Lưu trữ cho từ khóa: tự kỷ

Bà bầu bị nhiễm khuẩn – Trẻ sinh ra có nguy cơ bị tự kỷ

Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng phụ nữ mang thai được chẩn đoán nhiễm khuẩn trong bệnh viện có thể tăng nguy cơ sinh con bị tự kỷ.

Các nhà nghiên cứu ở California (Hoa Kỳ) đã không tìm thấy mối liên hệ giữa nhiễm khuẩn và tự kỷ, khi xem xét tất cả các nhiễm khuẩn xuất hiện ở những phụ nữ mang thai được nghiên cứu. Nhưng họ tìm thấy nguy cơ lớn hơn ở những người được chẩn đoán bị nhiễm khuẩn trong thời gian nằm viện.

ba-bau-bi-nhiem-khuan-tre-sinh-ra-co-nguy-co-bi-tu-ky

Ảnh minh họa

Theo họ, các nhiễm trùng được chẩn đoán trong thời gian nằm viện có thể nghiêm trọng hơn, điều này có thể lý giải nguy cơ gia tăng bệnh tự kỷ.

Cụ thể, các nhiễm khuẩn được chẩn đoán trong thai kỳ thứ 2 có liên quan với nguy cơ tự kỳ tăng gấp 3 lần vì thai kỳ thứ hai là thời gian rất quan trọng, khi các cấu trúc não bắt đầu phát triển và những rối loạn của não có thể xuất hiện trong thời gian này”.

Nhiễm khuẩn có thể ảnh hưởng tới trẻ trong thai kỳ theo hai cách. Chính bản thân vi khuẩn có thể có những ảnh hưởng chưa được biết đến. Một khả năng khác là hệ miễn dịch của mẹ có thể ảnh hưởng tới bào thai khi tìm cách chống lại nhiễm trùng này.

Nghiên cứu này đã nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc duy trì sức khỏe và tránh các nhiễm trùng khi mang thai.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Journal of Autism and Developmental Disorders.

Theo Anninhthudo.vn

Cứ mỗi ngày trôi qua lại có 43 chết vì tự tử ở Hàn Quốc

Điều gì đang thực sự xảy ra? Điều gì đã khiến người Hàn muốn tìm đến cái chết?

Điều gì đang xảy ra tại Hàn Quốc?

Đầu tháng 1/2013, ngôi sao bóng chày Hàn Quốc Cho Sung Min tự tử khiến cả đất nước Hàn Quốc bàng hoàng. Điều đáng nói, Cho Sung Min là chồng của nữ diễn viên quá cố Choi Jin Sil. Năm 2008, cô đã tự tử khiến cả giới giải trí Hàn đau thương, tang tóc. Năm 2010, em trai cô – nam diễn viên Choi Jin Young cũng tự kết thúc cuộc đời mình.

Chuyện tử tử với giới nghệ sỹ Hàn Quốc đã trở thành chuyện… thường ngày. Năm 2005, ngôi sao điện ảnh Lee Eun-Joo treo cổ tại nhà. Năm 2007, diễn viên Jung Da Bin, ca sĩ U-Nee tự sát. Năm 2008, ngôi sao truyền hình Jang Chae-won, nam diễn viên Ahn Jae Hwan tự tử. Năm 2009, nữ diễn viên Jang Ja Yeon tự kết liễu cuộc đời…

jang ja yeon va choi jin sil
Nữ diễn viên Jang Ja Yeon và nữ diễn viên Choi Jin Sil.

Không chỉ với giới nghệ sỹ, số người Hàn Quốc nói chung chết vì tự tử đang ngày một tăng lên. Số vụ tự tử tại Hàn Quốc hiện đã vào hàng cao nhất trong số các nước tham gia vào Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD trong vòng 9 năm trở lại đây. Hơn 15.000 người Hàn Quốc qua đời vì tự tử mỗi năm tương đương khoảng 43 người tự tử mỗi ngày.

