Kiên nhẫn:
Tạo dựng một gia đình mới cần nhiều thời gian. Chỉ vì bạn yêu chồng (vợ) mới của mình thì điều đó cũng không có nghĩa là bạn sẽ tự động yêu luôn cả con cái của anh/ cô ấy.
Bên cạnh đó cũng sẽ là vô lý nếu nghĩ rằng trẻ cũng... tự động yêu bạn. Vì thế, khó chấp nhận sự thật rằng dù bạn rất muốn có quan hệ tốt với con ghẻ của mình nhưng bọn trẻ lại chưa sẵn sàng để làm điều tương tự với bạn. Điều này đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn.
Chuẩn bị cho việc thích nghi:
Với những sự giúp đỡ và chỉ dẫn cần thiết, trẻ em sẽ dần hồi phục sau những rối loạn trong gia đình. Trẻ dù ở lứa tuổi nào cũng sẽ cảm thấy khó khăn để thích nghi sau một cuộc ly dị và tái hôn của bố (mẹ) chúng. Chính vì thế hãy giúp đỡ trẻ.
Cần nhiều thời gian:
Cần rất nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và có thể là cả sự giúp đỡ từ chuyên gia, thế nhưng sau một khoảng thời gian nhất định, trẻ em sẽ vượt qua được những vấn đề về tâm lý. Không kém phần quan trọng là người lớn cũng phải tự hồi phục những tổn thương tâm lý cũ để giúp trẻ thích nghi dần dần mà không gặp phải những trở ngại nào.
Tất cả các mối quan hệ đều cần thời gian, nhất là khi bạn đã đi làm và ít có thời gian nói chuyện với con ghẻ của mình.
Đừng nghĩ rằng gia đình mới sẽ giống như gia đình cũ:
Nếu bạn nghĩ rằng gia đình mới này cũng giống như gia đình trong cuộc hôn nhân đầu của bạn thì bạn đang chuẩn bị cho mình gặp phải thất vọng. Gia đình mới của bạn sẽ có những đặc điểm rất riêng và sẽ phát triển theo hướng riêng của nó cùng với bạn.
Chuẩn bị đối phó với những phức tạp:
Một gia đình với bố mẹ và con ghẻ luôn mang trong nó nhiều phức tạp. Hãy nghĩ về việc một đứa trẻ phải đối mặt với 2 gia đình hoàn toàn mới thì bạn sẽ hiểu. Tất cả thành viên trong gia đình – cả bố mẹ và con cái – đều phải học cách hiểu kết cấu của cuộc sống mới và tự thay đổi bản thân để hợp với nó.
Hãy cho bản thân và người xung quanh thời gian để đau buồn:
Một gia đình lắp ghép luôn bắt đầu với những trải nghiệm của mất mát, và ai cũng có nỗi đau buồn riêng. Những mất mát của người trưởng thành khác với những mất mát của trẻ em, và cả hai đều cần được tôn trọng. Người trưởng thành đau buồn vì những lý do sau:
- Sự mất mát một người bạn đồng hành
- Sự mất mát mối quan hệ hôn nhân
- Sự mất mát một ước mơ về hạnh phúc
- Sự đối mặt với những thay đổi lớn (thay đổi nhà cửa, công việc mới, những thay đổi trong cách sống).
Bên cạnh đó, trẻ con đau buồn vì:
- Chúng chỉ được sống với bố hay mẹ.
- Chúng ít có thời gian riêng với người bố (mẹ) đó vì họ phải làm quen, đi chơi và tái hôn với một người khác.
- Chúng cảm thấy không ổn định trong cuộc sống mới.
- Chúng cũng phải đối mặt với những thay đổi lớn như bố (mẹ) chúng.
- Tan vỡ giấc mơ về một gia đình hạnh phúc như trước.
Trong khi người lớn có nhiều cách để giải quyết nỗi đau, bên cạnh đó họ có thể có một người mới thì trẻ con, với ít sự tự do và lựa chọn hơn, sẽ rất khó khăn để giải quyết, chưa kể khi chúng phải chấp nhận một gia đình mới.
Nhận thức về việc thiếu bố (mẹ):
Khi một người bố hay mẹ biến mất vì bất kỳ lý do nào, đứa trẻ cũng cần sự thấu hiểu đặc biệt. Một người bố (mẹ) đang vắng bóng cũng là một phần quá khứ của đứa trẻ. Chính vì thế chúng phải được phép giữ những kỷ niệm, ký ức về người đó.
Những đứa trẻ vẫn có thể liên lạc với bố và mẹ ruột chúng, là những đứa sẽ dễ dàng thích nghi với việc ly dị nhất. Chúng phải được thường xuyên nói chuyện, thăm và viết thư cho người bố (mẹ) của mình.
Hãy rõ ràng về những quy định:
Tốt nhất, cả bạn và người mới nên cùng nhau bàn luận về danh sách các quy định của gia đình và những hình thức phạt. Sau khi cả hai đã đồng ý thì việc bạn cần làm là giải thích với lũ trẻ.
Những “gia đình ghép” thành công nhất đã học được rằng, các quy định phải được quyết định cùng nhau từ đầu. Người nhận trách nhiệm giải thích và quản lý lũ trẻ phải là bố (mẹ) ruột của chúng. Người bố (mẹ) ghẻ có thể tham gia vào công việc này nhiều hơn khi quan hệ của họ với đứa con ghẻ đã vững vàng.
Hãy học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia:
Hãy đọc các cuốn sách sách đề cập về trường hợp của mình, tham dự các lớp học hay các nhóm bàn luận, giúp đỡ về trường hợp của mình. Đừng ngần ngại tìm cả sự giúp đỡ của những chuyên gia về gia đình, khi phải đối mặt với những rắc rối khó giải quyết.
Chấp nhận suy nghĩ của trẻ:
Hãy chấp nhận sự thật là con ghẻ của bạn nghĩ rằng bạn và người chồng (vợ) mới của bạn sẽ chia tay. Chúng thậm chí còn ước mơ rằng quan hệ giữa hai người chỉ là nhất thời. Điều này gần như chắc chắn sẽ xuất hiện ngay từ lúc mối quan hệ giữa bạn và chúng bắt đầu.
Lường trước sự oán giận:
Dù bạn có là một người bố (mẹ) tốt đến mức nào đi nữa, bạn vẫn không phải là bố mẹ ruột của con ghẻ. Chính vì thế, cũng là tự nhiên khi trẻ có cảm giác oán ghét bạn, nhất là khi bạn cấm đoán chúng điều gì đó.
Hãy cho đứa con mới của bạn tình yêu:
Đôi lúc trẻ con cần tình yêu, nhất là lúc chúng khó chấp nhận tình yêu từ bạn- bố ( mẹ) ghẻ của chúng. Tuy nhiên hãy yêu trẻ, yêu gia đình mới của bạn và nỗ lực hết mình vì nó.
Meo.vn (Theo deti.ru)