Lưu trữ cho từ khóa: trang phục lót

Chọn nội y cho mẹ mang thai và cho con bú – Quần và các phụ kiện lót

(Webtretho) Khi mang thai, cuộc sống thay đối rất nhiều với mẹ, từ tâm trạng, chế độ ăn uống và sinh hoạt cho đến diện mạo, trang phục và cả “nội y” của mẹ nữa. Mẹ sẽ rất ngạc nhiên về cỡ ngực của mình cũng như sự nhạy cảm ở vùng “tam giác”, và những điều đó đồng nghĩa với việc mẹ cần thay đổi ngăn kéo quần áo lót khá nhiều cho giai đoạn mang thai và cho con bú đấy.

>> Áo ngực: Phần 1 | Phần 2

Quần lót và các loại đồ lót khác

Không chỉ có áo ngực là loại trang phục lót duy nhất cần phải thay đổi khi bạn mang thai, các loại đồ lót sát người hoặc mặc trong trang phục ngoài của bà bầu hoặc bà mẹ cho con bú cũng đòi hỏi những thiết kế và chất liệu đặc biệt để phù hợp với thay đổi trên cơ thể người mẹ trong giai đoạn này.

Quần lót

Cũng như với áo ngực, bắt đầu từ tuần thứ 16 của thai kỳ, bạn nên chuyển sang mặc loại quần lót dành riêng cho bà mẹ mang thai. Nhiều thai phụ nghĩ rằng có thể chọn loại quần lót thường mặc với cỡ lớn hơn là được, tuy nhiên quần lót loại này không đủ co giãn với tốc độ “bành trướng” của bụng bạn đâu, đai lưng quần có thể quá chật và xiết chặt gây đau tức, chưa kể các chất liệu không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm vùng kín cho thai phụ (vốn đã dễ viêm nhiễm hơn so với bình thường).

Quần lót dành cho bà bầu và phụ nữ sau sinh có những ưu điểm đặc biệt mà quần lót thường không có. Ảnh: Inmagine.

Trong điều kiện cho phép, tốt nhất bạn nên sắm vài chiếc quần dành riêng cho bà bầu vì những lý do sau:

Có khả năng co giãn cao để bà mẹ mang thai luôn có thể thoải mái với chiếc bụng lớn nhanh như thổi của mình. Tính đàn hồi của quần được thể hiện ở thành phần spandex – một loại sợi tổng hợp rất nhẹ có khả năng kéo giãn đến 5 lần. Chỉ cần sắm cho mình dăm ba chiếc quần lót bà bầu có tỷ lệ spandex cao là bạn có thể mặc suốt thai kỳ với em bé đang lớn từng ngày trong bụng mẹ rồi.

Thiết kế ôm gọn và hỗ trợ bụng tốt. Ưu điểm lớn nhất của quần lót bà bầu là tuyệt đối không hằn, cấn và gò bó. Loại quần lót thường cỡ lớn nếu ôm vừa vùng kín và mông thì có thể sẽ bị chật, gây đau tức ở bản chun lưng, còn nếu bản lưng vừa bụng thì có thể sẽ quá rộng và bị tuột; chưa kể bạn sẽ phải mua quần mới liên tục vì bản chun lưng sẽ không thể thích ứng được với vòng bụng lớn rất nhanh của thai phụ. Các bà mẹ mang thai được khuyên sử dụng quần lót bà bầu vì chúng cung cấp cho chiếc bụng bầu của bạn không gian để lớn và để… thở. Quần lót cho bà bầu được thiết kế liền thân, không có dải chun lưng và giới hạn đường may để hạn chế hằn cấn lên da.