Không giống như những nước giàu khác, tỉ lệ tự tử ở Hàn Quốc vẫn tăng nhanh qua từng năm và hiện tại đã gấp 3 lần nước Mỹ. Chỉ trong giai đoạn từ năm 2000-2010, số vụ tự tử tăng 101,8%. Tỉ lệ tự tử cao nhất nằm ở lứa tuổi teen, độ tuổi lao động (từ 20-30 tuổi) và tuổi già (ngoài 65).

Trung tâm Phòng chống Tự tử Hàn Quốc đã cho in dòng chữ “Mạng sống rất quý giá! Chúng ta hãy bảo vệ nó!” trên bìa sách, áp phích, đăng tải trên website… nhưng dường như không phát huy tác dụng.

Cầu Mapo ở thủ đô Seoul giờ đây được biết tới với cái tên “Cầu tử thần” bởi đã có hơn 100 vụ tự tử xảy ra trên cầu trong 5 năm.

Năm ngoái, chính quyền thành phố Seoul đã phải dán các thông điệp ý nghĩa dọc thân cầu, đi kèm là những hình ảnh em bé, hình ảnh nụ cười… những mong người muốn tự tử hãy suy nghĩ lại.

Vì sao?

SKOREA-SOCIETY-SUICIDE
Một thông điệp viết trên cầu Mapo ở thành phố Seoul – “Hãy quên mọi chuyện đi”.

Các nhà xã hội học tại Hàn Quốc cho rằng lý do chính khiến tỉ lệ các vụ tự tử tăng cao tại Hàn Quốc chính là vấn đề văn hóa.

Giáo sư Kang Do Hyung ở trường Đại học Y Seoul nhận định: “Văn hóa Hàn Quốc coi trọng tinh thần tập thể và ý thức cộng đồng nên khi có một người tự tử, các thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đều nghĩ có một phần trách nhiệm ở mình.

Một sự ra đi có thể kéo theo nhiều người cùng suy sụp. Bên cạnh đó, chuyện tự tử vẫn bị tránh đề cập tới, nó bị cho là nhạy cảm, đen đủi, vì thế, những người đang suy sụp, cần sự giúp đỡ lại không thể cởi mở để nói ra những vấn đề của mình.”

ngoi mot minh

Trong tháng 3 này, Hàn Quốc thực hiện chiến dịch chống nạn bạo lực học đường sau khi một học sinh trung học tự tử hồi đầu tháng. Cậu bé đã nhảy qua ban công nhà riêng sau khi chịu đựng sự bắt nạt của bạn bè ở trường trong 2 năm. Chỉ trong đầu tháng 3, Hàn Quốc đã ghi nhận 2 vụ tự tử của 2 em đang ở độ tuổi đến trường. Điều này khiến cả đất nước bàng hoàng.

Trong lá thư tuyệt mệnh, em học sinh viết: “Mọi người không thể nào nhìn thấy bạo lực học đường theo đúng cách nó đang diễn ra. Những camera được lắp ở hành lang, sân trường hay lớp học vẫn có những điểm mù không thể nào quay tới. Ở những điểm mù đó và trong phòng vệ sinh, bạo lực học đường diễn ra dữ dội nhất.”

Giờ đây, nguyên nhân số 1 dẫn đến cái chết của những thiếu niên ở độ tuổi từ 10-19 tại Hàn Quốc là tự tử. Các em phải đối mặt với áp lực từ môi trường học tập cạnh tranh cao, kỳ vọng của gia đình và nạn bạo lực học đường diễn ra vô cùng phức tạp.

South Korea's elderly are increasingly turning to suicide.
Cô Lee Geum-sook, một tình nguyện viên chuyên đến thăm nom người già đang cố an ủi bà Yoon Jeom-do 89 tuổi. Bà Yoon hiện sống một mình trong căn hộ nhỏ ở thành phố Seoul.

Trong 10 năm qua, số vụ tự tử ở người già tại Hàn Quốc cũng tăng gấp đôi như một hệ lụy của tốc độ công nghiệp hóa chóng mặt. Hàn Quốc nhanh chóng trở thành một quốc gia giàu có. Ban đầu, cả đất nước hân hoan với sự thịnh vượng mới mẻ. Những người làm ăn tài giỏi được cả xã hội trọng vọng còn những người năng suất kém, người già dần bị đánh giá thấp.

