Lưu trữ cho từ khóa: từ bỏ

8 thói quen nên từ bỏ trong năm mới

Có những thói quen xấu làm hỏng các mối quan hệ của bạn với người yêu, với vợ chồng, với bạn bè… Bạn có thể không nhận ra điều đó cho đến khi ai đó chỉ ra cho bạn thấy.

Nếu bạn thấy 8 điều dưới đây là quen thuộc với mình, hãy mau từ bỏ nhé.

1. Thói quen yêu đương nơi công cộng

Hai bạn hôn hít nhau trong thang máy, trong rạp hát, ở hàng ghế cuối cùng của nhà thờ… Các bạn gọi nhau bằng những nickname thân mật, ngọt ngào đến mức sến. Bạn đang làm bạn bè buồn nôn, còn phụ huynh sẽ phải để tâm đến con cái nhiều hơn.

Lời khuyên: Nếu định yêu đương nơi công cộng, bạn hãy thử tưởng tượng mẹ của mình đang ngồi kế bên. Hy vọng trong năm mới, các bạn sẽ không có những hành động gì nơi công cộng khiến người ngoài ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái.

2. Thói quen sử dụng công nghệ hiện đại

Bạn sẽ trở thành người vô cùng mất lịch sự khi cứ dán chặt mắt vào chiếc iPhone của mình. Bạn gửi email khi đang ăn tối cùng gia đình; comment Facebook trong rạp chiếu phim; bạn thì thầm với người yêu những âm thanh “Mm hmm mm hmm, yep…” trong khi vẫn chơi game Angry Bird.

Lời khuyên: Tốt nhất hãy thử trải qua một buổi tối mà không có sản phẩm công nghệ cao bên cạnh và hãy tập trung vào công việc mà bạn đang làm.

8-thoi-quen-nen-tu-bo-trong-nam-moi

3. Thói quen xem TV

Mỗi đêm, trong nhà bạn đều diễn ra một trò chơi 3 người: gồm vợ chồng bạn và chiếc đầu đĩa cũ kỹ. Đúng là rất dễ chịu khi cuộn mình trong chăn và xem TV cùng nhau, nhưng vợ chồng bạn không thể lúc nào cũng hành động như những cặp đôi già nua đã kết hôn cả mấy chục năm…

Lời khuyên: Hãy thử sống một tuần không có TV.

4. Thói quen phủ kín

9h05, bạn nhắn tin: “Chào buổi sáng, anh bắt đầu công việc ổn không?. 10h10: “Ôi ngồi trong văn phòng chán quá, còn anh thế nào?”. 10h11: “Sao mãi chưa đến lúc hết ngày làm việc nhỉ?”. 10h45 bạn nhấc điện thoại: “Anh ăn gì trưa nay” dù vẫn còn cả tiếng đồng hồ mới đến giờ ăn trưa.

Lời khuyên: Hãy thử một giờ không liên lạc với nhau. Nếu cảm thấy quá khó khăn hãy thử 10 phút và cố đi làm công việc của mình. Giữ liên lạc với nhau là tốt nhưng bạn cũng nên dành thời gian để cả hai có cơ hội nhớ nhung nhau.

5. Thói quen chọc ghẹo

Liệu có phải lúc nào việc chòng ghẹo nhau cũng mang lại niềm vui? Bạn châm chọc anh ấy vì mái tóc mới cắt, bộ quần áo đang mặc, thói quen ăn uống, công việc không như ý, bức tường ngăn trong căn hộ, cách anh ấy lau rửa chiếc xe, cách anh ấy đánh răng… Sau tất cả, điều này không còn là chuyện vui vẻ nữa. Nó thực sự khiến người khác nản lòng và bực mình.

Lời khuyên: Đừng cố biến mình thành một diễn viên hài và hãy dừng châm chọc, ít nhất là hãy giảm đi 20% thói quen này.

6. Thói quen bỏ rơi bạn bè

Bạn có thấy những điều dưới đây quen thuộc với mình không? Bạn liên lạc với người bạn thân của mình khoảng 1 lần mỗi tháng – chỉ là bấm like một thứ gì cô ấy post lên Facebook. Khi bạn tham gia trong hoạt động tập thể, bạn lại cho rằng mình còn một việc khác quan trọng hơn, bạn liên tục nhìn đồng hồ và thì thầm với một người khác rằng làm sao để trốn về sớm.

