Lưu trữ cho từ khóa: tử vong

Tiêu chảy cấp do virus Rota – mối đe dọa cho trẻ

Khi thời tiết chuyển mùa, khí trời se lạnh là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, virus và ký sinh trùng gây bệnh phát triển. Trong đó, tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp và dễ có nguy cơ phát triển thành dịch. Tại Việt Nam, tác nhân gây tiêu chảy cấp nhập viện thường gặp nhất là Rotavirus.

Tiêu chảy do Rotavirus - Mối hiểm họa luôn rình rập trẻ

Rotavirus gây bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ.

Theo thống kê, có đến 95% trẻ em đều bị nhiễm virus Rota ít nhất một lần trước 5 tuổi. Khảo sát tại BV Nhi đồng 1 TP.HCM, có đến 67,4% trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp nhiễm Rotavirus. Hàng năm, tiêu chảy cấp do virus Rota gây ra tước đi sinh mạng hơn 600.000 trẻ em trên toàn thế giới và tỉ lệ trẻ tử vong vì bệnh này rất cao ở các nước đang phát triển. Viru s Rota tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ làm trẻ bị tiêu chảy, nôn ói và dẫn đến mất nước nhanh chóng, thậm chí tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Siêu virus này có thể tồn tại rất lâu trong môi trường và đề kháng với các chất tẩy rửa thông thường như cồn, nước Javel nên có khả năng lây nhiễm rất cao. Virus Rota lây truyền chủ yếu qua con đường phân, miệng và tay. Chúng được thải ra ngoài theo phân của bệnh nhi và tồn tại nhiều ngày trên bề mặt các đồ vật xung quanh trẻ như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, các vật dụng trong nhà. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng. Các bé trong giai đoạn phát triển từ 3 đến 24 tháng tuổi là đối tượng bị virus Rota tấn công mạnh nhất. Nguy cơ nhiễm bệnh của các trẻ nhỏ là rất cao vì các bé có xu hướng hay ngậm tay mà vẫn còn chưa biết rửa tay.

Các triệu chứng và hậu quả do virus Rota gây ra

Trong trường hợp điển hình, khi bị nhiễm virus Rota trẻ nhỏ sẽ gặp các triệu chứng như sốt, quấy khóc, sau đó nôn ói dữ dội và tiêu chảy. Nôn ói và tiêu chảy có thể đến 20 lần một ngày, phân thường nhiều nước, có thể có nhầy không có máu.

Truyền dịch cho trẻ bị tiêu chảy.

Vì trẻ vừa nôn ói và vừa tiêu chảy nhiều lần trong ngày nên cơ thể trẻ dễ bị mất nước và phải nhập viện để điều trị. Thời gian bệnh thường kéo dài từ 3 đến 9 ngày nhưng để hồi phục hẳn có khi phải mất đến ba tuần. Nếu không được điều trị bù nước kịp thời và thích hợp trẻ sẽ mất nước nặng, toan máu thậm chí tử vong. Sau đợt bệnh, trẻ dễ có nguy cơ suy dinh dưỡng dù đã được nâng đỡ dinh dưỡng thích hợp.

Điều trị và phòng ngừa virus Rota

Kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước, bù nước bằng đường uống và chế độ dinh dưỡng thích hợp. Do trẻ vừa bị tiêu chảy vừa nôn ói nhiều lần trong ngày nên bù dịch bằng đường uống thường gặp khó khăn. Trong những trường hợp này, trẻ phải nhập viện để truyền dịch bằng tĩnh mạch.

Tiêu chảy do Rotavirus là căn bệnh có tính lây nhiễm cao và rất khó phòng ngừa được bằng các biện pháp thông thường như rửa tay đúng cách, cung cấp nước sạch hay cải thiện vệ sinh môi trường. Điều đáng mừng là hiện đã có biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh tiêu chảy do Rotavirus. Vì bệnh thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ nên trẻ cần được phòng ngừa càng sớm càng tốt. Các bậc phụ huynh có con dưới sáu tháng tuổi nên gặp ngay bác sĩ từ lần khám đầu tiên tại các bệnh viện sản, nhi và các trung tâm y tế dự phòng trong thành phố để được tư vấn về biện pháp ngăn ngừa trẻ khỏi sự tấn công của virus Rota.

BS. Hoàng Lê Phúc

Bé trai 9 tuổi dương tính với H1N1 tử vong

Lúc 10h45 phút sáng nay, tại Bệnh viện Nhi đồng tỉnh Đồng Nai, một bé trai 9 tuổi sống tại Bình Thuận đã tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. Đây là trường hợp tử vong thứ 5 có liên quan với H1N1.