Giáo sư Kim Dong-huyn ở trường Đại học Hallym cho rằng: “Xã hội của chúng ta ngày càng tăng tính cạnh tranh nhằm phát triển kinh tế, càng lúc chúng ta càng lãng quên những thành phần yếu đuối trong xã hội”.

Văn hóa Hàn Quốc từng chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Khổng, rất quan trọng đạo làm con. Người Hàn Quốc từng quan niệm rằng cha mẹ khi về già sẽ dựa vào con cái. Nhưng điều đó ngày nay đã thay đổi khi con cái thích sống trong những gia đình hạt nhân 2 thế hệ. Bố mẹ già thường phải sống riêng khiến họ cảm thấy như mình bị cả xã hội lẫn con cái “tẩy chay”.
Tuổi già cô đơn, họ lại nhận được quá ít phúc lợi xã hội. Hàn Quốc hiện là nước chi tiêu ít nhất cho các chính sách an sinh xã hội trong khối các nước OECD khiến tỉ lệ người già sống trong nghèo khó ở mức cao nhất trong các nước giàu. Theo điều tra năm 2005, 45% người già (trên 65 tuổi) ở Hàn Quốc sống trong nghèo khó.

tuong dong tren cau mapo
Một bức tượng đồng đặt trên cầu Mapo nhằm truyền đi thông điệp yêu thương tới người dân ở thành phố Seoul.

Cách đây 2 năm, Seoul thông qua luật chống tự tử nhưng kinh phí đầu tư quá eo hẹp làm giảm hiệu quả của đạo luật. Năm ngoái, Hàn Quốc cũng chi 3 triệu đô la vào các chương trình chống tự tử nhưng so với nước láng giềng Nhật Bản, nó chỉ bằng 0,5% lượng tiền mà Nhật rót vào những chương trình chống tự tử ở nước họ.

Hiện tại Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc đã thực hiện các chương trình giáo dục cộng đồng, Quốc hội đã tổ chức các cơ sở tư vấn mong giảm số vụ tự tử. Tuy vậy, theo các chuyên gia, các chính sách này mới giải quyết phần ngọn mà không chú trọng phần gốc.

(Theo Dantri)

Con của mẹ đã không còn tự kỷ!

(Webtretho) Người mẹ ấy đã như khuỵu xuống khi nghe bác sĩ chẩn đoán đứa con 16 tháng tuổi đã bị tự kỷ, tăng động. Nhưng nỗi muộn phiền, đau khổ không làm chị bớt niềm tin và quyết tâm giành lại cuộc đời cho con...

Ảnh: Getty images

"16 tháng đi khám ở viện Nhi TW, bác sĩ chuẩn đoán là có dấu hiệu tự kỷ, tăng động. Em lo lắng và đau khổ 1 thời gian dài, quyết tâm tìm 1 viện nào đó cho con khám lại. Em lang thang nhiều diễn đàn đọc và em quyết tâm cứu bằng được con em, em không đi khám lại nữa mà đi học cách cứu con. Em nghỉ việc ở nhà dạy con, và kết quả là sau gần 3 tháng con đã nói, nói rất nhiều. Giờ con được 21 tháng rồi, hát hò và hóm hỉnh lắm. Bé giao tiếp mắt tốt, hầu như từ nào bố mẹ nói con đều nhắc lại được, bây giờ đang bắt đầu nói 2-3 từ 1 lúc. Em và gia đình vui lắm, giờ nhìn con em thấy mình may mắn vì đã vượt qua được 2 chữ: 'tự kỷ'.

Đầu tiên em mua đồ chơi về cho bé và khuyến khích bé chơi, em mua cho bé cái ghế ngồi cố định, mình ngồi ngang với bé và dạy bé chơi, em mua mấy cuốn sách cho trẻ từ 0 - 1 tuổi, dạy bé con gì, cái gì... nhắc đi nhắc lại nhiều lần, mỗi lần nói thì em nhìn thẳng vào mắt bé, cho bé nhìn thấy mắt và miệng mình phát âm. Các mẹ chú ý khi chỉ trỏ gì hay dạy con điều gì thì phải để bé nhìn thấy tay mình chỉ, ngồi xuống chỉ, để bé nhìn thấy miệng và mắt mình.

