Lưu trữ cho từ khóa: trúc diệp

Món ăn khi bị lở miệng, hôi miệng

Lở miệng (loét niêm mạc miệng) với cảm giác đau rát, miệng hôi khó chịu là bệnh rất thường gặp ở nước ta, nhất là khi thời tiết thay đổi thất thường.

Vậy làm thế nào để giảm bớt những khó chịu trên? Xin giới thiệu một số món ăn - bài thuốc để bạn đọc tham khảo.

Các món ăn khi bị lở miệng

Cháo mộc thông: mộc thông 12g, gạo lức 100g. Cho nước vào mộc thông đun kỹ, bỏ bã rồi cho gạo lức đã vo sạch vào nồi đun to lửa cho sôi rồi chuyển nhỏ lửa nấu thành cháo, có thể cho ít đường, ngày ăn 2 lần. Người không bị thấp nhiệt, khí nhược, đi tiểu nhiều lần không nên dùng.

Tác dụng: tả hỏa, hành thủy, trị lở miệng, thủy thũng, hoàng đản, đi tiểu ra máu.

Cháo đạm trúc diệp: đạm trúc diệp 15g, gạo lức 50g, muối ăn 2g. Cho nước vào đạm trúc diệp đun sôi, bỏ bã lấy nước rồi cho gạo đã vo sạch vào nấu cháo, cho muối vừa ăn, ăn hết trong ngày chia 2 lần.

Tác dụng: thanh nhiệt, lợi thủy, thông lâm, trị viêm lợi, lở miệng, cảm, sốt, khát nước, đi tiểu ít, có máu.

Canh ngân nhĩ nấu cà chua: ngân nhĩ 50g, cà chua 100g, đường vừa đủ. Ngân nhĩ ngâm nở, rửa sạch cho vào nồi đất nấu thành keo đặc; cà chua rửa sạch, gọt vỏ, giã nát cho vào keo ngân nhĩ và đường vừa đủ. Ngày ăn 2 lần sáng và tối.

Tác dụng: bổ âm, giáng hỏa do hư hỏa thượng phù, trị lở mép.

Canh bí xanh lá sen: lá sen tươi 1 lá, bí xanh 500g, muối vừa đủ. Lá sen rửa sạch cắt nhỏ, bí rửa sạch cắt miếng nhỏ, cho hai thứ vào nồi, nước vừa đủ, nấu chín, cho gia vị vớt bỏ lá sen. Ăn bí, uống canh.

Tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, trừ thấp, sinh tân, trị miệng lở loét, ho, khát nước.

Canh ngân nhĩ cà chua tốt cho người bị lở mép do hư hỏa thượng phù

Khi miệng bị hôi, có thể dùng các món ăn - bài thuốc sau:

Cháo lệ chi (vải): cùi vải (bỏ vỏ, hạt) 5 - 7 quả, gạo lức 50g, táo đỏ 5 quả… Đem 3 vị rửa sạch cho vào ấm đất với 500ml nước đun sôi, đến khi cháo nhuyễn là được. Ngày ăn 2-3 lần.

Tác dụng: ích khí, sinh tâm, bổ phế, hòa tỳ, khai vị, hành khí, chỉ thống, trị răng đau, hôi miệng

Cháo dưa chuột: dưa chuột 50g, gạo lức 100g. Dưa chuột thái lát, gạo vo sạch, cho hai thứ vào nồi thêm nước vừa đủ nấu thành cháo. Ngày ăn 2 lần.

Tác dụng: thanh nhiệt, lợi thủy, giải độc, trị hôi miệng, họng sưng, khát nước, đau mắt đỏ.

Cháo rễ lau: rễ lau tươi 30g, gạo lức 50g. Rễ lâu rửa sạch, cho 500ml nước ninh cạn còn 250ml. Cho gạo lức vào nước lau, nấu thành cháo. Ngày ăn 2 lần.

Tác dụng: thanh nhiệt, sinh tân, trị miệng hôi, phòng ung thư thực quản.

Canh hồi hương: mầm hồi hương tươi 50g, muối, bột ngọt. Nhặt sạch tạp chất trong mầm hồi hương, rửa sạch, cắt đoạn ngắn. Đun nước sôi rồi cho hồi hương vào với bột ngọt, gia vị, sôi là được. Dùng trong ngày.

Tác dụng: ôn thận, tán hàn, trị hôi miệng, thận hư, tóc bạc, râu tóc khô cứng.

Theo Lương y Minh Chánh

Meo.vn (Theo Suckhoedoisong)

Bài thuốc nam chữa cháy nắng

Nắng nóng, nhiều người sau khi ở ngoài nắng xuất hiện các tổn thương ở dạng mạn tính như da dày lên, hóa sừng, đen sạm, thậm chí sưng đỏ tấy, bỏng rát.

Đông y cho rằng, cháy nắng là do bẩm sinh da thịt không bền chắc, không kích ứng với ánh nằng cường độ mạnh hoặc do thử thấp nhiệt, độc xâm phạm vào cơ thể, ứ đọng ở cơ bắp, ngấm vào bì phu (da) dẫn đến cháy nắng. Dưới đây là cách điều trị da cháy nắng.

