Lưu trữ cho từ khóa: tiết canh

4 món đặc sản dẫn đến chết người của người Việt

Những món ăn này nổi tiếng là độc, nhưng không ít người Việt vẫn liều ăn để rồi phải trả giá bằng cả tính mạng.

- Tiết canh:

4 món đặc sản dẫn đến chết người của người Việt

Tiết canh là món ăn được rất nhiều người Việt Nam ưa thích. Nhưng món khoái khẩu này cũng gây ra không ít vụ ngộ độc, thậm chí chết người.

Bệnh nhân Trần Văn Anh (39 tuổi ở Ninh Bình) bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh đã tử vong sau 3 ngày nhập viện điều trị. Đây là trường hợp tử vong thứ hai tại Bệnh viện Nhiệt đới trung ương từ đầu năm đến nay liên quan đến dịch bệnh này. Tiết canh là món ăn đầy cạm bẫy chết người đã được nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo.

4 món đặc sản dẫn đến chết người của người Việt2

Nguyên nhân gây tử vong là do vi khuẩn liên cầu lợn (Streptococcus suis) gây ra. Khi mắc bệnh do liên cầu lợn, người bệnh thường có sốt cao, đau đầu, ù tai, xuất huyết dưới nhiều dạng khác nhau như xuất huyết dưới da từng mảng, đôi khi gây hoại tử, xuất huyết tiêu hóa.

Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể bị nhiễm độc tố rất nặng với các biểu hiện như tụt huyết áp, mạch nhanh, nhỏ, trụy tim mạch, suy hô hấp… Tỷ lệ tử vong của bệnh này là khoảng 7%.

- Côn trùng:

Các loài côn trùng như dế, ve, nhộng sầu… từ lâu vẫn được coi là những món ăn rất hấp dẫn. Tuy nhiên, các loại côn trùng này có thể khiến người ăn phải bị rối loạn tiêu hóa, hôn mê và dẫn đến tử vong.

4 món đặc sản dẫn đến chết người của người Việt3

Có 2 nguyên nhân ngộ độc côn trùng:

Thứ nhất là do côn trùng có chứa một số chất gây dị ứng. Điều này dễ nhận thấy nhất là nhộng, một món ăn bổ dưỡng nhưng không ít người ăn xong bị dị ứng. Đây là do cơ địa của từng người, có những người cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong nhộng nên bị dị ứng.

Thứ hai, côn trùng bắt ngoài tự nhiên, không phải là côn trùng sạch như nhiều người tưởng. Trên thân của nhiều loại côn trùng có chứa các loại nấm độc, giun tròn, bọ chét, rận, ve… Vì thế, khi sử dụng làm thức ăn, nếu không xử lý sạch sẽ có thể dẫn đến ngộ độc, nặng hơn nữa là tử vong.

- Gỏi sống:

4 món đặc sản dẫn đến chết người của người Việt4

Các loại gỏi sống ẩn chứa những nguy cơ gây nhiễm sán lá gan nhỏ, dẫn đến tắc mật, sỏi hoặc ung thư đường mật, viêm phúc mạc, ung thư gan… những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

- Nem chua:

4 món đặc sản dẫn đến chết người của người Việt5

Cũng giống như gỏi sống, nem chua làm từ thịt động vật, được chế biến mà không qua công đoạn nấu chín. Đồng thời, công đoạn chế biến nem chua không đúng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm cũng chứa nhiều ẩn họa khôn lường cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia y tế, nem chua chưa chín, mất vệ sinh… ngoài nguy cơ ngộ độc thực phẩm còn tiềm ẩn các tác nhân gây bệnh như: bệnh giun xoắn, liên cầu khuẩn lợn…

Theo TTVN.vn

Sán lợn sống trong não vì mê tiết canh, nem chạo

 

“Gần 30 bệnh nhân điều trị mỗi năm tại BV Nhiệt đới TƯ đều có thói quen ăn tiết canh, nem chạo thường xuyên”, TS.BS Nguyễn Như Lâm, Trưởng khoa Vi rút - Kí sinh trùng, cho biết.

Người nổi “gạo” vì sán lợn

TS Lâm cho biết, nguy cơ mắc sán lợn cao khi ăn đồ sống như tiết canh lợn, thịt lợn chưa nấu chín. Những con lợn mà dân gian vẫn hay gọi là “lợn gạo” thực chất là lợn bị nhiễm sán. Bản chất hạt gạo trong con lợn là nang ấu trùng của sán. Khi ăn phải thịt lợn gạo nấu chưa chín, ăn tiết canh những con lợn này vào người, nang ấu trùng nở ra, phát triển trong cơ thể để trở thành sán dây trưởng thành và gây bệnh.