Các mẹ chơi nhiều trò chơi sáng tạo vào thu hút bé, khuyến khích và động viên bé, khen bé, vỗ tay khen thường xuyên. Chơi các trò chơi như: ú òa, yeah... để bé nhìn mắt nhiều hơn.

Bé nhà em thích nghe hát lắm, ngày nào em cũng hát, múa, kể cả lúc nhặt rau nấu cơm cũng hát và múa. Thời gian đầu em dạy bé mà thấy như nước đổ đầu vịt, chán nản lắm, nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần mà bé không biết. Nhưng mấy lần sau tụ nhiên thấy bé làm theo, thế là em đã hiểu và không nản nữa, cứ dạy. Thật sự là phải KIÊN TRÌ các mẹ ạ...

Em thấy chìa khóa tiên quyết là tình yêu thương và sự quan tâm của bố mẹ dành cho bé các mẹ ạ."

Hãy cùng chia sẻ thêm niềm tin của người mẹ này và nhiều những người mẹ khác ở đây bạn nhé!

Trẻ tự kỷ có tiếng khóc khác so với bình thường

 

Một nghiên cứu mới đây cho thấy cao độ âm thanh tiếng khóc của trẻ em cũng là manh mối để nhận biết sớm về bệnh tự kỷ trong khoảng thời gian 6 tháng tuổi đầu đời.


Tiếng khóc của trẻ tự kỷ có sự khác biệt so với bình thường.
Ảnh minh họa: wp.

Các nhà khoa học đã ghi âm tiếng khóc của 39 trẻ trong độ 6 tháng tuổi trở lại. Trong đó 21 bé nguy cơ tự kỷ do anh chị em ruột của chúng bị căn bệnh này, số còn lại đều khỏe mạnh và gia đình chưa ai có tiền sử mắc chứng tự kỷ.

Ghi nhận từ thiết bị theo dõi âm thanh cho thấy những trẻ em có tiếng khóc với cao độ cao hơn bình thường có nguy cơ bị tự kỷ cao hơn nhóm còn lại. Những đứa trẻ này tiếp tục được theo dõi đến 3 tuổi thì có 3 em biểu hiện mắc bệnh tự kỷ. Trùng hợp là khi còn nhỏ, 3 em này thường khóc với cường độ âm thanh cao nhất trong nhóm trẻ được chọn nghiên cứu. Hơn nữa phân tích của thiết bị cảm âm cho thấy tiếng khóc của 3 đứa trẻ này có vẻ căng thẳng, chát chúa hơn so với những âm thanh xung quanh.

Với một người bình thường thì rất khó để nhận ra sự khác biệt trong tiếng khóc của những đứa trẻ mắc chứng tự kỷ. Chỉ có thiết bị ghi âm đặc biệt mới phân tích được. Vì thế phụ huynh được khuyên là không nên quá lo lắng mà suốt ngày chăm chăm theo dõi sự khác lạ trong tiếng trẻ con khóc.

Sheinkopf, đại diện nhóm nghiên cứu nói trên Tạp chí Autism Research rằng: “Chúng tôi không muốn cha mẹ phải lo lắng thái quá khi nghe tiếng khóc của con họ”. Nếu những nghiên cứu này được xác thực trong tương lai thì nó giúp các nhà nghiên cứu dễ xác định trẻ có nguy cơ bị tử kỷ sớm trước khi những hành vi điển hình của bệnh này bộc lộ rõ ra.

Các nhà nghiên cứu kỳ vọng những phát hiện này cùng những yếu tố khác sẽ giúp các bác sĩ xác định sớm nguy cơ mắc chứng tự kỷ của ở các bé ngay từ 6 tháng tuổi đầu đời. Từ đó có những can thiệp về tâm sinh lý theo hướng tích cực giúp trẻ cải thiện khả năng hòa nhập cộng đồng.

