Lưu trữ cho từ khóa: trướng bụng

Một số loại thuốc gây đầy hơi trướng bụng

Đầy hơi, trướng bụng là các triệu chứng thuộc về đường tiêu hóa, tuy không gây nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người bệnh.

Thông thường, chứng đầy hơi xảy ra khi thói quen ăn uống nhiều tinh bột, các loại thức ăn chứa nhiều sorbitol, thói quen hay nhai kẹo cao su, thiếu hụt enzyme lactase, suy tuyến tụy. Tuy nhiên, cũng cần chú ý, khi sử dụng một số loại thuốc liều cao, kéo dài có thể dẫn tới tình trạng này.

Vitamin E

Vitamin E có nhiều trong dầu thực vật như dầu cám, dầu lạc, trong các hạt nảy mầm, trong rau xanh; được hấp thu qua niêm mạc ruột và cần có sự nhũ hóa của acid mật.

Vitamin E có rất nhiều tác dụng quan trọng, trong đó có tác dụng chống ôxy hóa bảo vệ màng tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do, nhờ đó bảo vệ được tính toàn vẹn của màng tế bào. Ngoài ra, vitamin E còn có tác dụng hiệp đồng với vitamin C, vitamin A, selen nhất là có tác dụng bảo vệ vitamin A không bị ôxy hóa.

Chính vì tác dụng chống ôxy hóa mà hiện nay, việc sử dụng vitamin E trong điều trị nhiều khi bị lạm dụng. Do đó cần phải lưu ý, khi dùng liều cao, kéo dài có thể gặp các tác dụng không mong muốn như buồn nôn, nôn, đầy hơi, tiêu chảy…

thuoc
Đầy hơi trướng bụng gây khó chịu cho người bệnh.

Sắt

Sắt hằng ngày cung cấp cho cơ thể chủ yếu từ thức ăn như gan, tim, trứng, thịt nạc, hoa quả. Ở người bình thường, nhu cầu sắt khoảng 0,5 – 1mg trong 24 giờ, nhưng tăng lên gấp đôi ở phụ nữ khi hành kinh và tăng lên 5 – 6 lần ở phụ nữ mang thai.

Thuốc được chỉ định sử dụng trong các trường hợp sau cắt đoạn dạ dày, viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm ruột mạn tính, rong kinh, trĩ, nhiễm giun móc, phụ nữ mang thai hoặc thời kỳ cho con bú.

Tuy nhiên cần chú ý, khi dùng đường uống, thuốc có thể gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hóa dẫn đến tình trạng lợm giọng, buồn nôn, táo bón, đầy hơi… khi dùng đường tiêm có thể gây nhức đầu, buồn nôn, sốt và đặc biệt khi dùng quá liều có thể gây tử vong.

Canxi

Canxi là khoáng chất phong phú nhất trong cơ thể, tham gia vào hầu hết các quá trình của sự sống và canxi còn có tên gọi là “nguồn gốc của sự sống”.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng có thể duy trì chế độ ăn uống để cung cấp đủ canxi, nhất là với các đối tượng có nhu cầu canxi cao hơn bình thường như phụ nữ có thai, trẻ em đang phát triển, người cao tuổi… khi đó cần phải sử dụng canxi bổ sung dưới dạng thuốc. Nhưng bên cạnh tác dụng tích cực, khi dùng canxi bổ sung có thể gặp các tác dụng không mong muốn như:

Đầy hơi: Đây là tác dụng phụ thường gặp và thường xảy ra khi mới bắt đầu sử dụng calcium bổ sung. Khi đã quen dần với liều lượng bổ sung calcium hằng ngày, sự đầy hơi cũng không còn xảy ra.

Buồn nôn và nôn: Bổ sung calcium liều cao lúc bụng đói có thể gây buồn nôn và nôn. Điều này gây ảnh hưởng tai hại cho hệ tiêu hóa. Trong trường hợp này, cần phải giảm liều lượng bổ sung calcium.

Táo bón: Đây cũng là một tác dụng phụ “kinh điển” của việc bổ sung calcium, với hệ lụy là tích lũy độc chất trong cơ thể gây trướng bụng và đau bụng.

Vitamin D

Vitamin D là một nhóm gồm từ D2 đến D7 trong đó hai chất có hoạt tính mạnh nhất là D2 và D3, trong đó D3 được tổng hợp ở các tế bào da nhờ ánh sáng tử ngoại, nếu được tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời thì lượng D3 tạo ra đủ cho nhu cầu vitamin D của cơ thể.

Vitamin D có vai trò rất quan trọng trong quá trình tạo xương nhờ tác dụng chuyển hóa các chất vô cơ mà chủ yếu là canxi và phosphat; nó làm tăng hấp thu canxi và phosphat ở ruột, tăng tái hấp thu canxi ở thận, tham gia quá trình canxi hóa sụn tăng trưởng. Do vậy, vai trò của nó rất quan trọng trong sự phát triển bình thường của trẻ em. Bên cạnh đó, nó còn có vai trò điều hòa nồng độ canxi trong máu luôn hằng định, khi thiếu vitamin D, ruột không hấp thu đủ canxi và phospho làm canxi máu giảm, khi đó canxi bị huy động từ xương ra để ổn định nồng độ canxi trong máu nên gây hậu quả là trẻ em chậm lớn còi xương, chậm biết đi, chân vòng kiềng… người lớn sẽ bị loãng xương, thưa xương, xương dễ gãy…

Tuy nhiên, khi nào bổ sung và bổ sung như thế nào cần có ý kiến thầy thuốc, không nên tự ý sử dụng thuốc, vì bên cạnh các tác dụng như trên, nếu dùng thuốc không đúng có thể gây chứng tăng canxi huyết, tăng canxi niệu, thậm chí sỏi thận, tăng huyết áp, đau nhức khớp; có thể gặp tình trạng ngộ độc với các biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, nôn, buồn nôn, tiêu chảy và đặc biệt là tình trạng trướng bụng đầy hơi.

