Lưu trữ cho từ khóa: trời nóng

Phương pháp loại bỏ Stress khi trời nóng

Ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, cộng với những lo lắng luôn thường trực trong lòng, khiến bạn bị stress.

Hãy tham khảo những thông tin dưới đây nếu bạn đang phải đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống thường ngày.

1. Loại bỏ stress theo cách tích cực

Mỗi chúng ta đều có thể lựa chọn một phương cách riêng để giải tỏa stress. Tuy nhiên, đừng lựa chọn cách tiêu cực như uống rượu giải sầu hay quát tháo chồng/vợ con/nhân viên mà hãy tìm những phương pháp tích cực hơn.

Nếu bạn thích viết nhật ký, hãy viết ra tất cả những điều khiến bạn căng thẳng. Cách làm này sẽ giúp bạn bình tĩnh, cũng nhờ đó mà  bạn có thể tìm ra phương hướng giải quyết thích hợp.

Đơn giản hơn, bạn hãy  ngâm mình trong bồn nước ấm với bọt xà phòng thơm sau khi đi làm về. Đây cũng là cách giảm stress hiệu quả.

2. Đừng ôm đồm quá nhiều

Nhiều người tự tạo stress cho bản thân vì ôm đồm quá nhiều việc. Bạn phải học cách trình bày với sếp rằng bạn không phải là người duy nhất có thể đảm nhiệm việc này – nếu sếp luôn muốn giao việc cho bạn. Còn nếu bạn chính là sếp, hãy chia bớt công việc cho nhân viên, hướng dẫn họ và tin tưởng họ, thay vì cứ lo ngay ngáy rằng họ sẽ không làm được để rồi lại ôm việc vào mình.

Ngoài ra, việc giữ cho bản thân thoải mái sau giờ làm việc cũng là điều quan trọng để tránh stress. Nếu bạn không thích tiếng tivi ồn ào, hãy tắt nó đi. Nếu hôm ấy bạn không muốn đi làm bằng xe máy khói bụi, hãy gọi taxi. Đừng để gánh nặng chạy đua với thời gian đè lên vai bạn mà hãy thử sống chậm lại, mỗi tuần một ngày thôi cũng được. Một khi bạn giữ được trạng thái cân bằng trong cả công việc lẫn cuộc sống, stress sẽ phải dời bỏ bạn.

3. Gặp gỡ, trò chuyện với những người thân

Đây là lúc mà các mối quan hệ bạn bè và gia đình trở nên cần thiết. Hãy tâm sự với một người bạn thân, hay lắng nghe ý kiến của các thành viên gia đình. Hay chỉ đơn giản là gặp mặt, trò chuyện thân tình, mọi thứ sẽ “dễ thở” hơn nhiều. Đừng bao giờ nhốt mình lại khi khủng hoảng, vì mọi thứ sẽ chỉ tệ hơn thôi.

phuong-phap-loai-bo-stress-khi-troi-nong

4. Cười thật nhiều

Khoa học đã chứng minh rằng, nếu một người tự ép mình cười, thì một lúc sau họ sẽ thấy vui thực sự. Nụ cười rất kì diệu, bạn hãy “tận dụng” món quà này. Xem một bộ phim hài, đọc những quyển sách, truyện tranh vui nhộn…, bạn sẽ thấy cuộc sống trở nên thú vị và bớt căng thẳng hơn nhiều.

5. Không kìm chế cảm xúc

Nếu bạn muốn khóc, hãy khóc. Nếu bạn muốn la hét, hãy tìm một chỗ vắng vẻ mà gào thét. Đừng bao giờ kìm nén cảm xúc tiêu cực nếu bạn muốn xóa bỏ nó. Hãy để nó tự do, thoát ra khỏi bản thân bạn và bay đi.

6. Thở chậm và sâu

Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả. Khi thở chậm và sâu, cơ thể được điều hòa, cảm xúc được kiềm chế, bạn sẽ thấy mình bình tĩnh hơn và sáng suốt hơn. Nhất là những lúc đỉnh điểm nhất của stress, hãy dừng lại, bỏ quên mọi thứ và tập trung vào hơi thở của mình, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu xảy ra.

