Lưu trữ cho từ khóa: triệu chứng bệnh trĩ

Phát hiện và điều trị kịp thời bệnh trĩ

Cho em hỏi, cách đây khoảng 2 năm về trước em ít ăn rau nên khoảng 4-6 ngày mới đi đại tiện một lần, còn từ khoảng 2 năm trở lại đây thì thường là mỗi ngày hoặc là 2 ngày. Nhưng ở thành hậu môn của em sao có khoảng 1 múi nó to lên khoảng gần bằng hạt gạo, đụng mới đầu hơi đau sau thì không,xin cho em hỏi em bị bệnh gì vậy?(Mai Hồng Nữ)

Trả lời:

Theo như  em mô tả, có thể em đang bị bệnh trĩ. Vậy bệnh trĩ là gì?

Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch lan rộng lên thành của trực tràng và các mô vùng cửa hậu môn. Những tĩnh mạch này bị sưng và giãn ra ở phía trong hậu môn (bệnh trĩ trong) hoặc xung quanh bề mặt ngoài của hậu môn (bệnh trĩ ngoài). Bệnh trĩ trong thường gây chảy máu sau khi đi đại tiện.

Nguyên nhân gây bệnh:

- Mệt mỏi và căng thẳng khi đi đại tiện gây áp lực lên các tĩnh mạch vùng ruột và hậu môn

- Khó khăn trong việc đại tiện, bị táo bón thường xuyên

- Bị bệnh tiêu chảy

- Đang trong thời gian mang bầu

Triệu chứng của bệnh

Triệu chứng điển hình của bệnh trĩ là cảm giác ngứa, nóng rát, đau và có thể bị sưng vùng hậu môn. Bệnh càng nặng nếu thường xuyên bị táo bón.

Một số cách giúp giảm bệnh trĩ (chỉ có tính chất tham khảo):

1. Thoa chất gel trong thân cây lô hội trực tiếp lên vùng hậu môn sẽ giúp làm giảm đau và làm dịu cảm giác nóng rát.

2. Ngâm 3 – 4 quả sung trong cốc nước rồi để qua đêm và uống cốc nước này khi chưa ăn gì vào sáng hôm sau.

3. Nghiền nhỏ hỗn hợp 1 thìa hạt thìa là đen đã rang với 1 thìa hạt thìa là đen chưa rang. Cho 1/2 thìa hỗn hợp này vào 1 cốc nước uống 1 lần mỗi ngày, đây là cách trị bệnh trĩ rất hiệu quả.

4. Hạt xoài phơi khô (không phơi trực tiếp dưới ánh nắng) rồi nghiền nhỏ, trộn 1,5 – 2gr bột hạt xoài với mật ong hoặc ăn bột xoài không 2 lần/ngày.

5. Bột củ cải trắng cũng rất tốt cho những người bị trĩ. Trộn 100mg bột củ cải trắng với 1 thìa mật ong chia thành 2 lần mỗi ngày.

Dùng từ 60 – 90mg nước ép củ cải trắng cho thêm chút muối để uống vào buổi sáng và tối cũng trị bệnh trĩ rất tốt.

6. Uống 1 cốc sữa nóng pha thêm bột chuối nhão; 3 lần/ngày.

7. Dùng hỗn hợp 1 thìa nước chanh, 1 thìa nước ép lá bạc hà và 1 thìa mật ong; uống 3 lần/ngày

8. Uống 1 thìa nước ép lá cây rau mùi cho thêm ít đường, 3 lần/ngày.

9. Trộn bột hạt thìa là với nước thành hỗn hợp bột nhão và bôi lên vùng hậu môn giúp giảm đau trĩ hiệu quả.

Tuy nhiên đối với trường hợp của em, chúng tôi khuyên em nên đi khám ngay. Để khám và điều trị bệnh trĩ, em cần liên hệ với khoa ngoại của các bệnh viện đa khoa hoặc các Trung tâm Y tế quận, huyện. Thời gian điều trị bệnh còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh của từng người, nhưng phát hiện và điều trị càng sớm thì bệnh càng mau khỏi.

Ngoài ra, đối với bệnh trĩ, phương pháp điều trị chủ yếu là điều chỉnh chế độ ăn uống, có chế độ sinh hoạt hợp lý, tránh táo bón, tránh làm việc nặng và tránh ngồi nhiều hoặc đứng lâu. Chỉ khoảng 10-15% bệnh nhân mắc bệnh trĩ cần được điều trị thật sự, trong đó 5-10% trường hợp cần phải phẫu thuật.