(Theo SKDS)

Cây ổi trị bệnh đường tiêu hóa

Theo Đông y, lá ổi vị đắng, tính ấm, có công dụng tiêu thũng giải độc, thu sáp chỉ huyết; quả ổi vị ngọt hơi chua sáp, tính ấm, có công dụng thu liễm, kiện vị cố tràng.

Sau đây là một số cách dùng ổi chữa bệnh:

- Chữa tiêu chảy cấp: búp ổi hoặc vỏ dộp ổi 20g, búp vối 12g, búp hoặc nụ sim 12g, búp chè 12g, gừng tươi 12g, rốn chuối tiêu 20g, hạt cau già 12g, sắc đặc uống. Hoặc búp ổi 12g, vỏ dộp ổi 8g, gừng tươi 2g, tô mộc 8g sắc với 200ml nước, cô còn 100ml. Trẻ 2-5 tuổi mỗi lần uống 5-10ml, cách 2 giờ uống 1 lần. Người lớn mỗi lần uống 20-30ml, mỗi ngày 2-3 lần.

- Tiêu chảy do hàn: búp ổi sao 12g, gừng tươi 8g nướng cháy vỏ, hai thứ sắc cùng 500ml nước, cô còn 200ml, chia uống 2 lần trong ngày. Hoặc búp ổi 15g, trần bì 15g và hoắc hương 18g, sắc uống.

- Tiêu chảy do nhiệt: vỏ dộp ổi 20g sao vàng, lá chè tươi 15g sao vàng, nụ sim 10g, trần bì 10g, củ sắn dây 10g sao vàng, tất cả tán bột, người lớn mỗi lần uống 10g, trẻ em uống bằng nửa liều người lớn. Hoặc vỏ dộp ổi sao vàng 20g, vỏ duối sao vàng 20g, vỏ quýt sao vàng 20g, bông mã đề sao vàng 20g, sắc đặc uống nóng.


Cây ổi.

- Tiêu chảy do công năng tỳ vị hư yếu: dùng lá hoặc búp ổi non 20g, gừng tươi nướng cháy 10g, ngải cứu khô 40g, sắc cùng 3 bát nước, cô lại còn 1 bát, chia uống vài lần trong ngày.

- Viêm dạ dày, ruột cấp và mạn tính: lá ổi non sấy khô, tán bột, uống mỗi lần 6g, mỗi ngày 2 lần. Hoặc lá ổi 1 nắm, gừng tươi 6-9g, muối ăn một ít, tất cả vò nát, sao chín rồi sắc uống. Hoặc quả ổi, xích địa lợi và quỷ châm thảo, mỗi thứ từ 9-15g, sắc uống.

- Lỵ mạn tính: quả ổi khô 2-3 quả, thái phiến, sắc uống. Hoặc lá ổi tươi 30-60g sắc uống.

- Lỵ trực khuẩn cấp và mạn tính: lá ổi 30g, phượng vĩ thảo 30g, cam thảo 3g, sắc với 1.000ml nước, cô lại còn 500ml, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 50ml.

- Đái tháo đường: quả ổi 250g, rửa sạch, thái miếng, dùng máy ép lấy nước, chia uống 2 lần trong ngày. Hoặc lá ổi khô 15-30g sắc uống hàng ngày.

- Ðau răng: vỏ rễ cây ổi sắc với dấm chua, ngậm nhiều lần trong ngày.

- Mụn nhọt mới lên: lá ổi non và lá đào lượng vừa đủ, rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vùng tổn thương.

- Chấn thương: lá ổi tươi rửa sạch, giã nát đắp vào nơi bị thương.

Kiêng kỵ: Những người bị táo bón hoặc tả, lỵ có trướng bụng không tiêu không nên dùng.

Meo.vn (Theo SK&ĐS)

Cách tránh đau bụng ngày “đèn đỏ”

Mỗi khi “đến tháng”, phụ nữ có cảm giác đau bụng, trướng bụng và mệt mỏi. Hiện tượng này có tên gọi Hội chứng tiền kinh nguyệt. Theo tạp chí Female First, có 5 cách hiệu quả để phòng tránh hiện tượng này.

Vận động

Theo bà Sona Wikinson, nhà dinh dưỡng học: “Phụ nữ ít vận động có xu hướng phải chịu những cơn đau bụng kinh nhiều hơn những người tập thể dục đều đặn”.

Theo bà, thể dục có thể giúp giảm đau bằng cách duy trì sự ổn định của lượng hoóc-môn trong cơ thể. Ngoài ra, vận động thường xuyên còn khuyến khích não sản sinh ra các hoóc-môn có ích như serotonin và endorphin, giúp giảm bớt cơn đau.

Tránh cà phê


Thức ăn có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể chống chọi với cơn đau bụng. Thực tế, cà-phê tăng lượng estrogen, làm cơn đau bụng trở nên dữ dội hơn. Bởi vậy, tránh dùng nhiều trà, cà-phê và những thức uống có chứa cafein khác khi bạn vào chu kỳ hàng tháng.

