Lưu trữ cho từ khóa: trừ đờm

Phương thuốc bí truyền dành cho phái đẹp

Có rất nhiều phụ nữ sau khi sinh đẻ thường không thể hồi phục lại thân hình thon thả như xưa, phần nhiều do mất thăng bằng nột tiết, chất béo được tích lũy cao hơn mức bình thường khiến cơ thể không ngừng mập ra dễ dẫn tới máu bầm (uế huyết), mà máu bầm thì lại càng dễ mập. Đôi khi chức năng thận mất thăng bằng hoặc cơ năng can kém sẽ khiến chất béo dưới da tích tụ mà trở thành béo phì. Điều chỉnh nội tiết, loại trừ máu bầm, phụ trợ cơ năng can thận hoạt động bình thường, khống chế việc ăn uống thì có thể giảm béo phì. Sau đây xin giới thiệu một số phương thức để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần thiết.

Bài 1: Đào hoa 300g. Hái đào hoa vào ngày 3/3 của 3 cây đào, để nơi mát cho khô, sau đó nghiền thành bột mịn, cho vào bình kín. Uống khoảng 3g bột thuốc trước bữa ăn mỗi ngày, uống 3 lần một ngày.

Theo Đông y, đào hoa có tính chạy tiết hạ giáng, lợi đại trường, dùng chữa người khí thực bệnh đình ẩm, đại tiểu bế tắc. Đào hoa còn có công hiệu tẩy trừ đờm ẩm thấp trọc và còn làm cho đờm thấp trọc tà từ đại tiện mà ra, vì thế có thể khu trừ đờm ẩm thấp tà trong thời gian ngắn. Người mập mạp đa số là người đờm thấp nội thịnh nên đào hoa có thể đạt được hiệu quả trong thời gian ngắn. Đào hoa còn làm cho da mặt hồng hào tươi sạch thu được hiệu quả nhất cử lưỡng tiện.

Nhưng khi sử dụng phương thuốc này nên lưu ý: Lượng uống mỗi lần không nên quá nhiều, thường từ 0,5-1g là vừa, nhiều dễ xuất hiện tiêu chảy. Nếu sau khi uống lâu ngày có hiện tượng đi tiêu lỏng, thì nên tạm ngừng sử dụng. Ngoài ra phương thuốc này không thể uống lâu ngày, hao âm huyết trong người, làm tổn nguyên khí, thì chẳng thể nào làm tươi đẹp da mặt được. Những người thể chất hư nhược cũng không nên uống thuốc này.

Bài 2: Dùng nước sôi pha trà, uống thường xuyên. Trà nên uống nóng, ngược lại uống lạnh thì đờm tụ không có lợi cho việc giảm phì. Trà có tác dụng giảm phì vì nó có tác dụng lợi tiểu, khử đờm nhiệt và có thể tẩy các chất bẩn nhày trong trường vị. Ngoài ra uống trà lâu dài khiến con người gầy, khử chất béo, trà có thể trừ phiền tiêu nhày. Khi đờm nhiệt được tẩy sạch, chất nhày được thanh giải nên có thể giảm phì, làm cho dáng người thon thả.

Bài 3: Hà diệp tươi (lá sen tươi) rửa sạch, cắt bỏ cuống và mép, sau đó đem phơi khô, rồi xé thành mảnh vuông. Cho vào giữa chảo, trên đậy lại bằng một cái chảo khác nhỏ hơn, nơi tiếp giáp giữa hai chảo bịt kín lại bằng đất vàng pha với nước muối và dán một tờ giấy trắng trên chảo nhỏ, dùng để phán đoán độ lửa. Sau khi tất cả chuẩn bị xong thì có thể đốt lửa nung chế. Thời gian nung chế dài ngắn lấy lúc tờ giấy trắng trở thành vàng khét làm chuẩn, đợi sau khi tờ giấy trắng trở thành vàng khét thì tắt lửa, để nguội hẳn mới lấy thuốc ra nghiền thành bột mịn là có thể sử dụng được. Dùng nước cơm pha với bột để uống 3 lần một ngày.

Hà diệp tức là lá của củ sen trong ao sen. Lá màu xanh có vị thanh lương, có công dụng thanh lợi thử thấp, thăng phát thanh dương, nên vào mùa hạ nhân dân hay có thói quen dùng hà diệp nấu cháo. Hà diệp còn có thể tán ứ cầm máu bởi vậy hà diệp có thể chữa nhiều bệnh về máu. Ngoài ra hà diệp còn có thể trừ tỳ vị, tiêu thủy thũng. Bởi do hà diệp chủ về lợi thấp tiêu sưng và trừ chất béo nên có thể giảm phì. Sau khi uống thuốc này có thể trừ được phần nước và chất béo dư thừa trong cơ thể, từ đó làm cho thân hình thon thả.