Theo VnMedia

Có loại thuốc hay bài tập nào có thể tránh được bệnh trĩ không?

Hỏi:Thưa bác sĩ, có loại thuốc hay bài tập nào có thể tránh được bệnh trĩ không? (Trần Thịnh)

Đáp: Bệnh trĩ được tạo thành do dãn quá mức các đám rối tĩnh mạch búi trĩ. Mặc dù nguyên nhân của bệnh trĩ chưa được xác định rõ ràng và chắc chắn nhưng có một số yếu tố thuận lợi làm tăng khả năng mắc bệnh trĩ hoặc làm bệnh nặng. Do vậy, loại trừ những yếu tố này là một trong những biện pháp phòng ngừa có thể tránh được bệnh trĩ. Các yếu tố thuận lợi đó là:

- Tư thế:  Đứng lâu hoặc ngồi lâu làm tăng áp lực tĩnh mạch trĩ, do vậy dễ gây mắc bệnh trĩ, vì vậy cần tránh ngồi lâu hay đứng lâu một chỗ, năng hoạt động đi lại, thay đổi tư thế tại chỗ.

- Rối loạn đại tiện: táo bón kinh niên hay ỉa chảy kéo dài cũng làm cho áp lực trong lòng hậu môn tăng cao dẫn đến việc hình thành các búi trĩ, do vậy cần ăn đủ chất xơ, rau, hoa quả tươi và điều trị triệt để các rối loạn về tiêu hóa; tránh để bị tiêu chảy hay táo bón kéo dài…

- Tiền sử bị bệnh lỵ hay hội chứng ruột kích thích  cũng là một trong những nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, do vậy cần điều trị dứt điểm các bệnh này.

- Một số nguyên nhân gây tăng áp lực ổ bụng: ho nhiều ở những người mắc bệnh phổi phế quản mạn tính hay ở những bệnh nhân xơ gan, suy tim và những người phải làm công việc nặng nhọc… làm tăng áp lực ổ bụng, do đó làm cản trở máu từ tĩnh mạch hậu môn trở về hệ thống đại tuần hoàn.

- Các bệnh lý quanh vùng hậu môn trực tràng cũng như vùng tiểu khung, đái chậu, trong thời gian mang thai… làm cản trở máu về do đó gây hiện tượng căng phồng các tĩnh mạch búi trĩ  còn gọi là trĩ triệu chứng.

Tóm lại, để ngăn ngừa và phòng bệnh trĩ cần loại bỏ những nguyên nhân và yêu tố thuận lợi gây suy giảm tuần hoàn của tĩnh mạch trĩ cũng như cản trở dòng máu từ tĩnh mạch trĩ trở về vòng đại tuần hoàn như đã trình bày ở trên.

BS Bạch Long

Bệnh trĩ không ảnh hưởng đến khả năng sinh con

Tôi năm nay 31 tuổi, gần đây, tôi thấy có dấu hiệu bất thường ở hậu môn nên đi khám thì được biết bị bệnh trĩ. Hiện nay, tôi chưa lập gia đình, tôi rất muốn bác sĩ tư vấn cho tôi bệnh trĩ có ảnh hưởng đến khả năng sinh con hay không?

Trần Quang Hùng (Thái Nguyên)

Trĩ là một bệnh lý phổ biến, bệnh được tạo thành do giãn quá mức đám rối tĩnh mạch trĩ (tĩnh mạch ở vùng hậu môn). Triệu chứng của bệnh là chảy máu và sa búi trĩ. Ngoài ra, bệnh còn có những triệu chứng khác như đau khi đi đại tiện, ngứa quanh hậu môn… Bệnh trĩ được chia làm 3 loại (trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp) và 4 mức độ (từ 1 đến 4) tùy theo triệu chứng và độ lớn của trĩ. Mỗi loại trĩ và mỗi mức độ có những biện pháp điều trị khác nhau.

