Thay đổi khuôn mặt, hút mỡ vùng đùi và bắp chân, nâng ngực, từ Seoul tới Surabaya (Indonesia), người châu Á ngày càng chuộng phẫu thuật thẩm mỹ.
Năm 18 tuổi, Saeko Kimura là một sinh viên đại học tính tình nhút nhát, đôi mắt lúc nào cũng như thiếu ngủ. Cho tới khi Kimura phát hiện ra vũ khí bí mật: nếu cô sử dụng một dải keo mỏng lót lên mi, hai mắt cô trông sẽ to hơn, tròn hơn và tất nhiên đẹp hơn.'Các chàng trai bắt đầu để ý tôi', Kimura tâm sự. 'Tôi trở nên hoạt náo hơn và cuộc sống dường như mới thực sự bắt đầu'. Không những thế, vẻ ngoài mới mẻ còn mang tới cho cô công việc part- time lý tưởng tại quán bar dành cho dân VIP, nơi Kimura nhận mức lương vốn được định đoạt dựa trên mức độ xấu đẹp của mỗi người. Tuy nhiên, Kimura thường xuyên phải sống trong nỗi lo sợ bị phát hiện, chưa kể việc liên tục phải vào phòng tắm để bôi lại lớp keo lên mi mắt và không bao giờ dám ra biển. Đến năm 21 tuổi, cô tìm đến văn phòng một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Tokyo. Bác sĩ Katsuya Takasu, tay cầm chiếc kim to, nhẹ nhàng cười bảo:'Sẽ đau một chút đấy nhé!' Khi thuốc gây tê phát huy tác dụng, Takasu lấy kim và khâu chỉ xuyên qua lớp mi mắt trên tạo thành một nếp mí vĩnh viễn. Sau đó, bác sĩ dùng một chất lỏng có tên gọi hyaluronic acid bơm vào mũi và cằm Kimura, Takasu nói:'Những vết phồng rộp sẽ xẹp xuống sau vài ngày nữa'. Soi vào chiếc gương cô ý tá vừa mang tới, Kimura biết rằng dù những chỗ phẫu thuật vẫn đang sưng đỏ nhưng đây đúng là khuôn mặt cô hằng mơ ước: mắt tròn, mũi cao và cằm sắc nét. Tất cả quá trình đem lại diện mạo mới cho Kimura chỉ diễn ra trong chưa đầy 10 phút!
Cơn sốt dao kéo
Ở rất nhiều nơi tại châu Á, phụ nữ và đang ngày càng có nhiều nam giới miệt mài với việc làm đẹp bằng dao kéo phẫu thuật, những đường khâu, mũi tiêm cấy ghép. Tất cả đều khao khát một vẻ ngoài đẹp đẽ hơn.
Trong quá khứ, châu Á chậm chân hơn so với các nước phương Tây trong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ bởi kỹ năng hạn chế của bác sĩ, định kiến của xã hội và nhu cầu từ phía khách hàng không cao. Nhưng ngày nay, phẫu thuật thẩm mỹ trở thành mốt, nở rộ từ quốc gia này đến quốc gia khác. Ở Đài Loan, chỉ tính riêng năm ngoái, đã có cả triệu ca phẫu thuật làm đẹp, gấp đôi so với 5 năm trước. Ở Hàn Quốc, bác sĩ phẫu thuật ước tính trong số 10 người, có ít nhất 1 người từng trải qua dao kéo để chỉnh sửa ngoại hình. Chính phủ Thái Lan thậm chí còn đề xuất và đã đưa vào thực hiện các tour du lịch liên quan tới việc phẫu thuật thẩm mỹ. Còn tại Nhật Bản, tiểu phẫu thuật để làm đẹp cũng góp phần đáng kể giúp các bệnh viễn hàng đầu bỏ túi 100 triệu USD/năm.