Giảm thức ăn béo bão hòa

Theo TS Marilyn Gelnville, một chuyên gia sức khỏe phụ nữ hàng đầu ở Anh: “Sẽ rất đau khi hội chứng tiền kinh nguyệt xảy ra do các chất có tên gọi prostaglandins”.

Hầu hết chất prostaglandins có lợi cho cơ thể, tuy nhiên, một vài hợp chất trong prostaglandins có thể làm tăng độ nhạy cảm đối với cơn đau và gây co cơ; chúng được gọi là prostaglandins có hại. Chất béo bão hòa có nhiều trong các sản phẩm từ động vật, đặc biệt là sữa, sẽ kích thích sản sinh nhiều chất prostaglandins có hại.

Các chất bổ sung

Các chất dinh dưỡng, như axit béo omega-3 rất cần thiết để cung cấp các hợp chất cơ bản giúp sản sinh prostaglandin có ích. Hỗn hợp nhiều vitamin với khoáng chất, vitamin B, vitamin E, kẽm và ma-giê rất quan trọng để chuyển hóa omega 3 thành các prostaglandin có ích.

Vitamin B và E vốn được biết đến như một chất trị đau hiệu quả. Trong khi đó, ma-giê lại có tác dụng giãn cơ tử cung.

Meo.vn (Theo Medicmagic)

Ẩm thực trị bệnh sốt nhiệt

Bệnh sốt nhiệt là một chứng bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ, trẻ có biểu hiện ăn ít, nằm nhiều, trọng lượng cơ thể giảm, rêu lưỡi dầy nhớt. Bệnh phần nhiều phát sinh ở vùng khí hậu ẩm ớt, thấy nhiều ở trẻ sức khoẻ yếu. Biểu hiện: sau khi bước vào mùa hè, trẻ bị bệnh kém thèm ăn, mệt mỏi ham ngủ, hình thể dần gầy còm kèm đi đại tiện không điều hoà. Hết hè sang thu, bệnh dần tự giải trừ và hè năm sau chứng bệnh lại tái phát. Nếu không chữa trị, năm nào cũng tái bệnh khiến trẻ bị ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và hình thể sau này.

Một số món ăn dưới đây có tác dụng trị bệnh sốt nhiệt.

Bài 1: Mía vừa đủ, rửa sạch, chẻ khẩu nhỏ cả vỏ, ép lấy 100ml nước, uống hết 1 lần; ngày 2 lần, dùng chữa miệng khát, muốn uống nhưng uống không nhiều.

Bài 2: Kim ngân hoa 15g, thêm nước chừng 300ml, đun sôi 10 phút, bỏ bã lấy nước, dùng 2thìa mật ong hòa đều, chia 2 lần uống, mỗi ngày 1 thang, dùng chữa kèm có sốt.

Cháo hạt sen.

Bài 3:

Bí xanh 250g, rửa sạch, cả vỏ thái miếng nhỏ. Măng trúc 150g, bóc vỏ rửa sạch, thái miếng nhỏ, thêm nước vừa đủ, cùng với bí xanh nấu canh, nêm gia vị vừa đủ, khi ăn bỏ hạt bí và măng già, dùng chữa chứng ăn ít, ham ngủ.

Bài 4:ý dĩ nhân 30g, đậu xanh 30g, gạo tẻ 50g, thêm nước nấu cháo loãng, dùng ăn, chữa kèm có sốt nhẹ, rêu lưỡi vàng nhớt.

Bài 5: Dạ dày lợn 250g, rửa sạch thái miếng nhỏ. Bạch truật 30g, hạt cau 10g, dùng vải màn khô, sạch bọc thêm nước vừa đủ, cùng dạ dày lợn nấu canh đặc, nhặt bỏ bọc thuốc, thêm gia vị vừa đủ ăn, chữa trướng bụng, ăn ít.

Bài 6: Bột sa nhân 3g, bột mộc hương 2g, bột ngó sen 30g, cùng hoà trộn, dùng nước sôi nguội hoà thành hồ đặc, lại đổ nước sôi vào từ từ, vừa đổ vừa quấy, khi bột ngó sen trở thành dạng hồ đặc trong mờ là được, thêm đường trắng vừa đủ, dùng ăn, chữa trướng bụng ăn ít, rêu lưỡi trắng nhớt.

Bài 7: Phục linh lượng vừa đủ, rửa sạch cho vào lồng hấp chín nhừ, gọt bỏ vỏ ngoài, giã nhão, thêm chút bột mì, đường trắng, nước vừa đủ, dùng chút dầu ăn, tráng bánh mỏng, dùng ăn, chữa ăn ít phân nát.

Bài 8: Bạch truật 30g, phục linh 30g, trần bì 5g, thêm nước đun sôi chừng 20 phút, bỏ bã lấy nước, thêm 50g gạo tẻ, nấu cháo loãng, ăn chữa sốt nhẹ kèm trướng bụng, đi lỏng.

Bài 9: Bạch biển đậu 30g, rửa sạch ngâm nở, gạo tẻ 50g, thêm nước, cùng bạch biển đậu nấu cháo loãng, dùng ăn, chữa sốt nhẹ, ăn ít, phân nát.

Bài 10: Hạt sen 30g, dội nước sôi, bóc vỏ bỏ tâm, ý dĩ nhân 30g, gạo tẻ 50g, thêm nước vừa đủ, cùng nấu cháo loãng, thêm đường phèn vừa đủ ăn, dùng chữa người bứt rứt, sợ nóng.