Thể nhiệt độc: Vùng da cháy nắng bỏng, sưng thũng, mặt da căng, sáng bóng hoặc có những nốt sần đỏ mọc dày đặc, nóng rát và đau, kèm theo miệng khô, khát nước, bồn chồn không yên. Để điều trị cần thanh nhiệt, lương huyết, giải độc và tiêu thũng với bài thuốc: Huyền sâm 12g, trúc diệp (lá che hoặc trúc) 10g, kim ngân hoa 10g, bồ công anh 10g, vỏ đậu xanh 15g, cam thảo 6g, thông thảo 6g, sắc nước ngày uống 2 lần, uống liên tục 5 - 7 ngày. Trường hợp khát nhiều thêm củ sắn dây 20g, lô căn (rễ sậy 20g); Nếu sưng nóng đau nhiều, thêm vỏ núc nác 12g, chi tử (hạt dành dành) 10g.

Thể thấp độc: Vùng da bị cháy nắng nổi ban đỏ, sưng thũng, nóng rát, đau nhức, mụn nước nhỏ mọc dày đặc, vỡ loét chảy nước, miệng khát nhưng không uống được nhiều nước. Để chữa trị cần thanh nhiệt, giải độc và trừ thấp bằng bài thuốc: Rễ cỏ tranh 30g, sinh thạch cao 30g, sinh địa 15g, đan bì 15g, đại thanh diệp (lá cây bọ mẩy) 15g, hạt mã đề 15g, ý dĩ nhân 30g, sắc uống ngày 1 thang liên tục trong hai tuần.    

Lương y Nguyễn Văn

Meo.vn (Theo Bee)

Đông y trị chứng thận hư

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hội chứng thận hư: ứ nước thận, viêm cầu thận, u tuyến thượng thận, thận mất chức năng lọc thải độc tố, giữ dưỡng chất dẫn đến bị phù thũng, huyết áp tăng cao, thiếu máu, bạch cầu tăng.

Phương pháp điều trị: Lợi tiểu, trục thủy, chống viêm nhiễm, hạ huyết áp, bổ nguyên khí, bổ thận, an thần. Y học cổ truyền chia bệnh thận hư làm 2 giai đoạn cấp tính và mạn tính. Tùy thể, tùy giai đoạn cấp hay mạn mà dùng bài thuốc thích hợp.

Giai đoạn cấp tính có 3 thể:

Phong nhiệt nhiễu lạc: Phép trị là sơ phong thanh nhiệt, lương huyết chỉ huyết, dùng bài Ngân kiều tán gia giảm: ngân hoa 15g, liên kiều 12g, huyền sâm 15g, bạch mao căn 20g, ngư tinh thảo 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Hạ tiêu thấp nhiệt: Phép trị là thanh nhiệt lợi thấp, lương huyết chỉ huyết, dùng bài Tiểu kế ẩm tử gia vị: Ngẫu tiết (củ sen) 15g, bồ hoàng 9g, mộc thông 9g, bông mã đề 15g, sinh địa hoàng 15g, đương quy 9g, chi tử sao đen 9g, đạm trúc diệp 12g, cam thảo 5g, nhân trần 15g, thạch vĩ 15g, biển súc 15g. Sắc uống ngày 1 thang.

Tâm hỏa cang thịnh: Phép trị là thanh âm tả hoả, lương huyết chỉ huyết, dùng phương Đạo xích tán gia vị. Bài thuốc gồm: sinh địa hoàng 18g, trúc diệp 12g, mộc thông 9g, cam thảo 5g, bồ hoàng 9g, ngẫu tiết 15g, hoạt thạch 20g, chi tử 6g. Sắc uống ngày 1 thang.

Ngư tinh thảo.
Giai đoạn mạn tính tiềm ẩn có 3 thể:

Âm hư hỏa vượng: Phép trị là tư dưỡng can thận, lương huyết chỉ huyết; dùng bài Tri bá địa hoàng hoàn gia vị: Tri mẫu 12g, hoàng bá 12g, sinh địa 18g, sơn thù 9g, hoài sơn 12g, đan bì 9g, bạch linh 9g, trạch tả 9g, bạch mao căn 20g, tiểu kế 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Khí bất nhiếp huyết: Phép trị là ích khí nhiếp huyết; dùng bài Quy tỳ thang gia giảm: đẳng sâm 12g, bạch truật 9g, hoàng kỳ 15g, đương quy 9g, phục thần 9g, viễn chí 4g, toan táo nhân 9g, mộc hương 4g, a giao (sao phồng) 15g, bạch thược 9g, chích cam thảo 6g, địa du (sao đen) 15g; Sắc uống ngày 1 thang.

Khí trệ huyết ứ: Phép trị là ích khí hoạt huyết; dùng bài Bổ dương hoàn ngũ thang gia giảm: hoàng kỳ 20g, đẳng sâm 12g, bạch truật 9g, hoài sơn 12g, khiếm thực 12g, xích thược 12g, xuyên khung 6g, quy vĩ 9g, địa long 9g, đan sâm 15g, ích mẫu thảo 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Các bài thuốc trên cho vào 750ml nước, sắc kỹ chắt lấy 250ml nước thuốc chia uống 3 lần trong ngày sau khi ăn 30 phút.

Điều trị bệnh thận hư bằng y học cổ truyền theo nguyên tắc chung là kết hợp chặt chẽ giữa dùng thuốc với tập luyện dưỡng sinh và ăn uống hợp lý để nâng cao sức đề kháng.