6 ngày, 3 ca tử vong do cúm A

Tại cuộc họp Giao ban phòng chống đại dịch cúm ở người chiều 9/9, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) cho biết:  Khi em có biểu hiện sốt (ngày 29/8), gia đình đã tự mua thuốc, điều trị cho em tại nhà. Đến ngày 2/9, em vẫn chưa dứt sốt, gia đình mới đưa vào điều trị tại bệnh viện Khánh Linh, Bình Thuận. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được chuyển tới bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh.

Tuy nhiên, sau một ngày điều trị, bệnh nhi không biến chuyển tốt nên ngày 3/9 em đã được chuyển tới Viện Nhi đồng Đồng Nai trong tình trạng sốt li bì, chụp X-quang thấy viêm phổi, bệnh tiến triển nhanh. Nghi ngờ nhiễm cúm A/H1N1 và viêm màng não nên bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Tamiflu và kháng sinh, đồng thời lấy máu xét nghiệm. Đến ngày 5/9 Viện Paster Hồ Chí Minh trả lời kết quả dương tính cúm A/H1N1.

Dù được tiếp tục điều trị tích cực, cho thở máy nhưng đến máy nhưng đến 10h45 phút ngày 9/9, bệnh nhi đã tử vong.

Về ca tử vong này, ông Lương Ngọc Khuê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, theo chẩn đoán ban đầu rất có thể bệnh nhi tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 trên nền viêm não.

Về 2 trường hợp tử vong trước đó, cả 2 bệnh nhân đều có bệnh mãn tính phối hợp với cúm A/H1N1. Cụ thể trường hợp Nguyễn Thị X. (56 tuổi, ngụ tại Q. Bình Thạnh, TPHCM) tử vong ngày 4/9 có tiền sử với bệnh tâm thần; Dương Văn T. (51 tuổi) tử vong ngày 7/9 có tiền sử mắc rất nhiều bệnh mãn tính là suy thận mãn giai đoạn cuối, thiếu máu cơ tim, đái tháo đường, cao huyết áp….

Như vậy, tính đến nay, Việt Nam đã có 5 ca tử vong trên tổng số 4.060 ca nhiễm cúm A/H1N1 được ghi nhận. Trong đó, chỉ riêng từ ngày mùng 4-9/9 đã có liên tiếp 3 ca tử vong liên quan đến cúm A/H1N1.

Vì thế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đề nghị Cục Quản lý Khám chữa bệnh cần xem xét kỹ lại 5 ca tử vong này, đặc biệt ca bệnh tại Đồng Nai, vì cúm A/H1N1 thường không biểu hiện sốt cao li bì. Dù đã khẳng định bệnh nhân dương tính cúm A/H1N1, nhưng có thể tử vong do bệnh lý viêm não chứ không phải là do cúm. Cục Quản lý Khám chữa bệnh cần cử một đoàn chuyên gia vào Đồng Nai, TPHCM phối hợp tìm hiểu thực tế chi tiết các ca bệnh để làm bài học cho tất cả các bệnh viện trong cả nước về điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1, kể cả các bệnh nhân cúm đồng thời mắc các bệnh mãn tính, nếu điều kiện điều trị tốt thì cũng không nguy hiểm.

Nhiều ca bệnh cảnh nặng như cúm A/H5N1

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết: "Hiện tại Viện không còn tình trạng quá tải bệnh nhân cúm do phối hợp tốt với các bệnh viện vệ tinh, điều trị bệnh nhân cúm A/H1N1 ngay tại tuyến cơ sở".

Tuy nhiên ở Viện hiện đang điều trị cho hai ca cúm A/H1N1 có biểu hiện viêm phổi nặng tới mức lúc đầu các bác sĩ nghi ngờ cúm A/H5N1. Hai trường hợp này đều là người lớn, một 19 tuổi, một 26 tuổi; không có bệnh mãn tính và khi mới nhập viện tuyến dưới biểu hiện bệnh cảnh giống cúm nên đã chuyển lên tuyến trên trong tình trạng khó thở, đau ngực. Tại đây, hai bệnh nhân được chụp X-quang thấy viêm phổi lan tỏa cả hai bên, diễn biến viêm phổi rất nhanh, bệnh cảnh nặng giống cúm A/H5N1. Nhưng kết quả xét nghiệm PCR đã khẳng định bệnh nhân dương tính cúm A/H1N1. Sau khi được cấp cứu, thở máy, điều trị Tamiflu kết hợp kháng sinh chống bội nhiễm, nâng cao thể trạng, hiện tình trạng bệnh đã khá hơn và tiên lượng cứu sống được hai ca bệnh này.  