Bài 11: Bột sa nhân 1,5g, bột bạch khấu nhân 1,5g, ý dĩ nhân 30g, gạo tẻ 50g cùng nấu cháo loãng, rắc bột thuốc vào ngoáy đều, lại đun sôi cùng một lượt, thêm đường trắng vừa đủ ăn, dùng chữa sốt nhẹ rêu lưỡi trắng nhớt.

Bài 12:Cuộng hoắc hương 10g, cuộng bội lan 10g, thêm nước vừa đủ, đun sôi 10 phút, bỏ bã lấy nước, thêm 50g gạo tẻ, nấu cháo loãng, lấy 1/4 tàu lá sen, rửa sạch, đậy lên mặt nồi cháo, lại nấu sôi vài lượt là được, khi ăn vạch bỏ lá sen, thêm đường trắng vừa ngọt, dùng chữa kèm có sốt nhẹ phân nát loãng.

Meo.vn (Theo SKĐS)

Nuôi dưỡng bé sinh non

Sinh non là trường hợp sinh bé thiếu tháng (có tuổi thai dưới 37 tuần). Hiện nay dù đã có nhiều tiến bộ về mặt y học, nhưng tỷ lệ sinh non trên thế giới vẫn còn dao động 6-9%.

Theo PGS. TS. BS Ngô Minh Xuân (Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ TP HCM), với bé sơ sinh sinh non, gia đình cần đặc biệt quan tâm đến việc chuẩn bị cho bé một môi trường sống sạch sẽ, ấm áp và an toàn. Người chăm sóc bé cần phải rửa tay sạch sẽ trước và sau khi chăm sóc bé. Nên hạn chế số người thăm bé cũng như số người tiếp xúc khi không cần thiết (đặc biệt khi họ đang có bệnh cảm, cúm, ho hay các bệnh lây nhiễm khác…).

Bảo đảm nhiệt độ môi trường luôn ấm áp: Một trong những ưu tiên hàng đầu của quá trình chăm sóc bé sinh thiếu tháng là luôn đảm bảo bé được ở trong môi trường có nhiệt độ thích hợp. Nhiệt độ cơ thể bé giảm sẽ dễ dẫn đến rối loạn chuyển hóa, rối loạn hô hấp, thiếu oxy lên não và nguy cơ xuất huyết não cao hơn.

Để biết bé có thể thích nghi với môi trường hay không, phụ huynh có thể đo thân nhiệt cho bé. Nhiệt độ của bé luôn ở khoảng 37ºC là thích hợp nhất. Cần giữ ấm cho bé, tránh để bé bị nhiễm lạnh bằng cách mặc quần áo đủ ấm và khi tắm hoặc chăm sóc cơ thể bé (như thay băng rốn…) cần tiến hành nhanh và làm trong phòng kín gió. Nếu phụ huynh ủ ấm cơ thể bé bằng cách chườm túi nước nóng (hoặc chai nước) thì cần phải hết sức thận trọng để tránh tình trạng nhiệt độ quá nóng, làm bé sốt (hay nước đổ ra ngoài) sẽ làm bỏng da của bé.

Bên cạnh đó, phụ huynh có thể giúp bé giữ được thân nhiệt bằng cách ấp bé theo phương pháp Kangaroo. Đây là phương pháp nuôi bé non tháng rất hiệu quả, ít tốn kém, được áp dụng trên phạm vi toàn thế giới. Nhờ vào thân nhiệt của người lớn, bé sẽ được ủ ấm thích hợp nhất. Bé được nằm đúng tư thế Kangaroo sẽ phòng ngừa được cơn ngưng thở, tránh trào ngược, ọc sữa, sặc, tỷ lệ bé bị nhiễm khuẩn ít hơn… Từ đó, bé có quá trình phát triển thể chất, tâm sinh lý tốt hơn.

Hơn thế nữa, người ấp bé, khi đã được huấn luyện sẽ có khả năng phát hiện được những bất thường của bé sớm hơn. Nên theo dõi thân nhiệt hàng ngày và đo thân nhiệt khi bé bị sốt hay hạ thân nhiệt. Tránh để nhiệt độ quá thấp khi dùng máy điều hòa nhiệt độ.

http://mevabe.net/Images/2011/81/9/chamcon/non.jpg
Hô hấp và hệ tuần hoàn: Do sinh thiếu tháng nên chức năng hô hấp của bé chưa phát triển như bé sinh đủ tháng. Vì vậy, bé sinh thiếu tháng thường thở nông (yếu), thậm chí có lúc còn thiếu oxy. Biểu hiện thường thấy là bé bị tím tái quanh miệng, tím các đầu ngón tay và ngón chân.

Khi còn là bào thai, tim của bé đã đập 120 - 160 lần/phút. Dù có sự phát triển tương đối như nhịp tim đập rõ nhưng do trung tâm vận mạch còn non yếu, thành mạch của bé sẽ dễ vỡ, gây chảy máu… nếu có chấn thương, dù chỉ là chấn thương nhẹ.

Theo dõi màu da: bé có thể bị vàng da (một bệnh rất nguy hiểm cho bé sơ sinh), nhất là bé non tháng. Nếu thấy da bé vàng hơn (bú ít, lừ đừ) thì cần đưa bé đến bác sĩ ngay. Cần lưu ý, bé non tháng dễ bị nhiễm trùng da, nhiễm trùng rốn, xuất huyết ngoài da, dễ bị hăm lở, đẹn miệng...