Có 3 kiểu lưng quần phù hợp với từng giai đoạn mang thai. Quần lưng thấp (underbelly) phù hợp cho thai phụ trong những tháng đầu mang thai, với đường lưng quần dưới bụng hoàn hảo cho sự thành hình và hỗ trợ bụng. Quần lưng giữa bụng (midbelly) che phủ một nửa bụng dưới của thai phụ, phù hợp cho thai phụ ở tam cá nguyệt thứ hai, không chỉ bảo vệ bụng vừa phải mà còn đem lại sự thoải mái tối đa cho bụng. Loại quần thứ ba có phần lưng linh hoạt (pull-on belly), phần eo đàn hồi cực tốt (nhưng không có bản lưng) có thể tùy ý điều chỉnh để mặc dưới bụng, giữa bụng, hoặc kéo phủ cả bụng mà không gây khó chịu. Đây là mẫu quần được khuyến khích cho các bà mẹ mang thai những tháng cuối và sau sinh (và cả phụ nữ thừa cân) nhằm bảo vệ bụng cho bà mẹ mang thai và hỗ trợ nịt bụng giúp các bà mẹ sau sinh lấy lại phom bụng.

Thông thường, để thuận tiện chi việc chọn mua quần lót bà bầu, các hãng sản xuất thường ghi cỡ quần lót tương ứng với cỡ quần lót thông thường mà các bà mẹ mặc trước khi mang thai. Nếu bạn cảm thấy mình tăng cân đáng kể so với trước, bạn có thể chọn tăng lên một đến hai cỡ quần cho yên tâm.

Các loại trang phục mặc lót khác dành cho bà bầu

Đai bụng đặc biệt giúp thai phụ cảm thấy bụng đỡ nặng nề hơn và giảm thiểu đau lưng. Ảnh: Alibaba.

Áo lá, áo hai dây mặc lót & váy lót: Có tác dụng ôm sát và hỗ trợ toàn thân cho bà mẹ mang thai đồng thời giữ ấm cho cơ thể trong môi trường thời tiết lạnh hoặc trong phòng máy lạnh. Bạn nên chọn loại ôm vừa vặn, co giãn cao và thấm hút mồ hôi tốt.

Đai nới bụng và đai hỗ trợ bụng bầu: Đai nới bụng (belly belt) là loại phụ kiện lót đặc biệt dành cho bà bầu ở những tháng đầu thai kỳ, giúp bạn có thể tận dụng được những chiếc quần sẵn có bằng cách giúp nới rộng lưng quần. Đai hỗ trợ bụng bầu (maternity belt) giúp nâng đỡ bụng giúp bà bầu đỡ cảm thấy nặng nề và phần nào giảm đau lưng, phù hợp với thai phụ từ tháng thứ 5 thai kỳ trở lên.

Tất (vớ) bà bầu: Loại tất đặc biệt giúp phòng ngừa giãn tĩnh mạch chân bằng cách ép giữ không cho giãn nở tĩnh mạch ở chân, giúp máu lưu thông tốt hơn. Có nhiều loại tất chống giãn tĩnh mạch khác nhau cho bà bầu, tương ứng với từng mức độ cần điều trị. Bạn có thể mang chúng hàng ngày, và quan trọng là không được quên mang khi đi ngủ.

Chọn nội y cho mẹ mang thai và cho con bú – Áo ngực (P2)

(Webtretho) Khi mang thai, cuộc sống thay đối rất nhiều với mẹ, từ tâm trạng, chế độ ăn uống và sinh hoạt cho đến diện mạo, trang phục và cả “nội y” của mẹ nữa. Mẹ sẽ rất ngạc nhiên về cỡ ngực của mình cũng như sự nhạy cảm ở vùng “tam giác”, và những điều đó đồng nghĩa với việc mẹ cần thay đổi ngăn kéo quần áo lót khá nhiều cho giai đoạn mang thai và cho con bú đấy.

>> Áo ngực - Phần 1

Mặc áo ngực thai sản và cho bú thế nào?

Khi đã chọn được chiếc áo phù hợp, việc tiếp theo bạn cần làm là choàng nó lên và khiến nó vừa khít vào cơ thể của mình. Khi bắt đầu mặc áo, bạn hơi cúi người một chút, nâng hai bầu ngực đặt vào trong cúp áo và chỉnh cúp áo khớp vào hai bầu ngực khi đứng thẳng dậy.