Những phát hiện này mới này cũng trùng khớp với các nghiên cứu trước đây cho rằng tiếng khóc của trẻ có ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Chẳng hạn một nghiên cứu trong năm 2010 cho thấy các bé một tháng tuổi hay quấy khóc tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tăng động giảm chú ý (ADHD).

Các nghiên cứu này còn nhỏ hẹp, nên nhóm nhà khoa học cho biết cần có những công trình nghiên cứu quy mô hơn để kiểm chứng kết quả.

(Theo VnExpress)

 

Tự kỷ: Nên điều trị sớm

 

Việc điều trị nên được bắt đầu ngay từ khi trẻ có các dấu hiệu “báo động sớm”

Trên một diễn đàn, chị T.T.T.L (34 tuổi), một người mẹ có con bị tự kỷ đang sống tại TPHCM, chia sẻ chị đã bắt đầu cảm nhận con trai mình không bình thường từ khi cháu khoảng 8-9 tháng tuổi. “T.H. (tên con chị L.) không thèm nhìn tôi mỗi khi tôi trò chuyện, đùa giỡn với cháu. Bé như lui vào một thế giới riêng, nghịch ngợm một mình với những món đồ chơi, không quấn quýt với mẹ, với ba, với bà ngoại… Tôi đã thật bối rối vì H. là đứa con đầu tiên mà vợ chồng tôi đã rất vất vả mới có được…” - chị tâm sự.

Căn bệnh suốt đời

Một lần đưa con đến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 khám vì bị cảm sốt, chị đã bế luôn T.H. sang khoa tâm lý. Qua một số lần khám, bác sĩ (BS) cho biết bé có thể bị tự kỷ. Khi đó, T.H. chưa đầy 1 tuổi. Chị được khuyên bắt đầu điều trị cho bé ngay từ lúc đó. Do việc chẩn đoán tự kỷ là một quy trình phức tạp, khó khăn nên đến 3 tuổi, bác sĩ mới dám kết luận T.H. bị tự kỷ. “Nhưng cũng nhờ mình tập chăm sóc, tập chơi với cháu, giúp cháu bớt thu rút vào thế giới riêng nên giờ T.H. có vẻ khá hơn các bệnh nhi khác. Cháu may mắn có trí tuệ bình thường nên tôi hy vọng lớn lên cháu bớt thua thiệt hơn” - chị L. tâm sự trên diễn đàn.

Khám cho trẻ qua bài test tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM

Theo BS Nguyễn Thị Giang, Trưởng Khoa Khám trẻ em và BV ban ngày BV Tâm thần TPHCM, tự kỷ là một dạng rối loạn tâm thần sớm ở trẻ em và diễn tiến suốt đời. Trẻ tự kỷ có những biểu hiện bất ổn từ lúc 7-8 tháng tuổi, khi những đứa trẻ khác đã biết vui mừng, ôm lấy mẹ khi được ẵm, còn em bé tự kỷ thì lại thờ ơ, phản ứng cảm xúc không phù hợp với môi trường.

Trẻ thường có các dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ; có các động tác định hình thô sơ, đơn điệu như chơi với hai bàn tay, một cọng dây, tờ giấy… Nhiều trẻ còn kèm theo các rối loạn hành vi như gây hấn, kích động, tự đánh, cắn vào mình. Trẻ không phản ứng cảm xúc như lo sợ, buồn, vui phù hợp với thực tại khách quan; có xu hướng thu rút, không hòa nhập với thế giới bên ngoài; sự phát triển không phù hợp với lứa tuổi…

BS Phạm Ngọc Thanh, cố vấn Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1, cho biết thêm: Về mặt trí tuệ, khoảng 70% - 75% trẻ tự kỷ bị chậm phát triển, số còn lại có thể có trí thông minh bình thường, một số ít lại vượt trội và thường nổi bật trong các lĩnh vực toán học, âm nhạc, nghệ thuật…Tự kỷ cũng thường gặp ở bé trai hơn, một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy tỉ lệ tự kỷ ở trẻ em nói chung là 1/100, trong khi riêng ở bé trai là 1/70.