7. Hãy mgủ một giấc dài

Giấc ngủ có sức mạnh rất lớn trong việc làm tiêu tan các cảm xúc mạnh. Khi quá mệt mỏi và buồn bã, không điều gì tốt hơn một giấc ngủ ngon. Khi thức giấc, các vấn đề sẽ bớt đi một nửa sự nghiêm trọng, bạn sẽ được tiếp thêm sinh lực. Cảm giác được bắt đầu lại bao giờ cũng có tác dụng tốt.

8. Tin rằng: Mọi chuyện rồi sẽ qua

Cuộc sống là một chuỗi các niềm vui, nỗi buồn nối tiếp nhau. Không có cơn khủng hoảng hay stress nào kéo dài mãi mãi. Sớm muộn gì bạn cũng sẽ vui vẻ trở lại và tìm thấy tình yêu cuộc sống. Hãy tin rằng, bạn đủ sức mạnh để vượt qua tất cả. Niềm tin có một điều lạ, là khi bạn tin tưởng đủ lâu, bạn sẽ luôn có nó bên mình và khi ấy, bạn là người chiến thắng.

(Theo Webphunu)

Vì sao trời nóng lại cảm thấy lạnh?

Kính thưa bác sĩ!

Tôi nay 34 tuổi. Tôi sinh cháu bé thứ nhất được 9 năm sức khỏe hoàn toàn bình thường, nhưng sau khi tôi sinh cháu bé thứ 2. Trong 3 tháng đầu sau khi sinh lúc nào cơ thể tôi cũng thấy nóng. Nhưng sau 3 tháng cơ thể tôi luôn cảm thấy lạnh, lạnh chân, lạnh tay. Ngay cả khi mùa hè rất nóng.

Tôi đi bắt mạch và uống thuốc bắc để cơ thể ấm hơn. Nhưng chỉ ấm khi uống thuốc bắc, khi hết thuốc thì tôi luôn cảm thấy lạnh. Tôi cảm thấy giấy khó chịu khi thời tiết nóng nực mà mình cứ diện bộ quần áo dài. Vậy xin BS cho biết tôi bị bệnh gì, và phải điều trị như thế nào?(C.T Điệp – Bắc Ninh)

vi-sao-troi-nong-lai-cam-thay-lanh

BS-CK1 Nguyễn Thị Thu Thảo:

Bạn Điệp thân mến,

Nếu bạn chỉ cung cấp một triệu chứng “hay lạnh tay, lạnh chân mặc dù trời rất nóng” thôi thì rất khó để AloBacsi biết được bạn đang mắc bệnh gì và càng không thể tư vấn cho bạn cách điều trị.

Trường hợp của bạn cần khám trực tiếp và xét nghiệm tổng quát… để loại trừ các nguyên nhân do thiếu máu, huyết áp thấp, máu huyết không lưu thông tốt, suy giáp, viêm tĩnh mạch…

Bạn nên đi khám nội tổng quát để tìm rõ nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp, bạn nhé!

(Theo Alobacsi)

Những bệnh dễ gặp khi trời nóng

Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… rất dễ xảy ra khi nhiệt độ kéo dài 37-38 độ C.

Bệnh lý tiêu hóa

Ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp rất dễ xảy ra khi nhiệt độ kéo dài 37-38 độ C. Ở điều kiện này, nấm mốc, vi khuẩn phát triển, khiến thức ăn mau hư hỏng và dễ bị hôi thiu hơn bình thường, nếu không cẩn thận sẽ bị ngộ độc thức ăn và tiêu chảy. Ngoài ra khi nóng, chúng ta sẽ tìm cách uống mọi loại nước nhằm thỏa cơn khát, do đó dễ uống phải các loại nước giải khát không rõ nguồn gốc đã bị nhiễm bẩn.

Ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa: Khi thời tiết quá nóng, hệ tiêu hóa kém hoạt động, ít bài tiết dịch tiêu hóa, khả năng hấp thu cũng kém đi nên ăn không ngon, chán ăn. Bạn cũng dễ bị đầy bụng, khó tiêu, đi ngoài phân sống.

nhung-benh-de-gap-khi-troi-nong

Bệnh lý về tim mạch

Bệnh nhân có tiền sử tim mạch dễ trở nặng hơn hoặc không còn đáp ứng với điều trị thông thường. Các bệnh có thể gặp là cao huyết áp, nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực và tai biến mạch máu não.