Trước lo ngại của nhiều người về khả năng biến đổi của virus cúm A/H1N1, gây diễn tiến bệnh nhanh, nặng ở bệnh nhân, ông Kính cho rằng chưa có cơ sở cho thấy sự biến đổi gen của virus. Bình thường, cúm A/H1N1 vẫn biểu hiện nặng ở những người khỏe mạnh và có thể dẫn đến tử vong. Nhưng điều này hoàn toàn bình thường, giống với một số bệnh truyền nhiễm nói chung, điển hình như cúm mùa. Hơn nữa, các ca bệnh cảnh nặng tại Viện đều đã được xét nghiệm PCR và chỉ tìm thấy virus cúm A/H1N1. Kết quả phân lập gen của Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ thì cúm A/H1N1 vẫn ổn định kháng nguyên, chưa có sự biến đổi.

'So với tỷ lệ tử vong cúm A/H1N1 trên thế giới và tỷ lệ tử vong do cúm mùa thì số ca tử vong 5/4.060 ca nhiễm cúm A/H1N1 tại Việt Nam còn rất thấp. Tuy vậy, diễn biến, bệnh cảnh lâm sàng loại cúm này còn đa dạng, phong phú nên chúng ta không thể chủ quan. Nhất là hiện nay, thời tiết vẫn nóng bức nên virus không có điều kiện phát triển mạnh; thời tiết lạnh dần, số bệnh nhân mắc nhiều hơn, sẽ xuất hiện nhiều bệnh nhân nặng vì thế càng không được chủ quan. Mọi người cần nhớ, cúm A/H1N1 biểu hiện nhẹ, nhưng vẫn cần theo dõi, phát hiện, điều trị sớm. Khi thấy khó thở, đặc biệt là ở trẻ em, người già cần đưa ngay tới bệnh viện để được điều trị tốt nhất, hạn chế nguy cơ tử vong do biến chứng', TS Kính cảnh báo.

Theo Hồng Hải (Dantri)

Uống 3 cốc sữa/ngày giảm nguy cơ bệnh tim

Theo các nhà nghiên cứu của ĐH Harvard và ĐH Wageningen, uống 3 cốc sữa một ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim đến 18%.


 

Nghiên cứu này được thực hiện ở Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Theo đó, không có mối liên hệ nào giữa thực phẩm chế biến từ sữa và nguy cơ bị đột quỵ.

Một nghiên cứu khác đối với 20.000 nam giới được đăng trên tạp chí Dịch tễ học Hoa Kỳ còn cho biết, tăng lượng canxi có trong sữa sẽ làm giảm nguy cơ bị tử vong do ung thư đến 25%.

Ở Úc, các chuyên gia đã thực hiện nghiên cứu 1.529 người trưởng thành trong 16 năm. Họ đưa ra kết luận, những người thường xuyên sử dụng thực phẩm từ sữa ít chất béo sẽ ít có rủi ro mắc bệnh tim mạch hơn người không ăn đầy đủ là 69%.

Theo Tiến sĩ Cindy Schweitzer, sữa và thực phẩm chế biến từ sữa đều bổ dưỡng, lành mạnh, có chứa nhiều chất dinh dưỡng như Kali, Canxi, Prtotein…rất tốt cho sức khỏe.

“Đây là một chế độ ăn uống rất đơn giản và dễ thực hiện”, tiến sĩ Schweitzer cho biết thêm.

Vết xước vùng kín có thể chết người

SGTT.VN - Đã có nhiều cái chết đáng tiếc chỉ vì người bệnh coi thường việc điều trị sớm những vết trầy xước ở vùng kín, dẫn đến hoại tử tầng sinh môn, một loại bệnh có tỷ lệ tử vong cao hiện nay. Nhóm người được xác định dễ gặp tai hoạ này là bệnh nhân tiểu đường, nghiện rượu, béo phì, xơ gan, suy giảm miễn dịch…

