Ngoài lợi ích sức khỏe cho trẻ, cho con bú còn giúp tử cung người mẹ trở lại kích thước trước khi mang thai, giảm chảy máu sau sinh, dễ giảm cân, giảm nguy cơ trầm cảm và ung thư vú, ung thư buồng trứng, trì hoãn kinh nguyệt xuất hiện trở lại, tiết kiệm tiền mua sữa công thức…
Sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển của trẻ do sữa non cung cấp nguồn kháng thể quan trọng chống lại bệnh tật khi hệ miễn dịch của bé phát triển trong năm đầu tiên.
Cho con bú khoa học và đúng cách là việc không dễ dàng. Ảnh: healthywomen
Dưới đây là một số bí quyết giúp người mới làm mẹ cho con bú tốt nhất:
– Cho bé bú trong 1 giờ đầu sau sinh. Việc này giúp tử cung co lại và cung cấp nguồn sữa non giàu dinh dưỡng.
– Yêu cầu sự giúp đỡ của y tá hoặc bác sĩ tư vấn để có cách cho con bú đúng đắn nhất.
– Chuẩn bị khi có sữa: Sữa bắt đầu tiết ra khoảng 3-4 ngày sau sinh. Bạn sẽ cảm thấy kích thước ngực to lên, vì vậy cần chuẩn bị áo ngực vừa vặn.
– Cho bé bú khoảng 8-12 lần mỗi ngày khi thấy bé có các dấu hiệu như tìm núm vụ mẹ, đặt tay vào miệng,…
– Cung cấp đủ nước cho cơ thể, ví dụ nhâm nhi một cốc nước khi cho bé bú để cơ thể tạo ra đủ sữa.
– Cho con bú trong môi trường yên tĩnh.
Ngoài ra, bạn cần biết những vấn đề thường gặp khi cho con bú và cách phòng tránh: Đau và nứt núm vú; kiểm tra vị trí khi bé ngậm núm vú; thoa Lanolin lên núm vú sau khi cho bú; để núm vú tự khô sau mỗi lần cho bú; cho bé bú đổi bên.
Khi bé bú tạo ra tiếng mút nghĩa là vị trí của bé không đúng. Vì vậy, cần đặt bé sát người bạn hơn, giữ đầu để miệng bé ngậm được phần quầng vú nhiều nhất mức có thể.
Ngực căng do đầy sữa hoặc đường dẫn sữa bị tắc: Để gạc ấm hoặc nước ấm chảy lên lực khi tắm, đắp lá bắp cải lên ngực để giúp giảm bớt áp lực.
Nhiễm trùng vú: Nếu bạn cảm thấy như bị cảm, một bên bầu ngực đỏ, nóng và đau thì có thể bạn đã bị nhiễm trùng vú. Lúc này bạn cần một loại kháng sinh trị nhiễm trùng. Để ngăn nhiễm trùng vú, hãy nhớ làm sạch ngực đều đặn. Nếu uống kháng sinh, nhớ sử dụng thêm chất bổ sung Probiotic có trong sữa chua để ngăn ngừa bệnh tưa miệng ở trẻ.
Cho con bú giúp mẹ giảm nguy cơ trầm cảm và ung thư vú, ung thư buồng trứng
Bệnh tưa miệng ở trẻ: Tưa miệng là bệnh nhiễm trùng nấm hình thành trên ngực và lây truyền giữa ngực và miệng bé. Ngực thừa độ ẩm, núm vú đau nứt, chế độ ăn nhiều đường và đồ ăn lên men hoặc uống thuốc kháng sinh, thuốc ngừa thai, steroids đều có thể gây ra bệnh tưa miệng.
Triệu chứng gồm có núm vú đau, ngực đau nhức, tróc vảy, ngứa hoặc bị nứt. Trẻ có thể có các đốm trắng nhỏ trong miệng hoặc phát ban tã không lành. Khi gặp vấn đề này, bạn cần điều trị cho cả ngực bạn và miệng của bé bằng thuốc kháng nấm hoặc thuốc tím tinh thể. Để ngăn ngừa tưa miệng, hãy giữ núm vú khô, dùng miếng đệm núm vú trong áo ngực, thay áo ngực sạch hàng ngày, giảm các sản phẩm đường và men trong chế độ ăn.
Theo Trần Trâm/nld.com.vn