Hệ tiêu hóa: Do phản xạ bú (nuốt) của bé còn yếu và dạ dày chưa phát triển, men tiêu hóa chưa hoạt động nên chế độ dinh dưỡng cho bé cần đảm bảo vô trùng tuyệt đối. Nếu không thận trọng, vi trùng có thể xâm nhập vào đường ruột làm tổn thương niêm mạc dạ dày, ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thức ăn, khiến bé bị nhiễm trùng, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết.

Cần chú ý xem bé có bị trướng bụng (tiêu chảy, tiêu ra máu hay ói mửa) để báo cho bác sĩ khi cần.

Dinh dưỡng cho bé: Với bé sinh thiếu tháng, được bú sữa mẹ không chỉ giúp bé phát triển tốt về thể chất mà còn hoàn thiện hơn về tinh thần. Nếu có thể, sau khi sinh 30 phút, bà mẹ nên cho bé bú sữa non ngay để tận dụng nguồn dinh dưỡng cao và quý giá này. Sữa non giàu năng lượng giúp bé mới ra đời chống được đói rét. Với hàm lượng vitamin A trong sữa non cao, bé sẽ được cung cấp đủ vitamin A dự trữ tại gan, hỗ trợ sự phát triển và tăng cân nhanh. Sữa non cũng giàu chất diệt khuẩn giúp bé chống lại các bệnh nhiễm trùng. Bên cạnh đó, sữa non còn chứa ít canxi, phốtpho phù hợp với thận của bé mới sinh.

Lượng sữa cần thiết tùy thuộc vào cân nặng bé, khả năng tiêu hóa của bé. Việc theo dõi phản xạ bú, cân nặng bé, số lần đi tiểu là cách để biết bé có bú đủ sữa hay không, kịp thời thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế.

Nếu bé chưa tự bú mẹ được thì mẹ nên vắt sữa ra bình để đút cho bé bằng thìa nhỏ.

Trong trường hợp người mẹ mất sữa (hay có bệnh lý đặc biệt mà không thể cho bé bú sữa mẹ) thì nên chọn loại sữa thích hợp dành cho bé non tháng để giúp bé có thể tiêu hóa và phát triển tốt hơn.

Cho bé bú theo nhu cầu. Tuy nhiên, có một số bé sẽ ngủ dài hơn ba giờ thì mẹ cần đánh thức bé dậy cho bé bú để đảm bảo dinh dưỡng cho bé. Chế độ dinh dưỡng của bé chỉ đạt khi bé tăng 20-30g/ngày và duy trì đủ số lượng sữa bú cũng như số cữ.

Meo.vn (Theo Phunuonline)

6 tác dụng chữa bệnh tuyệt vời của chuối

Chuối có chứa nguồn dinh dưỡng và vitamin hết sức phong phú, có thể làm đẹp da ở phụ nữ, mắt sáng, kéo dài tuổi thọ, ngoài ra còn có nhiều chức năng phòng bệnh khác.

1. Giúp chữa bệnh cao huyết áp

Bệnh cao huyết áp và các bệnh liên quan đến tim và não là do cơ thể thiếu kali trong khi lại thừa natri. Lượng kali phong phú trong chuối sẽ giúp cơ thể khống chế natri không thể làm nhỏ mạch máu và làm giảm tác dụng của tim mạch.

Chuối có thể giúp lượng kali và natri trong cơ thể được cân bằng, thậm chí nó còn khiến cho các cơ thần kinh hoạt động bình thường.

Các chuyên gia khuyên rằng mỗi ngày chúng ta nên ăn từ 3 đến 5 quả chuối sẽ rất có lợi cho cơ thể đặc biệt là những bệnh nhân cao huyết áp và bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.

2. Phòng chống bệnh loét dạ dày

Bệnh nhân bị loét dạ dày thường xuyên phải sử dụng phenylbutazone trong khi phenylbutazone rất dễ gây xuất huyết dạ dày.

Trong chuối có chứa một loại chất hóa học có tác dụng phòng chống loét dạ dày, chất này có thể kích thích tăng trưởng và sinh sản tế bào niêm mạc dạ dày giúp bảo vệ dạ dày.

3. Chữa chị triệu chứng ngứa ở da

Vỏ chuối có chứa nguyên tố kháng lại vi khuẩn và sự sinh sôi của nấm. Các bác sỹ da liễu cho biết điều trị nấm hoặc chứng ngứa do vi khuẩn gây ra bằng vỏ chuối rất hiệu quả.

Khi bị ngứa, chúng ta có thể lấy vỏ chuối sát vào chỗ da ngứa, hoặc có thể ngâm chỗ da bị ngứa vào nước có vỏ chuối trong nhiều ngày liên tục sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.

4. Giải rượu

Dùng 60g vỏ chuối đun với nước uống có tác dụng giải rượu. Tuy nhiên những người bị các bệnh liên quan đến dạ dày, thường xuyên trướng bụng thì không nên sử dụng bằng cách này.

5. Giảm béo

Chuối có chứa nhiều tinh bột vì vậy chỉ cần ăn một vài quả là chúng ta đã thấy no, cộng thêm với việc tinh bột cần một khoảng thời gian nhất định mới có thể chuyển hóa thành đường bởi vậy mà nó sẽ không sản sinh ra quá nhiều năng lượng.

6. Làm giảm cholesterol

Lượng cholesterol trong cơ thể quá cao sẽ khiến cơ thể rất dễ mắc bệnh tim mạch vành, thân chuối có khả năng làm giảm tác dụng của cholesterol.