Tầng sinh môn là từ dùng mô tả vùng da giữa bìu và hậu môn ở phái nam, vùng da giữa âm môn và hậu môn ở phái nữ. Hoại tử tầng sinh môn là bệnh đã được tác giả Fournier mô tả năm 1883 (Fournier’s gangrene). Lúc đầu bệnh Fournier’s gangrene mô tả nguyên nhân xuất phát từ đường tiết niệu và cơ quan sinh dục ngoài của phái nam nhưng về sau người ta phát hiện thêm các nguyên nhân khác xuất phát từ cơ quan sinh dục nữ và vùng hậu môn.
[b]
Thủ phạm gây hoại tử tầng sinh môn
[/b]
Hoại tử tầng sinh môn gây ra do vết thương hay vết trầy xước da ở vùng tầng sinh môn, sau đó các vi trùng sẽ xâm nhập qua vết thương hay vết trầy gây ra tình trạng phá huỷ da, mô dưới da, căn cơ và cơ vùng tầng sinh môn. Do nằm ở vùng được che kín qua nhiều lớp vải ít thông thoáng và ẩm ướt, nếu không chú ý vệ sinh (vì lý do nghề nghiệp hay thiếu hiểu biết) thì đây là môi trường sinh sống của nhiều vi khuẩn, khi có vết thương hay vết trầy xước dễ bị nhiễm trùng. Vi khuẩn gây tình trạng hoại tử tầng sinh môn thường là loại vi khuẩn yếm khí, vi khuẩn sinh mủ như streptocoque, staphylocoque, pseudomonas, staphylocoque aureus kháng methicillin, nấm… Đặc điểm của hoại tử tầng sinh môn là gây tình trạng hoại tử dải cân nông ở vùng tầng sinh môn, tốc độ hoại tử này rất nhanh, từ 2 – 3cm/giờ và từ đó lan nhanh đến bìu dái và dương vật. Tốc độ hoại tử này nếu không ngăn chặn sẽ ăn lan lên vùng bẹn, làm hoại tử cả vùng hạ vị.

Nguyên nhân gây tình trạng nhiễm trùng thường xuất phát từ: cơ quan sinh dục nam (do làm thủ thuật ở niệu đạo như đặt thông tiểu, nong niệu đạo, chấn thương giập niệu đạo, sau phẫu thuật tiết niệu, chích ma tuý vào tĩnh mạch trên dương vật...); cơ quan sinh dục nữ (ápxe tuyến Bartholin, nhiễm trùng sau sẩy thai, phá thai, phẫu thuật vùng âm đạo…); hậu môn (sau phẫu thuật ở vùng hậu môn, hiện nay gặp nhiều nhất ở bệnh nhân điều trị trĩ rò theo kinh nghiệm dân gian như bôi thuốc, đắp lá thuốc…)

[b]Khởi phát từ những cơn ngứa vùng kín[/b]

Triệu chứng để phát hiện hoại tử tầng sinh môn thường bắt đầu với các triệu chứng âm thầm như ngứa và khó chịu ở cơ quan sinh dục ngoài, sau đó dẫn đến cơn đau dữ dội vùng cơ quan sinh dục ngoài, tiến triển các triệu chứng theo các thời kỳ như sau: triệu chứng báo trước (sốt và lờ đờ xảy ra trong vòng hai đến bảy ngày); đau dữ dội ở vùng cơ quan sinh dục ngoài kèm theo phù nề da vùng da tầng sinh môn; đau tăng dần ở vùng cơ quan sinh dục ngoài kèm theo những nốt mẩn đỏ da vùng da tầng sinh môn; xuất hiện các vết sạm đen da và tiếng lép bép dưới da vùng da tầng sinh môn; vết hoại tử xuất hiện ở vùng da tầng sinh môn và mủ chảy ra từ các vết thương; nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến choáng nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết và hoại tử lan rộng ra khỏi vùng tầng sinh môn đến vùng bụng dưới.

Tình trạng hoại tử tầng sinh môn rất dễ phát triển ở nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao như tiểu đường (hơn 60%), nghiện rượu, lớn tuổi, suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch (HIV), béo phì, uống thuốc corticoid kéo dài, xơ gan, bệnh ung thư bạch cầu… Bệnh thường xảy ra ở tuổi từ 30 đến 70, nhất là người trên 70 tuổi, ở trẻ em có ít hơn nhưng nếu xảy ra thì thường gặp ở trẻ nhũ nhi dưới ba tháng tuổi. Tỷ lệ bệnh xảy ra ở phái nam gấp mười lần phái nữ.

[b]Cần phát hiện sớm và phòng ngừa[/b]

Hoại tử tầng sinh môn là loại bệnh nặng, có tỷ lệ tử vong rất cao (4 – 75%) nếu phát hiện muộn và không điều trị kịp thời. Ngay cả khi được chữa lành thì cũng để lại di chứng nặng nề. Ở Việt Nam, do thiếu hiểu biết nên nhiều người điều trị các bệnh vùng hậu môn như trĩ, mạch lươn bằng đắp lá thuốc, bôi thuốc không có nguồn gốc rõ ràng, chích thuốc làm rụng trĩ… gây nhiễm trùng vùng tầng sinh môn, dẫn đến hoại tử, nhiễm trùng huyết, rất dễ tử vong hay để lại di chứng nặng nề không hồi phục.