Ở người lớn tuổi, nếu thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh (do quá nóng, chạy nhanh vào phòng máy lạnh) sẽ làm các mạch máu co lại đột ngột, sẽ dẫn đến thiếu máu não, hoặc lên cơn nhồi máu cơ tim.

Trời quá nóng còn khiến đổ mồ hôi gây mất nước, nếu không uống đủ nước để bù lại, máu dễ bị cô đặc lại làm tăng gánh nặng cho tim và làm cho dòng máu lưu thông không lưu loát. Tình trạng này dễ khiến mạch máu bị ứ trệ và tắc nghẽn dòng máu gây nhiều biến chứng.

Bệnh lý hô hấp

Viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản cấp, viêm phổi là những bệnh thường thấy. Các bệnh nhân có tiền sử viêm phế quản mạn tính, hen suyễn dễ bị lên các cơn kịch phát vì dễ bị nhiễm trùng hô hấp. Nguyên nhân do khí hậu nóng nực làm khô và tổn thương niêm mạc đường hô hấp.

Ở nhiệt độ thông thường, vùng mũi họng sẽ có một chất nhầy với chức năng giống như chất sát khuẩn dùng để giữ vi khuẩn, virus và tống ra ngoài cơ thể. Với khí hậu khô nóng, cơ thể mất nước, niêm mạc vùng hầu họng khô lại và khi sử dụng máy lạnh, quạt máy liên tục sẽ khiến cho niêm mạc mũi họng càng bị khô, trầy xước nên vi khuẩn, virus dễ xâm nhập vào sâu bên trong gây bệnh.

Bệnh về hệ thần kinh trung ương

Trời nóng quá sẽ dễ làm chúng ta bị say nắng (say nóng) làm choáng váng, vã mồ hôi, ngất xỉu. Bệnh nhân bị tổn thương não bộ do quá nóng làm cơ thể mất hoàn toàn khả năng điều hòa thân nhiệt và làm suy đa cơ quan phủ tạng, rất dễ tử vong. Triệu chứng bao gồm sốt cao 41- 42 độ C không đáp ứng với thuốc hạ sốt, bệnh nhân bị co giật, nói sảng, thậm chí hôn mê, tim chậm hoặc loạn nhịp tim, huyết áp thấp…

Nắng nóng sẽ nguy hiểm cho trẻ sơ sinh khi mà hệ tim mạch, hô hấp và não bộ chưa hoàn chỉnh để ứng phó, điều hòa theo nhiệt độ môi trường. Với trẻ nhỏ, hệ da và hệ tuần hoàn cũng còn yếu. Trẻ nhỏ lại chưa ý thức được khi nào cần uống đủ nước, ăn uống giữ vệ sinh. Ngoài ra, người lớn trên 60 tuổi cũng là đối tượng dễ mắc bệnh mùa nóng do sức đề kháng giảm, các cơ quan đã lão hóa.

Cách phòng ngừa

Cách tốt nhất để phòng ngừa nắng nóng là uống đủ nước, đem theo khăn mát để lau cơ thể phụ giúp cơ thể thải bớt nhiệt ra bên ngoài.

Nên ăn thức ăn mới nấu chín, không nên dự trữ thức ăn quá nhiều vì khó bảo quản. Với những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch nên đi khám bác sĩ thường xuyên hơn để được tư vấn và điều chỉnh liều lượng thuốc cho phù hợp.

Khi sử dụng máy lạnh, các gia đình nên điều chỉnh ở nhiệt độ 27-28 độ C. Tránh việc thay đổi nhiệt độ quá đột ngột từ nóng sang lạnh mà phải có từng bước từ từ như từ ngoài nắng nóng bước vào nhà, rồi rửa mặt bằng nước, hoặc lau bằng khăn ướt rồi hãy từ từ bước vào phòng máy lạnh.

Ths.BS Trần Ngọc Lưu Phương

(Theo VnExpress)

Bí quyết hạn chế tác hại của nóng bức

Trời nóng khiến bạn khó chịu, thậm chí là nguy hiểm cho sức khỏe nếu bạn không biết cách giải nhiệt.

1. Không uống quá nhiều nước chứa cồn hay đường bởi chúng chỉ làm cơ thể bạn mất nước nhanh hơn.

2. Không để trẻ nhỏ hay súc vật ở trong ô tô dù chỉ là chốc lát. Nóng bức có thể gây tử vong rất nhanh.

3. Uống thật nhiều chất lỏng. Nếu bác sĩ hạn chế lượng chất lỏng bạn uống hằng ngày hoặc bạn đang uống thuốc lợi tiểu thì cần phải có sự tư vấn của bác sĩ về lượng nước có thể uống.