Lưu ý: Chế độ ăn cần hạn chế muối nghiêm ngặt giúp kiểm soát triệu chứng phù.

Đây là bệnh khó chữa, tốt nhất nên đến cơ sở y tế chuyên khoa khám để được tư vấn và điều trị.          

Lương y Vũ Quốc Trung

(suckhoe-doisong)

Chữa đau khi… cực khoái

Là cơn đau xuất hiện đột ngột khi phóng tinh do rối loạn chức năng sinh lý thường gặp ở nam giới. Tùy theo mức độ, vị trí đau và những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Lương y Huyên Thảo (Hà Nội) giới thiệu những bài thuốc giúp bệnh nhân điều trị căn bệnh éo le này.

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh: do bao quy đầu quá hẹp, bị viêm nhiễm cơ quan sinh dục, sử dụng thuốc chống trầm cảm, an thần, dịch âm đạo có độ acid quá cao...

Theo Đông y, chứng phóng tinh đau có liên quan tới trạng thái bệnh lý ('thấp nhiệt'; 'khí trệ, huyết ứ'; 'can thận âm hư'; 'can khí uất kết'...). Lương y Huyên Thảo lưu ý người bệnh cần căn cứ vào những triệu chứng cụ thể để chọn sử dụng bài thuốc hợp lý sau đây:

Bài 1

Thành phần: Đương quy 15g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, xuyên khung 10g, sài hồ 10g, chỉ xác 15g, cát cánh 6g, ngưu tất 10g, sinh địa 15g, diên hồ sách 15g, trần bì 15g, hương phụ 10g, bồ công anh 30g, dây kim ngân 15g. Gia giảm: Đau dữ dội, thêm: Nhũ hương 10g, một dược 10g, ngô công 2 con.

Cách sử dụng: Cho thuốc vào nồi. Cho nước ngập trên mặt thuốc. Đun to lửa cho sôi, sau đó đun nhỏ lửa 20-30 phút rồi chắt nước ra. Sắc 2 nước. Nước thứ nhất đổ nước cao hơn mặt thuốc 4cm và hầm thuốc 30 phút. Nước thứ hai ngập 2cm và hầm 20 phút. Hợp 2 nước lại, chia 2-3 lần uống trong ngày, cách xa bữa ăn. Uống theo từng liệu trình 10 ngày, giữa các liệu trình nghỉ 3- 4 ngày.

Tác dụng : Hành khí giải uất, hoạt huyết hóa ứ, thanh nhiệt giải độc, chỉ thống (giảm đau). Dùng chữa đau như thắt, như dùi khi phóng tinh, ở dương vật, vùng xương mu, vùng hội âm. Kèm theo chứng trạng như: ngực sườn đầy tức, thần trí u uất, chất lưỡi tím tái, mạch nhỏ rít hoặc cơ quan sinh dục bị tổn thương.

Bài 2

Thành phần: Hạt mã đề 20g, biển súc 20g, cỏ roi ngựa 3g, thổ phục linh 30g, hổ trượng căn 20g, xuyên sơn giáp 10g, xuyên tâm liên 8g, mộc thông 10g. Gia giảm: Tinh hoàn sưng đau, thêm: Ô dược 10g, xuyên luyện tử 10g. Đau vùng hội âm, thêm: Đại hoàng 10g, diên hồ sách 10g, Tinh dịch có lẫn huyết khối đen, thêm: Bồ hoàng 10g, kim tiền thảo 15g. Người uể oải, mệt mỏi, thêm: Hoàng kỳ 30g, đẳng sâm.

Cách sử dụng: như bài 1.

Tác dụng: Chữa phóng tinh đau do viêm túi tinh.

Bài 3

Thành phần: Hoàng bá 15g, trí mẫu 12g, sinh địa 15g, thục địa 15g, quy bản (sắc trước 20 phút) 20g, trạch tả 10g, chỉ xác 10g, diên hồ sách 10g, cam thảo 6g,

Cách sử dụng giống như bài 1.

Tác dụng: Bổ âm, lương huyết, chỉ thống. Chữa vùng bụng dưới, bẹn và vùng hội âm đau khi xuất hiện xung động tình dục và đau tăng lên khi phóng tinh kèm theo những chứng trạng như tinh thần uể oải, lưng gối đau mỏi, tai ù, mắt hoa, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi ít, mạch nhỏ nhanh.

Bài 4

Thành phần: Sinh địa 20g, mộc thông 20g, cam thảo 9g, trúc diệp (lá tre, trúc) 12g, mã đề 12g, liên tử tâm (tâm sen) 9g, diên hồ sách 10g.

Cách sử dụng như bài 1.

Tác dụng: Thanh tâm, tả hỏa, chỉ thống. Chữa bẹn và hội âm đau từng cơn trong quá trình giao hợp. Kèm theo những triệu chứng toàn thân như bồn chồn, nóng ngực, miệng khát, tiểu tiện nóng đỏ, đêm ngủ không yên, đầu lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng.

Theo Thanh Niên

Ðông y chữa bệnh chàm

Trong bệnh chàm, thương tổn lúc đầu xuất hiện trên da màu đỏ hồng. Trên nền da đỏ, xuất hiện những mụn nước nhỏ li ti như rôm, mụn nước giập vỡ chảy nước vàng, sau vài ngày dịch khô thành một lớp vảy, vảy bong để lại lớp da đỏ hồng. Bệnh tái diễn thành từng đợt. Tại vùng tổn thương rất ngứa. Đông y chia bệnh thành hai thể: cấp tính và mạn tính. Tùy thể bệnh mà dùng bài thuốc thích hợp.