Điều trị loại bệnh này thường rất khó khăn do phải dùng các kháng sinh thế hệ mới và liều cao trên bệnh nhân có sức đề kháng kém do bị bệnh mạn tính (tiểu đường, béo phì, xơ gan, nghiện rượu, suy giảm miễn dịch…) Nếu phát hiện sớm tình trạng nhiễm trùng, sẽ phẫu thuật rạch tháo mủ và dẫn lưu mủ tránh lan rộng vết hoại tử. Chính vì vậy phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh là rất quan trọng. Không nên coi thường các vết thương hay các vết trầy xước vùng tầng sinh môn ở nhóm người có nguy cơ cao vì hoại tử tầng sinh môn nằm ở vùng kín đáo, nếu không chú ý thăm khám kỹ sẽ dễ bỏ sót thương tổn, đến khi phát hiện thì đã muộn.

ThS.BS Dương Phước Hưng
(sgtt)

Tiêu chảy cấp do vi-rút Rota – Mối đe dọa cho trẻ

 

Mối đe dọa cho trẻ Khi thời tiết chuyển mùa cũng là lúc trẻ em dễ mắc bệnh nhất. Khí trời se lạnh cuối năm là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng gây bệnh phát triển. Trong đó, tiêu chảy cấp là bệnh thường gặp nhất và dễ có nguy cơ phát triển thành dịch. Tại Việt Nam, tác nhân gây tiêu chảy cấp nhập viện thường gặp nhất là Rotavirus. Theo một khảo sát tại BV Nhi đồng 1, có đến 67,4% trẻ nhập viện vì tiêu chảy cấp nhiễm Rotavirus.

Theo thống kê, có đến 95% trẻ em đều bị nhiễm vi-rút Rota ít nhất một lần trước 5 tuổi. Hằng năm, tiêu chảy cấp do vi-rút Rota gây ra tước đi sinh mạng hơn 600.000 trẻ em trên toàn thế giới và tỉ lệ trẻ tử vong vì bệnh này rất cao ở các nước đang phát triển.

Các triệu chứng và hậu quả do vi-rút Rota gây ra

Vi-rút Rota tấn công nhanh vào hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ làm trẻ bị tiêu chảy, nôn ói và dẫn đến mất nước nhanh chóng và có thể tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Siêu vi-rút này có thể tồn tại rất lâu trong môi trường và đề kháng với các chất tẩy rửa thông thường như cồn, nước Javel nên có khả năng lây nhiễm rất cao. Vi-rút Rota lây truyền chủ yếu qua con đường phân, miệng và tay. Chúng được thải ra ngoài theo phân của bệnh nhi và tồn tại nhiều ngày trên bề mặt các đồ vật xung quanh trẻ như bàn ghế, sàn nhà, đồ chơi, các vật dụng trong nhà. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng. Các bé trong giai đoạn phát triển từ 3-24 tháng tuổi là đối tượng bị vi-rút Rota tấn công mạnh nhất. Nguy cơ nhiễm bệnh của các trẻ nhỏ là rất cao vì các bé có xu hướng hay ngậm tay mà vẫn còn chưa biết rửa tay.

Trong trường hợp điển hình, khi bị nhiễm vi-rút Rota trẻ nhỏ sẽ gặp các triệu chứng như sốt, quấy khóc, sau đó nôn ói dữ dội và tiêu chảy. Nôn ói và tiêu chảy có thể đến 20 lần một ngày, phân thường nhiều nước, có thể có đàm không có máu.

Vì trẻ vừa nôn ói và vừa tiêu chảy nhiều lần trong ngày nên cơ thể trẻ dễ bị mất nước và phải nhập viện để điều trị. Thời gian bệnh thường kéo dài từ 3 đến 9 ngày nhưng để hồi phục hẳn có khi phải mất đến ba tuần. Nếu không được điều trị bù nước kịp thời và thích hợp trẻ sẽ mất nước nặng, toan máu thậm chí tử vong. Sau đợt bệnh, trẻ dễ có nguy cơ suy dinh dưỡng dù đã được nâng đỡ dinh dưỡng thích hợp.

Điều trị và phòng ngừa vi-rút Rota Kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus. Việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước, bù nước bằng đường uống và chế độ dinh dưỡng thích hợp. Do trẻ vừa bị tiêu chảy vừa nôn ói nhiều lần trong ngày nên bù dịch bằng đường uống thường gặp khó khăn. Trong những trường hợp này, trẻ phải nhập viện để truyền dịch bằng tĩnh mạch.