Lời khuyên: Hãy trải qua một kỳ nghỉ cuối tuần cùng với bạn bè của mình, đừng dính chặt vào người yêu (vợ/chồng) quá. Hãy nhớ rằng nhiều mối quan hệ khác của bạn cũng cần phải được nuôi dưỡng.

7. Thói quen thích phân tích

Bạn dành nhiều thời gian để nói về mối quan hệ của bạn hơn là những trải nghiệm thực tế với mối quan hệ ấy. Chia sẻ, đối thoại là một chuyện nhưng khi bạn cứ suy nghĩ mãi về nó là điều chẳng hay – Gia đình mình sẽ như thế nào trong 5 năm nữa? Anh có ý gì khi đã nói điều đó…

Lời khuyên: Hãy cố sống cho hiện tại thay vì cứ băn khoăn về tương lai hay quá khứ.

8. Thói quen không hẹn hò

Bạn đã “trói” được người bạn yêu và không cần phải có những buổi hẹn hò vụng dại nữa. Thời kỳ tán tỉnh đã chấm dứt.

Lời khuyên: Hãy thử cùng người bạn đời đi ra ngoài ăn tối, xem phim hay thậm chí tổ chức một chuyến du lịch tới đảo Guam.

8h tối. Hãy đặt chỗ ở một nhà hàng. Rượu vang và nến. Đừng để sự lãng mạn chết yểu trong mối quan hệ của hai bạn.

(Theo VNE)

Đừng từ bỏ niềm hy vọng khi muộn con

Hạnh phúc trong hôn nhân có thể sẽ không tròn trịa nếu như không gian sống của các cặp vợ chồng thiếu vắng tiếng cười nói bi bô của trẻ thơ. Hiếm muộn – vô sinh là nỗi bất hạnh không chỉ của vợ chồng mà còn là nỗi buồn của gia đình hai bên, tuy vậy đừng bỏ cuộc hay vội từ bỏ quyền được làm cha mẹ của chính mình.

Giữ vững niềm tin ai cũng có quyền làm cha mẹ

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Hội nghị Hiếm muộn toàn quốc lần 2 (8/2011) do Bộ Y tế và Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em tổ chức, tỉ lệ hiếm muộn ở độ tuổi sinh sản chiếm gần 10%. Trong đó, theo Bộ Y tế, tỷ lệ hiếm muộn vì lý do sức khỏe ở nữ giới chiếm 51%, ở nam giới chiếm 33% và ở cả hai chiếm 8%. Tỷ lệ này thật sự báo động về tình trạng sức khoẻ sinh sản ở cả hai giới và cần nhận được sự quan tâm từ phía các cơ quan y tế. Khi bị hiếm muộn dù là do phụ nữ hay đàn ông thì đa phần vợ chồng dễ rơi vào trạng thái buồn chán, khủng hoảng tâm lý, nặng nề hơn là trầm cảm trong cuộc sống hôn nhân. Tiếng cười trẻ thơ, giọng nói bi bô của con luôn là niềm hạnh phúc giản dị mà hiếm cặp vợ chồng nào không khao khát. Vì con trẻ giúp gắn kết hôn nhân bằng cả yêu thương lẫn trách nhiệm. Do vậy, đừng bao giờ từ bỏ niềm hy vọng làm cha mẹ khi bạn chưa có được may mắn này.