4. Tránh uống nước lạnh bởi chúng sẽ gây cản trở hoạt động của dạ dày và nhu động ruột.

5. Nếu bạn ra nhiều mồ hôi, hãy uống nước có pha thêm chút muối hay nước khoáng. Nước chuyên dùng cho người hoạt động thể thao cũng rất tốt tuy nhiên bạn sẽ phải hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn đang dùng thuốc lợi tiểu.

6. Khi bạn ở nhà, hãy chọn trang phục có chất liệu nhẹ, sáng màu và rộng rãi.

7. Nếu phải ra ngoài hãy hạn chế tối đa các hoạt động và luôn tìm bóng râm, mang trang phục chống nắng, mũ rộng vành và kính râm.

8. Không chủ quan. Hãy ngừng tất cả mọi hoạt động nếu cảm thấy tim như bị đè nặng hay hơi thở trở nên khó nhọc trong cái nắng nóng bức.

9. Làm việc theo nhóm nếu buộc phải lao động ngoài trời nắng để có thể nhận được trợ giúp khi bạn có vấn đề.

10. Ở trong nhà và nếu có thể hãy ở trong phòng điều hòa.

(Theo Dân trí)

Lợi ích từ các loại dưa

Dưa hấu - Ảnh:Shutterstock

Dưa hấu

Là nguồn tuyệt vời cung cấp một số vitamin như: vitamin A - giúp duy trì sức khỏe của mắt và chống ô xy hóa; vitamin C - giúp tăng cường hệ miễn dịch chữa lành vết thương, ngăn ngừa tổn thương tế bào, thúc đẩy răng và lợi khỏe mạnh; vitamin B1, B6 - giúp não chuyển đổi protein thành năng lượng. Dưa hấu cũng chứa các a xít amin citrulline và arginine, giúp quá trình lưu thông máu dễ dàng.

Ngoài ra, dưa hấu còn có tác dụng làm giảm nguy cơ ung thư đại tràng, hen suyễn, bệnh tim, viêm khớp dạng thấp và ung thư tuyến tiền liệt. Khi tiết trời nóng nực, ăn dưa hấu là giải pháp thay thế an toàn cho các loại đồ uống khác.

Dưa lê

Có hàm lượng vitamin A, B, C và các khoáng chất như magie, natri cao, không có cholesterol. Những người muốn giảm cân nên bổ sung dưa lê vào thực đơn của mình. Do chứa nhiều ka li, dưa lê giúp điều hòa huyết áp và có thể ngăn ngừa triệu chứng đột quỵ. Dưa lê có hàm lượng chất xơ cao, nên giúp giảm nhẹ được chứng táo bón. Các nhà nghiên cứu tin rằng loại trái cây này ngăn ngừa được lão hóa xương. Nước ép dưa lê có thể giúp cải thiện được tình trạng khó thở, giảm mệt mỏi. Dưa lê còn chứa hàm lượng a xít folic cao, rất có lợi cho phụ nữ mang thai.

Dưa gang

Tương tự dưa hấu, dưa gang cũng là nguồn cung cấp phong phú vitamin B6 và ka li.  Dưa gang có vị ngọt nhạt, tính hàn, có lợi cho tràng vị, giải rượu và ngộ độc. Muốn giảm cân, lấy dưa gang luộc rồi bóc vỏ, đánh tơi, sau đó dùng với một ít đường phèn.

Dưa leo

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, dưa leo có hàm lượng ca lo rất thấp (trong 100g dưa leo chỉ cung cấp khoảng 15 ca lo). Không có chất béo hoặc cholesterol, vỏ dưa leo là nguồn cung cấp chất xơ giúp giảm táo bón và chống lại ung thư ruột kết. Ka li và ma giê có trong dưa leo giúp giảm huyết áp và điều hòa nhịp tim. Do chứa hàm lượng nước cao nên dưa leo còn có tác dụng lợi tiểu. Dưa leo chứa hàm lượng vitamin K rất cao (100g dưa leo chứa 17 mg vitamin K). Vitamin K được tìm thấy có vai trò trong việc điều trị bệnh nhân Alzheimer. Dưa leo còn có tác dụng làm giảm a xít khó tiêu và ợ nóng. Những người bị viêm hay loét dạ dày, có thể ép lấy nước dưa leo để uống.