Chúng ta có thể dùng 50g thân chuối, cắt lát nhỏ và hãm nước uống liên tục trong 10 đến 20 ngày.

Theo Vietnamplus

Những cách đơn giản trị chứng sôi bụng

Bụng bị sôi sùng sục, không bị chướng hoặc bì gì cả… và gây ra cảm giác rất khó chịu. Đi khám, làm các xét nghiệm, siêu âm nhưng không phát hiện được nguyên nhân, bác sĩ cũng không kê đơn. Vậy phải làm sao?

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

Theo BS Nguyễn Đình Sang (Chuyên khoa bác sĩ gia đình, TT y tế quận 1), nếu đã làm các xét nghiệm (thử máu, thử phân, nội soi đại trực tràng để loại trừ các bệnh thực thể như ung thư đại - trực tràng , viêm đại tràng …) và kết quả âm tính (-) thì đó có thể là hội chứng đại tràng kích thích. Hội chứng này thường gặp rất nhiều và thường ở tuổi từ 20-40 tuổi và gặp ở nữ nhiều hơn nam.

Nguyên nhân hiện nay chưa rõ, người ta thấy có sự rối loạn chuyển động của cơ trơn vách đại tràng khiến cho nhu động của ruột tăng nhưng không có sự thay đổi về cấu trúc cũng như tổn thương của ruột. Bệnh có liên quan đến yếu tố tâm lý như sự lo lắng quá độ, stress trong cuộc sống.

Triệu chứng:

- Sôi ruột, trung tiện nhiều.

- Đau quặn bụng từng cơn, đau có thể giảm khi bệnh nhân trung tiện hoặc đại tiện.

- Khi ăn vào cơn đau có thể tăng lên và mắc đi đại tiện.

- Có thể có trướng bụng về phía bụng bên trái.

Mặt khác bệnh nhân nhân có thể mệt mỏi, bực bội, ăn không ngon, hồi hộp, đau lưng.

Bệnh có thể tự khỏi nhưng một thời gian sau lại tái phát trở lại.

Điều trị:

- Ăn nhiều chất xơ như rau.

- Tránh ăn nhiều chất béo.

- Tránh ăn nhiều gia vị như tiêu, ớt.

- Không uống rượu bia, bỏ thuốc lá nếu có.

- Năng vận động như đi bộ, tập các động tác lưng - bụng, tập yoga.

- Có cuộc sống thoải mái, làm việc và nghỉ ngơi điều độ, tránh những căng thẳng trong cuộc sống.

- Dùng tâm l‎ý liệu pháp như thôi miên, tự ám thị.

- Có thể dùng thuốc như:

+ Làm giảm co thắt ruột như Spasmaverine 40mg, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 viên.

+ Actapulgite 3g, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 gói.

Theo BS Nguyễn Đình Sang

Tuổi trẻ

Vào bếp tìm thuốc kém tiêu hóa

Nếu bị trướng bụng đầy hơi, bạn nên ăn rau mùi, nó sẽ giúp trung tiện dễ dàng và khiến bạn thấy nhẹ nhõm. Còn nếu bị tiêu chảy, hạt mùi lại rất có ích: mỗi ngày lấy 8 g sao lên cho thơm, rồi uống với nước.

Thuốc kích thích tiêu hóa là các loại rau thơm, gia vị có sẵn trong bếp. Khi bị đầy bụng, khó tiêu, các loại cây thuốc này có thể giúp lấy lại được cảm giác dễ chịu, lại không tốn kém hay gây hại cho cơ thể.

Vỏ quýt khô (trần bì): Trần bì càng để lâu càng tốt, thường dùng điều trị ăn không tiêu, đầy bụng, ợ hơi, tiêu chảy; trừ đờm, cầm ho. Cách sử dụng rất đơn giản: Xé vài miếng trần bì, rửa qua nước ấm cho sạch, bỏ vào cốc nước sôi, hãm trong 15-20 phút, uống nước lúc còn đang nóng, bỏ bã.

Riềng: Vị cay, thơm, tính ấm, có tác dụng kích thích tiêu hóa, ăn ngon cơm, chữa đầy bụng, đau bụng lạnh bụng, đau dạ dày, sốt rét, sốt nóng, trúng hàn nôn mửa, có khi nhai để chữa đau răng.

Đau thượng vị, đau do loét dạ dày - tá tràng: Riềng và củ gấu mỗi thứ 60 g, tán nhỏ thành bột, luyện với mật ong làm viên, mỗi ngày dùng 9 g, chia 3 lần.

Đau bụng nôn mửa: Gừng 8 g; đại táo 1 quả. Sắc với 300 ml nước, còn 100 ml, chia 2-3 lần uống trong ngày.

Quả cam quýt khô (chỉ thực - chỉ xác): Chỉ thực là quả hái vào lúc còn non, nhỏ. Chỉ xác là quả hái vào lúc gần chín. Chúng có tác dụng tiêu hóa, trừ đờm, chữa trướng bụng, lợi tiểu, chữa chứng ra mồ hôi.

Trẻ đi lỵ, ăn uống thất thường: Chỉ xác sấy khô, tán nhỏ, mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần 3 g.