Bất cứ nơi nào trên khắp châu Á, sự bùng nổ dịch vụ làm mới bản thân càng ngày càng sâu rộng dù không thể thống kê hết trên văn bản. Thực tế, bên cạnh mỗi bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ có trình độ và được cấp phép đàng hoàng, vẫn nhan nhản rất nhiều bác sĩ chui. Indonesia là ví dụ điển hình cho vấn đề này. Chỉ có 43 bác sĩ phẫn thuật có giấy phép hành nghề trên tổng số dân số 230 người. Trong khi đó, có tới 400 ca phẫu thuật thẩm mũi trái phép diễn ra hàng tuần, tính riêng ở thủ đô Jarkata. Tại Thẩm Quyến, thành phố trẻ của Trung Quốc, hàng ngàn trung tâm làm đẹp khoa học không phép đua nhau mọc lên, quyến rũ từng đoàn người đổ xô đến với mong muốn một chiếc mũi xinh, một đôi mắt ướt át - giờ đây được xem là những trang sức hoàn hảo bên cạnh xe hơi và quần áo mới.
Nhưng kết quả cuộc phẫu thuật ấy chẳng khác nào thảm họa đối với nạn nhân. Theo China Quality Daily - chuyên trang bảo vệ người tiêu dùng chính thức ở Trung Quốc, trong vòng 10 năm qua, tòa án đã thụ lý trên 200.000 đơn kiện buộc tội những bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ chui. Hậu quả nặng nề nhất xảy đến với bệnh nhân thuộc các khu vực như Thâm Quyến vốn nổi tiếng với chu trình làm đẹp giá siêu rẻ. 'Bất kỳ một người nào đó, chỉ với chút giấy tờ chứng nhận, dù có tài năng thực sự hay không, đều có thể tiền hành phẫu thuật thẩm mỹ', bác sĩ Philip Hsieh ở Hồng Kông nhận xét. 'Họ sử dụng tất cả những thứ bị cấm chỉ vì khát tiền. Nhưng rất nhiều người lại không hề biết rằng họ đang dấn thân vào một việc mạo hiểm đáng sợ dường nào'. Không thể phủ nhận, từ xa xưa, người châu Á đã chấp nhận nhiều đau đớn vì mục đích làm đẹp. Điển hình là tục bó chân của phụ nữ Trung Quốc thời xưa. Các bé gái phải bó chân thật chặt bằng vải ngay từ khi còn nhỏ bởi sau này lớn lên, bàn chân thon gọn mới được coi là đẹp dù sự thon gọn ấy không hề tương ứng với trọng lượng cả thân người và có thể phải trả giá bằng việc các ngón chân bị thối rữa, bốc mùi khó chịu và dính liền với nhau trong quá trình bó.
Châu Á đang lạm dụng phẫu thuật thẩm mỹ?
Ngày nay, một vấn đề thuộc phạm trù văn hóa được lưu tâm là ngày càng có nhiều người châu Á viện tới phẫu thuật thẩm mỹ để trông giống với người phương Tây hơn. Không ít người muốn phủ nhận thực tế này và một số khác thì đổ lỗi cho sự 'xâm lăng' của Hollywood, truyền hình vệ tinh, quan niệm thẩm mỹ của người châu Á đã thay đổi đáng kể. Họ muốn mắt to hơn, mũi cao hơn và ngực đầy đặn hơn - đây vốn là những nét không đặt trưng của cư đân châu Á. Để đáp ứng nhu cầu làm đẹp chưa bao giờ có dấu hiệu suy giảm ấy, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở đây buộc phải sáng tạo nên những kỹ thuạt độc đáo. Cho tới thời điểm này, nâng mí mặt là loại hình phẫu thuật thẩm mỹ số 1 ở châu Á trong đó, phẫu thuật dạng này ở Mỹ chủ yếu liên quan tới việc xóa quầng mắt và làm tan bọng mỡ quanh mắt. Tương tự, người phương Tây thường tiêm botox (botulinum toxin) để xóa nếp nhăn tuổi tác trong khi ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, botox được tiêm chủ yếu vào má để các cơ co lại giúp da săn chắc, mịn màng.