Điều trị chàm cấp tính

Thể thấp nhiệt: Da hồng đỏ, ngứa, nóng rát, có mụn nước, loét chảy nước vàng.

Bài 1: Nhân trần 20g; thổ phục linh, kim ngân, mỗi vị 16g; khổ sâm, hoàng bá nam, hạ khô thảo, ké đầu ngựa, mỗi vị 12g; hoạt thạch 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Sinh địa, kim ngân hoa, hoạt thạch, mỗi vị 2g; đạm trúc diệp 16g; hoàng cầm, hoàng bá, phục linh bì, khổ sâm, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 3: Nhân trần 20g, trạch tả 16g, hậu phác, phục linh, trư linh, mỗi vị 12g; trần bì 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 4: Sinh địa, mã đề, mỗi vị 16g; ngưu bàng tử, hoàng liên, mộc thông, khổ sâm, hoàng bá, mỗi vị 12g; phục linh, thương truật, mỗi vị 8g; bạc hà 4g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 5: Gỉ sắt 4mg, rượu 50ml. Tán gỉ sắt, ngâm rượu 2 ngày. Rửa sạch chỗ chàm bôi thuốc (kết quả tác dụng tốt đối với chàm trẻ em).

Thể phong nhiệt: Da hơi đỏ, có mụn nước, phát triển toàn thân, ngứa gãi chảy nước, ít loét.

Bài 1: Thạch cao 20g; sinh địa 16g; kinh giới, phòng phong, ngưu bàng tử, khổ sâm, mộc thông mỗi vị 12g; tri mẫu 8g; thuyền thoái 6g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 2: Trạch tả, sinh địa, mỗi vị 12g; long đởm thảo, hoàng cầm, chi tử, mộc thông, mã đề, sài hồ mỗi vị 8g; thuyền thoái 6g; cam thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.
Xác lột ve sầu cho vị thuốc thuyền thoái.

Điều trị chàm mạn tính

Biểu hiện: Da dày thô, khô, ngứa, nổi cục có mụn nước, hay gặp ở mặt, cổ chân, cổ tay, khuỷu tay, đầu gối.

Bài 1: Thuốc mỡ: hoàng liên, hồng hoa, hồng đơn chu sa, mỗi vị 4g. Tán bột, hòa với mỡ trăn, bôi vào chỗ chàm.

Bài 2: Thuốc rửa: lá vối tươi, lá kinh giới mỗi vị 100g. Đun sôi rửa vết loét, sau dùng thuốc mỡ nêu trên bôi.

Bài 3: Thục địa, sinh địa, kinh giới mỗi vị 16g; đương quy, bạch thược, thương truật, phòng phong mỗi vị 12g; khổ sâm, thuyền thoái, bạch tật lê mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 4: Hoàng bá, hy thiêm, ké đầu ngựa, phù bình mỗi vị 12g; thương truật, phòng phong mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

Bài 5: Hoàng liên 8g, bạch thược 4g, hoàng cầm 2g. Các vị trên được tán bột khô, sắc với nước rồi lọc và thêm vào nước sắc một lòng đỏ trứng, trộn kỹ, chia uống làm 3 lần mỗi ngày nước sắc ấm.

Chàm bìu: Có 2 thể, cấp và mạn tính

Bài thuốc: hoàng cầm, sinh địa, xa tiền tử, trạch tả, mộc thông, khổ sâm mỗi vị 12g; long đởm thảo, son chi mỗi vị 8g.

Bệnh cấp tính dùng dạng thuốc sắc, mỗi ngày sắc uống một thang. Bệnh mạn tính dùng dạng thuốc hoàn, các vị được tán bột, làm hoàn, mỗi ngày uống 20g.  

GS. Đoàn Thị Nhu
(suckhoe-doisong)

Đông y chữa rụng tóc

Tóc có công năng bảo vệ bộ não, khi đầu bị va đập, tóc dày có tác dụng đệm lót, tránh cho não khỏi chấn thương, hoặc thương tổn nhẹ hơn, nên nuôi dưỡng bộ tóc không những làm cho dung nhan đẹp hơn, mà còn bảo vệ hệ thần kinh trung ương.

Tóc sinh trưởng rất mạnh mẽ. Theo nhiều công trình nghiên cứu, con người ở lứa tuổi thanh xuân, tóc sinh trưởng mạnh nhất, mỗi ngày mọc thêm vài trăm sợi mới, khi tuổi cao, sức khỏe suy giảm, nhất là thận tinh giảm sút, can huyết không đủ, tỳ khí hư nhược, hoặc bảo vệ nuôi dưỡng tóc không đúng cách, sẽ ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, tái sinh của tóc, có thể làm cho tóc chóng bạc, mau rụng, nghiêm trọng hơn là sinh ra bệnh rụng tóc (hói), ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

Có nhiều nguyên nhân gây rụng tóc, song thường thấy là:

Rụng tóc do tâm tư tình cảm: Tâm tư u sầu, tinh thần u uất, thần kinh thương tổn, trao đổi chất suy giảm, máu lưu thông kém, sẽ rụng tóc nhanh trong khoảng thời gian ngắn.