Bạn hãy nhờ người thân cài móc sau lưng sao cho vừa khít vào cơ thể. Tiếp đến, hãy kiểm tra vị trí của đôi nhũ hoa, điều chỉnh để chúng cùng ở vị trí trung tâm thẳng hàng trên bộ ngực. Nếu bạn cần nới bớt lưng áo ra, hãy dùng các miếng móc rời chuyên dụng cho việc nới lỏng lưng áo ngực được bán ở các cửa hàng đồ lót hoặc trên mạng.

Có cần loại áo ngực thai sản và cho bú dành riêng cho ban đêm?

Áo ngực đêm giúp bà bầu cố định ngực khi ngủ, giảm thiểu đau lưng và nguy cơ rạn da ngực. Ảnh: Corbis.

Câu trả lời là rất nên. Loại áo ngực này có tác dụng giữ ngực bạn luôn giữ nguyên vị trí khi bạn ngủ, giúp giảm đau lưng, chảy xệ ngực và hình thành rạn da ở ngực. Áo ngực mặc ngủ dành cho bà mẹ mang thai và cho con bú có thiết kế dây vai rộng và mềm mại giúp giảm hằn lên vai và phần đai lưng co giãn thoải mái, không có móc gài cấn vào da khi nằm, đồng thời vẫn thuận tiện để cho con bú giữa đêm. Loại áo này được may bằng chất liệu mềm thoáng, co giãn tốt và không có gọng để tránh chèn ép và nguy hại cho các tuyến sữa của bạn.

Bạn có thể không cần mua áo ngực ngủ ở những tháng đầu thai kỳ nhưng đừng trì hoãn quá tháng thứ sáu khi ngực đã phát triển rất lớn. Ngoài tác dụng mặc ngủ, áo ngực loại này còn rất tốt để các bà mẹ mang thai và sau sinh mặc khi tập thể dục.

Giặt áo ngực như thế nào?

Chăm chút áo ngực của bạn một chút sẽ giúp kéo dài tuổi thọ của áo, không làm mất tính đàn hồi cũng như kiểu dáng của chúng. Nguyên tắc vệ sinh áo ngực rất đơn giản: hãy giặt bằng tay với chất tẩy nhẹ trong bồn rửa và để khô qua đêm. Một số phụ nữ tiết kiệm thời gian bằng cách giặt chúng trong khi tắm với sữa tắm của mình sau đó treo trong phòng tắm qua đêm. Nếu bạn buộc phải dùng máy giặt, hãy giặt ở chế độ nước lạnh, với chất tẩy nhẹ, tốt nhất là nên đặt trong túi giặt cho áo ngực và phơi khô trong mát ngay sau khi giặt xong và tuyệt đối không sấy áo ngực.

Áo lót nên được phơi trong mát mẹ nhé! Ảnh: Inmagine.

Áo ngực có gọng có an toàn trong thai kỳ và thời gian cho con bú?

Áo ngực có gọng có thể là một lo ngại trong thời gian cho con bú vì những chiếc áo ngực có gọng chật khít có thể đè nén lên các mô vú, gây tắc nghẽn tuyến sữa, chưa kể một số loại áo ngực "trôi nổi" rẻ tiền thường được sản xuất với gọng kim loại có nguy cơ gây kích ứng cao. Bạn cũng nên nghĩ đến chuyện thay đổi loại áo ngực khác nếu như bị phát hiện viêm vú, kể cả có mang thai hay cho con bú hay không. Một số nhãn hiệu áo lót có dòng áo ngực không gọng nhưng vẫn có thể nâng ngực tốt như loại có gọng.

Áo ngực thai sản và cho bú ngày nay không phải là hiếm và ngày càng phong phú hơn. Bạn có rất nhiều lựa chọn nên đừng vội vàng khi đi mua sắm, tốt nhất là hãy xem qua nhiều hãng (mặc thử là tốt nhất) trước khi quyết định mua.

Những lưu ý khi chọn mua áo ngực cho bà mẹ mang thai và cho con bú:

- Bạn bắt đầu nên mặc áo ngực đặc biệt từ tháng thứ 4-5 của thai kỳ.