 

Meo.vn (Theo TNO)

Chăm sóc bàn tay

Sau khuôn mặt, đôi bàn tay thường thu hút sự chú ý bởi chúng nói lên nhiều điều, từ tuổi tác, nghề nghiệp, lối sống cá nhân, cá tính… Vì thế, chăm sóc bàn tay giữ mãi nét trẻ trung tươi đẹp là điều mà không ít người quan tâm.

Bôi kem dưỡng ẩm là một cách hữu hiệu để bảo vệ da bàn tay. Vùng da này mỏng, dễ bị hủy hoại bởi ánh nắng mặt trời, hóa chất và lão hóa theo thời gian. Tuy nhiên, nếu sử dụng sản phẩm bảo vệ da tay từ hóa chất tổng hợp, sản phẩm không chất lượng, đôi khi sẽ cho tác dụng ngược. Ban đầu, da tay sẽ mềm mịn, nhưng chẳng bao lâu thì sẽ xuất hiện thêm các đốm nâu, sạm màu... Tốt nhất, nên chọn các sản phẩm nguyên liệu thiên nhiên (nha đam, tinh chất lá hương thảo…) không chỉ giúp làm mềm mịn mà còn có tác dụng làm sạch và se da. Cũng có thể dùng tinh thể đá bọt mịn để lấy hết tế bào chết trên da tay và khóe móng. Glycerine cũng thường được dùng để giúp da tay mềm mại, mịn màng.

Ảnh: SS

Đông y có nhiều cách chăm sóc da hiệu quả. Khi da bị sưng đỏ, cháy nắng, khô… có thể dùng nha đam tươi gọt vỏ, lấy ruột ngâm nước cho ra bớt nhựa rồi đắp lên tay, da tay sẽ sáng đẹp, mịn màng. Trái bơ chứa nhiều chất béo thực vật vitamin E, cũng giúp bổ sung độ ẩm, cho da tay mịn đẹp. Dầu mù u là loại “kem” dưỡng da tay tuyệt vời nhờ công dụng diệt khuẩn. Dùng chanh tươi rửa và ngâm tay trong vài phút cũng là cách tẩy tế bào chết hiệu quả, giúp da tươi sáng.

Để bàn tay đẹp, lôi cuốn sự chú ý hơn, phụ nữ thường “trang điểm” cho móng. Ngày nay, người ta không chỉ tô vẽ móng mà còn nạm hạt, gắn móng giả… để móng tay đẹp hơn. Tuy nhiên, chính những móng giả được dán vào móng bằng keo và “định cư” trong thời gian dài sẽ khiến móng tay “ngộp thở”. Hậu quả nhìn thấy nhanh nhất là móng tay bị giòn, khô và dễ gãy. Không ít người bị hiện tượng móng tay cứ rời dần phần thịt (ly móng). Do đó cần lưu ý, nếu thấy hiện tượng này, hãy ngưng sơn móng tay, chân, hoặc tạm dừng tiếp xúc hóa chất.

Trong quá trình lao động, bàn tay thường phải tiếp xúc với nước, chất tẩy rửa… Chính những chất này buộc da tay mất đi vẻ đẹp vốn có, thậm chí trở thành nơi để “họ hàng” nhà nấm đua “sinh con đẻ cháu” (nấm sống ký sinh trên da, khi môi trường thay đổi chúng phát triển rất mạnh, nhất là vùng kẽ móng) gây viêm móng, biến dạng móng. Để bảo vệ da tay, cần mang găng tay khi làm việc nhà. Khi trời nóng ẩm, không sử dụng găng tay, vớ chân và mang giày bít trong thời gian dài. Cần chọn găng, vớ làm từ sợi có khả năng thấm hút mồ hôi…

Kinh nghiệm

* NÊN CẮT DA, CẮT KHÓE MÓNG CHÂN THƯỜNG XUYÊN - ĐÚNG

- Nên cắt da, cắt khóe, nhưng bạn cần lưu ý cắt khóe nhẹ nhàng, không để nhiễm trùng, dễ gây viêm khóe móng. Khi vệ sinh móng, cần sát trùng dụng cụ kỹ càng (dùng bông gòn sạch, dụng cụ cắt phải hấp tiệt trùng) để không bị lây nhiễm nấm, vi rút HIV từ người khác.