Tía tô: Là loại cây thuốc có tác dụng tốt trong các trường hợp cảm lạnh, sốt, không ra mồ hôi, chống nôn, tăng cường tiêu hóa, trị ho hen, làm long đờm, còn có tác dụng giải độc khi ăn cua, cá bị ngộ độc. Khi thu hái tía tô, nên lưu ý phơi ở chỗ mát hoặc chỉ sấy nhẹ cho khô để tránh làm tinh dầu bay hơi.

Trúng độc, đau bụng do ăn cua cá: Lá tía tô 10 g; gừng 8 g; cam thảo 4 g; nước 600 ml. Tất cả đem sắc còn 200 ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn đang nóng.

Rau mùi: Để chữa ho, ít sữa, giúp tiêu hóa, mỗi ngày dùng 4-10 g quả mùi hoặc 10-20 g lá cây tươi sắc lấy nước uống hay ngâm rượu.

Dân gian hay dùng rau mùi chữa sởi chậm mọc. Lấy một nắm lá mùi tươi khoảng 50 g sắc với 500 ml nước cho sôi, để nguội bớt rồi dùng khăn thấm ướt, lau toàn thân cho trẻ. Có thể dùng thêm 10-12 g hạt mùi sắc cho trẻ uống hoặc giã nhỏ một nắm hạt mùi khô, thêm ít rượu đun nóng, rồi gói vào vải thưa, xát lên người cho trẻ.

BS. Thanh Quý, Sức Khỏe & Đời Sống

Bưởi – loại quả nhiều lợi ích

Trẻ đau trướng bụng hoặc tiêu chảy do ăn không tiêu có thể chữa bằng cách: Lấy vỏ bưởi rửa sạch, cạo bỏ lớp ngoài, cắt thành từng khúc, nấu với nước sôi một lát rồi vắt nước, ngâm trong đường 1 tuần. Lấy nước mứt nuốt dần, dùng liền 5 ngày.

Nước bưởi chứa nhiều chất bổ dưỡng như các loại đường trái cây, đạm, béo, acid tannic, beta-caroten và các chất khoáng như phospho, sắt, canxi, kali, magiê, các vitamin B1, B2, C.

Đông y cho rằng mỗi bộ phận của quả bưởi đều có tác dụng riêng. Cơm bưởi vị ngọt, chua, tính mát, không độc, có tác dụng kiện tỳ, trị ho, giải rượu. Vỏ ngoài chứa tinh dầu (vỏ trong thường dùng làm mứt), vị cay, đắng, ngọt, tính ấm, có tác dụng trị ho, giảm đau. Hạt bưởi vị đắng, tính ấm, chứa chất béo, có tác dụng trị đau thoát vị bẹn, sa đì. Lá bưởi vị đắng, the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng tán hàn, tán khí, thông kinh lạc, giải cảm, trừ đờm, tiêu thực, hoạt huyết, tiêu sưng, tiêu viêm.

Theo y học hiện đại, nước bưởi có thành phần tựa như insulin, giúp hạ đường huyết, có tác dụng hỗ trợ đối với bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp. Vỏ chứa tinh dầu giúp kháng viêm, làm giãn mạch. Kiểm chứng thực tế cho thấy ăn bưởi đều đặn sẽ giúp giảm cân và phòng chống được tiểu đường.

Vỏ ngoài của bưởi chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và trị cảm cúm, thường được dùng trong liệu pháp nấu nồi xông giải cảm. Ngồi ra, vỏ bưởi còn chứa nhiều flavonoid như naringosid, hesperidin, diosmin, diosmetin, hesperitin... có tác dụng bảo vệ thành mao mạch, giảm tính thấm, giúp cho mao mạch đàn hồi và bền vững hơn, từ đó ngăn ngừa tai biến do vỡ các mao mạch, gián tiếp giúp hạ huyết áp. Một số người còn dùng vỏ ngoài quả bưởi xoa trên da đầu để kích thích lỗ chân lông phòng trị bệnh hói hay rụng tóc.

Một số bài thuốc có bưởi

1. Chữa ho nhiều, đàm khí nghịch

- Cơm bưởi 100 g, rượu gạo 15 ml, mật ong 30 ml, chưng cách thủy cho chín nhừ, mỗi ngày ăn 1 lần.

- Cơm bưởi cắt nhuyễn cho vào bình, ngâm rượu, đậy kín 1 đêm, nấu nhừ, dùng mật ong trộn đều, ngậm nuốt thường xuyên.

2. Rối loạn tiêu hóa, thai phụ miệng nhạt, nước dãi trào ngược

- Cơm bưởi 60 g, ăn hết một lần, mỗi ngày ăn 3 lần.

- Nước bưởi, mỗi lần dùng 50 g, ngày 3 lần, dùng liền 5 ngày.

- Bưởi 5-8 quả ép lấy nước, dùng lửa nấu đặc, thêm 500 g mật ong, 100 g đường phèn, 10 ml nước gừng tươi, cùng nấu thành dạng cao, để nguội, đựng trong lọ. Mỗi lần dùng 15 ml, ngày 2 lần, dùng liền 5 ngày.

3. Hôi miệng, giải rượu

- Cơm bưởi 100 g, nhai nuốt dần dần.

- Bưởi 1 quả lấy nước, vỏ quít 10 g, gùng tươi 6 g, thêm đường đen lượng vừa nấu chung, mỗi ngày dùng 1 liều, dùng liền trong 5 ngày.

4. Say tàu xe hay rối loạn tiêu hóa, miệng nhạt buồn nôn do cảm

Mứt bưởi 30-60 g, nhai nuốt dần.