Rụng tóc do dinh dưỡng: Do có trở ngại về hấp thu tiêu hóa, làm cho dinh dưỡng kém, tóc sẽ khô xác, dễ gãy, dễ rụng.

Rụng tóc do béo phì: Thường thấy ở người mập. Do axít béo bão hòa quá nhiều trong cơ thể, sinh ra cholesterol quá nhiều, từ da tiết ra, đọng lại trên da đầu, làm tắc tuyến mồ hôi và tuyến nhờn, làm giảm trao đổi chất ở da đầu, gây rụng tóc.

Rụng tóc do chất nhờn quá nhiều: Thường thấy ở tuổi thanh niên và trung niên, tuyến nhờn ở da tiết ra quá nhiều, thường xảy ra ở những người thích ăn ngọt béo, biểu hiện là ngứa da đầu, nhiều gàu, da đầu nhiều chất nhờn, rụng tóc làm cho tóc thưa.

Bệnh rụng tóc: Thường trong thời gian ngắn, thậm chí chỉ một đêm, tóc rụng từng mảng, trường hợp nghiêm trọng chỉ vài ngày hoặc vài tháng là rụng hết tóc.

Rụng tóc do lao động trí óc căng thẳng thường xuyên: Não làm việc quá mức, suy nghĩ nhiều cả ngày lẫn đêm cũng làm rụng tóc.

Ngoài ra rụng tóc còn do nội tiết không điều hòa, do sinh đẻ, do dùng thuốc, do thời tiết, do bệnh lý và do những nguyên nhân có tính chất vật lý.

Sau đây xin giới thiệu với bạn đọc một số bài thuốc chống rụng tóc đơn giản và hiệu quả:

Thang chữa hói đầu: Công dụng trừ phong, hoạt huyết, bổ thận, dưỡng âm, đối với những người hói đầu, rụng tóc rất có giá trị. Trong quá trình chữa trị, nếu gội đầu bằng nước sắc ngư tinh thảo, sau đó xoa gừng tươi vào chỗ da đầu hói thì hiệu quả càng tốt.

Bài thuốc: Thiên ma 9g, hoàng kỳ 15g, đương quy 9g, sinh địa 15g, huyền sâm 15g, hạt dành dành 9g, đan bì 6g, kinh giới 6g, mạch môn đông 12g, hồng hoa 3g, rễ bạch mao 30g, liên thảo 15g, hà thủ ô 15g, cam thảo 6g, sơn giáp 3g.

12 vị trên cho vào 800ml nước sắc lấy 200ml, lọc qua. Lại  cho 500ml nước vào bã sắc lại, lấy 100ml. Hợp nước sắc cả hai lần để uống. Mỗi ngày một thang, chia làm 2 hoặc 3 lần uống. Uống liền 20-30 thang sẽ có hiệu quả.

Cao mọc tóc: Có thể chữa khỏi gàu, hết ngứa và mọc tóc.

Ô đầu 45g, măng thảo 30g, thạch nam 30g, tế tân 30g, tục đoạn 30g, tạo giác (quả bồ kết) 30g, trạch lan 30g, bạch truật 30g, tân di 30g, phòng phong 30g, bạch chỉ 30g, trúc diệp 45g, tùng diệp 250g, bách diệp 250g, mỡ lợn 2.000g.

15 vị trên đều tán bột ngâm vào 2 lít giấm một đêm, sáng hôm sau cho vào mỡ đun bằng lửa nhỏ trong mấy tiếng. Đợi bạch chỉ có sắc vàng tức đã thành cao, lọc bỏ bã để dùng. Mỗi lần trước khi dùng, phải gội sạch đầu, sau đó bôi thuốc lên.

Cao màn kinh tử: Bài này có thể chữa sạch gàu và đầu hết ngứa, tóc rụng lại mọc.

Màn kinh tử 250, sinh phụ tử 30 quả, hoa dương trịch trục 120g, đình lịch tử 120g, linh lăng hương 60g, liên tử thảo một nắm.

6 vị trên đều chặt nhỏ, dùng vải gói lại, ngâm trong 1 lít dầu vừng 7 ngày. Mỗi lần chải đầu lấy một ít thuốc bôi lên lược để chải.

Bột cúc hoa: Bột cúc hoa chữa gàu, hói đầu và rụng tóc.

Cúc hoa 60g, màn kinh tử 30g, bách diệp (khô) 30g, xuyên khung 30g, tang bạch bì 30g, bạch chỉ 30g, tế tân (bỏ mầm) 30g, liên thảo (lấy cả lá, hoa và rễ) 30g.

Tất cả các vị trên đều nghiền bột, mỗi lần lấy 60g bột thuốc cho vào 5 bát nước vo gạo để chua, sắc lấy 3 bát, lọc bỏ cặn, dùng nước sắc đó gội đầu.

Dầu vừng: Vừng đen 500g, ép lấy dầu. Bôi dầu đó lên đầu, ngày bôi một lần sẽ làm cho tóc rụng mọc lại.

Nước ngâm bách diệp: Nước ngâm bách diệp chủ trị đầu hói. Tuy tốc độ mọc tóc chậm nhưng kinh tế, giản tiện, dễ tìm thuốc, an toàn.

Lá trắc bạch diệp tươi 32g, rượu cồn 75o 100ml.