Hình thức nhiễm sán lợn thứ hai, đó là khi con lợn nhiễm sán thải phân ra ngoài kèm theo trứng sán. Nếu người nuốt phải trứng sán này do ăn phải thức ăn nhiễm trứng sán như rau sống, tiết canh (trứng sán trong phân có nguy cơ dính vào tiết canh trong quá trình chọc tiết lợn) và bị nhiễm ấu trùng sán lợn.

Khi trứng vào trong cơ thể nó phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng sán lợn có khả năng xuyên qua niêm mạc đường tiêu hóa, cư trú ở tất cả các hệ thống từ cơ vân đến cơ tim, cơ hoành, nổi những hạt li ti trên da như con lợn gạo. Còn nếu sán lợn đi lên não, mắc lại đây, phát triển lớn lên gây bệnh sán não.

Tưởng động kinh lại hóa… sán não

Qua thực tế điều trị, TS Lâm cho biết, đa phần người bệnh nhiễm sán não đến viện khám vì lo lắng bị đau đầu, tiền đình, động kinh nên mọi người đều hết sức hoảng hốt hình ảnh phim chụp cắt lớp lại phát hiện sán làm tổ trong não.

Khi mắc sán não, người bệnh có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, nôn, có thể có các cơn co giật kiểu động kinh. “Chính vì đặc điểm này mà bệnh sán não dễ chẩn đoán nhầm động kinh, nhất là ở tuyến y tế cơ sở. Nhưng khi đi chụp cắt lớp, hình ảnh nang sán não dễ dàng được phát hiện, bởi nang sán có kích thước khá to, có những nang lớn từ 0,5 - 1cm. Đây chính là nguyên nhân gây những biểu hiện đau đầu, nôn, co giật cho người bệnh”, TS Lâm nói.

ThS Đỗ Trung Dũng, Trưởng Khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét ký sinh trùng TƯ cho biết, biểu hiện của nhiễm nang sán rất phong phù, tùy thuộc vào vị trí mà các nang sán cu ngụ. Ấu trùng sán có thể đi bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể nhưng thường tập trung nhiều ở cơ, mắt, và đặc biệt là não, trong hệ thần kinh trung ương, chiếm 60-80% các trường hợp. Khi cư trú vùng cơ, gây các tổn thương thì trên da người bệnh xuất hiện các nang nhỏ bằng hạt đỗ hoặc hạt dẻ, tròn, chắc, không đau, di động trên nền sâu và lăn dưới da, màu da ở trên bình thường. Còn khi cư trú ở não gây các triệu chứng động kinh, co giật, nhìn mờ, mù mắt, tăng áp lực nội sọ, đau đầu kéo dài…”Đáng nói, biểu hiện của sán lợn trong não dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với một số bệnh thần kinh khác. Bởi người bệnh thường có đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, trí nhớ giảm sút, bại chân tay, rối loạn cảm giác, liệt, tăng áp lực nội sọ…Vì thế, rất nhiều bệnh nhân có ấu trùng sán lợn trong não đến viện sau cả quá trình dài vài năm đi khám ở nhiều nơi mà không phát hiện ra bệnh”, BS Dũng nói.

TS Lâm cho biết thêm, với những bệnh nhiễm kí sinh trùng nếu không tái nhiễm sẽ tự khỏi do kí sinh trùng sống có thời hạn trong cơ thể. Nhưng thực tế, người bệnh đã bị nhiễm kí sinh trùng thì thường liên tục bị tái nhiễm do thói quen ăn uống. Nếu nhiễm kí sinh trùng liên tục, bệnh không tự khỏi, các nang sán này có thể để lại di chứng não cho người bệnh, chính vì vậy mà việc phát hiện, điều trị và phòng tái nhiễm kí sinh trùng là vô cùng quan trọng.

“Nhất là với những bệnh nhân bị nang sán gây tổn thương ở những ống dẫn lưu, lưu thông ổ dịch não tủy từ trên não, gây tắc, gây giãn não thất, ứ nước trong não thì việc phát hiện sớm rất quan trọng để tiến hành phẫu thuật. Còn bình thường, với sán não người bệnh chỉ cần điều trị nội khoa mà không có chỉ định phẫu thuật”, TS Lâm nói. Còn nếu được phát hiện sớm bệnh nhân sẽ khỏi hẳn các triệu chứng do ấu trùng sán gây ra, song nhiều trường hợp có thể để lại hiện tượng các nốt vôi hóa trong não do bị nang sán quá lâu không được điều trị.

