinh nhật hoặc thôi nôi. Chỉ đơn thuần là ăn và lớn mà quên mất cả một sự “khôn” nữa. Nói thế để thấy, tự lập từ lúc còn bé xíu chưa hẳn đã là một nhu cầu thật sự mạnh của các gia đình hiện nay kì vọng ở con mình.

Có một sự so sánh là nếu bạn chứng kiến trẻ con ở thành thị được chăm bẵm bao nhiêu thì khi về nông thông sẽ “sững sờ” trước cảnh trẻ con tắm nước giếng ùm ùm cho dù đó là mùa đông. Không xét chuyện giàu nghèo mà chỉ riêng chuyện chăm bẵm theo nhiều kiểu khác nhau cũng cho thấy những cung cách nuôi dạy con khác nhau. Nếu ở nông thôn, những đứa trẻ “vắt mũi chưa sạch” đã có thể tung tăng đi chăn trâu, cắt cỏ, nhặt trứng, nhặt rau,v.v… Còn những đứa trẻ ở thành thị thì đi một bước có osin, chưa kịp ngã đã được bố mẹ hứng, chưa kịp khóc bố mẹ đã giúi quà vào tay hoặc chỉ cần ăn một bát cơm mà phải bế con chay khắp ngõ trên phố dưới. Tuy không phải là tất cả nhưng có thể thấy chung là đại đa số là vậy. Nhưng, nếu có nói trẻ em nông thôn tự lập hơn cũng chưa hẳn mà phần nhiều là do hoàn cảnh sống.

Trẻ em ngày nay chưa được bố mẹ quan tâm giáo dục tính tự lập đúng mức - Ảnh: MCV

Theo một Nghiên cứu mới đây của tiến sỹ Gavin Sandercock, một chuyên gia về trẻ em tại Đại học Essex (Anh) được đăng trên tạp chí sức khỏe Acta Paediatrica, đã cho thấy thấy trẻ con 10 tuổi ngày nay khó mà thực hiện liên tục được động tác đứng lên-ngồi xuống và cũng khó trèo lên tường nhà trong môn thập thể dục hơn. Ngoài ra, tay trẻ cũng khó cầm nắm chặt. Ông phát hiện thấy với bài tập đứng lên ngồi xuống, số trẻ có thể thực hiện được sau một thập kỷ giảm đi 27,1%, trong bài tập sức mạnh cánh tay giảm đi 26%, và bài tập cầm nắm giảm đi 7%. Nghiên cứu được thực hiện trên hai nhóm trẻ có chỉ số cân nặng cơ thể như nhau, nghĩa là nhóm trẻ 10 tuổi hiện tại có nhiều mô mỡ hơn và ít bó cơ hơn thế hệ anh chị chúng. Những con số đã nói lên tất cả về sự “béo phì và lười biếng” ở trẻ nhỏ hiện nay nhất là với những gia đình quá chăm bẵm con nhỏ.

Giáo dục tính tự lập, xét cho cùng ở lứa tuổi từ 2 đến 5 tuổi chính là việc dạy chúng từ những việc nhỏ nhất như đánh răng, rửa mặt cho tới việc tạo dựng một thói quen để những thói quen đó hình thành mà không cần bố mẹ nhắc nhở. Bên cạnh đó chính là việc tạo cho trẻ thói tính chủ động, sớm biết đưa ra quyết định của bản thân trên tinh thần độc lập cao cũng như để óc sáng tạo phát triển. Quan trọng hơn hết, đừng coi trẻ con là những “người nhỏ”.

Để tạo cho bé những thói quen đó không khó cũng như những chương trình học tập, tập luyện các bậc phụ huynh có thể tìm được từ rất nhiều nguồn trên mạng Internet, như trang web của Trung tâm hỗ trợ giáo dục và phát triển thanh thiếu niên Việt Nam với rất nhiều thông tin bổ ích trong việc rèn tính tự lập ở trẻ nhỏ. Còn nếu đơn giản hơn, dễ nhớ và rõ ràng hơn bằng hình ảnh chính là chương trình truyền hình thực tế về trẻ em đầu tiên của Việt Nam có tên Con đã lớn khôn được phát sóng lúc 18h20 ngày thứ Bảy hàng tuần, bắt đầu từ 30/7/2011 trên HTV7. Đây là chương trình dựa theo format Hajimete no Otsukai do hãng Nippon Television Nhật Bản thực hiện, chương trình “Con đã lớn khôn” phiên bản Việt kể về những thử thách, những trải nghiệm các công việc cha mẹ nhờ mà lần đầu tiên các bé từ 2,5 tuổi – 5 tuổi phải tự thực hiện một mình mà không có người lớn theo cùng.

Với "Con đã lớn khôn", bé phải học cách làm việc bố mẹ giao một mình - Ảnh: MCV

Ban tổ chức chương trình “Con đã lớn khôn” cho biết, với cách nuôi dạy và chăm sóc con bằng sự bảo bọc và quan tâm quá mức, cha mẹ vì lo lắng mà luôn cấm đoán khi trẻ tự ý làm một việc nào đó mà ở độ tuổi 2,5 – 5 tuổi trẻ đã có khả năng và rất muốn được tự mình làm những công việc mình thích theo ý của mình, rất thích được giúp đỡ cha mẹ, người lớn để được khen. Điều đáng chú ý hơn là ở độ tuổi này, bé đã có những nhận thức nhất định. Đây chính là giai đoạn nền giúp bé xây dựng tinh thần tự giác trong một số công việc hàng ngày. Tạo điều kiện và cơ hội để bé tự vận động, tự tìm hiểu và va chạm với mọi thứ xung quanh cuộc sống của bé đó là cách tốt nhất mà cha mẹ có thể hiểu hơn và giúp con mình phát triển nhanh cả vế thể chất và trí tuệ. Tạo điều kiện, cơ hội để bé được thể hiện mình và nếu bé thực hiện thử thách thành công, niềm tin của cha mẹ dành cho đứa con thân yêu của mình sẽ trở nên mạnh mẽ, sâu sắc hơn, tạo bầu không khí vui vẻ, đầm ấm hơn trong gia đình.

Hãy bắt đầu tương lai của trẻ nhỏ bằng một phương pháp nuôi dạy trẻ nhỏ khoa học và tạo dựng những kĩ năng cần thiết cho trẻ nhỏ ngay từ khi chúng còn nhỏ. Chính việc đào tạo, rèn luyện từ nhỏ sẽ tạo dựng một nền tảng vững vàng, góp phần hoàn thiện nhân cách của trẻ khi chúng lớn. Và, biết đâu một ngày nào đó, câu nói: Thằng con nhà bạn tự lập như trẻ con Tây ấy nhỉ! lại là một câu khen mà bạn cảm thấy hài lòng nhất về quá trình nuôi dạy con mình.