- Tại mỗi thời điểm trong giai đoạn mang thai (từ tháng thứ 4) và cho con bú, bạn nên có ít nhất 3-4 chiếc áo ngực loại dành cho thai phụ và bà mẹ cho con bú. Trong đó, chọn 2-3 chiếc để mặc ban ngày, và 1 chiếc có thiết kế thoải mái nhất để mặc khi ngủ. Trong giai đoạn này bạn nên mặc áo ngực cả ngày để bảo vệ ngực và tránh chảy xệ.

- Áo ngực khi mua phải vừa với bạn khi cài ở móc ngoài cùng để phòng xa khi áo dão có thể cài dần vào trong. Hơn nữa, sau khi sinh xong, lồng ngực của bạn sẽ nhỏ lại, vòng lưng cũng sẽ giảm đi và bạn có thể điều chỉnh móc vào các nấc trong.

- Chiếc áo vừa vặn sẽ không gây cấn ép ở dưới cánh tay hay giữa hai bầu ngực, cũng không bị kéo xốc bản lưng lên hay hằn lên vai.

- Khi cho bú, ngực bạn sẽ liên tục thay đổi, từ căng sữa trước khi bé bú đến xẹp lại sau khi bé đã bú xong. Hãy chọn áo có thành phần spandex ít nhất là 5% để áo có thể linh hoạt co giãn theo thay đổi này.

- Phụ nữ cho con bú thường cần thêm các miếng lót trong áo ngực để ngăn rò sữa, do vậy khi chọn mua áo nên chọn cúp áo vẫn còn chút khoảng cách để có thể lót thêm miếng lót.

>> Mời xem tiếp: Quần và các phụ kiện lót khác.

Chọn nội y cho mẹ mang thai và cho con bú – Áo ngực (P1)

(Webtretho) Khi mang thai, cuộc sống của mẹ thay đối rất nhiều từ tâm trạng, chế độ ăn uống và sinh hoạt cho đến diện mạo, trang phục và cả… nội y nữa. Mẹ sẽ rất ngạc nhiên về cỡ ngực của mình cũng như sự nhạy cảm ở vùng “tam giác”, và những điều đó đồng nghĩa với việc mẹ cần thay đổi ngăn kéo quần áo lót khá nhiều cho giai đoạn mang thai và cho con bú đấy.

Áo ngực, áo ngực, áo ngực

Trong thời gian mang thai, cơ thể mẹ sẽ thay đổi rất nhiều, do vậy mẹ sẽ rất cần những bộ đồ lót mới. Ảnh: Corbis.

Cố gắng tìm chiếc áo ngực “chuẩn” cho suốt thời gian mang thai dường như là điều không thể. Không chỉ ngực bạn thường xuyên thay đổi kích thước và hình dạng mà còn có những lúc chúng làm bạn đau đớn và khiến bạn chẳng muốn mặc áo ngực nữa.

Bạn có thể nghĩ đơn giản rằng trong thai kỳ thì chỉ cần mua những chiếc áo ngực cỡ lớn hơn, nhưng hầu hết các chuyên gia sản khoa khuyến khích thai phụ nên lựa chọn áo ngực loại dành cho bà mẹ đang cho con bú để thay thế. Ngực bạn sẽ thay đổi qua nhiều cỡ cúp ngực khác nhau, đặc biệt là ở tam cá nguyệt thứ ba và sau khi sinh. Nếu cho con bú, ngực bạn sẽ còn lớn hơn nữa khi các tuyến sữa tự điều chỉnh theo nhu cầu bú của bé (cỡ ngực của bạn sẽ ổn định lại khi hai mẹ con áp dụng chế độ ăn từ sữa công thức). Chiếc áo ngực được thiết kế đặc biệt cho phụ nữ cho con bú có thể điều chỉnh linh hoạt cúp ngực và vòng lưng phù hợp với cả bà mẹ mang thai và sau sinh.

Áo ngực cho bú khác áo ngực thường thế nào?