Để phòng bệnh, cần phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh tiếp xúc với môi trường đất, cần rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, quản lý tốt nguồn phân, không dùng phân tươi để tưới rau… Tuyệt đối không ăn thịt lợn gạo, tiết canh, nem thính, nem chạo, thịt lợn tái, điều trị người bệnh khi có biểu hiện nhiễm sán dây…

(Theo Dân Trí)

 

Thận trọng ngộ độc thực phẩm mùa thi

Có mặt vào thời điểm nghỉ trưa của các sĩ tử tại những quán cơm bình dân mới có thể cảm nhận được không khí ngột ngạt tại đây. 

 


Dễ bị ngộ độc thực phẩm?!

Hầu hết những quán ăn bình dân phục vụ sĩ tử và người nhà đều được mở gần những trường đại học, cao đẳng. Nhiều thí sinh sau khi đã trải qua thời gian làm bài căng thẳng, mệt mỏi, tiếp tục phải chờ đợi để được ăn trưa, khiến tâm sức của họ có phần không ổn định. Do lượng khách đông, nên việc đợi từ 15-20 phút cho bữa trưa là việc dễ dàng nhận thấy. Có thí sinh sau khi nhận được phần ăn của mình thì cũng cảm thấy thấm mệt, mất cảm giác đói. Chưa kể đến việc những món ăn được chế biến nhanh, chất lượng không được tốt, không hợp khẩu vị của nhiều khách hàng.

Có những thí sinh sau khi ăn vội vàng những bữa ăn tại quán cơm bình dân gần trường đại học, đã bị đau bụng, dẫn đến việc ôn tập và chuẩn bị tâm lý, sức khỏe cho kỳ thi không được đảm bảo. Nôn, tiêu chảy cấp… là những dấu hiệu dễ nhận biết của việc bị ngộ độc thực phẩm. Nhiều thí sinh đã gặp phải những dấu hiệu đó và đành phải ngậm ngùi tạm biệt kỳ thi để điều trị.

Vẫn biết những quán cơm bình dân cạnh cổng trường đại học, cao đẳng có chất lượng vệ sinh không cao, nhưng sĩ tử và người nhà của họ cũng không thể có sự lựa chọn nào khác. Bởi sau khi thi xong môn đầu tiên, họ sẽ dành thời gian nghỉ ngơi và ăn trưa ngay gần trường, để sau đó tiếp tục bước vào môn thi tiếp theo. Nhiều vị phụ huynh còn cho rằng ăn gần trường tuy không ngon, không đảm bảo vệ sinh nhưng vẫn phải “nhắm mắt” ăn cho qua bữa, vì nếu đi xa để ăn trưa thì sẽ không còn thời gian nghỉ ngơi cho thí sinh.

Kinh nghiệm ăn cơm bình dân

Nhiều thế hệ sinh viên, học sinh đều trải qua nhiều bữa ăn tại những quán cơm bình dân đã truyền đạt lại cho thế hệ sau, và “phổ biến” thêm nhiều kiến thức phòng tránh ngộ độc thực phẩm. Do thời tiết nắng nóng, dẫn đến việc những món ăn không được ngon, nóng sốt, dễ ôi thiu… lời khuyên đầu tiên dành cho các sĩ tử là nên lựa chọn những món ăn đơn giản, không quá cầu kỳ về chế biến, vì những món như chiên, rán thường được tẩm ướp rất kỹ, sẽ không có lợi cho sức khỏe.

Những món ăn thường được quán cơm bình dân tẩm ướp kỹ càng như thịt sốt cà chua, thịt xào rau, rau xào… nếu có thể thì không nên thưởng thức. Nhiều bạn thí sinh còn cẩn thận khi chọn những món ăn đơn giản và thường ngày hay ăn để có thể “quen bụng”. Đôi khi ăn những món ăn lạ, khó tiêu cũng có thể gây không ít phiền toái cho các sĩ tử. Tiếp theo, khi ăn cơm bình dân không nên chọn những loại thức ăn còn sống như nem chua, tiết canh, mắm tôm, các loại rau sống… Vì những loại thức ăn này chưa qua chế biến, dễ gây đau bụng, ngộ đôc thực phẩm.

Ngoài ra, các sĩ tử cũng không nên uống những loại nước nhiều màu sắc, không nên lạm dụng uống nước đá để giải khát vì rất có thể sẽ bị rối loạn tiêu hóa. Bên cạnh đó, ngoài việc sử dụng thức ăn tại những quán cơm bình dân, các sĩ tử cũng nên chuẩn bị cho mình những món đồ ăn sẵn từ nhà như ruốc, bánh mỳ… để đề phòng tình trạng đau bụng, rối loạn tiêu hóa trong khi thi. Có thể mua thêm những hoa quả sạch, sữa để bổ sung chất dinh dưỡng sau khi ăn những món ăn đơn giản như đã nói ở trên.

 (Theo ANTD)