Lưu trữ cho từ khóa: tiêu thũng

Bồ công anh – Những công dụng bất ngờ

Bồ công anh (có tên gọi khác là rau bồ cóc, diếp dại, rau bao...) - theo y học cổ truyền, có vị đắng ngọt, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng - có thể chữa các bệnh mụn nhọt, lở loét, viêm dạ dày-tá tràng, viêm gan, vú và các chứng viêm nhiễm khác.

Bồ công anh chứa nhiều  khoáng chất vi lượng như sodium, calcium, magne, potassium, đặc biệt là nguyên tố vi lượng sắt (cao hơn cả rau dền đỏ và rau muống). Trong lá và thân cây bồ công anh còn chứa các viatamin tốt cho mắt và da như vitamin A, hỗ trợ xương như vitamin B6, B1. So với rau ngót và cam, lượng vitamin C trong bồ công anh đạt tỷ lệ 49%/mg.

Trong Đông y dược cổ truyền, bồ công anh chữa trị hiệu quả một số bệnh như: chống loãng xương (người cao tuổi từ 50 trở lên, nhất là phụ nữ mãn kinh, hiếm muộn, vô sinh, cơ thể lao động quá sức bị suy nhược), chống rối loạn sự lọc máu của gan, xơ gan cổ trướng, tắc mật biến chứng thành u hoặc sỏi thận, điều trị thân nhiệt nóng do gan nhiễm mỡ sinh nám da... Dân gian thường trị bệnh nhiều mụn cóc ở tay, mặt, ngực bằng cách dùng bồ công anh cắt gốc, lấy nước dịch thoa lên các mụn cóc 3 lần/ngày, trong 3 ngày sẽ rụng mụn. Hái 100g lá, thêm 20g cà rốt, 10g bông cải xanh, nấu với 150ml nước, uống trong 5 ngày chữa tàn nhang, mụn nhọt, ghẻ lở, bệnh nấm da.

Khi mới sinh con, hầu hết các bà mẹ trẻ đều chưa có kinh nghiệm chăm sóc ngực khiến hiện tượng viêm tắc tia sữa xảy ra thường xuyên - không những em bé không được bú sữa mẹ mà chính các bà mẹ cũng phải chịu cảnh bầu vú sưng nóng, đau nhức khó chịu, thậm chí phát sốt... Dùng bồ công anh điều trị bệnh viêm, sưng vú, tắc tia sữa: lấy 100g lá  tươi, xay nhuyễn và nấu trong 150ml nước, chia 3 phần, uống  trong ngày như trà, liền 5 ngày sẽ hết đau, sữa nhiều.

Dưới đây là một số món ăn - bài thuốc có dùng bồ công anh:

Cháo bồ công anh: Gạo tẻ ngon 100g, bồ công anh 90g, đường trắng, nước đủ dùng. Gạo vo sạch. Bồ công anh rửa sạch, băm nhỏ cho vào nồi đổ nước sâm sấp đun chừng 30 phút, bắc ra bỏ bã lấy nước. Cho gạo vào nước bồ công anh hầm nhừ thành cháo rồi cho đường vào. Nên ăn nóng, ăn liên tục trong vòng 5 ngày, mỗi ngày 2 lần. Món ăn này có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, những người bị viêm tuyến vú giai đoạn hình thành áp-xe nên dùng.

Nước bồ công anh: Bồ công anh 50g, đường trắng 20g, nước đủ dùng. Bồ công anh rửa sạch, thái nhỏ, cho vào nồi, đổ nước đun chừng 30 phút, bắc ra lọc bỏ bã, cho đường trắng vào đun sôi là dùng được. Khi dùng, lấy bã đắp lên vú còn nước thì uống khi nóng. Bài thuốc này có công dụng thanh nhiệt, chữa đau nhức tuyến vú.

Bồ công anh nấu với thần khúc: Bồ công anh, thần khúc 50g, 900ml nước. Rửa sạch 2 vị trên rồi cho vào nồi, đổ nước vào đun, cô đặc còn khoảng 300ml nước cốt là được. Bài thuốc này có công dụng thanh nhiệt, giảm đau, chữa vú bị căng cứng, đau nhức.

Chữa uể oải , suy nhược, mất ngủ và làm mát gan bằng bài thuốc: 200g lá bồ công anh, 1 cái dựng (móng giò) heo, 100g rau ngót tươi, 250g đu đủ vừa chín hườm, nấu nhỏ lửa trong 250ml nước, còn 150ml là được, ăn trưa và chiều. Món ăn - bài thuốc này - theo nhiều người - là rất hiệu quả...

Meo.vn (Theo Thucphamvadoisong)

Thuốc ngâm phòng chống bệnh trĩ

Trĩ là một trong những bệnh lý thường gặp ở nước ta. Trĩ không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng không ít đến chất lượng cuộc sống, nhất là khi búi trĩ sa xuống không tự co lên được hoặc có biến chứng viêm tắc tĩnh mạch trĩ gây đau đớn, ngứa rát rất khó chịu. Một số ít trường hợp có thể dẫn đến áp – xe hoặc rò hậu môn khiến cho việc trị liệu gặp nhiều khó khăn.

Khổ sâm cho lá.