Ngâm trắc bách diệp vào cồn 7 ngày có thể dùng được. Dùng bông thấm xoa lên chỗ rụng tóc mỗi ngày 3 lần. Sau một thời gian sẽ có hiệu quả.

Theo Suckhoe&Doisong

Đông y phòng và trị bệnh thủy đậu

Thời gian gần đây một số bệnh truyền nhiễm tăng như sốt phát ban, sởi, tiêu chảy cấp, thủy đậu… Thời tiết chuyển từ đông sang xuân là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn gây bệnh phát triển, ở một số địa phương đang bắt đầu vào mùa thủy đậu.

Thủy đậu là do một loại virut gây nên, lây trực tiếp qua đường hô hấp.Theo y học cổ truyền là do nhiệt phạm phế qua đường miệng.Thủy đậu là bệnh nông, nhẹ, ở phần vệ, rất ít gặp ở phần huyết. Tùy theo thể nặng hay nhẹ, có thể áp dụng những bài thuốc Đông y để chữa trị.

Với bệnh nhẹ

Cây dâu tằm.

Triệu chứng: những nốt thủy đậu mọc rải rác xung quanh mầu hồng nhạt, sốt nhẹ, có khi không sốt, ho ít. Nước mũi loãng trong, người bệnh ăn uống và tinh thần bình thường. Bệnh đang ở phần vệ khí. Phép chữa: sơ phong thanh nhiệt.

Bài 1: lá dâu 12g, cam thảo đất 8g, rễ sậy 10g, lá tre 16g, hoa cúc 8g, kim ngân hoa 10g, kinh giới 8g. Sắc uống

Bài 2: Thông xị cát cánh thang: Hành tăm 2 củ, liên kiều 8g, cát cánh 4g, bạc hà 2g, đạm đậu xị 4g, sơn chi 2g, trúc diệp 8g, cam thảo 2g.

Sinh địa.

Khi thủy đậu mọc có thể dùng phương pháp trừ thấp giải độc sau:

Bài 3: cam thảo dây 12g, lá tre 10g, sinh địa 12g, hoàng đằng 8g, rễ sậy 8g, kim ngân hoa 12g, vỏ đậu xanh 12g. Sắc uống

Bài 4: Đại liên kiều ẩm: Phòng phong 4g, kinh giới 4g, hoàng cầm 6g, thuyền thoái 2g, hoạt thạch 8g, xích thược 6g, cam thảo 4g, sài hồ 6g, chi tử 6g, liên kiều 8g, ngưu bàng tử 8g, xa tiền 12g, mộc thông 6g, đương quy 4g.

Với bệnh nặng

Triệu chứng: thủy đậu mọc dày, sắc tím, màu nước đục, xung quang nốt thủy đậu màu đỏ sẫm, sốt cao, phiền khát, mặt đỏ, môi hồng, viêm mạc miệng, có những nốt phỏng, rêu lưỡi vàng, chất lưỡi đỏ. Bệnh đang ở phần dinh. Phép chữa: thanh nhiệt giải độc ở khí phận, lương huyết ở doanh phận.

Bồ công anh.

Bài thuốc: kim ngân hoa 12g, liên kiều 8g, bồ công anh 16g, sinh địa 12g, xích thược 8g, chi tử (sao) 8g. Nếu phiền táo, thêm hoàng liên 8g. Táo bón, thêm đại hoàng 4g. Khát nước, miệng khô, thêm thiên hoa phấn, sa sâm, mạch môn, mỗi vị 8-12g.

Đề phòng biến chứng: nếu không điều trị tốt, giữ gìn vệ sinh đầy đủ sẽ gây biến chứng như: nốt phỏng bị nhiễm khuẩn gây thành mụn, mủ, lở loét: viêm phổi, viêm não, viêm thận cấp ở một số ít trẻ cơ thể ốm yếu.

Lương y Minh Chánh

Đông y trị chứng viêm bờ mi

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới

 

Kinh giới - một vị thuốc trị chứng viêm bờ mi - Ảnh: Minh Ngọc

Lương y Huyên Thảo (Hà Nội) cho biết, bệnh  viêm bờ mi trong Đông y gọi là chứng 'kiểm huyền xích lạn' (bờ mi đỏ loét) hay' phong xích sang di' (tác nhân gây bệnh đỏ, viêm loét). Nguyên nhân chủ yếu do trong cơ thể vốn có thấp nhiệt ứ đọng ở 2 kinh tỳ vị, hoặc do tạng tâm vốn quá nóng lại bị cảm nhiễm phải từ môi trường bên ngoài mà gây bệnh. Người bệnh có thể sử dụng một trong những bài thuốc kinh nghiệm dân gian sau:

+ Dùng 15g mầm ngọn hoặc cành non của cây hoa cúc rửa sạch, thái nhỏ, thêm một ít muối, 60g gạo tẻ, nấu cháo, mỗi ngày ăn một lần vào sáng sớm.

+  15g thảo quyết minh (hạt muồng ngủ) sao cháy đen, hạ khô thảo 10g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

+ Thảo quyết minh, hoa cúc trắng - mỗi vị 15g, cho vào nồi đất sắc lấy nước, thêm 60g gạo tẻ nấu cháo, ngày ăn một lần.

+ Lòng đỏ trứng gà nướng cháy tiết ra chất dầu màu nâu thẫm, bôi ngày 2-3 lần.