Ảnh được cung cấp bởi BVQT Hạnh phúc

Đừng quá lo lắng khi muộn con – Hãy tích cực chữa trị

Với mong muốn thắp thêm hy vọng và giúp đỡ các cặp vợ chồng hiếm muộn có cơ hội trải nghiệm niềm vui làm cha mẹ, trung tâm (TT) Hỗ trợ Sinh sản (IVF) tại bệnh viện (BV) quốc tế Hạnh Phúc ra đời nhằm tư vấn và đưa ra những phương pháp hỗ trợ sinh sản phù hợp nhất với từng khách hàng. Thạc sỹ, bác sỹ Yeong Cheng Toh đến từ Singapore – Giám đốc Y khoa tại TT Hỗ trợ Sinh sản (IVF) BV quốc tế Hạnh Phúc – cho biết, ông hy vọng những kinh nghiệm về điều trị hiếm muộn mà ông đã tích lũy được từ thời gian làm việc tại Anh, Australia và Singapore sẽ giúp ích cho khách hàng Việt Nam. Chia sẻ thêm về trường hợp một nữ bệnh nhân điều trị hiếm muộn hơn 1 năm tại trung tâm, ông cho biết không thể quên được gương mặt đầy nước mắt nhưng chan hòa hạnh phúc của cô khi biết tin việc thụ tinh trong ống nghiệm của vợ chồng cô đã thành công. Nữ bệnh nhân này bị chứng tử cung nhi hoá sau hơn 5 năm bị vô kinh, trong khi người chồng lại có tinh trùng quá yếu. Cả hai đã từng nghĩ suốt cuộc đời này không có cơ hội làm cha mẹ thật sự. Tuy nhiên, hai vợ chồng đã không ngừng hy vọng khi tìm đến BV quốc tế Hạnh Phúc và sau 3 lần thụ thai bằng phôi tươi lẫn phôi đông, cuối cùng niềm hy vọng của họ cũng đã được đáp trả xứng đáng.

Hiếm muộn được xem là một tình trạng bệnh lý cần được điều trị đúng và điều trị sớm. Do đó, khi hai vợ chồng có dấu hiệu hiếm muộn thì điều đầu tiên cả hai nên làm ngay lập tức là tìm đến các trung tâm chuyên khoa hiếm muộn để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Những con số “ươm mầm hy vọng” tại BVQT Hạnh Phúc

Tính đến tháng 10/2012, sau 12 tháng đi vào hoạt động:

  • 250 Ca hỗ trợ sinh sản đã được điều trị tại TT Hỗ trợ Sinh sản (IVF), bệnh viện Quốc Tế Hạnh Phúc.
  • Trong đó: 100 Ca thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, với tỷ lệ thành công 45%…

 

Câu chuyện cuộc sống hậu tăng giá xăng

Chịu khó đi chợ vào buổi trưa để được hàng rẻ, hạn chế mua sắm, bớt ngồi đồng cà phê là những cách nhiều người áp dụng hiện nay, khi giá xăng liên tiếp tăng khiến vật giá leo thang.

Cùng là công nhân ngành dệt may và cơ khí, mỗi tháng vợ chồng chị Bình, ngụ quận Tân Phú, chỉ thu nhập hơn 6 triệu đồng. Với đồng lương khiêm tốn, chị chia sẻ về việc liệu cơm gắp mắm: "Bình thường chúng tôi đã phải rất gói ghém, huống chi xăng lại tăng giá liên tục 2 tháng liền đã khiến nhiều chi phí bị đội lên. Vì thế cả nhà càng phải chi tiêu dè xẻn".

Chị Bình kể, trước đây tiền phòng trọ là một triệu đồng mỗi tháng nhưng sau khi xăng tăng giá hôm 7/3 và gần nhất là ngày 20/4, chị được thông báo khẩn bắt đầu từ tháng 5 trở đi tiền nhà nhích lên thành 1,2 triệu đồng. Chi phí thực phẩm cho cả nhà ba miệng ăn trong 30 ngày trung bình là 2 triệu đồng nay có nguy cơ đội thêm 200.000-300.000 đồng.

Chị liệt kê: dưa leo, cà chua tăng 2.000 đồng một kg, rau tăng 500-1.000 đồng một bó, thịt xay tăng 1.000 đồng một gr, cá tăng 3.000-5.000 đồng một kg. "Cộng thêm tiền học cho con 1 triệu đồng mỗi tháng nên quanh đi quẩn lại quỹ dự phòng cho gia đình ngày càng vơi dần", chị tặc lưỡi.

Câu chuyện cuộc sống hậu tăng giá xăng
Thực phẩm là nhóm hàng hóa bị ảnh hưởng trực tiếp khi xăng tăng giá trong tháng 3,4. Ảnh: Hà Thanh

Để quản chặt chi tiêu, bà nội trợ này chọn cách đi phiên chợ trưa để mua được thực phẩm rẻ. Chị tiết lộ, từ đợt xăng tăng giá hồi tháng trước (7/3), chị đã bỏ hẳn thói quen đi chợ buổi sáng. Theo chị Bình, chịu khó bớt thời gian nghỉ giữa ngày đội nắng đi chợ buổi trưa là một cách tiết kiệm hiệu quả. Bởi lẽ mọi hàng hóa còn thừa sau 12h trưa đều rẻ hơn sáng sớm. Song được cái nọ lại mất cái kia, hàng rẻ nhưng không tươi ngon và cũng chẳng có nhiều sự lựa chọn. "Mình khó khăn mới phải thế, còn biết làm sao bây giờ", giọng chị buồn so.