Y học cổ truyền đề cập đến bệnh trĩ từ rất sớm, các biện pháp trị liệu hết sức phong phú và có hiệu quả. Ngoài việc dùng thuốc uống trong, thuốc đắp, thuốc bôi… cổ nhân còn tiến hành lựa chọn các vị thuốc, bài thuốc nấu nước để ngâm rửa nhằm mục đích chống viêm, giảm đau, tiêu thũng, cầm máu… Bài viết này xin được giới thiệu một số bài thuốc điển hình để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

Bài 1: Hoàng bá 15g, bồ công anh 15g, khổ sâm 30g, hổ trượng 15g. Tất cả đem sắc với 2.000ml nước trong 20 – 30 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, để cho nguội đến chừng 45oC rồi ngâm rửa hậu môn trong 15 – 20 phút, mỗi ngày 2 lần sáng, chiều. Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp, hoạt huyết tiêu thũng, sát khuẩn chống ngứa, giảm đau, dùng cho các trường hợp trĩ nội sa nhiều không tự co lên được, trĩ ngoại, trĩ sau phẫu thuật.

Bài 2: Sinh đại hoàng 15g, mang tiêu 25g, nhũ hương 10g, một dược 10g, đào nhân 10g, hồng hoa 10g, hoàng liên 15g, chi tử 15g, khổ sâm 25g, hoè hoa 10g, hoàng bá 10g. Tất cả đem ngâm nước chừng 1 giờ, sau đó sắc trong 20 phút, bỏ bã lấy nước, trước xông sau ngâm rửa hậu môn, mỗi ngày 2 lần. Công dụng: Thanh nhiệt lợi thấp, tiêu viêm trừ thũng, hoạt huyết giảm đau, dùng rất tốt cho những trường hợp trĩ ngoại, trĩ viêm tấy hoặc có biến chứng tắc mạch, trĩ sau phẫu thuật.

Bài 3: Hoàng bá 12g, khổ sâm 12g, kim ngân hoa 12g, kinh giới 12g, sau sau 12g, phèn phi 5g, ngũ bội tử 10g, tô mộc 12g, nghệ vàng 12g, bồ công anh 20. Tất cả đem sắc với 2.000ml nước trong 20 phút, bỏ bã lấy nước, để nguội bớt rồi ngâm rửa hậu môn trong 15 – 20 phút. Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt trừ thấp, hoạt huyết tiêu viêm, giảm đau cầm máu, chống phù nề và làm co búi trĩ, dùng thích hợp cho tất cả các thể loại trĩ.

Cách chế phèn phi: Cho phèn chua vào chảo gang, đun nóng chảy, phèn bồng lên, đến khi hết bồng thì tắt lửa, để nguội rồi lấy ra, cạo bỏ phần đen, chỉ lấy phần trắng và đem tán mịn, đựng trong lọ kín để dùng dần.

Bài 4: Xuyên tâm liên, tua rễ cây đa, phác tiêu đều 750g, đại hoàng, ngũ bội tử, kinh giới, phòng phong đều 375g. Tất cả các vị (trừ phác tiêu) đem sắc kỹ, bỏ bã lấy nước cốt chừng 1.500 ml, hòa phác tiêu vào, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi lần lấy 100ml pha thêm nước cho đủ 3.000ml, ngâm rửa hậu môn trong 20 phút, mỗi ngày 2 lần sáng và chiều.

Bài 5: Đương quy, sinh địa du, đại hoàng, hoàng bá đều 30g, phác tiêu 60g. Tất cả các vị (trừ phác tiêu) đem sắc kỹ với 2.000 ml nước trong 15 phút, lấy nước bỏ bã, hòa phác tiêu vào và ngâm rửa hậu môn trong 15 – 20 phút. Công dụng: Thanh nhiệt trừ thấp, hoạt huyết chỉ huyết, chống viêm tiêu thũng, dùng cho mọi thể loại trĩ, đặc biệt tốt với trĩ ngoại gây viêm tắc tĩnh mạch biểu hiện bằng các triệu chứng búi trĩ nằm ngay rìa hậu môn, màu tím thẫm, sưng đau, bên trong có huyết cục.

Bài 6: Ngư tinh thảo (rau diếp cá) 60g, mã xị hiện (rau sam) 30g, bại tương thảo 30g, phèn phi 10g. Tất cả đem sắc kỹ với 2.000ml nước, bỏ bã lấy nước, để nguội rồi ngâm rửa hậu môn trong 20 phút, mỗi ngày 2 lần sáng và chiều. Công dụng: Thanh nhiệt giải độc, trừ thấp, hoạt huyết hoá ứ, làm co búi trĩ, thường dùng cho trĩ ngoại có biến chứng viêm tắc tĩnh mạch.

Bài 7: Xuyên khung 15g, đương quy 30g, hoàng liên 12g, hoa hoè 30g. Tất cả đem sắc với 1.500ml nước trong 20 phút, bỏ bã lấy nước, ngâm rửa hậu môn trong 20 phút. Công dụng: Thanh nhiệt trừ thấp, hoạt huyết hoá ứ, cầm máu, chuyên dùng cho những trường hợp búi trĩ sa xuống, chảy máu, đau rát.

Ngoài ra, với tất cả các thể loại trĩ, có thể sử dụng nước sắc của các dược liệu như lá bàng, rau diếp cá, lá liễu, lá phù dung, lá sung, rau sam, lá hồ đào, đại hoàng, khổ sâm, ngũ bội tử, bồ công anh, lá trà tươi… để ngâm rửa. Có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp vài ba vị với nhau.

ThS. Hoàng Khánh Toàn