Phụ nữ mang thai thường băn khoăn với việc lựa chọn áo ngực cho bú vì nghĩ rằng loại áo này chỉ thiết kế để thoải mái chứ không nữ tính và hơi… xấu phom. Nhưng sự thể không đến mức ấy, các nhà sản xuất và kinh doanh đồ lót ngày nay hiểu rằng cả khi mang thai hay cho con bú, phụ nữ vẫn luôn muốn mình giữ được nét quyến rũ thời son rỗi.

Cũng như áo ngực thông thường, áo ngực cho bú có các móc điều chỉnh nằm sau bản lưng áo. Nếu như áo ngực thường chỉ có từ 1-3 nấc móc để thay đổi kích cỡ vòng lưng thì áo ngực cho bú sẽ có 4 nấc, thường có thêm móc phụ để có thể mở rộng thêm với miếng cài rời. Đa số bản lưng của áo ngực cho bú cũng rộng hơn để nâng đỡ các tuyến tạo sữa.

Áo ngực dành cho bà bầu và phụ nữ cho con bú có thiết kế đặc biệt cho sự phát triển của ngực và chức năng cho bú thuận tiện. Ảnh: Bare Necessities.

Các chi tiết hỗ trợ phần bầu ngực là điểm mà áo ngực cho bú khác hẳn với áo ngực thường. Để giúp bé dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận với bầu vú của mẹ khi cho bú, áo ngực loại này cho bạn một vài kiểu thiết kế mở nắp cúp ngực để lựa chọn. Loại phổ biến nhất có khóa cài ở trên cúp ngực (phần nối với dây treo) cho phép bạn lật phần cúp xuống; một thiết kế khác có mối ráp ở giữa hai cúp áo cho phép bạn lật nắp vải ra hai bên về phía nách. Một loại khác có thiết kế khoét lỗ ở phần đầu vú và mặc kèm các nắp rời được cài bên trong che kín đầu vú, bạn chỉ cần rút nắp vải này ra, cho con bú và cài lại sau đó (và cũng dễ dàng thay nắp rời trong trường hợp sữa chảy làm bẩn nắp). Tất cả các loại áo ngực cho bú đều được thiết kế để mẹ có thể dễ dàng thao tác bằng một tay trong khi tay kia bế em bé đang đòi bú.

Vải bông cotton thường được chọn để sản xuất áo ngực cho bú bởi đặc tính nhanh khô rất quan trọng để giữ cho đầu vú của bà mẹ được khô ráo trong giai đoạn cho con bú. Một số người cho rằng chất liệu vải tổng hợp sẽ không thông thoáng tốt như cotton, trong khi một số chuyên gia trong ngành trang phục lót cho rằng những loại áo ngực tân tiến được may từ các loại vải tổng hợp đặc biệt thông thoáng ngang ngửa nếu không muốn nói là còn hơn cả chất liệu vải cotton. Về vấn đề này, bạn hãy tham khảo kinh nghiệm từ các bà mẹ khác tại diễn đàn Webtretho để có lựa chọn tốt nhất. 

Thêm vào đó, những kiểu dáng áo khác nhau có thể thích hợp cho từng thời điểm khác nhau trong thai kỳ và những trải nghiệm cho bú. Bạn có thể dùng áo hỗ trợ điều chỉnh bản lưng trong những tuần đầu cho con bú, nhưng khi đã cho bú quen, kiểu áo không có bản cài sẽ tốt hơn cho việc sinh hoạt.

Chọn áo ngực thai sản và cho bú sao cho vừa vặn?

Chọn được chiếc áo ngực cho bú vừa vặn và phù hợp là rất quan trọng. Nếu bà mẹ cho con bú mặc một chiếc áo lót quá chật, nó sẽ chèn ép lên các mô ngực có thể dẫn đến tắc tuyến sữa. Để tránh các nguy cơ sức khỏe từ trang phục không vừa vặn, hãy lấy số đo cơ thể để đảm bảo chọn được kích cỡ đúng cho mình. (Bạn có biết rằng đến 80% phụ nữ đang mặc áo ngực không đúng cỡ với mình?)