Bài 4: Đông qua (bí đao) dùng nấu canh hoặc làm dưa muối, ăn thường xuyên, những người muốn mập ra thì không nên dùng.

Đông qua có vị ngọt, tính hơi hàn, không độc, trừ thủy thũng lợi tiểu có tác dụng rõ rệt về kiện tỳ ích khí tiêu thủy. Trường kỳ ăn đông qua có thể tiêu trừ phần nước dịch thừa trong cơ thể, từ đó đạt được mục đích giảm phì. Món ăn này thích hợp với những người khí hư tỳ yếu, đồng thời có kèm hiện tượng béo bệu phù thũng. Cần phải ăn đông qua lâu dài mới có hiệu quả tốt.      

Theo Suckhoe&doisong

Chữa phong thấp bằng cách lấy độc trị độc

Hiếm ai trong đời không vài lần bị tê mỏi chân tay hay nhức đau xương khớp (dân gian gọi là phong tê thấp). Bệnh được cải thiện rất hiệu quả bằng phương thuốc cổ nổi tiếng có mã tiền - một vị thuốc độc - làm chủ đạo.

Phong tê thấp là bệnh khá phổ biến, với những biến chứng tai hại, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Đông y đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý chữa bệnh này, trong đó có việc dùng hạt mã tiền theo nguyên tắc 'lấy độc trị độc'.

Mã tiền giúp thúc đẩy sự vận hành của huyết dịch, trừ khử ứ trệ, thông kinh hoạt lạc, chống tê mỏi và cắt cơn đau. Do đó hầu hết các bài thuốc chữa phong tê thấp đều có nó. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, vị thuốc này khi sử dụng với liều nhỏ sẽ kích thích thần kinh trung ương, làm mạnh tim, giảm đau, chống ho, trừ đờm và tăng tiết dịch vị.

Mã tiền sống là thuốc rất độc (bảng A), sau khi bào chế theo phương pháp truyền thống thì độ độc giảm bớt (bảng B), nhưng vẫn chỉ được sử dụng với liều lượng rất nhỏ. Trong Đông y truyền thống, mã tiền chế chủ yếu được dùng chữa trị tê liệt, đau nhức kinh niên do phong thấp hoặc ngoại thương. Trên lâm sàng hiện đại, nó được sử dụng để chữa trị tổn thương phần mềm, viêm khớp xương trong bệnh phong thấp, đau do ung thư, nhược cơ nặng, liệt nửa người do tai biến mạch máu não, bại liệt do ngoại thương.

Trong phương 'Thuốc phong bà Giằng' nổi tiếng, mã tiền được sử dụng cùng các vị thuốc khác theo cấu trúc 'quân - thần -tá -sứ' kinh điển:

- Mã tiền là 'quân' (vua, tức vị thuốc chủ đạo).

- Thương truật là 'thần' - vị tể tướng hỗ trợ trực tiếp cho quân vương. Nó tăng cường tác dụng giảm đau của mã tiền.

- Hương phụ, mộc hương, thương truật là 'tá', tức phụ tá để hạn chế tác dụng phụ của vị thuốc chính. Các vị này giúp tăng tác dụng giảm đau, hạn chế các tác dụng phụ của thuốc.

- Địa liền, quế chi là 'sứ', tức có tác dụng dẫn đường, đưa thuốc tới vị trí bệnh và điều hòa phương thuốc.

Phương thuốc trên phối hợp các vị nóng và lạnh nên có tính bình, thích hợp cho cả người tạng hàn lẫn tạng nhiệt. Sự phối hợp trên lại phát huy được sở trường và hạn chế sự độc hại của mã tiền nên an toàn, ít tác dụng phụ. Nó giúp chữa trị các chứng tê mỏi chân tay, đau xương khớp, đau thần kinh tọa, đau thần kinh liên sườn... do phong tê thấp, đau do gút. Những người bị tiểu đường, tăng mỡ máu, tăng huyết áp và một số chứng bệnh tiêu hóa mạn tính cũng có thể dùng.

Bài thuốc phong bà Giằng hiện cũng được bào chế dưới dạng viên nén bao phim để tiện sử dụng và dễ xác định liều lượng hơn. Đó là thuốc Vimatine do Đại học Dược Hà Nội bào chế. Thay vì phải uống hàng chục viên hoàn, bệnh nhân chỉ cần dùng 2-3 viên nén mỗi lần.