5. Đau khớp hay té ngã sưng đau

Vỏ bưởi tươi 250 g, gừng tươi 30 g, cùng băm nhuyễn, đắp tại chỗ, mỗi ngày thay 1 lần.

6. Dị ứng da hay mẩn ngứa không rõ nguyên nhân

Bưởi da xanh 1 quả, cắt bổ nguyên quả, nấu nước thoa rửa tại chỗ, mỗi ngày làm 3 lần, đồng thời có thể ăn bưởi 60 g, mỗi ngày 3 lần.

7. Thoát vị bẹn, sa đì

Hạt bưởi 15 g, băm nhuyễn nấu nước uống, ngày uống 1 lần vào sáng và chiều.

8. Bong gân, sưng khớp do lạnh, chấn thương

Lá bưởi không kể liều lượng, nướng chín để nắn, xoa bóp hay nấu nước xông và ngâm tại chỗ.

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Chữa bệnh từ gạo nếp

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiGạo nếp là loại lương thực quá quen thuộc với mọi người. Vào dịp lễ tết không nhà nào không dùng gạo nếp: bánh chưng, bánh tét, nấu xôi, nấu chè, làm các loại bánh. Tuy nhiên không phải ai cũng biết gạo nếp còn có tác dụng chữa bệnh như dưới đây.

Những ai không dùng nhiều gạo nếp?

Gạo nếp còn gọi là nọa mễ, đạo mề, giang mễ, nguyên mễ, là nhân của cây lúa nếp. Thành phần chính gồm có: chất bột 75%, protein 6,7%, chất béo, canxi, phospho, sắt, vitamin B1, PP, axit fumalic, axit butanedioic, cùng đường saccarôzơ, mạch nha... 100g gạo nếp cho độ 347 kcal.

Theo y học cổ truyền, gạo nếp có tính ôn, vị ngọt, trung ích khí, ấm tỳ vị, giải độc, trừ phiền, chữa chứng hay toát mồ hôi, tả, dạ dày, ruột hư hàn, hay đi tiểu, tiểu về đêm nhiều. Với cổ truyền, gạo nếp thường được dùng để chữa suy nhược cơ thể, tiêu chảy do tỳ vị hư nhược, viêm loét dạ dày, tá tràng...

Tuy nhiên do nó có tính ấm nên những người mang thể chất thiên nhiệt hoặc đàm nhiệt, người đang có sốt, ho khạc đờm vàng, vàng da, trướng bụng thì không nên dùng. Ngoài ra, chất amilopectin - thành phần tạo độ dẻo của cơm nếp lại gây khó tiêu, vì vậy không nên dùng nhiều gạo nếp cho trẻ nhỏ, người già, người mới ốm dậy, người tỳ vị quá hư nhược. Nếu muốn ăn quá, thì tốt nhất là nấu thành cháo.

Những cách vận dụng gạo nếp chữa bệnh

Dân gian hay dùng cơm nếp nóng để chườm chữa tắc tia sữa cho sản phụ; hoặc lấy cơm nếp nguội giã nhuyễn, trộn với bột thuốc để bó gãy xương và bong gân; dân gian còn dùng gạo nếp để chữa rối loạn bài tiết mồ hôi, tiểu đường, rối loạn tiền đình, thiểu năng tuần hoàn não, chứng buồn nôn ở phụ nữ có thai.

* Gạo nếp 30g tán thành bột mịn, nấu thành dạng hồ loãng, chế thêm 30g mật ong, chia ăn vài lần trong ngày để dùng cho người mắc chứng vị âm hư với biểu hiện: miệng khát muốn uống nhiều nước, ăn kém, hay nôn và buồn nôn. Phương thuốc này còn có tác dụng lợi mật, giảm đau, dùng cho các trường hợp có cơn đau quặn gan do giun chui lên đường mật.

* Mệt mỏi không có sức: Cho gạo vào bao tử heo nướng khô, giã ra làm viên hoàn để ăn hằng ngày.

* Đi lỵ cấm khẩu: Một bát lúa nếp rang cho nổ trắng, bỏ vỏ trấu, trộn với nước gừng rồi sao cho thành bột. Mỗi ngày ăn một thìa với nước canh. Ngày dùng 3 lần.

* Viêm dạ dày mãn tính, và loét dạ dày: Gạo nếp cho thêm táo tàu vừa đủ đun thành cháo loãng mà ăn. Ngày 1 - 2 lần, có thêm ít nho khô vào cháo mà đun chín để ăn.

* Thiếu máu do thiếu sắt: Gạo nếp 100g, đậu đen 30g, hồng táo 30g, đun thành cháo. Mỗi ngày ăn 1 - 2 lần.

* Cơ thể suy nhược sau khi ốm dậy: Gạo nếp, hạt sen lượng vừa đủ, đem đun thành cháo. Mỗi ngày ăn sáng và tối.

* Tiêu hóa kém, hay đi lỏng: Gạo nếp, hạt sen, khoai mài lượng vừa đủ. Đun thành cháo mà ăn.

* Trẻ con hay nôn trớ sữa: Gạo nếp sao vàng đun nước cho uống.

* Đái tháo đường: Hoa gạo nếp (lúa nếp rang cho nổ trắng ra, bỏ vỏ) vỏ lụa cây dâu (vỏ trắng) mỗi thứ 100g, sắc uống; hoặc gạo nếp 100g, đậu xanh 50g, nấu cháo ăn.

* Thở không tốt, ho: Gạo nếp và đường phèn lượng vừa phải, đồ chín lên ăn.

Theo Thanh Niên