Chẩn đoán rất phức tạp

Theo BS Thanh, để có thể khẳng định chắc chắn một em bé là tự kỷ, thông thường BS phải đợi đến khi trẻ được 3 tuổi. “Chẩn đoán bệnh tự kỷ rất phức tạp; bên cạnh đó khi đưa ra chẩn đoán một em bé bị tự kỷ, gia đình thường rất sốc nên phải thật chắc chắn mới khẳng định bệnh. Tuy nhiên, đối với các bé có các dấu hiệu “báo động sớm” của bệnh tự kỷ, chúng tôi khuyên gia đình nên cho trẻ bắt đầu điều trị ngay, nếu đợi đến 3 tuổi, khi đã khẳng định được bệnh mới điều trị thì trẻ sẽ tiến bộ chậm hơn rất nhiều” - BS Thanh lưu ý.

Theo BS Giang, tại BV Tâm thần, những dấu hiệu của bệnh tự kỷ thường có thể phát hiện từ khi trẻ 7-8 tháng tuổi. Tuy nhiên, cần ít nhất 6 tháng khám, bao gồm các công đoạn như khai thác kỹ tình trạng và những biểu hiện của trẻ từ lúc mới sinh, theo dõi trẻ, thực hiện các bài test và khám kỹ nhiều lần thì BS mới có thể đưa ra kết luận.

Cũng có nhiều trường hợp cha mẹ tưởng con bị bệnh tự kỷ nhưng không phải. BV Tâm thần đã từng khám trường hợp nghi ngờ bé bị tự kỷ vì bé có biểu hiện xa cách, thiếu hòa nhập nhưng nguyên nhân đơn giản là do ba mẹ của bé bận đi làm suốt ngày, cháu sống chủ yếu với bà, bà lại bận việc nhà, ít chơi với cháu. Trường hợp này không phải là bệnh, chỉ cần chơi với trẻ nhiều hơn hoặc đưa trẻ đi nhà trẻ là được. Một số trẻ bị rối loạn tăng động, rối loạn ngôn ngữ đặc hiệu… cũng có thể bị nhầm là tự kỷ.

“Cho đến nay, bệnh tự kỷ chưa có phương pháp nào chữa khỏi. Việc điều trị cho trẻ tự kỷ mang ý nghĩa nâng đỡ, giúp trẻ đa dạng hóa kỹ năng, tự chăm sóc bản thân và dễ hòa nhập hơn. Ngoài ra, nhiều trẻ tự kỷ có kèm các rối loạn tâm thần khác nên cần được điều trị bằng thuốc. Khi có các dấu hiệu bất ổn, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay vì trẻ được can thiệp càng sớm càng có cơ hội hòa nhập cao. Ngược lại, nếu đó không phải là tự kỷ thì những biểu hiện trên cũng cho thấy trẻ đang gặp một vấn đề tâm lý - tâm thần nào đó và cũng cần được điều trị” - BS Giang khuyến cáo.

Các dấu hiệu của bệnh

Theo BS Phạm Ngọc Thanh, phụ huynh nên nghĩ đến bệnh tự kỷ nếu trẻ có các biểu hiện sau: Không đáp ứng với nụ cười hoặc biểu lộ sự vui tươi lúc 6 tháng tuổi; không bắt chước âm thanh hay biểu lộ nét mặt lúc 9 tháng; không bập bẹ, chỉ bằng ngón trỏ hay vẫy tay lúc 12 tháng; không nói được từ đơn lúc 16 tháng, từ đôi lúc 24 tháng; mất ngôn ngữ và kỹ năng xã hội đáng lẽ đã thành thục ở lứa tuổi đó...

(Theo Thanhnien)

 

Đàn ông cao tuổi dễ sinh con tự kỷ, tâm thần

Nam giới làm cha khi đã nhiều tuổi dễ truyền các đột biến di truyền mới cho con.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy nam giới sinh con khi đã nhiều tuổi dễ truyền các đột biến di truyền mới cho con, làm tăng nguy cơ trẻ bị mắc các rối loạn như tự kỷ và tâm thần.

Các nhà nghiên cứu ở Iceland đã kiểm tra bộ gen của 78 gia đình để tìm kiếm các đột biến mới khi chúng lần đầu xuất hiện và nghiên cứu xem số lượng những đột biến ở trẻ có liên quan đến tuổi của bố.