Bệnh trĩ không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu để trĩ chảy máu quá lâu làm thiếu máu, đôi khi bị nhiễm khuẩn hay sưng phù, thậm chí bầm tím làm đau đớn, khó chịu và làm giảm chất lượng sống. Bệnh trĩ có thể nhầm lẫn với một số bệnh lý nguy hiểm khác ở vùng hậu môn trực tràng như ung thư trực tràng, polyp trực tràng… Trong thư, bạn chỉ nói mình bị trĩ nhưng chưa nói rõ ở mức độ nào (vì bạn đã đi khám bác sĩ) nên chúng tôi khó tư vấn cụ thể cho bạn biện pháp điều trị nhưng có thể khẳng định với bạn rằng bệnh trĩ chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh chứ không ảnh hưởng đến quan hệ vợ chồng cũng như khả năng có con của bạn.

BS. Nguyễn Hải Liên

Đi ngoài khó khăn, phân khô và có lẫn máu, có phải bệnh trĩ?

“Một tháng nay tôi thường đi ngoài khó khăn, phân khô và có lẫn máu. Ăn uống vẫn bình thường và không có bệnh gì khác. Có phải tôi bị bệnh trĩ không?”.

Trả lời:

Trĩ là bệnh giãn quá mức các búi tĩnh mạch trĩ vùng hậu môn. Hiện nay chúng ta chưa có cuộc điều tra dịch tễ học nào về bệnh này. Tuy nhiên, sách y học dân tộc của ta ghi nhận “thập nhân cửu tri”, nghĩa là 10 người có 9 người bệnh trĩ.

Các yếu tố thuận lợi gây ra trĩ bao gồm: táo bón, viêm đại tràng mạn tính, làm việc nặng phải đứng lâu hoặc ngồi nhiều, những khối u vùng chậu hay thai nhiều tháng gây chẹn tĩnh mạch, cản trở máu hồi lưu.

Đi ngoài ra máu và sa búi trĩ ra ngoài hậu môn là các triệu chứng thường gặp nhất. Bạn không mô tả rõ các triệu chứng nên không thể chẩn đoán bệnh chắc chắn được (ngoài bệnh trĩ còn có những bệnh khác cũng gây chảy máu khi đi ngoài). Bạn nên đi khám bác sĩ ngoại để xác định bệnh và điều trị.

TS Đỗ Trọng Hải, Phụ Nữ Chủ Nhật.

Đối tượng nào thường hay bị trĩ?

Trĩ là một bệnh thường gặp với các triệu chứng như chảy máu, sa và ngứa hậu môn. Theo một thống kê ở nước ngoài cho thấy: những người lớn trên 50 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh trĩ là 50%.

Thật ra từ trước đến nay chưa có một công trình nghiên cứu nào cho thấy đối tượng nào hay bị bệnh trĩ. Nếu trong gia đình có người bị bệnh trĩ thì các thành viên khác có bị hay không? Chưa có câu trả lời chính xác nhưng có một số yếu tố rất quan trọng mà khá nhiều nghiên cứu trên thế giới và cả ở Việt Nam đều kết luận, đó là nguyên nhân gây ra bệnh trĩ:

- Những người phải đứng nhiều, ngồi lâu, ít vận động như nhân viên bán hàng, thợ may, thư ký…

- Những bệnh nhân mắc bệnh táo bón kinh niên, khi đi tiêu phải rặn nhiều làm tăng áp lực trong lòng ống hậu môn khiến các búi trĩ to dần và sa ra ngoài.

- Những bệnh nhân bị kiết lỵ: Cũng do phải đi cầu nhiều lần trong ngày làm gia tăng áp lực trong ổ bụng và làm tăng thể tích của búi trĩ.

- Ngoài ra trĩ còn xuất hiện ở những bệnh nhân mắc các bệnh khác như: Hội chứng ruột kích thích, tăng áp lực trong ổ bụng, u bướu vùng hậu môn trực tràng và các vùng xung quanh…

Bệnh trĩ khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề. Đi tiêu ra máu, búi trĩ bị tắc gây đau, đi tiêu khó khăn… đã hành hạ họ và làm cho bệnh nhân suốt ngày ở trong một tình trạng tinh thần rất không thoải mái.

Hơn thế nữa, những bệnh nhân bị bệnh trĩ thường đi khám và điều trị rất trễ vì đây là một bệnh của vùng kín, lúc nào cũng cần được che đậy nên bệnh nhân thường ái ngại khi đi khám bệnh, nhất là đối với phụ nữ.

