Lưu trữ cho từ khóa: trẻ ăn nhiều rau

Làm gì khi bị say nắng?

Bạn phơi mình quá lâu dưới ánh nắng mặt trời rất dễ bị say nắng. Khi bị say nắng, biểu hiện đầu tiên là vã mồ hôi, mặt đỏ nhừ, khó chịu, nôn mửa… sau đó là hoa mắt, chóng mặt, mạch nhanh, ngất lịm.

Những cơn say nắng như thế này rất nguy hiểm nhưng nhiều người thường xem thường chúng. Cũng chính vì xem thường nên đã không xử trí đúng cách.

Nhiều người có quan niệm rằng khi bị say nắng chỉ cần uống nhiều nước để giải cơn khát, uống nước hoa quả hoặc ăn trái cây ướp lạnh là đủ. Tuy nhiên, đây là những hành động có hại cho sức khỏe của bạn.

Các chuyên gia y tế khuyên rằng người bị say nắng nên uống đủ nước để bù lại lượng nước đã mất trước đó. Không nên uống một lượng nước quá lớn khi vừa bị say nắng. Khi gặp người bị say nắng nặng, không nên cho người đó uống nước liền mà hãy chờ cho tình trạng ổn định mới nên uống nước. Đối với trẻ em, không nên cho uống trên 300 ml nước. Uống nhiều nước sẽ làm loãng dịch vị dạ dày, khó tiêu hóa. Nếu người bị say nắng nặng có thể bị phản xạ vã mồ hôi, mất nước làm cho cơ thể dễ bị co giật.


Khi bị say nắng nên ra khỏi môi trường nắng nóng. Với người bị nặng, phải đặt bệnh nhân ở nơi thoáng mát, cởi bỏ quần áo, chườm mát toàn thân, lau nhẹ nhàng vùng nách, cổ, bẹn, chân tay, dội nước mát lên người từ chân lên đầu. Khi người say nắng bị sốt cao, không nên dùng các loại thuốc hạ nhiệt. Đo nhiệt độ của người bệnh, nếu nhiệt độ cơ thể cao hơn 390C thì cần đưa đến trung tâm y tế để có biện pháp xử lý tốt nhất.

Người bị say nắng nên tránh xa các loại thực phẩm có nhiều dầu mỡ và không nên tẩm bổ quá nhiều. Lúc này, hơi nóng vẫn chưa hoàn toàn hạ hỏa, việc ăn uống các loại thực phẩm quá giàu chất dinh dưỡng không những chẳng có tác dụng giải cơn say nắng mà ngược lại còn kéo dài thêm khí nóng trong người, gây thêm mệt mỏi và hại cho đường tiêu hóa.

Để phòng tránh say nắng, vào mùa hè, khi ra ngoài nên đội mũ để giảm bớt tốc độ hút hơi nóng của đỉnh đầu. Nên mặc quần áo màu nhạt dệt bằng vải bông và tơ, lụa trong mùa nắng nóng. Nên hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.

Mùa nắng nóng nên cho trẻ ăn nhiều rau xanh và trái cây như: bí đao, mướp đắng, dưa chuột, bí đỏ, cà chua, xà lách… để giúp bổ sung lượng nước cho cơ thể, đồng thời có tác dụng chống say nắng hiệu quả.

Người cao tuổi dễ bị say nắng vì tuyến mồ hôi dưới da bị teo lại nên cơ thể tỏa nhiệt kém. Thai phụ, sản phụ cần đề phòng say nắng vì sức khỏe còn yếu nên sức đề kháng không nhiều. Trẻ sơ sinh cũng có nguy cơ bị say nắng cao bởi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, sự điều tiết của cơ thể còn kém. Ngoài ra, những người mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, người bị suy dinh dưỡng cũng dễ bị say nắng.

Meo.vn (Theo NLĐ)

Cho trẻ ăn nhiều rau để trị táo bón

Táo bón là một triệu chứng thường gặp ở trẻ em. Nếu chẳng may con bạn bị táo bón, bạn hãy xem lại chế độ dinh dưỡng cung cấp cho con đã hợp lý chưa.

Triệu chứng khi trẻ bị táo bón

Một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường trong độ tuổi 1 – 4 sẽ đại tiện từ 1 – 2 lần/ngày. Tuy nhiên, có bé đi cầu 3 lần/ngày, ngược lại có trẻ đi cầu không theo ngày nào cả. Đối với những trẻ có sức khỏe tốt, bé có thể 3 ngày mới đi cầu một lần… Tất cả đều bình thường.

Trẻ bị táo bón khi có một số dấu hiệu sau: Giảm số lần đại tiện bình thường. Mỗi lần đi đại tiện rất khó khăn và có cảm giác đau. Chất thải rất cứng và khô… Thấy những biểu hiện này ở con bạn cần tìm hiểu nguyên nhân để tìm cách chữa trị cho trẻ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón ở trẻ. Có thể là do chế độ ăn thiếu nước, thiếu chất xơ và ăn quá nhiều chất đạm. Ngoài ra còn do trẻ mắc bệnh còi xương, thiếu máu, dùng kháng sinh cũng gây táo bón.