Có hai cách đo cỡ áo ngực dành cho thai phụ và bà mẹ cho con bú:

Cách 1: tương tự cách đo cỡ áo ngực thường – phù hợp với thai phụ trong 6 tháng đầu thai kỳ

- Để đo cỡ áo phù hợp, hãy bắt đầu bằng cách mặc một chiếc áo ngực không độn và vừa vặn nhất với bạn vào lúc này. Tư thế đo là tư thế đứng thẳng trước gương. Nếu bạn cảm thấy khó khăn, hãy nhờ người thân hoặc nhân viên cửa hàng đo giúp.

- Quấn thước dây vừa khít quanh lồng ngực của bạn, ngay dưới chân ngực và đảm bảo là vòng dây song song với mặt sàn. Nếu bạn đang dùng thước dây chỉ chia cm, hãy đổi đơn vị này ra inch (1 inch = 2.54 cm) vì một số hãng áo lót sẽ ghi cỡ theo inch. Con số này chính là số đo vòng lưng của bạn. Nếu ra số lẻ, hãy làm tròn xuống nếu bạn muốn mặc sát hoặc làm tròn lên nếu bạn thích thoải mái một chút.

- Để lấy số đo cúp ngực, hãy vòng thước dây quanh chỗ đầy nhất của ngực bạn. Bạn cần giữ cho dây đo căng, không chùng và không quá chặt. Trừ con số bạn vừa đo được (đã đổi sang inch) với số đo vòng lưng rồi so sánh hiệu số này với bảng kích cỡ áo của nhãn hiệu mà bạn chọn (vì các hãng có thể có chuẩn kích cỡ khác nhau).

Ví dụ, nếu số đo vòng lưng của bạn là 41 inch và số đo vòng ngực là 38 inch, chênh lệch giữa hai vòng sẽ là 3 inch. Theo bảng kích cỡ của nhãn Medela, cỡ áo của bạn sẽ là 38C. Hoặc bạn có thể tham khảo cỡ áo theo đơn vị centimet ở bảng dưới:

Cách 2: phù hợp với thai phụ ở 3 tháng cuối thai kỳ và phụ nữ đang cho con bú

- Đo cúp ngực tương tư cách trên (tức là lấy số đo vòng đỉnh ngực trừ đi số đo vòng chân ngực).

- Đo vòng lưng bằng cách vòng thước dây ngay dưới nách và song song với sàn.

Lưu ý: các số đo nên được làm tròn lên và lấy trong vòng nhiều nhất là 2 tuần trước ngày dự sinh của bạn.

Nếu bạn đang trực tiếp thử áo tại cửa hàng, hãy chú ý mức độ thoải mái mà chiếc áo đem lại cho bạn. Nếu áo quá lỏng, ngực bạn sẽ không được nâng đỡ và bảo vệ tốt, nhưng nếu nó quá chật sẽ khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Hãy nhớ rằng ngực bạn sẽ lớn hơn nữa khi bạn bắt đầu cho con bú, không chỉ vậy bạn có thể sẽ cần dùng thêm giấy hoặc miếng lót ngực nữa. Hãy làm tròn lên một cỡ vòng lưng để “trừ hao” cho những thay đổi này.

Ngày nay, các hãng sản xuất áo ngực dành cho phụ nữ mang thai và cho con bú đã nhận thấy nhu cầu cỡ áo ngực lớn hơn so với trước. Cỡ cúp ngực lớn nhất hiện đã có đến cỡ H. Tuy nhiên, do đa số phụ nữ Việt Nam có vóc người nhỏ nên bạn có thể khó tìm thấy các cỡ “ngoại hạng” này ở các cửa hàng đồ lót thông dụng. Các cửa hàng trực tuyến chuyên nhận đặt hàng từ nước ngoài sẽ giúp bạn tìm được cỡ áo phù hợp với giá có thể không cao hơn bao nhiêu.

(Còn tiếp)