Ngoài khuôn mặt, người châu Á còn muốn 'cải thiện' cơ thể bằng cách hút bớt mỡ cho thân hình gầy thêm, kéo dài chân và nâng ngực - giống như vẻ ngoài của phương Tây giờ đây mang tính phổ biến toàn cầu. Bác sĩ Sub In Seock, chuyên gia phẫu thuật ở Seoul, đang cố gắng tìm ra cách tốt nhất để làm đẹp vùng bắp chân sao cho thon và thẳng (trong tiếng Hàn gọi là muu-dari và tiếng Nhật gọi là daikon-ashi). Thủ thuật hút mỡ, vốn hiện quả với người phương Tây do họ có hai cẳng chân chắc thịt nhưng lại không mấy tác dụng với người châu Á do đặc tính chân nhỏ, nhiều cơ hơn là mỡ. Bác sĩ Sub cho biết những kỹ thuật 'bóp' bụng chân đầu tiên đều thất bại, gây đau đớn khiến cho bệnh nhân đi lại cực kỳ khó khăn. 'Cuối cùng, tôi phát hiện ra bằng cách cắt đứt một dây thần kinh phía sau đầu gối, các cơ sẽ bị teo đi. Do đó, có thể thu nhỏ kích cỡ bụng chân tới 40%' Kể từ năm 1996, bác sĩ Sub đã tiến hành hơn 600 ca phẫu thuật. Phẫu thuật thẩm mỹ với người châu Á ngày nay còn gắn liền với vấn đề giới tính. Ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia, nơi trinh tiết luôn được đề cao, các cô gái trẻ thường đi vá màng trinh vào trước đêm tân hôn. Ở Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc, nam giới cũng nhờ tới dao kéo phẫu thuật để chỉnh sửa bộ phận sinh dục, một phần để tránh bị xấu hổ khi tắm chung. Tại Thái Lan, với số lượng đông đảo những người chuyển giới, phẫu thuật thẩm mỹ biến đổi từ nam thành nữ là một trong những ngành kinh doanh vô cùng phát đạt.
Một ngàn lẻ một lý do cho dao kéo
Thông thường, hầu hết người châu Á muốn trải qua dao kéo phẫu thuật để làm đẹp là phụ nữ. Nhưng ngày nay số lượng nam giới tìm đến bác sĩ thẩm mỹ để thay đổi diện mạo ngày cành tăng. Bác sĩ Takasu, người đã phẫu thuật cho cô sinh viên Kimura trong ví dụ đầu tiên, cho biết: 'Người ta thường nghĩ đàn ông mà quá lo lắng cho vẻ ngoài của mình đều là những kẻ rỗng tuếch. Nhưng sự thật là khi bạn già đi, bạn sẽ cũng sẽ bị đối xử như thế'. Sau đó, bác sĩ đến bên máy tính và mở ra tấm ảnh một người đàn ông trông có vẻ khắc khổ, thiếu sức sống. 'Đây chính là tôi 4 năm về trước', Takasu nói bằng giọng cười đầy thích thú và mãn nguyện. 'Tôi đã nâng mặt, tiêm hóa chất. Tôi còn nhờ một đồng nghiệp gắn một sợi dây bằng vàng vào cằm để nó không bị chảy xệ'. Vừa nói, Takasu vừa thực hiện các động tác minh họa như nháy mắt, vận động cơ hàm và nghiêng nghiêng mái tóc nhuộm nâu. Trông trẻ hơn cả chục năm so với tuổi thực 57, vị bác sĩ này đã sử dụng chính khuôn mặt của mình như một cách quảng cáo thuyết phục nhất cho công việc kinh doanh.