Tiêu chảy do Rotavirus là căn bệnh có tính lây nhiễm cao và không thể phòng ngừa được bằng các biện pháp thông thường như rửa tay đúng cách, cung cấp nước sạch hay cải thiện vệ sinh môi trường. Điều đáng mừng là hiện đã có biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh tiêu chảy do Rotavirus. Vì bệnh thường gặp và nặng nhất ở trẻ rất nhỏ nên trẻ cần được chủng ngừa phòng bệnh càng sớm càng tốt. Các bậc phụ huynh có con dưới 6 tháng tuổi nên gặp ngay bác sĩ từ lần khám đầu tiên tại các bệnh viện sản, nhi và các trung tâm y tế dự phòng trong thành phố để được tư vấn về biện pháp ngăn ngừa trẻ khỏi sự tấn công của vi-rút Rota.

BS Hoàng Lê Phúc Trưởng khoa Tiêu hóa - BV Nhi đồng 1

Dị ứng ở trẻ nhỏ và phòng ngừa dị ứng qua đường tiêu hóa

 

 

1. Dị ứng là gì?

Dị ứng là phản ứng của cơ thể đối với các tác nhân “lạ” từ bên ngoài. Bình thường trong cơ thể luôn có các thành phần bảo vệ tựa như các đội quân. Khi có “kẻ lạ” xâm nhập thì lập tức các đội quân sẽ chống lại ngay để bảo vệ cho cơ thể. Sự “đánh nhau” quá mức giữa 2 bên sẽ tạo ra dị ứng.

2. Các tác nhân lạ là những tác nhân nào?

Có thể là thực phẩm, thuốc men, phấn hoa, bụi bặm, các loại nọc độc côn trùng, v.v… hay đôi khi chỉ đơn giản là sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ môi trường.

3. Tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể bằng cách nào?

Chúng có thể tiếp xúc với cơ thể qua nhiều đường: qua da, qua đường hô hấp hoặc qua đường tiêu hóa. Đặc biệt, sự xâm nhập qua đường tiêu hóa thực sự là mối hiểm nguy tiềm tàng do diện tích tiếp xúc của đường tiêu hóa lớn hơn nhiều so với đường hô hấp và da.

4. Biểu hiện của dị ứng

Rất đa dạng qua nhiều cách và với nhiều mức độ khác nhau. Thường thấy là biểu hiện ngoài da như nổi mẩn ngứa, đỏ da, nổi mề đay, hoặc chàm, viêm da dị ứng. Hoặc có thể là đột ngột nhảy mũi hắt hơi, chảy nước mũi, ho khan liên hồi, khò khè, khó thở. Biểu hiện ở đường tiêu hóa khá thường gặp nhưng triệu chứng không rõ ràng và dễ bị bỏ sót như ói mửa, tiêu lỏng, hoặc nặng hơn là ói ra máu, đi tiêu ra máu, v.v…Tuy nhiên, dạng nặng nhất của dị ứng là sốc phản vệ: người bị dị ứng có thể tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.
2
 

 


5. Những đối tượng nào có thể mắc dị ứng?

Tuổi nào cũng có nguy cơ mắc dị ứng, nhưng riêng trẻ nhỏ thì dễ bị dị ứng từ đường tiêu hóa do sự phát triển của hệ thống tiêu hóa chưa hoàn chỉnh, hệ thống miễn dịch chưa cân bằng, và lần đầu trong đời tiếp xúc với các loại thức ăn khác nhau, v.v…

Rất nhiều nghiên cứu cho thấy rằng dị ứng từ đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ càng dễ xảy ra nếu trẻ không được bú mẹ trong những tháng đầu đời. Sữa bò là tác nhân gây dị ứng thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Thông thường, nếu bé dị ứng với sữa bò thì mọi người hay nghĩ đến chuyển sang sữa đậu nành. Tuy nhiên, có một điều các bà mẹ ít biết là sữa đậu nành cũng có nguy cơ gây dị ứng cao không kém gì sữa bò, và trong 10 bé dị ứng với sữa bò thì có khỏang 4 bé cũng dị ứng luôn với sữa đậu nành, nên việc chuyển sang sữa có nguồn gốc từ đậu nành ở những bé này là không có tác dụng.

Một điều quan trọng nữa là yếu tố gia đình. Nếu một trong hai, cha hoặc mẹ có tiền sử dị ứng thì con có 25-30% khả năng bị dị ứng, và con số này tăng lên đến 50-80% nếu cả hai cha mẹ đều có tiền sử dị ứng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nếu cha mẹ không dị ứng thì con cũng không dị ứng. Ngay cả khi cả cha lẫn mẹ đều không có tiền sử dị ứng thì đứa trẻ vẫn có 15% khả năng dễ mắc dị ứng. Tóm lại, dị ứng “không chừa một ai”.