Nhưng nguyên nhân thường thấy dẫn đến tình trạng này là do các mẹ lựa chọn sai thực đơn cho bé. Những thực đơn bé ăn không đủ lượng dưỡng chất hàng ngày, cùng với thói quen uống ít nước, không ăn nhiều rau quả, trái cây… cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón.

Thay đổi thực đơn

Để chữa táo bón cho con hãy cho trẻ ăn nhiều rau xanh và hoa quả, chọn các loại rau có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, rau dền, củ khoai lang. Khi nấu bột và cháo, phải làm nhuyễn các loại thức ăn. Cho con ăn các loại quả: chuối tiêu, đu đủ, bưởi, cam, quýt, thanh long… Nên cho trẻ ăn 1 – 2 cốc sữa chua 1 ngày.

Nếu mẹ bị táo bón cho con bú thì phải điều trị táo bón cho mẹ bằng việc mẹ ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước.

Với những trẻ dưới 1 tuổi bị táo bón nên đưa bé đi khám bác sĩ ngay chứ cha mẹ không nên tự can thiệp.

Với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo, ưu tiên thực đơn nhiều rau trong bữa ăn: thái nhỏ nấu canh, luộc rau cho trẻ ăn trước. Cho trẻ ăn cả múi các loại quả: cam, quýt, bưởi, ăn đu đủ, chuối tiêu, thanh long…

Ngoài chế độ ăn, bạn nên cho trẻ uống thêm men tiêu hóa vi sinh. Không được cho trẻ ăn cà rốt, hồng xiêm trong thời gian này.

Nếu tình trạng của trẻ vẫn không cải thiện thì cần đưa bé đến bệnh viện để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Theo laodong.vn

Chăm sóc trẻ thừa cân béo phì trong dịp Tết

Trong các nguyên nhân gây béo phì (BP) ở trẻ em, người ta chỉ thấy một số nhỏ là do rối loạn chuyển hóa trong cơ thể, thông qua vai trò của hệ thống thần kinh nội tiết (tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục) hoặc do các bệnh về não (u não, chấn thương), còn phần lớn là do tăng năng lượng của khẩu phần ăn (ăn quá nhiều) và giảm các hoạt động thể lực để tiêu hao năng lượng hoặc kết hợp cả hai. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hơn 80% BP có liên quan đến chế độ ăn uống.

Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến BP đơn thuần là: ăn quá nhiều năng lượng và giảm hoạt động tiêu hao năng lượng.

Nguyên tắc chính điều trị BP ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý (hạn chế một số loại thức ăn nhiều năng lượng, thay đổi một số thói quen ăn uống của trẻ) kết hợp với tăng hoạt động thể lực.

Trong dịp lễ, Tết, việc hạn chế ăn uống của trẻ lại càng khó khăn vì ngày Tết thường gồm nhiều món ăn giàu năng lượng như: bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, các loại giò chả, bánh chưng, thịt đông… và trong ngày Tết trẻ thường được “thả lỏng” hơn. Nhiều khi trẻ lại thường được đến ăn uống ở nhà bà con, họ hàng, cho nên rất nhiều trẻ thừa cân (TC) – BP bị tăng vài kí-lô-gam trong dịp Tết là chuyện bình thường. Vì vậy, đối với trẻ đã bị TC- BP trong dịp đặc biệt này, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý một số điều sau đây:

-Vẫn nên tuân thủ chế độ ăn kiêng, dù là ngày Tết.

- Hạn chế trẻ ăn bánh, mứt, kẹo và nước ngọt, nhất là đến chơi thăm họ hàng, nên thay bằng quả chín ít ngọt như: bưởi, cam, quýt, dưa hấu… dù là ngày Tết cũng nên hạn chế mua bánh, mứt, kẹo về nhà.

- Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng trong ngày Tết như: giò thủ, giò mỡ, thịt đông mà nên thay bằng giò lụa, hoặc chả quế.

- Nên tăng cường các món ăn từ cá: cá hấp, cá om canh dưa.

Nên hạn chế trẻ uống nước ngọt.

- Thay tôm rán bọc bột bằng tôm luộc hoặc hấp.

- Hạn chế ăn bánh chưng, nhất là bánh chưng rán, nếu ăn thì nên ăn bánh chưng luộc hoặc hấp lại cho nóng. Khi ăn bánh chưng thì không nên ăn thêm cơm hoặc các loại thức ăn tinh bột khác.

- Không nên ăn cơm rang, hạn chế ăn nem rán mà thay bằng nem cuốn hoặc phở cuốn không dùng đến dầu mỡ.

- Khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh dưới dạng luộc như: su hào, bắp cải, bí xanh, susu… trong ngày Tết.

- Thay nước ngọt bằng sữa tươi không đường hoặc sữa bột tách béo.

- Không cho trẻ ăn vặt mà vẫn phải ăn theo bữa, dù là ngày Tết.

- Trong ngày Tết, nên chế biến các món ít béo cho trẻ ăn như: bún riêu cua, bún canh măng, miến nấu thịt nạc, bún nấu cá rau cần… hoặc ăn lẩu trong các bữa ăn sum họp gia cùng gia đình, bạn bè.

ThS. Lê Thị Hải