+ Mỗi ngày hái 9-10 lá dâu tằm, sắc lấy nước rửa mắt ngày 4-5 lần.

Nếu sử dụng những bài thuốc nói trên mà bệnh không thuyên giảm cần căn cứ vào chứng trạng của người bệnh để có bài thuốc phù hợp. Cụ thể:

+ Nếu bờ mi đỏ tấy lở loét, ngứa, mủ có mùi tanh, mắt nhức dùng bài thuốc sau: kim ngân hoa 9g, dây kim ngân 12g, bồ công anh 15g, cành lá bọ mẩy 15g, vỏ núc nác 9g, sắc nước uống mỗi ngày một thang, liên tục 10 ngày, nghỉ 5 ngày lại tiếp tục đợt khác.

+ Nếu bờ mi bị sung huyết, lở loét nặng và bong nhiều vảy trắng,  dùng bài thuốc: kinh giới 12g, thương truật 9g, khổ sâm 12g, hoạt thạch 12g, xa tiền tử 12g. Sắc nước uống như bài thuốc trên.

+ Nếu bờ mi đỏ ửng, nhói đau và ngứa dùng bài thuốc: hoàng đằng 6g, kim ngân hoa 9g, sinh địa 12g, trúc diệp 15g, hạt mã đề 15g, rễ cỏ tranh 12g. Sắc và uống như bài thuốc trên.

+ Bờ mi đỏ ửng, chỉ hơi ngứa nhưng dai dẳng dùng bài thuốc: vỏ núc nác 6g, thương truật 6g, sắc nước uống thay trà trong ngày. Liệu trình như bài thuốc trên.

Theo Thanh Niên

Bài thuốc phòng chống bệnh sốt phát ban

Thời điểm giao mùa, nhiều bệnh dịch có thể xảy ra như viêm màng não, các bệnh về hô hấp, tiêu chảy..., đặc biệt là sốt phát ban. Sốt phát ban (Rubella) là một bệnh truyền nhiễm có thể tạo thành dịch do virus gây ra với các triệu chứng sốt, phát ban và nổi hạch ở sau tai, chẩm và sau cổ. Bệnh lây từ người sang người bằng đường tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân hoặc có thể lây truyền qua các hạt nước bọt của bệnh nhân được khuếch tán trong không khí, do đó bệnh có thể lây lan rất nhanh trong cộng đồng. Bệnh Rubella ở trẻ em thường nhẹ, ở người lớn nặng hơn, có thể gây đau khớp, viêm khớp và biến chứng viêm não. Đặc biệt với phụ nữ có thai có thể dẫn đến sự phát triển không bình thường của thai nhi.

Trong y học cổ truyền, bệnh Rubella thuộc phạm vi các chứng Phong chẩn, Phong sa với các chứng trạng được mô tả tương tự trong các y thư cổ. Về mặt trị liệu, căn bệnh này được người xưa chữa trị bằng nhiều biện pháp. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu một số bài thuốc cụ thể để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng
Kim ngân hoa.

Bài 1:
Kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, kinh giới 6g, bạc hà 6g, ngưu bàng tử 6g, cát cánh 6g, đậu xị 4g, cam thảo 4g, lô căn 15g, sắc uống (liều lượng này dùng cho trẻ nhỏ, tùy theo lứa tuổi có thể tăng thêm cho hợp lý). Nếu sốt cao gia thạch cao 20g, tri mẫu 9g ; ban nổi có sắc đỏ gia đan bì 10g, xích thược 10g ; hạch nổi sưng to gia hạ khô thảo 10g, côn bố 10g; chảy máu cam gia bạch mao căn 10g, hoàng cầm 10g; ngực đầy tức khó chịu gia chi tử sao đen 10g.

Bài 2: Kim ngân hoa 8g, liên kiều 8g, kinh giới tuệ 5g, ngưu bàng tử 5g, cát cánh 5g, bạc hà 4g, trúc diệp 4g, cát căn 6g, thăng ma 6g, cam thảo 8g, sắc uống. Nếu sốt cao, môi khô miệng khát gia sinh thạch cao 15g, sài hồ 6g; hầu họng sưng đỏ đau gia bản lam căn 10g, thuyền thoái 3g, huyền sâm 6g, xạ can 6g; ngứa nhiều gia câu đằng 6g, địa phu tử 6g; ban nổi sắc nhạt gia phòng phong 6g; mắt đỏ gia hoàng cầm 6g, cúc hoa 10g; ho ít đờm gia tiền hồ 6g, tang diệp 6g, hạnh nhân 6g; hạch sưng to gia hạ khô thảo 10g, bối mẫu 6g.

Bài 3:  Kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, ngưu bàng tử 10g, phòng phong 10g, trúc diệp 6g, bạc hà 6g, cát cánh 6g, cam thảo 6g, sắc uống. Nếu ho nhiều gia hạnh nhân; sốt cao gia cương tàm, đan bì; ngứa nhiều gia thuyền thoái; đại tiện táo gia qua lâu nhân; môi khô miệng khát gia lô căn, sa sâm; hầu họng sưng đau gia huyền sâm.

Bài 4: Kim ngân hoa 15g, huyền sâm 15g, thuyền thoái 6g, bạc hà 9g, sinh thạch cao 24 - 45g (dưới 2 tuổi 24g, 2 - 5 tuổi 30g, trên 5 tuổi 45g), tử thảo 9 - 15g (ban sắc đỏ nhạt 9g, ban sắc đỏ sẫm 15g), sắc uống mỗi ngày 1 thang.    