6. Có thể phòng ngừa các bệnh dị ứng được không?

Có thể, và nên làm ngay từ rất sớm. Lúc mang thai, bà mẹ nên có chế độ ăn cân bằng các chất và không được hút thuốc. Ngay sau khi sinh, bé phải được bú mẹ sớm và tiếp tục bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Thức ăn bổ sung chỉ nên cho khi bé trên 4-6 tháng tuổi, lúc đường tiêu hoá của bé đã tương đối hoàn chỉnh và sẵn sàng tiếp nhận các dạng thức ăn mới ngoài sữa. Môi trường sống trong lành, ít bụi bặm, không khói thuốc cũng là điều cần làm.

Nếu vì lý do nào đó mà trẻ không được bú mẹ hoặc cần bổ sung thêm sữa ngoài sữa mẹ, thì sữa giảm dị ứng (ký hiệu là H.A – hypoallergenic) là loại sữa nên chọn. Điểm mấu chốt giúp sữa có tác dụng giảm dị ứng là do đạm trong sữa đã được thuỷ phân, hay nói cách khác là đã được cắt nhỏ ra. Đạm càng lớn thì càng dễ gây dị ứng, đạm càng cắt nhỏ thì càng ít gây dị ứng. Tùy lượng đạm được cắt nhiều hay ít mà ta có sữa có đạm thuỷ phân hoàn toàn hay thuỷ phân một phần. Về lý thuyết, đạm thuỷ phân càng nhiều thì sẽ ít gây dị ứng, nhưng nếu thuỷ phân nhiều quá thì mùi vị sẽ đắng, khó uống và không tạo dung nạp với sữa bò cho trẻ sau này. Trong thực tế, sữa có đạm thuỷ phân một phần là lựa chọn phù hợp nhất, vì nó vẫn có đầy đủ tác dụng chống dị ứng, đồng thời mùi vị cũng dễ uống, giá thành rẻ hơn và đặc biệt giúp dần tạo dung nạp với sữa bò sau này. Ngoài ra, sữa được bổ sung probiotics cũng là một lựa chọn lý tưởng vì bổ sung probiotics trong chế độ ăn của trẻ từ lâu đã được chứng minh là một trong những phương pháp phòng ngừa dị ứng hữu hiệu.

 

TS. BS Nguyễn Anh Tuấn
Bộ Môn Nhi
Trường Đại học Y Dược Tp. HCM

 

Chống nhiễm trùng cho trẻ thông qua dinh dưỡng

 
Trong thế kỷ qua, loài người đã chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của y học toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cuộc sống hàng ngày, giúp giảm tử vong, nâng cao sức khỏe con người, và đặc biệt đã chuyển y khoa từ chống lại bệnh tật một cách thụ động dần sang phòng bệnh chủ động.Trẻ em là một trong những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tiến bộ này, đặc biệt là chương trình tiêm chủng giúp ngăn ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.

Tuy nhiên, bất chấp những cố gắng trên, các bệnh lý nhiễm trùng vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Theo thống kê, tử vong trong giai đoạn sơ sinh (trong đó đa số là nhiễm trùng sơ sinh), nhiễm khuẩn hô hấp cấp và tiêu chảy là nguyên nhân của hơn 2/3 trường hợp tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Làm sao ngăn ngừa nhiễm trùng cho trẻ từ rất sớm? Bằng phương cách nào khác ngoài những biện pháp đã biết? Đó là những câu hỏi đã thúc giục các nhà nghiên cứu tìm tòi vũ khí mới cho cuộc chiến chống nhiễm trùng cho trẻ em, đặc biệt là ở sơ sinh và trẻ nhỏ.