* NGÂM NƯỚC MUỐI 20 PHÚT GIÚP SÁT TRÙNG MÓNG -  ĐÚNG VÀ SAI

Đúng: Ngâm nước muối giúp sát trùng.

Sai: Ngâm quá lâu, chân tay dễ bị nhiễm nấm. Cần nhớ, không ngâm móng trong nước muối quá 10 phút, ngâm xong phải lau thật khô.

BS Huỳnh Huy Hoàng - BV Da liễu TP.HCM

Meo.vn (Theo PNO)

Canh gà lá giang

Canh nấu chua ở miền Bắc có quả sấu, còn miền Nam có lá giang hoặc lá me. Lá giang tạo vị chua cho món ăn, thường được dùng trong các món canh và lẩu. Vị chua chua của lá giang và vị ngọt của thịt gà ăn rất ngon trong những ngày trời nóng nực.

Nguyên liệu:

- 1 bó lá giang.
- 500g thịt gà, có thể chọn ức hoặc đùi.
- Ngò ôm.
- Gia vị: tỏi, nước mắm, dầu ăn, muối, tiêu, bột ngọt hoặc hạt nêm.


Ảnh: Đông Xuân

Thực hiện:

Thịt gà rửa sạch, để ráo, chặt miếng vừa ăn. Lá giang ngắt lấy lá, rửa sạch.

Ướp thịt gà với tỏi băm, 1/2 muỗng cà phê nước mắm, chút bột ngọt và chút tiêu trong khoảng 15 phút cho thấm.

Làm nóng dầu ăn trong nồi với lửa vừa, cho thịt gà đã ướp vào nồi xào cho thịt săn lại, thấy thịt gà hết màu đỏ là được. Cho nước vào thịt gà tùy lượng ăn, khi thịt gà mềm, cho lá giang vào nấu chung, nêm gia vị cho vừa miệng rồi rắc ngò ôm thái nhỏ, múc ra tô ăn nóng.

Meo.vn (Theo TNO)

Đừng chủ quan với bệnh viêm họng

Có thể nói chắc chắn một câu: Ai cũng đã bị viêm họng và không chỉ một lần. Bệnh thường coi là nhẹ, chẳng chết ai nên cũng chẳng mấy quan tâm. Viêm họng vài ngày, khỏi đấy, rồi cũng quên đi cho đến khi lại bị lại, cứ cái vòng luẩn quẩn, đến khi thành mạn tính mới thấy phiền.Viêm họng được “phủ sóng toàn quốc”, không có vùng nào, nhà nào, tuổi nào, nghề nào… được chừa ra, cho nên ở nước ta mọi người đã quen “sống chung với viêm họng”.

Chẩn đoán viêm họng thì dễ đến mức nhiều người khỏi cần đi khám bệnh. Mà có đi khám bác sỹ cũng chỉ thấy hỏi sốt không, ho không, khạc đờm không. Rồi há mồm, đè lưỡi xem họng, kê đơn thuốc là xong. Cứ nghĩ bệnh vặt thành coi thường.

Cần sửa đổi thái độ không đúng ấy nếu muốn có một sức khỏe tốt để đối phó khả dĩ với tình trạng ô nhiễm nhiều thứ hiện nay.

Viêm họng hay được chẩn đoán dễ dãi và có phần tùy tiện vì chỉ nói đến cái triệu chứng đang mắc phải trong khi một chữa trị nghiêm túc cần tìm đến nguyên nhân chủ yếu gây bệnh.

Nguyên nhân thì rất nhiều vì họng là cửa ngõ ra vào của cả đường hô hấp và đường tiêu hóa nên nó thường xuyên bị quá tải với đủ loại bất thường: thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng, thời tiết thay đổi, thói quen sinh hoạt, đặc điểm nghề nghiệp…

Được coi là thủ phạm dẫn đến viêm họng có thể kể: ăn uống linh tinh không hợp vệ sinh, những ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng như sâu răng, viêm miệng, viêm xoang, thói quen uống nhiều nước đá, uống nhiều bia ướp lạnh hay cho nhiều đá, những bữa ăn nhậu tổng hợp đủ lẩu nóng, bia lạnh kèm hút thuốc lá lu bù, việc lạm dụng dùng điều hòa nhiệt độ quá lạnh, quá khô trong khi ngoài trời nóng ẩm. Ăn xong lại đi hát karaoke, vừa hát vừa gào và chiêu giọng lại bằng bia lạnh bia đá, lại hút thuốc…

Do đặc điểm giải phẫu liên quan, thủ phạm gây viêm họng còn do viêm nhiễm của các cơ quan lân cận là tai, mũi, a-my-đan (amydal) và các xoang vùng mặt.