Giờ đây, việc làm đẹp luôn đi kèm với chi phí, với túi tiền và người châu Á không ngần ngại vung một khoản tiền lớn với tần suất chưa từng có từ trước đến nay cho sở thích tốn kém này. 'Ai mà chẳng muốn mình xinh đẹp hơn. Vẻ đẹp ngoại hình bây giờ là một cách để khoe với thiên hạ về sự giàu có', bác sĩ He Xiaoming, thuộc Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ của Hiệp hội Y tế Bắc Kinh lý giải. Một bác sĩ khác ở Đài Loan, cô Jean Lin cho biết: 'Khi tình hình kinh tế đi lên, tôi có thêm nhiều khách hàng. Nhưng khi mọi thứ có dấu hiệu suy giảm, các cuộc hẹn phẫu thuật thẩm mỹ của tôi cũng giảm theo'.
Mặt khác, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động cũng buộc mọi người phải tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ bởi ngoại hình, không thể phủ nhận, là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ấn tượng đầu tiên (và rất có thể là cơ bản) với nhà tuyển dụng. Ở Nhật, công nhân làm công ăn lương đều rất sốt sắng với 'seikei' - phẫu thuật thẩm mỹ để mong có cơ hội tìm được việc làm ưng ý. Chủ một trung tâm làm đẹp ở Thâm Quyến thì khẳng định:'Trung Quốc có quá nhiều dân. Làm thế nào để bạn trở nên nổi bật trong số 1,3 tỷ người? Hãy tưởng tượng nếu ông chủ của bạn nhìn thấy hai người năng lực tương đương nhau. Ông ta rõ ràng sẽ chọn người có ngoại hình khác hơn'.
Ở Trung Quốc, làm đẹp nhờ phẫu thuật thẩm mỹ là cách để thể hiện sự giàu sang và cũng là phương tiện để đạt được giàu sang. Tại bãi đỗ của Bệnh viện chuyên phẫu thuật thẩm mỹ chủ nhân của chúng chắc chắng là những đại gia đậu chen chúc nhau. Một trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ khác ở Xi-an, thành phố phía tây Trung Quốc lại hướng tới đối tượng bình dân hơn. Họ cho treo những tấm phướn khổng lồ trên đó giới thiệu ưu đãi giảm 50% cho sinh viên nữ muốn vá màng trinh với lý do 'để giúp bạn đạt được đỉnh cao trong thành tích học tập lẫn ghi điểm về ngoại hình'.
Còn ở Thái Lan, ngay cả chính phủ cũng nhận thấy phẫu thuật thẩm mỹ là ngành kinh doanh cực kỳ béo bở, có thể đem lại nguồn thu khổng lồ cho ngân sách. Bộ du lịch Thái đã trợ giúp cho việc quảng bá các học viện như Bệnh viện Bumrungrad tới khách du lịch ngoại quốc vốn chiếm tới 1/3 số bệnh nhân đến đây. Giám đốc các chương trình quốc tế của bệnh viện tự hào nói: 'Chúng tôi giống như một sản phẩm đắt hàng'. Tọa lạc trên một khu phố sầm uất ở thủ đô Bangkok, bệnh viện 12 tầng trị giá 90 triệu đố chẳng khác nào một khác sạn 5 sao với dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ cao cấp kém theo các dịch vụ khác như Internet tốc độ cao, Starbucks.
Cho dù là vì sĩ diện, vì thể hiện cái tôi hay vì lý do nào khác, tất cả chùng ta đều muốn đẹp hơn, trẻ hơn, hấp dẫn hơn. Hãy nghĩ tới những quan niệm về vẻ đẹp: cái đẹp tùy thuộc vào con mắt người nhìn, cái đẹp giết chết con quái vật, tốt gỗ hơn tố nước sơn... Hàng triệu người dân châu Á có vẻ rất ít tin vào quan niệm sau cùng khi họ quyết định tìm đến dao kéo để mong có được vẻ đẹp nhân tạo mà họ có thể thường xuyên thay đổi như miếng silicone mềm dẻo trong tay bác sĩ.
(Theo GD)