Theo Thanhnien

Bệnh trĩ và cách phòng ngừa

Trĩ là sự phồng lớn của một hay nhiều tĩnh mạch thuộc hệ thống tĩnh mạch trĩ trên hoặc tĩnh mạch trĩ dưới hay cả hai gây nên trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em, nam mắc nhiều hơn nữ. Bệnh hay xảy ra ở người làm việc nhiều ở tư thế đứng hoặc tài xế, cảnh sát, chăn thú, khuân vác, nông dân, thợ may và vận động viên ở tuổi trung niên.

Triệu chứng và diễn biến bệnh trĩ

Triệu chứng thường thấy nhất là đại tiện ra máu, thường là màu đỏ tươi, xảy ra ngay sau khi đại tiện, hiếm khi trĩ gây xuất huyết ồ ạt nhưng lâu ngày có thể tạo ra thiếu máu mạn tính và nặng. Sau một thời gian thì trĩ lớn và sa, mới đầu hiện tượng sa chỉ nhiều nhất lúc đi đại tiện nhưng về sau sẽ sa liên tục. Bệnh nhân rất đau, nhất là khi ngồi hoặc di chuyển rất khó khăn. Vùng hậu môn và quanh hậu môn bị sưng phù nhiều, tách rộng ra hai bên sẽ thấy niêm mạc trĩ nội thuyên tắc nằm ở giữa. Hai màu niêm mạc trong và ngoài rất khác nhau.

Tình trạng trĩ nội thuyên tắc có thể tự khỏi. Sau vài ngày thì bệnh nhân bớt đau, bớt sưng và trĩ trở vào trong hậu môn. Sau cơn thuyên tắc, trĩ có thể bị xơ hóa, nhỏ lại và bớt chảy máu. Một vài trường hợp bị lở loét bó trĩ hoặc hoại tử từng vùng. Có khi hoại tử tạo ra áp-xe vùng hậu môn và vùng chậu.

Ðiều trị bệnh trĩ:

Quan trọng là vấn đề khám bệnh nhằm loại trừ ung thư đại tràng hay ung thư trực tràng tiềm ẩn.

Bệnh nhân bị trĩ nên dùng khẩu phần nhiều chất sợi, nhiều rau cải, trái cây và uống nhiều nước. Tránh rặn nhiều khi đại tiện, tránh khuân vác nặng.

Nên giữ vùng hậu môn cho sạch. Rửa bằng nước, không dùng giấy lau khi đi đại tiện. Không nên rửa bằng xà phòng vì dễ gây kích thích ngứa nhiều hơn. Nên ngâm hậu môn với nước ấm ngày 4 lần, mỗi lần 10 phút. Có thể đắp gạc lạnh ngày 4 lần, mỗi lần 10 phút. Nếu búi trĩ sa ra ngoài, bệnh nhân nên nhét nhẹ nhàng vào hậu môn để tránh tình trạng thuyên tắc.

Xử trí tình trạng đau phù và viêm trong các cơn trĩ cấp bằng cách bôi thuốc mỡ hoặc thuốc đạn có hydrocortisone tại chỗ. Không nên dùng quá 2 tuần lễ vì hydrocortisone có thể gây teo niêm mạc hậu môn mà cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc.

Có thể điều trị trĩ bằng các phương pháp khác như nong hậu môn, thắt búi trĩ bằng dây thun, chích xơ hóa búi trĩ hoặc đốt điện, chích nước nóng…, phẫu thuật cắt trĩ áp dụng đối với trĩ độ III và độ IV. Trường hợp trĩ ngoại bị thuyên tắc nên mổ ngay lấy cục máu đông, bệnh nhân sẽ hết đau rất nhanh và phòng được biến chứng do thuyên tắc gây nên.

Bệnh nhân trĩ nên uống nước nhiều (8-10 ly mỗi ngày), nếu làm công việc phải ngồi lâu thì không được lót gối mềm dưới mông vì sẽ làm tăng hiện tượng chèn ép các tĩnh mạch.

Phòng ngừa bệnh trĩ:

Uống nhiều nước giúp phân mềm và dễ đại tiện. Ăn nhiều rau cải, trái cây sẽ giúp phân mềm, khối phân tăng thêm nhờ thế bệnh nhân bớt phải rặn và gián tiếp tránh được bệnh trĩ. Bệnh nhân cần vận động để tránh tăng áp lực trong tĩnh mạch nhất là sau khi ngồi hoặc đứng lâu. Vận động cũng giúp tránh táo bón và giảm trọng lượng nếu bệnh nhân béo phì. Tránh đứng hoặc ngồi lâu.

(BS.Thu TrangSK&ĐS)