Viêm họng cũng có nguyên nhân đáng kể do yếu tố nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường có hóa chất độc hại mà thiếu trang bị bảo hộ.

Viêm họng cũng có nguyên nhân do nhiễm virus, đặc biệt trong thời tiết lạnh, ẩm.

Viêm họng đến lượt nó lại là nguyên nhân dẫn đến các viêm nhiễm nặng nề hơn gồm: Viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai. Đặc biệt, viêm họng do liên cầu  nhóm A  có tên khoa học là Streptococcus có một hậu quả cực kỳ nguy hiểm gây bệnh thấp tim, có nguy cơ tử vong hoặc để lại di chứng ở van tim ảnh hưởng sức khỏe cả đời hoặc gây bệnh viêm cầu thận cấp cũng một  là biến chứng trầm trọng.

Viêm họng khi không được điều trị dứt điểm dẫn đến viêm họng mạn tính rất phiền phức khi hay tái phát thành đợt cấp hoặc thành viêm họng hạt là thể bệnh rất khó điều trị. Hiện tại, ngay cả tại phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, chỉ định đốt cho viêm họng hạt cũng không giải quyết được vì vẫn bị tái phát.

Như vậy, viêm họng là loại bệnh vừa thường gặp (chiếm 75% ở các phòng khám tuyến cơ sở) nhưng không thể coi thường vì những hậu quả khôn lường của nó.

Thái độ đúng đắn khi bị viêm họng là cần được khám bệnh cẩn thận để tìm ra bằng được nguyên nhân chính xác, không lạm dụng kháng sinh để cốt cho khỏi triệu chứng lúc đó mà quên đi nguy cơ tiềm ẩn. Khi cần thiết phải khám chuyên khoa tai, mũi, họng để phát hiện những nguyên nhân phối hợp liên quan. Phải loại trừ tận gốc các ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng như sâu răng, viêm tai, viêm a-my-đan, viêm xoang vì đây mới chính là nguyên nhân cơ bản.

Khi viêm họng không do nhiễm vi khuẩn thì kiên quyết không dùng kháng sinh, vừa mệt người vừa mua thêm hậu quả vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.

Trong những trường hợp viêm họng do ăn nhậu, hút thuốc vô độ hay do lạm dụng điều hòa nhiệt độ thì cách chữa đúng đắn là phòng bệnh, dùng các cách đơn giản như súc miệng nước muối, ngậm chanh muối, uống quất ngâm mật ong.

Theo laodong.vn

Bé dưới 3 tuổi cần uống thêm nước?

Bấm xem ảnh ở cửa sổ mớiBé nhà tôi hiện được 13 tháng tuổi. Hiện thời tiết đang hanh khô, cháu uống rất nhiều sữa nhưng vẫn nẻ da, khô môi, khô họng, mũi. Xin hỏi, trẻ tuổi tập đi cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày? Làm thế nào để bé chịu uống nhiều nước hơn?

Nước là một phần thiết yếu của sự sống cũng như hoạt động của các bộ phận trong cơ thể. Nó cũng điều tiết thân nhiệt thông qua việc toát mồ hôi. Thải các độc tố qua nước tiểu; vận chuyển dinh dưỡng và các vi chất khác tới khắp các mô, tế bào trong cơ thể.

Những cô cậu bé hiếu động luôn cần uống rất nhiều nước để bù đắp lại lượng nước tiêu hao, đặc biệt là trong tiết trời nóng bức hay hanh khô.

Theo Viện Y học, một đứa trẻ trong độ tuổi 1 - 3 cần uống khoảng 1,3 lít nước/ngày. Mặc dù trọng lượng cơ thể của trẻ ít hơn người lớn rất nhiều nhưng cơ thể trẻ lại dễ bị khử nước hơn. Chúng ít khi biết mình đang khát, cần uống nước, nhất là những lúc mải chơi. Khi trẻ nhận ra mình khát nước thì cơ thể đã ở tình trạng khử nước tương đối. Còn khi trẻ đòi uống nước thì đa phần là chúng đã bắt đầu mệt hay cảm thấy chóng mặt.