Lương y Huyên Thảo, Sức Khỏe & Đời Sống

Những tin tức liên quan

Các loại quả họ cam làm thuốc

Các cây họ cam là loại cây trồng phổ biến ở nước ta, đã trở thành đặc sản, như bưởi Đoan Hùng, bưởi Phú Diễn, bưởi Năm Roi, cam Bố Hạ, cam Canh… Các cây họ cam không những là các cây ăn quả, làm cảnh như quất mà còn là các cây làm thuốc có giá trị.

Chỉ thực là quả còn non của  cây cam ngọt hoặc cam chua. Theo Đông y, chỉ thực có vị đắng tính hàn, có tác dụng tiêu tích trệ ở đường tiêu hóa, được dùng khi bụng đầy trướng, ăn uống khó tiêu, ợ hơi, ợ chua, đại tiện bí kết, lỵ lâu ngày. Có thể tán bột mịn, mỗi ngày uống 4 - 12g, chiêu với nước cơm. Hoặc uống kèm với binh lang (hạt cau, thái nhỏ, sao vàng), đồng lượng. Khi đại tràng thực nhiệt dẫn đến táo bón nặng, gây đau tức, có thể phối hợp chỉ thực với đại hoàng, hậu phác mỗi vị 12 g, mang tiêu (natri sunphat) 16 g. Sau khi sắc ba vị thuốc trên, rồi hòa tan mang tiêu vào uống ấm. Nếu táo ở mức độ vừa thì bỏ mang tiêu.

Trần bì là vỏ quýt chín.

Chỉ xác là quả thuộc loại bánh tẻ của cây cam chua. Theo Đông y, chỉ xác có vị chua, tính hàn, nhưng công năng phá khí mạnh hơn chỉ thực, do đó được dùng khi có nhiều đờm, gây khó thở, tức ngực, phối hợp với viễn chí, bán hạ, mạch môn, đồng lượng, dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang. Những trường hợp tiêu hóa kém, bụng đầy trướng, táo bón cần phối hợp với đại hoàng.

Thanh bì là vỏ quả còn xanh của cây quýt. Theo Đông y, thanh bì có vị đắng, cay, tính ấm. Có công năng giảm đau, dùng khi can khí bị uất kết, dẫn đến đau sườn ngực, đau dây thần kinh liên sườn, phối hợp với hương phụ, uất kim (dánh củ nghệ), đồng lượng. Trường hợp bị sán khí, đau tức ở vùng bụng dưới, như đau tử cung, buồng trứng của phụ nữ hoặc viêm đau tinh hoàn ở nam giới, dùng thanh bì, phối hợp với tiểu hồi, mộc hương, đồng lượng, sao vàng, tán bột, uống với nước ấm, ngày 2-3 lần, mỗi lần 8 -10 g Trẻ em, tùy theo tuổi, giảm lượng.

Trần bì là vỏ quả quýt đã chín, phơi khô, để lâu. Theo Đông y, trần bì có vị đắng, cay, tính ấm, với công năng hành khí, hòa vị, phối hợp với bạch truật, can khương để trị đau bụng, trướng bụng, ợ hơi, buồn nôn. Trần bì còn có tác dụng hóa đàm chỉ ho, chỉ nôn, được dùng khi ho, nhiều đờm, lồng ngực trướng tức, khó thở, buồn nôn,  phối hợp trần bì 8g với bán hạ (chế), bạch linh, mỗi vị 12g, cam thảo 4g, dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang,  uống ấm.

Vỏ bưởi phơi khô, khi dùng thái mỏng, sao vàng. Để trị đau dạ dày, có thể dùng vỏ bưởi đào, dạ cẩm, trần bì, đồng lượng, tán bột mịn, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10-12g. Để chữa phù thũng, dùng vỏ bưởi phối hợp với  mộc thông, mỗi vị 12g, đăng tâm thảo 8g, sắc uống, ngày một thang.

Quả và hạt quất

Quả quất chín, thái lát, thêm đường phèn, hoặc mật ong, trấp trên mặt nồi cơm, có tác dụng chữa ho trừ đờm tốt.

Hạt quất cũng là vị thuốc chữa ho, cách làm như quả quất, song nghiền ra, vắt lấy dịch cho uống riêng. Trường hợp bị sán khí, đau tức ở vùng bụng dưới, như đau tử cung, buồng trứng của phụ nữ hoặc viêm đau tinh hoàn ở nam giới, có thể dùng hạt của quả quýt phối hợp với tiểu hồi, lệ chi hạch (hạt quả vải, gọt bỏ vỏ đỏ bên ngoài, thái mỏng), đồng lượng. Cả 3 vị thuốc đem sao vàng, tán bột mịn, uống với nước ấm, ngày 3 lần, mỗi lần 8 – 10g.

GS.TS. Phạm Xuân Sinh