Để đối phó với nguy cơ lủng túi thời hậu xăng tăng giá, chị Bích Trâm, nhân viên kinh doanh và chứng từ một công ty xuất nhập khẩu quận Bình Thạnh lên kế hoạch chi tiêu cặn kẽ hơn. Cô kể, đổ đầy bình xăng cho chiếc xe số giờ gần 80.000 đồng, tăng khoảng 10.000 đồng so với cách đây 2 tháng.

Công việc gặp gỡ khách hàng buộc cô phải chi phí nhiều cho xăng xe, thậm chí gặp khách ở Bình Dương, Đồng Nai và về trong ngày. Thế nhưng, khoản trợ cấp đi lại và ăn trưa của công ty từ 2 năm nay vẫn không thay đổi, 600.000 đồng một tháng, trong khi giá xăng đã tăng 2 lần từ tháng 3 đến nay.

"Với mức lương 5 triệu đồng một tháng, tôi buộc phải cân nhắc kỹ hơn trong chi tiêu hàng ngày. Giảm mua sắm, hạn chế tụ tập bạn bè, bỏ hẳn thói quen đi xem phim, picnic hay ngồi đồng ở những quán cà phê dịp cuối tuần", nhân viên này bộc bạch.

Câu chuyện cuộc sống hậu tăng giá xăng
Hàng hóa đang được điều chỉnh đắt hơn sau khi xăng tăng giá. Ảnh: Hà Thanh

Không chỉ có công nhân, người làm thuê thấp thỏm lo hầu bao cạn kiệt, đến cả người buôn bán nhỏ cũng mệt nhoài vì giá cả đang nhích dần lên sau khi xăng tăng giá. Chị Hằng, chủ tiệm cơm trên đường Điện Biên Phủ, quận 10, cho hay, một tuần nay, một số thực phẩm đã điều chỉnh tăng giá. Mức tăng ít cũng 500-1.000 đồng, có loại nhích thêm vài nghìn đồng. "Tiểu thương bảo xăng dầu tăng, phí chuyển hàng từ chợ đầu mối về chợ lẻ cũng đội lên nên nâng giá bán một chút", chị nói.

Bà chủ tiệm cơm cho hay, hàng cơm mọc nhan nhản khắp nơi, cạnh tranh gay gắt nên nếu tăng giá sẽ khó giữ chân khách. "Tôi tận dụng người nhà để phụ quán, chứ không dám thuê thêm. Các thành viên trong gia đình chia nhau lấy hàng, thay vì thuê xe bên ngoài như trước, để giảm bớt chi phí", chị Hằng tâm sự.

Với nhiều tiểu thương, tình hình kinh tế khó khăn vốn đã khiến việc bán buôn ế ẩm. Vì vậy, bản thân họ cũng chấp nhận chịu thiệt hoặc lời ít đi để chứ không mạnh tay tăng giá quá nhiều.

Chị Trâm, tiểu thương chợ Thái Bình, quận 1, tính toán, 4h sáng, chị đến chợ đầu mối Hóc Môn, quận 12 lấy hàng. Quãng đường ra chợ hơn 20 km, cả đi lẫn về tốn hơn 1 lít xăng. Từ 7/3 đến nay, giá xăng tăng thêm 3.000 đồng một lít so với trước. Như vậy, hiện mỗi tháng chị phải bù thêm khoảng 100.000 đồng để đi lấy hàng. Tuy nhiên, hiện chợ ế, sức mua kém kể cả thứ bảy, chủ nhật nên nếu phản ánh hết các chi phí này vào giá sẽ rất khó bán.

"Tôi chịu lời ít đi để bán được số lượng khá bù qua. Ngoài ra, thay vì đi 2 chuyến xe máy như trước, tôi chất hàng gọn hơn, chỉ đi một xe để tiết kiệm bớt chi phí", chị chia sẻ.

(Theo Vnexpress)