Sốt và một số bệnh khác có thể làm tăng nhu cầu uống nước của trẻ trong khi thời tiết hanh khô lại làm bé không có nhu cầu uống nước. Vậy nên điều trong trọng là tạo cho bé thói quen uống nước đều đặn hằng ngày. Nếu bé uống đủ nước, nước tiểu sẽ có màu vàng sáng hoặc gần như không màu.

Cơ thể đủ nước sẽ giúp trẻ duy trì cân nặng, tăng cường sự tập trung và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến đường ruột như táo bón và nhiễm trùng đường tiểu.

Đối với trẻ chưa biết nói khi chúng khát, bạn nên cho tẻ uống nước đều đặn mỗi giờ. Để nước trong bình, đặt ở chỗ dễ nhìn thấy để trẻ tự uống khi chúng cảm thấy thích.

Cho trẻ uống nước mỗi khi bé thức giấc nửa đêm.

Có thể tăng cường nước thông qua thực phẩm và đồ uống dinh dưỡng như sữa, nước quả, súp, sữa chua, cháo.... Nhưng cũng đừng quên cho trẻ uống thêm nước trắng vì nước trắng không chứa calo lại giúp phòng ngừa tình trạng khử nước hiệu quả. Nếu bé không thích uống nước nhạt, hãy pha loãng nước quả trước khi cho bé uống.

Đối với nước quả đóng hộp, chỉ nên cho trẻ uống dưới 120 - 180ml/ngày. Các loại đồ uống giải khác khát cũng không nên cho trẻ dưới 3 tuổi uống vì ngoài năng lượng, các loại nước này còn có thành phần cafein khiến bé đi tiểu thường xuyên, làm cơ thể bị mất nước.  

Theo Dân Trí

Vì sao bé ra mồ hôi nhiều ở đầu?

* Tôi có cháu nhỏ 4 tuổi, khi cháu chơi cũng như lúc cháu ngủ thường ra mồ hôi nhiều ở phần đầu. Xin hỏi cháu có bệnh gì không? (nguyenthetai@...)

- Trả lời:

Bài tiết mồ hôi là một trong các chức năng của da, giúp giải độc và điều hòa nhiệt độ của cơ thể. Mồ hôi tiết ra nhiều sẽ giúp 'làm mát' cơ thể. Ở một số trẻ em, thậm chí cả người lớn đều có thể bị chứng tăng tiết mồ hôi. Đại đa số tăng tiết mồ hôi là bình thường, do trạng thái cường giao cảm ở một số người. Mồ hôi tăng tiết khi trời nóng bức, khi tăng vận động, khi lo lắng, thậm chí cả lúc chúng ta e thẹn cũng làm tăng tiết mồ  hôi nữa! Ở các em nhỏ, cơ thể đang phát triển, hoạt động chuyển hóa mạnh nên trạng thái tăng tiết mồ hôi rất thường gặp. Khác với da người lớn (tiết mồ hôi được thể hiện ở bàn tay, bàn chân, nách), ở em bé thì da đầu vừa là nơi tăng tiết mồ hôi nước vừa là nơi tăng tiết bã nhờn. Chính vì vậy, khi xúc cảm, sốt, hay lúc bé chạy chơi và kể cả lúc ngủ, bé thường đổ mồ hôi nhiều trên đầu và da đầu cũng là vị trí thể hiện bệnh viêm da tiết bã (cứt trâu) hay gặp ở tuổi này.

Một số ít trường hợp tăng tiết mồ hôi theo sau các bệnh lý toàn thân như: nhiễm trùng, bệnh về nội tiết như chứng to đầu chi (acromegalie), u tủy thượng thận, bướu giáp trạng, uống nội tiết tố (kháng androgen), rối loạn tiền mãn kinh, hạ đường huyết...

Nếu cháu nhỏ nhà bạn đổ mồ hôi trên đầu thường xuyên nhưng vẫn ăn ngủ, chạy chơi và tăng cân bình thường thì bạn không phải lo lắng gì. Tình trạng này sẽ giảm dần khi cháu lớn.

Thân!

Theo TN