Đặc điểm hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh

Khi trẻ vừa sinh ra, tuy hình hài đã có đủ các bộ phận nhưng chức năng của các cơ quan trong cơ thể vẫn còn phải hoàn thiện dần. Hệ miễn dịch, hệ thống bảo vệ của trẻ, cũng tuân theo quy luật này. Hệ thống miễn dịch nằm rải rác trong người của bé, từ vùng hầu họng, xuống tuyến ức, tới lách, đường ruột và hệ thống bạch huyết rộng khắp, đóng vai trò như những “cổng thành” đêm ngày canh gác, ngăn chặn sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh. Như đã nói, do còn non nớt và chưa được tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nhiều, nên hiệu quả của “hệ thống canh gác” này còn rất hạn chế. Mặt khác, trong giai đoạn bào thai, hệ thống miễn dịch của bé phát triển mạnh về hướng chống bị đào thải, hơn là chống nhiễm trùng, làm cho sự bảo vệ bé trong những ngày tháng đầu đời càng thêm yếu ớt. Trong bối cảnh phải tiếp xúc với một môi trường hoàn toàn lạ lẫm, nhiều tác nhân gây bệnh “chực chờ” xâm nhập, với một hệ thống bảo vệ cơ thể chưa kịp hoàn chỉnh để đối phó, trẻ nhỏ thực sự phải đối mặt với nguy cơ rất lớn về các bệnh nhiễm trùng.

 


Tăng cường hệ miễn dịch thông qua dinh dưỡng: cơ hội nào cho bé?

Trong hệ thống bảo vệ cơ thể bé, ruột là cơ quan chứa đến 70-80% tế bào miễn dịch, biến nơi này trở thành “đại bản doanh” của mạng lưới bảo vệ cho trẻ. Hơn nữa, trong những ngày tháng đầu đời, ống tiêu hóa là một trong các cơ quan trong cơ thể trẻ phải tiếp xúc với rất nhiều tác nhân lạ cũng như vi sinh vật gây bệnh, nên việc tăng cường miễn dịch cho bé thông qua đường tiêu hóa là phương pháp hợp lý và hứa hẹn hiệu quả cao.

Probiotic: lấy vi khuẩn ngăn chặn vi khuẩn

Đường ruột của trẻ không hoàn toàn vô trùng, mà ngược lại, có chứa đến hơn 400 loại vi khuẩn thường trú khác nhau. Các vi khuẩn này được chia làm 3 nhóm: nhóm có lợi, nhóm tiềm ẩn gây bệnh và nhóm trung gian, dựa trên tác động của chúng lên cơ thể trẻ. May thay, nhóm vi khuẩn có lợi chiếm tỷ lệ áp đảo và lấn áp vi khuẩn gây bệnh, giúp đường ruột của trẻ khỏe mạnh. Ngoài ra, hệ thống vi khuẩn có lợi này còn giúp đường ruột trẻ tiêu hóa, hấp thu và tổng hợp các vitamin cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.

Thông qua rất nhiều nghiên cứu công phu đã cho thấy việc cung cấp các vi khuẩn có lợi sẽ giúp đường ruột của bé tăng cường miễn dịch, cụ thể là giúp phòng ngừa và điều trị tiêu chảy, giảm tần suất viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh, giảm đau quặn bụng ở trẻ nhỏ, …Ngoài ra, sự cân bằng của hệ miễn dịch trẻ cũng giúp giảm các bệnh lý dị ứng như dị ứng thức ăn, hen suyễn, chàm da sau này. Phương pháp cung cấp vi khuẩn có lợi không gì đơn giản và hiệu quả hơn, chính là tăng cường cho bú sữa mẹ. Trong mỗi 800ml sữa mẹ đã được chứng minh có từ 100.000 đến 10.000.000 vi khuẩn có lợi giúp cho hệ vi khuẩn đường ruột bé khỏe mạnh.

Probiotic chính là những chủng vi khuẩn có lợi còn sống đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và chứng minh trên lâm sàng là sẽ mang lại lợi ích cho trẻ, khi được cung cấp vào cơ thể trẻ với liều lượng thích hợp. Việc bổ sung probiotic sớm, nhất là ở những trẻ có hệ vi khuẩn đường ruột không cân bằng như trẻ sinh mổ, sinh non, phải nằm viện kéo dài hoặc phải dùng kháng sinh kéo dài, … là điều hết sức cần thiết, nếu trẻ không có sữa mẹ hoặc sữa mẹ không đủ. Ở những đối tượng không có đủ sữa mẹ này, probiotic cung cấp qua sữa công thức là biện pháp dễ làm, thực hiện mỗi ngày và lâu dài và đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả.

Tóm lại, việc củng cố hệ thống miễn dịch đường ruột cho trẻ nhỏ là biện pháp cần thiết giúp trẻ chống lại các bệnh lý nhiễm trùng trong những ngày tháng đầu đời. Tăng cường bú mẹ là phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất giúp đường ruột trẻ khỏe mạnh thông qua việc cung cấp vi khuẩn đường ruột có lợi. Probiotic là lựa chọn hợp lý cho những trẻ không đủ sữa mẹ, giúp tăng cường miễn dịch cũng như phòng ngừa các bệnh dị ứng về sau.
 

TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn
Đại học Y Dược TP.HCM