Trong 78 gia đình này có 44 trẻ bị tự kỷ và 21 trẻ bị tâm thần. Trong phần lớn các gia đình, bố mẹ không mắc những rối loạn này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy cứ tăng mỗi 1 tuổi thì người bố được dự đoán là sẽ truyền thêm hơn 2 đột biến gen mới sang cho con. Hơn 97% những đột biến mới này ở trẻ được giải thích là do có bố lớn tuổi.

Nghiên cứu được đăng ngày 22/8 trên tạp chí Nature.

(Theo ANTD)

 

Thời gian sinh ảnh hưởng bệnh tự kỷ ở trẻ

Trẻ sinh sớm hoặc muộn bị các triệu chứng bệnh nặng hơn.

Trẻ bị tự kỷ được sinh sớm hoặc muộn hơn vài tuần có thể bị các triệu chứng bệnh nặng hơn so với những trẻ bị tự kỷ được sinh đúng ngày, một nghiên cứu mới đây cho thấy.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những trẻ này cũng dễ tự gây tổn thương hơn.

Nhóm nghiên cứu đã xem xét cơ sở dữ liệu trực tuyến gồm 4.200 bà mẹ có con bị tự kỷ, độ tuổi từ 4-21. Họ đã chia những trẻ này thành 1 trong 4 nhóm dựa theo thời điểm sinh: sinh quá non (trước 34 tuần của thai kỳ), sinh non (34-37 tuần), sinh bình thường (37-42 tuần) và sinh già tháng (hơn 42 tuần).

Các bà mẹ cũng hoàn thành bảng câu hỏi về các triệu chứng của trẻ. Nghiên cứu cho thấy những trẻ sinh quá non, sinh non và sinh già tháng mắc tự kỷ bị các triệu chứng bệnh nặng hơn đáng kể so với những trẻ sinh được sinh trong khoảng từ 37-42 tuần của thai kỳ.

Mặc dù nghiên cứu phát hiện ra mối liên quan giữa thời gian mang thai và mức độ nặng của bệnh tự kỷ song nó không chứng minh mối quan hệ nhân quả.

Nghiên cứu được đăng trực tuyến trên tờ Journal of Autism and Development Disorders.

(Theo ANTD)

Nhận biết trẻ tự kỷ qua đôi mắt

Chứng tự kỷ là một rối loạn phát triển kéo dài, ảnh hưởng nhiều đến giao tiếp xã hội, ngôn ngữ và hành vi, trẻ thường chậm nói, khó bộc lộ cảm xúc….

Vì vậy, việc cha mẹ quan tâm phát hiện sớm những biểu hiện của trẻ sẽ giúp các em nhanh chóng cải thiện được tình trạng của mình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Lần đầu tiên, Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và Dân số, CLB Gia đình trẻ tự kỷ TP. Hà Nội tổ chức triển lãm ảnh “Qua đôi mắt em” của trẻ sống cùng với chứng tự kỷ ở VN.

Các chuyên gia sức khỏe sẽ hướng dẫn những bài học cho cha mẹ như cần làm gì khi phát hiện con tự kỷ; khó khăn và vượt qua khó khăn khi đưa con đến trường; làm thế nào để phát huy khả năng đặc biệt của con…

Cùng với đó cha mẹ và những ai quan tâm tìm hiểu về chứng tự kỷ ở trẻ em được tham gia những trải nghiệm để nhận biết trẻ tự kỷ qua đôi mắt. Từ đó sớm phát hiện, gần gũi con em để trẻ không cảm thấy bị xa lánh.

Triển lãm sẽ diễn ra từ 25.3 đến 30.3.2012 tại 93 Đinh Tiên Hoàng, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Thống kê tại Hà Nội cho thấy, năm học 2011 – 2012, ở thủ đô có hơn 1.000 trẻ tự kỷ đang học cấp tiểu học.Tự kỷ là khuyết tật có tỉ lệ cao nhất ở trường học, chiếm 30% số trẻ mắc các khuyết tật học đường.

(Theo laodong)