 ThS. Hoàng Khánh Toàn

(suckhoe-doisong)

Rễ sắn dây trị say nắng, say nóng

Ở Việt Nam, hầu như ở mọi nơi, mọi vùng, miền, trong mỗi gia đình, ít nhiều cũng có vài ba gốc sắn dây được trồng với mục đích làm thực phẩm, luộc ăn như khoai sắn... Dĩ nhiên, với sắn dây ngoài tác dụng cung cấp về lượng tinh bột nhất định, còn có tác dụng làm cho cơ thể trở nên mát hơn.

http://www.kinhtenongthon.com.vn/Uploaded/thanduong/Nam%202009/Thang%208/Ngay%2010/04.JPG

Ngoài ra, đa phần sắn dây được chế để lấy tinh bột, mà dân gian thường gọi là bột sắn dây. Bột sắn dây uống sống có tác dụng giải nhiệt, nhất là trong mùa hè nắng nóng, nấu chín cũng có tác dụng giải nhiệt, trị niêm mạc miệng lở loét, mụn nhọt.

Không nên nhầm lẫn với cây sắn dây rừng, cùng họ đậu, song khác chi: Mucuna prurita Hook, còn gọi là đậu mèo, chỉ sử dụng hạt, dùng ngoài trị rắn cắn, hoặc dùng trị giun đũa, song liều cao sẽ gây ngộ độc, có thể dẫn đến tử vong. Cần hết sức lưu ý để tránh nhầm lẫn. Vì trên thực tế, cả hai cây này đều được gọi là sắn dây, chúng có hình dáng bên ngoài gần giống nhau, lại đều có nguồn gốc mọc hoang nơi rừng núi. Chỉ có điều cây sắn dây nói trong bài này đã được con người thuần hóa từ lâu. Hiện nay nó đã trở thành một cây trồng quen thuộc với mọi người.

Dùng rễ tươi của sắn dây trị say nắng, say nóng

Say nắng, say nóng thuộc chứng trúng thử của YHCT, nói một cách khác, là bị trúng nắng, trúng nóng, với các triệu chứng mặt đỏ nhừ, mồ hôi vã ra như tắm, choáng váng, chóng mặt, hoa mắt, ngã té, nặng hơn thì ngất xỉu, bất tỉnh nhân sự. Có thể dùng khoảng 40g rễ sắn dây tươi, rửa sạch đất cát, cắt nhỏ, giã nát, vắt lấy nước, thêm một chút muối ăn, quấy đều, cho uống. Người bệnh sẽ nhanh chóng hồi phục.

Sau khi chế biến, từ rễ sắn dây ta thu được một sản phẩm dùng làm thuốc, Đông y gọi là cát căn.

Cát căn được dùng trị bệnh như thế nào?

Trong Đông y, cát căn được xếp vào loại thuốc tân lương giải biểu, với tính chất vị ngọt, cay, tính bình, quy vào các kinh tỳ, vị.

Cát căn có công năng hạ nhiệt, làm ra mồ hôi. Do đó được sử dụng trong các trường hợp cảm mạo phong nhiệt, còn gọi là cảm nhiệt, với các triệu chứng sốt cao, phiền khát, đau đầu, đau gáy, cứng gáy... có thể dùng phương Cát căn thang: cát căn 12g, ma hoàng, sinh khương, mỗi vị 9g; quế chi, cam thảo, bạch thược, mỗi vị 6g; đại táo 12g. Ngày một thang, dưới dạng thuốc sắc. Còn dùng trị sởi đậu khó mọc: cát căn 10g, thăng ma, cam thảo, ngưu bàng tử, mỗi vị 10g. Sắc uống, ngày một thang. Cát căn còn phối hợp với địa liền, bạch chỉ, trị các chứng sốt cao, đau đầu, đau lồng ngực, đau các dây thần kinh ngoại biên... Ngoài ra, cát căn còn được dùng trong các trường hợp cảm mạo sốt cao, miệng háo khát, bụng cồn cào, đại tiện bí kết, đau vùng thượng vị: cát căn, mạch môn, cỏ nhọ nồi, mỗi vị 40g; đạm trúc diệp 20g. Gần dây, cát căn còn được sử dụng trị bệnh tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường...

http://img.suckhoedoisong.vn/Images/Uploaded/Share/2009/08/06/san-day-rung.JPG

Cơ sở khoa học của vị thuốc cát căn

Gần đây, việc chiết tách, phân lập các thành phần hóa học và tác dụng sinh học của rễ sắn dây phần nào đã làm sáng tỏ về cơ chế tác dụng của vị thuốc này. Từ rễ sắn dây, người ta đã phân lập được các isoflavonoid như daidzein, daidzin... Các chất này có tác dụng làm giãn sự co thắt các động mạch đáy mắt, động mạch cảnh, động mạch đùi, cải thiện tuần hoàn mạch máu não, làm tăng lưu lượng máu, làm giảm các cản trở của động mạch vành tim. Điều đó giải thích tác dụng về khả năng chữa đau đầu, cứng gáy, hạ huyết áp, đau thắt ngực... của vị thuốc này là hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Theo GS.TS. Phạm Xuân Sinh